Hiện Đại Trung Thu Lạ Kỳ - MaiTran1507

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi MaiTran1507, 26 Tháng chín 2021.

  1. MaiTran1507

    Bài viết:
    1
    Trung Thu Lạ Kỳ

    Tác giả: Trần Trúc Mai

    Thể loại: Truyện ngắn

    * * *​

    Rằm tháng tám lại đến, một Tết Ông Trăng nữa lại ghé thăm..

    Tiếng mưa rơi rả rích từ giữa trưa đến khi bầu trời đã thay cho mình chiếc áo tím trầm mặc vẫn chưa muốn vơi đi. Những giọt nước trong veo ấy chạm mình xuống mặt đất, thế nhưng cứ như "rơi" vội vào lòng người, khiến cho không khí mang một màu buồn ảm đạm, buồn đến nao lòng..

    Năm nay, mọi thứ khác thật. Không có những guồng quay cơm áo gạo tiền bận rộn, cũng chẳng thể thấy những luồng xe vùn vụt lướt qua, không có bóng dáng những em thơ xúng xính với chiếc đèn lồng sáng lung linh hay những đám vui mở tiệc mừng cỗ Trung thu nữa. Thay vào đó, là sự yên lặng đến ngạc nhiên, là đường phố vắng vẻ, là những chốt kiểm dịch mọc lên ngày càng nhiều. Năm 2021, đất nước "ốm" rồi, trung thu 2021, một trung thu rầu rĩ..

    Tôi là một cô gái năm nay là đã mười bảy tuổi xuân, hiện đang trong đội ngũ tình nguyện đẩy lùi "cô Vy" khỏi đất nước thân yêu, khỏi gia đình, quê hương đất tổ này. Năm nay, một lần nữa, con rồng cháu tiên chúng tôi, người người nhà nhà, ai ai cũng chống "giặc". Thế nhưng, lần này đặc biệt lắm, kẻ địch của chúng tôi vô hình và "đông" không kể xiết, lại còn tăng lên chóng mặt. Nhọc nhằn, mệt mỏi lắm chứ, nhưng vì mảnh đất chôn nhau này lẫn cả những con nguời mang trong mình dòng máu đỏ, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, chỉ có vất vả chứ chẳng bao giờ đầu hàng.

    Ắt hẳn nhiều người nghĩ rằng, tình nguyện viên Trung thu này cô đơn, nhớ nhà lắm. Nhớ chứ, nhớ khi Tổ quốc còn bình yên, dịp này là lúc gia đình tôi quây quần bên nhau, bên khay bánh trung thu thơm lừng, bên ấm trà nóng hổi. Dẫu vậy, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ mình cô đơn cả. Ở đây, nơi nguy hiểm cận kề, nơi mà chúng tôi như những anh lính cụ Hồ ngày xưa, làm việc cả ngày vì nhân dân, vì chiến thắng đại dịch, nơi mà chỉ có những buổi ăn vội, nghỉ vội, là nơi mà bộ đồ bảo hộ ướt đẫm mồ hôi, có khi làm việc với nhau cả tháng rồi, mà tôi còn chưa thấy mặt mọi người được dăm ba lần. Nhưng trong cái mệt mỏi ấy, tất cả đều coi nhau là gia đình thứ hai, là tia hy vọng le lói, mong ngày sớm về nhà. Và tại nơi đây, tôi chứng kiến được những câu chuyện, mà giờ chỉ cần nhắc lại, tim tôi lại bồi hồi. Rồi tôi tự hỏi mình rằng, sao tình người lại ấm áp đến vậy, sao hai tiếng "đồng bào" lại thân thương đến thế?

    Trung thu năm nay quả thật là lạ lẫm. Đứng trên lầu hai bệnh viện mà tôi đang trực ngó xuống, thấy mà thương các anh dân quân quá. Ở trong này tuy chạy tới chạy lui, nhưng ít ra chẳng chạm tới gió sương, còn các anh ngoài kia ăn lạnh, ngủ rét, khi mưa gió kéo đến thì lại dùng hết sức trai của mình để mà giữ chốt không bay đi mất, mặc cho tấm áo xanh ấy đã "không còn chỗ để ướt" nữa và hàm trên hàm dưới đánh cầm cập vào nhau rồi. Nhìn các anh như vậy, một con bé như tôi, vẫn thấy chút vất vả của mình không đáng là bao.

    Kế bên là doanh trại, đối diện là rừng tràm. Theo lẽ thường, bộ đội đang ấm trong chăn ở doanh trại, vậy mà bây giờ, những chàng trai ấy sẵn sàng nhường lại nơi ấy cho nhân dân, ngày thì vẫn chuyển hàng cứu trợ vào khu cách ly, đêm lại co ro trong chốn rừng cây kia. Nó làm tôi nhớ đến vài câu trong bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ" của Minh Huệ:

    "Bác thương đoàn dân công

    Đêm nay ngủ ngoài rừng

    Rải lá cây làm chiếu

    Manh áo phủ làm chăn

    Trời thì mưa lâm thâm

    Làm sao cho khỏi ướt"

    Để chăm sóc cho người mẹ "Việt Nam" mau khỏe lại, những đứa con cả đất nước chữ S này, vẫn đang cố gắng không ngừng. Tôi thoáng nghĩ vậy rồi chợt thoát khỏi dòng suy nghĩ mơ màng bấy giờ bởi tiếng gọi của chị Thu. Chị Thu- năm nay vừa ngoài 30 tuổi, chị vừa mang một em bé kháu khỉnh đến với thế giới này chưa đầy 6 tháng. Vậy mà, người y tá yêu nghề, yêu nước ấy đã không ngần ngại quay lại "chiến tuyến", mặc cho đứa con chưa cai sữa của mình, chị đã gửi cháu ở nhà mẹ để an tâm làm việc. Tôi thương chị nhiều, nhiều lắm. Mấy đêm, tôi tỉnh giấc, là bấy nhiêu đêm thấy chị đang ngắm nghía ảnh đứa con trai bé bỏng của mình rồi thút thít khe khẽ. Thế đấy, vậy mà khi tôi hỏi chị bảo chị không sao, chỉ là bụi bay vào mắt thôi. Tôi hiểu, làm gì có người mẹ nào trên cõi đời này, có thể cứng cỏi khi mà nhắc đến giọt máu của mình, chỉ là chị đang cố tỏ ra mạnh mẽ để chúng tôi cũng không phải não lòng vì chuyện của chị mà thôi. Mới vài hôm nay, có một em bé trạc tuổi con chị mà phải vào đây, bé khát sữa, chị sẵn sàng cho em ấy uống dòng sữa nóng, chị vừa bồng bé mà nước mắt cứ lã chã rơi. Hai tiếng "Tổ quốc" nó thiêng liêng vậy đấy, vì nó mà con người ta sẵn sàng rời xa người thân, sẵn sàng cống hiến xương máu, mồ hôi và nước mắt.

    Trong bệnh viện này, chú Hùng là người tràn đầy kinh nghiệm trong các ca đặt ống nội khí quản, bởi từ khi dịch bệnh hoành hành, chú đã thành công trên dưới trăm ca khó như thế này rồi. Nhưng đây cũng chẳng phải sự ưu tiên gì, bởi những cuộc phẫu thuật như thế rất dễ lây nhiễm cho bác sĩ, nguy hiểm lắm. Chú Hùng được mọi người quý mến, ai cũng lo, cũng sốt sắng đưa chú đi "test" ngay sau mỗi lần "vật lộn" với Thần Chết để giữ bệnh nhân lại thế gian này. Các hậu bối của chú đủ khả năng để làm những ca như vậy, nhưng chú lại "ôm" hết về mình với câu nói khiến chúng tôi càng thương chú hơn: "Mấy ca như này, tỉ lệ phơi nhiễm cao lắm. Mấy đứa còn trẻ, còn chưa có gia đình cứ để ông chú này làm cho, lỡ có sao chú cũng không hối tiếc. Mấy đứa như con như ruột thịt của chú, chú không muốn đứa nào có hẹn với bà" cô Vy "cả." Ở xa cách gia đình hàng trăm cây số, nhưng được ở cạnh những con người như thế này, tôi nghĩ sao cũng chẳng thấy cô đơn được.

    Bệnh nhân ở đây rất yêu thương chúng tôi, trong đó tôi quý nhất là bà Hằng, bà năm nay ngoài 70 tuổi rồi, hai vợ chồng ông bà đều phải vào đây. Lần nào con cháu gửi thức ăn vào cho ông bà bồi bổ, bà lại cho bọn tôi không vài hộp sữa thì cả cây chả lụa to, những lúc như vậy bà nở một nụ cười rất tươi, để lộ hàm răng nhuộm đen tuyền. Nhìn bà, ai trong chúng tôi cũng bất giác nhớ về người bà luôn giành cho cháu mọi điều nhất, đang mòn mỏi mong tôi khỏe mạnh trở về nhà. Tôi không chỉ yên mến bà, mà còn ngưỡng mộ tình yêu và đức hy sinh cao cả của bà. Trong tình trạng suy hô hấp nặng, bà Hằng vẫn cố gượng dậy, thều thào xin bác sĩ "Nếu thiếu máy thở, tôi xin nhường cho ông ấy." Người phụ nữ đến cuối cùng vẫn chọn cách hy sinh cho gia đình, hy sinh cho chồng. Dù não bà có đang thiếu oxy, dù bà có đang thở "không ra hơi", thì bà vẫn thều thào nói với chúng tôi vậy. Chúng tôi đành chỉ cho bà nhìn về nơi góc phòng máy. "Bà yên tâm! Chúng cháu không thiếu bà ạ. Chúng cháu sẽ cứu cả hai ông bà". Thoáng chốc, tôi thấy sự an tâm trên nét mặt của bà. Ở nơi khốc liệt như thế này, nơi diễn ra những cuộc chia ly màu đỏ, tôi không chỉ được thấy những câu chuyên về tình đồng bào, mà còn là về tình nghĩa vợ chồng sắt son..

    Đôi lúc, trong này cũng vui lắm. Đêm Trung Thu hôm nay, là một minh chứng. Tôi chợt thấy vài chiếc xe đang tiến vào cổng bệnh viện, chưa kịp hỏi thì chị Thu đã nhanh nhảu: "Đoàn xe của các ca sĩ đến thăm đấy". Họ bước ra khỏi xe, những bạn tình nguyện tỏa ra đi phát lồng đèn và bánh kẹo cho các em, bánh trung thu cho người lớn. Những người nghệ sĩ giàu có ngoài kia, họ hoàn toàn có thể chọn ở nhà tránh dịch, chăm ấm nệm êm trong đêm mưa tí tách này, nhưng họ lại chọn khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, đứng dưới "sân khấu" giữa bệnh viện, dầm mưa và hát thật to, với mong ước mọi người nơi đây sẽ vững lòng hơn, tin vào tương lại đất nước chiến thắng bệnh dịch, sẽ không cô đơn vì phải xa gia đình. Mọi người hát với nhau, hay lắm, lại còn vẫy tay rất đều, vậy mà vẫn không quên thực hiện 5K. Các y sĩ, tình nguyện chúng tôi, thấy mọi người như vậy là đã vui trong lòng lắm rồi. Các em nhỏ, ngồi ở cuối hành lang, mặt sáng bừng lên, vừa vì những ánh nến lung linh, vừa vì cả niềm vui rạng rỡ. Cố lên các em nhé, ngày các em được về trong vòng tay chở che của ba mẹ, sẽ là một ngày không xa nữa. Mọi người sau khi ca hát vui vẻ, trở về phòng, chia cho nhau miếng bánh trung thu, chưa bao giờ, tôi được ăn chiếc bánh ngon như thế này. Có lẽ là do mệt mỏi, do hạnh phúc, do cảm động chăng. Nghĩ đến đây, hai dòng nước mắt bất giác lăn dài trên má tôi rồi. Ba mẹ, các em à, con xin lỗi vì những lần bận rộn mà quên đi những người thân yêu nhất, để rồi giờ đây lại "thèm" tiếng khó chịu của mẹ, tiếng nhõng nhẽo của các em, tiếng cười ấm áp của ba.. Đêm nay, con chỉ biết nhớ lại cho vơi nỗi buồn. Con sẽ hoàn thành thật tốt nhiệm vụ, và trở về đầy tự hào vỗ ngực tuyên bố: "Ba mẹ à, con nhóc bướng bỉnh ngày nào, giờ đã lớn, lớn thật rồi.." Nhưng cũng nhờ dịch bệnh như thế này, mà nhiều gia đình mới thực sự dành trọn thời gian cho nhau mỗi ngày.

    Trung thu này, chúng tôi, chắc chắn chỉ mong một điều, là người dân ai ở đâu ở yên đó, hay có ý thức bảo vệ bản thân và tinh thần cộng đồng hơn. Chúng tôi đi làm vì các bạn, các bạn ở nhà vì chúng tôi. Sau này, khi dịch bệnh qua đi, nếu chợt nhớ lại khoảng thời gian này, chắc tôi lại "mè nheo" nữa mất. Khoảng thời gian buồn có, vui có, nhọc nhằn có, hạnh phúc có.. rồi sẽ ngừng lại vì Covid đi xa, những vẫn sẽ túc trực trong tim chúng ta.

    VIỆT NAM QUYẾT THẮNG ĐẠI DỊCH!

    Trung thu 2021, ngày buồn tháng nhớ năm thương
     
    Vũ duy việt anh, maimai1412Mèo Cacao thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng chín 2021
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...