Trên cánh đồng quê Cuối ngày Đủng đỉnh trâu về Cưỡi trâu Cưỡi cả con đê cỏ vàng Hai sừng đã chạm cổng làng Bốn chân Sau rốt vòng vèo Còn vung vẩy nốt Chút heo may đồng Đỗ Vinh Bài thơ Trên cánh đồng quê của tác giả Đỗ Vinh viết cho thiếu nhi, đã đạt giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi "Sáng tác văn học Vì trẻ em" do UBBV&CSTEVN, Hội Nhà văn Việt Nam và Unicef tổ chức năm 2000, trao giải năm 2001 tại Hà Nội. Tôi có dịp gặp gỡ Nhà thơ Đỗ Vinh tại lễ trao giải và được tác giả ký tặng bài thơ trên. Nhân đó được biết thêm, tác giả sáng tác bài thơ ở Đồng bằng Bắc bộ và không có chủ ý để dự thi. Tuy nhiên, mỗi bài thơ hay trên đời này, có lẽ cũng có số phận và cái duyên của nó. Không thế thì chúng ta hiếm có dịp được đọc một bài thơ hay, và được giải một cách đúng nghĩa. Trong cảm giác của tôi, một bài thơ hay thường đến bằng cách ấy. Nghĩa là toàn bộ những câu chữ trong thơ, đều mang một linh hồn và hơi thở riêng, biết bật dậy, biết ám ảnh người đọc. Trên cánh đồng quê là một bài thơ lục bát ngắn, vỏn vẹn có 6 câu, được tác giả ngắt nhịp bậc thang, nhằm diễn tả những cung bậc tình cảm khác nhau. Đặc biệt, đây là một bài thơ mang tính hiện thực và siêu thực rất súc tích, được chia làm ba cặp lục bát với ba phạm trù đối trị. Cứ hễ câu lục mang hiện thực đi trước, câu bát kéo siêu thực về sau. Với nhịp ngắt có chủ kiến, bài thơ như được kéo giãn ra, từ 6 câu chính thành 11 câu lở.. Cái âm lưng lửng ấy là chiếc phanh giảm tốc độ. Cuộc sống ngày càng quay như chong chóng, khiến con người cảm thấy hụt hẫng, thì cách sống chậm này nằm trong cái "đủng đỉnh" trâu về, gợi bao niềm xúc động thiên về vẻ đẹp mộc mạc, thanh bình, trong trẻo, vô tư của hương đồng nội: "Cuối ngày/ đủng đỉnh trâu về". Không vì đậm chất đồng quê mà câu thơ mất đi giá trị thẩm mỹ. Ngược lại, vẻ đẹp của đồng quê bình dị được diễn tả kỳ ảo: "Cưỡi trâu/ Cưỡi cả con đê cỏ vàng". Một bức tranh tuyệt đẹp đã nhuốm màu heo may. Ấy là mùa đang đi bằng đôi chân của gió, đang cưỡi qua màu cỏ tinh khôi được ánh xạ bởi ráng đỏ tà dương. Quả thực: "Hai sừng đã chạm cổng làng", thì chỉ có gió mới nghe được cú va chạm ấy. Một câu thơ rất thực mà cũng rất hư. Hầu như cái ảo chiếm lĩnh toàn bộ bài thơ làm nên chất thi sĩ đồng quê của Đỗ Vinh. Và câu lục này là câu duy nhất không bị ngắt nhịp, cứ thế câu thơ trườn mình vào cổng làng, hay là thân trâu đang kéo dài định lượng của khoảnh khắc huy hoàng ấy? Người đọc theo cảm giác sẽ không còn biết nữa, bởi biên độ của thời gian là vô tận trước cái cổng làng của nông thôn Việt Nam. Cái hay của bài thơ, là cảm thức thời gian được mường tượng qua sự chuyển động của các bộ phận trên thân trâu, như sừng, chân và đuôi: "Bốn chân/ bì bõm chưa sang khỏi chiều". Từ cái sừng "chạm cổng làng" cho đến bốn chân "chưa sang khỏi chiều" là từ thực đến ảo. Chính sự ảo hóa này, đã phủ lên thơ màu sắc của thời gian chuyển động và biến đổi. Sự nhẫn nại, cái cơ cực "bì bõm" toát lên cuộc sống của nông dân quanh năm đầu tắt mặt tối. Hai từ "chưa sang" được đặt đúng chỗ, đã trở thành từ đắc địa. Hình ảnh thân trâu đang chở hoàng hôn về làng, một bên là "hai sừng đã chạm" vào sự nghỉ ngơi, bên kia còn "chưa sang" khỏi một chiều lao động cực nhọc, tạo được trạng thái giùng giằng tâm tư rất độc đáo! Đến hai câu kết của bài thơ, tôi rất thích hai từ "rốt" và "nốt", dân dã mà không thay thế được. Thế mới biết thơ hay còn là bài thơ có những từ đồng nghĩa không thể thay thế được. "Cái đuôi /sau rốt vòng vèo/ Còn vung vẫy nốt chút heo may đồng". Câu thơ ngỡ như có hai nốt khóa giữa bất tận trời chiều, khiến người ta liên tưởng đến cái chốt huyền ảo có thể mở ra không gian mênh mông của cảnh hoàng hôn. Cái đuôi chính là chiếc then cài khép lại cánh cửa chiều tuyệt đẹp. Còn nhân vật trong bài thơ là đứa trẻ cưỡi trâu, tác giả đã giấu nhẹm chú bé vào thơ một cách tài tình, khéo léo đến nỗi tuyệt không có chủ từ mà người ta vẫn ngầm hình dung ra được. Chính nhờ cái tài biết kiệm lời ấy. Vô hình trung đã làm cho bài thơ tăng thêm nét huyền ảo. Đứa trẻ ngồi trên lưng trâu đủng đỉnh chở hoàng hôn về làng, làm thức dậy trong chúng ta những giá trị thẩm mỹ, những cảm xúc chân mộc của đồng quê Việt mến yêu.