Truyện Ngắn Vạc Sành Kêu Sương - Triệu Vẽ

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Hơn nửa đời hư, 31 Tháng mười 2019.

  1. Hơn nửa đời hư

    Bài viết:
    10
    VẠC SÀNH KÊU SƯƠNG

    Tác giả: Triệu Vẽ

    Trời sụp tối nhanh như mi mắt trẻ con buồn ngủ. Lôi chiếc xe đạp hom hem bong tróc lên vỉa hè, Cảnh ngồi thở dốc. Dạo gần đây cô thường xuyên nghe những cơn váng vất tựa trẻ con chơi ú òa, chạy ù đến chạm vào mình rồi rời đi nhanh như một vệt sáng. Ngày nhỏ Cu Tỉnh thích mê trò mẹ nấp trong cái mền rồi thình lình ló đầu ra "ú òa'. Vậy là cười! Tiếng cười trong tựa ly vỡ. Không dưng Cảnh nhớ, những ngày mưa ẩm ương, gió vờn nhau huỳnh huỵch trên mái nhà, hai mẹ con cứ lần xần quanh chiếc giường ôm nhau cười mãi.

    Cảnh dựa hẳn vào ngôi nhà lạ đóng kín. Hơi lạnh từ cánh của sắt rón rén thấm vào lần áo mỏng sau lưng, khiến cô chợt rùng mình. Cằm chạm vào đôi đầu gối củ lạc lỏng lẻo, cô vòng tay ôm lấy chân. Thói quen đó đã theo mình từ lúc nào Cảnh cũng không rõ. Có lẽ từ những buổi chiều chạng vạng lủi thủi ngồi bên mé sông lấp lé nước, nghe tiếng chiếc bình trà bằng sành ám vàng, sứt vòi, bị dượng ném" choang "vào góc bếp, nghe tiếng thút thít cố nén như tiếng vạc sành tức tưởi trong đêm sương của mẹ.

    Có những lúc co ro tự vòng tay ôm mình trong gian phòng trọ kín mít, mũi nghẹn bứ bởi mùi xăng nhớt tỏa sang từ chỗ sửa xe kề bên của Lạc, Cảnh nghe từ đâu đó thẳm sâu một nỗi ham muốn rờn rợn dâng lên lan ra từng lỗ chân lông, tựa tiếng thì thào mơ hồ đứt quãng lúc có lúc không. Ham muốn một vòng tay ôm. Vòng tay đen bóng to bè, lem nhem màu dầu nhớt..

    Đưa mắt nhìn dòng người cuộn đi triền miên, người tiếp người, xe tiếp xe, cơn mệt mỏi vẫn không ngăn Cảnh miên mải nghĩ. Ngày ba Cu Tỉnh vĩnh viễn rời đi, Cảnh không khóc, tay chân băng bột thẳng đơ như khúc gỗ, tịnh không thấy giọt nước nào chảy xuống má. Sau này có nhiều lúc Cảnh phân vân nghĩ, mình không bình thường hay nỗi hoảng sợ khi nằm bẹp bên vệ đường chứng kiến chiếc xe đò như con thú dữ nuốt lấy chiếc xe máy, nuốt lấy ba Tỉnh, đã làm đóng băng mọi giác quan của cô? Có khi nào nước mắt đã bị nỗi sợ hãi làm cho khô cứng rồi trốn tránh ở chốn nào không? Nước mắt với đàn bà mà nói đôi khi là sự cứu rỗi. Không ép nước mắt chảy ra được, phải chăng là thiệt thòi?

    Lại một cơn gió thốc từ sau lưng thổi tới, lạnh hơn lúc nãy. Người ta nói Cảnh quá yêu, nên chồng đi hóa ngây hóa ngây dại. Trong vô thức, ngón tay Cảnh di di xuống nền xi măng xỉn màu lồi lõm, những nét nghệch ngoạc của chữ: YÊU. Yêu là thế nào? Cảnh cũng không chắc mình đã biết.

    Cảnh theo chồng khi thấy cái ngày đàn bà lần thứ hai trong đời. Cơn boàng hoàng lẫn ghê sợ khi nhìn máu dấp dính cứ rỉ ra từ nơi kín đáo nhất của đứa con gái chưa hết là Cảnh đã làm vợ người ta. Những lần chồng đè phủ lên người, Cảnh run rẩy nằm im, nhìn chằm chằm lên trần nhà. Trong thứ ánh sáng nhờ nhờ không vàng không trắng hắt ra từ cái đèn trứng vịt trên đầu tủ áo xiêu vẹo ám bụi, trong những con quặn người rúm ró đau rát, Cảnh nhớ mình đã từng thèm boải hoải một tiếng vạc sành tức tưởi..

    - Ba thằng Tỉnh đi rồi. Ba bà con mình sống làm sao hả con?

    Chiếc khăn trắng vừa lột ra khỏi trán, hãy còn vương vít một vết hằn đo đỏ, đầu óc hãy còn lửng lơ. Cảnh loáng thoáng nghe giọng má chồng sượt qua bên tai như thể vọng lại từ nơi xa xôi bồng bềnh nào đó. Một cảm giác bơ vơ thít chặt đến từng tế bào. Cơ hồ những ngày nhỏ, khi con gió chướng thổi về, nước tràn trề bò đến khoảnh sân nhà chứa củi của mẹ, là lúc mấy em được dượng cho hết xuống chiếc xuồng máy đuôi tôm, đi chợ sắm Tết. Cảnh ngồi chơ vơ trên cây cầu dừa nhìn mãi một cánh chuồn chuồn ớt đậu hết bụi cỏ này đến chùm cây kia, quên chiều đang sụp xuống, quên luôn bầy muỗi o e riết róng xung quanh. Cảnh còn nhớ đã từng nhắm mắt tưởng trong phút chốc mình hóa thành trái dừa điếc hay là nhánh bèo bềnh bồng bềnh bồng trên mặt nước thì có lẽ sẽ không còn nghe những câu gắt của dượng" Nuôi con này tốn cơm!" "Mày giống ai nói cái gì cũng im im như khinh tao tiếng thút thít như tiếng vạc sành của mẹ..

    Cảnh nhận ra mình thật mềm yếu. Con người ta thường hay kỳ vọng quá nhiều vào người khác, khoác lên chiếc áo đôi khi chưa từng là của họ. Chiếc áo ấy, khi ở một mình như bây giờ, đã rơi từ lúc nào. Giờ, Cảnh nghe như thể mình là cái cây đã bị mối mọt đục rỗng toác hoác từ thuở nào, gậm nhắm tận sâu trong lõi trong ruột, chỉ một cái chạm khẽ là vỡ vụn thành từng mảnh từng miếng nhỏ tả tơi trong gió.

    Cảnh đã từng nghe thấy cảm giác này khi Lạc bế Tỉnh sốt hầm hập trên tay chạy băng đồng trong đêm tối. Cảnh lúp xúp chạy theo, hơi thở hắt lên từng cơn nặng nhọc như có cái gì đó lắm chặn ngang cổ. Con đường đất thịt nhão nhoẹt trong cơn mưa dầm tháng sáu, tựa mớ hồ quện lấy chân nặng trịch. Ôm con ngồi dưới lòng xuồng xâm xấp. Nước lớn mông mênh. Cảnh nghe rất rõ từng tiếng dầm lạc lõng, giáng xuống mặt nước một cách khẩn trương.

    Đêm tối quá.

    Ánh sáng huyễn hoặc nhấp nháy từ những rặng bần lùm lùm chao đảo ven sông và cái nhìn nóng rẫy của chàng trai vương vít sau lưng áo. Cảnh nghe hai tay luống cuống, xiết chặt vòng tay ôm con, bên tai cô văng vẳng tiếng vạc sành đâu đó trong đêm..

    - Ba thằng Tỉnh vắn số. Không có con, má không biết làm sao hai bà cháu sống nổi!

    - Sao má nói vậy, con còn đây mà!

    Cảnh run run khẽ chạm lên bàn tay nhăn nheo thô ráp đang đặt trên đầu chiếc võng lát của má chồng. Bà không hay nói. Mới về làm dâu Cảnh sờ sợ, cứ lặng im làm việc của mình. Lúc mang Tỉnh trong người, có lần, Cảnh ói đến xước cổ họng, rỉ ra một chút máu tươi. Trong cơn lả đi vì mệt, Cảnh nghe có bàn tay đặt sau chiếc lưng mỏng mảnh muốn gãy đôi của mình.

    - Đàn bà con gái khổ quá con!

    Cảnh ngước lên nhìn bà, mắt lem nhem nước không biết là do khóc hay do cơn nôn như rút hết ruột gan ra lúc nãy. Cảnh chỉ biết câu nói ấy đã xô ngã cánh cửa im lìm nặng trịch giữa má chồng và nàng dâu. Câu nói ấy là câu thì thầm của mẹ trong đêm Cảnh làm lễ bái gia tiên xuất giá theo chồng.

    - Má biết đàn bà không có chồng bên cạnh khi con bằng nắm tay khổ không sao kể xiết. Ngày ông nội Tỉnh qua đời, ba nó đã biết cột con bò vào chuồng, biết chèo ghe chở má đi chợ. Vậy mà có những lúc má thấy mình thiệt mệt mỏi. Cũng có khi má thèm hơi ấm đàn ông. Hồi ấy má chưa 40! Huống chi con, mới hai mươi mấy. Má hiểu..

    - Má..

    Tỉnh vẫn ngủ say trên chiếc võng lát mát rượi mà bà nội phải nhờ người mua ở tận miệt Phú Lễ. Ngày Cảnh còn nhỏ trong xóm có bà A chuốt sợi lát thắt võng rất khéo. Những trưa rỗi, luộc nồi khoai lang hay làm bánh cốm bằng cơm nguội phơi khô với đường thùng là mẹ sai Cảnh chạy đi cho bà một ít. Bà câm điếc ở một mình trong túp lều xiêu vẹo ở mỏm đất chồm ra sông. Không ai biết bà tên gì, ở đâu đến, chỉ quen gọi bà là bà A theo cái âm thanh" aaaa "duy nhất bà giao tiếp với mọi người. Lâu rồi Cảnh không còn thấy ai thắt võng lát nữa kể từ hồi bà A qua đời.

    - Thằng Lạc nó trai tân lại ít hơn tuổi hơn con. Con anh con tôi, coi vậy chứ không dễ con à. Con biết mà phải không?

    Câu nói lấp lửng nhẹ tênh như gió lùa qua kẽ lá của bà nội Tỉnh cứ ù ù bên tai Cảnh. Đêm ấy, Cảnh không ngủ. Ngoài bờ rào bùm xụm trước nhà, tiếng" tạch tạch tạch"của con vạc sành cứ rỉ rả suốt đêm.

    Xe vẫn nối xe, người vẫn ken trong người. Bóng tối chen trong ánh sáng nhập nhoạng vẽ lên trên cánh cửa sắt im ỉm khóa những vệt sáng loang lổ không rõ hình hài cứ chờn vờn khua khoắng mớ ký ức, mọi thứ xới tung lên thể như vừa mới hôm qua.

    - 7 năm rồi Cảnh biết không?

    - Tui đâu có kêu Lạc đợi mà nói bảy hay mười năm?

    - Ừ. Tui tự đợi. Bảy năm rồi không đủ thấy lòng tui sao?

    * * *

    - Cảnh sợ gì? Ba má anh chị em tui không chịu thì từ từ sẽ chịu? Tui hứa lo cho thằng cu Tỉnh trước sau như một? Cảnh đừng sợ có được không?

    Cảnh nghe cơn váng vất lại ùa đến với mình. Cảnh muốn đừng sợ. Cảnh sẽ không sợ nữa. Cảnh không phải là mẹ. Cảnh đi làm. Mẹ cả một đời ôm bầy con như con nhện ngồi ôm khư khư bọc trứng. Một bầy con lít nhít đã bào mòn hết sức khỏe và thời gian của mẹ. Bao nhiêu gánh nặng gia đình mẹ không còn cách nào khác ngoài việc quẳng hết lên vai dượng. Ngày rộng tháng dài dẫu là đàn ông nào ai nói dượng không mỏi? Cảnh sẽ cố gắng làm, sẽ dành dụm, sẽ lo được cho mình, cho má, cho Tỉnh rồi hãy đến với Lạc.. Mắt Cảnh nhòe đi. Cảnh lại như thể thấy ánh sáng lập lòe của bầy đom đóm trên rặng bần ven sông, xung quanh là đêm tối, tiếng vạc sành văng vẳng trên sông.

    - Vợ con gì mà ốm nhom có một miếng vậy chú? Cổ bị kiệt sức tụt huyết áp. Nghỉ ngơi ăn uống vài hôm khỏe!

    - Dạ, cám ơn bác sĩ!

    Cảnh khẽ hé hai mi mắt nặng trĩu nhìn lên khoảng trần nhà loang lổ xỉn màu. Con thằn lằn nằm im như một vết dơ nâu sẫm, chờ con côn trùng nào đi lạc. Thanh inox cong cong reo lủng lẳng chai nước biển còn non nửa méo mó. Có ai đang nắm chặt tay mình. Cô khẽ nhích nhẹ những ngón tay xương xẩu. Mùi dầu nhớt quen thuộc thoảng qua mũi.

    - Nằm im đi! Trạm y tế phường, gần nhà trọ mình! Tui đi tìm cả tối!

    Giọng nói rất khẽ, nóng rực bên tai.

    - Lạc!

    - Hử?

    - Ở đây sao không có con vạc sành?

    - Cây đâu mà có?

    - Lâu rồi không nghe?

    - Nhớ chi tiếng vạc sành buồn vậy? Biết chuyện kể về con vạc sành không?

    - Không biết!

    - Ừm.. Nó là tiếng kêu của một người đàn ông nặng tình với người mình thương. Má tui nói vậy!

    * * *

    - Mai về quê nghe nó kêu đi. Tui xin phép bà nội Tỉnh đón Tỉnh lên luôn..

    Lạc với tay kéo cái mền mỏng đắp đến tận cổ Cảnh. Bàn tay anh vẫn nắm chặt lấy tay cô. Cảnh như thấy chiếc xe khách Đồng Tháp - Sài Gòn lướt vun vút qua cơ man nào là màu xanh của dừa, của lúa của chuối.. Cảnh bất giác thèm được ngả đầu lên vòng ngực vững chãi của người đàn ông đang nắm chặt tay mình. Nước ở đâu lặng lẽ rón rén bò trên má. Rất lâu rồi Cảnh mới thấy nước mắt của chính mình.
     
    LieuDuong, Lãnh YAlissa thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...