Trận chiến trên sông bạch đằng năm 938 - Chi tiết nhất - Diễn biến, ý nghĩa

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cute pikachu, 1 Tháng bảy 2021.

  1. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,892
    Trận chiến trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền - Tường thuật chi tiết nhất: Gia thế, Nguyên nhân, Diễn biến, Kết quả, Ý nghĩa, Đáng giá vai trò của Ngô Quyền

    Chiến thắng Bạch Đằng (Hải Phòng) năm 938 là trận thủy chiến lớn đầu tiên, một trong những trận thủy chiến lớn nhất của quân và dân ta trước quân xâm lược.

    Trạn địa bãi cọc ngầm trên sông Bạch Đằng gắn liền với trận đại thắng trên trên sông Bạch Đằng là một biểu tượng cho truyền thống người Việt đánh giặc ngoại xâm phương Bắc.

    Ngô Quyền nằm trong danh sách top 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất của Việt Nam.

    [​IMG]

    1. Xuất thân - dòng họ của Ngô Quyền

    Ngô Quyền (chữ Hán: 吳權; sinh 2 tháng 3 năm 898, mất 14 tháng 2 năm 944), còn được biết đến với tên gọi Tiền Ngô Vương (前吳王) hoặc Ngô Vũ Vương. Ngô Quyền quê ở Đường Lâm, Ba Vì (Hà Nội ngày nay) Ngô Quyền sinh ra trong một dòng họ hào trưởng có thế lực ở châu Đường Lâm, Ái Châu. Cha là Ngô Mân làm chức châu mục Đường Lâm.

    Ngô Quyền được sử sách mô tả là bậc anh hùng tuấn kiệt, "có trí dũng". "Khi Ngô Quyền vừa mới sinh có ánh sáng lạ đầy nhà, dung mạo khác thường, có 3 nốt ruồi ở lưng, thầy tướng cho là lạ, bảo có thể làm chủ một phương, nên mới đặt tên là Quyền. Ngô Quyền lớn lên, khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, có trí dũng, sức có thể nâng được vạc bằng đồng". (Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư)

    2. Hoàn cảnh lịch sử - nguyên nhân khởi nghĩa

    Thời bấy giờ nhà Đường ở Trung Quốc cai trị nước Việt. Từ giữa thế kỷ IX, nhà Đường phải đối phó với hai biến cố lớn là nông dân khởi nghĩa và phiên trấn cát cứ. Năm 907, nhà Đường mất, Chu Ôn lập nên nhà Hậu Lương, bắt đầu cuộc loạn Ngũ Đại, sử Trung Quốc gọi là Ngũ đại Thập quốc.

    Năm 905, nhân việc nhà Đường có loạn, một thổ hào người Việt là Khúc Thừa Dụ nổi lên đánh đuổi người Trung Quốc, chiếm giữ phủ thành, xưng là Tiết độ sứ. Năm 907, Khúc Thừa Dụ chết, con là Khúc Hạo lên thay. Khúc Hạo sai con là Khúc Thừa Mỹ làm Hoan hảo sứ sang dò xét nhà Nam Hán. Năm 917, Khúc Hạo chết, Khúc Thừa Mỹ lên thay, cho người sang nhà Lương lĩnh tiết việt, muốn lợi dụng sự mâu thuẫn giữa nước Lương và Nam Hán để củng cố sự nghiệp tự cường của mình. Vua Nam Hán là Lưu Cung tức giận, xua quân chiếm cứ Giao Chỉ.

    Khi đấy, một hào trưởng người Ái Châu (thuộc Thanh Hóa ngày nay) là Dương Đình Nghệ nuôi 3000 con nuôi, mưu đồ khôi phục.

    Ngô Quyền lớn lên làm nha tướng cho Dương Đình Nghệ. Mến phục tài đức của Ngô Quyền, Dương Đình Nghệ gả con gái yêu là Dương Như Ngọc cho và giao quyền cai quản Ái châu, đất bản bộ của họ Dương (Thanh Hóa ngày nay). Ngô Quyền đem hết tài năng, nhiệt huyết mang lại cuộc sống no ấm cho nhân dân trong vùng.

    Năm 931, Dương Đình Nghệ phát binh từ Thanh Hóa ra Bắc đánh đuổi quân Nam Hán, đánh bại Lý Tiến và quân cứu viện do Trần Bảo chỉ huy, chiếm giữ bờ cõi nước Việt, xưng là Tiết độ sứ.

    Tháng 3 năm 937, hào trưởng đất Phong Châu là Kiều Công Tiễn sát hại Dương Đình Nghệ để đoạt chức Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ. Nhưng hành động tranh giành quyền lực của Kiều Công Tiễn bị phản đối bởi nhiều thế lực địa phương và thậm chí nội bộ họ Kiều cũng chia rẽ trầm trọng.

    Ngô Quyền đang trấn giữ Ái Châu, kéo quân ra Bắc để trị tội Kiều Công Tiễn. Kiều Công Tiễn vội sai sứ sang đút lót để cầu cứu nhà Nam Hán. Vua Nam Hán là Lưu Cung nhân Giao Chỉ thấy có loạn muốn chiếm lấy nước ta. Lưu Cung phong cho con mình là Vạn vương Lưu Hoằng Tháo làm Giao Vương, đem quân sang.

    (Mời các bạn đọc tiếp phần 2 ở bên dưới nhé ❤❤❤)
     
  2. Đăng ký Binance
  3. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,892
    (Phần 2)

    [​IMG]

    Khi quân Nam Hán chưa sang, mùa thu năm 938, Ngô Quyền đã giết được Kiều Công Tiễn.

    Tướng giặc là Lưu Cung đóng ở Hải Môn để làm thanh viện. Lưu Cung hỏi kế ở Sùng Văn sứ là Tiêu Ích, Tiêu Ích nói: "Nay mưa dầm đã mấy tuần, đường biển thì xa xôi nguy hiểm, Ngô Quyền lại là người kiệt hiệt, không thể khinh suất được. Đại quân phải nên thận trọng chắc chắn, dùng nhiều người hướng đạo rồi sau mới nên tiến".

    3. Địa thế của khúc sông Bạch Đằng được chọn để đóng cọc ngầm - kế hoạch chuẩn bị trận địa của Ngô Quyền

    Còn về Ngô Quyền, nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, ông đưa ra một kế hoạch tài tình, lợi dụng quy luật thủy triều để đánh giặc. Ông cho vót nhọn đầu những cọc gỗ lớn, bịt sắt, cắm xuống lòng sông thành bàn chông chờ giặc.

    Sách Đại Việt Sử ký toàn thư cho biết kế sách đánh giặc của Ngô Quyền:

    "Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại.. lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn, vạt nhọn, đầu bịt sắt, đóng ngầm trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào thoát".

    Chính Ngô Quyền đã khẳng định điều đó với tướng lĩnh của mình "không kế gì hơn kế ấy cả".

    Sông Bạch Đằng ngày nay dài hơn 20 km (tại ngã sông ở Hải Phòng), bắt đầu từ Phà Rừng giữa Hải Phòng và Quảng Ninh, nơi giao nhau của sông Giá, sông Chanh và sông Đá Bạc, kéo dài đến cửa biển Nam Triệu. Sông Bạch Đằng có đặc điểm đặc trưng do sự chênh lệch của thủy triều gây nên, tạo điều kiện cho một trận địa đánh giặc. Mặt nước có biên độ chênh lệch khi thủy triều dâng lên và hạ xuống là khoảng 4 mét. Nhờ các thuận lợi đó, khi thủy triều lên, nước có khả năng che lấp hết toàn bộ bãi cọc, nhưng khi nước rút, các cọc nhô lên đến 2 mét, ngăn cản thuyền giặc tháo chạy ra biển và quân đội Đại Việt có cơ hội phản công.

    Để bãi cọc hoạt động, công việc tiếp theo cần làm là phải dụ được giặc vào trong trận địa này. Nguyễn Tất Tố được nhận trọng trách này, ông giỏi bơi lội và là người hiểu rõ về sông Bạch Đằng.

    Sách sử có chép một câu nói của Nguyễn Tất Tố:

    "Vùng sông nước này tôi rất quen thuộc, biết được khi nào nước lên nước xuống. Nay muốn giặc vào bẫy, chỉ có cách là dùng thuyền nhỏ ra khiêu chiến, lựa đúng thời khắc thích hợp thì vờ thua rút chạy.

    Ngô Quyền định kế rồi, ông huy động nhân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến. Ông sai Dương Tam Kha chỉ huy quân lính cùng hàng ngàn nhân dân địa phương chặt hơn ba nghìn cây gỗ lớn, vót nhọn, bịt sắt rồi đóng xuống lòng sông trên một quãng dài 3 dặm, khi thuỷ triều lên, bãi cọc không bị lộ.

    Ngô Quyền còn bố trí các toán quân ẩn nấp, mai phục sẵn trên hai bên bờ và các nhánh sông nhỏ.

    4. Diễn biến trận chiến trên sông Bạch Bằng năm 938

    Vào một ngày cuối đông năm 938, đoàn binh thuyền do Hoàng Tháo chỉ huy rầm rộ vượt biển tiến vào cửa ngõ Bạch Đằng. Thấy quân địch vừa kéo vào cửa sông Bạch Đằng, Ngô Quyền cử Ngô Tất Tố cho một con thuyền nhỏ ra giữa sông khiêu chiến giặc, đánh giả thua để dụ quân Nam Hán đuổi theo, nhử địch vào sâu trong bãi cọc.

    Mọi chuyện đã diễn ra như dự đoán, ngay khi Nguyễn Tất Tố rút lui, tướng địch là Lưu Hoằng Tháo đã ngay lập tức thúc cho quân nhanh chóng đuổi theo sau.

    Quân ta cứ vừa đánh nhử vừa vờ thua, rút lui, đợi nước triều rút.

    (Mời các bạn đọc tiếp phần cuối ở bên dưới nhé ❤ ❤❤)
     
    Chỉnh sửa cuối: 1 Tháng bảy 2021
  4. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,892
    Nước triều bắt đầu rút, cọc bắt đầu nhô lên, Ngô Quyền trực tiếp chỉ huy quân từ ba phía (hai bên bờ và quân ẩn nấp ở các nhánh sông nhỏ) đánh ập vào các thuyền địch. Quân Nam Hán bị tấn công bất ngờ và quyết liệt, quân địch quay đầu chạy ra biển, nhưng không kịp vì nước triều rút xuống rất nhanh, bãi cọc ngầm dưới sông Bạch Đằng càng nhô lên cao, nhiều thuyền giặc bị cọc gỗ đâm thủng, va vào nhau rồi chìm xuống dòng sông. Quân Việt nhân cơ hội đó đánh dồn dập và giành chiến thắng. Giặc rối loạn tan vỡ, quân lính chết đuối quá nửa. Ngô Quyền thừa thắng đuổi đánh, bắt, giết được Hoằng Tháo cùng quá nửa quân địch.

    [​IMG]

    5. Kết quả trận chiến - Ngô Quyền xây dựng nhà nước tự chủ

    Cửa sông Bạch Đằng trở thành mồ chôn quân xâm lược.

    Nghe tin con trai - Hoằng Tháo tử trận, Lưu Cung kinh hoàng, đành thu nhặt số quân còn lại mà rút lui. Quân Nam Hán rút quân khỏi biên giới nước ta và từ bỏ giấc mộng xâm lăng.

    Ngày 10, tháng 1, năm kỷ hợi (ngày 1 tháng 2 năm 939), Ngô Quyền lên ngôi vua, xưng là Ngô Vương, xây dựng nhà nước tự chủ, trở thành vị vua sáng lập ra nhà Ngô.

    Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư gọi Ngô Quyền là Tiền Ngô Vương. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng: Mùa xuân, vua bắt đầu xưng vương, lập Dương thị làm hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục. Sách Việt sử tiêu án chép: Vương giết Công Tiễn, phá Hoằng Tháo, tự lập làm vua, tôn Dương thị làm Hoàng hậu, đặt đủ 100 quan, dựng ra nghi lễ triều đình, định các sắc áo mặc, đóng đô Cổ Loa thành, làm vua được 6 năm rồi mất.

    Về lãnh thổ, học giả Đào Duy Anh cho rằng các triều đại phong kiến đầu tiên của Việt Nam cai trị 8 châu: Giao, Lục, Phong, Trường, Ái, Diễn, Hoan, Phúc Lộc nằm trên đất Giao Châu cũ. Ngô Quyền chỉ có quyền lực ở các châu mà cư dân là con cháu của người Lạc Việt, tức miền trung du và miền đồng bằng Bắc bộ, vùng Thanh Nghệ; còn miền thượng du là các châu ky my (châu tự trị, chỉ phải cống nạp), của nhà Đường trước kia, do các tù trưởng nắm giữ mà độc lập.

    Những người thân cận, các tướng tá cùng các hào trưởng địa phương quy phục đã được nhà Ngô phong tước, cấp đất, như Phạm Lệnh Công ở Trà Hương (Nam Sách, Hải Dương), Lê Lương ở Ái châu, Đinh Công Trứ (cha của Đinh Bộ Lĩnh) ở Hoan Châu.

    Ngô Quyền chuyển kinh đô lên Cổ Loa thuộc Phong Châu (thuộc huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên cũ).

    6. Ý nghĩa của Chiến thắng Bạch Đằng năm 938

    Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng: Đánh dấu mốc son chói lọi chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên phát triển của quốc gia phong kiến độclập, tự chủ. Mặc dù triều đại ngắn ngủi, Ngô Quyền xứng đáng là Tổ Trung hưng thứ nhất, khôi phục lại truyền thống quốc gia.

    Có thể coi đây là trận toàn thắng của dân tộc ta trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hóa, giành lại độc lập dân tộc.

    7. Đánh giá công lao của Ngô Quyền

    - Ông là người lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng, chính thức kết thúc gần một ngàn năm Bắc thuộc, mở ra một thời kì độc lập lâu dài của Việt Nam.

    - Ông là vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam.

    - Ngô Quyền nằm trong danh sách mười bốn anh hùng dân tộc Việt Nam.

    - Phan Bội Châu xem ông là vị Tổ Trung hưng thứ nhất của Việt Nam (bậc tiền bối có công trung hưng cơ nghiệp của tổ tiên).

    - Là vua đứng đầu các vị vua - theo đánh giá của cuốn Đại Việt sử kí toàn thư

    - Ông thuộc top 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất của Việt Nam.

    Đánh giá về sự kiện này, sử thần Ngô Sĩ Liên viết: "Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương.. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được".

    Mặc dù, Ngô Quyền chỉ xưng vương mà chưa lên ngôi, đổi niên hiệu nhưng lịch sử đã ghi nhận ông là một vị vua chính thống với tài mưu giỏi mà đánh cũng giỏi. Nhờ chiến thắng Bạch Đằng, nước ta giành lại được độc lập, mở ra một thời kỳ xây dựng đất nước, kỷ nguyên của văn minh Đại Việt, văn hóa Thăng Long, kỷ nguyên phá Tống, bình Nguyên, đuổi Minh của các nhà Lý, Trần, Lê.

    Di tích lịch sử bãi cọc Bạch Đằng huyền thoại (Hải Phòng) và chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền là mốc son chói lọi của lịch sử Việt Nam, vang dang thế giới, là minh chứng cho tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất cũng như tài trí của cha ông ta. Đó là trang sử hào hùng mà mọi người dân Việt Nam cần ghi ơn.

    Chúc các bạn học tốt​

    Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết và cùng like bài viết của mình với nha. Thân ái. ❤❤❤
     
    Chỉnh sửa cuối: 1 Tháng bảy 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...