Truyện Ngắn Tựa Như Khúc Nhạc Bi Thương - TueNghiAn

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi TueNghiAn, 18 Tháng mười 2019.

  1. TueNghiAn

    Bài viết:
    38
    Tựa như khúc nhạc bi thương

    Tác giả: TueNghi An

    Thể loại: Truyện ngắn

    Link góp ý: [Thảo Luận - Góp Ý] - Các Tác Phẩm Của TueNghiAn

    [​IMG]

    Cứ mỗi lần về quê, bước ngang qua ngôi nhà gỗ cũ nằm lọt thỏm cạnh gốc đa cuối làng, lòng tôi lại gợn lên một nỗi buồn man mác. Buồn thương cho số phận nghiệt ngã của người chủ quá cố của ngôi nhà ấy.

    Buồn cho số kiếp một con người, một người đàn bà có cuộc đời tựa như khúc nhạc bi thương, sống cô đơn, chết cô độc.

    Người đàn bà ấy vốn không phải người trong làng này, chỉ là một buổi sáng khoảng gần nửa thế kỉ trước, người đi làm ruộng sớm phát hiện một cô gái trẻ đang mang bầu nằm gục nơi rìa đường nên đã đưa cô về nơi đình làng nghỉ ngơi.

    Khi tỉnh lại, cô cho biết mình là người dưới xuôi, bị gia đình từ mặt do chửa hoang. Cô lang thang không cửa không nhà, lần theo địa chỉ của bố đứa bé trong bụng để lại mà lên đây tìm người.

    Nhưng trớ trêu thay, người đàn ông ấy khi gặp lại đã phủi tay trối bỏ cô cùng cái thai. Thậm chí cô còn bị vợ của người đó lăng nhục, xúc phạm và đánh đuổi đi.

    Đã mấy ngày nay cô ăn uống thất thường, bữa đói bữa no, hôm nay kiệt sức mà ngất lịm nơi vệ đường.

    Cô đã không còn gì hết, không nhà, không cửa, không gia đình.

    Quá thương cảm cho hoàn cảnh của cô, người trong làng đã họp bàn và xin với chính quyền, cất cho cô một căn nhà gỗ nhỏ nơi gốc đa cuối làng.

    Chẳng mấy chốc, căn nhà nhỏ được dựng lên, người trong làng người mang cho cô cái xoong, người cho cái bát, người cho cái giường.. coi như cũng tạm ổn.

    Bụng mang dạ chửa nhưng cô cũng vẫn rất chăm chỉ làm việc, không muốn sống dựa dẫm quá nhiều vào mọi người xung quanh.

    Mang bầu nên không thể làm việc nặng, cô chỉ có thể đi phụ người ta những việc lặt vặt như nhổ cỏ vườn, rửa bát, rửa chén cho những nhà có đám có tiệc.. Những ngày không ai thuê thì đành lọ mọ ra đồng mò bắt con tôm, con ốc mang ra chợ bán kiếm tiền.

    Ngày tháng qua đi, cô hạ sinh được một bé trai rất kháu khỉnh, đáng yêu.

    Hàng xóm xung quanh thương cảm cho cuộc sống vất vả, đơn côi của hai mẹ con cô nên đã cắt cử người qua lại giúp đỡ trong thời gian cô ở cữ.

    Những tưởng mọi chuyện rồi cứ vậy bình yên trôi qua, ai ngờ, một ngày kia, khi đứa trẻ mới tròn tháng tuổi thì cô bắt đầu có những biểu hiện rất khác người.

    Cô thường bỏ con ở nhà hoặc có khi bế theo cả con đi lang thang khắp từ cuối làng lên đầu làng, thậm chí ra cả bờ sông.. vừa đi vừa lẩm bẩm gì đó rất khó hiểu.

    Rồi có lúc cô gào khóc thảm thiết, chửi bới với không khí.

    Nhưng chỉ khoảng một vài giờ đồng hồ lại như người bình thường và đặc biệt cô không thể nhớ được nhũng gì mình vừa làm trước đó.

    Người trong làng thấy vậy mới ép cô đến trạm xá cho bác sĩ thăm khám, sau nhiều lần thăm khám, bác sĩ kết luận cô bị rối loạn tâm thần, khi tỉnh khi mê. Tình hình này nếu không được điều trị kịp thời cho dứt điểm thì sẽ để lại những hậu quả khó lòng mà lường trước được.

    Nhưng đến tiền ăn còn chẳng đủ, hàng xóm giúp thì cũng đâu thể giúp mãi được.. cô đành phó thác sức khỏe của mình cho ông trời.

    Hằng ngày khi khỏe mạnh tỉnh táo thì cô gửi con cho nhà hàng xóm rồi đi làm thuê quốc mướn, kiếm tiền ăn hàng ngày cho hai mẹ con.

    Sợ bệnh tình mình như vậy sẽ làm hại con nên cô còn nhờ cậy xóm giềng, mỗi khi thấy tinh thần cô bắt đầu không tỉnh táo thì hãy giúp bế thằng bé đi một nơi khác, đừng để cô làm hại đến nó.

    Cũng chẳng thể nhớ nổi đã bao lần cô phát bệnh, chỉ biết rằng tình trạng bệnh của cô năm sau nặng hơn năm trước, tần suất cũng mỗi lúc một dày hơn.

    * * *

    Thời gian cứ vậy trôi đi, thằng bé con cũng đã đến tuổi đi học.

    Đám trẻ con trong làng hay trêu chọc thằng bé, gọi nó là thằng con hoang. Dù người lớn trong làng đã nhiều lần dọa nạt, nhưng trẻ con vốn đâu nghĩ xa xôi, chúng vẫn lén lút trêu chọc thằng bé.

    Thằng bé càng ngày càng sống khép kín, lầm lì ít nói với tất cả mọi người, thậm chí cả với người mẹ ruột của mình. Và đây có lẽ cũng là nguyên nhân sâu xa nhất cho những chuyện xảy ra sau này.

    Cô gái năm xưa, thời điểm này cũng đã tầm 30 tuổi.. nhưng ngoại hình của cô già hơn tuổi rất nhiều, bệnh tật, lao động quần quất suốt ngày đêm, sức khỏe cô ngày một yếu.

    Bữa cơm của hai mẹ con có khi chỉ là bát cơm trắng chan cùng nước sôi, ngày khấm khá hơn thì có quả trứng luộc hoặc con cá khô.

    Khổ cực, khó khăn là vậy nhưng may thay đứa con trai duy nhất của cô lại học hành rất giỏi. Mỗi khi tuyệt vọng, nhìn cậu con trai cô lại bắt mình phải vực dậy phải gắng gượng để làm chỗ dựa cho con.

    Cô biết chuyện thằng bé đi học thường bị bạn trêu chọc, thương con đến đứt ruột, cô vét những đồng những hào ít ỏi còn lại trong người mang đi mua kẹo đến cho bọn trẻ cùng học với con mình. Tất cả chỉ là mong con mình sẽ được vui vẻ khi đến trường.

    Nhưng nào ngờ lại phản tác dụng, bọn trẻ càng ngày càng trêu chọc con cô nhiều hơn, cũng vì chuyện này mà con cô càng giận mẹ.

    * * *

    Lại tiếp tục vài năm nữa trôi đi, với thành tích nhiều năm liền học xuất sắc, con trai cô được đặc cách vào học tại một ngôi trường cấp 3 danh giá dưới thành phố. Đây là một vinh dự không phải ai cũng có thể có được.

    Ngày tiễn con xuống trường nhập học, người mẹ run run, nghẹn ngào nói chẳng thành câu. Còn đứa con trai thì lại háo hức, vui sướng lạ lùng.

    Con đi học dưới thành phố, một mình người mẹ sống đơn độc trong căn nhà gỗ cũ kĩ, hàng ngày bà đi làm thuê làm mướn để gom góp tiền gửi xuống cho con ăn học, chẳng dám chi dùng gì cho bản thân.

    Ngày qua ngày, tháng qua tháng, nhớ con đến quặn lòng nhưng bà cũng không dám ghé xuống thăm con. Vì đường xá xa xôi, tiền xe tiền tầu tốn kém, đi một chuyến xuống đó, bữa sau lấy đâu tiền gửi xuống cho con được.

    * * *

    Ba năm nữa lại trôi đi, cậu con trai của bà đỗ vào một ngôi trường đại học danh tiếng. Bà vui mừng, xóm giềng người người đến chia vui, ai cũng nghĩ từ đây cuộc đời bà sẽ bớt khổ hơn. Nhưng, đời mà.. ai nói trước được điều gì.

    Bà vẫn cần mẫn làm việc, chắt chiu gửi từng đồng từng xu xuống để con trai ăn học và hi vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

    Nhưng dần dần cậu con trai càng ngày càng ít liên hệ về với bà, rồi bỗng một ngày bà nhận được một bức thư kèm theo một tập tiền.

    Không ai biết trong bức thư ấy viết những gì, chỉ biết rằng sau hôm đó người đàn bà đóng chặt cửa nhốt mình trong nhà. Ai đi ngang qua ngôi nhà nhỏ cũng đều nghe thấy tiếng khóc đầy đau khổ, tuyệt vọng.

    Và rồi chuyện gì đến cũng đến, một đêm mưa gió, người đi bắt ếch đêm phát hiện cái xác chết cứng đơ của bà nằm vật nơi cánh đồng hoang.

    Ai lấy đều xót thương cho cuộc đời bi thương của người đàn bà khổ hạnh.

    Theo phong tục ở làng tôi, người chết đường chết chợ không được đưa về nhà làm đám ma, mà bắt buộc phải làm đám ma tại chính nơi phát hiện xác chết.

    Ấy vậy là cái rạp đám ma được dựng lên giữa nơi đồng không mông quạnh đó, người ta tìm cách liên lạc với đứa con trai bà nhưng vô ích.

    Rồi khi hàng xóm qua nhà thu dọn để làm chỗ thờ cúng cho vong hồn người đã khuất thì nhìn thấy trên chiếc bàn duy nhất trong nhà một bức thư viết còn giang giở:

    "Gửi đứa con trai bé bỏng của mẹ, mẹ xin lỗi vì đã không thể cho con một gia đình đúng nghĩa, xin lỗi vì một người điên như mẹ lại làm mẹ của con. Mẹ biết con ghét mẹ, con không muốn gặp mẹ, con muốn mẹ cầm số tiền đó mà buông tha cho con.."

    Bức thư chưa hoàn, chỉ đọc qua thôi người ta cũng hiểu điều gì đã khiến cho người đàn bà ấy gục ngã một cách nhanh chóng tới vậy.

    Thiết nghĩ mẹ yêu con, thương con, hi sinh tất cả vì con, chẳng vì sợ những lời đàm tiếu của thiên hạ mà tước bỏ đi sự sống của con ngay khi còn trong bụng mẹ. Vậy tại sao người làm con lại có thể phụ lòng mẹ tới thế?

    Bao nhiêu năm qua đi, có người trong làng kể lại, không lâu trước có gặp lại người con trai của người đàn bà điên ấy. Nghe đâu đã lấy vợ sinh con và hiện là giảng viên trong một ngôi trường có tiếng.

    Khi nghe tin này trong đầu tôi thoáng qua suy nghĩ, không hiểu một con người như thế khi đứng trên bục giảng dạy dỗ học sinh đạo làm người thì có chút gì tự thấy xấu hổ, có chút gì thẹn với lương tâm hay không?

    * * *

    Ngôi nhà gỗ lọt thỏm nơi gốc đa cuối làng, ngôi mộ nhỏ nằm cô quạnh nơi đồng ruộng hoang vu tất cả chính là chứng nhân cho khúc nhạc bi thương đầy đau đớn.

    Hết.
     
    Ubiono, Alissa, CaoSG2 người khác thích bài này.
    Last edited by a moderator: 12 Tháng mười hai 2019
Trả lời qua Facebook
Đang tải...