Phân tích, đánh giá nội dung, nghệ thuật đoạn trích Trao duyên, trích Truyện Kiều - Nguyễn Du

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Yuiki.tan, 24 Tháng chín 2020.

  1. Yuiki.tan

    Bài viết:
    25
    Phân tích đoạn trích "Trao duyên" trích "Truyện Kiều" - Nguyễn Du

    Trong suốt chiều dài lịch sử văn học, có rất nhiều những thành tựu văn học rực rỡ thời kì trung đại của những nhà tác giả lớn như: Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Bỉnh Khiêm.. Đóng góp vào trong dòng chảy văn học ấy ta không thể không nhắc đến đại thi hào Nguyễn Du. Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc danh nhân văn hóa thế giới, một nhân cách lớn, một nhà văn, nhà thơ vĩ đại. Những sáng tác của ông bao gồm cả sáng tác bằng chữ Hán và chữ Nôm nhưng tiêu biểu nhất là tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" hay còn được biết nhiều hơn dưới tên "Truyện Kiều". Cuộc đời nàng Kiều trải qua biết bao biến cố mà có lẽ khoảnh khắc đau lòng nhất, dằn vặt nhất đã được thể hiện qua đoạn trích "Trao duyên" khi buộc phải bán mình để chuộc cha và em, phải trao duyên cho em gái.

    Đoạn trích "Trao duyên" từ câu 723 đến câu 756 trong phần "Gia biến và lưu lạc", tái hiện lại cuộc trò chuyện của chị em Thúy Vân Thúy Kiều. Thúy Kiều mở lời nhờ cậy em một cách vừa từ tốn, trang trọng nhưng cũng vô cùng khéo léo, tinh tế và sắc sảo:

    "Cậy em em có chịu lời,

    Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa."​

    Nguyễn Du đã dùng từ "cậy" thay vì từ "nhờ", gợi âm điệu nặng nề, sự đau đớn, còn mang ham nghĩa trông mong nhận được sự giúp đỡ với hi vọng tha thiết, sự gửi gắm đầy tin tưởng. Từ "chịu" chỉ sự nài ép, bắt buộc. Hành động nhờ của Kiều sử dụng những từ ngữ như "ngồi lên", "lạy", "thưa". Đây là hành động, thái độ kính cẩn, trang trọng với người bề trên hoặc người mình hàm ơn, đi ngược với lễ giáo phong kiến thời xưa. Hành động này tạo ra sự trang nghiêm, thiêng liêng, nhấn mạnh sự quan trọng của điều sắp nói ra. Qua cách nói đã thể hiện được sự thông minh, khéo léo của Kiều.

    "Giữa đường đứt gánh tương tư

    Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.

    Kể từ khi gặp chàng Kim,

    Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề.

    Sự đâu sóng gió bất kì,

    Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai."​

    Kế đến, Kiều giãi bày nỗi lòng của mình với Vân. Đến đây ta có thể hiểu rõ vì sao Kiều lại có những hành động như "lạy" và "thưa". Kiều kể lại những câu chuyện mà chính Vân cũng đã được chứng kiến. Nàng đã chọn chữ hiếu thay vì chữ tình, phụ chàng Kim chứ không phụ cha mẹ. Qua lời của nàng, ta có thể thấy được quan điểm của tác giả Nguyễn Du. Ông đay nghiến cả một xã hội đã giày vò con người, bắt nàng Kiều phải lựa chọn giữa một bên hiếu và một bên tình. Đó là hai giá trị tinh thần không thể đem lên bàn cân để so sánh với nhau. Động từ "gánh" làm cho ta cảm nhận được rõ hơn về tình cảm sâu đậm của Thúy Kiều dành cho Kim Trọng. "Gánh tương tư" đã bị đứt, duyên đã vỡ, "giữa đường" khi tình cảm đang ở giai đoạn mặn nồng nhất, sâu đậm nhất thì lại bị chia cách, ngăn trở. Kiều gọi đây là "mối tơ thừa" bởi nàng biết rằng đối với Thúy Vân mối duyên đó là một sự trói buộc. "Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai", đây là lời nàng tự nhủ trong lòng mình và đó cũng là một cái cớ để Kiều trao duyên cho em gái.

    "Ngày xuân em hãy còn dài,

    Xót tình máu mủ thay lời nước non.

    Chị dù thịt nát xương mòn,

    Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây."​

    Hai chị em đều đang ở tuổi cập kê, nàng Kiều lấy đó làm cớ để nhờ Vân tiếp nối mối duyên với người mình yêu. Nàng nhắc đến tình máu mủ, ruột thịt, lấy thêm một lí do hợp lí để thuyết phục Thúy Vân. Kiều chua xót, cay đắng khi nhắc tới cái chết, một dự liệu chẳng lành cho tương lai của mình. Khi lựa chọn con đường bán mình để chuộc cha và em trai, Kiều đã xác định trước về những ngày tháng tương lai tăm tối mịt mờ của mình, có dự cảm không lành về số phận tương lai đầy nghiệt ngã. Trong hoàn cảnh đầy bế tắc đó, nàng chỉ biết nhờ đến em, dù cho có ở thế giới bên kia đi chăng nữa thì Kiều cũng cảm thấy mãn nguyện khi Vân nhận lời trao duyên. Hai từ "thơm lây" làm cho nàng trở thành người ngoài cuộc. Sau lời nhờ cậy, Thúy Kiều trao kỉ vật đính ước và tâm sự với Thúy Vân:

    "Chiếc vành với bức tờ mây,

    Duyên này thì giữ, vật này của chung.

    Dù em nên vợ nên chồng,

    Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.

    Mất người còn chút của tin,

    Phím đàn với mạnh hương nguyền ngày xưa."​

    Chiếc vành, bức tờ mây, phím đàn, mảnh hương nguyền, đây đều là những kỉ vật của mối tình giữa nàng Kiều và chàng Kim-mối tình đầu trong sáng, thuần khiết. Những kỉ vật đó lại gợi nhớ đến những kỉ niệm tình yêu của nàng. Đó là kỉ vật của Thúy Kiều và Kim Trọng, là kỉ vật của riêng hai người họ, nàng không muốn trao cho người khác dù là em mình. Hai từ "của chung" ấy đã thể hiện sự mâu thuẫn, giằng xé giữa lí trí và tình cảm. Nàng muốn họ sống hạnh phúc bên nhau, nhưng lại muốn họ không quên mình. Hạnh phúc của bản thân ai cũng muốn giữ lấy, Thúy Kiều cũng như vậy, ích kỉ một chút, cố gắng giữ lại gì đó cho riêng mình, trong thâm tâm của nàng vẫn không muốn san sẻ tình yêu cho ai khác. Qua đó ta cũng có thể thấy được tình cảm sâu nặng của nàng dành cho chàng Kim.

    "Mai sau dù có bao giờ,

    Đốt lò hương ấy so tơ phím này.

    Trông ra ngọn cỏ lá cây,

    Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.

    Hồn còn mang nặng lời thề,

    Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai."​

    Nàng tưởng tượng rằng mình chỉ còn là một bóng ma lẻ loi, không thể quay trở lại với cuộc sống bình thường được nữa. Sau này, mỗi khi đốt hương, đánh đàn, linh hồn của Kiều sẽ trở về, nàng mong được Vân rưới giọt nước để giải oan cho mình. Bằng cách này, nàng có thể trở về bằng linh hồn bất tử, Kiều mong có thể trả nghĩa Kim Trọng "Hồn còn mang nặng lời thề". Ta có thể cảm nhận được khát khao có được hạnh phúc của nàng, mong muốn nhận được sự đồng cảm.

    "Bây giờ trâm gãy gương tan,

    Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!

    Trăm nghìn gửi lạy tình quân,

    Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!

    Phận sao phận bạc như vôi!

    Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.

    Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!

    Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!"​

    Nguyễn Du đã sử dụng thành ngữ "trâm gãy gương tan" để diễn tả lại tâm trạng, xót xa, gợi nên sự chia lìa đôi lứa. "Muôn vàn ái ân" giữa hai người giờ đây chỉ còn là quá khứ đẹp đẽ nhưng vô cùng ngắn ngủi, tựa như bông hoa phù dung "sớm nở tối tàn". Trước tình cảnh này, nàng chỉ trách mình là "phận bạc", "hoa trôi". Tiếng lòng của Kiều đầy tha thiết, như một tiếng nấc nghẹn ngào. Hai từ "ôi" và "hỡi" cho thấy lời gọi tha thiết, khắc khoải, nỗi đau tột cùng của nàng. Câu kết là lời nhận tội, tự trách của Thúy Kiều.

    Bằng nghệ thuật miêu tả nội tâm sâu sắc cùng với sự phối hợp linh hoạt và hợp lí các thành ngữ. Đoạn trích cho ta cảm nhận được bi kịch của tình yêu và bi kịch của những người phụ nữ hồng nhan bạc mệnh trong xã hội phong kiến, đồng thời ca ngợi vẻ đẹp, tài năng của họ, thể hiện sự tôn trọng, cảm thông cho hoàn cảnh từ tác giả Nguyễn Du.
     
    Last edited by a moderator: 8 Tháng một 2024
Trả lời qua Facebook
Đang tải...