Tuyệt vọng hay vô cảm Tác giả: Yên Lam Thể loại: truyện ngắn Link thảo luận: [Thảo luận - Góp ý] - Các tác phẩm sáng tác của Yên Lam Văn án: Em có một gia đình đầy đủ gồm cha mẹ và một em gái, suốt mười tám năm qua cuộc sống của em vẫn luôn ấm êm và hạnh phúc. Thế nhưng chỉ vì những hiểu lầm, sự thiếu cảm thông và những bất hòa nhỏ nhặt mà em đã tự kết thúc cuộc đời mình, để lại đây một tương lai dang dở, một nỗi đau vĩnh viễn không thể xóa nhòa trong trái tim của cha mẹ em. *Lời tác giả: một số chi tiết trong truyện chỉ mang tính đẩy cao trào, có thể không có thật.
Chương 1: Bấm để xem Mức độ cao nhất của tuyệt vọng, là vô cảm. "Con muốn đến trường đại học A ở thành phố D để theo học." Cả nhà tôi quay quần bên mâm cơm, mọi người đều dán mắt vào tivi. Đến chi tiết gây cười, cả nhà tôi đều phá lên cười, nhưng chỉ riêng tôi lại không cảm nhận được sự buồn cười trong đó. "Lúc nãy con nói gì?" Mẹ tôi đã cười xong, sau một lúc dường như mới nhớ ra hình như tôi đã nói gì đó nên hỏi lại nhưng ánh mắt vẫn không rời khỏi màn hình ti vi. Tôi hít một hơi thật sâu, cân nhắc một lát xem có nên nhắc lại điều tôi vừa nói hay không, nhưng ngay khoảnh khắc tôi vừa định lặp lại thì ti vi lại chiếu đến một cảnh buồn cười, thế là tôi quyết định không nói gì nữa, tập trung vào bữa cơm của mình. "Không có gì." – Tôi đáp. Tôi vùi đầu vào bát cơm, sự buồn bã không kiềm nén được mà thể hiện ra trên mặt nhưng mọi người trong nhà dường như đều chẳng buồn để ý đến. "Mẹ ơi, ngày mai mình đi mua truyện tranh nhé!" Em gái tôi bỗng dưng nhớ ra, quay đầu nói với mẹ tôi. Lúc này tôi cũng ngẩng đầu lên, nhìn thấy mẹ tôi nhìn thẳng vào em gái tôi, ngay cả ba tôi cũng không tiếp tục chú tâm vào ti vi mà quay đầu lại nhìn về phía em gái. "Hôm trước con mới mua rồi mà!" – Mẹ tôi nói. "Nhưng hôm nay lại ra tập mới rồi! Nếu không mua thì sẽ bị người khác mua hết mất!" – Em gái tôi phụng phịu. "Nó muốn thì cứ mua cho nó thôi! Cũng chẳng tốn bao nhiêu tiền." – Ba tôi tiếp lời. "Vậy mai đi học về mẹ chở con đi mua." Em gái tôi vui mừng nhún nhảy. Còn tôi nhìn tất cả sự việc xảy ra, một nỗi buồn trào dâng trong tâm trí, nhấn chìm trái tim tôi, suýt nữa khiến tôi ngạt thở. Nhưng rồi tôi hít thở thật sâu, cố gắng phớt lờ đi sự khó chịu trong lòng, không còn quan tâm đến xung quanh nữa. Bữa ăn trôi qua đối với tôi thật vất vả. Sau khi đã dọn dẹp xong tôi liền trở về phòng lấy sách vở ra ôn lại bài. Chỉ còn ba tháng nữa là kì thi sẽ tới. Tôi sớm đã muốn rời khỏi căn nhà này đến một nơi khác để sinh sống, mà con đường duy nhất giúp tôi thực hiện được giấc mộng này là đỗ đại học. Vì thế tôi cố gắng học hành thật chăm chỉ, đợi đến một ngày có thể rời khỏi nơi đây. Đêm đã khuya dần, trong khi tôi vẫn đang cố học bài thì em tôi lại đang nằm xem điện thoại. Con bé vừa xem vừa cười khiến tôi thấy rất phiền lòng, tôi bèn bảo con bé đến nơi khác để xem. Thế nhưng con bé nghe xong gương mặt liền đanh lại, tỏ ý không vui. Tôi cũng không biết làm thế nào, đành phải quay đầu trở lại với bài học. Nào ngờ đứa em vừa rời khỏi không lâu thì mẹ tôi đã tìm tới. "Thanh, con đang làm gì vậy?" Tôi có chút bực dọc, chẳng lẽ mẹ không nhìn thấy tôi đang cố gắng ôn bài hay sao, vì sao còn phải hỏi tôi một câu ngớ ngẩn như thế? Nhưng tôi cũng không thể bày tỏ sự khó chịu trong lòng mình ra ngoài, nên đành phải kìm nén vào trong, nhẹ giọng nói: "Con đang học bài." "Con học thì học, sao lại đuổi em ra ngoài?" - Mẹ tôi cũng tỏ ý không vui, sẵn giọng mắng lại tôi. "Con đang học mà em xem điện thoại làm ồn, khiến con không học được!" – Tôi có chút khó chịu nói. Tại thời điểm nói ra câu đó, tôi đã nghĩ rằng bản thân nói rất có lý, chắc chắn mẹ sẽ dạy dỗ em tôi một trận, nhưng nào ngờ, người bị dạy dỗ lại là tôi. "Học thì học, em chơi một chút có sao? Đây là phòng của cả hai đứa, đâu phải của riêng con! Con đuổi em đi rồi thì em biết đi đâu bây giờ?" Mẹ tôi hằn hộc đáp lại, một tay bà chống hông, ngón trỏ của tay còn lại thì không ngừng xỉa vào đầu tôi. Tôi cảm thấy rất tức giận vô cùng nhưng đồng thời cũng là sự bất lực đến vô hạn. Nước mắt tôi chực rơi nhưng rồi tôi lại cố gắng kìm nén vào lòng. Tôi bày tỏ tâm trạng khó chịu của mình bằng cách thu dọn tập vở, đứng dậy tắt đèn học, bước ra khỏi phòng. "Thế thì cứ để nó ở trong phòng chơi đi, con đi chỗ khác học." Tôi hằn hộc đáp lại mẹ, thế nhưng trong vô thức vẫn cố gắng hạ thấp giọng nói của bản thân, thành ra lời nói vào tai của mẹ tôi liền biến thành tôi thật ngoan ngoãn. Mẹ tôi vừa nghe tôi nói vậy thì chẳng tỏ ra chút thái độ nào, ngược lại còn có chút hớn hở đến bảo em tôi về phòng mở máy lạnh cho mát. Tôi thật sự cảm thấy rất uất ức, rất tủi thân! Một mình ngồi ở phòng bếp mà nước mắt cứ rơi lã chã không kìm được. Tôi khóc một mình rất lâu, trong lòng thầm mong sẽ có người đến hỏi thăm một chút. Nhưng đáp lại kì vọng của tôi chính là mọi người ở trên lầu đều tắt đèn, vui vẻ trở về phòng ngủ. Tôi nhìn chồng bài tập cao ngất ngưỡng chất đống trên bàn ăn, trong lòng thầm nghĩ chỉ cần qua được kì thi này, thì tương lai ắt sẽ thay đổi. Thế là tâm trạng tôi liền trở nên bình ổn, hoặc nói là tất cả cảm xúc đều biến mất. Tôi vùi mình trong bài vở, đến một hai giờ đêm khi không còn chịu đựng được cơn buồn ngủ nữa mới thu dọn tập vở và những bài tập đang bày ngổn ngang trên bàn, rồi trở về phòng ngủ.
Chương 2: Bấm để xem Hai tháng nhanh chóng trôi qua, mỗi ngày của tôi đều chẳng khác nhau là bao. Mỗi ngày đến trường, rồi đến lớp học thêm, sau đó tối muộn về nhà tự mình ăn cơm, sau đó ngồi vào bàn học. Đã hai tháng trôi qua nhưng tôi và mẹ vẫn chẳng nói được bao nhiêu câu, và tôi vẫn còn chưa nói với mẹ về ý định đến một trường đại học ở thành phố khác để học. Hôm nay cô giáo đưa cho tôi một tờ giấy, nói rằng thành tích học tập của tôi rất tốt, chỉ cần phụ huynh của tôi kí tên vào tờ giấy này, cô giáo sẽ có thể giúp tôi lấy một suất tuyển thẳng vào trường đại học ở một tỉnh thành khác. Tuy rằng trường đại học trên tờ giấy này không phải trường mà tôi muốn chọn, nhưng chỉ cần có một tấm vé chắc chắn có thể rời khỏi nơi này, dù là một trường đại học chẳng tiếng tăm tôi cũng muốn học. Thế là tôi hít thở thật sâu, lấy hết can đảm đi về phía mẹ đang ngồi. Nhà tôi được chia ra làm hai bởi một bức tường gạch, phía trước bức tường ấy là một tiệm tạp hóa nhỏ mà mẹ tôi mở. Tôi bước đến bên mẹ, kéo ghế ngồi xuống, trong đầu sắp xếp từ ngữ thật lâu, cuối cùng phải lấy hết can đảm mới có thể mở lời. "Mẹ, cô giáo đưa cho con một tờ giấy muốn mẹ kí." "Giấy gì?" Mẹ tôi một tay cầm viết, một tay lướt thoăn thoát trên bàn phím máy tính, mắt dán chặt vào cuốn sổ tay nhỏ mẹ đặt trên bàn. Tôi lại hít một hơi thật sâu, nhẹ nhàng đặt tờ giấy trước mặt mẹ, nói: "Là giấy xin phép được tuyển thẳng của trường đại học B. Cô giáo nói thành tích của con tốt, nên muốn giúp con xin tuyển thẳng vào trường này." Lúc này mẹ tôi mới dừng tay trên bàn phím, mắt nhìn về phía tôi. "Trường đại học B ở đâu?" "Ở thành phố C." "Không được!" – Mẹ tôi lớn giọng nói. Trong đầu tôi thầm nghĩ rằng, lại bắt đầu rồi đây! Và đúng như những gì tôi nghĩ, mẹ tôi tháo mắt kính ra, nhíu mày nhìn tôi rồi nói: "Ở đây thiếu gì trường đại học tốt? Hơn nữa còn gần nhà. Học lực của con chẳng lẽ không vô được mấy trường đại học ở đây sao mà còn phải đến nơi khác? Không có đi đâu hết, ở đây học đại học cho mẹ!" Tôi ngồi nghe mẹ nói mà cảm thấy chán nản vô cùng. Bao nhiêu niềm vui khi nhận được tờ giấy này từ cô giáo đã bay sạch như mây khói. Dù thân tôi ngồi ở đây nhưng trong lòng vô cùng muốn rời khỏi, thậm chí muốn biến mất luôn khỏi thế gian này! Mẹ tôi răn dạy một hồi, tóm lại chính là tôi không được phép rời khỏi căn nhà này. Muốn đi đâu thì lấy chồng đi rồi tính. Nhưng tôi chẳng muốn dựa vào bất kì người đàn ông nào để có thể thực hiện ước muốn của mình. Vì thế tôi vẫn giữ nguyên nguyện vọng đăng kí vào trường đại học mà tôi thích. Để xem đến lúc tôi đậu rồi, mẹ tôi có còn cấm cản tôi hay không. Mơ ước thì đẹp như vậy, nhưng thực tế thì cực kì đau lòng. Ngày thi cuối cùng cũng đến. Ngày hôm ấy nhìn bạn bè được phụ huynh đưa đón đi thi mà tôi có chút chạnh lòng. Vì tôi thi vào cả buổi sáng sớm và buổi chiều, cho nên mẹ tôi bận chuyện ở tiệm không thể đưa tôi đi. Ba tôi vừa phải đưa đón em tôi, lại còn phải đi làm, nên cũng chẳng đưa tôi đi được. Tôi đạp xe trên quãng đường đông đúc, trong lòng vừa cảm thấy hồi hộp vừa cô đơn. Thời gian làm bài trôi qua rất mau, tôi bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng vui sướng. Tôi trở về nhà, điều đầu tiên muốn nói với ba mẹ là tôi đã làm bài thi rất tốt. Nhưng cũng như trong dự đoán của tôi, họ lại phớt lờ câu nói của tôi mà tập trung vào con điểm chín em tôi đạt được trong lớp học thêm anh văn của con bé. Không hiểu sao ngay tại thời khắc ấy tôi lại chẳng có chút cảm xúc nào. Ngay cả niềm vui sướng khi làm bài thi tốt cũng vội bay biến mất. Tôi mang gương mặt không cảm xúc lên phòng, khi nghe tiếng mẹ gọi sau lưng tôi cũng chẳng hề đáp lại. Tôi nằm yên trên giường ngắm trần nhà, trong lòng chẳng hề có chút cảm xúc nào, trong đầu cũng chẳng hề có suy nghĩ gì. Tôi cứ nằm yên ở đó như thế không biết bao nhiêu lâu, cho đến khi đứa em của tôi mở cửa phòng, gọi tôi xuống ăn cơm. "Ăn cơm." – Em tôi nói. Tôi không hề nhúc nhích. Đứa em của tôi thấy vậy liền nhăn mặt, nói thêm một câu: "Mẹ kêu xuống ăn cơm đó!" rồi đóng cửa phòng đi mất. Thật lòng tôi không muốn xuống dưới lầu một chút nào, nhưng nghĩ tới những phiền phức nếu tôi không xuống, tôi lại mệt mỏi ngồi dậy, thay một bộ đồ ngủ thoải mái rồi đi xuống lầu. Bữa cơm vẫn trôi qua như mọi ngày. Ba mẹ tôi vui vẻ xem ti vi, cùng với em gái tôi nói cười. Còn tôi cứ vùi đầu vào bát cơm, chẳng nói năng câu nào. Đúng lúc này, bỗng nhiên tôi nghe tiếng mẹ hỏi: "Hôm nay thi sao rồi?" Tôi lúc đầu cứ nghĩ mẹ tôi đang hỏi em tôi, nên tôi cũng chẳng ngẩng đầu lên. Nhưng sau đó khi mẹ gọi tên tôi rồi lặp lại câu hỏi, tôi mới biết là mẹ đang nói chuyện với tôi. "Bình thường thôi, không có gì đặc biệt." – Tôi nói. "Đề dễ không, các bạn khác có làm được không?" – Mẹ tôi hỏi tiếp. Tôi thở hắt ra một hơi, rồi mới trả lời: "Đề bình thường. Bạn khác làm được không làm sao con biết được, con cũng có nói chuyện với mấy bạn khác đâu!" Rõ ràng là do tôi muốn về sớm để báo tin mừng cho ba mẹ, nhưng rồi bọn họ nào có quan tâm đến tôi, nên giờ tôi cũng chẳng còn muốn nói nữa. "Sao lại không hỏi người ta làm được không? Rồi không dò với bạn thì có chắc làm được đúng hết không?" Tôi thật sự không muốn tiếp tục cuộc trò chuyện này. Trong lòng tôi quả thực quá mệt mỏi. Tôi nói qua loa một câu "ai biết đâu", sau đó không còn đáp lời mẹ nữa. Mẹ tôi nói chán chê một hồi, thấy tôi không trả lời cũng chẳng hỏi nữa, lại quay qua vui vẻ nói cười với em tôi. Trong lòng tôi thật trống rỗng. Tôi cảm thấy tay chân tê rần, không còn chút sức lực nào, nước mắt bình thường sẽ rơi vào những lúc thế này lại giống như đã khô cạn, không còn giọt nào để rơi nữa.
Chương 3: Bấm để xem Thời gian nhận kết quả đã tới. Tôi háo hức dò tên mình trong danh sách các thí sinh đỗ vào trường. Tay chân tôi run lên bần bật, trái tim đập mạnh trong lồng ngực, đôi mắt căng ra tìm tên và số báo danh của mình. Đến một cái tên quen thuộc, tôi lại dò tiếp số báo danh, rồi đến ngày sinh, địa chỉ, điểm số.. Mỗi lần dò một thông tin trái tim tôi lại càng đập mạnh hơn, tưởng chừng như sắp nổ tung trong lồng ngực. Sau đó, tôi la hét nhảy cẩng lên. Tôi đỗ rồi, cuối cùng tôi cũng đỗ vào trường đại học mà tôi mong muốn rồi! Tôi muốn chia sẻ niềm vui này với mọi người, với ba mẹ tôi, với cô giáo tôi, với bạn bè tôi. Thế là tôi nhấc điện thoại lên báo tin cho tất cả thầy cô của tôi biết. Ai ai cũng vui vẻ chúc mừng tôi. Tôi cười vui sướng trò chuyện với bạn bè, người đã đỗ người lại rớt, nhưng tất cả đều rất vui mừng vì tôi đã đạt được ước nguyện của mình. Lúc này tôi chỉ còn phải báo tin vui này cho người nhà của mình. Nhưng nghĩ tới biểu cảm của ba mẹ khi nghe tin này, tôi lại có chút sợ hãi. Liệu họ sẽ vui mừng, hay tức giận? Tôi mang tâm trạng thấp thỏm ấy báo tin cho ba mẹ. Trái ngược với niềm vui sướng của tôi khi lần đầu biết tin, vẻ mặt của mẹ cực kì nghiêm trọng, còn ba tôi không vui cũng chẳng buồn. Ba tôi chỉ vỗ vai tôi an ủi một câu, sau đó vào nhà đi tìm em gái tôi trò chuyện. "Chẳng phải mẹ đã nói học đại học ở đây sao? Tại sao lại đỗ trường đại học ở thành phố khác?" Mẹ tôi nghiêm mặt nhìn tôi, khiến tôi bỗng dưng cảm thấy tuyệt vọng, cũng rất mệt mỏi. "Con thích học ở trường này, trường này rất tốt." – Tôi nói. "Nhưng mẹ không cho phép con! Con đi đăng kí học ở cái trường đó làm gì? Con có thể tự chăm sóc cho bản thân mình sao? Con nghĩ con đủ lớn để quyết định à?" Tôi nghe xong lời này không hề có chút tức giận nào, thay vào đó những cảm xúc khác cũng như khói mây dần dần tan biến. "Mẹ, con đã mười tám tuổi. Ở tuổi này có thể tự quyết định cuộc đời của mình rồi!" Tôi dùng một chất giọng rất nhẹ nhàng để nói với mẹ tôi, nhưng bà ấy lại không hề cảm thấy vậy. Mẹ tôi trợn mắt, lớn tiếng nói với tôi: "Mày đừng có trả treo! Ta đẻ mày ra được thì tao giết mày được! Nuôi mày đến chừng này rồi, cuộc đời của mày là do tao sắp xếp!" Tôi nhìn thẳng vào mắt mẹ, cảm xúc như bùng nổ, những giọt nước mắt không kiềm được cứ thế tuôn rơi, nhưng cũng chẳng thể ngăn nổi những lời nói cay độc của mẹ. Tôi cảm thấy bản thân đã nghe đủ rồi. Vì thế đương lúc mẹ còn đang mắng, tôi vội vã chạy về phòng khóa cửa lại, sau đó ôm gối khóc một mình. Mẹ tôi đuổi theo tôi lên phòng đập cửa rầm rầm, khiến tôi có chút sợ hãi, không biết nếu mẹ vào được thì tôi phải đối diện với mẹ thế nào. Nhưng cũng may là mẹ tôi đập cửa mắng chửi một lúc thì bỏ đi, để tôi lại một mình trong phòng tự liếm vết thương của mình. Mặt trời dần ngã về tây, buổi tối cuối cùng cũng đến. Tôi nằm đơ người trên giường, những giọt nước mắt đã khô tự khi nào. Trong lòng tôi giờ này chẳng có chút cảm xúc nào, dường như tất cả cảm xúc đã theo nước mắt mà rơi ra ngoài. "Mở cửa!" Em tôi ở bên ngoài đập cửa. Tôi nhìn lên đồng hồ, phát hiện trời đã tối, cảm xúc trong lòng cũng đã không còn. Thế là tôi đứng dậy mở cửa cho em tôi, sau đó quay trở lại giường nằm tự kỷ. Tối nay tôi không ăn cơm, cũng chẳng có ai buồn gọi tôi xuống. Tôi đi ngủ trong cơn đói, nhưng nghĩ về tương lai mai sau có thể đến một nơi khác để bắt đầu cuộc sống mới, tiếng bụng reo cũng trở nên vui tai đến lạ. Chỉ là tôi nào có ngờ, cuộc đời này nào giống như mơ. Buổi sáng hôm ấy, khi tôi đang háo hức suy nghĩ nên mang theo thứ gì đến trường đại học, thì cô giáo gọi điện thoại cho tôi. Giọng cô giáo rất hoang mang và lo lắng, khiến tôi cứ ngỡ cô đã xảy ra chuyện gì. "Sao em lại không theo học trường đó nữa vậy? Vậy bây giờ em tính sao? Thực sự muốn thi lại một năm sao?" Tôi nghe cô giáo nói xong cũng trở nên hoang mang, tôi đã nói không muốn theo học trường đó lúc nào? Tôi cũng nói lại y như thế với cô giáo, sau đó cô nói với tôi mẹ tôi đã lên trường xin huỷ kết quả đậu của tôi, để tôi thi lại một năm để được vào trường khác ở trong thành phố. Tôi nghe đến đây như bị sét đánh ngang tai, cảm giác toàn thân cứng đờ, không thể thốt ra thêm một câu nào nữa. Tôi xin phép cô giáo được cúp máy, sau đó ngồi nhìn chằm chằm vào không gian trống rỗng, nước mắt lại một lần nữa tuôn rơi. Vì sao mẹ tôi lại có thể đối xử với tôi như vậy? Vì sao bà không thể hỏi ý kiến của tôi? Vì sao bà lại không chịu hiểu cho tôi? Vì sao bà lại ghét tôi đến như vậy? Ngàn vạn câu hỏi vì sao trong đầu biến thành tiếng gào thét, nhưng sự gào thét trong bất lực thì nào có mang âm thanh. Tôi khóc mệt rồi nằm đơ người trên chiếc giường lạnh lẽo, nhìn lên những hoa văn trên trần nhà. Suy nghĩ muốn được biến mất lại lần nữa xuất hiện trong đầu tôi. Nếu đã không thể rời khỏi đây, thì cứ biến mất vĩnh viễn khỏi thế gian này là được! Nghĩ rồi tôi liền ngồi dậy, lấy xe chạy ra ngoài. Mẹ tôi vẫn còn chưa về, có lẽ bà đã đi đến trường tôi, rồi sẵn tiện đi mua một quyển truyện mới cho em tôi rồi. Tôi đạp xe trên con phố đông đúc, dòng người qua lại tấp nập khiến lòng tôi càng thêm trống rỗng. Tôi chạy xe đến một cửa hàng gần nhà, mua một chai thuốc trừ sâu, sau đó mới chạy về nhà. Nghe nói mùi thuốc trừ sâu rất nồng, nếu pha với thứ khác có thể át được phần nào mùi vị. Thế là tôi lấy một chai nước ngọt ở cửa hàng của mẹ. Trong lúc lấy tôi còn có ý nghĩ rằng liệu mẹ có mắng tôi không, nhưng sau đó lại nghĩ tôi đã không còn trên thế gian này rồi, mẹ có mắng tôi cũng chẳng nghe thấy nữa. Thế rồi tôi vui vẻ lấy nước ngọt trộn với thuốc trừ sâu, rồi uống một hơi vào bụng. Mùi vị chẳng tốt lành gì. Tôi nhăn mặt, cơn đau vẫn còn chưa tới. Thế là tôi đột nhiên nghĩ đến những người sau khi tự tử thì hối hận, còn không thì có người phát hiện kịp thời đưa vào bệnh viện. Tôi không muốn như thế, tôi muốn hoàn toàn biến mất. Thế là tôi đi lên phòng, khóa cửa lại, sau đó một mình trong phòng chống chọi với cơn đau bắt đầu phát tác. Tôi đau khổ lăn lộn trên giường, nhưng trong lòng lại có chút vui sướng. Cuối cùng tôi cũng đã thoát khỏi nơi này rồi! Trước khi lịm đi, tôi nhìn thấy ở trước mặt tôi xuất hiện một con đường hầm, với luồng ánh sáng ấm áp bao bọc, còn có bà nội tôi đứng ở phía cuối con đường vẫy tay gọi tôi. Tôi mỉm cười, ánh mắt dần trở nên mơ màng, sau đó dường như tôi đã chạy về phía bà nội. * * * Hôm nay là ngày hạ huyệt của Hạ Thanh. Thầy cô và bạn bè đến rất đông. Tất cả mọi người đều lấy làm tiếc thương với một cô bé chỉ vừa tròn mười tám tuổi mà đã ra đi đột ngột, từ bỏ một tương lai sáng lạn ở phía trước. Bà Nhàn ngồi ngẩn người ở một góc phòng, đôi mắt đỏ hoe nhìn về phía hư vô, gương mặt thất thần, cũng không biết bà ấy đã ngồi ở đây bao lâu rồi. "Dì, con có cái này muốn gửi cho dì." Một cô bé với đôi mắt vẫn còn rơm rớm nước bước đến bên cạnh bà Nhàn, đưa cho bà một quyển sổ nhỏ. "Đây là nhật kí của Hạ Thanh, bạn ấy nhờ con giữ giúp. Nhưng hiện tại, con nghĩ con nên trả lại cho dì." Bà Nhàn nhận lấy quyển sổ trong tay cô bé, nhìn những dòng chữ nắn nót bên trong, bà lại lần nữa không kìm được nước mắt. <Ngày 13 tháng 4, Hôm nay mình sẽ đăng kí nguyện vọng vào trường đại học. Mình muốn chọn một trường đại học ở thành phố khác, chẳng để làm gì, chỉ là mình không muốn ở nhà nữa, mình cảm thấy ngạt thở, thấy tuyệt vọng khi ở nhà. Vì thế đến một nơi khác chắc chắn là một sự lựa chọn đúng đắn! > <Ngày 15 tháng 4, Ba mẹ tôi lại phớt lờ lời nói của tôi, chỉ chăm chăm nghe theo lời em tôi nói. Tôi tự hỏi rằng, có phải tôi không phải là con ruột của ba mẹ không? À, đúng rồi, mẹ tôi từng nói đã nhặt tôi ở bãi rác, có lẽ đó là sự thật! > <Ngày 3 tháng 6, Cô giáo đưa cho tôi một tờ giấy xin phép được tuyển thẳng vào trường đại học B, tôi đã rất vui mừng. Dù đây không phải trường mà tôi yêu thích, nhưng chỉ cần được rời khỏi đây, là tôi đã cảm thấy rất hạnh phúc! Thế nhưng mẹ tôi lại không chịu, bà lại mắng tôi. Tôi đã rất mệt mỏi, rất tuyệt vọng! Thôi thì bỏ đi, đợi khi thi đại học xong, chắc mẹ cũng sẽ chẳng ngăn cản tôi nữa. > <Ngày 21 tháng 7, Hôm nay tôi thi xong rồi. Vốn dĩ rất vui mừng vì làm bài tốt, muốn mau chóng về nhà khoe với ba mẹ. Nhưng ba mẹ lại bận quan tâm đến em, tôi giống như là không khí vậy! Bọn họ mới thực sự là một gia đình, còn tôi chỉ là người dưng ở nhờ mà thôi! > <Ngày 30 tháng 8, Tôi đậu rồi, nhưng mẹ tôi chẳng vui vẻ gì, còn mắng tôi một trận. Còn ba tôi chỉ nói với tôi một câu, rồi lại đi tìm em tôi. Bao nhiêu tâm trạng vui vẻ đều biến mất. Có lẽ tôi không nên tồn tại trên đời này! > <Ngày 4 tháng 9, Cô giáo gọi điện thoại hỏi vì sao tôi lại huỷ kết quả thi, không muốn học trường đó nữa. Tôi thực sự rất sốc, hỏi ra thì mới biết là do mẹ tôi quyết định. Tôi cảm thấy thật mệt mỏi, thật chán nản, có lẽ tôi nên sớm biến mất thì hơn. Sống trên đời này, mệt mỏi quá! > Đây là dòng ghi chú cuối cùng của Hạ Thanh, cũng cùng ngày với thời điểm con bé nghĩ quẩn mà tự sát. Bà Nhàn đọc xong từng trang nhật kí, cảm thấy dường như có một con dao cùn đang từng nhát từng nhát cứa vào tim bà, khiến tim bà rỉ máu. Bà Nhàn khóc nấc lên, ôm cuốn sổ nhỏ vào lòng. Trong miệng không ngừng lặp lại mấy từ "mẹ xin lỗi con", nhưng người cần nghe cũng đã mãi mãi nằm xuống bên trong nấm mồ lạnh lẽo. Sự tức giận vô tâm là nhất thời, nhưng hối hận là mãi mãi. ----Hết----