Trình bày điểm mới trong Tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam theo qui định tại Hiến pháp

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Gill, 5 Tháng sáu 2021.

  1. Gill

    Bài viết:
    6,256
    Trình bày điểm mới trong Tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam theo qui định tại Hiến pháp năm 2013. Phân tích một trong các điểm mới mà anh/chị tâm đắc nhất.

    Trả lời:​

    Bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tập hợp bởi nhiều cơ quan nhà nước khác nhau về vị trí, tính chất, chức năng, quyền hạn, cơ cấu tổ chức nhưng có mối liên hệ mật thiết với nhau tạo thành thể thống nhất.

    Bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Hiến pháp 2013 có những điểm mới sau:

    - Tại khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013 đã xác định: "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp".

    - Hiến pháp năm 2013 thể hiện sự tiếp nhận những hạt nhân hợp lý của học thuyết phân chia quyền lực trong tổ chức bộ máy nhà nước khi xác lập vị trí, tính chất của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân một cách rõ ràng. Hiến pháp năm 2013 đã xác định rõ Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp (Điều 69), Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp (Điều 94), Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp (Điều 102) ;Viện kiểm sát nhân dân thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp (Điều 107).

    - Về chế định Chủ tịch nước, Hiến pháp năm 2013 đã xác định rõ hơn quyền hạn của Chủ tịch nước khi xác định Chủ tịch nước quyết định phong, thăng, giáng tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam thay cho quy định quyết định phong hàm, cấp "sĩ quan cấp cao" trong các lực lượng vũ trang nhân dân như quy định trong Hiến pháp năm 1992.

    - Một điểm mới khác cần phải kể đến trong việc tổ chức quyền lực nhà nước theo Hiến pháp năm 2013 là tổ chức chính quyền địa phương.

    Trong Hiến pháp năm 1992, Chương IX có tên gọi là Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân còn trong Hiến pháp năm 2013, Chương IX có tên gọi là: "Chính quyền địa phương." Việc khẳng định trong Hiến pháp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân là cần thiết.

    - Một điểm mới khác cũng cần lưu ý là ngoài ba cấp chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn, Hiến pháp mới còn quy định thêm đơn vị hành chính - lãnh thổ đặc biệt do Quốc hội thành lập. Mặt khác để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đa dạng hóa chính quyền địa phương, khoản 2 Điều 111 quy định: "Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định."

    → Hiến pháp 2013 việc Tổ chức bộ máy nhà nước có những sửa đổi góp phần hoàn thiện hơn, điểm nào cũng quan trọng nhưng nếu phải lựa chọn điểm mới tâm đắc nhất. Theo ý kiến của cá nhân em sẽ là những thay đổi trong Tòa án nhân dân: Hiến pháp 2013 chỉ dành 5 Điều để quy định về Tòa án nhân dân (từ Điều 102 đến Điều 106, giảm 6 Điều so với Hiến pháp 1992), nhưng đã thể hiện sâu sắc bản chất, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động cơ bản của Tòa án nhân dân. Nghiên cứu những quy định về Tòa án nhân dân, tác giả nhận thấy nhiều điểm mới như sau:

    - Trước hết Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp (Điều 102), Khoản 1 Điều 102 Hiến pháp sửa đổi quy định: "Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp." Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định Tòa án nhân dân chỉ là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, còn Hiến pháp sửa đổi đã quy định ngoài chức năng xét xử thì Tòa án nhân dân còn thực hiện quyền tư pháp.

    + Đây là định hướng nhằm hoàn thiện bộ máy nhà nước ta theo kiểu nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nội dung mới nêu trên về Tòa án nhân dân còn mang ý nghĩa thực tiễn, đây là cơ sở pháp lý để giao cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết những loại vụ việc liên quan đến việc hạn chế quyền nhân thân của công dân, mà những loại việc đó hiện nay là các cơ quan hành chính đang thực hiện, ví dụ như việc ra các quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc quyết định đưa người vào các trung tâm giáo dưỡng, cai nghiện..

    + Với quy định này, chúng ta đã xác định rõ, chỉ có Tòa án nhân dân mới là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, thực hiện chức năng xét xử; mới có quyền đưa ra phán quyết về các vi phạm pháp luật, các tranh chấp theo quy định của pháp luật và về các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

    + Tòa án thực hiện quyền tư pháp là phù hợp với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, vì trong Nhà nước pháp quyền thì quyền tư pháp về bản chất là quyền xét xử. Việc quy định Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp là đã thể hiện đúng bản chất đó.

    - Tiếp đếnnhững nhiệm vụ của Tòa án đã được quy định một cách cụ thể . Hiến pháp năm 2013 đã xác định nhiệm vụ của Tòa án nhân dân là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Khoản 3, Điều 102) .

    + Nếu để ý kĩ, chúng ta có thể nhận thấy thứ tự về những quyền lợi mà Tòa án phải bảo vệ không phải được sắp xếp tùy tiện mà có sự tỉ mỉ trong cách sắp đặt. Đầu tiên, Tòa án phải bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tòa án được ví như cái khiên vững chắc để che chở, bảo vệ mọi người; là cán cân duy trì và bảo đảm công bằng cho xã hội. Cái lý và cái tình phải được xem xét một cách cẩn trọng, bởi vì chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng khiến cho cán cân công lý bị mất thăng bằng lớn, và khi ấy sẽ xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân. Vì thế, việc tránh oan sai cũng như tránh bỏ lọt tội phạm, tránh phán xét một cách tùy tiện làm ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của các cá nhân, tổ chức là nhiệm vụ hàng đầu của Tòa án.

    + Tiếp đó, Tòa án phải có nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, hay nói cách khác là, phải trung thành với chế độ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang hướng đến.

    - Một điều đáng lưu ý là Hiến pháp năm 2013 chỉ quy định về chế độ báo cáo của các Tòa án khác, mà không quy định chế độ trách nhiệm như Hiến pháp năm 1992. Đây cũng là sửa đổi quan trọng của Hiến pháp năm 2013, nhằm hướng tới xây dựng hệ thống Tòa án không quá phụ thuộc vào các đơn vị hành chính lãnh thổ; bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm.

    Như vậy, khi tìm hiểu về chế định Tòa án nhân dân trong Hiến pháp 2013, chúng ta có thể nhận thấy nhiều điểm mới đã được ghi nhận. Tất cả những điểm mới này đều xuất phát từ tư tưởng Nhà nước pháp quyền, tôn trọng quyền con người, quyền công dân; xuất phát từ yêu cầu cải cách tư pháp, dựa trên nhiều quan điểm mới của Đảng ta.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...