Trương Vĩnh Ký - Nhà bác học chân chính của dân tộc

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi TienPhat2k2, 26 Tháng mười một 2021.

  1. TienPhat2k2

    Bài viết:
    6
    Tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lệ, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay là Vĩnh Thành, Chợ Lách, Bến Tre), ngày 6 tháng 12 năm 1837, cậu bé thần đồng - con thứ 3 của Lãnh binh Trương Chánh Thi và bà Nguyễn Thị Châu - tên là Trương Vĩnh Ký cất tiếng khóc chào đời.

    Ông có một người anh cả là Trương Chánh Sử sau này làm chức quan làng nho nhỏ, còn người chị thì chết sớm.

    Năm ông lên ba, cha ông qua đời. Năm lên năm, ông cùng anh trai học chữ Hán do một thầy đồ tên Học trong xóm dạy.

    Năm lên chín, một người cha cố An Nam tên Cố Tám thấy ông ngoan ngoãn và chăm chỉ nên đã khuyên bảo mẹ ông cho ông đi học chữ Quốc ngữ và cải theo đạo Công giáo. Sau đó, ông có tên là Jean-Baptiste Pétrus Trương Chánh Ký, sau đổi tên đệm là Pétrus Trương Vĩnh Ký, viết và gọi tắt là Pétrus Ký.

    Trong những năm sau đó, ông được các vị cha cố cho đi học các trường đạo ở Cao Miên rồi ở Malaysia, trong các dịp đó ông làm quen bạn thuộc nhiều sắc tộc và học dần nhiều thứ tiếng như: Campuchia, Miến Điện, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hy Lạp, Thái Lan, Pháp..

    Năm 21 tuổi (1858), ông học xong và trở về nước đúng lúc mẹ ông mất.

    Lúc ông trở về Việt Nam cũng là lúc Pháp tấn công xâm lược nước ta (1/9/1858) nên việc cấm đạo trở nên gay gắt hơn. Pétrus Ký đã viết thư cầu viện quân Pháp, chính vì thế mà ông không thể đi du học hay ở lại quê nhà được nữa, Pétrus Ký chạy lên Sài Gòn vào tá túc nhà vị Giám mục Dominique Lefèbre, và được ông này giới thiệu làm thông ngôn cho Jauréguiberry vào ngày 20 tháng 12 năm 1860.

    Năm 1861, Pétrus Ký thành hôn với bà Vương Thị Thọ (con gái ông Vương Tấn Ngươn, hương chủ làng Nhơn Giang [Chợ Quán] do Linh mục Đoan họ đạo Nhơn Giang mối mai) và dời về cư ngụ ở Chợ Quán, Sài Gòn.

    Khi biết tin Pétrus Ký, một người có nhiều học vấn, sẽ ra làm việc cho thực dân Pháp khiến cho nhiều vị quan nhà Nguyễn nghi kị ông, cho ông là kẻ phản quốc. Nhất là khi ông theo sứ thần Pháp ra Huế giúp thương thảo hiệp ước nghị hòa năm 1862 làm mất ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ.

    Sau đó, ông tiếp tục vai trò thông ngôn và làm quan Tri huyện rồi Đốc học, Giáo sư dạy chữ Quốc ngữ, Giám đốc tờ Gia Định báo và trở thành người phục vụ đắc lực cho Toàn quyền Đông Dương Paul Bert, được bọn thực dân cai trị tưởng thưởng rất hậu hĩnh.

    Tuy nhiên, khi Toàn quyền Paul Bert bị bệnh và chết, Pétrus Ký bất ngờ mất đi chỗ dựa vững chắc, ông rơi vào cảnh bị bỏ rơi và hắt hủi từ nhóm thực dân không cùng phe cánh và cả triều đình Huế. Ông từ chức trở về Sài Gòn dạy học và viết sách. Các sách của ông lúc trước được ưu ái xuất bản nay ông phải tự in và tự phát hành, điều này khiến ông mắc nợ. Năm 1888, ông cho xuất bản tờ báo tư nhân Thông Loại Khóa Trình ra được 18 số thì đóng cửa, rồi trường Thông ngôn cũng đóng cửa, Pétrus Ký gần như thất nghiệp. Không còn được thực dân Pháp trọng dụng, ông sống trong cảnh buồn chán và dần trở bệnh nặng.

    Trương Vĩnh Ký qua đời ngày 1 tháng 9 năm 1898, hưởng dương 60 tuổi. Để lại cho hậu thế một cuộc đời đầy tranh cãi cùng nỗi đắng cay cho số phận của nhà bác học tài năng của lịch sử dân tộc Việt Nam.

    Giữa dòng chảy số phận của một con người trí thức trong xã hội thực dân nửa phong kiến, Pétrus Ký phải ngậm ngùi xót thương cho thân phận cô đơn của mình: Sự hắt hủi của thực dân Pháp: "Có nhiều người ganh ghét tôi, ngu ngốc thậm chí là hung ác, họ có thể và biết cách hãm hại tôi" (Thư gửi Paul Bert) và cả sự coi thường của người Việt Nam: "Trong con mắt của đồng bào tôi, tôi đã bị lên án nặng nề".

    Khép lại cuộc đời nhà bác học Trương Vĩnh Ký, tạm gác lại vấn đề ông làm tay sai cho thực dân Pháp, giờ đây chúng ta hãy nhìn lại gia tài văn hóa đồ sộ mà ông để lại cho hậu thế mai sau, xứng tầm với giá trị của một học giả, nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học và khảo cứu văn hóa của dân tộc Việt Nam.

    Pétrus Ký sử dụng thông thạo hoặc biết qua tới 27 ngoại ngữ khác nhau, thuộc hàng bậc nhất của lịch sử Việt Nam và vào hàng những người biết ngoại ngữ hàng đầu trên thế giới. Mặc dù chúng ta không biết ông thành thạo từng ngôn ngữ đến mức nào nhưng thật sự đáng khâm phục với một học giả sống ở thế kỉ XIX, đặc biệt là do tố chất thần đồng và trải qua quá trình du học, làm việc của ông.

    Ông để lại hơn 120 tác phẩm khác nhau, nổi bật trong đó là một số cuốn như:

    · Chuyện đời xưa;

    · Abrégé de grammaire annamite (Tóm lược ngữ pháp An Nam) ;

    · Kim Vân Kiều (bản phiên âm ra chữ quốc ngữ đầu tiên) ;

    · Lục Vân Tiên (bản phiên âm ra chữ quốc ngữ đầu tiên năm 1889, tái bản lần thứ 5 năm 1901) ;

    · Tiểu giáo trình lịch sử Nam Kỳ;

    · Kí ức lịch sử Sài Gòn và vùng phụ cận;

    · Cours de langue annamite (Bài giảng ngôn ngữ An Nam) ;

    · Voyage au Tonkin en 1876 (Chuyến đi ra Bắc Kỳ năm Ất Hợi, 1876) ; v. V..

    Đó đều là những tác phẩm có giá trị, là kết tinh của buổi đầu giao lưu văn hóa Đông - Tây tại Việt Nam, mặc dù điều kiện còn nhiều thiếu thốn, khó khăn nhưng đã góp phần quan trọng vào nền khoa học, vào sự phát triển của văn hóa dân tộc lúc bấy giờ và cho đến tận ngày nay.

    Pétrus Ký được phong danh hiệu viện sĩ của Viện Hàn lâm Pháp và chức Hàn lâm viện thị giảng học sĩ. Ngoài viết hơn 120 quyển sách, một con số khổng lồ, Trương Vĩnh Ký còn xin phép xuất bản tờ Gia Định báo, tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam vào năm 1865 và được xem như ông tổ nghề báo Việt Nam.

    Nhà văn Vũ Ngọc Khoan trong cuốn Nhà văn hiện đại nhận xét về Pétrus Ký:

    "Trong số những sách dịch thuật, khảo cứu và sáng tác của ông, người ta thấy chỉ những sách khảo cứu của ông là có giá trị hơn cả.. Người ta thấy ông rõ là một nhà bác học có óc tổ chức và có phương pháp.."

    "Ông có cái óc của nhà bác học, vì ngay trong ông đã để ý tìm tòi đối với những điều trông thấy, ông không chịu chỉ biết qua loa mà muốn biết đến tận nơi, tận chốn"

    Nhà nghiên cứu Huỳnh Minh nhận định: "Nếu cụ Võ Trường Toản là" Hậu tổ "của Nho học ở đất Gia Định thì cụ Trương Vĩnh Ký là bậc tiền hiền của chữ quốc ngữ trong toàn cõi đất Việt".

    Sinh ra trong thời cuộc đầy biến động, nhưng tinh thần hiếu học, không ngừng học tập những giá trị tri thức văn minh tiến bộ ở từng nơi mà ông đi qua vẫn chảy trong con người ông. Cả cuộc đời Pétrus Ký là cả một hành trình học hỏi, nghiên cứu khoa học miệt mài, không biết mệt mỏi, dù là thông ngôn cho bọn thực dân hay là một người thầy giáo dạy chữ Quốc ngữ thì ông đã góp phần đào tạo ra hàng nghìn tri thức tân học trẻ Việt Nam - là vốn quý cho các hoạt động duy tân, cải cách ở đầu thế kỉ XX sau này, các đóng góp giá trị về học thuật của ông vẫn còn tồn tại mãi với lịch sử dân tộc và là tấm gương hiếu học cho các thế hệ mai sau noi theo.
     
    NgườiMiềnTây thích bài này.
    Last edited by a moderator: 30 Tháng mười một 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...