Ngày xửa ngày xưa, có vợ chồng bác tiều phu Thạch Nghĩa tuổi đã cao mà không có con phụng dưỡng lúc tuổi già, thấy nhà nhà sum họp ấm cũng mà nghĩ về nhà mình cô đơn heo hắt thì buồn lắm, nghĩ thế vợ chồng càng ra sức làm việc, đắp đập, làm đê, khơi thông mương máng, giúp đỡ mọi người. Thấy tấm lòng của vợ chồng ông bà, Ngọc hoàng lệnh cho Thái tử xuống đầu thai làm con trai của ông bà. Không lâu sau thì bà Thạch có thai, nhưng đau buồn thay, ông Thạch bệnh nặng qua đời. Bà vất vả một mình sinh con. Con trai ra đời, thông minh và kháu khỉnh nên bà đặt tên cho cậu là Thạch Sanh. Chẳng được bao lâu sau, thì bà cũng bệnh nặng mà qua đời, từ đó Thạch Sanh sống một mình côi cút trong túp lều nhỏ dưới gốc đa, tài sản chỉ có một chiếc khố che thân và một chiếc rìu để đốn củi kiếm cơm. Năm Thạch Sanh 13 tuổi, Ngọc Hoàng sai người xuống dậy cho Thạch Sanh võ nghệ và nhiều phép thần thông biến hóa. Một ngày nọ, có người bán rượu tên là Lý Thông đi ngang qua đó ghé lại nghỉ chân. Thấy Thạch Sanh hiền lành, khỏe mạnh lại mồ côi, Lý Thông ngẫm nghĩ: "Thạch Sanh khỏe mạnh lại khù khờ thế này, mang nó về nhà giúp việc chắc hẳn đỡ được bao nhiêu". Hắn ngỏ ý kết nghĩa anh em với Thạch Sanh, Thạc Sanh thấy có người thương mình thì vui vẻ nhận lời. Kết nghĩa xong, Lý Thông mời Thạc Sanh về nhà ở để dễ bề lợi dụng. Bấy giờ, trong vùng có một con trăn tinh thường bắt người ăn thịt, nhà vua đã bao lần cho quan quân vây đánh nhưng vì nó có nhiều phép thần thông nên không ai làm gì được. Nhà vua cũng truyền lệnh ai có thể giết được Trăn tinh sẽ có thưởng hậu hĩnh, đã rất nhiều anh hùng tráng sĩ từ các phương đến giết Trăn tinh nhưng đều bỏ mạng. Vua không biết làm gì để ngăn cản trăn tinh nên thỏa thuận sẽ xây miếu thờ và mỗi năm hiến tế cho nó một mạng người. Năm đó đến lượt Lý Thông đi hiến mạng. Mẹ con Lý Thông lo lắng không biết phải làm thế nào, Lý thông liền nghĩ ra âm mưu cho Thạch Sanh đi thế mạng. Chiều đó, Lý Thông làm một bữa cơm thịnh soạn, thấy Thạch Sanh đi đốn củi về, hắn ta gọi Thạch Sanh vào ngồi vừa uống rượu vừa ngon ngọt: Em này, em sống với ta đã lâu, anh em đã như keo sơn, hôm nay đến lượt anh đi canh miếu thờ, ngặt vì cất dở mẻ rượu, tối nay em đến miếu canh hộ cho anh, rồi đến sáng mai em về. Thạch Sanh hiền lành, vội tin ngay: Được, anh cứ ở nhà lo việc nhà, em sẽ thay anh ra miếu thờ trông coi. Đêm đến, Thạch Sanh đang ngồi canh miếu bỗng thấy gió thổi cây rung, không khí lạnh buốt, một con trăn tinh to lớn hiện ra giơ vuốt, nhe nanh hà hơi tóe lửa, lao tới định ăn thịt Thạch Sanh. Thạch Sanh bình tĩnh vung búa đánh nhau với trăn tinh, dùng các phép thần thông đã được dạy chiến đấu với chăn tinh, cuối cùng Thạch Sanh cũng giết được nó. Chàng chặt đầu Trăn tinh, đốt xác nó thì bỗng hiện ra một chiếc cung tên bằng vàng. Thạch Sanh mang cả cung cả đầu trăn hăng hái đi về. Thấy Thạch Sanh trở về, mẹ con Lý Thông sợ hãi ngỡ là hồn Thạch Sanh về báo oán nên quỳ lạy khấn vái: Em à, em sống khôn chết thiêng, mai anh sẽ mua hương hoa khấn cho em, mong em sớm siêu thoát. Vẫn thấy Thạch Sanh đập cửa: Em đây mà, em đã giết được trăn tinh rồi. Lúc đó mẹ con Lý Thông mới hoàn hồn. Thạch Sanh kể đầu đuôi câu chuyện giết trăn cho mẹ con Lý Thông nghe, Lý Thông nghe xong thì nảy ra một kế: Chết rồi, trăn tinh là của vua nuôi xưa nay, bây giờ em giết nó thế nào cũng bị vua phạt tội chết. Thôi thế này đi, em mau trốn lại vào rừng, mọi việc cứ để anh ở lại đây tìm cách đối phó. Khi nào mọi chuyện êm xuôi, anh sẽ vào rừng tìm em về. Nghe lời Lý Thông, Thạch Sanh bỏ trốn về túp lều cũ ở trong rừng, Lý Thông vội vã mang đầu Trăn tinh lên ngay kinh đô để báo công. Nhà vua vui mừng, lập tức phong cho Lý Thông chức đô đốc. Ít lâu sau, nhà vua mở hội kén chồng cho con gái là công chúa Quỳnh Nga. Hội mở đã lâu mà vẫn chưa tìm được chàng rể nào ưng ý. Một hôm công chúa đang dạo chơi vườn đào thì một con chim đại bàng khổng lồ sà xuống cắp đi. Thạch Sanh đang ngồi nghỉ dưới gốc cây thì nghe tiếng kêu cứu thất thanh, ngẩng đầu lên thì thấy một con chim đại bàng cắp 1 cô gái, chàng bèn giương cung bắn trúng một cánh của chim. Đại bàng bị trúng tên thì máu chảy rớt xuống đất, Thạch Sanh cứ thé lần theo vết máu đến một hang động. Chàng đánh dấu cửa hang rồi quay trở lại túp lều cũ. Nhà vua sai Lý Thông đi tìm công chúa, hứa rằng nếu cứu được công chúa thì sẽ gả nàng cho hắn và trở thành phò mã nối ngôi. Lý Thông vừa mừng, vừa lo, y lập kế mở hội hát xướng mười ngày để nghe ngóng dò la tin tức. Đến ngày thứ mười, biết tin Lý Thông mở hội, Thạch Sanh đến thăm và kể cho Lý Thông nghe toàn bộ chuyện bắn đại bàng tìm thấy cửa hang động. Lý Thông mừng vui khôn xiết, hậu đãi Thạch Sanh và nhờ chàng dẫn đường đến hang Đại bàng cứu công chúa. Đến đến cửa hang, Lý Thông bảo Thạch Sanh: "Em cầm một đầu dây thừng trèo xuống, anh trên này giữ dây, khi nào cứu được công chúa em giật dây anh sẽ kéo em lên". Thạch Sanh xuống tới nơi gặp được công chúa, chàng nhân lúc đại bàng còn đang ngủ say cứu công chúa lên, công chúa hẹn thề sẽ kết duyên với Thạch Sanh. Lý Thông kéo được công chúa lên thì sai người đưa công chúa về cung, còn hắn giả vờ ở lại cứu Thạch Sanh, ngờ đâu hắn rút dây thừng, lấy đá lấp lấy miệng hang rồi bỏ về cung nhận công. Từ ngày được Thạch Sanh cứu, công chúa ôm mộng nhớ nhung Thạch Sanh, đã bao lâu mà chàng vẫn chưa quay về, công chúa đau buồn mà hóa câm, cũng vì thế nên nhà vua hoãn đám cưới của nàng với Lý Thông. Về phần Thạch Sanh, thấy cửa hang bị lấp, chàng không có cách nào lên được, lúc này đại bàng rỉnh dậy không thấy công chúa đâu, lại thấy Thạch Sanh – người đã bắn trúng nó lần trước, nó gầm lên giận dữ, lao vào đánh Thạch Sanh, hai bên giao chiến một hồi, Đại bàng vì vết thương còn nặng nên chỉ một lúc là nó ngã lăn ra đất, chết. Thạch Sanh tìm cách thoát khỏi hang đành đi sâu vào trong hang động thì gặp Thái Tử con vua Thủy Tề đang bị nhốt trong cũi sắt, Thạch Sanh phá tan cũi sắt giải thoát cho Thái Tử. Để trả ơn Thạch Sanh cứu mạng, Thái tử ngỏ ý mời Thạch Sanh xuống Thủy cung chơi và đáp lễ. Vua Thủy Tề thấy con trai về thì mừng lắm, thiết đãi Thạch Sanh rất tử tế. Trong thời gian lưu lại thủy cung, một hôm Thạch Sanh đang cùng Thái tử dạo chơi thì một con Hồ Tinh xuất hiện, biến thành một cô gái xinh đẹp để cám dỗ, mê hoặc hại chàng. Thạch Sanh bắt nó phải hiện nguyên hình là một con cáo chín đuôi và hóa phép giam nó lại. Để bày tỏ lòng biết ơn Thạch Sanh, vua Thủy Tề mời chàng ở lại Thủy cung và phong chức tước cho chàng, nhưng chàng từ chối, Vua Thủy Tề tặng chàng một cây đàn thần và một niêu cơm, dặn chàng sẽ có khi dùng tới. Thạch Sanh cảm tạ cha con Thái tử rồi trở về gốc đa xưa. Vắng bóng Thạch Sanh cây đa buồn ủ ê, khi Thạch Sanh trở về cây đa lại xanh tươi như cũ. Hồn hai con quái vật bị Thạch Sanh giết (Trăn Tinh và Đại Bàng) gặp nhau tìm cách hãm hại Thạch Sanh. Chúng vào kho châu báu của nhà vua lấy cắp vàng bạc giấu ở gốc đa nơi Thạch Sanh ở. Quân lính tìm thấy châu báu ở gốc đa thì ngay lập tức bắt trói Thạch Sanh tống vào ngục tối. Vua sai Lý Thông xử tội Thạch Sanh. Lý Thông hả hê lắm, hắn quyết bắt ép Thạch Sanh vào tội chết. Trong tù, Thạch Sanh buồn rầu, chàng lấy đàn thần ra gảy, tiếng đàn lúc trầm lúc bổng, lúc ai oán xót thương cho số phận, lúc lại oán trách công chúa bội bạc quên lời hẹn thề. Nghe tiếng đàn, công chúa bừng tỉnh dậy, cười cười, nói nói. Nhà vua vui mừng nghe công chúa nói rõ ngọn ngành lập tức hạ lệnh cho gặp Thạch Sanh, Thạch Sanh kể hết lại sự tình từ khi giết Trăn tinh cho đến đại bàng. Vua cho người bắt mẹ con Lý Thông, phạt tội chết, Thạch Sanh nể tình xưa nghĩa cũ, nên xin vua cho mẹ con Lý Thông được sống. Mẹ con Lý thông được tha thì mừng vui khôn xiết, vội lạy Thạch Sanh rồi cuốn gói về quê, nào ngờ, vừa ra khỏi kinh thành thì bị sét đánh chết, hóa thành hai con bọ hung. Thạch Sanh được nhà vua cảm tạ, và gả công chúa cho, chọn ngày lễ thành hôn cho hai người. Nghe tin nhà vua gả công chúa Quỳnh Nga cho một tên nông dân quèn, chư hầu 18 nước láng giềng oán hận lắm, họ quan to chức lớn bao lần sang ngỏ lời muốn cưới Quỳnh Nga không được nên mang mối thù, giờ nghe tin công chúa lấy chồng thì nổi giận đùng đùng. 18 nước họp lại cùng đến kinh thành bao vây đòi nhà vua giao Quỳnh Nga. Quân đội người nhiều, nhà vua không biết xoay xở ra sao. Thạch Sanh mới mang niêu cơm thần lên tuyên bố, nếu các ngươi ăn hết được niêu cơm này thì ta sẽ giao Quỳnh Nga cho các ngươi. Quân lính nhìn nồi cơm bé tí teo thì cười khinh bỉ: Nhà ngươi mang mỗi niêu cơm bé tí ra thế kia thì làm sao thắng được chúng ta? Nào ngờ đâu, quân lính ăn cơm mãi không hết, nồi cơm cứ vơi rồi lại đầy, quân lính ủ dột. Trong lúc lính ăn, Thạch Sanh lấy đàn ra gảy, tiếng đàn nỉ non ai oán như tiếng gọi của mẹ ở nhà mong con về, tiếng vợ khóc mong chồng, tiếng con khóc mong cha. Quân lính rũ rượi nằm phủ phục không còn ý chí chiến đấu nữa. Chư hầu 18 nước đành phải rút quân về nước, chúc phúc cho Thạch Sanh và công chúa. Từ đó, Thạch Sanh và công chúa hạnh phúc bên nhau, sau này vua cha mất, giao lại ngôi báu cho Thạch Sanh, dân chúng dưới quyền chàng thì hào thuận no ấm, cuộc sống nhộn nhịp vui vẻ muôn màu.
Phiên bản khác: Ngày xưa ở quận Cao Bình có hai vợ chồng tuổi già mà chưa có con. Nhà họ nghèo hàng ngày phải lên rừng chặt những bó củi về đổi lấy gạo nuôi thân. Họ ham giúp người như đắp đường khơi cống, đỡ đần kẻ già người yếu mà không nề hà gì cả. Thấy họ tốt bụng, Ngọc hoàng bèn sai thái tử xuống đầu thai làm con. Từ đó người vợ có mang, nhưng trải đã mấy năm mà không sinh nở. Giữa khi ấy, người chồng lâm bệnh rồi chết. Mãi về sau người vợ mới sinh được một đứa con trai. Thằng bé khôn lớn thì người mẹ cũng theo chồng từ giã cõi trần. Nó sống côi cút trong túp lều cũ dựng dưới gốc đa. Người ta gọi là Thạch Sanh . Giang sơn của Thạch Sanh chỉ có mỗi một lưỡi búa của cha để lại hàng ngày đưa lên rừng đốn củi. Năm Thạch Sanh bắt đầu biết dùng búa: Có thiên thần được Ngọc hoàng phái xuống dạy cho đủ các môn võ nghệ và mọi phép thần thông. Một hôm có người hàng rượu tên là Lý Thông đi qua ngồi nghỉ ở gốc đa. Hắn thấy Thạch Sanh vừa gánh về một gánh củi lớn tướng, nghĩ bụng: Người này khỏe như voi. Nếu nó về ở cùng ta thì lợi biết bao nhiêu. Bèn lại lân la gạ chuyện rồi đòi kết làm anh em. Thấy có người lạ tự nhiên săn sóc đến mình. Thạch sanh cảm động, vui vẻ nhận lời và sau đó chàng từ giã gốc đa đến sống chung dưới mái nhà họ Lý. Nhà họ Lý vốn chuyên môn cất rượu. Thạch Sanh đến, mẹ con hắn quả được một tay đỡ đần rất tốt. Bấy giờ trong vùng có một con Chằn tinh, có nhiều phép biến hóa lạ kỳ, thường bắt người ăn thịt. Quan quân nhiều lần đến bổ vây định diệt trừ nhưng không thể làm gì được. Cuối cùng người ta đành phải lập cho nó một cái miếu, hàng năm khấn một mạng người để cho nó đỡ phá phách. Không may năm ấy đến lượt Lý Thông nạp mình. Nghe tin, mẹ con Lý thông hoảng hốt lo sợ, nhưng sau đó mẹ con hắn nghĩ ra được một mưu là lừa cho Thạch Sanh đi chết thay: Hắn không cha mẹ, lại vừa mới đến, lạ nước lạ cái chắc là việc sẽ trót lọt. Nghĩ vậy, chiều hôm đó Lý Thông chờ lúc Thạch Sanh đi kiếm củi về dọn một mâm rượu thịt ê hề mời ăn, rồi bảo: Đêm nay đến lượt anh đi canh miếu thờ, ngặt vì giở cất mẻ rượu, vậy em chịu khó đi thay cho anh một đêm, đến sáng lại về. Thạch Sanh không ngờ vực gì cả thuận đi ngay. Nửa đêm hôm ấy, Thạch Sanh đang lim dim đôi mắt thì Chằn tinh sau miếu hiện ra, nhe nanh giơ vuốt định vồ lấy chàng. Thạch Sanh với lấy búa đánh lại. Chằn tinh hóa phép thoắt biến, thoắt hiện, nhưng Thạch Sanh không núng, chàng cũng giở phép tấn công liên tiếp. Chỉ một lúc sau, yêu quái bị lưỡi búa của chàng xả làm đôi, hiện nguyên hình là một con trăn lớn. Chàng vội chặt lấy đầu và nhặt bộ cung tên bằng vàng của yêu quái xách về. Canh ba hôm ấy, mẹ con Lý Thông đang ngủ bỗng nghe tiếng Thạch Sanh gọi cửa, ngỡ là oan hồn của hắn hiện về, hồn vía lên mây vội cúi đầu lạy lấy lạy để. Khi Thạch Sanh vào nhà kể cho nghe câu chuyện giết Chằn tinh, mẹ con hắn mới thật hoàn hồn. Nhưng Lý Thông bỗng nảy ra được một kế khác. Hắn nói: Con trăn ấy là của vua nuôi đã lâu. Nay em giết nó, tất không khỏi bị tội chết. Thôi bây giờ nhân trời chưa sáng em hãy trốn ngay đi. Có chuyện gì để mặc anh ở nhà lo liệu! Nghe nói, Thạch Sanh kinh hoảng, vội từ giã hai mẹ con họ Lý ra đi. Chàng lại trở về gốc đa cũ kiếm củi nuôi miệng. Còn Lý Thông thì đem thủ cấp của yêu quái trẩy kinh, tâu vua là mình đã hạ thủ được Chằn tinh. Vua khen ngợi và phong hắn làm đô đốc. Lại nói chuyện công chúa con vua hồi ấy đã đến tuổi lấy chồng. Nhưng nàng vẫn chưa chọn được người nào xứng đáng. Bọn hoàng tử các nước cũng có nhiều người sai sứ đến hỏi công chúa làm vợ nhưng không một ai vừa ý nàng. Cuối cùng, vua cha tổ chức một ngày hội lớn cho hoàng tử các nước láng giềng và con trai trong thiên hạ tới dự để công chúa từ trên lầu cao ném quả cầu may, hễ quả cầu rơi trúng vào người nào thì sẽ lấy người ấy làm chồng. Nhưng khi công chúa sắp sửa ném quả cầu thì bỗng có Đại bàng đi qua trông thấy. Đại bàng nguyên là một con yêu tinh ở trên núi có nhiều phép thần dị. Thấy công chúa đẹp, liền sà xuống bất thình lình cắp đi. Bấy giờ Thạch Sanh đang ngồi dưới gốc đa. Tình cờ thấy Đại bàng bay qua, chân có quắp một người, sẵn cung tên chàng bắn theo một phát. Mũi tên trúng cánh Đại bàng. Hắn đau quá phải hạ xuống cắn răng nhổ mũi tên đi rồi lại tha công chúa về hang. Thạch Sanh lần theo vết máu, tìm được chỗ ở của quái vật. Thấy con bị mất tích, nhà vua xiết bao đau đớn, vội sai đô đốc Lý Thông đi tìm, hứa sẽ gả công chúa và truyền ngôi cho. Vừa mừng vừa sợ, Lý Thông không biết tính thế nào. Cuối cùng hắn nghĩ, chỉ có người em kết nghĩa cũ họa may có thể gỡ bí cho mình, bèn một mặt cho quân lính đi khắp nơi dò hỏi, mặt khác truyền cho nhân dân mở hội hát xướng mười ngày để nghe ngóng tin tức Thạch Sanh. Nhưng tám chín ngày trôi qua mà vẫn chưa có tin gì mới mẻ. Mãi đến ngày thứ mười, hắn mới tìm thấy Thạch Sanh trong đám người đi xem hội. Thấy Lý Thông nói đến việc tìm công chúa, Thạch Sanh liền thật thà kể chuyện mình bắn Đại bàng cho nghe. Lý Thông mừng quá, lập tức nhờ chàng dẫn đường cho quân sĩ trẩy đến sát hang đá. Cửa hang ăn thông xuống đất sâu thăm thẳm không một ai dám xuống. Thạch Sanh tình nguyện buộc dây ở lưng cho người dòng xuống hang thám thính. Đại bàng từ hôm bị thương về nằm liệt một nơi, bắt công chúa phục dịch. Thạch Sanh xuống đến nơi ẩn vào một xó, chờ lúc công chúa một mình đi qua, mới ra hiệu cho nàng biết. Thấy người trai lạ kia liều chết cứu mình, công chúa vừa ngạc nhiên vừa hết sức cảm phục. Thạch Sanh lấy thuốc mê bảo nàng cho Đại bàng uống. Chờ lúc Đại bàng ngủ say, chàng buộc công chúa ở đầu dây ra hiệu cho quân của Lý Thông kéo lên. Chàng đang chờ đến lượt mình lên thì không ngờ Lý Thông đã ra lệnh cho quân sĩ vần đá lớn lấp kín cửa hang lại, rồi kéo nhau về. Thạch Sanh không ra được, tức mình vô hạn. Chàng đập phá khắp nơi để kiếm lối thoát. Giữa khi đó Đại bàng tỉnh dậy. Thấy có người lạ, lại thấy mất công chúa, hắn bừng bừng nổi giận xông ra toan giết Thạch Sanh. Thạch Sanh cũng giở phép mầu chống lại rất kịch liệt. Đại bàng bị thương sẵn nên chả mấy chốc đã chuốc lấy thất bại. Sau khi giết chết con yêu tinh, Thạch Sanh đi lục lọi khắp mọi nơi. Thấy có một người con trai bị nhốt trong cũi sắt, chàng hỏi ra mới biết đó là thái tử con vua Thủy. Ngày đó cách đây hơn một năm thái tử di du ngoạn, tình cờ bị Đại bàng bắt đem về nhốt lại ở đây. Thạch Sanh bèn dùng cung vàng bắn tan cũi sắt cứu thái tử ra. Thái tử thoát nạn hết lời cảm tạ chàng và mời chàng xuống chơi Thủy phủ. Vua Thủy sung sướng được gặp lại con, lòng rất biết ơn Thạch Sanh. Vua đãi chàng rất hậu và khi chàng về, vua tống tiễn thật nhiều vàng ngọc nhưng Thạch Sanh không nhận, chỉ xin có mỗi một cây đàn. Thế rồi, chàng lại trở về gốc đa sinh nhai bằng nghề cũ. Lại nói chuyện Chằn tinh và Đại bàng sau khi chết: Hồn chúng nó không được ai cúng tế, đành đi lang thang để kiếm miếng ăn. Một hôm chúng tình cờ gặp nhau và mỗi bên kể cho nhau biết vì đâu gặp phải số phận long đong. Hai bên bàn nhau tìm cách báo thù Thạch Sanh cho bõ ghét. Chúng bèn lẻn vào kho vua ăn trộm của cải mang tới quẳng ở gốc đa để vu vạ. Quả nhiên sau đó bọn nội thị cứ theo dấu đi tìm, đến gốc đa thì bắt được tang vật. Thạch Sanh liền bị hạ ngục. Lại nói chuyện công chúa từ khi được Lý Thông đưa về cung thì tự nhiên hóa câm. Suốt ngày mặt hoa rầu rĩ không nói không cười. Vua đành hoãn việc cưới xin và bảo Lý Thông lập đàn cầu nguyện cho nàng lành bệnh. Lý Thông bèn cho mời các pháp sư có đủ phép thuật cao cường về cúng cầu, nhưng cầu mãi vẫn không ăn thua. Công chúa ngày ngày ngồi im lặng làm cho hắn vô cùng sốt ruột. Giữa lúc đó thì Thạch Sanh bị bắt và thuộc quyền hắn xét xử. Lý Thông không ngờ người mà hắn cố ý hãm vào chỗ chết lại vẫn sống nhăn. Hắn nghĩ: - "Nếu để nó sống, nó sẽ tranh mất công ta và tố cáo ta". Vì thế Lý Thông quyết định khép Thạch Sanh vào tội chết. Ngồi trong ngục, Thạch Sanh nhân buồn tình đem đàn của vua Thủy cho ra gảy, không ngờ đấy chính là cây đàn thần, tiếng văng vẳng phát ra lúc này như oán, như than, như tức, như bực. Càng gảy tiếng đàn càng trách sự hững hờ của công chúa và vạch tội ác của Lý Thông. Tiếng đàn thoát khỏi nhà ngục và truyền đi rất xa. Nó bay vào hoàng cung, lọt vào tai công chúa. Bấy giờ công chúa đang ngồi trên lầu. Vừa nghe tiếng đàn, tự nhiên nàng đứng dậy cười nói. Câu đầu tiên của nàng là xin vua cha cho gọi người gảy đàn vào cung. Nhà vua lấy làm lạ, cho đòi Thạch Sanh đến. Trước mặt mọi người, chàng kể hết đầu đuôi thân phận của mình từ lúc mồ côi cha mẹ đến lúc kết bạn với Lý Thông: Nào chém Chân tinh, bắn Đại bàng, nào cứu công chúa, bị lấp cửa hang, nào cứu con vua Thủy Tề và bị bắt đến đây, v. V.. Vua và hoàng gia cùng nghe càng thương cảm. Vua sai bắt giam hai mẹ con Lý Thông lại giao cho Thạch Sanh xét xử. Chàng rộng lượng tha cho chúng về quê nhà làm ăn. Nhưng đi về được nửa đường thì chúng bị sét đánh chết. Nhà vua vui lòng gả công chúa cho Thạch Sanh. Lễ cưới của họ tưng bừng nhất kinh kỳ, chưa bao giờ vui đến như thế. Thấy vậy, bọn hoàng tử các nước chư hầu trước kia bị công chúa từ hôn lấy làm tức giận. Họ hội họp binh lính cả mười tám nước lại, sang hỏi tội vua tại sao lại đem con gái cành vàng lá ngọc gả cho một đứa khố rách. Nhưng khi nghe tiếng đàn thần thánh thót của Thạch Sanh, tự nhiên quân sĩ của mười tám nước không còn ý chí đánh trận nữa. Cuối cùng bọn hoàng tử đều nhất tề cuốn giáp. Thạch Sanh sai dọn cơm cho họ ăn. Cả mấy vạn quân sĩ thấy niêu cơm quá nhỏ, ai nấy bĩu môi không buồn cầm đũa. Biết ý, chàng đố họ ăn hết được niêu cơm sẽ trọng thưởng. Quả nhiên chúng ra sức ăn mãi, ăn mãi nhưng ăn hết bao nhiêu cơm lại đầy bấy nhiêu. Sau khi ăn no họ rập đầu lạy tạ và kéo nhau về nước. Về sau vua không có con trai nên nhường ngôi cho Thạch Sanh.