Tuổi hồng Tác giả: Diệu Phúc Thể loại: Truyện ngắn. * * * Kỳ học quân sự lần này trường Sư phạm đưa về 4 khoa, cùng đi có thêm 2 khoa của trường Khoa học. Số lượng sinh viên khá đông, nên sau khi lấy một bội số của 8 để chọn sinh viên ở các dãy nhà mới, phòng 8 giường, lại có cả vệ sinh trong, số còn lại đứng cuối hàng được chia vào dãy nhà cũ, mỗi phòng 26 giường, dùng chung nhà tắm, nhà vệ sinh với cả dãy. Thật không may, Đan Quỳnh và Gia Linh đều đứng cuối hàng. Đan Quỳnh khoát ba lô lên vai, nhìn Gia Linh, cười như mếu. Gia Linh cũng không biết an ủi câu gì hơn, đành trấn an bạn: - Không sao! Ba mươi lăm ngày thôi mà, qua nhanh thôi. Thế nhưng ngày đầu tiên đã có vẻ như kéo dài đến cả tháng khi họ phải đối mặt với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Khu nhà tắm chỉ có 6 phòng mà có đến mấy chục con người. Không còn cách nào khác, Đan Quỳnh rủ Gia Linh tắm chung. Rồi Đan Quỳnh nhanh chóng nhận ra sự dại dột của mình. - Đan Quỳnh có cái bớt đẹp ghê luôn á! Người ta nói con gái mà có bớt ở lưng là nghịch lắm! - Không được nhìn trộm người ta nhé! – Đan Quỳnh quay người lại. - Ôi! Trước ngực còn có cả nốt ruồi nữa cơ à. Thú vị nhỉ. Kiếp trước cậu không chịu uống nước vong tình nên bị Mạnh Bà đánh dấu chứ gì? Cậu trải qua ngàn năm thống khổ để chờ đợi ai thế? - Đã bảo không được nhìn trộm cơ mà! - Tớ không nhìn trộm, tớ đang nhìn quang minh chính đại. - Dám trêu tớ nè! Đan Quỳnh múc nguyên gáo nước dội lên đầu Gia Linh. Gia Linh run vài cái rồi cười nham nhở: - Cho thêm gáo nữa đi, đã quá! - Cậu có tin là tớ dội nguyên cả xô nước lên đầu cậu không? - Thế càng thích. Hôm sau mình tắm chung nữa nhé! - Tớ bắt đầu nghi ngờ giới tính của cậu rồi đấy! * * * Sau giờ cơm tối, Gia Linh đưa Đan Quỳnh gói bánh: - Lúc nãy chắc là cậu chưa ăn no? - Sao biết hay vậy? - Giờ cơm có 15 phút, cậu chưa ăn xong bát thứ hai người ta đã đứng lên cả rồi. Sau này cậu phải ăn nhanh lên, chứ không lại tốn tiền mình mua bánh. - Cảm ơn cậu nhé, Gia Linh! 19 giờ Tiểu đội sinh hoạt. Buổi gặp gỡ đầu tiên chủ yếu là để mọi người làm quen với nhau. Tiểu đội của Đan Quỳnh khá đặc biệt, đến từ đủ khoa, do thành viên được lấy từ số người thừa ra trong bội số của 8 ở mỗi hàng. - Thầy ơi, Tiểu đội mình sao giống Chúa Giêsu và 12 vị tông đồ quá! - Em thì lại đang nghĩ đến hoa lạc giữa rừng gươm hoa sống, gươm lạc giữa rừng hoa gươm chết mà thấy thương thầy quá hà! Thầy Khang tiểu đội trưởng cười hiền, không nói gì. Một tiểu đội 12 nữ mà thầy thực tập còn trẻ quá, liệu có yên ổn với đám hồ yêu này? Một lát sau, thầy La trung đội trưởng mang đến một cây đàn ghi ta, cả Tiểu đội vỗ tay tán thưởng. Thầy hỏi có ai muốn hát để thầy đệm đàn nhưng cả đám con gái bỗng nổi cơn e thẹn, nhường phần thầy hát trước. Thầy bấm phím đàn rồi cất lên tiếng hát trầm ấm: Tuổi hồng thơ ngây dưới mái trường Tuổi thơ đã đi qua rồi Để lại trong tôi một nỗi buồn Nói lên tiếng yêu lặng thầm anh dành cho em. Xưa chúng ta chung trường, cùng nhau kết hoa ước hẹn Mà sao bỗng dưng em lại bỏ quên hoa quên đi tình tôi Em vội ra đi trong li biệt Tháng năm vẫn trôi qua dần, anh chờ tin em. Kỉ niệm trong tôi đã phai mờ Giờ em bước đi theo chồng Bỏ lại trong tôi một bóng hình Nói lên tiếng yêu lặng thầm anh dành cho em. Khi biết tin em rồi, lòng anh bỗng se thắt lại Và khi tiếng chuông giáo đường chợt ngân, xe hoa dừng lại Em làm cô dâu, khoác áo hồng, sánh vai bước đi bên chồng Tình anh đơn côi. Hãy hát khúc nhạc buồn, hòa chung tiếng ca cung đàn Còn đâu dáng em in chiều, nhẹ nhàng đưa bước chân phù du Êm đềm trôi qua khi em theo chồng Nhớ sao những khi tan trường, tình anh bơ vơ.. Tất cả lắng mình trong giai điệu buồn của bài hát. Mọi người trêu thầy, hẳn là thầy vừa bị thất tình, an ủi thầy bằng những bài ca vui nhộn. Không gian đêm gặp mặt chẳng mấy chốc trở nên rộn ràng. Đan Quỳnh chợt nhận ra trung tâm giáo dục quốc phòng này thật sự cũng là một nơi lãng mạn, có hoa thơm cỏ biếc, có liễu rủ bên hồ, những chiếc ghế đá, và giờ là tiếng đàn, lời ca nữa. * * * Ngày thứ hai ở Trung tâm, Đan Quỳnh lọ mọ dậy từ tờ mờ sáng khiến cả phòng cũng không ngủ được, dậy cùng cô, bắt đầu tiết mục gấp chăn màn. Đan Quỳnh hỏi Gia Linh: - Cậu xem thế này đã được chưa? - Cậu xếp đẹp lắm rồi đấy! Phụ cho tớ một tay đi. Đan Quỳnh vừa giúp bạn, vừa kể chuyện: - Các anh chị khóa trước kể lại, trung tâm giáo dục quốc phòng của mình phạt học viên rất nghiêm khắc đấy. Có một nhóm chơi bài, khi bị bắt gặp, cậu biết bị phạt như thế nào không? - Phạt thế nào? - Mấy bạn đó được phát cho 4 cái xẻng để đào một huyệt mộ như thật, cách đại đội 500m, sau đó khiêng từng quân bài từ đại đội ra huyệt, phải vừa đi vừa khóc y như người ta đưa đám ma, mà bộ bài là 52 lá, cậu tính thử đi, khiêng hết bộ bài đi chôn vậy quãng đường dài bao nhiêu? - Hình phạt cũng bá đạo nhỉ? - Bởi thế, đã về đây thì làm gì ra nấy, đừng để bị phạt, sẽ thành giai thoại để đời đấy. Nào, xem lại cho tớ, chăn màn tớ đã xếp vuông 90 độ chưa? - Cậu lo đến sắp thành bệnh tâm lí luôn rồi đấy. Tớ đã bảo là đẹp thì không ai dám chê xấu, cậu an tâm đi. - Vậy tớ đi đánh răng trước đây. Sắp đến giờ thể dục rồi. Giờ thể dục buổi sáng bắt đầu từ năm giờ, xen kẽ một ngày tập ở trung tâm, một ngày chạy bộ ra ngoài theo con đưởng nhỏ ven thị trấn. Đan Quỳnh thích nhất là những buổi sáng được chạy bộ ra ngoài. Hai bên đường là những luống rau tươi non xanh mướt. Trong làn sương dày đặc của mùa xuân, làng mạc hiện lên mờ ảo. Thỉnh thoảng những âm thanh mơ hồ của cuộc sống đời thường lại vang lên, khiến người ta có cảm giác muốn đến chốn bồng lai mà tâm không nỡ buông bỏ trần tục. Đan Quỳnh mải mê nhìn đám hoa cải mà chạy chậm lại lúc nào không hay. Đến lúc bị thầy La cốc đầu, cô mới bàng hoàng ù té chạy, đuổi theo được Gia Linh thì cũng hổn hển thở không ra hơi. * * * Giờ học chính trị - an ninh quốc phòng, thấy Gia Linh và Đan Quỳnh lúc nào cũng dính nhau như sam, thêm dáng vẻ nhỏ nhắn từa tựa nhau của hai cô nàng khiến mấy bạn ngồi bên tò mò hỏi: - Hai cậu là chị em hả? - Cậu thấy chúng tớ giống nhau lắm à? – Gia Linh hỏi. - Nói thật là bọn tớ quan sát hai cậu từ nãy giờ, cược với nhau xem hai cậu có phải chị em không đấy! - Thế cậu cho rằng chúng tớ là chị em hả? - Ừ. Mà có phải không vậy? - Cậu đoán đúng một nửa thôi. Chúng tớ là chị em cùng cha khác ông nội. Cậu bạn làm một biểu cảm đau khổ đến buồn cười. Đan Quỳnh hỏi Gia Linh: - Sao cậu không nói với cậu ta chúng ta là chị em chứ? - Là sao? - Bạn thân chính là những người chị em không ở chung một nhà đấy! - Ờ nhỉ, thế mà mình lại không nghĩ ra. Để mình tìm cậu ta đính chính lại nhé! - Cậu nhảm quá đi! Thầy vào lớp rồi kìa. Thầy giảng về chiến tranh công nghệ cao, đến đoạn nói về máy bay tàng hình, Đan Quỳnh ngây người nhìn không chớp mắt, nhớ về thời thơ ấu, đọc Con chim trốn tuyết của Paul Gallico, nghĩ đơn thuần quả ngư lôi hẳn là to như quả bóng rổ, đến lúc xem một bộ phim tài liệu, thấy nó là một quả đạn khổng lồ với sức công phá hủy diệt, cô mới xấu hổ cho sự ngây thơ của mình. Cũng từ đó, cô bắt đầu có sự hứng thú với các bộ phim tài liệu nói về các loại vũ khí, đặc biệt là các loại súng tinh nhuệ của quân đội Mỹ. * * * Giờ học bắn súng, các giáo sinh thực tập lên hàng trước làm mẫu. Đến lúc nằm bắn, Đan Quỳnh bị mê hoặc bởi đôi chân của thầy La nằm ngay phía trước mắt. Cô nói nhỏ với Gia Linh: - Nói cậu nghe, đàn ông nhiều lông chân như thầy La sau này có vợ sẽ rất thương vợ. Người xưa cũng có câu nói: Quân tử lông chân, tiểu nhân lông bụng mà. - Thế lông ở chỗ khác có được tính không vậy? - Chúa tha tội cho cậu! - Cậu nghĩ nhiều rồi đấy Đan Quỳnh. Ý mình muốn hỏi là lông tay, lông ngực.. Đầu óc cậu thật sâu bọ. Vừa lúc ấy thầy La quay đầu nhìn xuống. Bắt gặp ánh mắt thầy, Đan Quỳnh gục mặt xuống đám cỏ, ước chi có cái hào công sự nằm kế bên để mà lăn xuống. Cả buổi học hôm ấy cô không dám nói thêm câu gì nữa. * * * Ngày cuối tuần, Gia Linh được bạn trai chạy xe lên trung tâm đón về. Nhà Đan Quỳnh ở xa, có đi theo xe buýt của trường thì cũng chỉ về đến nhà trọ, ngán nỗi xe đông, thôi thì ở lại cho nó lành, có ngủ cả ngày cũng chẳng ai quấy. Đan Quỳnh thả bộ ra phía sân tập. Khung cảnh vắng lặng khiến cô cảm giác một nỗi buồn mơ hồ, rồi vô cớ giận dỗi Gia Linh: "Cái đồ theo trai bỏ bạn. Đáng ghét!" Nhìn thấy phía sau hàng dương liễu có một nhóm người đang chơi bóng, Đan Quỳnh bị thu hút, chuyển hướng đi lúc nào không hay. Đến lúc nhận ra sai lầm của mình, cô quay đầu định âm thầm rút lui giống như khi lặng lẽ đến, nhưng không ngờ bị phát hiện: - Em đã đến rồi thì ở lại chơi đi. – Thầy La lên tiếng. - Dạ em chỉ vô tình đi ngang qua đây thôi ạ! Nói rồi Đan Quỳnh quay đầu chạy một mạch, nhưng vẫn nghe được những tiếng cười trêu chọc cùng tiếng thầy La văng vẳng bên tai: "Cô học trò lớp thầy Khang dễ thương thật đấy!" Ngồi xuống chiếc ghế đá cạnh hồ nước, tim Đan Quỳnh đập thình thịch. Cô ôm đầu nghĩ vẩn vơ: "Liệu thầy ấy có hiểu nhầm là mình nhìn lén thầy không nhỉ. Chuyện lần trước nhìn lông chân thầy nữa chứ. Ôi! Sao toàn chuyện mất mặt thế này!" Giờ ăn trưa, Đan Quỳnh ngồi vào bàn sớm, đợi các bạn đến đủ sáu người mới có thể cầm đũa. Chợt có tiếng thầy La vọng lại sau lưng: - Các em qua đây ngồi với mấy thầy cho vui. Ngày nghỉ mà, không cần câu nệ. Mấy bạn nhanh chóng bê hết thức ăn sang dãy bàn của các thầy. Đan Quỳnh đành miễn cưỡng cầm chén đi theo. Đám bạn cùng thầy trò vừa ăn vừa tíu tít kể đủ chuyện. Đan Quỳnh chỉ lặng im nghe, không góp chuyện, chỉ đến khi có ai đó hỏi câu gì thì mới trả lời qua loa. Lúc cầm li nước lên uống, vô tình cô nhìn thấy thầy La cũng đang nhìn mình, tay cô run run, cảm giác như có cái gì đó mắc nghẹn ở cổ. "Chỉ là uống nước thôi mà, sao cũng nghẹn được chứ!" – Cô thầm kêu khổ. * * * Chiều chủ nhật, Gia Linh mang về mấy túi bánh lọc tạ lỗi với Đan Quỳnh vì đã để cô ở lại một mình. Như mọi khi, có lẽ Gia Linh đã được nghe Đan Quỳnh ca bài ca không bao giờ ngưng rồi, nhưng hôm nay, cô có vẻ trầm ngâm, một lúc mới lên tiếng: - Gia Linh à, cậu có thấy thầy La rất nghiêm nghị không? Mình cứ có cảm giác sợ sợ thầy La sao ấy. Gặp thầy Khang, mình có thể nói cười một cách thoải mái nhưng khi có bóng dáng thầy La ở gần đó, mình đến thở cũng không dám thở mạnh. Vậy là sao hả? - Rốt cục là đã có chuyện gì xảy ra khi mình vắng mặt thế? - Thật ra cũng không có gì. Hôm qua lúc ăn cơm mình ngồi đối diện với thầy. Bữa cơm sao mà dài như một cơn ác mộng. Lúc vô tình nhìn thấy thầy đang nhìn mình, tay mình cầm ly nước mà run như thế này, như thế này nè. Nhìn cách Đan Quỳnh diễn tả, Gia Linh không thể nhịn được cười. - Cậu cứ làm thái quá. Thầy La vừa đẹp trai, lại hiền hòa, mình chỉ ước được thầy nhìn cho một phát để tâm linh khổ này được lên thiên đàng mà còn chẳng được. Thầy ưu ái cậu như thế, cậu lại còn than phiền chứ. - Đúng là bõ công tớ chờ cậu đến dài cả cổ Gia Linh ạ! - Tớ kể cậu nghe, cậu có tin hay không thì tùy nhé. Trên người cậu có dấu vết để lại do nhân duyên kiếp trước. Cậu đến kiếp này là để tìm người người tri kỉ mà cậu đã không nỡ quên. Nếu gặp người đó, cậu sẽ rất dễ nhận ra, vì cảm giác khi gặp người đó không giống như khi gặp người khác. Chính là thứ cảm giác không giống ai như khi cậu gặp thầy La vậy đó, cậu có hiểu không? - Cậu định làm thầy bói xem voi đấy à? - Rồi cậu sẽ sớm nhận ra thôi! * * * Chào mừng kỉ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trung tâm tổ chức trình chiếu bộ phim Mùi cỏ cháy để tái hiện lại lịch sử hào hùng của dân tộc. Đan Quỳnh nhìn lên màn ảnh rộng, nhớ về một thời xa lắm, cái thời mà cô còn cởi truồng tắm sông, trưa trốn ngủ chạy theo lũ bạn bắt bướm. Cứ mỗi lần có đoàn chiếu phim về, cả làng già trẻ lớn bé tụ tập ngồi trên cỏ xem phim. Mấy cô hàng nước, hàng xén cũng tranh thủ kê chiếc bàn nhỏ, bán thêm đôi chút. Thời gian qua nhanh, cuộc sống con người cũng khấm khá, bây giờ nhà nào cũng có ti vi, lại còn kết nối với internet, những buổi công chiếu phim như thế đã trở thành một thời vang bóng. Nghĩ về những ngày xa xưa, lòng Đan Quỳnh xen lẫn nhiều cảm xúc khó tả. Tiếng nhạc chuông điện thoại của ai đó vang lên, lời bài hát biến thái đến mức ai cũng phải tò mò quay đầu lại xem: Bà già bắn máy bay Không may đứt chun quần Thằng Mỹ nó ồ ra xem Ố ô cái gì thế này.. Đan Quỳnh cũng quay đầu lại, giật mình nhận ra thầy La đang ngồi phía sau mình ở hàng ghế bên cạnh. Tim cô đập loạn xạ, bên tai văng vẳng lời của "thầy bói" Gia Linh: "Nếu gặp người đó, cậu sẽ rất dễ nhận ra, vì cảm giác khi gặp người đó không giống như khi gặp người khác. Chính là thứ cảm giác không giống ai như khi cậu gặp thầy La vậy đó, cậu có hiểu không?". Bất giác, cô đỏ mặt, cố tập trung vào bộ phim để xua đuổi những ý nghĩ vẫn vơ trong đầu. Bộ phim Mùi cỏ cháy lấy bối cảnh chính là mùa hè đỏ lửa 1972, bắt đầu với câu chuyện về bốn chàng trai Hoàng - Thành - Thăng - Long đang ngồi trên ghế giảng đường đại học. Theo lệnh tổng động viên, bốn chàng sinh viên cùng hàng nghìn bạn bè đồng trang lứa đã lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Nhân vật Hoàng mang hình ảnh của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - yêu thơ, mơ mộng, hay xúc động. Thành hồn nhiên tinh nghịch, suốt ngày bị mẹ mắng, đi ra trận vẫn mơ thấy mẹ gọi về. Nhân vật Thăng lấy nguyên mẫu liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, là một anh lính thông tin thích ghi nhật ký, thích tiên đoán nhìn nhận các vấn đề thế cuộc. Long khao khát hạnh phúc, mong ước vun đắp một gia đình trọn vẹn. Bốn người lính bình thường như hàng nghìn sinh viên lên đường năm ấy, đã tái hiện nên bức chân dung của cả một thế hệ tận hiến cho Tổ quốc. Bộ phim với thời lượng hơn chín mươi phút mà mang đến cho Đan Quỳnh đủ cung bậc cảm xúc. Những tiếng khóc nức nở của các bạn nữ thỉnh thoảng lại vang lên khi chứng kiến cảnh máu những chiến sĩ vượt sông nhuộm đỏ dòng Thạch Hãn, khi ngôi mộ chôn đồng đội vừa đắp đã bật tung vì bom đạn, khi vừa gặp nhau vài giây trước giờ xác người chỉ còn lại cánh tay.. Trên khóe mắt Đan Quỳnh, hai dòng lệ cứ thế chảy xuống. Cô nghe môi mình mặn đắng. Trung tâm chọn bộ phim này để chiếu cho sinh viên xem thật sự có ý nghĩa. Cũng như các bạn, cô nhận thức sâu hơn về trách nhiệm lớn lao của mình khi được sống trong hòa bình, yên ấm và khát khao phấn đấu học tập, làm việc để được cống hiến cho Tổ quốc, cho đất nước. Kết thúc bộ phim, lòng cô dâng trào một cảm xúc khó tả. Ra về rồi mà những hình ảnh đau thương vẫn như hiện trước mắt cô, bên tai vang vọng mãi lời thơ bi tráng: Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm Có tuổi hai mươi thành sóng nước Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm. * * * Những ngày cuối cùng của học kì quân sự, Đan Quỳnh cảm giác sao thời gian trôi nhanh, ngày chóng qua, đêm cũng như ngắn lại. Nhớ những ngày đầu, cô càng mong kì học kết thúc nhanh để về trường bao nhiêu thì bây giờ lòng cô lại quyến luyến, không nỡ rời chốn này bấy nhiêu. Các môn học lần lượt thi xong, chỉ còn lại mỗi môn Bắn súng. Các Tiểu đội tập hợp, đi bộ ra Trường bia, cách trung tâm 2km. Nơi đây là một ngọn đồi nhỏ, hoa sim nở đầy ven các lối đi. Giờ giải lao, cô hái một chùm hoa tím ngát, chạy lại khoe với Gia Linh. Cô đọc cho Gia Linh nghe bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan: Nàng có ba người anh đi bộ đội Những em nàng Có em chưa biết nói Khi tóc nàng xanh xanh. * * * Gia Linh trầm ngâm lắng nghe câu chuyện tình buồn qua tiếng đọc đều đều của cô bạn. Đến những câu cuối cùng, Đan Quỳnh cố ý đọc ngược hai chữ trêu Gia Linh: Áo anh sứt chỉ đường tà, "Mẹ" anh mất sớm, "vợ" già chưa khâu. Gia Linh ngẩn người một phút rồi bật cười ôm lấy Đan Quỳnh. Đan Quỳnh không hay đùa, nhưng khi đã đùa thì đúng là không chịu nổi mà. Ở phía xa, có ai đó cũng đang mỉm cười, nhìn vào điện thoại. Trong ảnh là một cô bé với màu áo lính, mũ thả sau lưng, chạy trên đồi cát, vừa chạy vừa vẫy vẫy chùm hoa tím trên tay, phía sau lưng cô, nắng vàng rực rỡ. * * * Ngày chia tay, ai nấy ngậm ngùi, vài cô nàng đa cảm sụt sùi ngấn lệ. Tiểu đội của Đan Quỳnh rủ nhau chụp hình ở sân tập. Ở nơi này mọc đầy hoa cúc dại, khung cảnh rất nên thơ và lãng mạn. Hết chụp chung với nhau, các bạn lại chụp riêng với thầy Khang tiểu đội trưởng và thầy La trung đội trưởng. Đan Quỳnh không có ý định chụp hình riêng với các thầy nhưng Gia Linh lên tiếng xin được chụp cho cô bạn thân Đan Quỳnh với thầy La một kiểu khiến cô không tiện từ chối. Thầy La đưa điện thoại cho Gia Linh, bảo cô cứ chụp bằng điện thoại của thầy, rồi thầy sẽ gửi ảnh qua. Gia Linh hái mấy cành hoa dại đưa thầy, nháy mắt: - Thế này mới chất thầy ạ! Thầy La đưa chùm hoa cho Đan Quỳnh. Cô không dám đưa tay lấy, bèn cởi mũ ra nhận. Vừa lúc đó tiếng nháy máy cất lên. Đan Quỳnh ngơ ngác: - Sao chưa chuẩn bị gì đã chụp rồi, chắc khó coi lắm, xem nào. - Ngược lại là khác, rất đẹp, rất tự nhiên. Đan Quỳnh ngồi xuống xem ảnh, tiện thể lướt nhanh xem mấy ảnh phía trước. Chợt tim cô đập liên hồi khi thấy một bức ảnh được chụp lén hôm tập bắn mà người trong ảnh không ai khác, chính là cô. Sau vài giây đứng hình, cô vờ như không biết gì, đưa điện thoại trả cho thầy La. Cô không dám nhìn thẳng vào mắt thầy, bởi cô biết rõ thầy hẳn là đang nhìn cô. Kỳ học quân sự kết thúc, Đan Quỳnh cùng Gia Linh trở về trường. Câu chuyện về một trung tâm giáo dục quốc phòng với những quy định, kỉ luật nghiêm ngặt cùng những kỉ niệm đáng yêu dần chìm theo những ngày tháng bộn bề với sách vở. * * * Bánh canh cá lóc là món khoái khẩu của Đan Quỳnh mỗi buổi sáng trước khi đi học. Như thường lệ, cô ngồi vào bàn, chờ dì Hoa mang đến. Bất giác, cô cảm thấy một luồng điện chạy dọc cơ thể. Trước mắt cô, thầy La đang ngồi với hai người bạn. Cô cúi đầu chào: - Em chào thầy ạ! Thầy La gật đầu, khẽ mỉm cười. Đan Quỳnh nhận lấy tô bánh canh, cặm cụi ăn một mạch, không dám ngẩng đầu lên, sợ lại bắt gặp ánh mắt của thầy. Đến lúc ngẩng đầu lên thì thầy đã đi từ lúc nào. Cô đứng dậy trả tiền thì dì Hoa bảo đã có người trả rồi. Không nói cô cũng biết là ai mà. Khổ nỗi cả ngày hôm ấy cô cứ ra ngẩn vào ngơ, suy nghĩ không thôi mà rốt cục cô cũng không biết là mình đang nghĩ cái gì nữa. Cô nhớ những ngày còn ở trung tâm giáo dục quốc phòng, nhớ tiếng hát ai trầm ấm, nhớ cái cốc đầu khe khẽ, nhớ ánh mắt dịu dàng và bóng dáng như vô tình lúc nào cũng ở sau lưng cô. Sáng thứ bảy, Đan Quỳnh đi bộ ra trạm xe buýt. Đang nhởn nhơ nghịch bông hoa bằng lăng vừa nhặt được, bỗng cô giật mình khi nghe tiếng nói quen thuộc ngay bên cạnh: - Em đi đâu, lên xe tôi đèo. - Dạ, thầy ạ! Em ra trạm xe buýt, ngay đây thôi, không phiền thầy đâu ạ! - Tôi không thấy phiền, em lên xe đi. - Dạ không cần đâu thầy. Em cũng đang muốn đi bộ cho giãn gân giãn cốt mà – Đan Quỳnh cố tìm cớ thoái thác. - Em biết tôi là mẫu người thương vợ nhưng vẫn tránh, chẳng lẽ lại đợi một thằng vũ phu đến đón đi sao? Nào, lên xe! Thầy vừa dứt câu, hai má Đan Quỳnh cũng đỏ lựng. Cô nhớ đến câu nói hôm nào mà xấu hổ. Thì ra thầy nghe cả. Cô ngượng ngùng ngồi lên xe. Trăm mối tơ vò một giây bỏ hết, phó mặc cho cao xanh. Cái cảm giác quen thuộc mà cô chờ đợi bấy lâu lại ùa về. Cô nhớ đến lời của cô bạn Gia Linh, khẽ mỉm cười. Cái gì mà nhân duyên kiếp trước? Cái gì mà ngàn năm chờ đợi vì tâm nguyện chưa thành? Có chăng đã là số mệnh thì có trốn cũng không trốn được mà thôi! END