Truyện Ngắn Và Đây Là Tết - Mưa Tháng Tám

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi MưaThángTám, 14 Tháng hai 2021.

  1. MưaThángTám

    Bài viết:
    290
    Và Đây Là Tết

    [​IMG]

    Tác giả: Mưa Tháng Tám

    Thể loại: Truyện ngắn, Tự truyện.

    Link thảo luận - góp ý: [Thảo Luận - Góp Ý] Các Tác Phẩm Sáng Tác Của Mưa Tháng Tám

    Văn án:

    Tôi có một giấc mơ kỳ lạ, và ở đó tôi thấy hai khung cảnh hoàn toàn trái ngược nhau. Khung cảnh thứ nhất là ngày Tết thời xưa, nơi được thắp sáng bằng sự yêu thương, nụ cười, niềm hạnh phúc và sự gắn kết của tất cả chúng ta. Khung cảnh thứ hai là ngày Tết trong tương lai, nơi bị tấm màn mang tên "Công Nghệ" bao phủ, lạnh lẽo và máy móc, xa cách và cô độc.

    Tôi cho rằng tôi đã tỉnh dậy sau cơn mơ, nhưng sao tôi vẫn có cảm giác tấm màn kia đang bành tướng ngày một lớn hơn.

    Nhưng một điều kỳ diệu đã xảy ra, và nó đã thắp sáng hy vọng về một ngày Tết đong đầy yêu thương.

    Nó đã cho tôi một chắc chắn, rằng ngày Tết vẫn sẽ mãi là ngày Tết, và không có thứ gì có thể làm Tết đổi thay.

    Và đây là Tết.

    * * *​

    Tôi lơ lửng trên không trung, chiêm bao trong mớ suy nghĩ hỗn độn của bản thân mình.

    Dần dần, một khung cảnh hiện lên trước mắt tôi. Nó có màu vàng tươi của hoa mai, màu hồng nhạt của hoa đào, thanh âm mềm mại phát ra từ đài radio, người người tay trong tay, nói cười vui vẻ..

    À, tôi nhớ ra rồi.

    Đây là khung cảnh ngày Tết.

    * * *

    Tôi vẫn nhớ mỗi khi Tết đến, mọi thứ đều trở nên lạ lẫm, nhưng lạ lẫm một cách phấn khích, hào hứng.

    Vẫn là con ngõ quanh co dọc ra đường lớn, nhưng sao hôm nay nó bỗng trở nên náo nhiệt lạ thường. Vẫn là những con người tốt bụng ngày ngày đi lại hai bên ngõ nhỏ, nhưng sao hôm nay trông ai cũng phảng phất một luồng hào quang ấm áp.

    Tôi nghĩ, có lẽ ánh hào quang ấy là tia sáng của hạnh phúc. Vì nhìn khuôn mặt họ xem, ai nấy cũng đang cười thật vui, thật tươi.

    Chỉ cần nhìn đuôi mắt cong cong, khoé môi mím lại hay hơi mở ra làm lộ hàm răng trắng tinh của họ, tôi lại cảm thấy mỗi người là một mặt trời bé con, đang lan tỏa hơi ấm đến muôn nơi, muôn loài.

    Ánh hào quang ấy thật ấm áp, có lẽ đến cả mặt trời cũng phải ghen tỵ.

    Nhưng mặt trời ơi, chớ nên ghen tỵ mặt trời nhé. Vì Tết mỗi năm chỉ có một lần, và thứ ánh sáng diệu kỳ kia, thứ ánh sáng mà chỉ Tết mới có mà thôi.

    Thế nên, đừng ghen tỵ nhé.

    * * *

    Tết đến những chú chim cũng năng động hơn. Chúng hót líu lo cả ngày mà không sợ khàn cổ, thật là giỏi quá nhỉ?

    Lắm lúc, tôi khao khát mình được trở thành chim, dùng cảm quan nhỏ bé nhưng tinh tế của nó để cảm nhận sự đổi thay của đất trời.

    Này chim ơi, mỗi khi em vỗ cánh, làn gió xuân ngào ngạt hương hoa có vỗ về đôi cánh của em không? Này chim à, mỗi khi em cất tiếng ca thánh thót, tiếng lá cây rì rào có hòa giọng để cùng em tạo ra một bản hợp xướng êm tai không?

    Tôi đoán chắc em đã có một vài kỷ niệm vui vẻ khi ngày Tết đến nhỉ? Phải chi tôi là em, tôi đã có thể cảm nhận được thanh âm diệu kỳ của đất trời, hòa quyện với những gam màu của vạn vật, của tự nhiên.

    Nhưng chim ơi, em cũng chớ nên ghen tỵ khi tôi nói rằng tiếng ca phát ra từ đài radio, từ ti vi, từ nhà thờ.. hay hơn bản giao hưởng của em và những người bạn nhé?

    Ồ, tôi không nói quá đâu, nếu em là tôi, tôi nghĩ em cũng sẽ yêu thích những âm khúc ngày Tết đấy thôi.

    Ngẫm lại mà xem, còn gì vui tai bằng khi sáng sớm được chào đón bằng một giọng ca ngọt ngào: "Tết Tết Tết Tết đến rồi! Tết Tết Tết Tết đến rồi! Tết Tết Tết Tết Tết đến rồi! Tết đến trong tim mọi người!"

    Còn gì tuyệt vời hơn khi trưa chiều, đi ngang qua đài phát thanh, một giọng nói mềm mại vang lên: "Mừng Tết đến và Lộc đến nhà nhà, cánh mai vàng cành đào hồng thắm tươi!"

    Còn gì thỏa mãn nữa khi tối đến được chúc ngủ ngon bằng một thanh âm thanh thoát phát ra từ ti vi: "Bé ơi ngủ ngoan, bé ơi ngủ ngoan.."

    Thế nên chim ơi, tôi không thể không thừa nhận rằng, những bài hát Tết là những bài hát tuyệt vời nhất, mà đến cả tiếng ca của em, tuy thánh thót như thiên âm, nhưng tôi nghĩ cũng không thể sánh bằng.

    Em muốn một lý do nữa sao?

    Có lẽ vì đó là tuổi thơ của tôi, nuôi tôi khôn lớn qua từng ngày, từng tháng, từng năm.

    Tôi yêu chúng bằng cả trái tim, dẫu là trong quá khứ, hiện tại, hay tương lai xa xôi.

    Thế nên chim à, chớ nên ghen tỵ nhé. Như tôi đã nói, những bài ca Tết ấy là độc nhất, chỉ Tết mới có mà thôi.

    * * *

    Tết đến là xuân đến, mà xuân đến thì muôn hoa đua nhau khoe sắc. Có lẽ hoa hồng là loài hoa kiêu sa nhất, và tôi cũng vô cùng ngưỡng mộ vẻ đẹp của nàng.

    Nhiều lúc tôi khao khát được trở thành chiếc gai bén nhọn, nguyện làm một người lính bảo vệ những kẻ có ý đồ muốn làm hại nàng. Vì tôi yêu quý vẻ đẹp của nàng, như cá yêu biển, như chim yêu bầu trời.

    Nhưng nàng ơi, Tết đến, có lẽ tôi đành phải từ biệt nàng một thời gian thôi. Ngôi sao giờ đã đây không còn là nàng nữa, mà là cô Mai, chị Đào, ngọt ngào khoe sắc thắm dưới bầu trời xuân rực rỡ.

    Cô Mai, chị Đào luôn là biểu tượng ngày Tết của dân tộc Việt Nam, gắn liền với ta qua biết bao nhiêu năm tháng, thế hệ. Vẻ đẹp của các cô là một vẻ đẹp thanh tao, giản dị, nhưng lại cuốn hút một cách lạ kỳ. Đến mức họa sĩ người Pháp, Jean-marc Potlet (1), cũng không thể cưỡng lại nổi trước vẻ xinh tươi của cô Mai, chị Đào mỗi khi dịp Tết đến. Dưới chiếc cọ điêu luyện, hoa mỹ của ông, cô Mai, chị Đào càng trở nên xinh đẹp và quyến rũ hơn bao giờ hết.

    Tôi nghĩ, họa sĩ Potlet đã thổi hồn vào những tán hoa mềm mại bằng tất cả tình yêu thương dành ông cho loài hoa này. Ông đã khiến vẻ đẹp của chúng cô động trong từng nét vẽ, thật lâu cũng không phai nhòa.

    Ấy mới nói, hoa mai hoa đào của Việt Nam, tuy giản dị mộc mạc là thế, nhưng đâu đó lại mang trong mình một nét đẹp quyến rũ riêng biệt, đến mức những người bạn nước láng giềng cũng phải nghiêng mình nể phục. Thật tự hào quá cô Mai, chị Đào nước Việt Nam ta ơi!

    Thế nên nàng hồng à, đừng ghen tỵ nàng nhé. Cũng như tôi đã nói, hoa mai hoa đào là biểu tượng không thể thiếu của ngày Tết, mà chỉ riêng Tết mới có mà thôi.

    * * *

    Bước trên con đường tràn ngập nắng ươm, tôi mặc một bộ áo dài màu đỏ, bộ đồ mà tôi thích nhất mỗi khi Tết đến. Có lẽ áo dài cách tân sẽ hợp mốt hơn, như mẹ tôi đã nói, nhưng không hiểu sao tôi vẫn thích được khoác tà áo dài thướt tha. Nhìn vạt áo tung bay trong gió, được ánh mặt trời dịu dàng hôn lên, tôi cảm thấy lòng mình phơi phới khác thường. Có lẽ tôi là một con người truyền thống, hoặc cũng có lẽ tôi luôn đắm mình trong nét đẹp cổ xưa của các nàng tố nữ, tố nga nước Nam ta những năm về trước.

    "Chúc em năm mới vui vẻ nhé, áo dài của em đẹp lắm đấy."

    "Em cảm ơn chị. Chúc chị năm mới vui vẻ ạ."

    Tôi mỉm cười chào một chị gái thân khoác chiếc áo dài màu ngó sen. Bước chân chị dịu dàng, chị đi như lướt trên mặt đất, khoé môi chị nở một nụ cười thật tươi nhìn tôi, thân gửi tôi những lời chúc tuyệt vời nhất.

    Sau khi chị ấy rời đi, một người đàn ông trung niên lại xuất hiện và đến chào tôi. Chú ấy chào tôi bằng một nụ cười thân thiện, dễ mến.

    "Cháu gái, năm mới vui vẻ nhé!"

    Và tôi cũng gật đầu chào lại chú ấy.

    Đến một đoạn đường nữa, tôi thấy người người tay trong tay đón Tết, thân chào nhau, trao cho nhau những câu chúc ấm áp, tuyệt vời nhất.

    Khi thấy khung cảnh ấy, trong đầu tôi loé lên một câu hỏi: "Tại sao mọi người lại thân thiện với nhau thế nhỉ? Cứ như là một đại gia đình vậy?"

    Đi qua đoạn đường đó, tôi mới chợt nhận ra một điều.

    Tôi không hề biết chị gái xinh đẹp kia, cũng không hề biết người đàn ông trung niên kia là ai. Có lẽ tôi đã từng gặp họ vài lần, hoặc cũng có khi tôi chưa từng gặp họ bao giờ.

    Nhưng tựa như một phép màu, tôi và chị và chú, và những con người ở góc phố kia, đã giao nhau tại một tuyến đường, trao cho nhau những câu chúc Tết vui vẻ và ấm áp.

    Thật lạ kỳ làm sao.

    Có lẽ, tôi đánh bạo suy nghĩ.

    Khi trái tim hòa cùng nhịp đập, những thứ như khoảng cách địa lý, tuổi tác.. tất cả đều trở nên vô nghĩa.

    Và đó..

    Chính là Tết.

    Tết kéo mọi người lại gần nhau hơn, tựa như chúng ta là những viên ngọc trai được Tết xâu chuỗi lại thành một sợi dây chuyền lấp lánh, bền chặt. Chúng ta đã được kết nối nhờ dịp Tết, chúng ta đã trở lại những tháng ngày khi còn trong bụng mẹ Âu Cơ, là anh em cùng máu mủ ruột thịt với nhau, mãi mãi không xa rời.

    Thật diệu kỳ làm sao Tết ơi.

    * * *

    Trước mặt tôi là một hồ nước nhỏ, nước hồ trong như ngọc thạch, nó lấp lánh ánh kim khiến tôi phải sững sờ trong vài giây.

    Tôi thấy vài chú cá con đang uốn lượn thân mình nhảy múa, như thể chúng đáng đón chào tôi - một lữ khách xa lạ đã dừng chân tại đây chỉ để ngắm nhìn chúng.

    Một lúc nào đó, trong tôi bỗng dâng lên một khao khát. Tôi thật muốn trở thành cá con, để được cảm nhận niềm vui thích khi có thể thở được dưới nước.

    Sẽ ra sao nếu tôi bị vướng vào một bụi rong biển? Sẽ ra sao nếu tôi tìm thấy ngọc trai? Sẽ ra sao nếu tôi được bơi thỏa thích cả ngày? Sẽ ra sao nếu tôi được mọi người ngưỡng mộ?

    Làm cá thật tuyệt vời.

    Vô tư, vô sầu, mau quên, chóng lớn, quả là một niềm hạnh phúc nhỉ?

    * * *

    "Cháu chúc ông bà sức khỏe dồi dào, vạn sự như ý, sống lâu trăm tuổi, con cháu đàn đống, mãi mãi hạnh phúc, phát tài phát lộc! Ông bà ơi, cuối lời cháu xin chúc ông bà sẽ có một năm mới thiệt là vui vẻ ạ!"

    "Ha ha, cháu ngoan của ông, ông cảm ơn cháu nhé. Nào, lại đây ông lì xì cho cháu nào."

    "Cháu tôi nó lớn rồi.."

    "Cháu cảm ơn ông bà ạ!"

    Một cô bé với hai bím tóc xinh xắn đang khoanh tay chúc Tết một đôi vợ chồng già, có lẽ là ông bà của đứa bé. Cô bé ngoan ngoãn lễ phép, lúc chúc Tết khuôn miệng chúm chím còn cười rất tươi khiến ông bà ai cũng vui vẻ, hạnh phúc.

    Ôi, hạnh phúc mới giản dị làm sao!

    Mong sao cho gia đình ấy sẽ thật viên mãn, một năm mới thêm nhiều niềm vui và may mắn.

    * * *

    Tôi thấy trên bàn ăn là những món ngon đặc trưng của ngày Tết. Nào là thịt kho măng thơm ngon, bánh tráng mềm dẻo thơm mùi gạo mới, dĩa bánh chưng, bánh tét xếp ngay ngắn, còn có cả một đĩa tôm khô kèm củ kiệu. Đây đích thị chính là một bàn ẩm thực ngày Tết của người miền Nam chính thống.

    "Mời cả nhà ăn cơm."

    "Mời cả nhà ăn cơm ạ. Mẹ ơi, con gặp cho mẹ một miếng thịt, hy vọng năm mới của mẹ sẽ tươi trẻ như miếng thịt sáng bóng này!"

    "Đứa bé ham ăn này, ai lại đi so sánh với miếng thịt chứ? Nhưng mà mẹ cũng cảm ơn con nhé."

    "Hì hì."

    Tôi có một cảm giác kỳ lạ. Có lẽ tình yêu thương gia đình chính là củi đốt khiến ngày Tết trở nên ấm ấp hơn bao giờ hết.

    Và tôi nhìn thấy, luồng sáng xung xanh hai mẹ con kia cũng sáng bóng hẳn lên, diệu kỳ biết bao nhiêu..

    * * *

    Ôi, nếu đây là mơ, xin hãy cho tôi chìm đắm trong giấc mơ nay mãi mãi!

    Thật hạnh phúc, thật ấm áp, thật giàu tình thương biết bao!

    Đây chính là Tết. Tết đoàn viên, Tết ấm áp.

    * * *

    Tôi có cảm giác khung cảnh trước mắt bỗng mờ đi.

    Cho đến khi, chỉ còn mình tôi ở giữa một khoảng không màu trắng.

    Tôi chưa kịp phản ứng, một khung cảnh nữa lại hiện ra, kèm theo đó là thanh âm chói tai, hối hả.

    Reng reng.

    Tinh!

    Reng reng.

    Tinh.

    Điện thoại reo lên, người người vội vã băng qua đường lớn, đến một cái ánh mắt cũng không kịp trao nhau.

    Tôi đứng giữa mặt đường, thân mặc áo dài đỏ đứng nhìn mọi người lướt qua nhau như người dưng kẻ lạ.

    Tôi khó hiểu, muốn lên tiếng nói một câu chúc Tết, nhưng như bị một ma lực nào đó điều khiển, cổ họng tôi không thể thốt nên lời.

    Chuyện gì đang xảy ra vậy?

    Mới phút trước mọi người còn cùng nhau cười nói cơ mà? Sự gần gũi, tình yêu thương, tất cả biến đâu mất rồi?

    Mất rồi sao? Mất rồi sao? Mất rồi sao?

    Ai đó nói cho tôi biết đi?

    Bỗng, một nhánh hoa mai rơi xuống mặt đất, lay động trước cơn gió xuân. Đóa hoa đào nối tiếp hoa mai, thơ thẩn bị gió cuốn đi, như thể vô hình, như thể tự mình biến mất trong làn gió xuân lạnh lùng.

    Cô Mai đâu rồi? Chị Đào đã đi đâu?

    Mọi người đang ở đâu thế?

    Tết thiếu mọi người thì còn gì vui nữa chứ?

    Đừng tan biến mà! Đừng tan biến mà! Đừng!

    Bàn ăn lạnh lẽo, mẹ già đơn côi bên bếp lửa hồng, hai mắt đăm chiêu nhìn về phương xa. Trong mắt bà là một khoảng không màu trắng, không có gì cả, chỉ có một màu trắng.

    Trong tay bà có một khung hình nhỏ, bên trong là bức ảnh của người con đang đứng kế bên một chiếc máy bay.

    "Con xin lỗi vì không thể về quê ăn Tết được. Con bận quá mẹ ạ, mong mẹ đừng quá buồn nhé?"

    Nồi cơm ấm áp đâu? Nụ cười hạnh phúc đâu? Tôi nghe tim tôi gào thét, nhưng chẳng ai cho nó chút nhân từ mà trả lời nó cả!

    Nhưng nó cũng đã hiểu!

    Mất rồi! Mất hết rồi!

    Mất hết cả rồi!

    Tết đã mất rồi!

    * * *

    "..."

    Tôi giật mình tỉnh dậy từ trong cơn mơ.

    Thì ra, tôi đang mơ sao?

    Thật tốt, đây chỉ là một giấc mơ.

    Tôi tự an ủi bản thân, sau đó chuẩn bị thay quần áo đón Tết. Ngày mùng một mà mơ những chuyện thế này, tôi chỉ mong cả năm sẽ không xui rủi mà thôi.

    "Chào buổi sáng mẹ ơi. Con chúc mẹ.."

    Tôi hơi khựng lại.

    Vì mẹ tôi đang cầm một chiếc điện thoại, vui thích đắm chìm, và như thể tôi là không khí.

    Tôi nhìn mẹ rồi lại nhìn chiếc điện thoại.

    Bỗng, cả căn phòng biến thành khoảng không màu đen, tựa như một chiếc lồng, nhốt tôi và mẹ bên trong.

    Mẹ vẫn bấm điện thoại, hoàn toàn không để ý đến bất cứ thứ gì.

    Chiếc điện thoại lấp loé ánh sáng.

    Tôi có cảm giác nó đang cười với tôi.

    "Tết đến rồi, liệu Tết sẽ còn là Tết chứ?"

    Tôi nghe nó hỏi.

    Tôi không trả lời.

    Rồi một bức tường xuất hiện, chắn giữa mẹ, và tôi, và mọi người.

    Cách biệt một lớp tường, tôi nhìn mẹ tôi, rồi tất cả mọi người, đang cầm điện thoại trên tay. Người việc này kẻ việc kia, hoàn toàn không ai đoái hoài gì đến nhau.

    Tôi vẫn còn đang trong cơn mơ sao? Hay đây thật sự là Tết?

    Một cái Tết lạnh lẽo thiếu vắng yêu thương, một cái Tết mà công nghệ đã thay thể những nét đẹp tự nhiên của cô Mai, chị Đào, của những bài ca Tết?

    Trong lúc tôi tuyệt vọng nhất, chiếc điện thoại đắc ý nhất, thì bỗng, một tia sáng xuất hiện và soi qua lớp tường, tạo thành một lỗ hỏng nhỏ.

    Tôi nhìn qua lỗ hỏng, lại thấy tia sáng kia đang kết nối trái tim của mọi người lại với nhau.

    Tựa như một ngọn lửa bất diệt, nhỏ nhưng bập bùng cháy mãi, thật lâu cũng không bị dập tắt.

    Như thể nhận ra điều gì, tôi mỉm cười nhìn chiếc điện thoại, trả lời câu hỏi của nó một cách tự tin.

    "Tết vẫn sẽ đến, và Tết vẫn sẽ như trước, tuyệt đối không bao giờ có thứ có thể khiến Tết thay đổi. Vì tia sáng của tình thương và gắn kết vẫn còn đó, và nó sẽ là mắt xích kết nối tất cả mọi người lại với nhau. Còn hy vọng, còn Tết!"

    Mưa Tháng Tám

    * * *​

    Chú thích:

    (1) Jean-marc Potlet: Họa sĩ người Pháp sinh ngày 23 tháng 2 năm 1956, hiện đang sống tại Provence, Pháp. Tuy chưa từng trải qua bất kỳ lớp đào tạo đặc biệt nào nhưng họa sĩ Potlet, với trái tim nhiệt huyết của một người nghệ sĩ, đã tự học, tự mày mò để rồi trở thành một họa sĩ và dạy cho những họa sĩ nghiệp dư khác cách để vẽ nên một bức tranh có hồn. Ông đến Việt Nam lần đầu vào năm 2015, sau đó, như thể đã rơi vào lưới tình với bản sắc nước Việt của ta, ông trở lại đây nhiều lần hơn, dùng cây cọ của mình để vẽ nên những bức tranh tuyệt vời.

    Đôi lời từ tác giả: Bài viết trên muốn gửi gắm mọi người một thông điệp rằng: Tết là một ngày ấm áp và hạnh phúc, mọi người cũng đã thấy nó qua khung cảnh ngày Tết đầu tiên. Đó là Tết đoàn viên, Tết hội tụ, người và người gắn bó với nhau. Nhưng sự xuất hiện của công nghệ, như thể vô tình, đã đẩy chúng ta ra xa nhau hơn. Mình không trách móc công nghệ, vì bản thân mình sử dụng nó hằng ngày, chỉ là nó làm mình tự hỏi rằng: Liệu Tết sẽ còn là Tết đoàn viên ấm áp? Hay Tết sẽ trở nên lạnh lẽo cô độc? Mình nghĩ rằng chỉ cần ánh sáng của tình yêu thương, của sự gắn kết vẫn còn đấy, Tết vẫn sẽ chính là Tết. Cảm ơn các bạn đã đọc bài
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...