Triet hoc: Phân tích nội dung và ý nghĩa phương pháp luận của cặp phạm trù nguyên nhân và kết quả

Thảo luận trong 'Bài Sưu Tầm' bắt đầu bởi Anhqtl, 2 Tháng mười hai 2021.

  1. Anhqtl

    Bài viết:
    15
    Phân tích nội dung và ý nghĩa phương pháp luận của cặp phạm trù nguyên nhân và kết quả?

    *Khái niệm

    - Nguyên nhân là phạm trù chỉ sự tác động qua lại lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau gây ra một biến đổi nhất định nào đó.

    - Kết quả là những biến đổi xuất hiện do tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sự vật khác nhau gây ra.

    *Phân biệt nguyên nhân với nguyên cớ, điều kiện; kết quả với hậu quả:

    - Nguyên cớ là những sự vật hiện tượng xuất hiện đồng thời với nguyên nhân, nhưng nó chỉ là quan hệ bề ngoài, ngẫu nhiên chứ không gây ra kết quả.

    - Điều kiện là những sự vật hiện tượng gắn liền với nguyên nhân, tác động vào nguyên nhân, làm cho nguyên nhân phát huy tác dụng, nhưng điều kiện không trực tiếp sinh ra kết quả.

    - Cả kết quả và hâu quả đều do nguyên nhân sinh ra. Nhưng, những gì có lợi cho con người thì gọi là kết quả, còn những gì có hại cho con người thì gọi là hậu quả.

    * Tính chất của mối liên hệ nhân quả:

    - Tính khách quan: Mối liên hệ nhân quả là cái vốn có của bản thân sự vật, không phụ thuộc vào ý thức con người.

    - Tính phổ biến: Mọi sự vật hiện tượng trong tự nhiên và trong xã hội đều có nguyên nhân nhất định gây ra, chỉ có điều là nguyên nhân đó đã được nhận thức hay chưa mà thôi.

    - Tính tất yếu: Một nguyên nhân nhất định, trong những điều kiện hoàn cảnh nhất định sẽ gây ra kết quả tương ứng với nó.

    *Mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả:

    - Nguyên nhân là cái sinh ra kết quả nên nguyên nhân luôn là cái có trước kết quả. Tuy nhiên, không phải mọi sự nối tiếp nhau nào về mặt thời gian cũng là mối liên hệ nhân quả. Trong thực tế, mối liên hệ nhân quả diễn ra rất phức tạp:

    + Một nguyên nhân có thể sinh ra nhiều kết quả.

    + Một kết quả có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra. Nếu những nguyên nhân tác động cùng chiều có thể dẫn đến hình thành kết quả nhanh chóng. Nếu những nguyên nhân tác động ngược chiều thì có thể hạn chế hoặc triệt tiêu việc hình thành kết quả.

    - Kết quả tác động trở lại nguyên nhân theo hai hướng: Thúc đẩy sự vận động của nguyên nhân (hướng tích cực) hoặc cản trở sự vận động của nguyên nhân (hướng tiêu cực).

    - Nguyên nhân và kết quả có thể thay đổi vị trí cho nhau. Một sự vật hiện tượng nào đó trong mối liên hệ này là nguyên nhân, nhưng trong mối liên hệ khác lại là kết quả và ngược lại. Chuỗi nhân quả là vô cùng, không có bắt đầu và không có kết thúc. Một hiện tượng được xem là nguyên nhân hay kết quả bao giờ cũng trong một quan hê xác định cụ thể.

    * Ý nghĩa phương pháp luận:

    - Trong hoạt động nhận thức và thực tiễn phải bắt đầu từ việc đi tìm nguyên nhân xuất hiện sự vật, hiện tượng.

    - Cần phải phân loại các nguyên nhân để có biện pháp giải quyết đúng đắn.

    - Phải tận dụng các kết quả đã đạt được để tạo điều kiện thúc đẩy nguyên nhân phát huy tác dụng, nhằm đạt được mục đích đề ra.
     
    Phượng Chiếu Ngọc thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...