Tuyển Tập Truyện Ngắn Lỗ Tấn

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Phan Kim Tiên, 1 Tháng chín 2021.

  1. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,083
    Tuyển Tập Truyện Ngắn Lỗ Tấn

    [​IMG]


    Tác giả: Lỗ Tấn

    Thể loại: Truyện Ngắn, Kinh Điển

    Giới thiệu

     
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng mười hai 2021
  2. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,083
    Khổng Ất Kỷ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cách thức các tiệm rượu ở Lỗ Trấn không giống với những nơi khác: Tiệm nào cũng có một cái quày lớn hình thước thợ đối ngay đường phố, trong quày chứa sẵn nước sôi có thể hâm rượu lúc nào cũng được. Những người thợ, trưa và chiều tan sở, thường cứ bỏ ra bốn đồng chinh mua một chén rượu, - đó là chuyện hơn hai mươi năm về trước, bây giờ thì mỗi chén lên giá đến mười đồng chinh, - đứng tựa phía ngoài quày, uống sốt dẻo ngay về nghỉ. Nếu bỏ thêm ra một đồng chinh nữa, có thể mua một đĩa măng nấu mẵn hoặc đậu hồi hương làm đồ nhấm. Lại nếu bỏ ra đến mười đồng, tức nhiên mua được một món xào. Song le những khách hàng ấy phần nhiều là bạn áo cộc, đại khái không có tiêu rộng như vậy đâu. Duy có những người mặc áo dài mới vào đến trong cái phòng có phên ngăn cách gian ngoài, gọi rượu món nhấm, khề khà ngồi uống.

    Tôi bắt đầu từ mười hai tuổi, đã đứng làm hầu xáng trong tiệm rượu Hàm Hanh ở đầu đường đi vào Lỗ Trấn. Người chủ quày bảo rằng bộ tướng tôi khù khờ quá, e chầu hầu khách áo dài không nổi, thôi thì ở gian ngoài làm viẹc qua loa vậy. Khách áo cộc ở gian ngoài tuy dễ nói chuyện hơn, song cũng chẳng thiếu gì kẻ lai nhai lải nhải làm lôi thôi rất khó chịu. Họ hay đòi xem tận mắt khi múc rượu ở trong chum ra, đòi xem trong cái ấm có nước lã hay không có, lại đòi xem khi thả cái ấm vào nước sôi, như thế mới yên lòng: Ở dưới sự tra xét nghiêm ngặt ấy, thật khó lòng mà pha nước vào. Bởi vậy chỉ được mấy ngày, người chủ quày lại nói tôi không đương nổi việc ấy. May nhờ cái người đưa tôi đến là chỗ quen thân quá, tiệm không thể thải tôi ra, bèn đổi sang một công tác tẻ ngắt là chuyên giữ một việc hâm rượu.

    Tôi từ đó cả người đứng ở phía trong quày chăm làm chức vụ của mình. Tuy chẳng có gì đến nỗi không tròn phận sự, nhưng cứ mải miết có một việc, thấy chơi chán nán. Người chủ quày thì vẻ mặt lằm lằm, khách hàng thì chẳng hề có tình đằm thắm, làm cho mình không sao phới phở được; chỉ có khi nào Khổng ất Kỷ đến tiệm, mới cười lên được mấy tiếng, cho nên còn nhớ mãi đến bây giờ.

    Khổng ất Kỷ là người có một, đứng uống rượu mà lại mặc áo dài. Ông ta, vóc giạc rất cao lớn, sắc mặt trắng xanh, giữa những nét nhăn thường hay đèo thêm ít vết sẹo; một bộ râu xồm rối như bòng bong. Tuy mặc áo dài, nhưng vừa bẩn vừa rách, hình như hơn mười năm không vá cũng không giặt. Nói chuyện với ai, ông cũng nói huyên thiên những là chi hồ giả dã, làm cho người nghe nửa hiểu nữa không hiểu. Nhân vì ông họ Khổng, người ta bèn từ trong câu "thượng đại nhân khổng ất kỷ" thường in son trên giấy tập đồ là câu nửa hiểu nửa không hiểu ấy, lấy ra cho ông một cái biểu hiện tên là Khổng ất Kỷ. Khổng ất Kỷ vào đến tiệm một cái là bao nhiêu người uống rượu đều nhìn ông mà cười, có kẻ lêu lên rằng: "Khổng ất Kỷ, trên mặt ông hôm nay đã lại thêm một vết thương mới rồi!". Ông ta không trả lời, ngó vào trong quày nói: "Hâm cho hai chén rượu, lại cho một đĩa đậu hồi hương đây". Nói thế rồi xỉa ra chín đồng tiền. Những người kia lại cố ý nói to lên rằng: "Nhất định ông lại ăn trộm cái gì của nhà người ta rồi chứ gì!" Khổng ất Kỷ trợn to mắt lên nói: "Các người làm sao lại đặt điều ra bôi nhọ người ta như thế?"... "

    Chính mắt tôi đây hôm kia thấy ông ăn trộm sách nhà họ Hà, bị treo lên đánh, còn bôi nhọ gì nữa?" Khổng ất Kỷ bèn đỏ mặt, gân xanh trên trán nổi lên từng sợi, cãi lại rằng: "Lấy cắp sách không thể kể là ăn trộm được.. Lấy cắp sách!.. ấy là việc của người đọc sách, thế nào kể là ăn trộm được?" Tiếp lấy đó bèn là những câu khó hiểu, như là "quân tử cố cùng" gì gì "giả hồ" gì gì, làm cho mọi người cười rộ lên, trong và ngoài tiệm đầy dẫy cái không khí vui vẻ.

    Nghe người ta bàn tán riêng với nhau, Khổng ất Kỷ vốn có đi học, nhưng trọn đời không đỗ đạt gì, lại không biết nghề làm ăn cho nên càng ngày càng cùng túng đến nỗi rắp đi ăn mày. Còn may được cái viết chữ tốt, bèn đi chép sách mượn cho người ta để kiếm cơm ăn. Khốn thay ông ta lại có tính bướng, siêng ăn nhác làm. Ngồi chép được mấy hôm, cả người luôn với sách giấy bút mực thảy đều mất tích. Như thế mấy lần, rồi thì không còn có ai thuê ông ta chép sách nữa. Khổng ất Kỷ không có cách gì, cực chẳng đã đôi khi phải làm cái việc trộm cắp. Nhưng đối với tiệm chúng tôi, ông là người có phẩm hạnh tốt hơn những người khác, nghĩa là không hề thiếu chịu; tuy cũng có khi không có tiền mặt, tạm ghi trên bảng đen, song trong một tháng thế nào cũng trả hết, trên bảng đen đã xóa bỏ họ tên Khổng ất Kỷ rồi.

    Khổng ất Kỷ uống xong nửa chén rượu, cái sắc mặt ửng đỏ dần dần trở lại nguyên như cũ, có người lại hỏi: "Khổng ất Kỷ, có thật ông biết chữ không?" Khổng ất Kỷ nhìn cái người hỏi mình đó, tỏ ra dáng chẳng thèm cãi vã. Những người khác lại tiếp lời: "Vì lẽ gì đến nửa cái tú tài mà ông cũng mò không được ư?" Khổng ất Kỷ lập tức tỏ vẻ áy náy khó chịu, trên mặt phủ một lớp màu xám tro, trong mồm nói lẵm bẵm, lần này thôi thì rặt những là chi hồ giả dã, chẳng hiểu được chút nào. Đương lúc ấy, mọi người đều cười rộ lên, trong và ngoài tiệm đầy dẫy cái không khí vui vẻ.

    Ở những lúc như thế, tôi có thể cười về hùa với họ, người chủ quày chẳng hề quở mắng đâu. Vả lại người chủ quày mỗi khi thấy Khổng ất Kỷ cũng thường hỏi đùa như thế, gợi người khác bật cười. Khổng ất Kỷ biết mình không thể nào gẫu chuyện với họ được, bèn quay đi nói với trẻ con. Có một lần hỏi tôi rằng: "Em đã đi học chưa?" Tôi khẽ khẽ gật đầu. Ông ta nói: "Đã đi học rồi.. tôi hạch hỏi em thử nào. Chữ hồi trong đậu hồi hương kia viết thế nào nhỉ?" Tôi nghĩ, con người như ăn mày một thứ ấy mà cũng đòi hạch hỏi mình ư? Bèn quay mặt đi, không đếm xỉa đến. Khổng ất Kỷ đợi một chặp lâu rồi tha thiết nói rằng: "Không viết được phỏng? Tôi sẽ bày cho. Nhớ lấy! Những chữ ấy phải nên nhớ lấy, ngày sau khi làm chủ quày biên sổ sẽ dùng". Tôi nghĩ bụng, tôi cùng chủ quày thứ bậc cách xa lắm, vả lại người chủ quày của chúng tôi cũng chẳng biên đậu hồi hương vào sổ bao giờ, vừa tức cười, vừa khó chịu, uể oải trả lời rằng: "Ai cầu ông dạy, chẳng phải thảo đầu ở trên rồi chữ hồi là về ở dưới là gì?" Khổng ất Kỷ tỏ ra vẻ khoăn khoái, lấy hai móng tay dài gõ trên ván quày, gật đầu nói: "Đúng đấy! Đúng đấy!.. Chữ hồi là về có bốn lối viết, em biết chứ?" Tôi càng khó chịu, bĩu môi đi khỏi đó. Khổng ất Kỷ bưa vừa lấy móng tay chấm rượu toan viết chữ trên quày, thấy tôi không có ý sốt sắng gì cả, bèn lại thở dài một cái, tỏ vẻ lấy làm buồn tiếc lắm.

    Có mấy lần, trẻ con hàng xóm nghe tiếng cười, cũng chầu vui chạy sang, vây lấy Khổng ất Kỷ. Ông ta cho chúng ăn đậu hồi hương, mỗi đứa một hột. Trẻ con ăn xong, vẫn cứ không đi, mắt đăm đăm nhìn cái đĩa. Khổng ất Kỷ lúng túng, thò năm ngón tay bấu vào cái đĩa lên, khom lưng xuống, nói rằng: "Chẳng có nhiều, tôi chẳng có nhiều đâu". Lại đứng thẳng lên ngó vào đĩa đậu, lắc đầu nói: "Chẳng nhiều, chẳng nhiều! Nhiều ôi thay? Chẳng nhiều vậy" [2] . Thế rồi một đàn trẻ con kia tản đi trong tiếng cười vang.

    Khổng ất Kỷ làm cho người ta vui vẻ đại khái như vậy, song le nếu không có ông ta, người ta cũng lại như vậy thôi.

    Có một hôm, chừng là hai ba ngày trước tết trung thu, người chủ quày đương thư thả tính sổ, lấy cái bảng đen xuống, bỗng dưng nói: "Đã lâu rồi không thấy Khổng ất Kỷ đến, hắn còn thiếu mười chín đồng chinh đây!" Tôi mới nhớ sực ra quả thực đã lâu ông ta không đến. Một người đang uống rượu nói rằng: "Hắn làm thế nào đến được? Bị đánh què chân rồi". Người chủ quày nói: "Thế à R!"... "

    Hắn vẫn cứ ăn trộm như cũ. Lần này lại dại dột, nhè nhà cụ Cử Đinh mà ăn trộm. Của nhà ấy mà lại ăn trộm được à?"... "

    Sau rồi làm sao?"... "

    Làm sao? Trước viết tờ thú lỗi, sau là đánh, đánh đến già nửa đêm và đánh què chân". - "Sau rồi sao nữa?"... "

    Sau rồi đã đánh què chân thật". - "Đánh què rồi làm sao?"... "

    Làm sao? Ai biết được? Chết rồi cũng nên". Người chủ quày không hỏi nữa, vẫn thư thả tính sổ.

    Qua cái tết trung thu, gió may càng ngày càng heo hắt, xem chừng gần sang mùa đông; tôi suốt ngày đứng gần bên lửa cũng còn phải mặc áo cộc bông mới chịu được. Một buổi chiều, chẳng có một người khách hàng nào cả, tôi đang nhắm mắt ngồi. Thình lình nghe có tiếng: "Hâm một chén rượu đây". Tiếng tuy rất nhỏ, nhưng mà nghe quen lắm. Trong ra lại không có ai hết. Tôi đứng dậy nhìn phía ngoài, thì ra Khổng ất Kỷ ngồi ở dưới quày chỗ ngay ngạch cửa. Ông ta mặt đen mà gầy, không còn ra hồn người nữa, mặc một cái áo cộc kép rách, xấp bằng hai chân, dưới đít lót một tấm bao lác, dùng dây rơm buộc treo lên vai; thấy tôi, lại nói: "Hâm cho một chén rượu đây". Người chủ quày cũng thò đầu ra, lên tiếng: "Khổng ất Kỷ đó à? Ông còn thiếu mười chín đồng chinh nhé!" Khổng ất Kỷ bộ rất dã dượi, ngước mắt trả lời: "Món ấy.. lần sau sẽ trả thôi. Lần này tiền mặt, rượu phải ngon mới được". Người chủ quày vẫn cứ làm như mọi khi, nhìn ông ta cười và nói rằng: "Khổng ất Kỷ, ông lại ăn trộm cái gì nữa rồi!". Nhưng ông ta lần này lại không chối cãi hẳn, chỉ nói một câu: "Thôi đừng có trêu". - "Lại còn trêu? Nếu không ăn trộm, việc gì bị đánh què chân chứ?" Khổng ất Kỷ nói khẽ: "Ngã què, ngã, ngã.." Xem chiều con mắt ông ta, như muốn van lơn người chủ quày đừng nhắc đến nữa. Lúc đó đã có mấy người nhóm lại, họ cùng người chủ quày đều cười lên một loạt. Tôi hâm xong rượu, bưng ra, đặt trên ngạch cửa. Ông ta mò trong túi áo rách lấy ra bốn đồng tiền thả vào tay tôi. Tôi thấy cái tay đầy những bùn, thì ra ông ta đã dùng tay mà đi đến. Một lát, ông uống cạn rượu, lại cứ ngồi mà đủng đỉnh nhích đi bằng tay trong tiếng nói cười của những người chung quanh.

    Từ đó về sau, lâu lắm không hề thấy Khổng ất Kỷ. Đến ngày cuối năm, người chủ quày lấy cái bảng đen xuống, nói: "Khổng ất Kỷ còn thiếu mười chín đồng chinh đây!" Đến tết mồng năm năm sau, lại nói: "Khổng ất Kỷ còn thiếu mười chín đồng chinh đây!" Song le đến trung thu thì không nói, và đến cuối năm cũng không hề thấy ông ta.

    Cho đến bây giờ tôi cũng không hề thấy - ước chừng Khổng ất Kỷ chắc chết rồi.

    (Tháng ba năm 1919)
     
  3. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,083
    Chuyện cái đầu tóc

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sớm mai ngày chủ nhật, tôi bóc bỏ tờ lịch về ngày hôm qua, xem đi xem lại cái tờ mới bày ra, nói:

    "À, mùng mười tháng mười - té ra hôm nay là ngày tết Song thập, thế mà ở đây lại không ghi gì hết!"

    Ông N, một bậc tiền bối của tôi, vừa ưa đến chơi nhà trọ tôi nói chuyện phiếm, thoạt nghe câu ấy, tỏ vẻ lạnh lạt nói cùng tôi rằng:

    "Họ làm đúng đấy! Họ không ghi, anh làm gì họ; còn anh nhớ, lại làm gì ư?"

    Ông N. Vốn là người dở hơi ít nhiều, thường hay nổi giận bâng quơ nói những câu gàn dở. Trong lúc đó, tôi cứ để mặc ông nói gì thì nói, chẳng góp một lời; một mình ông bô bô lên một lúc, thế là xong chuyện.

    Ông nói:

    "Tôi rất phục cái tình hình tết Song thập ở Bắc Kinh. Sáng sớm, cảnh sát đến cửa, nhắc bảo" treo cờ! "..."

    Vâng, treo cờ! "Thế rồi mỗi nhà uể oải đi ra một vị quốc dân, kéo lên một mảnh vải tây rằn rực sặc sỡ. Như thế cho đến đêm, - hạ cờ xuống, đóng cửa lại; có mấy nhà quên bẵng đi, treo đến buổi sáng hôm sau.

    " Họ quên bẵng ngày kỷ niệm, ngày kỷ niệm cũng quên bẵng họ đi!

    Tôi đây cũng là một người quên bẵng kỷ niệm. Nếu nhớ đến một cái, bao nhiêu việc trước và sau cái tết Song thập lần thứ nhất nó đều dựng ngược dậy trong lòng tôi, làm tôi ngồi đứng chẳng yên.

    "Bao nhiêu khuôn mặt người bạn cũ đều nổi bật lên trước mắt tôi. Bao kẻ thiếu niên chạy vạy cực khổ mười mấy năm, bị một viên đạn trong tối cướp mất tính mệnh; bao kẻ thiếu niên tránh khỏi viên đạn ấy thì lại chịu lấy một thứ khổ hình nhiều tháng ở trong nhà lao; bao kẻ thiếu niên ôm ấp chí lớn, thình lình mất tăm biệt tích, cả đến cái đầu ở đâu cũng không ai biết.

    " Bọn họ đều đã trải qua một đời người trong những sự cười gằn, rủa độc, bức bách, hãm hại của xã hội; bây giờ thì mồ mả của họ cũng đã ở trong cái quên bẵng từ lâu mà dần dần trịt lít xuống rồi.

    "Tôi không thể nào kỷ niệm được những việc ấy.

    " Hay hơn là chúng ta cố nhớ ra một ít việc đắc ý đem kể lại cho nhau nghe chơi ".

    Ông N. Vụt nở một nụ cười, giơ tay vo đầu mình một cái, cao giọng nói:

    " Điều mà tôi rất lấy làm đắc ý là từ sau cái tết Song thập lần thứ nhất, tôi đi trên đường, không bị người ta chế nhạo mắng chửi nữa.

    "Anh bạn, chắc anh cũng biết cái đầu tóc là đồ bửu bối cũng là của oan gia của người Trung Quốc chúng ta, xưa nay bao nhiêu người đã vì nó chịu những cái thống khổ mà không có giá trị chút nào!

    " Những người đời xưa rất xưa của chúng ta hình như còn coi nhẹ cái đầu tóc. Xem như hình pháp quý trọng nhất là cái đầu, cho nên chém đầu là hình bậc thượng; thứ đến là sinh thực khí, cho nên "thiến" và "đóng nõ" cũng là một thứ hình rợn người; đến "cạo trọc" [1], thôi thì nhẹ lắm, nhưng mà thử nghĩ xem, thật chẳng biết đã có bao nhiêu lớp người vì trọc cái đầu mà bị xã hội giày đạp lên cả một đời.

    Khi chúng ta còn đi tuyên truyền cách mạng, hay oang oang kể những chuyện mười ngày ở Dương Châu, làm thịt cả thành Gia Định[2] gì gì đó, đó chẳng qua là một thứ thủ đoạn của chúng ta; chứ thực ra thì: Sự phản kháng của người Trung Quốc thuở bấy giờ có phải đâu là vì mất nước, chỉ vì để đuôi sam đấy thôi.

    Bọn ngoan dân bị giết cả rồi, các ông già sót[3] đều qua đời rồi, cái đuôi sam để đã nhất định rồi, đảng Hồng Dương[4] lại nổi dậy. Bà nội tôi từng nói với tôi, thuở đó làm dân thật khó quá, hễ để cả đầu tóc thì bị quan quân giết, còn để đuôi sam thì bị bọn "dài tóc" giết!

    "Tôi chẳng biết có bao nhiêu người Trung Quốc chỉ vì cái đầu tóc không ăn thua gì ấy mà chịu khổ, chịu nạn cho đến diệt vong".

    Ông N. Hai mắt trông lên xà nhà, hình như nghĩ ngợi việc gì, vẫn cứ nói:

    "Ai ngờ cái khổ của cái đầu tóc lại đến phiên tôi phải chịu.

    " Hồi tôi đi ra ngoài lưu học, bèn cắt quách cái đuôi sam. Làm như vậy chẳng phải có cái lẽ kín nhiệm gì khác cả, chỉ vì nó không tiện quá đó thôi. Chẳng dè có mấy người đồng học quấn bín trên đỉnh đầu nhơn đó chán ghét tôi dữ lắm, ông giám đốc cũng cả giận, nói sẽ đình cấp học bổng phần tôi, tống cổ về nước nhà.

    "Chưa được mấy hôm, chính mình ông giám đốc ấy lại bị người khác cắt trộm đuôi sam rồi đi trốn. Một người trong bọn cắt trộm đó là Trâu Dung, tác giả sách Cách mạng quân, anh này vì cớ đó không lưu học được nữa, trở về Thượng Hải, về sau chết ở khám Tây Lao. Anh bạn đã quên bẵng đi từ lâu rồi hẳn?

    " Sau đó mấy năm, tình cảnh nhà tôi sa sút không bằng trước, không kiếm việc làm sẽ phải chết đói, tôi bèn cũng trở về nước. Tôi về đến Thượng Hải liền mua một cái đuôi sam giả, bấy giờ giá chợ là hai đồng, đeo về nhà. Mẹ tôi cũng không nói gì, nhưng mà những người chung quanh thấy mặt tôi một cái là đều trước tiên ngắm nghía cái đuôi sám ấy. Đến khi họ biết là giả, cười gằn một tiếng, lên án tôi bị chém đầu. Có người trong bọn họ còn tính đi cáo giá với quan trên nữa, song về sau vì nghĩ sợ cuộc "làm giặc" của đảng cách mạng có lẽ thành công chăng, mới thôi, không đi cáo giác.

    "Tôi nghĩ, cái gì giả không bằng cái thật nó thẳng thắn và khỏe khoắn hơn, tôi bèn bỏ phăng cái đuôi sam giả, mặc quách quân áo tây đi trên đường phố.

    " Suốt con đường nào mình đi, là có tiếng nhạo cười mắng chửi suốt con đường ấy. Có kẻ còn cứ đi mãi theo sau lưng xỉ vả: "Đồ ma lem!" "Đồ tây giả hiệu!"

    "Tôi khi ấy không mặc đồ tây nữa, đổi mặc áo dài, họ lại mắng mỏ càng hơn.

    " Giữa lúc chuột chạy cùng sào ấy, trong tay tôi mới thêm ra một chiếc ba-toong, cứ đánh văng mạnh mấy chuyến là họ dần dần không mắng nữa. Chỉ khi nào đi đến chỗ chưa từng có đánh qua thì vẫn còn mắng.

    "Việc này làm cho tôi rất buồn rầu, đến bây giờ lắm khi tôi còn cứ nhớ mãi. Trong lúc tôi lưu học, có xem báo thấy chuyện một người đi du lịch Nam Dương và Trung Quốc là bác sĩ Bông-tô: Vị bác sĩ này không hiểu tiếng Trung Quốc và tiếng Mã Lai, có người hỏi ông, không hiểu tiếng thì đi đường thế nào được? Bác sĩ đưa cái ba-toong lên, nói này là tiếng của chúng, chúng đều hiểu cả! Câu chuyện ấy làm tôi tính chất giận đến mấy ngày, ai ngờ chính mình tôi cũng làm như thế mà không tự biết, vả lại những người kia cũng đều hiểu cả đi..

    " Mấy năm đầu niên hiệu Tuyên Thống, tôi làm kiểm học ở một trường trung học tỉnh nhà, các bạn đồng sự lánh mặt tôi càng xa càng lấy làm hay, đám quan liêu phòng bị tôi càng nghiêm càng lấy làm được việc, tôi cả ngày như ngồi trong hầm nước đá, như đứng bên cạnh pháp trường, sự thực chẳng bởi gì khác, chỉ bởi thiếu một cái đuôi sam!

    "Một ngày kia, có mấy tên học sinh thình lình đi vào phòng của tôi, nói:" Thưa thầy, chúng tôi muốn cắt quách đuôi sam đi ". Tôi nói:" Không được! "..."

    Có đuôi sam phải hơn, hay không có đuôi sam phải hơn? "..."

    Không có đuôi sam phải hơn ". -" Thế thì sao thầy lại bảo là không được? "..."

    Ấy không nên, các anh khoan cắt đã là hơn.. hãy đợi đã ". Bọn họ không nói gì, bĩu môi đi ra khỏi phòng; nhưng mà rốt lại họ cũng cứ cắt.

    " A! Không xong rồi, người ta nói nhiều quá lắm rồi. Tôi chỉ tảng lờ như không biết, cứ để mặc bọn họ đưa cái đầu trọc cùng với bao nhiêu cái đuôi sam một loạt vào lớp học.

    "Song le sự cắt bín ấy đã thành ra bệnh truyền nhiễm: Ngày hôm sau nữa, bọn học sinh trường sư phạm thình lình cũng cắt mất sáu cái, đến chiều, có sáu học sinh bị đuổi. Sáu tên ấy, ở trường không được, về nhà cũng không được, đợi mãi cho đến hơn một tháng sau cái tết Song thập lần thứ nhất mới xóa được cái vết dấu lửa đóng trên kẻ phạm tội.

    " Còn tôi? Cũng thế. Chỉ có mùa đông Dân quốc nguyên niên đến Bắc Kinh còn bị người ta mắng mấy lần, sau rồi những người mắng tôi cũng bị cảnh sát cắt mất đuôi sam, tôi mới không được mắng nữa; song tôi chưa hề đi đến trong những vùng nhà quê ".

    " Ông N. Tỏ ra vẻ đắc ý lạ thường, bỗng dưng lại sầm mặt xuống:

    "Hiện nay các anh là những nhà lý tưởng kia lại còn ở chốn này kêu gào phụ nữ hớt tóc gì gì nữa, lại muốn tạo nên bao nhiêu người chỉ chịu thống khổ mà chẳng được một chút gì!

    " Hiện nay chẳng đã có những cô con gái cắt mất cái đầu tóc rồi, vì đó thi vào trường không được hay là bị trường đuổi ra đó ư? "Cách mạng à, võ khí ở đâu? Vừa làm công vừa học à, công xưởng ở đâu?

    " Cứ để cái đầu tóc, gả về làm dâu nhà người ta đi. Quên bẵng tất cả, còn là hạnh phúc, nếu để họ nhớ lấy ít nhiều câu tự do bình đẳng, ấy là sẽ phải chịu thống khổ suốt một đời!

    "Tôi phải mượn câu nói của Artzybashev hỏi các anh: Các anh hứa hẹn sẽ ban cái thời đại hoàng kim cho lũ con cháu của bọn người hiện thời, song có cái gì ban cho chính mình bọn người hiện thời ấy chăng?

    " A! Khi cái roi da của tạo vật chưa hề đến trên sống lưng của Trung Quốc thì Trung Quốc cứ mãi mãi là cái Trung Quốc mức ấy thôi, chính mình nó quyết không chịu thay đổi một mảy lông nào!

    "Trong mồm các anh đã không hề có nọc độc, thì sao lại nhè dán hai chữ" rắn lục "to tướng lên trán, rước ăn mày đến đánh chết?"

    Ông N. Càng nói càng thêm quái gở, nhưng thoạt thấy tôi tỏ vẻ không buồn nghe nữa, tức thì ngậm miệng đứng dậy lấy cái mũ.

    Tôi nói: "Đi về à?".

    Ông trả lời: "Phải, trời sắp đổ mưa rồi".

    Tôi lằm lằm lụi lụi đưa ông ta ra đến cửa.

    Ông N. Đội mũ lên, nói:

    "Lần khác! Xin anh bạn tha thứ tôi đã đến khuấy rầy. Được cái là ngày mai không còn là tết Song thập nữa, chúng ta có thể quên bẵng đi tuốt cả".

    (Tháng 10, năm 1920, trước tết Song thập)
     
  4. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,083
    Sóng gió

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trên vạt đất kề sông, mặt trời đã dần dần thu về những tia ánh sáng vàng. Những cây ô bách dựa sông trên vạt đất, lá nó vừa mới khô khan thở ra hơi, mấy con muỗi vằn chân đang vo ve bay lượn ở dưới. Trong ống khói bếp của những nhà nông ngó mặt ra sông mỗi lúc một nhạt bớt khói nấu ăn, bọn đàn bà trẻ con đều xối nước trên vạt đất trước cửa nhà mình, đem đặt bàn nhỏ và ghế đẩu thấp ; người ta biết ấy là đã đến bữa cơm chiều rồi.

    Người già, đàn ông ngồi trên ghế đẩu thấp, phẩy quạt lá và nói chuyện gẫu, trẻ con chạy lăng xăng, hay là ngồi xổm dưới cây ô bách đánh chắt. Người đàn bà bưng ra món dưa bung đen sẫm và cơm gạo hoa khế hơi lên nghi ngút. Chiếc thuyền rượu của nhà văn chạy dưới sông, các văn hào thấy thế, hứng thơ lai láng, nói rằng: Vô tư vô lự, đó thật là cái vui nhà nông!

    Nhưng câu nói của văn hào có hơi không đúng sự thực, là vì họ không nghe thấy bà cụ Chín cân nói. Lúc đó, bà cụ Chín cân đang giận dữ, cầm cây quạt lá vả rách đập dưới cẳng ghế nói:

    Tao sống đến bảy mươi chín tuổi rồi, sống chán rồi, tao không muốn trông thấy những của phá gia ấy, chết đi cho rảnh. Đã đến bữa cơm rồi, còn ăn đậu rang, ăn cho tận tiệt cả nhà đi!

    Con bé Sáu cân, chắt nội gái của bà cụ, nắm một nắm đậu, đang ở trước mặt chạy lại, thấy thế, bèn chạy thẳng đến mé sông, nấp đằng sau cây ô bách, thò ra cái đầu nhỏ có hai quả đào, lớn tiếng nói: Cái đồ già chẳng chết đi kia!

    Bà cụ Chín cân tuy cao tuổi, lỗ tai vẫn không điếc lắm, có điều cũng không nghe thấy câu nói của con bé, bà vẫn cứ tiếp theo lời mình: Thật là một đời chẳng bằng một đời!

    Thói tục làng này có hơi khác. Đàn bà trẻ con ra, phần nhiều ưa dùng cân cân xem nặng nhẹ, bèn lấy cái số cân được ấy đặt tên quai nôi. Bà cụ Chín cân từ sau khi làm lễ mừng thọ năm mươi, thì dần dần hóa ra người bất bình, thường nói hồi bà còn trẻ, khí trời không có nóng như bây giờ, hột đậu cũng không có cứng như bây giờ ; tóm lại thời buổi bây giờ là không tốt. Huống nữa con bé Sáu cân so với ông cố nó thiếu mất ba cân, so với bố nó Bảy cân, lại thiếu mất một cân, đó thật là một cái chứng chắc chắn không đánh đổ được, cho nên bà lại rắn rỏi nói: Thật là một đời chẳng bằng một đời!

    Mụ Bảy cân, con dâu bà, đang bưng rá cơm đến bên bàn, bèn ném rá cơm xuống trên bàn, tức tưởi nói: Cụ đã lại nói thế. Lúc con Sáu cân đẻ ra, chẳng phải sáu cân năm lạng là gì? Cân nhà cụ lại là cân non, cho già lên, kể mười tám lạng là một cân ; đem đọ với cân mười sáu lạng, con Sáu cân nhà ta hẳn là hơn bảy cân đấy. Tôi tưởng dù là ông cố và ông nhà ta, cũng không chắc đủ chín cân tám cân đâu, cái cân đã dùng có lẽ là thứ cân mười bốn lạng..

    Một đời chẳng bằng một đời!

    Mụ Bảy cân còn chưa đáp lại, bỗng thấy Bảy cân từ trong ngõ hẻm đi ra, bèn day hướng, quát lên với hắn rằng: Cái thây thối này sao đến giờ này mới dẫn thân về, chết đi đằng nào hử! Không màng đến ở nhà người ta đợi về mới giở cơm!

    Bảy cân tuy ở trong nông thôn, chứ vốn có ý bay nhảy. Từ ông nội hắn đến hắn, đã ba đời không cầm cày ; hắn cũng noi gương giúp người ta đi lái thuyền, mỗi ngày một chuyến, sáng sớm từ Lỗ trấn lên thành, chiều tối lại trở về Lỗ trấn, nhân đó hắn biết ít nhiều thời sự: Như ở nơi nào đó thiên lôi đánh chết con tinh rết ; ở nơi nào đó cô con gái đồng trinh đẻ ra con quỷ dạ xoa, v. V.. Kế trong đám người làng, hắn đã là một vai trò trên sân khấu. Nhưng mùa hè ăn cơm không thắp đèn, cái lề lối ấy của nhà nông vẫn còn giữ, cho nên về đến nhà trễ quá, là điều đáng mắng.

    Bảy cân tay cầm cái ống điếu dọc bằng trúc Tương phi[1] dài hơn sáu thước, mõm bịt ngà, tẩu bằng đồng bạch, cúi đầu thủng thẳng đi đến, ngồi trên cái ghế đẩu thấp. Sáu cân cũng thừa dịp lủi ra, ngồi cạnh hắn, kêu cha cha. Bảy cân không trả lời.

    Một đời chẳng bằng một đời! Bà cụ Chín cân nói.

    Bảy cân chậm rãi ngước đầu lên, thở ra nói: Hoàng đế đã lại ngự ngai vàng rồi[2] .

    Mụ Bảy cân ngây người ra một lúc, bỗng như sực tỉnh nói: Thế thì tốt lắm, thế chẳng lại sắp có ban ơn đại xá là gì!

    Bảy cân lại thở ra, nói: Tôi không có cái bín.

    Hoàng đế bắt phải có cái bín sao?

    Hoàng đế bắt phải có cái bín.

    Sao mình biết? Mụ Bảy cân hơi hốt hoảng, vội vàng hỏi.

    Những người trong tiệm rượu Hàm Hanh đều nói như thế.

    Mụ Bảy cân lúc đó không phải suy nghĩ, thấy ngay rằng sự tình có hơi không ổn rồi, bởi vì tiệm rượu Hàm Hanh là nơi nhạy tin tức. Mụ liếc mắt thấy cái đầu Bảy cân trơ trụi, thì nổi giận không cầm được, kìa quái hắn, căm hờn hắn ; bỗng lại đâm ra tuyệt vọng, bới một bát cơm vứt ở trước mặt Bảy cân, nói: Thôi thì ăn nhanh cho xong bữa cơm đi! Cứ khóc bù lu bù loa rồi nó dài cái bín ra được sao?

    Mặt trời thu về hết những tia sáng cuối cùng, hơi mát ngấm ngầm trở lại trên mặt nước ; tiếng bát đũa khua động trên vạt đất, mọi người đều đổ mồ hôi giọt trên sống lưng. Mụ Bảy cân ăn xong ba bát cơm, tình cờ ngước đầu lên, trong buồng tim bỗng thấy đập mạnh không cầm được. Mụ trông qua lá cây ô bách, thấy cụ Bảy Triệu vừa lùn vừa mập đang từ trên chiếc cầu độc mộc đi đến, mà lại mặc áo dài trúc bâu màu bửu lam.

    Cụ Bảy Triệu là chủ tiệm rượu Mậu nguyên làng bên, lại là nhân vật xuất sắc vả là nhà học vấn có một trong vòng tư vuông ba mươi dặm vùng ấy ; vì có học vấn nên lại có ít nhiều khí vị già sót[3] . Cụ có hơn mười thứ Tam quốc chí của Kim Thánh thán phê bình, thường ngày cứ ngồi đọc từng chữ từng chữ ; chẳng những nói ra được tên họ của năm Hổ tướng, rất đỗi còn biết được Hoàng Trung biểu tự là Hán thăng, Mã Siêu biểu tự là Mạch khởi. Sau cách mạng, cụ quấn bín trên đỉnh đầu, như một đạo sĩ ; thường thường than thở nói, nếu Triệu Tử Long còn sống, thiên hạ chắc không loạn đến thế này. Mụ Bảy cân nhanh mắt, thấy cụ Bảy Triệu hôm nay đã không phải là đạo sĩ, cái đầu cạo láng trơn, bín tóc đen nhánh, khắc biết rằng nhất định hoàng đế đã lại ngự ngai vàng, vả lại nhất định cần phải có cái bín, vả lại nhất định Bảy cân sẽ có sự nguy hiểm phi thường. Bởi vì chiếc áo dài trúc bâu ấy của cụ Bảy Triệu không phải dễ dàng lúc nào cũng thường mặc, ba năm nay, chỉ mặc có hai lần ; một lần là Lão Tư Rỗ người giận nhau với cụ lâm bệnh, một lần là khi ông Cả Lỗ người phá phách tiệm rượu của cụ chết đi ; nay là lần thứ ba, nhất định lại là việc vui mừng cho cụ, tai họa cho kẻ thù của cụ.

    Mụ Bảy cân nhớ lại, hai năm trước, Bảy cân say rượu, từng mắng cụ Bảy Triệu là đồ khốn, cho nên giờ này tức khắc thấy ngay chỗ nguy hiểm của Bảy cân, trong buồng tim nổi lên đập mạnh.

    Cụ Bảy Triệu đi thẳng tới, những người ngồi ăn cơm đều đứng dậy, cầm đũa gõ trên bát cơm của mình nói: Cụ Bảy, mời cụ xơi cơm với chúng tôi! Cụ Bảy cũng gật đầu thẳng một mạch, nói xin mời, lại đi ngay đến bên bàn ăn nhà Bảy cân. Cả nhà Bảy cân vội vàng chào mời, cụ Bảy cũng mỉm cười nói xin mời, một mặt để ý xem xét cơm và thức ăn của họ.

    Món dưa bung thơm quá, - đã có nghe tin đồn gì chứ? Cụ Bảy Triệu đứng sau lưng Bảy cân, trước mặt mụ Bảy cân, nói thế. Hoàng đế đã lại ngự ngai vàng rồi. Bảy cân nói.

    Mụ Bảy cân cứ nhìn trên mặt cụ Bảy, hết sức vồn vã nói: Hoàng đế đã ngự ngai vàng rồi, bao giờ mới ban ơn đại xá ư?

    Ban ơn đại xá à? - Đại xá thì thư thả rồi thế nào cũng đại xá đấy. Cụ Bảy nói đến đó, tiếng nói và nét mặt bỗng trở nên nghiêm xẳng. Nhưng mà cái bín của Bảy cân nhà chị đâu, cái bín? Đó lại là việc cần thiết. Các người phải biết: Thời buổi Trường Mao, hễ để tóc thì không để đầu, mà để đầu thì không để tóc.. [4]

    Bảy cân và vợ hắn chưa hề đọc sách, không hiểu được sự màu nhiệm của cái cổ điển ấy cho lắm, nhưng thấy rằng cụ Bảy nhà học vấn đã nói như thế, thì cái sự không có bín tự nhiên là to chuyện, không có cách chạy chữa được, bèn mường tượng như là bị tuyên án xử tử, ù tai một cái, chẳng nói gì được nửa lời.

    Một đời chẳng bằng một đời, bà cụ Chín cân đang bất bình, thừa dịp ấy, bèn nói với cụ Bảy Triệu, Bọn Trường Mao hiện giờ, chỉ việc cắt bín người khác, thầy tu chẳng ra thầy tu, đạo sĩ chẳng ra đạo sĩ. Bọn Trường Mao trước kia có như thế đâu? Tôi sống đến bảy mươi chín tuổi rồi, sống chán rồi. Bọn Trường Mao trước kia là - nguyên cả súc đoạn đỏ bịt đầu, thả thòng xuống, thả thòng xuống, thòng thẳng đến gót chân ; các đức ông tước vương là đoạn vàng, thả thòng xuống, đoạn vàng ; đoạn đỏ, đoạn vàng, - tôi sống chán rồi, bảy mươi chín tuổi rồi.

    Mụ Bảy cân đứng dậy, nói một mình: Thế mới làm thế nào được? Con người ấy, cả nhà từ già đến trẻ đều nhờ nó nuôi sống..

    Cụ Bảy Triệu lắc đầu nói: Cái đó cũng chịu phép. Không có bín, phải mắc tội gì, trong sách đều chép từng điều từng điều rõ ràng lắm. Mặc kệ nhà mình có những người thế nào.

    Mụ Bảy cân nghe nói có chép trong sách, thật đã không còn trong mong mảy may nào nữa ; chính mình bối rối, bỗng lại đâm giận Bảy cân. Mụ lấy chiếc đũa chỉ vào sống mũi chồng và nói: Thằng chết vằm này mình làm thì mình chịu! Lúc làm giặc[5], tôi đã bảo, không nên chống thuyền, không nên lên thành. Nó lại cứ liều lĩnh lên thành, xông xáo lên thành, lên thành mới bị người ta cắt mất bín đi. Trước kia là cái bín đen lánh có ngời, bây giờ hóa nên thầy tu chẳng ra thầy tu, đạo sĩ chẳng ra đạo sĩ. Thằng tù này mình làm thì mình chịu, làm hại lây đến cả nhà chúng tôi là nghĩa làm sao? Cái thằng tù chết vằm kia..

    Người làng thấy cụ Bảy Triệu vào làng, đều ăn vội cho xong bữa cơm, đến nhóm ở chung quanh bàn ăn nhà Bảy cân. Bảy cân biết mình là vai trò trên sân khấu, mà bị vợ mắng tàn nhẫn như thế trước mặt đông người, rất là bẽ mặt, bèn gượng ngước đầu lên, chậm rãi nói:

    Hôm nay mình thấy việc xảy ra mới nói thế, chứ hồi đó mình..

    Mầy, cái thằng tù chết vằm kia..

    Trong những kẻ đứng xem, có chị Tám là người có lòng tốt, bế đứa con mồ côi từ trong bụng giáp hai năm của mình đứng bên mụ Bảy cân ; lúc đó cầm lòng không đậu, vội vàng khuyên giải nói: Chị Bảy cân, thôi được rồi. Người ta không phải thần tiên, ai biết được việc về sau? Dù cho chính mình chị, lúc đó chẳng cũng đã nói, không có bín cũng chẳng xấu gì hay sao? Huống chi các cụ lớn nhà quan cũng không hề rao bảo..

    Mụ Bảy cân chưa nghe hết lời, hai cái tai đã đỏ ửng lên, bèn day chiếc đũa qua, chỉ vào sống mũi chị Tám, nói: Ối già, sao lại nói thế! Chị Tám nè, tôi xem tôi vẫn còn là một con người, có thể nào thốt ra lời ngu muội hồ đồ như thế? Lúc đó tôi khóc suốt ba ngày, ai ai cũng thấy, cả đến con bé Sáu cân này cũng khóc.. Con bé Sáu cân vừa ăn xong một bát cơm lớn, cầm cái bát không giơ tay đòi bới thêm. Mụ Bảy cân đang tức tối, bèn lấy chiếc đũa xỉa xuống giữa hai quả đào của nó, nạt to rằng: Ai mượn mầy lắm mồm, mấy cái con mụ góa lấy trai kia!

    Bỗng một tiếng chảng, cái bát không của con bé Sáu cân rơi xuống đất, rủi chạm phải hòn gạch vỡ, mẻ một miếng rất lớn. Bảy cân đứng phắt dậy, lượm cái bát vỡ lên, gằm miếng mẻ lại săm soi một lúc, cũng thét lên, đéo mẹ mầy! Đánh cho Sáu cân một cái tát. Sáu cân nằm xuống khóc, bà cụ Chín cân nắm lấy tay nó, nói liên thanh một đời chẳng bằng một đời, rồi kéo nhau đi.

    Chị Tám cũng nổi giận, to tiếng nói: Chị Bảy cân, chị giận cá chém thớt.

    Cụ Bảy Triệu nãy giờ cứ cười cười đứng cạnh xem ; song từ sau khi chị Tám nói câu các cụ lớn nhà quan cũng không rao bảo, lại có hơi tức giận. Lúc này cụ đã đi quanh ra cạnh bàn, nói tiếp theo: Giận cá chém thớt mà đáng kể vào đâu. Đại binh rồi sẽ kéo đến. Mụ phải biết, người bảo giá lần này là Trương đại súy[6] . Trương đại súy là dòng dõi của Trương Dực Đức người Yên, một thanh xà mâu trượng tám của ông có cái sức mạnh muôn người không địch nổi, ai có thể chống lại ông? Đồng thời cụ thu hai tay không, tuồng như nắm thanh xà mâu vô hình, nhằm chị Tám xông tới mấy bước nói: Mụ có thể chống lại ông không?

    Chị Tám giận đến nỗi ôm đứa con phát run, bỗng thấy cụ Bảy Triệu mặt mướt mồ hôi mỡ, trợn mắt, nhằm chị xông tới, chị sợ quá, không dám nói hết câu, quay mình đi. Cụ Bảy Triệu cũng đi theo, mọi người một mặt quát chị Tám nhiều chuyện, một mặt dãn ra tránh đường, mấy kẻ từng cắt bín rồi để tóc lại bèn vội vàng nấp ở sau đám người, sợ cụ trông thấy. Cụ Bảy Triệu cũng chẳng để ý xét hỏi, lách qua đám người, bỗng rẽ vào sau cây ô bách, nói: Mụ có thể chống lại ông không? Rồi dằm lên cầu độc mộc, đi thẳng một hơi.

    Bọn người làng đứng ngơ ngác, trong lòng so tính, đều thấy mình không thể chống lại Trương Dực Đức, nhân đó cũng kể chắc Bảy cân sẽ phải chết. Bảy cân đã là kẻ phạm phép vua, họ nghĩ đến hắn trước kia, khi nói chuyện với người khác về tin tức trong thành, không nên ngậm ống, điếu dài làm ra dáng kiêu ngạo thế ấy, cho nên đối với sự Bảy cân phạm phép, họ cũng thấy có hơi hả dạ. Họ hình như muốn phát ra một vài lời nghị luận, song lại thấy không có lời nghị luận nào đáng phát ra. Lũ muỗi kêu vo ve om sòm một trận, chạm vào những cái mình mẩy ở trần, vụt đến họp chợ dưới cây ô bách ; bọn người làng cũng thư thả trở về nhà, đóng cửa đi ngủ. Mụ Bảy cân cứ cằn rằn, rồi cũng thu dọn mâm bát bàn ghế vào nhà, đóng cửa đi ngủ.

    Bảy cân đem cái bát vỡ về nhà, ngồi ở bực cửa hút thuốc ; song buồn rầu quá, quên bẵng hút, lửa trong cái tẩu đồng bạch của cái ống điếu trúc Tương phi mõm bít ngà dài sáu thước dần dần tối đen đi. Trong lòng hắn chỉ thấy như sự tình mười phần nguy cấp, cũng muốn nghĩ ra cách gì, tìm ra phương kế gì, song trong trí cứ là mập mờ, không nẻ nóc được: Bín hỡi bín? Cái xà mâu trượng tám. Một đời chẳng bằng một đời! Hoàng đế ngự ngai vàng. Cái bát vỡ phải đem lên thành bịt lại. Ai có thể chống lại ông ấy? Trong sách đều có chép từng điều từng điều. Đéo mẹ mầy!

    Sáng sớm hôm sau, Bảy cân theo thói quen chống thuyền từ Lỗ trấn lên thành, chiều tối lại trở về Lỗ trấn, cầm cái ống điếu trúc Tương phi, hắn nói với bà cụ Chín cân, cái bát này gắn lại ở trong thành, vì miếng mẻ lớn nên cần tới mười sáu cái đinh, ba đồng điếu một cái, cả thảy tốn hết bốn mươi tám đồng điếu.

    Bà cụ Chín cân buồn rầu nói: Một đời chẳng bằng một đời! Tao sống chán rồi. Ba đồng điếu một cái đinh ; đinh ngày xưa thế này ư? Đinh ngày xưa là.. Tao sống bảy mươi chín tuổi rồi..

    Đó về sau Bảy cân tuy chiếu lệ hàng ngày lên thành, song cảnh nhà hơi mờ sẫm, người làng đều có ý tránh mặt, không đến nghe những tin tức nhặt được từ trong thành nữa. Mụ Bảy cân cũng không đối đãi tử tế, vẫn thường kêu hắn là thằng tù.

    Trải qua hơn mười ngày, Bảy cân từ trong thành về nhà, thấy vợ hắn vui vẻ lắm, hỏi hắn rằng: Mình ở trong thành có nghe gì không?

    Không có nghe gì cả.

    Hoàng đế có lại ngự ngai vàng không?

    Họ không nói.

    Trong tiệm rượu Hàm hanh cũng không ai nói sao?

    Cũng không ai nói.

    Tôi tưởng nhất định hoàng đế không ngự ngai vàng rồi. Hôm nay tôi đi ngang qua trước tiệm cụ Bảy Triệu, thấy cụ lại ngồi nhẫm sách, bín lại quấn trên đỉnh đầu, cũng không mặc áo dài.

    * * *

    Mình nghĩ, không ngự ngai vàng rồi chứ?

    Tôi tưởng, không ngự nữa rồi.

    Bảy cân hiện nay lại đã được mụ Bảy cân và người làng tôn kính vừa phải, đối đãi vừa phải. Đến mùa hè, họ vẫn ăn cơm ở trên vạt đất trước cửa nhà mình ; mọi người thấy nhau, đều cười hì hì chào hỏi. Bà cụ Chín cân đã làm lễ mừng thọ tám mươi rồi, vẫn cứ bất bình mà lại mạnh giỏi. Đôi quả đào của con bé Sáu cân đã biến thành một cái bín lớn ; nó tuy mới bó chân[7], nhưng vẫn làm việc giúp mẹ nó được, bưng cái bát cơm đóng mười tám cái đinh đi nhót nhắc qua lại trên vạt đất.

    Tháng 10 năm 1920
     
  5. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,083
    Làng quê

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi xông pha trong những ngày giá rét, trở về làng quê của tôi, nơi cách xa hơn hai ngàn dặm, biệt đi hơn hai mươi năm.

    Thời tiết đã là giữa mùa đông ; khi gần đến làng quê, màu trời lại sầm tối, gió lạnh thổi vào trong khoang thuyền, vù vù vụt vụt, từ khe hở mui thuyền dòm ra, dưới nền trời vàng xám, nằm in những làng mạc xơ xác gần đến xa, không có lấy một tí hơi sống. Lòng tôi đâm ra buồn bã không cầm nổi.

    A! Đó chẳng phải là làng quê mà ta lúc nào cũng nhớ đến trong hai mươi năm nay?

    Cái làng quê mà tôi nhớ không phải như thế đâu. Làng quê của tôi tốt hơn lắm cơ. Song le nếu tôi muốn ghi lấy cái đẹp đẽ của nó, nói ra chỗ hay của nó, thì lại không có bóng dáng nào, không có lời nào. Mường tượng đâu cũng là như thế. Thế rồi tôi tự giải thích cho mình rằng: Làng quê vốn nó như thế - tuy không có tiến bộ gì, chứ cũng không đến nỗi có sự buồn bã như ta cảm thấy, đó chỉ bởi tâm tình ta thay đổi mà thôi, vì lần này tôi về quê, trong lòng vốn chẳng có vui vẻ gì.

    Tôi về lần này chỉ có một việc để mà biệt hẳn nó. Cái nhà cũ ở cả bà con chúng tôi trong bao nhiêu năm, đã đồng ưng bán cho người khác rồi, nội trong năm nay thì giao nhà, cho nên cần phải kịp trước ngày mồng một tháng giêng, chúng tôi biệt hẳn cái nhà cũ quen thuộc, vả lại biệt hẳn cái làng quê quen thuộc, dời đến một nơi khác mà tôi đang kiếm ăn ở đó.

    Sáng sớm hôm sau tôi đã đến cửa ngõ nhà tôi rồi. Bao nhiêu cộng cỏ khô trên kẽ ngói cứ run rẩy giữa gió, nó đang cắt nghĩa cái nhà lâu đời này tại làm sao phải bán. Mấy phòng bà con chừng đã dời đi hết, cho nên rất vắng vẻ. Tôi đến ngoài cửa phòng chúng tôi ở, mẹ tôi đã ra đón tiếp đến là thằng cháu Hoành tám tuổi chạy ra.

    Mẹ tôi vui mừng lắm, song cũng giấu ít nhiều vẻ thiểu não, bảo tôi ngồi xuống nghỉ, uống trà, hẵng khoan nói đến chuyện dời nhà. Thằng cháu Hoành chưa hề thấy tôi, cứ đứng xa xa mải nhìn tôi.

    Nhưng cuối cùng chúng tôi bàn đến chuyện dời nhà. Tôi nói chỗ trọ ở ngoài kia đã thuê được rồi, lại đã mua sắm đồ vặt một ít, bây giờ nên bán tất cả đồ gỗ ở nhà để sau mua thêm. Mẹ tôi đồng ý, vả lại hành lý cũng đã xếp dọn qua loa rồi, những đồ gỗ không thể chở đi được cũng đã bán đi một số rồi, có điều không thu tiền về được.

    Anh nghỉ ngơi một vài hôm, đi thăm bà con họ hàng một bận, rồi thì chúng ta đi ngay tôi. Mẹ tôi bảo tôi.

    Thưa vâng.

    Còn có Nhuận Thổ, mỗi khi hắn đến nhà ta đều hỏi đến anh, hắn rất muốn gặp mặt anh một lần. Mẹ đã bảo cho hắn biết ước chừng cái ngày anh về tới nhà, có lẽ hắn cũng sẽ đến.

    Lúc đó, trong đầu tôi thoáng thấy một bức vẽ kỳ lạ: Giữa nền trời màu chàm thẫm treo một vừng trăng tròn màu vàng, dưới là đất cát bờ biển, trồng những đám dưa hấu xanh lật lìa, giai giai ngàn ngạn trong đó có một chú bé mười một mười hai tuổi, cổ đeo kiềng bạc, tay cầm cái chỉa ba, ráng sức đâm một con tra, con tra xoay mình một cái, rúc qua dưới háng chú bé chạy trốn mất.

    Chú bé ấy tức là Nhuận Thổ. Tôi khi biết hắn, chỉ mới hơn mười tuổi, cách nay hầu ba mươi năm, bấy giờ cha tôi còn sống, cảnh nhà cũng khá, tôi chính là một cậu cả. Năm nọ, nhà tôi đương cai một lễ tế lớn. Lễ tế ấy, thấy nói hơn ba mươi năm mới luân đến một phiên, cho nên rất trọng thể. Trong tháng giêng cúng tổ, của cúng rất nhiều, đồ trần thiết rất chọn lọc, người hầu tế cũng rất đông, cũng rất nên phòng ngừa những đồ ấy bị mất cắp. Nhà tôi chỉ có một người làm tháng (những người làm thuê miền tôi chia ba hạng: Ai chuyên làm cho một nhà nào cả năm gọi là làm năm ; làm mỗi ngày gọi là làm ngày ; chính mình cũng làm ruộng, chỉ gặp tết nhất và lúc mùa màng đi làm cho một nhà nào gọi là làm tháng), ban ạ không xuể, người ấy bèn nói với cha tôi, gọi thằng Nhuận Thổ con của mình đến trông nom đồ trần thiết.

    Cha tôi khứng chịu ; tôi cũng rất vui lòng, vì từ lâu đã nghe cái tên Nhuận Thổ, vả lại biết hắn cùng trạc tuổi với tôi, đẻ tháng nhuận, ngũ hành thiếu thổ, cho nên cha hắn đặt tên là Nhuận Thổ. Hắn có tài gài bẫy bắt những chim nhỏ.

    Thế rồi, tôi ngày ngày ngóng trông năm mới, năm mới đến, thì Nhuận Thổ cũng đến. Mãi mới tới cuối năm, một ngày kia, mẹ tôi bảo tôi, Nhuận Thổ đến rồi, tôi bèn đâm bổ xuống xem. Hắn đang ở trong nhà bếp, mặt tròn màu da dâu, đầu đội mũ nỉ nhỏ, cổ đeo kiềng bạc sáng ửng, đủ biết cha hắn yêu hắn lắm, sợ hắn chết đi, nên mới hứa nguyện trước thần phật, dùng cái kiềng xích hắn lại. Hắn thấy ai cũng sợ xấu hổ, chỉ không sợ tôi, khi không có người khác, hắn nói chuyện với tôi, thế rồi không đến nửa ngày, chúng tôi đã quen nhau.

    Hồi đó, chúng tôi chẳng biết nói những gì, chỉ nhớ rằng Nhuận Thổ vui vẻ lắm, hắn nói sau khi lên thành, thấy được nhiều cái mà hắn chưa từng thấy.

    Ngày hôm sau, tôi yêu cầu hắn bắt chim, hắn nói:

    Không được. Phải đợi có sa tuyết lớn mới được. Ở miền chúng tôi, khi sa tuyết rồi, tôi quét lấy một chỗ trống trên bãi cát, dùng cái que chống một cái mẹt lớn, vãi gạo và tấm, hễ thấy chim chóc đến ăn, tôi ở đằng xa giật cái dây buộc ở que, những chim chóc ấy liền bị chụp lại trong cái mẹt. Chim gì cũng có: Sáo, cưởng, chim gâu, chim sả..

    Thế rồi tôi lại rất ngóng trông sa tuyết.

    Nhuận Thổ lại nói với tôi:

    Bây giờ lạnh quá, mùa hè anh hãy đến nơi chúng tôi. Ban ngày chúng ta đến bãi biển nhặt đủ thứ vỏ sò, đỏ có, xanh có, trùng trục cũng có, móng tay cũng có, ban đêm tôi và cha tôi đi giữ dưa, anh cũng đi.

    Giữ ăn trộm phải không?

    Không phải. Người đi đường khát nước bẻ một quả dưa ăn, chúng tôi không kể là ăn trộm. Giữ là giữ con lợn lòi, con nhung, con tra. Dưới ánh sáng, anh nghe thấy tiếng sàn sạt, đó là con tra đang ăn dưa. Anh hãy xách cái chỉa ba, đi khe khẽ..

    Lúc đó, tôi không biết cái con gọi bằng con tra ấy giống gì, đến bây giờ tôi cũng vẫn không biết, chỉ thấy không đâu rằng nó giống như con chó nhỏ mà rất hung dữ.

    Nó chẳng cắn người sao?

    Có cái chỉa ba chứ. Đi đến rồi, thấy con tra rồi, anh cứ đâm. Con vật ấy rất nhanh nhẹn, nó xông tới anh, trở rúc qua háng anh mà chạy trốn. Lông da của nó mướt như mỡ..

    Tôi vốn không biết trong thiên hạ có bao nhiêu việc mới lạ ấy, bãi biển có vỏ sò ngũ sắc như vậy ; dưa hấu có sự từng trải nguy hiểm như kia, trước tôi chỉ biết nó có bán trong mấy tiệm đồ trái mà thôi.

    Trong bãi cát chúng tôi, khi nước lên, có nhiều con cá nhảy, nó chỉ nhảy, con nào cũng có hai cái chân như chân ếch..

    A! Trong lòng Nhuận Thổ có không biết bao nhiêu việc lạ lùng, đều là việc mà các bạn trường ngày của tôi chưa hề biết. Cá bạn ấy chẳng biết bấy nhiêu việc, khi Nhuận Thổ ở bãi biển, các bạn ấy cũng như tôi, chỉ xem thấy quãng trời bốn góc trên bức tường cao trong sân.

    Tiếc thay tháng giêng hết rồi, Nhuận Thổ phải về nhà, tôi quẫn đến khóc òa lên, hắn cũng nấp trong nhà bếp, cứ khóc không chịu ra cửa, nhưng cuối cùng bị cha hắn dẫn đi. Đến sau hắn còn nhờ cha hắn gửi cho tôi một gói vỏ sò và mấy cái lông chim đẹp, tôi cũng có gửi quà cho hắn một vài lần, nhưng từ đó không hề lại thấy mặt nhau.

    Hôm nay, mẹ tôi nhắc đến hắn, cái ký ức hồi bé của tôi bỗng dưng đều sống lại như chớp nhoáng, hình như thấy được cái làng quê tốt đẹp của tôi. Tôi tiếp lời:

    Thế thì tốt lắm! Hắn, - ra thế nào?

    Hắn ấy à? Cái tình cảnh của hắn cũng chẳng ra chi.. Mẹ tôi vừa nói vừa nhìn ra ngoài cửa, những người kia lại đến rồi. Nói là mua đồ gỗ, sẵn giằm cứ việc mang đi, ta phải đi xem xem.

    Mẹ tôi đứng dậy, đi ra. Ngoài cửa có tiếng mấy người đàn bà, tôi bèn vẫy thằng cháu Hoành đến trước mặt, nói chuyện gẫu với hắn: Hỏi hắn có biết viết không, có muốn đi ra khỏi nhà không.

    Chúng ta đi xe hỏa chứ?

    Chúng ta đi xe hỏa.

    Có đi thuyền không?

    Trước tiên đi thuyền.

    Ha! Dáng người đã như thế đấy! Râu đã dài như thế đấy! Một thứ tiếng oái oăm sắc nhọn thình lình kêu oang oang lên.

    Tôi giựt mình một cái, vội ngước đầu lên, thấy một người đàn bà chừng trên dưới năm mươi tuổi, gò má cao, môi mỏng, đứng trước mặt tôi, hai tay cắp đít, không có thắt lưng, dạng hai chân ra, giống như cái nhíp quây nhỏ chân khà khêu trong bộ đồ vẽ.

    Tôi sửng sốt.

    Không nhận ra được à? Tôi vẫn bế anh đấy!

    Tôi càng sửng sốt hơn. May mà mẹ tôi cũng chạy lại, nói xen vào:

    Hắn ra khỏi nhà bao nhiêu năm, mọi sự đều quên tất cả. Anh còn nhớ chứ, quay nói với tôi: Đó là chị Hai Dương ở xế cửa, người bán tiệm đậu phụ ấy mà.

    À, tôi nhớ rồi. Hồi tôi còn bé, ở cái tiệm đậu phụ xế cửa quả có chị Hai Dương ngồi suốt ngày, người ta đều gọi là nàng Tây Thi đậu phụ. Nhưng là chát phấn trắng, gò má không có cao thế này, môi không có mỏng thế này. Vả lại cả ngày cứ ngồi mãi, tôi không hề thấy cái dáng bộ kiểu nhíp quây kia. Lúc đó người ta nói: Vì có nàng, cái tiệm đậu phụ ấy đắt hàng lạ. Nhưng, chừng là vì lứa tuổi xa cách nhau, tôi chưa từng có một mảy may thông cảm, cho nên quên tuốt tuột cả. Thế mà nhíp quây rất bất bình, tỏ ra bộ khinh khỉnh, như tuồng chê cười người nước Pháp không biết Napoleon, người nước Mỹ không biết Oasinhton vậy, cười gằn nói:

    Quên rồi nhỉ? Thật là người sang chỉ nhìn lên..

    Có đâu thế.. Tôi.. Tôi hốt hoảng, đứng dậy nói.

    Vậy thì, anh Tấn, tôi nói với anh. Anh sang rồi, anh cần gì những thứ đồ gỗ mục nát ấy, mang theo lại nặng nề, thôi thì cho tôi quách đi, nhà dân giã chúng tôi, dùng cứ được.

    Tôi cũng chẳng sang gì đâu. Tôi phải bán đi những thứ ấy, rồi lại..

    Ối già già, anh đã được bổ đạo đài[1], còn nói chẳng sang nữa? Hiện giờ anh có ba phòng nàng hầu, ra cửa là đi kiệu tám người khiêng, còn nói chẳng sang nữa? Hứ, cái gì cũng chẳng giấu được tôi đâu.

    Tôi biết rằng không nói thế nào được, bèn ngậm miệng đứng im.

    Ối già, ối già, thật hễ càng có tiền, càng một ly không chịu nới, mà càng một ly không chịu nới, lại càng có tiền.. Nhíp quây một mặt gằm gằm quay mặt đi, một mặt nói lải nhải, chậm rãi bước ra ngoài, sẵn giằm lấy đôi bao tay của mẹ tôi nhét vào cặp quần, đi một mạch.

    Sau đó lại có những họ hàng bà con ở gần đến thăm tôi. Tôi một mặt lo tiếp đãi, hở ra thì thu xếp đồ hành lý, như thế qua ba ngày. Một hôm vào buổi chiều khí trời rất lạnh, sau khi ăn cơm trưa, tôi ngồi uống trà, thấy phía ngoài có người đi vào, quay đầu lại xem. Khi tôi xem thấy, sửng sốt lạ thường không cầm được, vội vàng đứng dậy, đi ra đón.

    Người đi vào ấy là Nhuận Thổ. Tuy tôi thấy thì biết ngay là Nhuận Thổ, nhưng lại không phải Nhuận Thổ trong trí nhớ của tôi. Khổ người hắn cao lớn gấp đôi ; cái mặt tròn màu da dâu trước kia đã đổi ra màu vàng xám, lại còn thêm những đường nhăn rất rõ ; con mắt cũng giống mắt cha hắn, vành mí đều húp và đỏ lên, điều đó tôi biết, những người làm ruộng ở bờ biển, cả ngày bị gió biển thổi, đại khái đều như thế cả. Trên đầu hắn đội cái mũ nỉ rách, mình mặc chỉ một cái áo bông rất mỏng, người cứ run lên ; tay cầm một cái gói bằng giấy và một cái ống điếu dài, cái tay ấy cũng không phải cái tay múp míp mướt dịu mà tôi nhớ, nó vừa cồ kịch, vừa ô chề, lại còn nứt ra, như thể vỏ cây thông.

    Tôi lúc đó rất phấn khởi, nhưng không biết nói thế nào cho phải, chỉ nói:

    A! Anh Nhuận Thổ, - anh đã đến à?

    Tiếp đó, tôi có bao nhiêu câu chuyện muốn xổ ra hàng tràng, những là: Con cưởng, con cá nhảy, vỏ sò, con tra.. nhưng lại thấy như bị cái gì gàn lại. Chỉ lanh quanh trong đầu óc, không nói ra miệng được.

    Hắn đứng yên, trên mặt hiện ra dáng vui mừng và ủ dột ; mấp máy môi, nhưng không thốt ra tiếng. Cuối cùng thái độ của hắn đâm ra cung kính, rõ ràng kêu lên rằng:

    Ông lớn!..

    Tôi như rùng mình một cái, biết rằng giữa chúng tôi đã cách một lớp vách dày đáng buồn rồi, tôi cũng nói chẳng nên lời.

    Hắn quay lại nói: Thủy Sinh, lạy ông lớn đi. Bèn kéo thằng bé nấp sau lưng hắn ra, đó chính là Nhuận Thổ hai mươi năm trước, chỉ hơi vàng và gầy, trên cổ không có cái kiềng bạc. Đây là thằng bé thứ năm, chưa hề bước ra khỏi nhà, rụt rụt rè rè..

    Mẹ tôi và thằng cháu Hoành ở trên gác xuống, đại khái cũng nghe thấy tiếng nói mà xuống.

    Bà cụ. Thư tôi tiếp được rồi. Biết rằng ông lớn về, tôi mừng quá lắm.. Nhuận Thổ nói.

    A, sao anh lại làm ra lễ phép quá như thế. Giữa các anh trước kia chẳng là gọi nhau bằng anh em đó ư? Cứ gọi như cũ đi: Anh Tấn. Mẹ tôi vui vẻ nói.

    Ối già, bà cụ thật là.. thế còn thành ra thể thống gì. Trước kia là trẻ con, không biết điều.. Nhuận Thổ nói, và gọi Thủy Sinh tiến lên vái chào, thằng bé lại cứ thẹn, tựa sát sau lưng cha nó.

    Nó là thằng Thủy Sinh? Thằng bé thứ năm? Đây đều là người lạ, nó sợ lạ là phải lắm ; thôi thì thằng cháu Hoành rủ nó đi chơi đi. Mẹ tôi nói.

    Thằng cháu Hoành nghe thấy thế, bèn đến rủ Thủy Sinh, Thủy Sinh sỗ sàng phới phở đi với nó. Mẹ tôi bảo Nhuận Thổ ngồi, hắn ké né một lúc, rồi cũng ngồi, dựng cái ống điếu dài bên cạnh bàn, đưa cái gói bằng giấy ra, nói:

    Trời mùa đông chẳng có cái gì cả. Đây là một ít đỗ xanh của nhà phơi, xin ông lớn..

    Tôi hỏi tình cảnh hắn, hắn chỉ lắc đầu.

    Khó quá lắm. Đứa bé thứ sáu cũng đã đỡ tay đỡ chân được rồi, nhưng cũng vẫn không đủ ăn.. Lại không thái bình.. Cựa ra chỗ nào cũng phải mất tiền, chẳng có luật lệ nhất định.. Mùa màng lại hỏng. Trồng trọt ra cái gì, gánh đi bán, đều phải nộp mấy lớp thuế, lỗ vốn ; không đem đi bán, lại mục thối ra..

    Hắn cứ lắc đầu ; trên mặt tuy có nhiều đường nhăn, mà đờ ra không nhúc nhích, giống như pho tượng đá. Ước chừng hắn chỉ thấy rằng mình khổ, nhưng không hình dung cái khổ ra được, im lặng một lát, rồi cầm ống điếu lên dửng dưng hút thuốc.

    Mẹ tôi hỏi hắn, biết hắn việc nhà bận lắm, ngày mai phải đi về ; lại hưa ăn cơm trưa, bèn bảo hắn vào bếp rang cơm lấy mà ăn.

    Hắn đi ra rồi, mẹ tôi và tôi đều ngậm ngùi cho tình cảnh hắn: Đông con, đói kém, thuế nặng, lính, quan, kẻ cướp, cường hào, đều làm khổ hắn đến nỗi giống con người gỗ. Mẹ tôi nói với tôi, hết thảy những đồ chi không cần mang đi, có thể để cho hắn tất, có thể để mặc chính mình hắn chọn lấy.

    Chiều lại, hắn chọn được mấy thứ đồ: Hai cái bàn dài, bốn chiếc ghế dựa, một bộ lư hương và chân đèn, một cái cân đòn. Hắn lại xin tất cả đống tro rạ (chỗ chúng tôi thổi cơm bằng cộng rạ, tro nó có thể làm phân bón cho đất cát), đợi đến khi chúng tôi lên đường, hắn sẽ đem thuyền đến chở đi.

    Ban đêm, chúng tôi lại nói chuyện phiếm, đều là chuyện không cần thiết. Sáng sớm hôm sau thì hắn dẫn thằng Thủy Sinh đi về.

    Lại qua chín ngày nữa, là ngày chúng tôi lên đường. Sáng sớm Nhuận Thổ thổ, không có Thủy Sinh cùng đi, chỉ đem theo đứa con gái năm tuổi coi thuyền. Chúng tôi suốt ngày bận rộn, không có thì giờ trò chuyện. Khách đến cũng không ít, có người đến đưa đường, có người đến lấy đồ, có người đến để vừa đưa đường vừa lấy đồ. Đến lúc gần tối chúng tôi xuống thuyền, bao nhiêu những đồ đạc cũ kỹ, lớn nhỏ, thô diển trong cái nhà lâu đời ấy đều quơ sạch cả.

    Thuyền chúng tôi nhằm đằng trước đi tới, núi xanh hai bên bờ sông trong nhá nhem tối đều trỗ màu xanh đen sẫm, liên tiếp đi lùi về đằng sau lái thuyền.

    Thằng cháu Hoành và tôi cùng tựa cửa sổ thuyền cùng xem phong cảnh tờ mờ bên ngoài, thình lình hắn hỏi:

    Bác cả! Bao giờ chúng ta trở về?

    Trở về? Sao cháu chưa đi mà đã nghĩ đến về?

    Nhưng mà Thủy Sinh nó hẹn tôi đến nhà nó chơi.. Cháu Hoành mở đôi con mắt to mà đen, đờ người ra nghĩ.

    Tôi và mẹ tôi cũng có hơi bùi ngùi, thế rồi lại nhắc đến chuyện Nhuận Thổ. Mẹ tôi nói: Mụ Hai Dương, nàng Tây Thi đậu phụ kia, từ hôm nhà ta thu xếp hành lý, ngày nào hắn cũng đến, hôm qua hắn moi trong đống tro ra hơn mười cái vừa bát vừa đĩa, sau khi bàn tán, nói quyết là của Nhuận Thổ chôn, để khi bốc tro đi, lấy đem luôn về nhà. Mụ Hai Dương phát giác việc ấy rồi, kể lấy làm công mình, bèn xách cái chó tức chết (cái này là đồ nuôi gà ở miền chúng tôi, trên tấm ván có đóng song kín, trong đựng đồ ăn, con gà có thể thò đầu vào mổ lấy, con chó thì không thể, chỉ thấy mà tức chết), chạy thẳng một mạch, con mụ bó chân nhỏ gót cao thế ấy, vậy mà chạy đến nhanh.

    Cái nhà cũ lìa tôi càng xa ; núi sông của làng quê cũng đều dần dần lìa xa tôi, song tôi lại chẳng hề cảm thấy lưu luyến gì cả. Tôi chỉ thấy như chung quanh tôi có bức tường cao xem không thấy, chắn tôi thành ra cô độc, làm tôi ngột thở lạ ; cái bóng dáng của người tiểu anh hùng đeo kiềng bạc trên đám ruộng dưa kia, tôi vốn nhớ rành mạch, thế mà bây giờ bỗng dưng lu mờ đi, lại làm tôi hết sức buồn rầu.

    Mẹ tôi và thằng cháu Hoành đều ngủ yên.

    Tôi vẫn nằm, nghe tiếng nước róc rách dưới đáy thuyền, biết rằng mình đang đi đường của mình, tôi nghĩ: Tôi trót đã cùng Nhuận Thổ cách dứt đến quãng ấy rồi, nhưng lớp sau chúng tôi vẫn là một mạch, thằng cháu Hoành chẳng phải đang nghĩ đến Thủy Sinh là gì. Tôi trông mong rằng chúng nó chẳng còn giống tôi, lại mọi người cách biệt nhau.. nhưng mà tôi lại chẳng muốn chúng nó vì cần có một mạch mà đều sống cay đắng lăn lóc như tôi, cũng chẳng muốn chúng nó đều sống cay đắng tê điếng như Nhuận Thổ, cũng chẳng muốn đều sống cay đắng trừng trộ như những người khác. Chúng nó phải có sự sống mới, sự sống mà chúng tôi chưa từng trải qua.

    Tôi nghĩ đến sự trông mong, thình lình đâm ra sợ. Khi Nhuận Thổ chọn lấy lư hương và chân đèn, tôi vẫn cười ngầm hắn, cho rằng hắn cứ thờ lạy tượng nộm, lúc nào cũng không quên. Bây giờ đây, cái tôi gọi bằng trông mong, chẳng cũng là cái tượng nộm tự tay tôi chế tạo ra ư? Có điều cái nguyện vọng của hắn gần sát, nguyện vọng của tôi xa xôi đó thôi.

    Trong mơ màng, trước mắt tôi mở ra một miếng đất cát xanh lật lìa ở bãi biển, trên đó, giữa nền trời màu chàm thẫm treo một vừng trăng tròn màu vàng. Tôi nghĩ: Cái trông mong vốn là cái không gì gọi là có, không gì gọi là không. Nó cũng như con đường trên đất, thực ra thì trên đất vốn không có đường, có nhiều người đi thì thành ra đường.

    Tháng 1 năm 1921
     
  6. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,083
    Chúc phước

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mặc dầu thế nào cái cuối năm của âm lịch cũng vẫn ra về cuối năm hơn. Ở giữa làng mạc không phải nói, cho đến ở trên thinh không cũng nổi bật ra cái khí tượng hầu sang năm mới. Trong đám mây chiều trắng xám và nặng nề chốc chốc lại có nhoáng sáng, tiếp tới một tiếng đẹt, ấy là pháo đưa ông Táo về trời; nếu đót gàn thì nghe lại mạnh xẳng hơn, những tiếng đùng đùng làm ù tai còn chưa dứt, trong không khí đã lan khắp mùi thuốc pháo thầm thoảng. Chính là trong cái đêm ấy tôi về đến Lỗ Trấn, làng quê của tôi. Nói rằng làng quê, nhưng thật ra tôi đã không có nhà ở đó, cho nên phải tạm trọ trong nhà ông cụ Tư. Ông cụ, người trong họ tôi, theo thế thứ, lớn hơn tôi một bậc, đáng lẽ tôi phải gọi bằng "chú Tư", là một vị cựu giám sinh theo phái lý học. Ông ta so với trước kia chẳng có thay đổi gì mấy, chỉ già thêm một ít, song le còn chưa để râu. Thấy tôi, ông liền hỏi thăm sức khỏe; sau khi hỏi thăm sức khỏe rồi ông nói tôi "mập ra"; sau khi nói tôi mập ra rồi ông liền chửi bọn tân đảng. Nhưng tôi biết rằng đó không phải là ông chửi cạnh chửi khóe tôi: Vì cái kẻ ông chửi vẫn còn là Khương Hữu Vi. Có điều, câu chuyện thế nào cũng không ăn nhịp nhau, bởi vậy chẳng bao lâu, chỉ lưu lại trơ trọi một người là tôi ở trong phòng sách.

    Ngày hôm sau tôi trỗi dậy rất trễ. Sau bữa cơm trưa, tôi đi thăm mấy người bà con và bạn bè. Ngày hôm sau nữa cũng thế. Họ thảy đều chẳng có thay đổi gì mấy, chỉ già thêm một ít; nhưng nhà nào cũng bận rộn, đều đương sắm sửa lễ "chúc phước". Lễ này là lễ lớn cuối năm ở Lỗ Trấn, bày biện lễ phẩm, đón rước các vị phúc thần, khấn cầu sự may mắn cả một năm cho năm mới. Họ giết gà, làm thịt ngỗng, mua thịt lợn, cẩn thận rửa từng tí, những cánh tay của đàn bà đều đầm trong nước ửng đỏ lên, có cái còn đeo neo bạc. Sau khi nấu chín các vật ấy, bừa bãi giặt những chiếc đũa lên trên, thế gọi là "phước lễ" dó. Hồi canh năm bưng đặt lên bàn, thắp hương, thắp đèn, cung thỉnh các vị phúc thần về hâm hưởng. Chỉ có đàn ông con trai mới được cúng lạy; cúng lạy xong, vẫn cứ đốt pháo. Năm nào cũng thế, nhà nào cũng thế - miễn là sắm được phước lễ và pháo - tự nhiên năm nay cũng lại thế. Màu trời càng râm tối, buổi chiều tuyết bắt đầu sa, những hoa tuyết lớn bằng hoa mai, bay múa đầy trời, xen với khói mùa và tình hình tấp nập, làm Lỗ Trấn thành ra một vùng hỗn độn. Khi tôi về đến trong phòng sách chú tư, trên kẽ ngói đã đầy tuyết trắng; ánh sáng rọi vào trong phòng, rõ ràng thấy được bức liễn cái chữ "thọ" đập son, chữ của Trần Đoàn lão tổ viết, treo trên vách; hai bức liễn con thì một đã rơi xuống, cuốn lại phồng phồng để trên chiếc bàn dài, một thì còn treo, nó là sự lý thông đạt tâm khí hòa bình. Tôi lại chán nản đi đến cái bàn để sách bên cửa sổ lục lạo một hồi, chỉ thấy có một đống Khang Hy tự điển chưa chắc đủ trọn bộ, một bộ Cận tư lục tập chú và một bộ Tứ thư thấn. Không luận thế nào, tôi nhất định ngày mai phải đi đi thôi.

    Thêm nữa, cứ nhớ đến chuyện gặp mụ Tường Lâm hôm qua một cái là làm tôi không thể nào ở yên được. Bấy giờ vào buổi chiều, tôi đến xóm phía đông Lỗ Trấn thăm một người bạn. Khi ra về, bắt gặp mụ bên bờ sông; vả lại thấy cặp mắt mụ đăm đăm nhìn tôi, biết rằng mụ thấy tôi mà cố ý đón để gặp. Trong bao nhiêu người tôi đã thấy lần này ở Lỗ Trấn, người thay đổi nhiều hơn cả, có thể nói không ai bằng mụ: Cái đầu hoa râm năm năm về trước, bây giờ đã bạc phau, không còn ra vẻ người trên dưới bốn mươi nữa; cái mặt gầy tóp, vàng mà đen, đến nỗi mất cả cái dáng bộ buồn rầu trước kia, hình như là con người gỗ; chỉ có đôi tròng con mắt thỉnh thoảng luân qua luân lại, còn có thể tỏ ra mụ là một vật sống mà thôi. Mụ một tay xách cái giỏ bằng tre, trong đó một cái bát mẻ không đựng gì cả; một tay cầm một cành tre dài hơn người mụ, đầu dưới đã nứt ra: Rõ ràng là một kẻ ăn mày trăm phần trăm.

    Tôi đứng dừng lại, sẵn sàng chờ mụ đến xin tiền.

    "Thưa ông đã về?" Mụ chào hỏi trước.

    "Phải".

    "Thế thì tốt lắm. Ông có học, lại là người đi ra, thấy biết được nhiều. Tôi muốn hỏi ông một việc.." Cặp mắt không có tinh thần của mụ bỗng dưng nẩy sáng ra.

    Tôi tuyệt nhiên không ngờ đến mụ lại nói được những lời như thế, sững sờ đứng im.

    "Ấy là.." Mụ nhích gần lại hai bước, hạ giọng khe khẽ, nói thì thầm như là chuyện rất bí mật, "sau khi một con người chết rồi, thực ra còn có linh hồn hay là không có?"

    Bấy giờ tôi đờ người ra, thấy mụ nhìn giắt mắt vào mình, trên lưng tôi như phải gai chích, lúng túng còn hơn khi ở trong trường học gặp sự hạch hỏi thình lình, không kịp ngừa trước, thầy giáo lại đứng bên cạnh mình. Về sự có linh hồn hay không, chính mình tôi thuở nay không hề để ý đến; song le ở giờ phút này, nên trả lời mụ thế nào cho ổn đây? Tôi ngần ngừ trong giây lát, nghĩ ngay ra rằng người miền này đều tin có ma, mà mụ lại ngờ vực, - thế thì có lẽ nói hy vọng là hơn: Hy vọng rằng có, lại hy vọng rằng không có.. Nhưng mà mình sao lại đệm thêm sự khổ não cho con người cùng đường làm chi; muốn được việc cho mụ, chi bằng nói quách đi rằng có. Thế rồi tôi trả lời cách nửa nạc nửa mỡ:

    "Theo tôi tưởng, cũng có lẽ có đấy."

    "Vậy thì, cũng phải có địa ngục chứ?"

    "À, địa ngục à?" Tôi rất bối rối, chỉ có việc chống chỏi: "Địa ngục à? - Theo lẽ, cũng phải có. - Nhưng mà chưa chắc.. ai lại đi để ý đến những việc như thế!.."

    "Vậy thì, những người cùng trong một nhà chết đi có thể gặp mặt nhau chứ?"

    "Ờ ờ, gặp mặt hay là chẳng gặp mặt ư?" Khi ấy tôi đã biết mình còn là một người ngu trọn vẹn, ngần ngừ thế nào, tính toán thế nào, cũng không đương nổi ba câu hỏi ấy. Tức thì tôi đâm ra rè rụt, định xí xóa cả bao nhiêu câu trả lời trước kia: "Điều đó.. thật ra thì tôi không nói dứt khoát được.. Sự thật, có linh hồn hay không có, tôi cũng không nói dứt khoát được."

    Tôi thừa lúc mụ không hỏi dồn nữa, tháo bước ra đi, vội vàng trốn về trong nhà chú Tư, thấy lòng mình rất không yên ổn. Cứ nghĩ bụng, mình trả lời như thế e có điều nguy hiểm cho mụ chăng. Chừng như mụ vì gặp lúc nhà người ta chúc phước, cảm thấy riêng thân mình bơ vơ hiu quạnh, nhưng cũng có thể giấu trong câu hỏi cái ý gì khác nữa chăng? Hoặc là mụ đã có linh cảm thế nào rồi? Ví phỏng mụ có ý gì khác, lại nhân đó xảy ra việc gì khác, thì những câu trả lời của tôi ắt phải có chịu trách nhiệm một phần nào.. Song le, liền đó tôi cũng bật cười cho mình, việc là việc tình cờ, vốn chẳng có ý nghĩa gì sâu sắc cả, mà mình lại cứ nắn nót mãi ra, hèn chi có nhà giáo dục bảo là đau thần kinh bệnh[1] ; huống chi đã nói phân minh rằng "tôi không nói dứt khoát được", đã xí xóa cả bấy nhiêu câu trả lời, thế thì dầu có xảy ra việc gì, cũng chẳng mảy may dính dấp đến tôi.

    "Không nói dứt khoát được", thật là một câu nói rất hữu dụng. Có những kẻ thiếu niên hăng hái chưa từng trải việc đời, thường hay bạo gan giải quyết sự nghi ngờ, chọn lấy thầy thuốc cho người khác, rủi ra không được kết quả tốt, trở chuốc lấy oán vào mình; nhưng khi đã dùng câu "không nói dứt khoát được" làm kết luận, thì bao giờ mình cũng thoát nợ cả. Lúc bấy giờ, tôi càng cảm thấy câu ấy là rất cần dùng, dầu cho khi nói chuyện với một mụ ăn mày cũng không lấy lẽ gì mà vứt bỏ đi được.

    Song le thế nào tôi cũng không yên tâm; qua một đêm rồi, cũng vẫn cứ chốc chốc lại nhớ đến, hình như có một thứ linh cảm báo hiệu chẳng lành; ở dưới trời tuyết âm thầm, trong phòng sách chán nản, cái sự không yên tâm lại càng thêm dữ dội. Thôi, chi bằng đi là hơn, sáng mai đi vào thành đi. Món vây thả của Phúc Hưng lâu cứ một đồng một bát lớn, ngon mà rẻ, hiện giờ chẳng biết có lên giá chăng? Các bạn cùng đi chơi ngày trước tuy đã mỗi người một nơi nhưng mà món vây thả phải ăn mới được, dầu chỉ độc có một mình tôi cũng vậy.. Không luận thế nào, tôi nhất định ngày mai phải đi đi thôi.

    Tôi nhân vì thường thấy ít nhiều việc mình không muốn xảy ra như mình đoán, cho rằng chưa chắc xảy ra như mình đoán, lại cứ hay xảy ra như mình đoán, cho nên rất lo âu cho cái việc này rồi cũng thế. Thì quả thế, cái tình hình đặc biệt đã bắt đầu. Xế chiều, tôi nghe có mấy người nói chuyện ở nhà trong, giống như bàn tán việc gì ấy, một chốc tiếng trò chuyện cũng bặt, chỉ có chú Tư vừa đi vừa nói to rằng: "Chẳng sớm chẳng muộn, lại nhè chính vào giữa lúc này, - thế đủ biết nó là đồ tầm bậy!"

    Tôi trước còn lấy làm lạ, sau thấy rất không yên tâm, hình như câu nói đó có dính dấp tới mình. Trông ra ngoài cửa, không có ai hết. Vơ vẩn chờ đến trước bữa cơm tối, người làm trong nhà đến chế trà, tôi mới có dịp tìm nghe được tin tức.

    "Vừa rồi cụ Tư gắt ai thế nhỉ?" Tôi hỏi.

    "Mụ Tường Lâm chứ còn ai?" Người ấy trả lời thon lỏn.

    "Mụ Tường Lâm à? Vì lẽ gì thế?" Tôi lại hỏi dồn.

    "Chết rồi."

    "Chết rồi?" - Quả tim tôi vụt se lại, gần như muốn đập mạnh, sắc mặt chừng cũng tái đi, có điều người kia không hề ngước đầu lên, cho nên trọn không thấy. Tôi cũng liền làm tỉnh, hỏi tiếp:

    "Chết vào lúc nào thế?"

    "Lúc nào? - Đêm qua hay sáng nay gì đó. - Tôi không nói dứt khoát được."

    "Vì lẽ gì mụ chết?"

    "Vì lẽ gì? - Cùng quá đi thì chết, chứ còn vì lẽ gì?" Hắn lạnh nhạt trả lời, vẫn cứ không ngước đầu nhìn tôi, đi ra.

    Nhưng mà sự kinh hãi của tôi chẳng qua chỉ trong giây lát, sau thấy cái việc phải đến thì đã qua rồi, cũng không cần nhờ những câu "không nói dứt khoát được" của tôi và "cùng quá thì chết" của người kia làm yên ủi mà cõi lòng đã dần dần nhẹ nhõm; chỉ trong lúc tình cờ còn thấy như bị cắn rứt ít nhiều. Cơm tối dọn ra, chú Tư nghiêm nghị ngồi tiếp. Tôi cũng còn muốn gợi nghe tin tức về mụ Tường Lâm, song biết rằng ông ta tuy đã đọc qua câu "quỷ thần là lương năng của hai khí" [2] nhưng vẫn còn kiêng kị rất nhiều; trong khi gần làm lễ chúc phước rất không nên đem những chuyện đau ốm chết chóc ra mà nói; nếu cực chẳng đã, phải dùng một thứ tiếng lóng, tiếc tôi lại không biết, vì vậy nhiều lần toan hỏi lại thôi. Tôi dò ở sắc mặt nghiêm nghị của ông, lại đâm ngờ rằng ông cho tôi chẳng sớm chẳng muộn, nhè chính vào lúc này đến khuấy rầy ông, cũng là đồ tầm bậy, bèn lập tức xin kiếu ông ngày mai tôi sẽ rời Lỗ Trấn, đi vào thành, để lòng ông sớm được khoăn khoái. Ông cũng không cầm hẳn, cứ tẻ ngắt như thế ăn xong một bữa cơm.

    Mùa đông ngày ngắn, lại là trời tuyết, cái màn đêm vội đã che phủ cả thị trấn. Mọi người đều bận rộn ở dưới đèn, nhưng ngoài cửa sổ rất lặng lẽ. Những hoa tuyết, sa trên đệm tuyết khá dày, nghe như có tiếng tách tách, khiến người cảm thấy sự lặng lẽ càng hơn. Tôi một mình ngồi dưới ngọn đèn dầu lạc trỗ ánh sáng vàng, nghĩ rằng cái mụ Tường Lâm cầu bơ cầu bất kia, là kẻ bị mọi người hất hủi trong đống bụi rác, là một thứ đồ chơi cũ kỹ xem đã chán, trước còn lộ hình trong bụi rác, thì dưới mắt những người sống sung sống sướng chắc lấy làm quái sao mụ cứ còn mãi, mà bây giờ thì cũng kể được là đã bị thần chết quét dọn sạch sẽ đi rồi đấy. Linh hồn có hay không, tôi không biết; nhưng mà bây giờ đây thì kẻ không thể sống không sống nữa, để cho kẻ không muốn thấy không thấy nữa, thật cũng là được việc cho cả người lẫn mình. Tôi lắng nghe tiếng hoa tuyết hình như kêu tách tách ngoài cửa sổ, vừa nghe vừa nghĩ ngợi, dần dần trở thấy trong người thư thái hẳn.

    Song le, những mảnh vụn sự tích về nửa đời người của mụ mà tôi đã thấy và nghe được trước kia, đến đây cũng liền lại, thành ra nguyên một tấm.

    Mụ Tường Lâm không phải người Lỗ Trấn. Có một năm, đầu mùa đông, trong nhà chú Tư muốn thay đứa ở gái, người mối là bà Vệ già đưa mụ đến: Đầu vấn cái dây trắng, quần đen, áo cộc kép màu chàm, ngoài phủ áo lá mùa xanh non, tuổi chừng hâm sáu hâm bảy, sắc mặt vàng xanh nhưng hai gò má còn đỏ. Bà Vệ già gọi mụ là mụ Tường Lâm, nói là hàng xóm của nhà mẹ mình, chết mất người đàn ông, cho nên ra đi ở mướn. Chú Tư cau mày. Thím Tư biết ngay ý chồng ghét mụ là một mụ góa. Song le thấy mụ dáng dấp cũng hẳn hoi, tay chân đều vạm vỡ, lại chỉ nhìn xuống, chẳng nói một câu, rõ ra là một người yên phận và chịu khó, bèn bất chấp cái cau mày của chú Tư, để mụ ở lại. Trong kỳ ở thử, mụ làm việc cả ngày, hình như hở tay ra thì buồn, lại có sức, chẳng khác một anh trai tráng, vì vậy ngày thứ ba liền dứt giá, mỗi tháng năm quan tiền công.

    Người ta đều gọi mụ là mụ Tường Lâm; chẳng hề hỏi mụ họ gì, cứ người mối là người Vệ gia sơn đã nói là hàng xóm, thế cũng cho là mụ họ Vệ đi. Mụ không thích nói chuyện lắm, có ai hỏi mới trả lời, trả lời cũng vắn tắt. Đến sau mười mấy ngày mới biết thêm rằng trong nhà mụ còn có bà mẹ chồng gay gắt, một thằng em chồng còn nhỏ mười mấy tuổi, đã đi hái củi được; mụ chết chồng vào khoảng mùa xuân, chồng mụ vốn cũng sống bằng nghề hái củi, kém mụ mười tuổi: Người ta biết về mụ chỉ có thế thôi.

    Ngày qua rất chóng, công việc mụ chẳng bê trễ chút nào, ăn thế nào cũng xong, làm chẳng hề dưỡng sức. Mọi người đều nói nhà ông cụ Tư thuê được đứa ở gái thật siêng năng còn hơn người trai tráng siêng năng. Đến cuối năm, quét dọn, rửa nhà, giết gà, làm thịt ngỗng, nấu "phước lễ" thâu đêm, một người gánh làm lấy cả, không phải thuê thêm người làm ngày. Vậy mà mụ lại hả hê, khóe miệng dần dần có vẻ cười, mặt cũng béo trắng ra.

    Vừa qua năm mới, khi mụ đi vo gạo ở bờ sông về, bỗng tái mặt đi, nói vừa mới trông thấy xa xa một người đàn ông đứng vơ vẩn bờ bên kia, giống người bác họ nhà chồng mụ lắm, e rằng người ấy đi đến đây cốt vì tìm mụ. Thím Tư rất nghi ngại, căn vặn đến điều, mụ lại không nói chi. Chú Tư biết được, liền cau mày một cái, nói:

    "Thế là không xong đấy, e nó trốn nhà mà đi đấy."

    Quả mụ trốn nhà thật, chẳng bao lâu câu nói đè chừng ấy liền được chứng thực.

    Sau đó chừng mười mấy ngày, người ta đang dần dần quên lửng câu chuyện trước, bà Vệ già bỗng đưa một người đàn bà ngoài năm mươi tuổi đến, nói là mẹ chồng của mụ Tường Lâm. Người đàn bà tuy có dáng bộ người miền núi, nhưng thù ứng rất thong dong, nói năng cũng hoạt bát, vài lời hàn huyên rồi xin lỗi, nói đến để bảo con dâu mình về nhà, vì đầu năm bận việc, mà trong nhà chỉ có một già một trẻ, không đủ tay làm.

    "Đã là bà gia nó gọi nó về, còn nói gì được nữa?" chú Tư nói.

    Thế rồi tính tiền công, cộng là mười bảy quan năm, mụ vốn gởi cả ở nhà chủ, không tiêu một đồng, đều đem giao giả cho mẹ chồng mụ. Người đàn bà lại lấy áo xống, cảm ơn rồi đi ra. Lúc đó đã đứng trưa.

    "Ối già, nào gạo đâu? Có phải mụ Tường Lâm đi vo gạo rồi chăng?" Được một lúc, thím Tư mới vùng la lên như thế. Chừng như bà ta có hơi đói bụng, nhớ đến cơm trưa.

    Người nhà bèn mới chia nhau đi tìm cái rổ rá. Thím Tư bước vào nhà bếp, sau lên nhà lớn, sau nữa đến trong buồng, đều không thấy bóng cái rổ rá đâu. Chú Tư dạo ra ngoài cửa ngõ, cũng không thấy, thẳng đến bờ sông, mới thấy để chững chạc trên bờ, cạnh cái rổ rá còn có một cây cải.

    Người xem thấy, học lại rằng: Hồi chưa trưa ở bến sông có đậu một chiếc thuyền mui trắng, mui che kín cả, không biết những người nào ở trong, mà khi việc chưa xảy ra cũng chẳng ai để ý đến. Đến chừng mụ Tường Lâm ra đó vo gạo, mới vừa quỳ xuống, trong thuyền vụt nhảy ra hai người đàn ông, giống người miền núi, một người ôm xoác mụ, một người giúp tay kéo vào trong thuyền. Bấy giờ mụ Tường Lâm còn khóc la được mấy tiếng, về sau rồi không có tiếng tăm gì nữa, chừng như bị nhét gì vào mồm rồi. Rồi đó liền bước lên hai người đàn bà, một không biết mặt, còn một là bà Vệ già. Dòm xem trong khoang, thấy không rõ ràng lắm, hình như mụ bị trói để nằm trên ván thuyền thì phải.

    "Khả ố! Nhưng mà.." Chú Tư nói.

    Cả ngày hôm ấy chính mình thím Tư nấu cơm lấy. A Ngưu, con trai của ông bà thì chụm lửa.

    Sau bữa cơm trưa, bà Vệ già lại đến.

    "Khả ố!" Chú Tư nói.

    "Thế là chị có ý gì? Khá là chị còn lại đến đây thấy mặt chúng tôi." Thím Tư đang rửa bát, vừa thấy người đàn bà là hằn học nói, "Chính mình chị đưa nó đến, lại họp bè họp lũ cướp nó đi, gây nên việc sôi nổi ầm ĩ, người ta xem vào còn thành ra cái bề thế gì? Chị đem nhà chúng tôi ra làm trò đùa ư?"

    "Ối già, ối già, thật tôi bị lừa. Chính vì điều ấy mà lần này tôi lại đến để nói cho rành mạch. Mụ ấy đến nhờ tôi kiếm chỗ làm, tôi làm thế nào liệu trước được rằng mụ đã lừa dối mẹ chồng mụ ư? Thưa cụ ông, cụ bà, tôi chịu không phải. Chỉ vì tôi già cả lú lẫn, không cẩn thận, xin chịu không phải với hai cụ. May mà gặp nhà cụ đây thuở nay vẫn rộng lượng bao dong, không thèm so hơn tính thiệt với kẻ dưới. Tôi nhất định rồi đây sẽ đưa đến một đứa đứng đắn để chuộc tội.."

    "Nhưng mà.." Chú Tư nói.

    Thế rồi cái việc mụ Tường Lâm tới đó là dứt, chẳng bao lâu người ta cũng quên đứt đi.

    Duy có thím Tư nhân sau đó thuê đứa ở gái, đại khái đứa không lười thì háu ăn, hoặc có đứa đã háu ăn còn lười nữa, đăm chiêu chẳng vừa ý, cho nên cũng hay nhắc đến mụ Tường Lâm. Mỗi khi như thế, bà ta thường nói một mình rằng: "Chẳng biết bây giờ mụ ấy ra thế nào?" ý chừng là mong mụ lại đến. Song le qua cái tết năm thứ hai, bà cũng không còn mong nữa.

    Hôm tết gần hết, bà Vệ già đến mừng tuổi, đã uống say ngà ngày, nói rằng nhân có về qua nhà mẹ ở Vệ gia sơn, ở lại mấy ngày cho nên về trễ. Giữa khi trò chuyện tự nhiên họ nói đến mụ Tường Lâm.

    "Mụ ấy à?" Bà Vệ già cao hứng nói: "Hiện giờ thì mụ đã bước sang vận đỏ rồi. Cái lúc mẹ chồng mụ bắt mụ về, vốn đã hứa gả cho lão Hạ Sáu ở Hạ gia úc, cho nên sau khi về nhà, chẳng mấy hôm là đã bỏ vào kiệu hoa khiêng đi."

    "Ối già, lại có thứ mẹ chồng thế kia!.." Thím Tư bài hãi nói.

    "Ối già, cụ bà của tôi ơi! Thật là một bà cụ nhà đại gia nói có khác. Chúng tôi người miền núi, nhà dân dã, như thế có kể vào đâu? Mụ có một đứa em chồng nhỏ, cũng phải cưới vợ cho nó. Chẳng gả mụ đi, thì lấy tiền đâu cưới vợ cho thằng kia? Mẹ chồng mụ thế mà là người sáng suốt, giỏi giang đáo để, tính toán hay lắm, cho nên mới đem mụ gả về miền núi bên trong nữa. Nếu gả cho người cùng làn, của lễ chẳng được nhiều; chỉ vì ít người nữ nào chịu gả về chốn rừng sâu hóc thẳm, cho nên mẹ chồng mụ mới nhận vào tay được một trăm quan chẵn. Nay thì đứa con dâu, vợ thằng thứ hai, cũng cưới được rồi, chỉ tốn có năm chục quan của lễ, trừ tiền tiêu phí làm đám, còn thừa được mấy chục quan. Hừ, cụ xem, tính toán như thế còn hay đến nước nào?"

    "Thế mà mụ Tường Lâm dành chịu cho?"

    "Cái đó có gì mà chịu với chẳng chịu? - Làm ồn thì ai cũng cứ làm ồn lên một trận, rồi thì lấy dây trói lại, nhét vào kiệu hoa, khiêng đến nhà trai, tròng cái mũ đàu lên, lạy họ, đóng cửa buồng lại, thế là yên việc. Thế nhưng mụ Tường Lâm thật có khác. Thấy nói lúc đó thật tình mụ làm rầy rà dữ lắm, người ta đều nói chừng là mụ ở làm việc nhà người có học cho nên không giống với người thường. Thưa cụ bà, chúng tôi thấy được nhiều rồi. Những kẻ bước đi bước nữa, khóc la có, nói đi trầm mình thắt cổ có, khiêng đến nhà trai dằn mình vật mẩy lạy không nên thân có, cho đến dụt tắt đèn động phòng đi cũng có. Nhưng mụ Tường Lâm thì thật khác hẳn người thường: Họ nói mụ suốt khi đi đường chỉ việc la, chửi, khiêng đến Hạ gia úc, cuống họng đã tắt hẳn tiếng. Kéo ra khỏi kiệu, hai người đàn ông và thằng em chồng mụ cố sức kìm giữ, mụ cũng còn lạy không nên thân. Bọn họ sơ ý, nới tay ra một cái, ối già, ai di đà Phật! Mụ liền dộng đầu vào cái cạnh hương án, trên đầu thủng thành một cái hục, máu chảy dầm dề, tra cho hai nắm tàn nhang, buộc cho hai miếng vải điều mà máu còn chưa cầm nổi. Cho đến lúc xúm nhau mỗi người một tay đem mụ cùng người đàn ông nhốt trong buồng cưới, khóa trái lại, mà mụ cũng còn cứ chửi, ối già già, rõ thật là.." Bà Vệ già lắc đầu một cái, nhìn xuống không nói nốt.

    "Sau rồi làm sao?" Thím Tư còn hỏi.

    "Thấy nói ngày thứ hai cũng không chỗi dậy." Bà kia ngước mắt lên trả lời.

    "Sau rồi sao nữa?"

    "Sau rồi? Chỗi dậy. Cuối năm mụ sinh được một đứa bé trai, sang năm mới này nó hai tuổi. Tôi ở nhà đẻ tôi mấy hôm nay, có người ở Hạ gia úc về, nói hai mẹ con mụ mẹ tròn con vuông; bên trên lại không có mẹ chồng; người đàn ông mụ được cái sức mạnh, biết làm ăn; nhà thì ở nhà của mình. - ồ! Mụ thật đã bước sang vận đỏ rồi."

    Đó về sau, thím Tư không nhắc đến mụ Tường Lâm nữa.

    Song le có một mùa thu năm nọ, ước chừng sau khi được tin mụ Tường Lâm bước sang vận đỏ lại qua hai cái tết, mụ lại đã đứng ở trước nhà chú Tư rồi. Trên ghế đặt một cái giỏ tròn hình củ mã thầy, dưới thầm một bó hành lý nhỏ. Mụ vẫn đầu vấn cái dây trắng, quần đen, áo cộc kép màu chàm ngoài phủ áo lá màu xanh non, sắc mặt vàng xanh, chỉ trên hai gò má đã mất máu, nhìn xuống, trên khóe mắt có ngấn lệ, cặp mắt cũng không có tinh thần bằng trước kia. Vả lại cũng vẫn do bà Vệ già đưa đến, làm ra vẻ từ bi, lãi nhãi nói cùng thím Tư rằng:

    ".. Thế này thật đúng như người ta nói: Thiên hữu bất trắc phong vân! Người đàn ông mụ chắc nịch đi chứ phải, ai dè tuổi xanh hơ hớ, đau có một trận thương hàn liền chết.

    Thực thì đã đỡ rồi đấy, chỉ ăn vào có một bát cơm nguội, lại hát lại. May mà có con trai; mụ lại hay lam hay làm, đốn củi, hái chè, nuôi tằm đều được cả; vốn tình có thể ở vậy lắm, ai dè thằng bé lại bị chó sói tha đi ư? Mùa xuân sắp qua rồi, chó sói còn xuống tới làng, ai ngờ đến? Hiện giờ mụ chỉ còn một mình trơ trọi. Người anh chồng đến choán lấy nhà, lại đuổi mụ đi. Mụ thật hết chỗ dung thân rồi, chỉ xin đến nhờ hai cụ. Được một cái là mụ hiện giờ không còn vướng víu gì nữa; nhà cụ đây lại vừa ưa muốn thay người làm, cho nên tôi mới đưa mụ đến. - Tôi tưởng quen nhà quen cửa, tốt hơn thuê người lạ nhiều.."

    "Tôi thật khờ, khờ quá." Mụ Tường Lâm ngước cặp mứt thất thần lên nói tiếp theo, "Tôi chỉ biết lúc sa tuyết, những thú rừng ở trong hóc núi không có gì ăn, nó mới xuống đến làng. Tôi có ngờ đâu qua mùa xuân rồi nó cũng vẫn xuống. Một buổi mai sớm, tôi dậy mở cửa, xách chiếc giỏ nhỏ đựng đầy một giỏ đậu, gọi thằng A Mao nhà tôi đem ngồi ở ngạch cửa bóc vỏ. Nó biết vâng lời lắm, tôi bảo gì nó cũng vâng. Nó đi ra. Tôi bèn ở sau nhà bổ củi, vo gạo, trút gạo vào nồi toan ghế đậu. Tôi gọi A Mao, không thấy thưa, đi ra xem, chỉ thấy đậu vung vãi trên đất, không có A Mao nhà tôi. Nó có hề đi chơi nhà khác đâu; đi hỏi mấy nơi, quả thật không có. Tôi sửng sốt, mượn người đi tìm. Cho đến xế chiều, tìm quanh quẩn đến trong hóc núi, thấy trên cành gai mắc một chiếc giầy nhỏ của nó. Người ta đều nói, thôi hỏng rồi, e bị chó sói rồi. Đi tới nữa, quả nhiên nó nằm trong đám cỏ, ruột gan trong bụng đã bị moi ăn tất cả, ở tay còn khư khư nắm lấy chiếc giỏ con.." Kế đó mụ nghẹn ngào, nói không thành câu nữa.

    Thím Tư ban đầu còn ngần ngừ, đến khi nghe mụ nói xong, quầng con mắt có hơi đỏ. Bà ta suy nghĩ một lát rồi bảo mụ xách cái giỏ và đồ hành lý xuống nhà dưới. Bà Vệ già hình như thoát gánh nặng thở ra một cái; còn mụ Tường Lâm dáng người hơi thư thái hơn hồi mới vào, chẳng đợi ai chỉ dẫn, tự mình nhanh nhẩu cất đồ hành lý. Từ đó mụ ở lại Lỗ Trấn làm công.

    Người ta vãn gọi mụ là mụ Tường Lâm.

    Nhưng mà lần này, cảnh ngộ của mụ sẽ thay đổi nhiều lắm. Sau khi nhận việc vài ba hôm, những người nhà chủ đã thấy ra mụ không còn nhanh tay nhanh chân như trước, trí nhớ cũng hỏng đi nhiều, trên cái mặt như mặt ma lại cả ngày chẳng hề có dáng cười; theo giọng nói của thím Tư, đã có hơi bất mãn. Lúc mụ mới đến, chú Tư tuy cứ theo lệ cau mày, nhưng vì thấy lâu nay thuê được đứa ở gái khó lắm, nen cũng không phản đối hẳn, chỉ dặn riêng thím Tư rằng thứ người ấy ngó như là đáng thương, có điều làm bại hoại phong tục, dùng nó đỡ bận thì được, chứ khi cúng tế không nên để nó mó tay vào, mọi sự nấu nướng chính mình phải làm lấy; chẳng thế, dơ dáy bẩn thịu, ông bà ông vải chẳng ăn đâu.

    Việc lớn trong nhà chú Tư là việc cúng tế; mụ Tường Lâm trước kia, khi bận rộn lắm cũng vì việc cúng tế, lần này thì mụ lại rảnh tay. Cái bàn đặt giữa nhà, treo cái màn lên, mụ còn nhớ làm như hồi xưa đi sắp chén rượu và đũa.

    "Mụ Tường Lâm, mụ buông ra thôi! Để tôi soạn cho." Thím Tư vội vàng nói.

    Mụ thụt tay không kịp, lại đi lấy cái đài cắm nến.

    "Mụ Tường Lâm, mụ buông ra thôi! Để tôi lấy cho." Thím Tư lại vội vàng nói.

    Mụ xây quanh mấy vòng, rốt lại không có việc gì làm, chỉ ngơ ngẩn đi khỏi đó. Trong một ngày ấy cái việc mụ có thể làm được chỉ là ngồi dưới bếp chụm lửa.

    Mọi người ở Lỗ Trấn cũng vẫn gọi mụ là mụ Tường Lâm, nhưng cái giọng gọi không giống với trước kia. Họ cũng có nói chuyện cùng mụ, nhưng cái dáng cười đã trở nên lạnh lùng rồi. Mụ toan không để ý đến những sự ấy, cứ nhìn thẳng tới, đăm đăm kể lể với người ta cái chuyện mà chính mụ ngày đêm chẳng quên.

    "Tôi thật khờ, khờ quá." Mụ nói, "Tôi chỉ biết lúc sa tuyết những thú rừng ở trong hóc núi không có gì ăn, nó mới xuống đến làng, tôi có ngờ đâu qua mùa xuân rồi nó cũng vẫn xuống. Một buổi sớm mai, tôi dậy mở cưa, xách chiếc giỏ nhỏ đựng đầy một giỏ đậu, tôi gọi thằng A Mao nhà tôi đem ngồi ở ngạch cửa bóc vỏ. Tôi bèn ở sau nhà bổ củi, vo gạo, trút gạo vào nồi, toan ghế đậu. Tôi gọi:" A Mao ", không thấy thưa. Đi ra xem, chỉ thấy đậu vung vãi trên đất, không có A Mao nhà tôi. Đi tìm hỏi mấy nơi, đều không có. Tôi sửng sốt, mượn người đi tìm. Cho đến xế chiều, mấy người đi tìm đến trong hóc núi, thấy trên cành gai mắc một chiếc giày nhỏ của nó. Người ta đều nói, thôi hỏng rồi, e bị chó sói rồi. Đi tới nữa, quả nhiên nó nằm trong đám cỏ, ruột gan trong bung đã bị moi ăn tất cả, thương hại trong tay nó còn khư khư nắm lấy chiếc giỏ con.." Thế rồi mụ chảy nướ mắt ra, tiếng cũng nghẹn ngào đi.

    Câu chuyện thế mà cũng có hiệu quả. Bọn đàn ông nghe đến đó, thường thường là thôi cười, tiu nghỉu bỏ đi; bọn đàn bà lại chẳng những như là tha thứ cho mụ, trên mặt còn đổi ngay cái bộ khinh bỉ, còn chảy giùm mấy dòng nước mắt. Có mấy bà già không có ở đầu đường nghe chuyện mụ, bèn cố đi tìm cho được, để mụ kể mẩu chuyện bi thảm ấy cho nghe. Khi mụ kể đến nghẹn ngào, họ thảy đều chảy những giọt nước mắt đọng ở khóe, than thở một hồi, hả hê đi trớt, vừa đi lại còn vừa bàn tán nhao nhao.

    Mụ dầu chỉ kể đi kể lại có ngần ấy, nó là mẩu chuyện bi thảm, cũng thường thường kéo được năm ba người đến nghe mụ. Song le chẳng bao lâu, người ta nghe đã thuộc làu, dầu cho đến các bà cụ rất từ bi hay niệm phật, khóe mắt cũng ráo hơ. Sau lại, mọi người ở vùng Lỗ Trấn đều có thể đọc trầm câu chuyện mụ, nghe qua một cái là họ chán ngán đến nhức đầu.

    "Tôi thật khờ, khờ quá." Mụ bắt đầu nói.

    "Phải, chị chỉ biết lúc sa tuyết, những thú rừng ở trong hóc núi không có gì ăn, nó mới xuống đến làng." Bọn họ lập tức cắt đứt câu chuyện của mụ, bỏ đi trớt.

    Mụ đứng sững há hốc miệng ra, đăm đăm nhìn bọn họ, rồi cũng bước đi, hình như chính mụ cũng thấy là vô vị. Song le, mụ còn hay nghĩ bâng quơ, mong từ những việc đâu đâu, như cái giỏ nhỏ, đậu, đứa bé của người khác, gợi ra câu chuyện thằng A Mao của mụ. Nếu thấy được đứa bé hai ba tuổi một cái, mụ sẽ nói:

    "Ờ, thằng A Mao nhà tôi nếu còn sống, cũng đã lớn bằng này rồi."

    Đứa bé thấy bộ tướng cặp mắt của mụ liền sợ hãi, níu vạt áo mẹ nó, giục đi đi. Khi ấy còn lưa lại chỉ một mình mụ, mụ cũng tiu nghỉu bỏ đi nốt. Về sau người ta lại đều biết cái dở hơi của mụ, mỗi khi có đứa bé nào ở trước mặt, họ nửa bỡn nửa thực hỏi trước mụ rằng:

    "Chị Tường Lâm nè, thằng A Mao nhà chị nếu còn sống, cũng đã lớn bằng này rồi chứ gì?"

    Mụ chưa chắc biết rằng câu chuyện bi ai của mụ đã được người ta nhấm nháp ngấu nghiến bấy lâu nay, nó đã thành ra cặn bã, chẳng bõ chán nhàm và phỉ nhổ; nhưng theo dáng cười của mọi người, mụ cũng hơi thấy được là lạnh lùng chua chát, thôi thì mình chẳng cần còn nói nữa làm chi. Mụ chỉ liếc nhìn bọn họ một cái, không trả lời nửa câu.

    Lỗ Trấn cứ luôn luôn bước sang năm mới, hai mươi tháng chạp về sau là bận rối lên. Trong nhà chú Tư lần này phải thuê trai làm ngày, còn chưa hết bận, gọi thêm u Liễu làm giúp: Giết gà, làm thịt ngỗng. Song le, u Liễu lại là tu tại gia, ăn chay trường, không chịu sát sinh, chỉ việc rửa bát đĩa. Mụ Tường Lâm ngoài việc chụm lửa chẳng có việc gì làm, rỗi lắm, chỉ ngồi xem u Liễu rửa bát đĩa. Tuyết lớt phớt sa.

    "Chao ôi, tôi thật khờ!.." Mụ Tường Lâm nhìn trời than thở, như nói một mình.

    "Chị Tường Lâm, chị lại bắt đầu rồi." U Liễu trắng trợn nhìn mặt mụ, nói. "Tôi hỏi chị: Cái sẹo trên khóe trán chị có phải bởi hồi đó động đầu mà thành ra không?"

    "Ờ.." mụ trả lời ấp úng.

    "Tôi hỏi chị: Hồi đó vì lẽ gì về sau chị cũng thuận đi?"

    "Tôi ấy à?"

    "Chị nè, tôi tưởng: Việc ấy cũng bởi chính mình chị đã bằng lòng rồi, chứ không thì.."

    "Ồ! Chị không biết sức họ khỏe là dường nào.."

    "Tôi không tin, không tin chị sức khỏe như thế mà lại chống cự không nổi. Chắc chị về sau chính mình khứng chịu rồi, lại đổ tại sức họ khỏe."

    "Ồ, chị.. Rồi chính mình chị thử xem." Mụ cười.

    U Liễu cũng bật cười lên, làm lớp da nhăn trên mặt túm tíu lại như trái hồ dào. Cặp mắt nhỏ và ráo hơ của u liếc nhìn khóe trán mụ Tường Lâm một cái, rồi giắt mắt vào đó. Mụ Tường Lâm hình như rất ké né, tức thì không cười nữa, xoay chiều mắt, đứng nhìn tuyết sa.

    "Chị Tường Lâm, thực ra thì chị tính không gọn." U Liễu lại bắt đầu nói thả ví. "Cứ làm già nữa, hay là văng mạnh động đầu đến chết đi một cái, chẳng đã xong rồi. Bây giờ đây, chị cùng người chồng của chị ở với nhau chưa đầy hai năm, trở mắc phải một cái tội lớn. Chị nghĩ xem, về sau chị xuống đến âm phủ, hai con ma đàn ông ấy còn phải giành nhau, chị sẽ về tay ai cho ổn ư? Vua Diêm La chỉ có đem chị cưa hai ra, cho mỗi đằng một nửa. Tôi nghĩ thật là.."

    Trên mặt mụ liền hiện ra vẻ sợ hĩ, điều ấy ở trong làng rừng thật chưa hề biết đến.

    "Tôi nghĩ, chi bằng chị kíp tính cách đền bù đi. Chị hãy đến trong miếu thổ địa quyên cúng một cái ngạch cửa sau, coi là cái thân chị đấy, để cho ngàn người xéo lên, muôn người bước qua, chuộc cái tội của một đời người, ngõ khỏi phải chịu khổ hình sau khi chết."

    Mụ bấy giờ cũng chẳng trả lời ra làm sao, song chừng là buồn rầu quá đỗi. Sáng hôm sau chỗi dậy, trên đôi con mắt vầy hai cái quầng đen to tướng. Ăn cơm sáng xong, mụ bèn đi đến cái miếu thổ địa ở xóm tây Lỗ Trấn quyên cúng một ái ngạch cửa. Lão từ ban đầu còn làm dày chẳng khứng cho; mụ van thiết đến chảy nước mắt, mới gắng gượng nhận lời. Giá cái ngạch là mười hai đồng bạc.

    Mụ từ lâu không nói chuyện với ai được, vì câu chuyện thằng A Mao đã bị người ta chán phè rồi; nhưng từ khi trò chuyện với u Liễu, hình như lại đồn đại ra, bao nhiêu người nảy ra một cái thú vị mới, lại tìm đến mụ gạ chuyện. Đến như đầu đề, tự nhiên là đổi một mẩu mới, băm vào cái sẹo ở trên trán mụ kia.

    "Chị Tường Lâm! Tôi hỏi chị, lúc đó vì lẽ gì sau lại chị cũng chịu quách?" Một người nói thế.

    "Ờ, đáng tiếc thật, động đầu một cái toi." Người khác nhìn cái sẹo mụ, phụ họa theo.

    Mụ cứ ở dán cười giọng nói của bọn họ, chừng cũng biết là đang chế nhạo mình, nên chi chỉ cứ trừng mắt, chẳng nói một lời, sau đến không quay đầu lại nữa. Mụ cả ngày ngậm chặt mồm, trên đầu đeo mãi cái sẹo mà người ta cho là cái dấu hiệu nhơ nhuốc, cứ lẳng lặng đi đường phố, quét nhà, rửa rau, vo gạo. Vừa đầy một năm, mụ mới nhận lấy ở tay thím Tư món tiền công bấy lâu còn gửi lại, đổi lấy mười hai đồng bạc, xin phép đi đến xóm tây Lỗ Trấn. Chưa đến ăn xong bữa cơm, mụ đã trở về, sắc mặt rất tươi tỉnh, mắt cũng sáng lên, nói với thím Tư như tuồng đắc ý lắm, rằng mình đã quyên cúng cái ngạch cửa ở miếu thổ địa rồi.

    Sang đông chí, ngày tế tổ, mụ ra sức làm việc. Thấy thím Tư soạn sửa cúng xong, cùng A Ngưu khiêng cái bàn đến giữa nhà, mụ liền quày quả đi lây chén rượu và đũa.

    "Mụ buông ra thôi, mụ Tường Lâm!" Thím Tư lại giật giọng nói.

    Mụ thụt tay lại như là bị bỏng, tức thì sắc mặt đổi ra đen xám, cũng chẳng đi lấy đài cắm nến nữa, chỉ đứng sững thất thần. Cho đến lúc chú Tư thượng hương, bảo mụ đi, mụ mới đi. Lần này mụ thay đổi hơn lần nào cả: Ngày hôm sau, chẳng những mắt sâu vào, đến cả tinh thần cũng càng kém. Lại thêm nhát gan quá, chẳng những sợ đêm tối, sợ bóng đen, đến thấy người ta, dầu người chủ mình, cũng nơm nớp chẳng khác con chuột nhắt đi ra khỏi hang giữa ban ngày. Chẳng thế thì ngồi đực ra như con người gỗ. Không tới nửa năm, tóc cũng bắt đầu bạc hoa râm, trí nhớ đến hỏng, rất đỗi thường thường quên lửng đi vo gạo.

    "Mụ Tường Lâm ra làm sao ấy, biết vậy hồi đó không để mụ ở lại mà hơn." Thím Tư có lúc đã nói như thế trước mặt mụ hình như muốn cảnh cáo.

    Nhưng mà mụ vẫn cứ thế, không còn mong gì lanh lợi hơn lên. Bấy giờ họ mới tính cho mụ ra, bảo mụ về với bà Vệ già. Song le, đang lúc tôi còn ở Lỗ Trấn, họ chỉ nói thế thôi; mà xem như tình trạng hiện giờ, biết rằng sau lại đã thực hành điều ấy. Tuy vậy, mụ trở nên ân mỳ ngay khi ra khỏi nhà chú Tư, hay là trước đến nhà bà Vệ già rồi sau mới đi ăn mày thì tôi không biết.

    Tôi bị những tiếng pháo đốt gần nổ rất to đánh thức, thấy ngọn đèn sáng vàng bằng hột đậu, kế đó lại nghe pháo tràng rẹt rẹt, ấy là nhà chú Tư đang làm lễ "chúc phước", biết rằng đã sang canh năm rồi. Trong mơ màng, tôi lại mường tượng nghe những tiếng pháo xa xa liên miên chẳng dứt, như họp lại thành đám mây đặc có tiếng vang giậy trời, cùng với hoa tuyết quây quần bay múa, ôm ấp cả một thị trấn. Tôi ở trong sự ôm ấp xôn xao ấy cũng thấy phờ người ra mà khoăn khoái, bao nhiêu sự lo ngại từ ban ngày đến hồi đầu hôm đều nhờ cái không khí chúc phước quét sạch cả, chỉ cảm thấy trời đất quỷ thần đã hâm hưởng những rượu thịt và hương khói, đều say gật gù đi khệnh khạng giữa khoảng không, sẵn sàng ban phát cho mọi người ở Lỗ Trấn những hạnh phúc vô ngần.

    (Tháng 7 năm 1942)
     
  7. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,083
    Tựa lấy

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi lúc còn trai trẻ cũng từng có nhiều thứ chiêm bao, sau rồi quên bẵng hết già nửa, nhưng tự tôi cũng chẳng lấy làm đáng tiếc. Cái gọi bằng hồi ức, tuy có thể làm cho người ta vui thích, cũng có khi không khỏi làm cho người ta lạnh lùng. Bắt cái sợi tơ tinh thần cứ mắc míu lấy cái ánh sáng mặt trời lạnh lùng đã đi đứt, thì còn có thú vị gì đâu. Khổ cho tôi là không quên bẵng được hết thảy, cái một phần tôi không quên bẵng được ấy đến hôm nay thành ra cái nguồn của tập Nột hám[1] này.

    Hơn bốn năm, tôi đã từng thường thường - hầu như là hàng ngày, ra vào trong tiệm cầm đồ và tiệm thuốc. Bấy giờ tôi mấy tuổi tôi quên bẵng, tóm lại là cái quày của tiệm thuốc cao ngang tôi, của tiệm cầm đồ cao gấp đôi tôi. Tôi từ dưới cái quày cao gấp đôi đưa lên áo xống hoặc đồ nữ trang, nhận lấy đồng tiền trong sự khinh dể, rồi lại đến chỗ cái quày cao ngang mình mua thuốc cho cha tôi, người mang bệnh đã lâu năm. Sau khi về nhà, lại phải bận vì việc khác, bởi ông thầy thuốc cho đơn là thầy rất có danh tiếng, cho nên thứ dùng để dẫn thuốc[2] cũng rất lạ lùng: Rễ cây lau mùa đông, mía chịu sương ba năm, con dế nguyên cả cặp, cây bình địa đã có trái.. phần nhiều là thứ không dễ gì kiếm ra. Nhưng mà rốt lại bệnh cha tôi cứ một ngày càng nặng một ngày cho đến chết.

    Có ai từ nhà khá giả mà sa sút đến cùng khốn không ư, tôi cho rằng ở trên con đường ấy đại khái có thể nhìn thấy bộ mặt thật của người đời. Tôi phải đến N xin vào trường học K[3], hình như là toan rẽ con đường khác, trốn đến xứ khác, đi tìm hạng người xa lạ nào khác. Mẹ tôi không có cách gì, chạy cho tám đồng bạc làm tiền ăn đường, bảo rằng tôi đi đâu tùy ý. Nhưng mà bà khóc, đó là sự tất nhiên, bởi vì lúc bấy giờ học để đi thi là đường chính, cái gọi bằng học tây, thì xã hội cho đó là kẻ hết đường đi rồi, chỉ phải đem linh hồn bán cho người ngoại quốc, sẽ chế nhạo càng hơn và còn hắt hủi nữa, huống nữa bà lại không thấy đứa con của mình. Nhưng mà tôi cũng không thể đoái hoài đến những việc ấy, rốt lại đi đến N và vào trường học K. Ở trong trường học ấy, tôi mới biết trên đời còn có những cái gọi bằng cách trí, toán học, địa lý, lịch sử, họa đồ và thể thao. Người ta không dạy sinh lý học, có điều chúng tôi lại đã được xem những sách khắc bản gỗ như là Toàn thể tâu luận và Hóa học vệ sinh luận[4] . Tôi còn nhớ lời bàn luận và phương thang của ông thầy thuốc trước kia, đem so sánh với những cái hiện giờ mà tôi biết, dần dần vỡ ra rằng thầy thuốc ta chẳng qua là một thứ người lừa bịp vô tình hoặc cố ý, cùng một lúc lại hăng hái biểu đồng tình với những người ốm bị lừa bịp và người nhà của họ. Vả lại, trên lịch sử bằng bản dịch, tôi lại biết những cái sự thực trong cuộc duy tân Nhật Bản già nửa là bắt nguồn từ y học phương Tây.

    Cũng bởi cái trí thức non nớt ấy, khiến cho tôi về sau ghi tên trong sổ một trường học thuốc chuyên môn ở vùng nhà quê Nhật Bản. Tôi rất mãn nguyện, định bụng sau khi tốt nghiệp về nước sẽ chữa cho những người đau ốm bị lừa dối giống như cha tôi, lúc có chiến tranh thì đi làm thầy thuốc quân y, một mặt khác lại giục giã người nước đối với cuộc duy tân thêm lòng tin tưởng. Tôi không biết hiện giờ cái cách dạy về vi trùng học có tiến bộ thế nào không, chứ lúc bấy giờ thì dùng chiếu bóng để chiếu rõ hình trạng con vi trùng, vì vậy có khi một bài giảng nghĩa đã xong mà còn có thì giờ, giáo sư bèn chiếu những phim phong cảnh hoặc thời sự cho học sinh xem để khỏi phí những phút thừa ấy. Lúc đó nhằm lúc chiến tranh Nhật Nga, những phim về chiến sự tự nhiên cũng có khá nhiều, tôi ở trong lớp học ất, thường thường phải vào hùa với các bạn đồng học vỗ tay và reo lên. Có một lần, ở trong phim, tôi thình lình gặp mặt bao nhiêu người Trung Quốc mà tôi lâu ngày xa cách, một người bị trói ở giữa, bao nhiêu người đứng chung quanh, hết thảy đều mạnh mẽ mà phơi ra cái vẻ mặt tê điếng. Theo lời giải thì người bị trói là người làm trinh thánh quân sự cho nước Nga, đang bị quân Nhật sắp sửa chặt đầu thị chúng, còn những người vây chung quanh đó là những người đến giám thưởng cuộc thị chúng rầm rộ ấy.

    Chưa mãn một năm học ấy, tôi đã đi đến Đông Kinh rồi, bởi vì từ lần ấy về sau, tôi thấy học thuốc cũng không phải là việc cần kíp: Hễ là thứ quốc dân hèn yếu, thì dù cho thân thể có mạnh mẽ đến đâu, vặm vỡ đến đâu, cũng chỉ có thể làm tài liệu và khán giả của cuộc thị chúng không có ý nghĩa gì hết, đau và chết đi bao nhiêu kẻ, cũng không cần cho đó là sự đáng buồn. Thế thì cái điều cần kíp thứ nhất của chúng ta là ở sự biến đổi tinh thần của họ, mà muốn biến đổi được tinh thần, bấy giờ tôi nghĩ không gì bằng dùng văn nghệ. Trong đám lưu học sinh ở Đông Kinh bấy giờ có nhiều người học pháp chánh, lý hóa, cả đến cảnh sát, công nghiệp nữa, nhưng không có ai chuyên trị về văn học và mỹ thuật ; tuy vậy, trong không khí lạnh nhạt, cũng may mà tìm được mấy kẻ đồng chí, ngoài ra còn rủ được mấy người cần phải có, sau khi bàn tính, bước thứ nhất là phải ra một cái tạp chí, tên tạp chí lấy ý nghĩa là "sự sống mới", mà vì chúng tôi lúc đó có mang ít nhiều cái khuynh hướng phục cổ, cho nên gọi là "Tân sinh".

    Gần đến ngày xuất bản tờ Tân sinh, thì trước tiên là mấy người chịu miệng viết bài lẩn đi đâu mất, rồi tiếp đến người chịu bỏ tiền cũng đi trốn, rốt chỉ còn lại ba anh chàng không có một đồng dính tay. Bắt đầu xây dựng đã trái mùa, thì khi nó thất bại phải bặm miệng mà chịu, vả lại sau đó cả đến ba anh chàng còn lại cũng đều bị số mạng của mỗi người dong duổi, không thể cùng ở một chỗ nói khoác lác với nhau về cái mộng đẹp tương lai, thế là cái kết cục tờ Tân sinh chưa hề ra đời của chúng tôi đó.

    Từ đó về sau, tôi cảm thấy s buồn nản mà trước kia chưa từng trải qua. Lúc đầu tôi không biết cái cớ tại làm sao ; sau rồi nghĩ thấy: Hễ có người nào chủ trương cái gì, nếu được tán đồng, là giục cho tiến hành, nếu bị phản đối, là giục cho phấn đấu, chỉ có kêu gào giữa đám người sống, mà người sống tịnh không hề phản ứng, đã chẳng tán đồng cũng chẳng phản đối, dường như đặt mình giữa đồng không mông quạnh, không biết mó tay vào đâu, ấy là điều đáng buồn thương đến mức nào, thế rồi tôi lấy cái điều mình cảm thấy làm lạnh lùng.

    Cái lạnh lùng ấy lại càng ngày càng lớn phình mãi lên, như con rắn độc to, quấn lấy linh hồn tôi.

    Nhưng mà tôi tuy có buồn thương bâng quơ, chứ cũng không hề tức tối, bởi vì cái kinh nghiệm ấy làm cho tôi xét lại mình, thấy mình là gì rồi: Ấy là tôi quyết không phải một đấng anh hùng giang tay hô một tiếng mà mọi người đều phụ họa.

    Có điều cái lạnh lùng của chính mình tôi thì không thể không xua đuổi nó đi được, bởi vì nó làm tôi đau khổ quá. Thế rồi tôi dùng mọi cách dể làm tê điếng linh hồn mình đi, khiến tôi ngập trong đám quốc dân, khiến tôi trở về với đời cổ, sau đó cũng từng chính mình nếm lấy hoặc đứng cạnh xem qua mấy việc càng lạnh lùng buồn thương hơn, mà tôi đều không muốn nhớ lại, đành cho chúng nó với trí khôn của tôi cùng tiêu diệt trong bùn đất một thể, song le cái cách làm tê điếng của tôi lại hình như đã kiến hiệu, tôi không còn có cái lòng dạ hăng hái và bốc đồng như hồi còn thanh niên.

    *

    * *

    Trong hội quán S[5] có ba gian nhà, truyền rằng thuở xưa trên cây hòe trước sân từng có một người nữ thắt cổ chết, hiện giờ htì cây hòe đã cao quá với, mà cái nhà ấy vẫn không có ai ở ; tôi bèn trọ trong cái nhà ấy chép bia xưa đã bao nhiêu năm. Trong cảnh đùm đậu ít có người đến chơi, trong bia xưa cũng không gặp thấy vấn đề hay chủ nghĩa nào, mà sinh mạng của tôi thì lại cứ âm thầm tiêu hao đi, ấy cũng là điều mong muốn độc nhất của tôi. Đêm mùa hè, nhiều muỗi, bèn phẩy cái quạt lác ngồi dưới cây hòe, từ trong những kẽ lá dày xem một tý một tỵ trời xanh, những con sâu hòe ban đêm ra lại cứ từng con từng con như giá lạnh rơi trên cổ.

    Lúc đó, người năm khi mười họa đến gẫu chuyện là Kim Tâm Dị[6], một anh bạn cũ. Anh ta cầm cái cặp da to tướng đặt trên cái bàn xệ xạc xong, cởi áo dài ra, ngồi đối mặt nhau, mà vì sợ chó, hình như trong buồng tim anh còn đang đập mạnh.

    "Anh chép những cái này có dùng làm gì không?". Một đêm nọ, anh ta giở từng cái bổn chép bia xưa của tôi, phát ra câu hỏi như dò xét ấy.

    "Chẳng có dùng làm gì cả."

    "Thế thì, anh chép nó có ý gì?"

    "Chẳng có ý gì cả."

    "Tôi tưởng, anh nên viết cái gì chứ.."

    Tôi biết ý anh ta rồi. Bọn họ đang làm báo Tân thanh niên[7], mà bấy giờ hình như không có ai tán đồng, cũng không có ai phản đối, tôi tưởng, bọn họ có lẽ cũng cảm thấy lạnh lùng chăng, nhưng tôi nói:

    "Giá như có một căn nhà bằng sắt, không có cửa ngõ nào hết mà dứt không có thể phá tung được, trong đó có bọn người đang ngủ ngon, không bao lâu họ sẽ chết ngạt, nhưng là từ ngủ mê đến chết rấp, không hề cảm thấy sự buồn thương của cái chết. Nay anh la to lên, làm thức dậy mấy kẻ còn khá tỉnh ngủ, khiến một ít người xấu số ấy phải chịu đau khổ lúc gần chết không thể cứu được, mà anh lại cho thế là xử tốt với họ ư?".

    "Nhưng mà đã có mấy người tỉnh dậy, anh không thể cầm chắc rằng không có hy vọng phá tung được cái nhà bằng sắt ấy."

    Phải đấy, tôi tuy có sự tin chắc của tôi, nhưng nói đến hy vọng, thì lại không thể sổ toẹt được, bởi vì hy vọng về tương lai, quyết không thể lấy cái điều tôi chứng minh rằng chắc không có để mà bác bỏ cái điều anh ta cho rằng có thể có, thế rồi tôi nhận lời anh ta và viết bài, tức là cái truyện ngắn Nhật ký người điên đầu tay[8] . Sau đó, đã buông ra không thể cầm lại, thường hay viết những bài có vẻ như tiểu thuyết, gọi là có để đáp lại sự đòi hỏi của bạn bè, lâu ngày dồn lại có được hơn mười bài.

    Về phần riêng tôi hiện nay, vẫn tự thấy rằng mình đã không phải là người có điều gì bách thiết cần phải nói ra mới được, nhưng hoặc giả còn chưa quên cái sự buồn thương lạnh lùng của mình ngày nọ, cho nên có khi không khỏi la ó lên mấy tiếng, để yên ủi những kẻ mãnh sĩ đang chạy vạy trong sự lạnh lùng, cho họ không ngại tiến lên trước. Còn như tiếng la của tôi là mạnh dạn hoặc buồn thương, là đáng ghét hoặc đáng buồn cười, đó lại là điều không rồi đâu nghĩ đến. Song đã la ó lên, thì vẫn phải nghe theo tướng lệnh, cho nên tôi có khi không quản dùng lệch ngòi bút, như ở truyện ngắn Thuốc, trên mả Dunhi thình lình thêm một vòng hoa, trong truyện ngắn Ngày mai cũng không kể chuyện mụ Tư Đơn rốt lại không chiêm bao thấy đứa con của mụ, bởi vì vị chủ tướng bấy giờ không chủ trương tiêu cực. Đến như chính mình tôi, lại cũng không muốn đem cái lạnh lùng tự lấy làm khổ truyền nhiễm cho lớp thanh niên đang ở trong mộng đẹp cũng như tôi hồi còn tuổi xanh.

    Theo như đã nói đó, thì đủ biết tiểu thuyết của tôi còn cách xa với nghệ thuật lắm, thế mà cho đến nay vẫn còn mang được cái danh tiểu thuyết, đến nỗi còn có dịp làm thành tập, không luận thế nào, không thể không kể đó là một điều may mắn, sự may mắn ấy tuy làm cho tôi không yên tâm, song tưởng trong đời tạm thời còn có người đọc, thì rốt lại tôi cũng vẫn thấy thỏa lòng.

    Bởi vậy tôi trót đem những truyện ngắn của tôi dồn lại thành tập, vả in ra nữa, lại bởi cớ nói trên, đặt tên là Nột hám.

    Lỗ Tấn viết ở Bắc Kinh

    3-12-1922

    (Dịch ở Nột hám)
     
    Nguyễn Ngọc NguyênLibra1110 thích bài này.
  8. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,083
    Ngày mai

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Không có tiếng tăm gì hết. - Thằng bé thế nào rồi?

    Lão Củng mũi đỏ tay nâng chén rượu vàng[1] vừa nói, vừa nhằm bên kia vách bỉu môi. Năm da chàm bèn để chén rượu xuống, ra sức nện một đấm trên sống lưng hắn, ấp úng gào lên rằng:

    Mầy.. mầy mầy lại đang tơ tưởng gì đây..

    Lỗ Trấn vốn là nơi hẻo lánh, còn có ít nhiều thói tục cổ: Chưa hết canh một, mọi người đã đóng cửa đi ngủ. Đêm khuya mà còn chưa ngủ chỉ có hai nhà: Một là tiệm rượu Hàm Hanh, mấy tay rượu thịt còn cứ vây lấy cái quày, tưng bừng ăn uống ; một là nhà mụ Tư Đơn ở cách vách, từ năm ngoái chồng chết rồi ở vậy, phải chuyên nghề kéo sợi, nhờ hai bàn tay nuôi sống chính mình với đứa con trai ba tuổi, cho nên cũng thức khuya.

    Mấy hôm nay, quả thật không có tiếng kéo sợi. Song le, đã chỉ có hai nhà thức khuya, thì bên nhà mụ Tư Đơn có tiếng gì, tự nhiên chỉ có bọn lão Củng nghe thấy, mà không có tiếng gì, cũng chỉ có bọn lão Củng nghe thấy.

    Lão Củng bị đấm xong, hình như lấy làm khoan khoái nốc một ngụm rượu lớn, giọng ồ ồ hát những câu hát vặt.

    Lúc đó, mụ Tư Đơn đang ẵm thằng Báu của mụ, ngồi ở cạnh giường, cái xa kéo lặng lẽ đứng trên đất. Ánh đèn mờ nặng nề soi trên mặt thằng Báu, trong màu đỏ nhạt có một chút xanh. Mụ Tư Đơn thầm tính: Xăm cũng đã xin rồi, khấn nguyện cũng đã khấn rồi, thuốc thang cũng đã uống rồi, vẫn không thấy đỡ, làm thế nào bây giờ? - Chỉ có đi nhờ thầy Hà Tiểu Tiên bắt mạch thôi. Nhưng bệnh thằng Báu cũng có lẽ là nhẹ ngày nặng đêm, đến ngày mai, mặt trời mọc một cái là sốt cũng có thể lui, thở dốc cũng có thể đỡ: Thực sự, người bệnh cũng thường có như thế.

    Mụ Tư Đơn là một người đàn bà quê kệch, không biết cái chữ nhưng ấy là đáng sợ. Bao nhiêu việc xấu vẫn nhờ có nó biến nên tốt, bao nhiêu việc tốt lại cũng vì có nó mà hóa ra hư hỏng. Mùa hè đêm ngắn, giọng hát ồ ồ của bọn lão Củng vừa dứt chưa lâu, phương đông đã hừng sáng ; một chốc chi đó, khe cửa sổ đã dọi vào ánh ban mai.

    *

    * *

    Mụ Tư Đơn chờ cho trời sáng, không phải dễ dàng như người khác, mụ thấy sao mà chậm quá, một cái thở ra thở vào của thằng Báu hầu như dài hơn một năm. Bây giờ thì đã sáng rồi ; ánh sáng trời xóa mất ánh sáng đèn, thấy rõ hai cánh mũi của thằng Báu cứ phồng ra núng vào theo hơi thở.

    Mụ Tư Đơn coi mòi không khá, ngầm kêu một tiếng chao ôi! Trong lòng lo tính: Bây giờ làm thế nào? Chỉ có một con đường đi nhờ thầy Hà Tiểu Tiên thăm mạch. Mụ tuy là một người đàn bà quê kệch, chứ đã nghĩ được thì quyết làm, bèn đứng dậy, mò trong túi lấy ra 13 đồng hào và 180 đồng tiền dè dặt để dành hằng ngày, cho vào túi áo, khóa cửa, ẵm thằng Báu đi bươn bả đến nhà họ Hà.

    Mới sáng sớm mà nhà họ hà đã có bốn con bệnh ngồi đó rồi. Mụ móc ra bốn hào mua một cái thẻ, thẻ thứ năm là đến phiên thằng Báu. Hà Tiểu Tiên thò hai ngón tay bắt mạch, móng tay dài có đến bốn tấc, mụ Tư Đơn ngầm lấy làm lạ, nghĩ bụng: Số thằng Báu chắc phải sống. Có điều thế nào cũng không khỏi nóng ruột, phải hỏi mới được, mụ bèn rè rè rụt rụt nói:

    Thưa thầy, thằng con tôi mắc bệnh gì?

    Nó bị nghẹt ở trung tiêu[2] .

    Có hề chi không? Nó..

    Trước hãy uống hai chén đã.

    Nó thở dữ quá, hai cánh mũi cứ phồng ra núng vào.

    Đó là hỏa khắc kim.. [3]

    Hà Tiểu Tiên nói mới nửa câu, liền nhắm mắt lại ; mụ Tư Đơn cũng e thẹn không khỏi nữa. Một người chừng hơn ba mươi tuổi ngồi đối ngang Hà Tiểu Tiên, lúc đó đã khai xong cái đơn thuốc, lấy tay chỉ mấy chữ ở góc giấy nói:

    "Cái vị thứ nhất là Bảo-anh-hoạt-mạng-hoàn này phải là tiệm Tế Thế nhà họ Giả mới có."

    Mụ Tư Đơn cầm lấy cái đơn thuốc, vừa đi vừa nghĩa. Mụ tuy là người đàn bà quê kệch, chứ cũng biết rằng nhà họ Hà với tiệm Tế Thế với nhà mình cách nhau như cái hình tam giác, đi mua thuốc rồi về nhà tự nhiên lợi đường hơn. Thế rồi đi thẳng tới tiệm Tế Thế. Người bán tiệm cũng nhón móng tay dài từ từ xem đơn và từ từ gói thuốc. Mụ Tư Đơn bồng thằng Báu đứng đợi ; thình lình thằng Báu giơ tay lên, cố sức bứt một chòm tóc xơ rơ trên đầu nó, đó là cái cử động bấy nay chưa hề có, mụ Tư Đơn sợ đến sửng sốt.

    Mặt trời mọc đã lâu. Mụ Tư Đơn ẵm đứa bé, đèo theo gói thuốc, càng đi càng thấy nặng ; thằng bé lại cứ cựa quậy mãi, đường lại thấy càng dài. Không đừng được, mụ ngồi nghỉ trên ngạch cửa của cái công quán bên đường một lúc, thấy áo dính lấy da hơi lạnh, mới biết cả người mình toát mồ hôi ; còn thằng Báu thì hình như ngủ yên. Mụ lại đứng dậy đi chậm rãi, cũng vẫn thấy không gắng gượng được nữa, bên tai bỗng nghe có người nói:

    "Chị Tư Đơn, tôi bồng thế em cho chị!" Tiếng nói giống như là tiếng của Năm da chàm.

    Mụ ngước lên nhìn, quả thật là Năm da chàm, con mắt ngái ngủ đang đi theo mụ.

    Bấy giờ, mụ Tư Đơn tuy rất mong có một viên thiên tướng nào giáng xống, giúp mụ một tay, nhưng lại không muốn là Năm da chàm. Nhưng, Năm da chàm vốn có tánh hào hiệp, không luận thế nào, cốt giúp mụ cho kỳ được, cho nên sửa kho từ chối một lúc, rốt lại được nhận lời. Năm da chàm bèn chìa cánh tay ra, luồn ở giữa đứa bé và vú của mụ, luồn thẳng xuống, ẵm lấy đứa bé. Mụ Tư Đơn liền thấy trên vú mình phát nóng, tức khắc nóng thẳng lên đến mặt và tai.

    Hai người cùng đi, cách nhau một quãng chừng hai thước năm. Năm da chàm nói những gì gì, song hết già nửa mụ Tư Đơn không trả lời. Đi một lát, Năm da chàm trả thằng bé cho mụ, nói rằng hôm qua có hẹn với người bạn đi ăn cơm mà bây giờ đã đến giờ rồi ; mụ Tư Đơn bèn ẵm lấy thằng bé. May sao đi không xa mấy thì tới nhà, đã thấy bà Chín Vương trước cửa ngồi ở đường, xa xa nói với:

    "Chị Tư Đơn, thằng bé thế nào? - Thầy đã xem chưa?"

    "Xem thì đã xem xong. - Bà Vương, bà tuổi tác, thông thạo, chi bằng nhờ bà tinh mắt xem qua một chút, thế nào.."

    "Hừm.."

    "Thế nào?"

    "Hừm.." Bà Chín Cương nhìn kỹ một bận, rồi gật đầu hai cái, lại lắc đầu hai cái.

    Đến xế, thằng Báu mới uống thuốc. Mụ Tư Đơn để ý xem thần thái nó, hình như cũng có tỉnh táo phần nào ; đến chiều, bỗng nó trợn mắt lên kêu một tiếng "má!" rồi lại vẫn nhắm mắt, như là ngủ đi. Ngủ đi một lát, trên trán và chót mũi nó đều đẵm mồ hôi từng giọt từng giọt, mụ sờ qua nhè nhẹ, như keo dính ở tay ; vội vàng sờ ở ngực, cầm lòng không đậu, bật lên tiếng thút thít.

    Hơi thở của thằng Báu từ êm dịu biến đến mất hẳn, tiếng của mụ Tư Đơn cũng từ thút thít biến thành kêu gào. Lúc đó có mấy khóm người nhóm lại: Trong cửa là hạng người như bà Chín Vương, Năm da chàm, ngoài cửa là hạng người như chủ quày tiệm Hàm Hanh và lão Củng đỏ mũi. Bà Chín Vương bèn ra lệnh, đốt một lề giấy tiền ; lại nhơn danh mụ Tư Đơn, đem cầm hai cái ghế ngựa và năm chiếc áo lấy hai đồng bạc để dọn cơm cho những người giúp việc ăn.

    Vấn đề thứ nhất là cái săng. Mụ Tư Đơn còn có một đôi hoa tai bạc và một cái trâm bạc mạ vàng, đều đem giao cho chủ quày tiệm Hàm Hanh, nhờ hắn ta làm người bảo lãnh, mua một cái săng nửa mặt nửa chịu. Năm da chàm cũng giơ tay lên, tình nguyện mủng lấy việc, nhưng bà Chín Vương không chịu, chỉ cắt hắn vào việc ngày mai khiêng quan tài. Năm da chàm vọt miệng mắng "con chó già", rồi cứ hằm hằm bỉu môi đứng đó. Người chủ quày bèn đi một chắc ; đến chiều trở về, nói cái săng phải đóng mới có, gần sáng mới đóng xong.

    Khi người chủ quày trở về, những người giúp việc đã ăn cơm xong, bởi vì Lỗ Trấn còn có thói tục cổ, cho nên chưa hết canh một, họ đã về nhà đi ngủ cả. Chỉ có Năm da chàm còn đứng tựa quày tiệm Hàm Hanh uống rượu, lão Củng cũng hát giọng ồ ồ.

    Lúc bấy giờ, mụ Tư Đơn ngồi khóc ở ven giường, thằng Báu nằm ở trên giường, cái xa kéo lặng lẽ đứng trên đất. Một chặp lâu, mụ hết nước mắt, con mắt sưng lên, nhìn tình hình chung quanh, lấy làm lạ: Những việc đã xảy ra đều là không thể xảy ra. Mụ nghĩ: Chẳng qua là chiêm bao thôi, những việc ấy đều là chiêm bao. Ngày mai thức dậy, mình vẫn bình thường ngủ trên giường, thằng Báu cũng vẫn bình thường nằm ngủ bên cạnh mình. Khi nó thức dậy, cũng vẫn kêu một tiếng "má" rồi tinh nghịch nhảy xuống đi chơi.

    Tiếng hát của lão Củng đã dứt đi lâu rồi, cái đèn bên tiệm Hàm Hanh cũng đã tắt. Mụ Tư Đơn mở mắt, cũng không tin có những việc đã xảy ra. - Gà gáy, phương đông dần dần hửng sáng, khe cửa sổ dọi vào ánh sáng ban mai.

    Ánh sáng trắng ban mai lại dần dần trở màu đỏ nhạt, rồi mặt trời dọi ngay lên nóc nhà. Mụ Tư Đơn trố mắt, ngồi như người hóa dại, nghe tiếng gõ cửa, mới giật mình ra mở cửa. Ngoài cửa có một người lạ mặt, vác một cái gì, đằng sau là bà Chín Vương.

    Ồ, họ đem quan tài đến.

    *

    * *

    Đến chiều, cái săng mới đậy nắp được: Bởi vì mụ Tư Đơn khóc một lúc, lại đòi nhìn một lúc, thế nào cũng không chịu hấp tấp đậy nắp ngay. May nhờ có bà Chín Vương không đợi dai dẳng được, tức mình chạy lại nắm mụ kéo ra, rồi mới mỗi người một tay đậy nắp lên. Song le, mụ Tư Đơn lo liệu cho thằng Báu của mụ như thế, thật đã hết lòng, không còn có gì thiếu sót đáng ân hận. Thì ngày hôm qua đã đốt một lề giấy tiền, buổi sáng hôm nay lại đốt bốn mươi chín quyển "Đại bi trú" [4] ; trong lúc nhập liệm, đã mặc quần áo mới cho nó, những đồ chơi mà thường ngày nó ưa thích - một con búp bê, hai cái bát nhỏ bằng gỗ, hai cái bình bằng pha lê - đều đã đem theo cho nó, để ở cạnh cái gối đầu. Sau cùng, bà Chín Vương bấm đốt ngón tay tính kỹ, cũng chẳng thấy có chút gì thiếu sót đáng ân hận.

    Trong một ngày ấy, cả ngày mất mặt Năm da chàm ; chủ quày Hàm Hanh bèn thuê cho mụ Tư Đơn hai người khiêng, mỗi người là hai quan mốt, khiêng cái quan tài đến đặt ở cồn mả nghĩa trủng. Bà Chín Vương lại giúp mụ nấu cơm, hễ là người có mó tay vào việc gì, có mở miệng nói câu nào, đều ăn cơm tất. Mặt trời dần dần tỏ vẻ muốn chen núi, những người ăn cơm xong cũng tỏ vẻ muốn về nhà, - thế rồi rốt cuộc họ đều về nhà.

    Mụ Tư Đơn thấy trong người choáng váng, nghỉ một lúc, lại có hơi bình tĩnh ngay. Song le, mụ cứ luôn luôn lấy làm lạ lùng quá: Gặp cái việc mà cả đời chưa hề gặp, cái việc hình như không thể xảy ra, thế mà quả thật đã xảy ra. Mụ càng nghĩ càng sững sờ, lại cảm thấy một sự lạ lùng nữa: Cái nhà này sao bỗng dưng vắng ngắt thế.

    Mụ đứng dậy, thắp đèn lên, cái nhà càng thấy vắng ngắt. Mụ lừ đừ đi đóng cửa lại, trở vào ngồi trên ven giường, cái xa kéo lặng lẽ đứng trên đất. Bình tĩnh lại, xem bốn phía, mụ lại thấy ngồi đứng không yên, cái nhà chẳng những vắng quá, mà lại lớn quá, vật gì trong nhà cũng không có cả, trống trải quá. Cái nhà quá lớn bao vây lấy mụ, những đồ đạc không có, trống trải đè lên mụ, mụ thở không ra hơi.

    Bây giờ mụ mới biết chắc chắn thằng Báu của mụ chết hẳn rồi, mụ không muốn thấy cái nhà, thổi tắt đèn, đi nằm. Mụ vừa khóc vừa suy nghĩ: Nhớ lại hồi nào, chính mình thì kéo sợi, thằng Báu htì ngồi bên cạnh ăn đậu hồi hương, nó trợn cặp mắt nhỏ mà đen nghĩ một lát, rồi thỏ thẻ: "Má! Cha đi bán bánh rán, con lớn rồi cũng đi bán bánh rán, bán được nhiều nhiều tiền, con đều đưa cho má". Lúc đó, thật cả đến những sợi chỉ kéo ra, mỗi tấc đều có ý nghĩa, mỗi tấc đều sống. Nhưng bây giờ thì thế nào? Cái việc bây giờ, thật tình mụ Tư Đơn lại chẳng nghĩ thế nào cả. - Tôi đã nói rồi, mụ là người đàn bà quê kệch. Mụ nào có nghĩ ra thế nào đâu? Mụ chỉ thấy cái nhà vắng quá, lớn quá, trống trải quá mà thôi.

    Song le, mụ Tư Đơn tuy quê kệch, chứ cũng biết rằng hễ chết thì không thể sống lại, thằng Báu của mụ không thể lại thấy nữa rồi. Thở dài một cái, mụ lẩm bẩm một mình: "Báu của má ơi, con còn vơ vưởng đâu đây, cho má thấy chiêm bao đi". Thế rồi mụ nhắm mắt, toan ngủ nhanh lên cho gặp thằng Báu, chính mụ nghe mồn một hơi thở khó khăn của mình thông qua cái vắng ngắt, cái lớn và cái trống trải.

    Rốt lại mụ Tư Đơn lơ mơ ngủ lúc nào không biết, cả cái nhà đều rất lặng lẽ. Lúc đó lão Củng đỏ mũi cũng đã hát xong câu hát vặn rồi, đi loạng choạng ra khỏi tiệm Hàm Hanh, lại nhu mỏ lên hát:

    "Của nợ ta ơi! - Đáng thương thay - trùm trũm một mình.."

    Năm da chàm bèn giơ tay níu lấy bả vai lão Củng, hai người vừa cười vừa ngả qua ngả lại chèn nhau đi.

    Mụ Tư Đơn ngủ đã lâu rồi, bọn lão Củng cũng đã đi rồi, cửa tiệm Hàm Hanh cũng đã đóng rồi. Cả Lỗ Trấn lúc đó bèn rơi trụm trong vắng lặng. Chỉ có cái đêm tối tăm kia vì muốn biến thàng ngày mai thì còn cứ bôn ba trong cái vắng lặng ấy ; ngoài ra có mấy con chó cũng núp trong tối gâu gâu sủa.

    Tháng 6 năm 1920

    (Dịch ở Nột hám)
     
    Nguyễn Ngọc NguyênLibra1110 thích bài này.
  9. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,083
    Một việc nhỏ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi từ nhà quê chạy đến kinh thành, thấm thoắt đã qua sáu năm rồi. Trong đó, những việc gọi là việc lớn nước nhà mà mình tai nghe mắt thấy, kể cũng không ít ; song nó đều không để lại một tý dấu vết trong lòng tôi, bây giờ nếu bảo tôi tìm vang bóng của những việc ấy ra để mà nói, thì chỉ làm cho tôi thêm ác cảm, - thật thà mà nói, chỉ làm cho tôi coi người ta không ra chi càng ngày càng hơn.

    Song le có một việc nhỏ, đối với tôi lại có ý nghĩa, nó kéo tôi ra khỏi ác cảm, làm cho tôi không quên được đến bây giờ.

    Mùa đông năm thứ sáu Dân quốc, gió bấc đang thổi mạnh, tôi vì việc sinh kế, một buổi sớm phải ra đi trên đường. Dọc đường hầu như không gặp người ta, khó khăn lắm mới thuê được một chiếc xe kéo, bảo kéo đến cửa S. Một lát, gió bấc dịu đi, bụi trên đường đã quét sạch, còn lưu lại con đường lớn làu làu, người phu xe chạy càng nhanh hơn. Vừa đến gần cửa S, bỗng dưng trên càng xe vướng phải một con người, chậm chậm ngã xuống.

    Người ngã đó là một người đàn bà, đầu tóc hoa râm, áo quần rách rưới. Bà ta từ bên kia đường vụt chạy ngang qua trước cái xe, người phu xe đã tránh, song cái áo lá lót bông của bà không cài cúc, có gió nhẹ làm nó phất phơ, cho nên mắc vào càng xe. May mà người phu xe hơi ngừng kịp, không thì bà ta đã phải lộn nhào một keo nặng, đến nỗi vỡ đầu chảy máu.

    Bà ta chum hum trên đất ; người phu xe cũng dừng chân đứng hẳn. Tôi chắc rằng bà già ấy không bị thương tích gì, lại không có ai thấy cả, bèn lấy làm quái cho người phu xe sao mà đa sự, tự mình chác lấy sự lôi thôi, cũng làm nhỡ chặng đường của tôi.

    Tôi bèn nói với hắn: Không có việc gì đâu. Anh cứ chạy đi!

    Người phu xe chẳng thèm đếm xỉa, hay là cũng chẳng nghe thấy nữa, lại nhè buông cái xe ra, đỡ bà già chậm chậm đứng dậy, cầm cánh tay cho đứng vững, hỏi rằng:

    Bà thế nào đấy?

    Tôi ngã hỏng rồi.

    Tôi nghĩ, chính mắt tôi thấy bà chậm chậm ngã xuống, thế nào lại đến ngã hỏng được, chỉ làm bộ thôi, thật đáng ghét. Còn anh phu xe cũng đa sự, tự chác lấy khổ cho mình, bây giờ thì tự anh xoay xở lấy đi.

    Người phu xe nghe bà già nói xong, chẳng chần chờ tí nào cả, vẫn cầm lấy cánh tay bà, đi bước một tới đằng trước. Tôi hơi lấy làm lạ, vội nhìn đằng trước, thì là một cái đòn cảnh sát, sau cơn gió lớn, bên ngoài cũng không thấy có người. Người phu xe dìu bà già đi, chính là nhằm đi tới cái cổng đồn ấy.

    Lúc đó tôi vụt cảm thấy một thứ cảm giác lạ thường, thấy cái bóng phía sau của anh phu xe đầy người bụi bặm kia, tức khắc cao lớn lên, vả lại càng đi càng lớn, phải ngước nhìn mới thấy. Lại nữa, anh đối với tôi, dần dần hầu như biến thành một thứ uy lực đè lên người tôi, đến nỗi muốn ép cho lòi ra cái nhỏ giấu trong lớp áo da.

    Sức sống của tôi lúc đó chừng như có hơi ngừng lại, cứ ngồi không động đậy, cũng không nghĩ ngợi, cho đến khi thấy trong đồn đi ra một người cảnh sát, mới xuống khỏi xe.

    Người cảnh sát đến gần tôi, nói: Anh thuê xe khác mà đi, anh ấy không kéo được nữa đâu.

    Tôi chẳng có suy nghĩ gì hết, vốc trong túi áo ngoài ra một vốc lớn xu đồng, đưa cho người cảnh sát, và nói: Nhờ anh đưa cho anh ấy.

    Gió lặng hẳn rồi, đường vẫn rất vắng. Tôi vừa đi vừa nghĩ, hầu như e sợ không dám nghĩ đến chính mình. Thôi thì hẵng gác cái việc về trước lại, một vốc lớn xu đồng ấy lại là có ý gì? Để thưởng anh ta phỏng? Tôi mà lại còn phán đoán anh phu xe được à? Tôi không thể tự trả lời cho mình được.

    Việc ấy đến bây giờ, vẫn cứ mỗi lúc lại nhớ đến. Nhân đó tôi cũng mỗi lúc chịu đau khổ, rán sức để nghĩ đến chính mình tôi. Những văn trị võ công[1] mấy năm nay, ở tôi cũng đã giống như những Tử viết Thi vân[2] mà hồi nhỏ mình đã học trầm chẳng được nửa câu. Chỉ có một việc nhỏ này, lại cứ vờn trước con mắt tôi, có lúc càng rõ ràng lắm, làm cho tôi xấu hổ, giục cho tôi tự mình đổi mới, mà còn giúp cho cái dũng khí và cái hy vọng của tôi thêm nẩy nở.

    Tháng 7 năm 1920

    (Dịch ở Nột hám)
     
    Nguyễn Ngọc NguyênLibra1110 thích bài này.
  10. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,083
    Tấn kịch vui về con vịt

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ông Êrôsenkô[1], thi nhân mù nước Nga, sau khi mang cái đàn sáu dây của ông đến Bắc Kinh không lâu mấy, thì kêu khổ với tôi rằng: Vắng vẻ quá đi, vắng vẻ quá đi, vắng vẻ như ở trong sa mạc thế này!

    Đó có lẽ là sự thật, song ở tôi lại chưa từng cảm thấy ; tôi ở đã lâu rồi, vào cái nhà chi lan, lâu mà chẳng nghe mùi thơm[2], cứ cho là ồn ào quá đi mất. Nhưng, cái mà tôi gọi là ồn ào đó hoặc tức là cái mà ông gọi là vắng vẻ, chưa biết chừng.

    Có điều tôi thấy ở Bắc Kinh hình như không có mùa xuân và mùa thu. Những người ở Bắc Kinh già đời thì nói, khí đất chuyển sang phương bắc rồi, ở đây trước kia không có đâu đằm ấm thế này. Tuy vậy, tôi thì cứ cho là không có mùa xuân và mùa thu ; cuối đông và đầu hè liên tiếp nhau, mùa hè vừa qua, mùa đông đã lại bắt đầu rồi.

    Một ngày nọ, trong lúc cuối đông đầu hè ấy, vả lại là ban đêm, tôi tình cờ được rỗi, đi thăm ông Êrôsenkô. Ông từ trước đến giờ trọ ở nhà ông Trọng Mật, lúc đó cả nhà đã ngủ hết, thiên hạ rất im lìm. Ông một mình ngả người trên giường riêng, đôi chang mày rất cao hơi nhíu lại ở giữa những sợi tóc vàng đậm, đó là ông đang nhớ lại cái nơi ông đã đi chơi trước, xứ Diến Điện, mùa hè của xứ Diến điện.

    Ban đêm thế này, ông nói, ở Diến điện khắp nơi là âm nhạc. Trong nhà, giữa cỏ, trên cây, đều có côn trùng ngâm hát đủ các thứ tiếng, thành ra hợp tấu, rất lạ lùng. Trong đó chốc chốc lại kèm thêm tiếng rắn gáy: Te te, mà cũng ăn nhịp với côn trùng. Ông nói vậy rồi lặng thinh ngẫm nghĩ, như muốn đuổi theo cái tình cảnh lúc bấy giờ.

    Tôi không mở miệng được. Cái thứ âm nhạc kỳ diệu ấy, quả thật tôi ở Bắc Kinh chưa hề nghe qua, cho nên dù có yêu nước đến đâu cũng không binh vực được, bởi vì ông ta tuy con mắt không thấy, chứ lỗ tai vẫn không điếc.

    Bắc Kinh thì cả ếch kêu cũng không có.. Ông lại than thở nói thêm.

    Ếch kêu thì có chứ! Cái than thở ấy lại làm cho tôi hăm hở lên, cãi lại: Đến mùa hè, sau cơn mưa lớn, ông có thể nghe được nhiều con ễnh ương kêu, chúng đều ở trong đường cống, vì Bắc Kinh chỗ nào cũng có đường cống.

    À à..

    *

    * *

    Sau đó mấy ngày, lời nói của tôi quả được chứng thực, vì ông Êrôsenkô đã mua được mười mấy con nòng nọc. Ông mua rồi thả trong cái ao nhỏ giữa sân trước cửa sổ. Cái ao dài ba thước, rộng hai thước, là cái ao sen Trọng Mật đào để trồng sen. Trong cái ao sen ấy, tuy từ hồi nào đến giờ chưa thấy có nở ra nửa cái hoa sen nào, song để nuôi ễnh ương thì lại là một chỗ rất đúng chỗ.

    Lũ nòng nọc kết đàn nhau lội trên mặt nước, ông Êrôsenkô cũng thường thường bước đến thăm chúng nó. Có lúc, trẻ con nói với ông: Ông Êrôsenkô ơi, chúng nó đã mọc chân rồi. Thì ông vui vẻ mỉm cười mà rằng: Thế à!

    Nhưng mà, cái việc đào tạo ra nhà âm nhạc ở ao cũng chỉ là một việc của ông Êrôsenkô. Ông vốn là người chủ trương cái thuyết làm lấy mà ăn, thường nói người đàn bà có thể chăn nuôi, người đàn ông thì nên cày ruộng. Bởi vậy, khi gặp được người bạn quen thân thì ông khuyên nên trồng cải bắp ở sân ; lại cũng nhiều lần khuyên bà Trọng Mật nên nuôi ong, nuôi gà, nuôi lợn, nuôi bò, nuôi lạc đà. Sau rồi trong nhà Trọng Mật quả nhiên có nhiều gà con, bay nhảy đầy sân, mổ tiệt những lá non như gấm giải đất, chừng như tức là cái kết quả của lời khuyên ấy.

    Từ đó những người nhà quê đi bán gà con cũng thường hay đến, mỗi lần đến lại mua mấy con. Vì gà con dễ bị tích thực, hay toi, ít có con được sống lâu ; mà lại có một con còn thành ra vai chính trong cái tiểu thuyết Tấn kịch buồn về gà con, cái tiểu thuyết độc nhất của ông Êrôsenkô viết ở Bắc Kinh. Có một buổi mai, người nhà quê kia bất thình lình mang vịt con đến, nó kêu chíp chíp ; nhưng mà bà Trọng Mật nói không cần mua. Ông Êrôsenkô cũng chạy tới, họ mới đặt một con lên hai bàn tay ông, con vịt bèn ở trên hai bàn tay ông chíp chíp kêu. Ông Êrôsenkô cho là cũng rất đáng yêu, rồi không thể không mua được, mua tất cả bốn con, mỗi con tám chục đồng tiền.

    Vịt con cũng đáng yêu thật, cả mình màu vàng lợt, thả ra, đi cáng náng trên đất, bao giờ cũng kêu gọi nhau, cùng nhóm lại một chỗ. Ai nấy đều khen là tốt ; ngày mai sẽ đi mua cá nhét cho chúng nó ăn. Ông Êrôsenkô tuyên bố rằng: Món tiền mua vịt đó về phần tôi chịu.

    Thế rồi ông đi dạy học ; ai về nhà nấy. Một chốc chi đó, khi bà Trọng Mật đem cơm nguội cho chúng nó ăn, thì từ xa đã nghe tiếng quậy nước lên, chạy đến xem, thấy bốn con vịt đã tắm trong ao sen rồi, vả lại còn lộn nhào, ăn cái này cái nọ. Đến khi khua cho chúng lên bờ, thì cả ao nước đã đục ngầu, một chặp, nước đứng lại, chỉ thấy trong bùn lòi ra mấy cái ngó nhỏ ; vả lại tìm mãi không ra một con nòng nọc đã mọc chân nào hết.

    Yhôhikhô ông ơi[3], con nhỏ của ễnh ương mất cả rồi. Lúc chiều, lũ trẻ thấy ông về một cái, đứa trẻ nhất vội vàng mách ông như thế.

    Ễnh ương à?

    Bà Trọng Mật cũng ra đến, báo cho ông biết cái tin vịt con đã ăn hết nòng nọc.

    Ông Êrôsenkô bài hãi: Ối chao!

    *

    * *

    Đến chừng lũ vịt con thay lông vàng, ông Êrôsenkô lại thình lình cứ ngậm ngùi nhớ bà mẹ Ngalatư của ông[4] . Bèn vội vã đi sang Xích tháp[5] .

    Đến chừng tư bề có ếch kêu, lũ vịt con cũng đã lớn, hai con trắng, hai con đốm hoa, vả lại không kêu chíp chíp nữa mà kêu cặp cặp. Cái ao sen cũng không đủ cho chúng xây quanh, may mà chỗ đất nhà Trọng Mật ở rất thấp, mưa hè xuống một cái là nước ngập đầy sân, chúng bèn hớn hở, lội, hụp, đập cánh, kêu cặp cặp.

    Hiện giờ lại từ cuối hè sang đầu đông, mà ông Êrôsenkô vẫn không có tin tức gì hết, chẳng biết rốt lại ông ở đâu rồi.

    Chỉ có bốn con vịt lại vẫn cứ ở trên sa mạc kêu cặp cặp.

    Tháng 10, năm 1922

    (Dịch ở Nột hám)
     
    Nguyễn Ngọc NguyênLibra1110 thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...