TRẠNG TÍ Thời lượng: 124 phút Đạo diễn: Phan Gia Nhật Linh Nhân Vật: Huỳnh Hữu Khang, Phan Bảo Tiên, Vương Hoàng Long, Trần Đức Anh Quốc gia: Việt Nam Thể loại: Kỳ ảo, Phiêu lưu Khởi chiếu: 30/04/2021 Trạng Tí là một trong những bộ phim Việt Nam có nhiều drama và bị tẩy chay mạnh mẽ nhất những năm gần đây. Trên góc độ một reviewer, Ghiền review sẽ tạm bỏ qua ý kiến cá nhân về những lùm xum trên và chỉ đánh giá phim trên quan điểm một người xem phim bình thường. Liệu rằng phim Trạng Tí có hay như nhiều bài review gần đây chia sẻ? Hãy cùng Ghiền review bộ phim này để có câu trả lời thỏa đáng các bạn nhé! Cốt truyện: Trạng Tí phiêu lưu ký là câu chuyện kể về chuyến hành trình tìm đến chùa Phật Quang của nhóm 4 người bạn nhỏ bao gồm Tí, Sửu, Dần, Mẹo để trả lời câu hỏi cha của Tí là ai. Trên hành trình này, nhóm bạn phải trải qua rất nhiều gian nan, thử thách và cả những hiểm nguy đe dọa đến tính mạng nhưng nhờ vậy, 4 bạn nhỏ mới hiểu ra được nhiều điều mà trước nay các em chưa từng được biết. Trạng Tí được mở đầu bởi một đoạn phim hoạt hình 3D được vẽ và đồ họa rất ấn tượng và đẹp mắt, thậm chí có nhiều phân cảnh không hề thua kém gì các bộ phim hoạt hình của Disney . Câu chuyện của phim rất dễ xem với tình tiết đơn giản, diễn ra liên tục cùng mới mạch phim nhanh và nhiều thứ kỳ ảo, chắc chắn sẽ rất thu hút các em nhỏ khi theo dõi phim này. Nhờ kỹ xảo được đầu tư đến nơi đến chốn nên yếu tố phiêu lưu và thần thoại của phim được nâng tầm rất nhiều, đặc biệt hơn là không mang đến cảm giác giả trân như một số phim Việt cùng đề tài khác. Mặc dù không xuất hiện nhiều nhưng các yếu tố về bối cảnh, văn hóa và phục trang cũng được phim rất chú trọng xây dựng nên không gây ra sự lấn cấn cho người xem khi thưởng thức. Bên cạnh đó, yếu tố hài hước của phim Trạng Tí được làm tương đối ổn, vui nhộn, trong khi những tình tiết cảm động ở cuối phim có thể sẽ lay động được nhiều bậc phụ huynh và các em nhỏ đến rạp xem. Tuy nhiên, có lẽ đối tượng phù hợp để xem phim Trạng Tí chỉ gói gọn ở các em nhỏ học sinh cấp 1, cấp 2 bởi vì thứ nhất cách tư duy đưa ra và giải quyết vấn đề trong phim thực sự được nhìn nhận dưới con mắt của con nít và thứ hai các em nhỏ ở độ tuổi này không biết đến nguyên tác truyện tranh Thần đồng Đất Việt vốn đã gắn bó với tuổi thơ của cha mẹ, anh, chị chúng đời 8x-9x. Để hiểu hơn nhận định ở trên, đầu tiên là chúng ta hãy nói về cách xây dựng nhân vật. Trạng Tí là một bộ phim kì lạ khi mà nhân vật chính lại lép về hơn hẳn những nhân vật phụ, không chỉ bởi tạo hình, sự thu hút ở gương mặt mà còn cả cách ứng xử và giải quyết vấn đề. Nếu như Trạng Tí trong truyện luôn lạc quan, vui vẻ, tốt bụng với mọi người thì Tí ở trong phim lại có cái gì đó rất đời thường, hay tự ti, đố kị với người khác trong khi tài năng không thực sự vượt trội, đồng thời sự chuyển biến từ tính cách xấu qua tính cách tốt của Tí quá chóng vánh khiến khán giả khó lòng tin tưởng vào sự thay đổi đó cũng như thiện cảm về nhân vật chính không quá nhiều. Tiếp theo phải nói đến câu chuyện của phim. Mọi thứ trong phim Trạng Tí diễn ra quá đơn giản, hư cấu, phi logic và phi thực tế, đặc biệt cao trào cuối phim quá èo uột nên cảm giác xem phim không hề thỏa mãn. Những phân cảnh được sắp đặt để Tí thể hiện tài năng của mình cũng không thuyết phục được người xem vì một là nó quá đơn giản, hai là nó quá phức tạp, trong khi thái độ của Tí có vẻ hơi chảnh và việc chuyển cảnh quá gấp gáp khiến cho khán giả khó lòng trầm trồ thán phục về tài năng của nhân vật này. Thông qua hành trình của các em nhỏ trong phim Trạng Tí, các nhà làm phim muốn gửi gắm đến các khán giả nhí bài học về việc biết nghĩ và chia sẻ cho người khác, đồng thời khuyên các em hãy biết yêu thương cha mẹ mình, bỏ ngoài tai những lời gièm pha của thiên hạ và làm những thứ để không phụ lòng cũng như khiến cha mẹ tự hào.