Từ giọng điệu mà em biết anh đến từ đâu

Thảo luận trong 'Nhật Ký' bắt đầu bởi Anh Huy, 7 Tháng một 2019.

  1. Anh Huy

    Bài viết:
    26
    Đọc Nam Cao, cứ có giọng bắt đầu là cạu cọ rồi đến tự giễu, rồi ân hận rồi tự thương rồi triết lí. Đọc bác này thú vị nhưng ý nhu ăn phải đồ ăn việt nhiều chanh sả, ngon theo một cách nào đó nhưng cũng nặng nề, mỏi mệt theo một cách nào đó.

    Giọng ấy sinh ra từ không đáng kém mà phải kém, không đáng khổ mà phải khổ, không thể buông xả dịu dàng mà lại không cam lòng gầm gào tàn nhẫn. Nhưng lại cũng là giọng của người được giác ngộ. Sự giác ngộ đủ mạnh để con người vặn mình hướng sáng, nhưng chưa đủ thấm thía để con người đi tới tận cùng tự trừng phạt mà trắng án lương tâm.

    Cũng đọc thấy ở bác này cái tính hay để ý, một cái tôi xét nét, bực bội. Thường môi trường nhiều bon chen, nhiều kiêng húy dễ sinh cái tính ấy. Vâng, đó là làng quê khốn khổ tăm tối, và đời sống thị thành quẩn quanh, eo hep.. Những cái vũng, cái ao tù có thể dìm nghỉm cả dải thiên hà.

    Nhưng đọc Thạch Lam thì khác. Từ con người, nhân vật, giọng điệu đều dịu dàng, dịu dàng đến xốn xang. Chính một nội tâm không xáo trộn không xao nhãng về phía cái xấu, cái tầm thường, cái ác nên mọi tác lòng đều mở, trở thành chiếc hộp cộng hưởng những thanh âm tinh tế nhất. Cái tôi Thạch Lam không có khiến mình lẫm liệt, nên người văn quên mất cả câu cả chữ, cả bản thân mình, đem tất cả quyện hòa, trang trải lên từng cảnh, từng người; từ tiếng ếch của cánh động quê Việt nghìn mùa, đến tiếng muỗi và mùi ẩm nóng của đất cát xứ nhiệt đới, đến thói quen ngồi nhìn sao của trẻ con một miền quê chỉ có mặt đất và bầu trời, thói quen xua ruồi, thói quen chờ nhau chào nhau một tiếng.. Giọng Thạch Lam tiết lộ ông lớn lên ở một Hà Nội thư thả, có liễu hồ, có hương hoàng lan, có sách của các nhà văn Ánh sáng, mà mộng. Thế nên ông là sứ giả của miền trung gian trong văn học, miền đất của đau khổ nhưng xót thương, xót thương mà bay bổng: Sứ giả giữa hiện thực và lãng mạn. Điều mà Nam Cao hay Vũ Trọng Phụng có cố cách nào cũng không thể có được.

    Đọc văn Nguyễn Tuân, biết xuất thân và biết tính nết của ông. Một người luôn ghét bị thua kém. Một người luôn cực đoan giữa thực và đẹp. Một con người của thế giới Hà Nội cũ xưa, có đẹp, nhưng có cầu kì, có tinh tế nhưng cũng không kém phần khắc nghiệt. Một nhà bác học nhưng thiên về kĩ nghệ cổ, đời sống Đông phương cổ. Phóng túng, nhưng không hiểu sao, ta vẫn nhìn thấy dấu vết kĩ thuật. Còn dấu là còn tỉnh. Còn tỉnh là chưa bay lên cùng thiên chức. Nhà nghệ sĩ đủ tự do, đủ tận hiến cho nghiệp, đủ lao khổ nghiệp, vào lúc nào đó, họ phóng thẳng được vệ tinh văn của mình, bứt khỏi lực trì kéo của mặt đất, để đạt đến chuyển động vĩnh cửu.

    Thơ hải ngoại nói chung, đọc, qua giọng và thế giới nghệ thuật của họ là hình dung về đời sống của các thi nhân. Khái quát ngắn thì khó, và đòi hỏi phải có chứng niệm. Điều này tuy làm được nhưng phải có vài tiếng. Nhưng đại loại thế này: Cách yêu ghét, cách buồn đau, cách tự vấn, cách viết câu, các uyển ngữ.. đều khác.

    Đọc thơ Anh, tôi biết anh lớn lên,

    Được thừa hưởng một nền giáo dục tốt nhất cả Đông, Tây, Âu, Á. Thơ lãng mạn mà đoan chính, an nhiên không cùng mà đột ngột quặn thắt, không vặn mình gồng gáp thề thốt và vẫn thiết thao nâng niu, xót thương (Người phải tranh giật, có tốt cũng phải tốt một cách bặm trợn. Người tồn tại ở chốn chém mướn đâm thuê dẫu thành thánh cũng thánh du côn. Chuyện bặm trợn và du côn có cái đẹp riêng của nó trong một khuông đoạn nào đó, ta chưa nói tới ở đây). Đọc, ngày cả khi họ viết theo cách ở ta là cấm kị, họ vẫn, đã trả cho cái đẹp bị cấm kị giam cầm vẻ đẹp hiển nhiên, quyền được là chính mình của Nàng. Là vì, dù nói cách nào, họ ở thế giới khác: Họp khác, bình bầu khác, soát bản thảo nhân phẩm khác. Vâng, khác, chẳng hạn, Bắc Hàn.

    So sánh làm gì? Để biết. Biết làm gì?

    Để chấp.

    Chấp làm gì?

    Để rộng. Để ôm lấy vào lòng.

    Thế.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...