Các bạn thân mến, Xã Hội càng phát triển thì nhu cầu giải trí càng cao. Tuy vậy các trò chơi tiêu khiển như chơi điện tử không chỉ làm các bạn học sinh vì mải chơi, sao nhãng việc học mà còn phạn nhiều sai lầm. Vậy chúng mình cùng đi bàn luận về vấn đề này nhé! Xã hội ngày càng phát triển thì con người ngày càng có nhu cầu giải trí và thỏa mãn bản thân. Trong đó, trò chơi điện tử đã trở thành một trò tiêu khiển hấp dẫn. Bàn về vấn đề này có ý kiến cho rằng "Trò chơi điện tử đang trở thành trò chơi tiêu khiển hấp dẫn nhất là đối với các bạn học sinh. Nhiều bạn vì mải chơi nên sức học tập ngày càng giảm sút và còn phạm những sai lầm khác". Đây là ý kiến, nhận định đúng đắn. Vậy trò chơi điện tử là gì? Trò chơi điện tử là một hình thức giải trí hấp dẫn, được cài vào các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính mà nhà sản xất đã tạo ra hệ thống chơi trực tuyến hay chơi tương tác với máy, với hình ảnh và âm thanh chân thực, sinh động, sắc nét, lôi cuốn người chơi. Trong đó người chơi có thể trực tiếp điều khiển trò chơi, nhân vật chơi theo ý muốn của mình. Các trò chơi điệu tử hấp dẫn người chơi như: Đá bóng, đế chế, liên minh.. Trước hết, cũng cần phải nhắc đến lợi ích của trò chơi điện tử. Hầu hết các trò chơi điện tử đòi hỏi sự khéo léo, thông minh, phản xạ nhanh, quan sát nhanh của người chơi. Ngoài ra, chơi trò chơi điện tử cũng là một hình thức tiêu khiển giải trí, giảm mệt mỏi, giảm căng thẳng hữu hiệu.. Tuy nhiên, đại đa số các bạn học sinh vì đam mê, vì không làm chủ được bản thân nên ham chơi điện tử, và dần dần thành nghiện chơi game, điện tử. Có thể dễ dàng nhận thấy càng ngày, số lượng cửa hàng dịch vụ trò chơi điện tử nhiều và ngày càng đuọc trang bị công nghệ hiện đại hơn. Thú chơi này thu hút mọi đối tượng, mọi lứa tuổi tham gia chơi, đặc biệt là học sinh- độ tuổi mới lớn, ưa thích khám phá cái mới. Bởi thế, có rất nhiều bạn học sinh ngồi hàng giờ, ngồi cả buổi trước màn hình máy tính, say sưa, mê muội chơi các trò chơi trên máy đến mức như vô cảm với xung quanh, nhiều khi họ còn cảm thấy khó chịu vì bị người khác làm gián đoạn cuộc chơi. Nếu vòng chơi đầu thắng thì họ càng hiếu thắng, muốn chơi tiếp, nâng cấp tiếp các vòng chơi sau; còn nếu lần chơi đó thua thì họ lại cay cú, muốn chơi lại, chơi thêm để gỡ thua. Cứ thế, người chơi cứ mê muội với trò chơi trong thế giới ảo đó. Có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan dẫn đến hiện tượng đó. Về nguyên nhân chủ quan, do bản thân nguòi chơi không tự giác, còn mải chơi, ham chơi; ham mê quá mức và chưa xác định được động cơ và mục đích học tập. Do người chơi có tâm lí buồn chán, do bạn bè rủ rê, lôi kéo, do tính thích thể hiện, thích nổi bật nhất. Nguyên nhân khách quan là do người đó được cha mẹ quá nuông chiều, buông lỏng con cái hoặc quá tin tưởng, không quan tâm đến con. Ngoài ra còn do nhà trường quản lí học sinh chưa chặt chẽ, do địa phương chưa có sự kiểm soát chặt chẽ các quán game. Bởi vậy, trò chơi điện tử gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người chơi, nó làm cho mắt bị cận thị, cơ thể cảm thấy mệt mỏi, sức khoẻ bị giảm sút nhanh. Đồng thời nó làm đầu óc người chơi u mê, mê muội, mụ mẫm, có khi bị ảo giác. Từ đó, nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập và làm việc của bản thân. Nó khiến học sinh sao nhãng việc học tập, làm học sinh có hiện tượng trốn học, bỏ học, khiến cho kết quả học tập ngày càng giảm sút. Nó còn làm ảnh hưởng đến tâm hồn người chơi, người chơi bị đầu độc về bạo lực, dễ rơi vào thế giới ảo, nảy sinh tính xấu như nói dối bố mẹ, sống buông thả, coi thường luật pháp và dễ mắc vào các tệ nạn xã hội, có khi còn phạm pháp. Trò chơi điện tử còn ảnh hưởng xấu tới gia đình của người đó. Nó làm suy giảm lực lượng lao động của gia đình, làm hao tiền tốn của, làm cho kinh tế gia đình suy sụp. Nguy hại nhất là nó làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, làm suy giảm giống nòi của gia đình. Tệ nạn xã hội còn gây ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia. Nó làm suy giảm lực lượng lao động của xã hội, làm nảy sinh tệ nan khác, gây mất an ninh trật tự, làm kìm hãm sự phát triển của xã hội. Để ngăn chặn hiện tượng này, hạn chế thấp nhất tác hại của trò chơi điện tử, bản thân mỗi người cần coi trò chơi điện tử như một trò giải trí, chơi có chừng mực, biết làm chủ bản thân khi chơi, cần xác định chơi điện tử chỉ để giải lao, giải trí. Học sinh chúng mình cần xác định nhiệm vụ chính là học tập, cần phải có ý thức tự giác, rèn luyện, tu dưỡng, không lãng phí thời gian, sức lực, tiền bạc vào những việc vô bổ. Các bậc phụ huynh cần quản lí con em mình chặt chẽ hơn, định hướng con em vào các việc làm, các hoạt động bổ ích, lành mạnh hơn. Nhà trường và các tổ chức xã hội cần tổ chức các sân chơi bổ ích và lành mạnh nhằm thu hút các em. Các cơ quan chức năng cần quản lí và kiểm soát chặt chẽ các dịch vụ điện tử, cần có hình thức xử phạt nghiêm đối với các đối tượng vi phạm. Tóm lại, trò chơi điện tử đang trở thành trò chơi tiêu khiển hấp dẫn, nhất là đối với các bạn học sinh mà tác hại không lường hết được. Bởi vậy vì tương lai của chính mình, học sinh chúng mình cần tích cực học tập, rèn luyện, đừng để bản thân vướng vào đam mê chết người đó nhé.