Truyện Ngắn Truyện Ma Tiếng Quạ Réo Vong Hồn - Nguyễn Ngọc Ngạn

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi lanhuonggg, 26 Tháng năm 2021.

  1. lanhuonggg

    Bài viết:
    11
    Tiếng quạ réo vong hồn

    Tác giả: Nguyễn Ngọc Ngạn

    Thể loại: Kinh dị


    [​IMG]

    Từ xưa đến nay, hình tượng con quạ luôn là hiện thân của những điềm gở bởi quạ hay ăn những xác chết thối rữa, người ta cho rằng quạ là cảnh báo của số mạng gặp điều không may, là linh hồn của các linh mục xấu xa, và nhiều người quan niệm quạ kêu vào ban đêm báo hiệu cho linh hồn của người chết không được an táng đầy đủ..

    Câu chuyện xuất phát từ những cơn mộng mị ma quái kì lạ trong chiêm bao của bà Cần. Bồn chồn, lo lắng, bất an.. là những trạng thái của bà khi nghĩ về Trinh- cô con gái lấy chồng xa nhà đã bặt âm vô tín từ lâu.

    Trinh liên tục hiện về trong những giấc chiêm bao của bà Cần với bộ quần áo trắng do chính tay mẹ may cho cô trước ngày cưới, đôi mắt thâm quầng như thiếu ngủ đã bao ngày, làn da xanh xao, sự sợ sệt hiện lên rõ trên khuôn mặt cô. Ba lần bảy lượt xuất hiện trong cơn mơ của mẹ, lời duy nhất mà cô nói với mẹ lại vô cùng đau đớn, mang bao ai oán:

    "MẸ ƠI.. CON C. H. Ế. T RỒI CÒN ĐÂU.."
     
    Last edited by a moderator: 30 Tháng chín 2021
  2. lanhuonggg

    Bài viết:
    11

    Chương 1


    Bấm để xem
    Đóng lại
    Lúc ấy là khoảng hơn 2 giờ sáng, một đêm mùa hè ở Sài Gòn..

    Bà Cần choàng tỉnh dậy, ngồi bật lên, bàng hoàng nhìn quanh căn nhà, bà đã ú ớ kêu gào trong giấc mơ, vùng vẫy một cách kinh hãi đến mấy phút mới mở được mắt để thức giấc. Bà ngồi tựa lưng vào vách, mồ hôi vãi ra đầm đài trên mặt, bà thở hổn hển một lúc rồi mới bình tâm nhớ lại tất cả mọi chi tiết vừa mới diễn ra trong cơn ác mộng.

    Bên cạnh bà, trong cái mùng rộng màu trắng đục, ông Cần vẫn ngủ một cách bình lặng. Ông nằm ngửa, miệng hơi há ra, hai tay đặt trên ngực ngay ngắn như một cái xác chết đã liệm vào hòm, chờ đen chôn.

    Bà Cần vớ cái quạt giấy ở đầu giường, xòe ra phe phẩy rồi lại gấp ngay lại và đập nhẹ vào vai ông chồng, bà gọi:

    - Ông ơi, dậy.. dậy đi ông, dậy tôi bảo cái này.

    Ông Cần cố nhíu mắt nhìn vợ rồi lại nhắm ngay và lè nhè hỏi:

    - Mấy giờ rồi? Vẫn còn sớm mà bà, thức dậy làm gì sớm thế?

    Bà Cần quăng cái quạt, khom người nắm cánh tay chồng giật mạnh mấy cái và nói:

    - Dậy, dậy mau, tôi kể ông nghe cái này, ghê lắm ông ơi!

    Ông Cần xoay người nằm nghiêng và nhăn mặt đáp:

    - Thì bà cứ kể đi, tôi đang nghe đây, mà sao không đợi đến sáng mai thì kể? Giữa nửa đêm, đánh thức người ta là thế nào?

    Bà Cần nhoài người nằm xuống bên cạnh chồng và lo âu nói:

    - Ông à, lâu rồi con Trinh nó không về thăm nhà, mà chẳng có thư từ gì cả. Đến cả năm rồi ấy chứ.

    Ông Cần tặc lưỡi cắt ngang:

    - Tưởng cái gì, con gái lấy chồng thì phải theo chồng, tết nhất nó về thăm, mỗi năm một lần, thế là đủ rồi. Còn thư từ, không có việc gì cần thì nó viết thư cho mình làm gì? Thôi, bà ngủ đi.

    Bà Cần bực bội tiếp bằng giọng lớn hơn:

    - Tôi không ngủ được, tôi vừa nằm mơ thấy nó đây này.

    Ông cần cũng gắt nhẹ:

    - Bà nhớ nó thì bà mơ thấy nó, có gì lạ đâu. Tôi cũng hay nằm mơ thấy nó chứ riêng gì bà. Ngủ đi, sáng mai tôi sẽ viết ngay cho nó mấy chữ để bà yên lòng, ngủ đi.

    Bà Cần lại ngồi lên và kiên nhẫn kể:

    - Không, ông ơi, không phải là chiêm bao thường đâu. Nếu mà chỉ nằm mơ thấy nó thì tôi đánh thức ông làm gì? Tôi sợ có chuyện gì không may rồi ông ơi!

    Câu cuối cùng bà nói trong nước mắt nghẹn ngào làm ông Cần mủi lòng, không dám ngủ nữa, ông thở mạnh, mệt mỏi ngồi dậy, cầm quạt quạt mồ hôi cho vợ và giải thích để trấn an: "Tại trời nóng quá nên bà mới nằm mơ đấy. Tôi cũng thế, hễ trời nóng là hay chiêm bao rồi hay nói lảm nhảm y như là có gì đè trên ngực ấy".

    Bà Cần lau nước mắt, cố lấy giọng bình tĩnh và nói:

    "Lạ lắm ông ạ, tôi thấy rõ ràng là con Trinh nhà mình nó đứng thập thò ngoài cửa, nó gọi tôi. Hình như trời lúc đó nhá nhem tối, tôi không thấy rõ mặt nó, tôi mới hỏi:" Aii đấy? "Mà nó cứ cúi mặt, đứng co ro ở cửa như là sợ cái gì ấy. Tôi nhìn kĩ thì hóa ra là nó. Lúc ấy tôi mừng quá, tôi bảo:" Con về bao giờ thế? Vào đây với mẹ, nhà con có về không? ". Tôi hỏi đến 2, 3 lần mà nó không trả lời, chỉ có cúi nhìn xuống chân. Tôi định chạy kéo nó vào thì nó cứ lui dần, lui dần, rồi nó quay lưng bỏ chạy. Rõ ràng nó ở ngay trước mặt tôi mà tôi đuổi mãi không kịp, tôi mới thét lên hỏi nó:" Ô hay, con đi đâu đấy? Sao không vào nhà với mẹ "thì nó lại cứ 'cắm đầu' chạy đi. Đến khi tôi đuổi gần kịp, toan níu lấy vạt áo nó thì bất chợt nó quay lại. Ôi giời đất ơi, con tôi, sao sắc mặt của nó lại xanh như tàu lá chuối.

    Lúc ấy, nó mới bảo tôi là:

    - MẸ ƠI.. CON C. H. Ế. T RỒI CÒN ĐÂU..

    Tôi sợ quá, tôi mới choàng tỉnh dậy."

    Bà Cần ngưng lại, bật lên khóc rồi kết luận:

    - Tôi.. tôi e là điềm gở ông ạ. Mấy hôm nay trong người tôi cứ nóng như lửa đốt, hai mí mắt lại giật lia giật lịa. Rồi, không biết con Trinh nhà mình nó có làm sao không đây.

    Ông Cần lại tặc lưỡi đáp:

    - Tôi đã nói rồi, chuyện mộng mị thì biết thế nào được. Chẳng qua vì bà nhớ nó quá thì sinh ra chiêm bao ấy thôi. Nếu có chuyện gì thì thằng chồng nó phải báo tin cho mình rồi chứ.

    Bà Cần lắc đầu cắt ngang: "Không, ông ạ. Đời tôi gần năm mươi năm nay, có bao giờ tôi nằm mơ thấy việc kinh hãi như thế đâu. Tôi sợ quá đi mất thôi".

    Ông Cần vén mùng chui ra để xuống nhà đi tiểu, ông dặn một câu để vợ đừng làm thêm nữa: "Bà nằm nghỉ đi, sáng sớm mai tôi sẽ chạy ra bưu điện, đánh điện tín cho nó. Thư đi, thư lại thì sốt ruột. Nghỉ đi, và tiếng nữa trời sáng là tôi đi ngay".

    Bà Cần không nói gì, chờ chồng ra phía sau, bà xuống giường, bước lại thắp nhang trên bàn thờ và khấn vái cho con được bình an.

    Một lúc sau, ông Cần trở lên thì bà cũng theo vào và nằm xuống bên nhau. Nằm vậy thôi, chứ từ giờ phút ấy cho đến sáng, bà không tài nào ngủ được nũa. Cứ nhắm mắt lại, bà lại thấy hình ảnh hãi hùng của cô con gái hiện ra rõ mồn một, ánh mắt đau đớn, nhìn bà như cầu khẩn.

    Bà rón rén vén mùng chui ra, đi thơ thẩn quanh nhà rồi lại đứng trước bàn thờ khấn vái.

    Thời gian trôi qua rất chậm, mãi đến khi vừa mới nghe tiếng gà bên nhà hàng xóm gáy lần thứ nhát, bà vội vén mành cửa trông ra.. Ngoài đường vẫn vắng ngắt, chưa có tiếng giao hàng bán quà sáng. Bà bồn chồn chờ thêm một lúc nữa rồi đánh thức chồng dậy.

    Ông Cần ngủ chưa đã giấc nhưng nể vợ, đành dụi mắt ngồi lên. Vừa bước ra sau nhà rửa mặt, ông vừa nói: "Bưu điện 8 giờ mới mở cửa, tôi đi sớm cũng phải chờ mở cửa, chứ ai cho vào giờ này".

    Bà Cần lủi thủi bước theo chồng và nói: "Thì.. ông chịu khó chờ ở cửa bưu điện một lát cũng được, đánh điện tín ngay cho vợ chồng nó, vắn tắt mấy chữ cho con Trinh, cứ đánh là" Mẹ ốm nặng, con về gấp ".

    Ông Cần không nói gì vì vợ ông vừa dặn ông những điều không cần thiết, dĩ nhiên ông biết phải viết gì trong điện tín. Ông ra vòi nước ở sân sau, ngồi xổm đánh răng.

    Để đỡ sốt ruột, bà Cần đun nước, pha trà bưng lên cho chồng.

    Ông Cần loay hoay một lúc ở sân sau rồi vào buồng thay quần áo, mắt ông vẫn còn cay nhức vì thiếu ngủ. Nhưng thấy vợ lo âu quá mới đành phải đi sớm, ghé đầu ăn bát phở rồi ra bưu điện. Ông không tin chuyện mộng mị có thể là điềm báo trước một biến cố. Huống chi, đường từ Vũng Tàu vào Sài Gòn cũng chẳng xa bao nhiee, nếu con ông có chuyện thì thằng rể đã phải báo tin cho ông bà biết rồi. Ông bưng tách trà, uống một hớp lớn rồi đẩy Honda ra cửa. Ngồi lên xe, đạp máy xong, ông sực nghĩ ra một điều mà ông cho là hợp lí, ông ngoái cổ lại, bảo vợ:

    - Bà, tôi thấy không nên đánh điện tín cho con là" mẹ ốm nặng, con về gấp ". Tự dưng mình lại làm cho con lo lắng, vợ chồng nó cũng neo người, gọi nó về làm gì? Chả nhẽ nó bỏ công bỏ việc, lặn lội vào Sài Gòn, rồi bà gặp nó, bà ăn nói làm sao? Bà bảo là tại bà nằm mơ thấy nó chết nên phải gọi nó về à? Không nên, bà ạ. Tôi chỉ cần nhắn nó vắn tắt một câu" Trinh, viết thư ngay cho bố mẹ ", thế là được rồi.

    Bà Cần nghe chồng nói có lí nhưng vẫn nóng lòng bảo:" Thư từ thì bao giờ mới đến? Nhưng mà thôi, tùy ông. Tôi sốt ruột lắm rồi ".

    Ông Cần sang số xe, lao ra đường lớn. Câu chuyện mộng mị của vợ khiến ông nhớ lại một lần chơi dại thời niên thiếu, lúc ông cùng mấy người bạn còn học ở ngoại ô Hà Nội.

    * * *

    Tuổi mới lớn đọc sách Tây, kể chuyện ma cho nhau nghe về những lâu đài kì bí có những oan hồn thường hiện về quấy phá. Trong bốn đứa trọ học, Cần là chàng trai trẻ tuổi nhất, nhỏ con nhất nhưng luôn luôn bướng bỉnh, quả quyết không tin ma, hoặc có ma thì cũng chẳng dáng sợ.

    Một hôm, có bà hàng xóm chết vì bệnh ho lao, chôn xác tại nghĩa trang gần đó. Ba đứa kia thách Cần: Nếu nửa đêm dám một mình cầm con dao ra cắm trên ngôi mộ mới đắp thì cả đám mới phục. Trong lòng Cần cũng hoang mang lắm, nhưng ngoài mặt thì cố tỏ ra điềm tĩnh và bình thản nhận lời. Đêm hôm ấy, trời mưa hiu hắt, không nặng hạt nhưng sấm chớp lập lòe liên hồi. Ngoại ô Hà Nội thuở đó tăm tối chứ không như sau này.

    Đêm hôm ấy, cả bọn xúm lại chơi cầu cơ để giết thì giờ, chờ đúng giờ Tí, Cần sẽ cầm con dao hiên ngang xuất hành. Có lúc Cần yếu lòng, muốn bỏ cuộc nhưng cái tự ái làm Cần không đủ can đảm vì đã lỡ mạnh miệng.

    Cần di rồi, ba thằng bạn cũng vội vã khoác áo, đội nón đi theo ra nghĩa trang. Nhưng dĩ nhiên không để cho Cần thấy. Họ đứng núp trong những gốc cây, sau những bia mộ theo dõi Cần. Quả nhiên, họ thấy Cần bước nhanh tới ngôi mộ mới chôn hôm qua. Họ hồi hộp lắm, quay đầu nhìn nhau ngầm bày tỏ lòng cảm phục sự can đảm vô biên của Cần. Phen này về sẽ đãi Cần một chầu to.

    Về phần Cần, đặt chân vào nghĩa địa vắng vẻ giữa một đêm mưa gió, đầu đội nón vải, khoác chiếc áo mưa cũ, tay cầm con dao. Cần thấy rõ bàn tay mình run lên bần bật, mặc dù đầu óc luôn tự nhủ" làm gì có ma". Giá như Cần biết mấy thằng bạn đang núp sau gốc cây theo dõi thì Cần còn đỡ sợ, vì ít ra còn có người bên cạnh. Nhưng Cần cứ tưởng toàn khu đất thánh mù mịt này, chỉ có một mình Cần với hàng hàng, lớp lớp mộ bia xung quanh nên Cần mỗi lúc một kinh hoàng hơn.

    Tới gần ngôi mộ mới, Cần mở to mắt đăm dăm nhìn. Hình ảnh bà hàng xóm vẫn đi nagng nhà Cần, bây giờ nằm dưới mộ từ sáng hôm qua làm Cần rùng mình, té ngã xuống.

    Cần chần chừ một lúc rồi lấy hết can đảm, lao lại, giơ dao cắm phập xuống ngôi mộ. Cắm con dao xong, Cần quay lưng bỏ chạy nhưng từ dưới mộ, một bàn tay thò lên níu chặt lấy vạt áo mưa của Cần. Cần kinh sợ, vùng vẫy, trượt chân trên vũng bùn, ngã bật ra và ngất đi.

    Khi Cần tỉnh dậy do ba thằng bạn dìu đỡ, mặt Cần vẫn còn tái ngắt và tin chắc chuyện người chết hiện về là có thật. Ba thằng bạn chỉ biết nhìn nhau, không nói một lời..

    Còn nữa..
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng năm 2021
  3. lanhuonggg

    Bài viết:
    11

    Chương 2


    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hôm sau, chờ Cần hoàn hồn, họ mới nói cho Cần biết là chẳng có ma quỷ gì cả. Chỉ vì lúc cắm con dao xuống mộ, Cần đã đâm vào cái áo mưa của chính mình khiến lúc bỏ chạy thì cái áo bị dính cứng trên ngôi mộ làm Cần chạy không nổi, "thần hồn nát thần tính", sợ quá mà ngất xỉu tại chỗ.

    Từ ngày ấy đến nay, chàng thanh niên nhỏ bé đã thành ông Cần trên năm mươi tuổi, không chơi dại nhưng chưa bao giờ gặp ma. Hôm nay nghe vợ kể, tất nhiên ông cũng không tin là con gái mình đã mất và hiện về. Nhưng ông chiều ý vợ để tránh sự cằn nhằn của bà mà ông biết sẽ kéo dài cả ngày hôm nay.

    Chờ ông phóng đi, bà Cần cũng vội vã đón xích lô sang Phú Nhuận để thông báo bản tin mơ hồ của bà cho Tâm - cô con gái đầu lòng lấy chồng làm nghề thợ hàn bên đó. Bà chỉ có hai người con, đều là gái. Tâm đã cho bà hai đứa cháu ngoại, còn Trinh thì mới lập gia đình được ba năm, chưa sinh con đầu lòng.

    Học – chồng của Trinh- có căn nhà gạch cũ do cha mẹ để lại ở thị xã Vũng Tàu.

    Bà Cần đến nhà Tâm khi cánh cửa sắt còn đóng im lìm. Con phố nhỏ bắt đầu thức giấc. Nhưng tiệm thợ hàn của Nhiếp- chồng Tâm- thì không cần phải mở sớm. Bà Cần đập cửa một lúc, Nhiếp thò đầu ra, toàn thân chỉ mặc mỗi cái quần xà lỏn. Anh ngạc nhiên nhìn bà mẹ vợ mặt nhợt nhạt, đoán ngay là bố mẹ vợ vừa đánh nhau và bà Cần phải chạy sang tị nạn bên nhà mình. Nhiếp đẩy rộng cánh cửa và nói: "Mẹ sang sớm thế? Mời mẹ vào trong này, nhà con vẫn chưa dậy". Bà Cần vừa lách vào vừa đáp: "Mẹ sang sớm vì cần gặp con Tâm có tí việc". Nhiếp quay vào gọi lớn: "Tâm ơi, mẹ sang tìm đây này, dậy đi".

    Bà Cần lo âu đi thẳng vào buồng trong, đến bên giường của con gái, vén mùng chui vào. Hai đứa con ở giường bên cạnh cũng lục đục ngồi dậy, ngơ ngác nhìn bà ngoại rồi cùng tụt xuống giường và chạy qua. Tâm ngồi bật lên, giật mình hỏi: "Có việc gì mà mẹ sang sớm thế?". Bà Cần rơm rớm nước mắt kể lể mọi chi tiết về giấc mộng đêm qua. Tâm không muốn hai con nghe chuyện kinh dị nên đuổi chúng xuống bếp rửa mặt để chuẩn bị đi học, rồi nàng lắc đầu nói y như ông bố:

    - Chuyện mộng mị biết thế nào mà tin? Tại mẹ nhớ nó nên mẹ mộng thấy nó chứ có cái gì đâu?

    Bà Cần lắc đầu:

    - Không, con ơi, mẹ lo lắm, chắc có chuyện gì đáng sợ lắm. Mẹ nghe rõ nó bảo là "Con c. H. Ế. T rồi còn đâu", mà giọng nó thảm lắm, mẹ không thể nào quên được.

    Tâm ngẫm nghĩ một lúc rồi đề nghị:

    - Hay là.. để nhà con đưa mẹ ra bến xe Vũng Tàu, mẹ chịu khó ra thẳng ngoài đó gặp con Trinh có tiện hơn không? Cứ ngồi nhà mà lo lắng thì cũng đủ chết rồi.

    Rồi, Tâm quay xuống nhà gọi lớn: "Anh ơi, anh đưa mẹ ra bến xe mua vé xe đò cho mẹ đi Vũng Tàu chuyến sớm nhất, anh nhé! Mẹ có việc cần gặp cái Trinh". Bà Cần xiêu lòng, toan đi nhưng lại đổi ý bảo Tâm: "Thôi con ạ, có lẽ để sáng mai. Bố con đi đánh điện tín rồi. Nó nhận được thì thể nào nó cũng cho mẹ biết tin". Tâm hài lòng nói: "Vâng, thế cũng được. Hôm nay mẹ ở lại bên này luôn với chúng con nhé, lát con đi chợ mua gà về làm vài món". Bà Cần thở dài: "Tao chả còn bụng dạ nào mà ăn đâu". Tâm đứng dậy, vén mùng lên, suy nghĩ một chút rồi tội nghiệp bảo mẹ: "Hay là thế này, để con lấy Honda chở mẹ ra thẳng Vũng Tàu. Mẹ nằm nhà chờ tin con Trinh thì sốt ruột lắm, mẹ cũng chẳng làm gì được, để con đưa mẹ đi nhé?". Bà Cần không nói gì, Tâm hiểu rằng mẹ mình hài lòng với đề nghị đó. Nàng xuống bếp hỏi ý kiến chồng rồi lấy quần áo vào buồng tắm chuẩn bị lên đường.

    Sài Gòn – Vũng Tàu chỉ có 100 cây số nhưng ngày ấy đi khó khăn lắm, mỗi lần đi là cả một biến cố. Bà Cần suy nghĩ một lúc rồi bỗng đổi ý, bảo con gái: "Thôi, hay là để mẹ về, kẻo bố mày lại cằn nhằn. Có đi thì cũng phải bàn với bố mày một tiếng đã, mẹ sốt ruột lắm nhưng mà lỡ đánh điện tín rồi thì phải chờ ngày mai xem thế nào rồi mẹ con mình đi". Tâm gật đầu: "Vâng, mẹ tính thế cũng phải. Độ ba hôm mà không có tin gì thì mẹ cho con biết, con với mẹ cùng đi".

    Bà Cần u sầu bước ra cửa đón xích lô, Tâm quay vào gọi lớn: "Anh ơi, mẹ về". Nhiếp đang nấu nước pha cà phê vội chạy lên tiễn chân và nói: "Có tin gì thì mẹ cho chúng con biết ngay, mẹ nhé!". Bà Cần khé gật đầu, im lặng bước ra đường. Ngồi trên xích lô, bà quay lại bào người phu xe đưa bà đến thẳng chùa Xá Lợi, bà cần tụng kinh niệm Phật để cầu xin sự an bình cho đứa con gái mà hình ảnh xanh xao của nó đêm hôm qua đang ám ảnh bà mãnh liệt.

    Quá trưa bà mới về đến nhà. Suốt quãng thời gian còn lại, bà thơ thẩn đi ra đi vào, không nói năng gì với chồng làm ông Cần vừa thương hại vừa bực mình.

    Buổi tối, bà thức rất khuya. Quá nửa đêm, ông Cần đã ngủ được một giấc khá dài, bà vẫn còn đốt nhang ở bàn thờ, đứng khấn vái thật lâu rồi mới leo lên giường nằm bên cạnh chồng.

    Vừa nhắm mắt thiu thiu ngủ thì bà thấy Trinh- con gái út của bà- đứng thập thò bên ngoài song cửa. Vẫn bộ quần áo ấy, vẫn mái tóc và nét lo âu nhợt nhạt cùng ánh mắt van xin như đêm hôm qua làm bà Cần bồi hồi xúc động.

    Bà sửng sốt hỏi: "Con về bao giờ đấy? Cửa mẹ vẫn để mở, sao con không vào?"

    Trinh đứng yên nhìn mẹ không đáp. Bà Cần vội bước ra sân và nói: "Vào đây với mẹ. Con về một mình hay là có chồng con cùng đi?"

    Bà chưa dứt câu đã thấy Trinh vôi vã quay ra sân và bỏ đi. Bà chạy theo níu lại nhưng chẳng hiểu có sức mạnh nào từ đâu đến cứ níu chặt lấy chân bà. Hình bóng con gái bà mỗi lúc một xa dân, để rồi cuối cùng biến mất sau một gốc cây lớn bên lề đường. Bà đứng lặng, ứa nước mắt trông theo thì bỗng Trinh quay vụt trở lại, đứng ngay bên cạnh bà và nói:

    - MẸ ƠI.. CON C. H. Ế. T RỒI CÒN ĐÂU..

    Bà Cần hoảng hốt kêu thét lên và choàng dậy. Ông Cần đang nắm cánh tay bà, giật mạnh và hỏi: "Bà lại nằm mơ thấy cái gì mà cứ ú ớ kêu ầm cả nhà lên là thế nào?". Bà Cần thờ hồng hộc, đưa tay áo lau mồ hôi trên trán và chợt nhận ra mình chỉ vừa nằm mơ chứ không phải sự thật ngoài đời. Bà ứa nước mắt bảo ông Cần: "Ông ơi, trăm phần trăm con Trinh nhà mình nó gặp chuyện không lành rồi. Tôi lại vừa nằm mơ thấy nó, y hệt như đêm hôm qua. Lần nào nó cũng bảo tôi là nó chết rồi". Vừa dứt lời, bà òa lên khóc lớn rồi nằm vật ra giường.

    Ông Cần bắt đầu lo ngại. Đêm qua, khi nghe vợ kể lần đầu, ông chẳng mấy quan tâm, bởi đoán rằng vợ mình chỉ vì nhớ con gái mà sinh ra mộng mị nhưng đêm nay, nếu giấc chiêm bao hãi hùng ấy lại tái diễn thì hoặc là con gái ông đã về bên kia thế giới hoặc ít ra vợ ông cũng vừa mắc bệnh tâm trí, cần phải gặp bác sĩ điều trị. Ông nhắc lại lời vợ:

    - Bà bảo sao? Nó nói là nó chết rồi?

    Bà Cần nghẹn ngào đáp:

    - Tôi nhớ rõ lắm mà, tôi không thể nào lầm được. Hôm qua cũng y như hôm nay, nó đều bảo với tôi là nó chết rồi.

    Ông Cần lặng người nằm im, mắt mở trừng trừng nhìn lên nóc mùng. Bà Cần lại tiếp:

    - Cả hai lần hiện về, nó đều mặc cái bộ quần áo mà chính tay tôi may cho nó trước ngày nó lấy chồng.

    Ông Cần lựa lời an ủi vợ rồi bảo:

    - Cũng chưa biết thực hư thế nào. Có điều, để đỡ sốt ruột thì sáng mai tôi chạy ra bến xe, tôi đón chuyến sớm nhất ra thẳng ngoài nhà nó xem có chuyện gì hay không.

    Bà Cần ngồi dậy bảo:

    - Ông để tôi đi cho. Tôi với con Tâm, nó chở tôi đi cho nhanh, chứ xe đò chậm lắm, vì họ còn đón khách dọc đường nữa.

    Ông Cần đồng ý ngay:

    - Thế cũng được, bà cố ngủ một giấc đi, độ bảy giờ dậy, đi là vừa.

    Thế là đúng như dự định, mới hửng sáng, bà Cần đã sang đập cửa nhà Tâm rồi hai mẹ con vội vã lên đường.

    Quá trưa, bà Cần và Tâm đến nhà Trinh. Lúc ngang qua Long Thành, Tâm dừng lại mua hai trái mít tố nữ làm quà cho em gái. Ra đến Vũng Tàu, xe quẹo vào sân nhà Trinh. Bà Cần hồi hộp, đập vào lưng Tâm và nói nhỏ: "Nhà cửa im lìm như thế này, chắc là không có chuyện gì xảy ra". Tâm tắt máy và đáp: "Thì con cũng đoán thế, không có tiếng khóc, không có người xúm lại là thấy yên chí rồi".

    Bà Cần bước xuống nhìn quanh, khung cảnh quanh năm âm u vì mái nhà thấp, lúc nào cũng rợp bóng mát do toàn cây cổ thụ che lấp. Bà cảm thấy hơi ngượng với Tâm vì nếu không có chuyện gì xảy ra thì rõ ràng bà đã làm phiền chồng con chỉ vì giấc mơ vớ vẩn của mình, nhất là Tâm phải bỏ cả việc nhà, hai đứa con nhỏ cho chồng để đưa bà ra tận đây.

    Tâm bước lên thêm, đập cửa và gọi: "Trinh ơiii, có nhà không?". Bà Cần nhìn vào cánh cửa chính khép im lìm có cái khóa to treo lủng lẳng bên ngoài, bà đã lấy lại phần nào sự điềm tĩnh, nói nhỏ với Tâm: "Khóa ngoài thế kia, chắc là vợ chồng nó đi vắng cả". Tâm hớn hở gật đầu tiếp lời mẹ: "Vâng, nhưng con thấy yên chí phần nào rồi đấy. Nếu có chuyện chẳng lành thì nhà cửa đâu có im lìm như thế này". Dứt lời, Tâm đập cửa một lần nữa và gọi tiếp: "Trinh ơiii, Học ơiii, có ai ở nhà không?". Dĩ nhiên không có tiếng trả lời.

    Ngay từ lúc quẹo xe vào cổng, Tâm đã giảm hẳn nỗi lo âu bởi rõ ràng nhà Học không có dám ma, nàng an tâm đứng trên hè nhìn quanh khu vườn. Bà Cần thì men theo hông nhà, vòng ra phía sau. Bà đứng vịn hàng rào trước mắt, nhìn quanh. Cây nhãn thấp quen thuộc mà mỗi năm Trinh thường hái cho bà cả một giỏ đầy thơm ngon. Cuối sân, sát tường gạch ngăn đôi biên giới nhà hàng xóm, cây ổi khẳng khiu đứng nghiêng nghiêng như sắp đổ xuống cái nhà tắm và nhà vệ sinh mái tôn vách gỗ lâu ngày đã tróc gần hết nước sơn màu xanh nhạt.

    Bỗng bà giật mình ngước lên, nhận ra một con quạ đen từ nãy đến giờ vẫn đậu trên ngọn cây ổi thưa lá, ánh mắt ma quái theo dõi từng động tác của bà. Bà vội quay đi và thở dài trở lại sân trước.

    Khu này ngày xưa là chỗ nghỉ mát của người Pháp, nhà cửa thưa thớt nên hai bên hàng xóm ít khi nom thấy nhau. Từ ngày Trinh lấy Học, hầu như năm nào bà cũng ra ở với con gái vài ngày nên mọi ngóc ngách sân trước, vườn sau, bà đều biết rõ. Tâm bước lại bên mẹ và hỏi: "Ngồi chờ ở đây hay là để con đưa mẹ đi một vòng bãi biển cho mát rồi trở lại?". Bà Cần tuy dã an lòng nhưng vẫn đáp: "Chờ đi con ạ, quá trưa rồi, chắc vợ chồng nó chỉ loanh quanh đâu đây thôi. Chứ nếu mà chúng nó về Sài Gòn thì phải báo cho mẹ biết trước chứ. Thôi, chịu khó đợi một tí, chắc chúng nó cũng sắp về rồi".

    Bà nhìn cái võng cói căng ngang giữa hai thân cây ở đầu nhà, nơi bà vẫn nằm nghỉ trưa mỗi lần ra thăm Trinh. Bà bảo Tâm: "Hay là con cứ lấy xe chạy vòng biển một vòng đi, mẹ nằm nghỉ một lát. Suốt hai hôm liền, mẹ chả ngủ được tí nào cả". Tâm nhìn mẹ tội nghiệp, gật đầu đồng ý: "Vâng, thế thì mẹ nằm nghỉ nhé! Mẹ cố nằm nghỉ một giấc, lúc nãy mẹ ngồi sau lưng con, con chỉ sợ mẹ ngủ gật, nagx xuống đường thì chết". Bà Cần cười nhẹ: "Tao muốn ngủ cũng chả ngủ được, lo quá, ngủ làm sao được. Ra đến đây, không có dấu hiệu gì, tao mới yên yên một tí". Tâm leo lên Honda, nhắc lại: "Mẹ nằm nghỉ nhé! Mẹ có ăn gì không, con mua. Con ra bãi trước, nhân tiện ghé thăm con Dung. Mẹ nhớ con Dung không? Hồi đó nó bán trong câu lạc bộ với cái Trinh đấy. Từ ngày lấy chồng, bây giờ nó nghỉ luôn rồi". Tâm đạp máy xe và sang số lao ra đường.

    Bà Cần tiến lại, nắm cái võng giật mạnh mấy cái để giũ cho sạch hết lá cây khô vướng trên đó rồi bà nhẹ nhàng ngồi xuống. Cái giỏ đựng hai trái mít tố nữ đặt ngay bên cạnh. Bà từ từ ngả người, nằm duỗi thẳng hai chân và khoan khoái nhắm mắt lại. Bà nghĩ đến ông Cần đang nôn nóng ở nhà và phen này chồng bà lại được dịp lên mặt mắng bà chỉ tin vớ tin vẩn vào những giấc mộng hoang đường.

    Bà nằm được khoảng mười phút thì thấy Trinh đứng tựa lưng vào gốc cây xoài bên cạnh cách bà có mấy bước, nhìn bà bằng ánh mắt sợ sệt. Bà mừng rỡ kêu lên: "Trinh, con đi đâu về đấy? Mẹ với chị Tâm chờ con nãy giờ. Học đâu rồi?". Trinh không nói gì, cứ đăm đăm nhìn mẹ làm bà Cần hết sức ngạc nhiên. Bà ngồi lên, với tay ra ngoắc con và bảo: "Lại đây với mẹ, lại đây con. Sao dạo này con gầy thế?"

    Dưới tán cây rộng lớn, làn da của Trinh vốn đã xanh, lại càng xanh hơn. Đôi mắt thâm quầng như thiếu ngủ lâu ngày hoặc vừa ốm dậy sau một căn bệnh thật dài. Bà Cần đứng dậy, tiến về phía con gái nhưng áo quần bà bị vướng vào cái võng, dứt không ra. Bà giật mạnh, cố bước lên mà không bước nổi. Trong khi ấy, Trinh lùi dần về phía sau thân cây rồi bỗng sụt sùi nói:

    - MẸ ƠI.. CON C. H. Ế. T RỒI CÒN ĐÂU..

    Còn nữa..
     
    Last edited by a moderator: 19 Tháng bảy 2021
  4. lanhuonggg

    Bài viết:
    11

    Chương 3


    Bấm để xem
    Đóng lại
    Vẫn một câu nói ấy, vẫn những âm thanh vang vọng mơ hồ như vọng lại từ một thế giới xa xăm nào đó làm bà Cần cực kì kinh sợ. Bà đau đớn nhìn theo bóng con gái bước dần ra cổng, băng qua ngang đường rồi mất hút. Bà vùng vẫy chạy theo, miệng kêu ú ớ. Cho đến khi bà rớt mạnh từ trên võng xuống đất, bà mới giật mình tỉnh dậy và biết đó chỉ là một giấc mơ.

    Bà hoàn hồn lết lại, ngồi tựa lưng vào gốc cây, hổn hển thở và nước mắt trào ra. Bà đang ngồi ngay trước cửa nhà con gái, trong mảnh sân quen thuộc này, tại sao con bà vẫn hiện về khi bà vừa thiu thiu ngủ. Bà uể oải đứng dậy, đờ đẫn nhìn quanh, một luồng gió bất chợt thổi đến làm bà thấy lạnh toát đến thấu xương. Mặc dù đang buổi xế trưa mùa hè, mới lúc nãy khi đến đây, bà đã lấy lại được sự an bình trong tâm hồn nhưng bây giờ thì nỗi lo âu lại trở về giày vò tâm trí bà mãnh liệt hơn.

    Bà tuyệt vọng bước lên thềm, ghé mắt nhìn vào khe cửa. Bên trong, đồ đạc vẫn bày biện bình thường, không có một dấu hiệu nào chứng tỏ con bà đã vắng nhà lâu. Bà nhìn sang hai bên hàng xóm cách xa cả trăm thước rồi bà lững thững ra cổng, rẽ sang phải, men theo lề đường sang nhà bên cạnh để hỏi thăm.

    Chủ nhà là một người đàn bà cũng cỡ tuổi bà đang phơi củi ở ngoài sân. Bà mừng rỡ tiến vào, gật đầu chào và nói:

    - Bà cho tôi hỏi thăm. Tôi vừa từ Sài Gòn ra thăm con gái, mà cả hai vợ chồng nó không có nhà, không biết chúng nó đi đâu, vắng lâu chưa ạ?

    Người đàn bà dừng tay đáp:

    - Con rể bà là cậu Học phải không? Tôi mới thấy cậu ấy hồi sáng, chắc chạy ra phố một lát rồi về liền ngay mà.

    Bà Cần gật đầu nói:

    - Cảm ơn bà, nếu thế thì tôi an tâm chờ. Cứ tưởng chúng nó đi đâu xa thì tôi phải quay về Sài Gòn.

    Bà hàng xóm nói:

    - Không, ngồi đây chơi chút xíu đi, chắc lát nó về liền.

    Bà Cần cúi đầu:

    - Dạ, cảm ơn bà, để tôi về bên nhà chờ hai cháu cũng được.

    Dứt lời, bà quay ra cổng và phân vân đặt ra hàng loạt câu hỏi bên sự xuất hiện của Trinh trong giấc mơ vừa rồi. Bà dừng chân một chút rồi quay trở lại bà hàng xóm và hỏi thêm

    - Thưa bà, tôi hỏi cái này, nó hơi tò mò. Nhưng mà.. sáng nay, bà có thấy con Trinh- con gái tôi- hay là chồng nó không ạ?

    Bà hàng xóm ngơ ngác nhìn bà Cần, ngạc nhiên không hiểu vì dao bà lại hỏi kĩ như vậy. Bà buông thanh củi xuống chân rồi nhíu mày đáp:

    - Hình như cậu Học có chạy Honda một mình. Tôi còn nhớ, cậu đội cái nón vải xanh, đi có một mình thôi. Chắc con gái bà đi ra chợ, nghe nói lúc này có buôn bán gì ngoài chợ ấy mà.

    Bà Cần đứng xớ rớ một lúc rồi tỉ mỉ hỏi thêm:

    - Thế.. mấy hôm nay, bà tháy bên nhà các cháu có chuyện gì lại không?

    Bà hàng xóm trố mắt nhìn bà Cần, làm bà vội phân trần thêm:

    - Chẳng hạn như chúng nó có cãi nhau hay có gì không ạ?

    Người đàn bà lắc đầu:

    - Không, không nghe thấy gì hết cả.

    Bà Cần lưỡng lự một chút rồi hỏi thêm một câu quan trọng:

    - Bà có nhớ lần chót bà nhìn thấy hai vợ chồng nó là ngày nào không ạ? Mà.. khỏi cần hai vợ chồng nó cũng được, tôi chỉ hỏi con Trinh thôi. Lần cuối cùng bà nhìn thấy nó cách đây lâu chưa ạ?

    Bà hàng xóm bén nhạy, đoán là có chuyện gì rắc rối. Nhưng cái chuyện rắc rối mà bà chỉ đủ sức nghĩ tới là Trinh bỏ nhà ra đi, có thể là theo trai, và hôm nay bà Cần xuất hiện tìm để hỏi cho ra lẽ. Bà hàng xóm buông con dao, vớ cái nón, quạt mồ hôi rồi đáp:

    - Tôi mới gặp cô chừng hai, ba bữa gì đó. Tôi thấy cô phơi quần áo ở sau nhà. Bộ.. cô ấy bỏ nhà đi rồi hay sao bà?

    Bà Cần ngắt lời:

    - "Hai, ba bữa rồi". Bà cố nhớ giùm tôi xem hai hay là ba bữa ạ?

    Bà hàng xóm thừ người rồi đáp:

    - Tôi nhớ cũng không rõ lắm, hình như là ba bữa rồi. Hồi sáng nay rõ ràng thấy cậu Học đi một mình.

    Bà Cần thất vọng nói cảm ơn rồi luir thủi quay về. Trinh đã mấy lần hiện về báo tin nàng đã chết. Ít lắm là hai ngày rồi, như vậy thì phù hợp với lời bà hàng xóm. Nhưng nếu con gái bà chết thì tại sao Học không hề báo tin cho bà biết. "Hay là nó cũng chết luôn rồi? Chắc là không vì mới sáng nay bà hàng xóm còn thấy Học chạy Honda một mình".

    Bà Cần đứng lại ngoài lề đường, rờn rợn nhìn vào khu vườn âm u của con rể. Con quạ đen lúc nãy đậu trên ngọn ổi sau nhà bây giờ đã bay về sân trước, đứng trên nóc nhà nhìn bà đăm đăm. Rồi dường như sợ bà không trông thấy, con quạ bỏ nóc nhà, bay lại đầu chiếc võng, kêu lên mấy tiếng thống thiết. Cái võng không người ngồi vẫn đong đưa theo gió nhẹ. Cái gốc xoài sần sùi kia, rõ ràng bà vừa thấy con gái bà đứng đó, nét mặt xanh xao trong bộ quần áo cũ nhàu nát y hệt hai đêm trước cô đã hiện về với bà tại Sài Gòn.

    Bỗng bà giật mình thấy có bóng người con gái thấp thoáng phía sân sau hình như đang phơi quần áo. Bà hồi hộp thở mạnh rồi chạy nhanh vào cổng. Đúng là Trinh, chắc con gái bà đị chợ về bằng ngõ sau. Bà men theo lối đi lát gạch bên ngôi nhà để ra phía sau. Bà vừa đi vừa nói lớn: "Trinh ơi, mày làm mẹ hết hồn hết vía".

    Nhưng khi bà vừa ra sân sau, tuyệt nhiên không thấy ai cả. Ngay cả sợ dây phơi nối từ góc nhà vệ sinh chạy ngang sân, buộc vào cái cột của nhà chính, mới lúc nãy bà thấy rõ vài bộ quần áo căng trên đó mà bây giờ hoàn toàn biến mất.

    Bà lặng người đứng ngó, dáo dác nhìn quanh. Bà lại kêu tiếng gọi: "Trinh ơiii, mới đây mà chạy đi đâu rồi? Trinh ơi, mẹ với chị Tâm ra thăm con đây này". Đáp lại lời bà chỉ có tiếng gió xào xạc trong những khóm cây. Bà tuyệt vọng cúi xuống đất thở dài rồi quay về sân trước chờ Tâm trở lại để kể cho con gái đầu lòng nghe hiện tượng lạ lùng đang vây quanh bà mà mười phần bà đã đoán chắc cả mười là có chuyện chẳng lành đã xảy đến với con út bà.

    Bà toan bước lại phía cái võng nhưng ngần ngại ngồi xuống thềm trước cổng chính. Trời đang nắng, bỗng mây đen kéo ùa đến rồi chỉ trong khoảnh khắc, cơn mưa rào đổ xuống thật nhanh. Bà Cần đứng dậy, nép vào sát cánh cửa cho đỡ ướt.

    Cũng may cơn mưa không kéo dài lâu. Chỉ khoảng mười lăm phút, trời đã quang đãng trở lại như cũ. Đất cát nên thấm nước rất nhanh. Bà đứng dậy thơ thẩn đi bộ ra lề đường. Bất chợt quay đầu lại, bà lại một lần nữa sửng sốt vì thấy bóng Trinh thấp thoáng ở sân sau. Bà chạy vụt vào thì lại không thấy nữa, chỉ có con quạ đen vẫn đậu trên ngọn cây ổi đăm đăm nhìn bà làm bà sợ hãi quay đi.

    Bà lủi thủi bước về phía trước vừa lúc Tâm phóng Honda quẹo vào sân. Nhìn thấy Tâm, bà mủi lòng, toan òa lên khóc nhưng chính tâm cũng luống cuống dựng xe và chạy lao lại phía bà, mặt tái ngắt không còn giọt máu, ấp úng mãi mà không nói nên lời. Tóc nàng ướt đẫm và ướt loang xuống từ vai áo tới hai ống quần. Chiếc quần tây mới màu cà phê sữa vừa rách toạc một mảng ở đầu gối. Lớp da trầy xước vài vết máu còn đọng lại.

    Tâm vừa trải qua một tai nạn kinh hoàng, đến nỗi giờ này ngồi bên mẹ mà vẫn còn run rẩy. Lúc nãy, Tâm ghé thăm một người bạn quen nhưng không gặp. Nàng liền phóng xe trên con đường vòng quanh bãi trước ngắm bờ biển đông người và quán xá san sát dưới hàng dừa chen lẫn những cây bàng rợp lá. Lên tới lưng chừng dốc núi, trên đường ra bãi sau thì trời bỗng đổ mưa bất ngờ. Mưa rào ven biển tuy không lâu nhưng thường dày đặc như những sợi dây đan vào nhau, che mờ không gian trước mặt. Tâm vội vã quay đầu xe trở lại bãi trước tìm chỗ trú.

    Quãng đường đổ dốc vắng vẻ, một bên là núi, một bên là biển. Xe lao xuống vùn vụt. Bỗng từ chân núi, một người con gái chẳng biết từ đâu bước ra băng ngang, không hề quan sát hai bên. Có thể vì mưa quá lớn, lại gặp tiếng sóng vỗ nên người bộ hành không nghe thấy tiếng Honda của Tâm đang đến gần, mà cũng chẳng nhìn thấy xe của cô.

    Tâm trố mắt hét lên, chân phải dướn người đạp thắng nhưng muộn quá rồi, không kịp. Người thiếu nữ bộ hành bị Tâm húc văng vào sườn núi, còn chính Tâm cũng té lăn ra lề đường. Đi một quãng khá xa, trên con dốc thoai thoải, Tâm quên cả cơn đau, hoảng hốt đứng dậy lao lại xem người bộ hành còn sống hay chết. Nhưng lạ thay, cô thiếu nữ đã đứng dậy trước cả Tâm, bình thản đứng chờ làm Tâm lại trố mắt nhìn kinh ngạc. Tâm lại càng ngạc nhiên hơn, đến độ sửng sốt, bởi khi lại gần thì nàng nhận ra người bộ hành đó chính là Trinh, em gái mình.

    Tâm hồi hộp kêu lên: "Trinh, em có sao không? Mà.. em đi đâu vậy? Mẹ đang chờ ở nhà từ nãy tới giờ đó". Vừa nói, Tâm vừa đăm đăm nhìn em, nước mưa vẫn tuôn chảy từ mái tóc ướt đẫm, lan xuống bộ quần áo mà đáng lẽ Trinh chỉ nên mặc ở nhà. Mặt Trinh xanh xao như vừa trải qua một cơn hoảng sợ.

    Tâm nhắc lại: "Để chị chở em về nhà nhé?". Trinh vẫn không nói gì, lẳng lặng quay lưng bước lên dốc núi. Tâm kêu gào gọi tên mấy lần, Trinh mới quay lại và bảo:

    - CHỊ ƠI, EM C. H. ẾT RỒI CÒN ĐÂU..

    Vừa lúc đó có tiếng còi xe từ phía chân núi chạy lên, Tâm vội vã chạy lại dựng chiếc Honda của mình, đẩy lại sát lề. Nàng ngước lên tìm em nhưng Trinh đã biến mất. Nàng đứng sững một lúc khá lâu rồi mới lên xe phóng về.

    Bấy giờ, Tâm mới hoàn toàn tin những giấc mơ của mẹ là có thật. Tâm kể cho mẹ nghe mọi chi tiết vừa xảy ra rồi hỏi: "Như vậy là sao hả mẹ? Mẹ thì chỉ gặp lúc đi ngủ, còn con, rõ ràng lúc ấy con thức mà!"

    Bà Cần từ từ ngồi xuống bậc cửa, u sầu nhìn xuống chân. Bà vừa nhìn thấy Trinh ở đây, trong sân sau. Tâm lại cũng thấy Trinh trên bãi biển. Như vậy thì con gái bà.. chết thật rồi. Chẳng còn trông mong gì nữa, đó chỉ là hồn ma hiện về mà thôi. Tâm ngồi xuống, níu lấy vai mẹ, lay lay mấy cái rồi nói tiếp, giọng vẫn chưa hết xúc động:

    - Mẹ ơi, nhìn thấy nó, con cũng rơi nước mắt, y như là nó bị bỏ đói lâu ngày hay là bị ai đánh đập, tội nghiệp quá.

    Bà Cần im lặng một lúc khá lâu rồi mới não nề kết luận:

    - Em con, nó.. chết thật rồi. Đã đến nước này thì dù mẹ không muốn tin cũng phải tin.

    Rồi bà nghẹn ngào kể lại mọi diễn biến cho Tâm nghe, từ lúc bà nằm võng cho đến hai lần thấy con ngoài sân sau phơi quần áo. Bà u sầu nói tiếp:

    - Em con, nó chết ra sao, chết ở đâu thì mẹ không biết. Nhưng.. Nó chết thật rồi.

    Tâm cũng tin như vậy nhưng vẫn phải làm bộ an ủi mẹ:

    - Sao lại như thế được? Em con có mệnh hệ gì nào thì hàng xóm cũng phải biết chứ. Mà chẳng cần hàng xóm, tất nhiên là chồng nó phải báo tin cho bố mẹ biết ngay chứ. Nếu thế thì mình cứ ngồi đây chờ cho tới khi nào gặp được chồng nó, hỏi cho ra lẽ.

    Bà Cần nâng vạt áo thấm nước mắt rồi kể:

    - Đêm hôm kia, mẹ thấy em con lần đầu tiên trong giấc mơ. Như vậy là em con mới chỉ mất hai ngày thôi.

    Tâm cắt ngang:

    - Hai ngày thì mọi người cũng đã biết hết rồi, hay là để con chạy đi báo cảnh sát?

    Bà Cần lắc đầu:

    - Báo cảnh sát là báo cái gì? Phải chờ thằng Học về xem nó ăn nói làm sao đã chứ. Như người ta bảo, những người chết oan, hồn không siêu thoát được hay về báo mộng hoặc những người chết giờ linh thì cũng hiện về vì chưa muốn xa hẳn trần gian.

    Tâm ngắt lời mẹ, nói:

    - Mẹ ơi, hay là cả hai vợ chồng nó cùng gặp tai nạn?

    Bà Cần lắc đầu ngăn lại ngay:

    - Không, mẹ vừa nói chuyện với bà hàng xóm, sáng nay bà ấy còn thấy thằng Học nó chạy Honda từ nhà ra mà.

    Tâm càng ưu tư hơn:

    - Nếu thế thì tội thằng Học, có thể là nó chưa biết tin gì chăng?

    Bà Cần gật đầu:

    - Cũng có thể như vây, thành ra mẹ con mình cứ ngồi chờ ở đây xem thế nào. Gặp được chồng nó thì sẽ biết rõ đầu đuôi.

    Còn nữa..
     
  5. lanhuonggg

    Bài viết:
    11

    Chương 4


    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bà Cần chưa dứt lời thì có tiếng xe gắn máy chạy vào cổng. Hai mẹ con cùng đứng bật dậy vì Học vừa về tới, trên yên sau chiếc Honda chở hai bao xi măng. Thấy bà Cần và Tâm, Học giật mình, nói: "Mẹ ra bao giờ thế? Cả chị Tâm nữa, thế mà không báo trước cho con biết". Học tắt máy, dựng xe.

    Bà Cần lau nước mắt tiến nhanh lại và cố giữ giọng tự nhiên hỏi: "Con Trinh, nó đâu? Mẹ cần gặp nó có tí việc". Tâm bước lại đứng bên cạnh bà Cần và cũng lên tiếng ngay: "Con Trinh đâu rồi chú Học?". Nàng mở to mắt nhìn Học, chờ đợi. Nhưng Học điềm tĩnh nhấc hai bao xi măng quăng lên hè rồi mới quay lại giơ hai bàn tay tỏ vẻ ngạc nhiên, đáp:

    - Ô hay, nhà con về Sài Gòn chiều hôm qua. Mẹ không gặp ư? Thế mẹ đi từ bao giờ? Tối hôm qua Trinh không ngủ ở nhà với bố mẹ hay sao? Thế thì nhà con đi đâu, ở đâu? Cũng không sang bên chị Tâm hay sao? Lạ nhỉ.

    Bà Cần quay sang nhìn Tâm hỏi ý, Tâm nhíu mày hỏi lại Học:

    - Chú nói sao chứ, không lẽ nó về Sài Gòn mà nó không gặp bố mẹ à?

    Học ưu tư, nghiêm mặt đáp:

    - Nào em có biết Trinh đi đâu. Trưa hôm qua ăn cơm xong thì nó bảo em chở nó ra bến xe ngay. Nó nói là mẹ dạo này không được khỏe nên nó về thăm. Nó không về nhà thì nó đi đâu? Chết thật.

    Nói câu ấy, mặt Học đăm chiêu nhìn ra đường. Bà Cần nhìn con rể tội nghiệp, toan kể cho Học nghe những lần hiện hồn của Trinh từ hai hôm nay nhưng bà lại chợt nghĩ "Tại sao Trinh lại không hiện về với chồng mà lại chỉ về với mẹ và chị?". Bà hỏi lại:

    - Nó mới đi hôm qua hả? Hay là vợ chồng có chuyện bất hòa mà anh giấu tôi? Có lục đục chuyện gì đến nỗi mà nó phải bỏ đi không?

    Học cười:

    - Mẹ biết mà, mẹ biết chúng con có bao giờ cãi nhau.

    Tâm kéo mẹ sang hẳn một bên xa chỗ Học đứng và hỏi nhỏ:

    - Mẹ, bây giờ tính sao? Hay là hôm qua trên đường về Sài Gòn, em con gặp tai nạn mà chính chồng cũng chưa biết?

    Bà Cần không đáp. Tâm lại đưa ra một đề nghị cầu may:

    - Hay la bây giờ mình phóng về Sài Gòn, biết đâu con Trinh đang ở nhà với bố.

    Dĩ nhiên nói câu ấy, Tâm cũng biết là mình không thật lòng, bởi lúc nãy, chính Tâm đã gặp hồn ma của Trinh trên con đường ra bãi sau. Bà Cần quay sang phía Học, hỏi lớn:

    - Thế.. anh bảo cái Trinh nó về Sài Gòn, nó về hôm qua hay là hôm kia?

    Học quả quyết:

    - Dạ thưa, mới hôm qua ạ. Trưa hôm qua, chuyến xe hai giờ.

    Bấy giờ, bà Cần mới thì thầm cắt nghĩa cho Tâm nghe:

    - Con cứ ở đây, về làm gì. Mẹ thấy cứ có cái gì mờ mờ ám ám lắm. Nó bảo là em con mới về Sài Gòn ngày hôm qua, nhưng mà mẹ gặp con Trinh trong giấc mơ từ hôm kia rồi cơ. Như thế thì ít nhất em con cũng mất hai ngày rồi. Lúc nãy mẹ hỏi thăm bà hàng xóm thì bà ấy bảo là lần cuối cùng nhìn thấy cái Trinh đã ba hôm rồi.

    Tâm gật đầu: "Vâng, con hiểu rồi, thế thì cứ nán lại đây. Nếu quả thực em con còn sống mà về Sài Gòn thì nghe tin mẹ và con ra thăm nó, chắc là nó quay về ngay, phải không mẹ?". Ngừng một chút, Tâm níu áo mẹ, giật nhè nhẹ, thì thầm: "Với lại, con thấy có gì đó kì cục lắm. Mẹ cứ nhìn mặt thằng Học xem, có ai nghe tin vợ bỏ nhà đi mà tỉnh bơ như nó không? Đấy, mẹ nhìn kìa".

    Bà Cần thở dài não nề, đưa mắt nhìn Học ngồi nghỉ dưới gốc cây, bà bảo Tâm: "Bởi vậy mẹ mới nghi, mẹ thấy có cái gì khó hiểu lắm". Rồi bà lớn tiếng hỏi Học:

    - Thế hôm qua anh có nhận được điện tín của nhà tôi đánh ra không? "

    Học đáp ngay:

    - Có chứ mẹ. Thế nên nhà con mới sốt ruột, đòi đi ngay.

    Bà cần nhìn Học dò xét:

    - Anh cho tôi vào nhà ngồi nghỉ một chốc, chờ anh cả hai tiếng đồng hồ ngoài sân rồi đấy.

    Học lễ phép đáp:

    - Vâng vâng, con mời mẹ với chị Tâm vào uống nước. *Chậc*, con vô ý quá

    Trong lúc chờ Học mở khóa, bà Cần hỏi cho có chuyện:

    - Mua xi măng làm gì vậy?

    Học chép miệng đáp:

    - Con định tráng cái lối đi bên hông nhà. Mỗi lần mưa, nó lầy lội quá. Mẹ với chị Tâm ngồi chơi để con lấy nước.

    Bà Cần xua tay nói:

    - Thôi, anh cứ mặc tôi.

    Rồi bà thản nhiên đi quanh nhà, vào cả buồng ngủ, chăm chú nhìn tủ quần áo và những đồ gia dụng thường nhật của Trinh.

    Vần căn nhà này, bà đã quá quen với nó nhưng hôm nay thấy có cái không khí rờn rợn lạnh lẽo như vương mùi tượng khí. Bà nhìn ra cửa sổ, trông ra buồng sau và tình cờ thấy con quạ đen trên ngọn cây ổi đang lăm lăm nhìn bà làm bà vội vàng quay đi chỗ khác.

    Tâm đến sau lưng mẹ, tự dưng cũng thấy thái độ của Học rất đáng khả nghi, thỉnh thoảng Tâm lại thì thầm nhắc lại:" Lạ quá mẹ ơi, thế nghĩa là thế nào? Chả lẽ vợ chết mà chồng nó không biết? "

    Bà Cần cũng không tìm được câu trả lời. Bà chỉ biết chắc một điều là con gái bà đã chết và hiện về báo cho bà. Bà trở ra phòng khách, ngồi xuống ghế và bảo Học:

    - Anh à, tôi thấy anh nên báo cảnh sát.

    Học cười:

    - Báo thế nào hả mẹ? Nhà con vừa đi hôm qua, đi về nhà thăm bố mẹ. Con báo cảnh sát là báo cái gì bây giờ?

    Tâm đáp thay:

    - Thì.. anh cứ báo là nó mất tích, nhờ họ tìm.

    Học lại nhìn Tâm, cười:

    - Chị ơi, nhưng mà nhà em mới đi hôm qua. Mẹ với chị bây giờ mà về thì thể nào cũng gặp nó ở Sài Gòn, nếu mẹ với chị về Sài Gòn mà không thấy nó thì đánh điện tín ngay cho em. Bấy giờ em sẽ đi trình cảnh sát.

    Tâm đồng ý với lí luận này, nàng ngẫm nghĩ một chút rồi quay sang mẹ và nói:

    - Hay là mình về mẹ ơi, về xem sao. Nếu mà không thấy con Trinh thì sáng mai cả nhà kéo ra đây trình cảnh sát. Con rủ nhà con đi luôn.

    Học nhìn mẹ vợ, gật đầu phụ họa:

    - Vâng, như thế cũng được, mẹ nói nhà con không về gặp bố mẹ làm con lo quá, chẳng biết nó đi đâu. Bây giờ mới bốn giờ, chị Tâm đưa mẹ về còn kịp, nếu gặp nhà em ở trong ấy thì chị làm ơn bảo nó đánh điện tín cho em biết ngay. Còn nếu không thấy nó thì bắt buộc ngày mai, em phải báo cáo cảnh sát là nó mất tích.

    Bà cần phân vân không biết tính sao. Tâm giục hai, ba lần nữa, bà vẫn ngồi yên. Bà bây giờ như người mất hồn, không còn suy tính được gì nữa. Tâm phải lôi tay mẹ ra hè và nói nhỏ:

    - Về mẹ, nếu mà có chuyện chẳng lành xảy ra với em con thì nó cũng xảy ra rồi. Con muốn ngày mai con ra đây, con rủ nhà con cùng đi, cả bố nữa, như thế thì mới tìm được tung tích. Em con có mất thì ít ra còn phải tìm được cái xác mà làm đám ma chứ. Đâu thể cứ bí bí mật mật như thế này được.

    Bà Cần miễn cưỡng đáp:

    - Ừ thì.. tùy con. Hay là về rồi bàn với bố và chồng con xem thế nào.

    Dứt lời, bà quay vào nhà nói lớn:

    - Thôi, tôi về đây, nếu không gặp con Trinh thì mai tôi lại ra.

    Học chạy ra cửa và bảo:

    - Vâng, mẹ về ạ, gặp nhà con thì mẹ bảo nó đánh điện tín ngay cho con nhé, con sốt ruột lắm. Nghe mẹ nói, con cũng lo, chả hiểu nó đi đâu.

    Tâm tiến lại đẩy Hon da ra cổng. Nhưng vừa đến gần chiếc xe thì con quạ đen từ nóc nhà lao vụt xuống, đậu ngay trên tay lái và kêu lên mấy tiếng làm Tâm sợ hãi giật lùi lại. Bà Cần cũng vừa tới sau lưng Tâm, hai mẹ con ngơ ngác nhìn con quạ, là thứ chim vốn không bao giờ thân thiện với con người. Nó đứng đó một chút, kêu thêm vài tiếng rồi bay trở lại nóc nhà. Tâm nhìn theo rồi quay lại bảo mẹ:

    - Cái con quạ này trông sợ quá mẹ nhỉ!

    Bà Cần chớp mắt, đáp:

    - Mà lạ lắm con ạ, lúc nãy mẹ nằm ở võng, nó cũng cứ sà xuống, đậu ngay bên cạnh. Quạ là cái điềm xấu lắm. Hay là..

    Bà bỏ dở câu nói, trầm ngâm ngước lên nóc nhà, chỗ con quạ đen đang ngó xuống. Tâm cắt ngang:

    - Xấu thì đằng nào cũng xấu rồi. Cứ về đi, rồi sáng mai cả nhà mình kéo ra.

    Dứt lời, Tâm đẩy Honda ra cổng nhưng cả hai mẹ con đều giật mình vì tiếng quạ lại kêu thét lên trên nóc nhà như bị tán công. Bà Cần thở dài, quay vào bảo Học:

    - Hai quả mít tố nữ tôi mua cho con Trinh. Anh đem vào mà ăn.

    Học hân hoan nói lớn:

    - Vâng, con cảm ơn mẹ, mẹ với chị Tâm về bình an.

    Tâm đạp máy xe, bà Cần leo lên yên sau, hai chân để hai bên. Nhưng Tâm dướn người đạp đến cả mười lần mà chiếc xe cứ đứng ì, không nổ làm bà Cần lại phải bước xuống để Tâm dựng xe lên. Học tiến lại hỏi một câu cho có chuyện:

    - Hay là hết xăng rồi?

    Tâm vừa lau mồ hôi vừa đáp:

    - Mới vừa đổ mà, còn nguyên cả bình đây này. Có thể là tại cái bugi nó ngợp xăng.

    Nàng mệt mỏi, khom người lấy gói đồ phụ tùng để mở bugi, Học vội đỡ lấy và bảo:

    - Chị để em làm cho.

    Học ngồi xuống thoăn thoắt đôi tay, cầm cái bugi đưa lên trước mặt, thổi phù phù rồi lấy mảnh giẻ chùi thật kĩ, cẩn thận hơn, Học còn lấy giấy nhám mỏng, cọ sát một lúc nữa cho chắc ăn rồi mới ráp lại và dướn người đạp máy một cách rất tự tin nhưng cái xe vẫn cứ ì ra không nổ. Tâm ngạc nhiên lắm, lắc đầu phân trần:

    - Xe của chị tốt lắm, chưa bao giờ xảy ra trường hợp này. Anh Nhiếp cũng giữ chiếc xe này rất kĩ mà.

    Bà Cần lặng lẽ bước lại ngồi chờ trên thềm bên cạnh hai bao xi măng Học mới mua lúc nãy. Học nhìn đồng hồ tay, sốt ruột nhìn thấy trời sắp tối, sợ hai mẹ con về Sài Gòn muộn quá nên Học càng ra sức đạp máy, mồ hôi vã ra như tắm mà vẫn không ăn thua gì. Học đành bảo Tâm:

    - Chị ngồi lên đi, em đẩy một quãng. Có đà rồi thị chị sang số, chỉ có cách đó thôi.

    Tâm cười:

    - Thế thì cung được, nhưng mà kiểu này thì dọc đường chị không dám ngừng, ngừng rồi sợ tắt máy, rồi đâu có ai đẩy giùm cho chị.

    Học nóng nảy đáp:

    - Đi luôn một lèo chứ còn ngừng làm gì nữa. Thôi, chị lên đi.

    Tâm leo lên, Học gắng sức đẩy thật nhanh. Nhưng hễ Tâm gài số thì cái Honda lại" giở chứng ", kêu sầm sập mấy tiếng rồi dừng lại. Vài vòng thử nghiệm như thế, Học ngồi thở dốc, chịu không nổi. Tâm đẩy xe quay trở lại sân, Học lảo đảo theo sau và bảo:

    - Gần đây chả có tiệm sửa xe nào. Hay là chị lấy xe của em mà về, để xe chị đây, em đem sửa cho.

    Tâm ngần ngại:

    - Chị không dám đi xe của người lạ đâu. Quen cái nào thì chỉ biết mỗi cái đấy thôi. Với lại, anh Nhiếp mà không thấy chị mang xe về thì thể nào cũng mắng chị. Thế cái tiệm sửa xe cách đây bao xa?

    Học nói:" Xa lắm ", rồi khổ sở đứng chống nạnh nhìn chiếc xe bướng bỉnh bằng cặp mắt oán hận, rồi Học ngồi thụp xuống, thử lại một lần nữa, tháo bugi, kiên nhẫn lau chùi cho thật khô. Vẫn không được, cái xe cứ ù lì ăn vạ tại chỗ.

    Trên nóc nhà, con quạ đen ngó xuống kêu lên mấy tiếng thảm thiết làm Học giật mình ngước lên. Tâm giục:

    - Một là đẩy xe ra tiệm sửa xe, hai là phải ngủ lại. Chưa bao giờ cái xe phải gió, giở chứng như hôm nay.

    Học nhíu mày đáp:

    - Thì em đã bảo lấy xe em mà đi. Chị ngại cái gì? Xe em tốt lắm.

    Tâm vẫn lắc đầu;

    - Không được, xe không quen mà đi đường trường, sợ lắm, chắc phải ngủ lại đây thôi.

    Học không biết nói gì, Tâm nhìn đồng hồ và buồn bã nói:

    - Bây giờ đã hơn năm giờ, đẩy xe ra phố chắc cũng phải mất nửa giờ, sửa xong là mất thêm nửa giờ nữa. Sáu giờ mới bắt đầu đi, tám giờ hoặc hơn mới về tới nhà.

    Học chen vào:

    - Tám giờ thì vẫn còn sớm mà, quyết định vậy đi. Bây giờ gọi mẹ ra luôn tiệm sửa xe rồi về luôn.

    Tâm gạt đi:

    - Thôi, để mẹ ngồi nghỉ ở đây tốt hơn, sửa xe xong thì chị vòng lại đón. Đằng nào thì chị cũng phải chờ em về đây mà.

    Học cãi:

    - Tiệm sửa xe nằm ngay ở gần quốc lộ chính về Sài Gòn. Rủ mẹ đi theo luôn tiện hơn, vòng lại đón, mất thì giờ lắm. Em đi bộ về cũng được.

    Tâm gật đầu rồi quay lại gọi bà Cần, bà giật mình ngẩng lên. Từ nãy đến giờ, ngồi bên cạnh hai bao xi măng, bà như người mất hồn, chẳng chú ý gì đến mọi việc xung quanh. Đầu óc bà tập trung về đứa con gái xấu số yểm mệnh mà bà rưng rưng, hối hận vì khi nó còn sống, bà đã không dành trọn tình yêu thương con nó để bây giờ, nó phải hiện về, nhìn bà bằng ánh mắt trách móc. Thật ra thì bà rất thương Trinh nhưng bây giờ vì nhớ con quá nên bà đâm ra tự trách mình. Tiếng nói của Tâm đưa bà trở về thực tại. Bà hỏi:

    - Xe hỏng hả con? Chữa được không?

    Bà vừa dứt lời thì trên bầu trời có tiếng sấm rền vang và một làn chớp lóe sáng phát ra. Bà lo lắng nhìn lên và nói:

    - Không khéo lại mưa to, xe cộ lại giở chứng thế kia thì chả biết có về được đến nhà hay không. Hay là ngủ lại ngoài này?

    Tâm cũng ưu tư ngước nhìn đám may đen kéo đến và nao núng muốn đêm nay ở lại Vũng Tàu mặc dù nàng rất mong về bởi chưa bao giờ xa hai đứa con qua đêm. Nàng chưa kịp đáp lời mẹ thì Học cười, chen vào:

    - Mưa ven biển ấy mà, vài phút là tạnh ngay. Huống chi mưa ở đây thì chưa chắc dọc đường đã mưa.

    Tâm nhìn nhanh nét mặt của Học rồi cúi đầu suy nghĩ:" Lạ thật, rõ ràng từ nãy đến giwof, Học không hề ngỏ ý mời mẹ vợ và chị vợ ở lại dù chỉ là lời mời khách sáo. Học vốn hiếu khách, nhanh mồm nhanh miệng và gắn bó với bên vợ hơn chính gia đình mình. Tại sao hôm nay, Học lại thay đổi bất ngờ như vậy?". Nàng chán nản, quay đầu bảo bà Cần:

    - Mẹ đi bộ với con ra tiệm sửa xe rồi về luôn mẹ ơi.

    Bà Cần đứng dậy, uể oải bảo:

    - Nếu về luôn thì chờ mẹ vào đi tiểu cái đã, lát nữa dọc đường khỏi phải ngừng.

    Vừa nói, bà vừa bước vòng ra hông nhà. Học nhíu mắt trông theo rồi dựng vội chiếc Honda của Tâm lên và chạy lao theo bà Cần. Tâm cũng lật đật chạy theo nhưng chưa tới sân sau đã nghe tiếng bà Cần kêu thét lên rồi ngã vật ra trước cửa nhà vệ sinh.

    Bà vừa mở của nhà cầu thì một cảnh tượng hãi hùng hiện ra trước mắt bà. Từ cái lỗ tròn giữa bồn cầu thấp lẹt đẹt sát mặt đất thò lên một cánh tay với năm ngón đã trắng bệch và trương phềnh.

    Một chuyện không ai ngờ, Học đã giết vợ đêm hôm kia. Lúc đầu đã loay hoay định đưa xác ra biển, buộc cái gì thật nặng vào rồ thả ngoài khơi nhưng tính đi tính lại, việc vận chuyển khó khăn bởi gã không có xe lớn. Cuối cùng, hắn đã nghĩ ra một cách thủ tiêu xác chết an toàn là nhét Trinh xuống bồn cầu. Không ngờ khi gặp nước, xác chết đã phình ra làm bật một cánh tay lên khỏi lỗ cầu mà chính Học không bao giờ ngờ tới.

    Âu cũng là định mệnh của kẻ sát nhân. Giá mà chiếc Honda của Tâm không bị hỏng, học giá như bà Cần chỉ ra chậm một ngày thôi thì Học đã tráng xi măng phủ kín bồn cầu và đào nhà vệ sinh mới như thế thì muôn đời, không ai biết Trinh nằm dưới đó.

    Tâm chạy lại đỡ mẹ dậy nhưng nhìn thấy cái cánh tay trong cầu tiêu thò ra, Tâm quay vội đi buồn bà Cần xuống chỗ cũ rồi gập người ói mửa, còn Học thì đứng chết lặng đi nhìn hai mẹ con và nhìn cánh tay người vợ cũ không biết phải xử thế nào.

    Chỉ có con quạ đen trên ngọn cây ổi kêu lên mấy tiếng thanh thản rồi vỗ cánh bay đi, không trở lại nữa..


    _Hết_

    Cảm ơn mọi người đã ghé đọc. Chúc mọi người luôn vui.
     
    Chỉnh sửa cuối: 1 Tháng sáu 2021
  6. Jancyha

    Bài viết:
    110
    12h đêm mà để ta thấy truyện ma này! Huhuhuhu! Từ lần đầu tiên tình cờ nghe thấy là ám ảnh tới giờ lun rồi, xác định tối nay bật đèn sáng đêm!
     
    Nam Dã Tú Nhất, Maa chiiTáo Ngọt thích bài này.
  7. lanhuonggg

    Bài viết:
    11
    @Jancyha đọc truyện ma buổi đêm giữa không gian thanh tĩnh thì con gì bằng ^^
     
    Táo Ngọt thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...