Review Truyện Tuổi Thơ Dữ Dội - Phùng Quán

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Cute pikachu, 23 Tháng bảy 2021.

  1. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,892
    Review truyện: Tuổi Thơ Dữ Dội

    Tác giả: Phùng Quán

    Tập truyện "Tuổi thơ dữ dội" được đánh giá là: Khúc ca oai hùng mà bi thương của lòng yêu nước.

    [​IMG]

    Lời giới thiệu:

    "Tuổi thơ dữ dội" là tập truyện dài kể về cuộc sống chiến đấu và sự hy sinh của ba mươi mốt thiếu niên tuổi đời từ 10 đến 14 tuổi trong Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở mặt trận Thừa Thiên Huế. Câu chuyện tập trung quanh các nhân vật tiêu biểu là Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca và một loạt các nhân vật khác như: Tư dát, Bồng da rắn, Vịnh sưa.. Mỗi nhân vật đều là một câu chuyện, một sắc màu, một hoàn cảnh, nhưng đều có chung niềm quyết tâm, nhiệt huyết và lòng yêu nước tràn trề. Các em đã tham gia chiến đấu hết mình và hi sinh vào lúc tuổi đời còn rất trẻ. Câu chuyện chứa đựng nhiều ý nghĩa, một thông điệp sâu sắc, lôi cuốn người đọc.

    Tóm tắt truyện:

    Truyện mở đầu bằng cảnh người dân Huế chen chúc bên cầu Bao Vinh để nghe tin tức về kháng chiến. Khi đó cậu bé Mừng đã tranh tranh thủ chạy tọt vào trà trộn với đám trẻ, cùng tập trận. Khi bị phát hiện, Mừng tha thiết xin vào nhập đội. Tuy mẹ em bị mắc bệnh hen suyễn nặng và bị người cha nuôi lợi dụng bóc lột nhưng khi bị phát hiện, em đã nói dối là cha mẹ mình đã mất để được đội trưởng cảm thương, cho nhập đội.

    Vào đội, Mừng nhờ người đưa lá tầm gửi về cho mẹ rồi tiếp tục theo bộ đội rút lên chiến khu, tại chiến khu em làm liên lạc. Mừng tuy nhỏ con nhất đội nhưng việc gì em cũng dám làm, kể cả việc ôm bom cảm tử. Em còn là chú bé liên lạc kì tài, nhỏ vậy nhưng em đọc rành rọt bản đồ trận địa.

    Nhưng vì sự thật thà và ngây thơ của mình, em đã phải trả giá bằng cả mạng sống. Mừng phát hiện âm mưu ăn cắp bản đồ của Kim điệu - trước là đồng đội sau đã trở thành gián điệp của quân đội Pháp, trà trộn vào chiến khu. Mừng cố ngăn chặn nhưng không được mà còn bị Kim điệu lừa. Sau đó em bị cả chiến khu nghi ngờ là Việt gian.

    Từ đó em sống trong đau khổ tủi thân vì luôn bị dè chừng, nghi ngờ và bị xa lánh. Càng trớ trêu thay, mẹ em tìm đến chiến khu đúng thời điểm em bị xem là Việt gian. Bệnh tật, cộng đau đớn vô hạn, mẹ em chút hơi thở cuối cùng. Em ôm xác mẹ, kêu gào chỉ một câu duy nhất: Con không phải Việt gian! Con là Vệ quốc đoàn. Rồi em chợt bừng tỉnh, em chạy đến đài quan sát đúng thời điểm cả đội quan sát bị trúng đạn. Em được đội trưởng giao nhiệm vụ quan sát. Khoảnh khắc em ra hiệu cho bom nổc, cả tốp địch bị tiêu diệt hết thì em cũng hi sinh. Câu nói cuối cùng của em nói với đại đội trưởng qua ống nghe như át cả tiếng bom: "Anh ơi, anh đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí" cũng là tiếng nấc nghẹn ngào tha thiết khép lại những trang cuối cùng của Tuổi thơ dữ dội.


    [​IMG]

    Sau đó, em được minh oan. Em cùng mẹ được chôn trên núi. Tên và đã lấy tên em và mẹ em cho một ngọn núi ấy: "Núi mẹ con em Mừng".

    Quỳnh - sơn ca, là con của phó tổng trấn Trung Kỳ, một tên đại Việt gian, Em có gia thế giàu có, có thiên tài bẩm sinh về âm nhạc. Chính những bài hát kháng chiến, những ca từ hào hùng tráng khí ấy đã thôi thúc và đưa em đến với cách mạng, đến với trung đoàn Trần Cao Vân. Em đã trốn gia đình đi theo cách mạng chứ không qua nước ngoài học như ba em mong muốn. Em trở thành quản ca của đoàn. Trước cuộc đánh bom dinh của Lơ-bơ-rít, Quỳnh đạp miếng chai vỡ nhưng vẫn cố sức đi theo và phải nhờ Mừng cứu mang về trại, Quỳnh nằm viện quân y và mang tiếng đàn phục vụ những bệnh nhân khác, em sáng tác bài hát "Sông Ô Lâu kháng chiến" cổ vũ tinh thần đấu tranh của bộ đội và viết một vở nhạc kịch về bạn Mừng đi tìm thuốc cho mẹ.

    Đến khi em bị thương nặng, cha mẹ cử người nhà đến đón, hứa hẹn chỉ cần quay về em sẽ được xuất dương sang Thụy Sĩ để chữa bệnh và học hành. Nhưng em Quỳnh đã trả lời dứt khoát: Con có chết cũng không về mô cùng ánh mắt căm giận cậu và người thân. Ai cũng ngạc nhiên trước quyết định và giọng điệu cứng rắn của em.

    Rồi em hát vang bài hát Sông Ô Lâu kháng chiến, bài hát do chính tay em viết để tiếp thêm niềm tin và hy vọng cho những người lính trong hoàn cảnh chiến đấu gian khổ. Và em chết, chết vì vỡ tim, chết khi đang ngân vang khúc hát ấy.


    [​IMG]

    Lượm là nhân vật xuất hiện nhiều nhất trong câu chuyện, sinh ra trong gia đình cách mạng nòi, cha là cán bộ Việt Minh. Lượm là chiến sĩ nhỏ tuổi cừ khôi, bản lĩnh, gan góc và mưu trí. Lượm gia nhập Vệ quốc Đoàn rồi được cử về trinh sát bám địch trong thành phố Huế chung với Đồng râu, Kim điệu và Tư dát và kết bạn với Tặng, du kích địa phương. Lượm từng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trưởng ban ám sát đồn Hộ Thành. Lượm làm rải truyền đơn cũng rất xuất sắc. Mỗi lần đi, Lượm đều thay đổi cách cất giấu tài liệu và cách hóa trang. Lần thì Lượm đóng vai thằng nhỏ đi chợ tay xách rỏ rau, tay xách mấy con cá. Tài liệu được em cuộn tròn, bọc giấy bóng, nhét sâu vào bụng cá. Có lần khác thì giả làm thằng bé chạy chơi lêu lổng ngoài đường. Chân đất, đầu không nón không mũ, mặc phong phanh cái áo sơ mi cộc tay với quần đùi. Tay em cầm đẫn mía, vừa đi vừa cắn, nhai, hít nước ngọt, nhả bã. Ngang trạm kiểm soát bọn giặc chặn nó lại, bắt giơ cao hai tay lục tìm khắp người. Bọn giặc cứ việc soát nó cứ bình thản cắn mía, nhai rạo rạo, hít nước, nhả bã. Nước mía rớt cả xuống cằm. Soát không thấy gì, bọn giặc cho nó đi. Nhưng Lượm chưa đi vội, cứ đứng đó cắn tước mía, còn cố ý làm vướng cẳng vướng chân bọn cảnh sát, làm chúng phát cáu. Bấy giờ Lượm mới ôm mông đít, nhăn nhó xuýt xoa, rồi cắm cổ chạy biến. Tài liệu được em gấp nhỏ đặt giữa lòng bàn tay cầm đẫn mía nhưng chúng không phát hiện ra. Cách giấu này có vẻ như rất hớ hênh nhưng lại rất kín đáo. Kín đáo vì bất ngờ. Bọn giặc kiểm soát không thể ngờ tới được.

    Sau thời gian hoạt động trót lọt, đồng đội là Kim điệu bị bắt và quay sang làm chỉ điểm cho giặc, khai hết về đội khiến Đồng râu bị giết và Lượm bị bắt vào tù cùng với Thúi - một em bé bán kẹo gừng bị giặc tưởng nhầm là Tư dát. Dù tra tấn, kìm, kẹp với những đòn xé thịt nhưng Lượm không khuất phục, không gục ngã. Em còn nhổ nước bọt vào mặt tên giặc đang tra tấn mình với khẩu khí: "Có chết tao cũng vượt ngục về lại chiến khu".

    Lòng yêu nước luôn rực cháy trong con người của em Lượm. Sau hai lần vượt ngục không thành và bị chuyển sang nhà lao Thừa phủ. Lượm và Thúi (chú bé bán kẹo gừng bị bắt nhầm thay cho Tư- dát tên thật là Thơm) kết hợp với Lép sẹo - một tay anh chị nhí cùng ở tù và lập kế hoạch vượt ngục lần ba. Rút kinh nghiệm hai lần trước, Lượm làm "cỏ-vê" (lao động phục dịch không công) cho một công sở của Pháp và chiếm được cảm tình của cai ngục và quan chức, lợi dụng sơ hở của địch, Lượm cài Lép sẹo và Thúi vào làm chung với mình và tẩu thoát thành công. Xong việc Lép sẹo muốn hoàn lương và cả ba cùng Lượm tìm đường về chiến khu.


    [​IMG]

    Lép-sẹo là một tay anh chị chuyên đi trộm cắp ở các khu chợ, sau này bị bắt vào lao Thừa Phủ, là kình địch của Đội Thiếu niên Chiến đấu lao Thừa Phủ do Lượm lập ra. Trong thời gian ở trong lao, Lép-sẹo đã thành lập một băng đảng gồm đàn em của hắn. Tuy đã đánh nhau với đội của Lượm rất nhiều lần nhưng cuối cùng, Lép-sẹo cũng làm hòa với Lượm vì được Lượm cứu sống khỏi căn bệnh lỵ trực tràng cấp tính bằng thuốc lấy trộm ở nơi làm cỏ vê. Để tạ ơn Lượm, Lép-sẹo đã sai đàn em kỉnh con gà luộc do bắt trộm của Một Điếu. Sau này, Lép-sẹo đã hợp tác với Lượm và Thúi trốn tù, đánh cắp chai rượu của một hàng quán để chuốc thuốc ngủ cho tên lính gác. Tuy vậy, Lép-sẹo cũng đồng thời suýt làm hỏng kế hoạch vượt tù vì vợ cả của Điếu phát hiện ra mình bị mất cắp con gà. Nếu như anh tù điên không cứu giúp tình huống kịp thời thì có lẽ kế hoạch đã không thành công. Tài trộm cắp của Lép-sẹo được gắn liền với câu chuyện: Khi Lép-sẹo mới sinh ra và được bà đỡ tắm rửa, Lép-sẹo đã đánh cắp chiếc nhẫn của bà đỡ, đến khi mở tay đứa bé ra, bà mới biết đứa bé chinh là người đánh cắp chiếc nhẫn của mình.

    Kết thúc truyện, cả ba mươi mốt bạn nhỏ trong Đội Thiếu niên trinh sát đều đã hi sinh. Dù tất cả các em tuổi đời còn nhỏ nhưng tâm hồn đều hướng về Việt Minh, làm cách mạng, đánh đuổi ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc.


    [​IMG]

    Bài học, thông điệp gửi gắm qua tác phẩm:

    Đọc tác phẩm văn học kinh điển của kho tàng văn học Việt Nam này, chắc chắn các bạn sẽ không ngăn nổi nỗi xúc động, khóc thương và cảm phục tấm gương chiến đấu quả cảm của các chiến sĩ nhỏ tuổi nhưng chiến đấu gan dạ, quả cảm như chiến sĩ trưởng thành. Câu chuyện chứa đựng nhiều bài học sâu sắc:

    - Đó là bài học về lòng yêu nước, căm phẫn tột cùng tội ác của quân giặc và sự phản bội của kẻ bán nước.

    - Bài học về lòng tự hào, tự tôn dân tộc, biết ơn thế hệ cha ông đã ngã xuống để bảo vệ đất nước.

    - Bài học về tình người, tình quân nhân.

    - Bài học trân trọng ký ức tuổi thơ và tự hào về một phần lịch sử tuổi thơ của dân tộc Việt Nam ta.

    - Từ đó, tác phẩm dạy chúng ta cách sống biết hi sinh vì tập thể, vì quê hương; biết trân trọng hơn cuộc sống hòa bình tươi đẹp mà chúng ta đang được hưởng thụ.

    Với những giá trị và thông điệp sâu sắc, cuốn sách đã đạt được Giải A Văn học Thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam năm 1988. Giải thưởng Bộ Quốc phòng năm 2000. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. Giải thưởng Sách Hay năm 2012.

    Tuổi thơ dữ dội, với giá trị vang dội, đã được đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn chuyển thể thành phim vào năm 1990, đem những người lính nhỏ tuổi quả cảm đến gần hơn nữa với khán giả.

    Thời kháng chiến đã đi qua, đất nước đã hòa bình trở lại nhưng những giá trị nhân văn của cuốn sách vẫn còn mãi cho đến ngày hôm nay. Nó giống như một bản hùng ca đầy bi tráng, khích lệ lòng yêu nước sâu sắc ở mỗi cúng ta. Để từ đó, mỗi chúng ta biết ghi ơn công lao của cha anh, trân trọng cuộc sống và cố gắng sống hữu ích cho quê hương đất nước hơn.

    Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của mình và cùng like ủng hộ mình với nha! ❤

    Cảm ơn các bạn!
     
    Aquafina, Mirumaru, nntc676113 người khác thích bài này.
    Last edited by a moderator: 10 Tháng ba 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...