Review Sách Tuổi Thơ Dữ Dội - Phùng Quán

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Ngỗng Ngông, 18 Tháng một 2021.

  1. Ngỗng Ngông

    Bài viết:
    19
    VÀI DÒNG CẢM NGHĨ VỀ TÁC PHẨM "TUỔI THƠ DỮ DỘI" CỦA PHÙNG QUÁN

    Người viết: Ngỗng Ngông.

    Tuổi thơ tôi từng có lúc dữ dội nhưng lại chẳng là gì với tuổi thơ của những đứa trẻ chỉ hơn mười tuổi trong thời kỳ cách mạng của dân tộc, những đứa trẻ được Phùng Quán ghi lại ở tác phẩm "Tuổi thơ dữ dội".

    [​IMG]

    Phùng Quán đã tạo dựng nên họ, những đứa trẻ của một thế hệ anh dũng. Họ mang trong mình tình bạn rồi lớn lao hơn cả là tình đồng chí, tình yêu quê hương đất nước mãnh liệt để rồi trở thành những vị anh hùng. Cái tuổi thơ của các vị anh hùng nhỏ ấy thực sự dữ dội với khói lửa của những năm tháng chiến tranh nhưng lại không kém sự hồn nhiên nhí nhảnh của những đứa trẻ mới lớn. Đây không chỉ là một tác phẩm văn học cách mạng mà còn là cả một lịch sử huy hoàng của dân tộc, là thời kỳ tuổi thơ anh hùng với những cảm xúc đẹp đẽ của những tâm hồn vàng ngọc.

    Trong truyện này đã khắc họa rất nhiều câu chuyện cảm động của các chiến sĩ nhỏ tuổi trong trung đội Vệ quốc đoàn đóng tại mặt trận Thừa thiên Huế. Tất cả các câu chuyện đều cảm động nhưng khiến tôi không cầm nổi nước mắt có lẽ là câu chuyện của Mừng – cậu bé nhỏ tuổi nhất trong trung đội. Cũng có lẽ bởi vì mở đầu và kết thúc tác phẩm đều có hình ảnh của nhân vật Mừng nên đã khiến tôi có ấn tượng sâu sắc về bé Mừng chăng?

    Vào đầu tác phẩm cũng là Mừng gia nhập Vệ quốc đoàn trong hoàn cảnh rất buồn cười chẳng ai ngờ đến. Mừng lẻn chui bừa vào hàng ngũ Vệ quốc đoàn, ở đó toàn là các đội viên đội Thiếu niên trinh sát Trung đoàn Trần Cao Vân với nhiệm vụ chính là trinh sát. Mừng chẳng biết gì về công việc của đội cả. Có lẽ chỉ bởi trí tò mò khi nhiều lần bắt gặp toán trẻ con, chúng được tập trận, được hành quân.. mà cậu trà trộn vào đám trẻ ấy? Lúc bị phát hiện "Thằng bé sợ hãi cúi mặt nhìn xuống đường, bàn chân di di một hòn đất, trả lời lý nhí trong cổ họng, chẳng ai nghe được gì. Anh chỉ huy sốt ruột không muốn mất thì giờ thêm.." Cứ tưởng thế là mọi chuyện kết thúc, các Vệ quốc quân mới lớn tiếp tục tập luyện và các thằng nhỏ con "lọt thỏm giữa đội ngũ tưởng rằng không ai biết" được đưa ra ngoài là xong rồi. Ai ngờ đâu thằng bé ấy vẫn xuất hiện. Trong khi "đường đường là những Vệ quốc quân sắp ra trận giết giặc cứu nước" còn đang do dự, đùa nghịch đùn đẩy nhau tập nhảy từ trên cao xuống sông cho dù anh đội trưởng đã nhảy mẫu sẵn thì "thằng bé lạ hoắc chui bừa vào hàng ngũ đội lúc nãy" lại xung phong xin nhảy trước. Đã thế chẳng thèm quan tâm giọng xì xào khích bác của các "đội viên dũng cảm" khẩn khoản xin anh đội trưởng "Em mà nhảy được, anh cho em vô đội với anh hỉ!"

    Thằng bé nhỏ con lạ hoắc ấy nhảy xuống đầu tiên khiến cho các đội viên còn lại nóng mặt giống như bị ai đó quất roi vào mông. Buồn cười hơn cả là Mừng không những không biết đội làm gì mà cả lý do thích "đánh Tây" của Mừng cũng đơn giản chỉ vì "tụi Tây hay đá đít người mình". Nhưng cái lý do đơn giản buồn cười ấy lại chính đáng hơn bao giờ hết, những câu trả lời ngây ngô đáng yêu của Mừng khiến cho cả lũ phì cười, khiến mặt Mừng đỏ bừng nhưng lại có lý hơn bao giờ hết. Các đội viên trong đội là các gam màu khác nhau nhưng màu nhỏ tuổi nhất là Mừng lại có một mở đầu hài hước đáng yêu, ấy vậy mà kết thúc của gam màu lại khiến tôi rơi nước mắt.

    Chính bởi sự ngây ngô đáng yêu của Mừng mà bị bạn lừa, bị cả chiến khu nghi là Việt gian trong khi chính bản thân còn chẳng biết nghĩa của từ Việt gian là gì. Dù Mừng nhỏ tuổi nhất nhưng lại rành rõi bản đồ trận địa nhất, Mừng đi dẫn đường chưa bao giờ sai thế mà cuối cùng Mừng bị xa lánh, bị ghét bỏ cho tới tận cuối câu chuyện. Nghiệt ngã hơn là mẹ Mừng đau đớn day dứt trút hơi thở cuối cùng khi biết tin con là Việt gian bị bắt giam với câu nói "Biết nông nỗi ni thì mạ đừng gặp con còn hơn.." khiến Mừng hoảng loạn gào đi gào lại "Con không phải là Việt gian! Con là Vệ quốc quân!"

    Trong lúc đau khổ ấy mà Mừng vẫn chạy đến chân đài quan sát. Đến nơi em lại chết lặng thêm lần nữa khi cả đội quan sát đều trúng đạn hi sinh chỉ còn anh đội trưởng với trái tim thoi thóp đập. Mừng gọi anh đội trưởng dậy thanh minh muốn đến chỗ mẹ nói mẹ "đừng nghi em nữa". Nhưng trong lúc khẩn cấp này, anh đội trưởng chỉ kịp ra lệnh chiến đấu cho Mừng tiếp tục làm nhiệm vụ trên đài quan sát rồi ngất đi hi sinh.

    Mừng làm tốt nhiệm vụ trinh sát khiến tụi Tây chết nhiều lắm và em cũng hy sinh anh dũng. Trước khi hy sinh, "lời cầu xin khẩn thiết cuối cùng cùng của người chiến sĩ thiếu niên vừa tròn mười ba tuổi đời, yếu ớt và nhỏ gần như một hơi thở" : "Anh ơi, anh đừng nghi em là Việt gian nữa anh.." Sau đêm hôm đó Mừng được giải oan và ngọn núi nơi em ngã xuống mang tên "Núi mẹ con em Mừng".

    Như đã nói từ đầu, trong tác phẩm này Mừng không phải là nhân vật chính mà chỉ là nhân vật nhỏ tuổi nhất. Ngoài Mừng thì câu chuyện của các đội viên khác cũng rất cảm động tạo nên đầy gam màu khác nhau. Ví như Vịnh sưa với câu nói cửa miệng "kỷ luật là kỷ luật sắt" đã trở thành "ngọn đuốc sống, thiêu cháy kho xăng đạn của giặc.", trở thành một biểu tượng bất tử khiến cho nhiều người thổn thức. Hay như Quỳnh sơn ca dám bỏ cả gia đình giàu có là Việt gian để lên chiến khu. Rồi còn cả Tư – dát nữa, rõ ràng em rất nhát gan nên bị cả đội đặt biệt danh là "dát" ấy mà lúc vào chiến khu lại vất cả sách vở nhảy lên tàu theo quân đoàn Nam tiến.. cho đến cả câu chuyện của Lượm xuyên suốt tác phẩm đã bị bắt vào tù đã vượt ngục thành công sau lần thứ ba, và Thúi – đứa trẻ không phải Vệ quốc quân cũng được lột tả với màu sắc sinh động.

    Với tôi tác phẩm "Tuổi thơ dữ dội" không chỉ là một tác phẩm cách mạng hay mà còn là một tiểu thuyết thiếu nhi xuất sắc. Có lẽ nó chẳng có điểm trừ gì cho người đọc, nhưng với người miền Bắc như tôi thì đôi khi sẽ thấy khó hiểu bởi hệ thống từ ngữ địa phương dày đặc trong các lời thoại nhân vật của tác phẩm. Tuy nhiên nhờ đó mà tác phẩm lại trở nên chân thật, gần gũi và lột tả đúng cuộc sống thường nhật của Thừa thiên Huế thời kỳ bom đạn khi ấy.

    Đây không phải là một bài giới thiệu tác phẩm hoàn hảo, chính xác thì chỉ là vài dòng cảm nhận của tôi về nhân vật Mừng – người khiến tôi rơi nước mắt mà thôi. Các câu chuyện của các nhân vật khác cũng khiến nhiều người cảm động rơi nước mắt không kém. Và trong tác phẩm cũng không thiếu những giây phút hồn nhiên của tuổi trẻ thời bấy giờ.

    Nếu như bạn tò mò về các nhân vật khác cùng câu chuyện của họ, tại sao không cầm cuốn sách trên tay và cùng trải qua tuổi thơ của một thế hệ anh hùng đã qua nhỉ?

    Ghi chú: Những dòng chữ in nghiêng là trích dẫn lấy trong tác phẩm "Tuổi thơ dữ dội" của Phùng Quán.

    - E (Main), NN, 30.11.2020 -​
     
  2. Đăng ký Binance
  3. Ánh Phượng Thiên

    Bài viết:
    99
    Đây là cuốn sách mà tui thích nhất đó. Tác phẩm này lấy đi rất nhiều nước mắt của tôi, khiến tôi không dám đọc lại vì sợ sẽ lại khóc nấc lên. Nay đọc review của cậu toi lại khóc :((
     
  4. Ngỗng Ngông

    Bài viết:
    19
    Đây cũng là truyện mình thích nhất thời kỳ cấp hai, suốt ngày đọc đi đọc lại, cứ mỗi lần đọc đến câu chuyện của Mừng là mình lại rưng rưng nước mắt. Nhớ có thời kỳ "Mãi mãi tuổi hai mươi" với "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" nổi tiếng lắm, mà mình cũng không thấy cảm động lắm, đến khi lôi truyện này ra đọc lại thì lại khóc nức nở. Giờ thấy nhiều tác phẩm mạng tràn lan không ý nghĩa của nước bạn hàng xóm, mà các bạn trẻ lại đổ cho việc tác phẩm văn học Việt không có nhiều nên mình muốn giới thiệu tác phẩm này. Hy vọng sẽ nhiều người biết đến nó. Theo mình thì đây không chỉ là một tác phẩm thiếu nhi đầy ý nghĩa mà còn chứa cả một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.
     
  5. ngochaa

    Bài viết:
    3
    Truyện này thực sự rất rất hay, mình đọc cách đây cũng hơn chục năm rồi, có đoạn đọc còn khóc tu tu luôn. Vẫn ấn tượng mãi với các bạn thiếu niên thời đó hoạt động cách mạng trong điều kiện gian khổ. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều chung lòng yêu nước, căm thù giặc.
     
    Thanh Trắc Nguyễn Văn thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...