Trận đánh hay nhất: Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên mông lần 3 - Chi tiết nhất: Diễn biến, KQ, yN

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cute pikachu, 3 Tháng bảy 2021.

  1. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,898
    Lịch Sử Việt Nam: Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 - Trận chiến tiêu biểu trong lịch sử - Chi tiết nhất: Nguyên nhân, Diễn biến, Kết quả, Ý nghĩa.

    [​IMG]

    1. Thời gian diễn ra cuộc kháng chiến chống Mông- Nguyên lần 3: diễn ra trên lãnh thổ Đại Việt từ tháng 12 năm 1287 đến cuối tháng 4 năm 1288.

    2. Nguyên nhân xảy ra cuộc kháng chiến

    Sau thất bại trong việc chinh phạt Đại Việt lần 1 năm 1258, lần 2 năm 1285, hoàng đế nhà Nguyên vẫn không từ bỏ kế hoạch chiếm Đại Việt. Đến cuối năm 1286, việc chuẩn bị chinh phạt Đại Việt được tái khởi động.

    Ngày 3 tháng 9 âm lịch, Thoát Hoan mượn tiếng đưa "An Nam quốc vương" Trần Ích Tắc về nước. Quân Nguyên chia làm 3 cánh:

    Cánh thứ nhất theo đường Vân Nam tiến xuống sông Thao và sông Lô.

    Cánh thứ hai là quân chủ lực đi đường châu Khâm, châu Liêm tiến vào biên giới đông bắc.

    Cánh thứ 3 là thủy quân do Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp chỉ huy 500 chiến thuyền cùng đoàn vận lương phụ trách kéo theo sau

    3. Diễn biến cuộc kháng chiến

    Ở Đại Việt, Trần Quốc Tuấn thống lĩnh các vương hầu chia quân chống giữ các nơi (giữ Lạng Sơn; 3 vạn quân vào giữ Thanh – Nghệ; giữ Vân Đồn) ; đích thân Trần Quốc Tuấn đóng binh ở Quảng Yên.

    Mặt khác, Hưng Đạo Vương sai quân biên giới giáp châu Tư Minh, chia ra đóng các đồn để chống bộ binh địch xâm nhập và sai một tướng khác ra giữ Bình Than.

    Gần như ngay khi đặt chân vào đất Đại Việt, quân Nguyên và quân Đại Việt đã giao chiến với nhau. Dưới đây là các trận đánh lớn:

    * Trận Vạn Kiếp, mặt trận Tây Bắc - quân ta rút lui để bảo toàn lực lượng

    Đầu tháng 1 năm 1288, hai cánh quân của Thoát Hoan và Trình Bằng Phi hợp lại tại Vạn Kiếp. Dọc đường đến Vạn Kiếp, cánh Trình Bằng Phi đã giao chiến với quân Đại Việt ta 17 trận. Lực lượng Đại Việt của ta tại Vạn Kiếp rất ít và đã rút lui về Thăng Long. Thoát Hoan chiếm lấy Vạn Kiếp làm căn cứ đầu não. Từ đây, quân Nguyên tiến về Thăng Long.

    Tại mặt trận Tây Bắc, đạo quân của Ái Lỗ từ Vân Nam theo dòng sông Thao và sông Lô đánh xuống. Hai bên giao chiến tất cả 18 trận và cùng bị thiệt hại. Cuối cùng Trần Nhật Duật thua chạy. Ái Lỗ tiến vào Thăng Long.

    * Trận Thăng Long - đánh tỉa để cầm chân quân địch, chuẩn bị kế hoạch phản công

    Ngày 2 tháng 2 năm 1288, quân Nguyên bắt đầu đánh thành.

    Trần Quốc Tuấn dàn quân cố thủ. Quân Trần nấp trong thành bắn tên đạn ra. Quân Nguyên bao vây tấn công vài lần không có kết quả.

    Ban đêm, Trần Quốc Tuấn lệnh cho từng toán nhỏ ra khỏi thành, đốt phá lương thực trong trại của quân Nguyên, rồi rút lui. Thoát Hoan điều quân ra ngoài truy kích, nhưng không thành.

    Sau khi thấy cầm chân quân Nguyên đã đủ lâu, Trần Quốc Tuấn rút về kinh thành, sai tướng rước vua Trần lui xuống hạ lưu sông Hồng rồi theo cửa Giao Thủy đi ra biển vòng lên Tháp Sơn (Đồ Sơn, Hải Phòng). Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi truy đuổi các vua Trần.

    Vua Trần Nhân Tông cùng Thượng hoàng Trần Thánh Tông đem một hạm đội vào Thanh Hóa, chia quân chốt giữ các đồn trại và đánh lạc hướng, làm nhiễu thông tin trinh sát của địch.

    * Trận Vân Đồn - bước ngoặt quan trọng của cuộc kháng chiến

    [​IMG]

    Đầu năm 1288, đoàn thuyền lương của giặc do Trương Văn Hổ kéo đến Vân Đồn, bị quân ta (do Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư chỉ huy) tập kích.

    Quân của Trương Hổ đại bại, đổ cả thóc xuống biển vì không muốn lọt vào tay quân Trần của chúng ta. Sau đó chúng bỏ chạy về Quỳnh Châu.

    Hai đoàn thuyền lương khác của giặc cũng gặp bão, hoặc đi lạc. Như vậy, các thuyền lương của quân Nguyên mất hoàn toàn.

    Chiến thắng Vân Đồn là bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến. Việc Trần Khánh Dư phá tan được đoàn thuyền lương khiến mọi toan tính chiến lược của quân Nguyên đã bị đảo lộn.

    Việc thiếu lương thực đã đẩy quân Nguyên vào một thế trận hoàn toàn bị động. Quân Nguyên từ đấy thiếu lương ăn, không có lòng chiến đấu.

    (Còn nữa)​
     
    Chỉnh sửa cuối: 4 Tháng bảy 2021
  2. Đăng ký Binance
  3. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,898
    (Phần 2)

    * Trận Thăng Long - địch bắt đầu lúng túng, rơi vào thế bị động

    Ở Thăng Long mà không có lương thực, Thoát Hoan lúng túng nên rút quân khỏi Thăng Long quay về Vạn Kiếp.

    Đến cuối tháng 3 năm 1288, thủy bộ quân Nguyên đã dần co cụm lại ở Vạn Kiếp và phụ cận, lương thực ít ỏi, vùng chiếm đóng liên tục bị tập kích, bệnh tật cũng lan rộng trong quân do thời tiết chuyển từ xuân sang hè.

    Sau đó vua Trần dùng kế trá hàng, sai người sang doanh trại địch, hẹn ngày "xin hàng". Thoát Hoan tưởng là thật, bèn án binh bất động, sửa sang thành lũy mà chờ đợi vua Trần đến. Đang lúc quân Nguyên mất cảnh giác, quân Đại Việt thình lình tấn công vào ban đêm, hạ liền mấy trại.

    Bấy giờ, tại Vạn Kiếp, quân Nguyên cố thủ trong các thành gỗ nhưng thường xuyên bị quân Đại Việt tập kích vào ban đêm.

    Bởi thế, Thoát Hoan quyết định rút quân khỏi Đại Việt. Lúc đó là vào khoảng cuối tháng 3 năm 1288, chia 2 ngả rút về, một ngả của thủy quân, một ngả của bộ binh.

    * Trận Bạch Đằng - trận thủy chiến lừng lẫy

    [​IMG]

    Đoàn thuyền của Ô Mã Nhi không có bộ binh bảo vệ đã bị chặn đánh liên tục, định vào sông Giá nhưng phải tiến vào sông Bạch Đằng.

    Tại đây, quân Đại Việt bố trí một trận địa cọc ngầm. Một lực lượng lớn bộ binh Đại Việt lại trú tại Tràng Kênh chờ đánh vào sườn phải quân Nguyên khi họ vào sông Bạch Đằng.

    Một lực lượng lớn nữa trú tại khu rừng bên tả ngạn sông sẽ đánh vào sườn trái đối phương. Thủy quân Đại Việt thì ẩn náu trên các sông khác thông với sông Bạch Đằng.

    Sáng ngày 9 tháng 4 năm 1288, thủy quân Nguyên tiến vào sông Bạch Đằng, thấy thủy quân Việt liền đuổi đánh, song va phải các cọc ngầm và bị chặn lại.

    Quân Đại Việt từ khắp các hướng đổ ra đánh. (Đích thân vua Trần và Trần Hưng Đạo cầm quân).

    Quân ta từ hạ lưu đánh thẳng vào chính diện đội hình chiến thuyền Nguyên Mông. Đội thuyền đang giả thua cũng quay đầu lại đánh, chắn ngang đường ra biển. Từ các nhánh sông Chanh, sông Kênh, sông Giá, sông Thai, sông Điền Công.. thủy quân Trần vốn mai phục sẵn từ trước nhất tề đổ ra đánh.

    Đồng thời hàng loạt các thuyền bè chở đầy chất cháy được đốt rồi lao thẳng vào thuyền quân Nguyên Mông.

    Từ hai bên bờ sông, cung tên, hỏa tiễn bắn ra liên tục.

    [​IMG]

    Quân giặc đổ bộ lên chiếm lấy núi Tràng Kênh, toan lấy chỗ cao cho quân tựa lưng vào đó mà dàn trận. Nhưng vừa lên bờ đã bị phục binh ở núi Tràng Kênh vây đánh, đẩy xuống sông.

    Thủy triều rút làm cho số thuyền bị cọc nhọn làm hư hại càng tăng. Cả đoàn thuyền bị ùn tắc, đám thuyền không vướng cọc thì cũng bị một đội thuyền của quân Trần chặn ngang từ phía hạ lưu, không sao thoát ra hướng biển được. Quân Nguyên bị hãm giữa trận, tiến thoái đều không được.

    Đến chiều, gần như toàn bộ thuỷ quân Nguyên bị tiêu diệt.

    Ô Mã Nhi bị đem giải đến thuyền ngự của Thượng hoàng Trần Thánh Tông. Thượng hoàng sai người rót rượu cho Ô Mã Nhi uống.

    * Trận Lạng Sơn - địch liên tiếp bị chặn đường rút quân

    Ngày 8 tháng 4 năm 1288, quân của Thoát Hoan từ Vạn Kiếp tiến lên Lạng Sơn. Abaci dẫn quân kỵ đi mở đường. Siktur được lệnh dẫn một cánh đi theo hướng Tây (qua Chi Lăng), nhưng đến Hãm Nê thì bị quân Đại Việt chặn đánh, đành trở lại nhập vào đoàn quân của Thoát Hoan.

    Ngày 11 tháng 4, đội quân Nguyên tiến tới cửa Nội Bàng (Bắc Giang ngày nay) và lọt vào trận địa phục kích của quân Đại Việt. Quân Nguyên cố sức chống cự; nhiều tên phải liều chết mở đường máu cho đại quân thoát khỏi cửa Nội Bàng.

    Qua được Nội Bàng, Thoát Hoan nhận được tin trinh sát rằng phía trước quân Đại Việt "chia binh hơn 30 vạn, trải dài hơn trăm dặm chặn đường về". (Con số 30 vạn có lẽ là do quân Trần nói phao lên để lừa trinh sát quân Nguyên, vì phần lớn quân chủ lực Đại Việt đã dồn về ven biển để đánh diệt thủy quân Nguyên, toàn tuyến trên bộ chỉ có khoảng vài vạn quân Trần). Quân Nguyên đành đổi hướng đi qua Đơn Kỷ về Lộc Châu. Tuy nhiên qua đường này, quân Nguyên vẫn bị quân Đại Việt tập kích.

    (Còn nữa)
     
    Chỉnh sửa cuối: 4 Tháng bảy 2021
  4. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,898
    (Phần cuối)

    Tướng giặc là A Bát Xích trúng tên độc, đầu cổ đều sưng vù rồi chết trên đường đi. Mãi đến ngày 19 tháng 4 năm 1288, quân Nguyên mới thoát khỏi biên giới về đến Tư Minh. Ái Lỗ đem quân bản bộ về Vân Nam, Áo Lỗ Xích đem tàn binh còn lại về bắc. Cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ ba của Nguyên Mông chính thức kết thúc.

    4. Kết quả cuộc khách chiến

    - Kế hoạch xâm lược Đại Việt của quân Nguyên một lần nữa thất bại, quân ta dành thắng lợi hoàn toàn. Một số tướng lĩnh xuất sắc của nhà Nguyên đã chết, như A Bát Xích, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp. Phần lớn chiến thuyền của quân Nguyên bị tiêu diệt hoặc bắt giữ. Số lượng quân giặc tử trận là không nhỏ, đặc biệt là lực lượng thủy quân bị tiêu diệt gần như toàn bộ.

    Tin bại trận về đến nơi, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt lồng lộn nổi giận, đã lệnh cho Thoát Hoan ra ở đất Dương Châu, suốt đời không cho về kinh nhìn mặt.

    5. Ý nghĩa của cuộc kháng chiến

    - Đánh bại quân xâm lược hung tàn, bảo vệ nền độc lập.

    - Đập tan tham vọng và ý chí xâm lược Đại Việt của đế chế Mông - Nguyên, bảo vệ được độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia dân tộc.

    - Thể hiện sức mạnh của dân tộc, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược (góp phần nâng cao lòng tự hào dân tộc, củng cố niềm tin cho nhân dân) định lòng yêu nước và ý chí quyết tâm bảo vệ đất nước của dân tộc ta.

    - Nâng cao lòng tự hào dân tộc. Góp phần làm cho phong phú truyền thống quân sự của nhân dân ta.

    - Để lại bài học vô giá "Khoan thư sức dân" (chăm lo đời sống và nuôi dưỡng nguồn lực trong nhân dân) là thượng sách giữ nước.

    - Ngăn chặn ý đồ của nhà Nguyên trong việc xâm lược các nước khác.

    - Góp phần xây dựng truyền thống dân tộc, để lại nhiều bài học cho đời sau trong cuộc đấu tranh chống xâm lược.

    [​IMG]

    Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết, chúc các bạn học tốt! ❤​
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...