Trắc nghiệm Truyện Kiều: Phần Tác giả, tác phẩm

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 22 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Trắc nghiệm: "Truyện Kiều" – Ngữ văn 10 bao gồm hệ thống câu hỏi luyện tập từ cấp độ nhận thức, thông hiểu đến những câu hỏi yêu cầu tư duy cao hơn.. Giúp các em học sinh củng cố và khắc sâu kiến thức bài học, giúp giáo viên có thế kiểm tra được kiến thức tổng quát của học sinh.

    Các câu hỏi trong topic ôn tập này có thể được sử dụng để làm phiếu kiểm tra 15 phút, kiểm tra bài cũ, hoặc đưa vào các đề thi, kiểm tra giữa kì, cuối kì.

    Bài tập do tác giả biên soạn được đăng duy nhất trên dembuon.vn . Nếu xuất hiện ở những Web khác là sự sao chép mà chưa được cho phép.

    [​IMG]

    TRẮC NGHIỆM TRUYỆN KIỀU

    Phần khái quát tác giả, tác phẩm

    Câu 1. Năm sinh và mất của Nguyễn Du là:

    A. 1760 – 1820

    B. 1765 – 1820

    C. 1770 – 1830

    D. 1775 – 1830

    Câu 2. Hoàn cảnh xuất thân của Nguyễn Du:

    A. Xuất thân trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan.

    B. Xuất thân trong một gia đình nông dân.

    C. Xuất thân trong một gia đình trung lưu.

    D. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống yêu nước.

    Câu 3. Những yếu tố nào ảnh hưởng đến sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du:

    A. Môi trường quý tộc giúp Nguyễn Du hiểu sâu sắc hơn đời sống tầng lớp quý tộc phong kiến.

    B. Cuộc sống phong trần hơn 10 năm giúp Nguyễn Du hiểu rõ cuộc sống của nhân dân, học hỏi, nắm vững ngôn ngữ nghệ thuật dân gian.

    C. Nguyễn Du là người có hiểu biết sâu rộng, việc đi nhiều, làm việc ở nhiều nơi.. đã giúp Nguyễn Du có vốn sống phong phú. Bên cạnh đó, tri thức uyên bác đúc rút từ sách vở cũng là yếu tố quan trọng góp phần hình thành thiên tài Nguyễn Du.

    D. Cả A, B, C.

    Câu 4. Tác phẩm nào sau đây không phải thơ chữ Hán Nguyễn Du:

    A. Thanh Hiên thi tập

    B. Ức Trai thi tập

    C. Nam trung tạp ngâm

    D. Bắc hành tạp lục

    Câu 5. Nội dung thơ chữ Hán Nguyễn Du là:

    A. Ca ngợi, đồng cảm với các nhân cách cao thượng; phê phán những nhân vật phản diện;

    B. Phê phán xã hội phong kiến chà đạp quyền sống con người.

    C. Cảm thông với những thân phận nhỏ bé dưới đáy xã hội..

    D. Cả A, B, C.

    Câu 6. Tác phẩm nào sau đây không phải thơ chữ Nôm Nguyễn Du:

    A. Truyện Kiều B. Văn tế thập loại chúng sinh C. Truyện Lục Vân Tiên

    Câu 7. Những dòng dưới đây nói về tác phẩm nào?

    .. mượn cốt truyện 20 chương của Thanh Tâm Tài nhân (Kim Vân Kiều truyện), Nguyễn Du đã sáng tạo lại dưới hình thức truyện thơ, bổ sung vào đó những điều ông trăn trở về hiện thực cuộc sống của con người Việt Nam đương thời.

    A. Truyện Kiều B. Văn chiêu hồn C. Sở kiến hành D. Độc Tiểu Thanh kí.

    Câu 8. Dòng nào không khái quát nội dung "Truyện Kiều" :

    A. Tác phẩm là bài ca về tình yêu tự do, chung thủy, trong sáng, là giấc mơ công lí của con người Việt Nam thế kỉ XVIII – XIX.

    B. Tác phẩm là tiếng khóc về thân phận con người, là sự tôn vinh những khát vọng sống của con người, đặc biệt là người phụ nữ.

    C. Tác phẩm là bản cáo trạng lên án xã hội phong kiến chà đạp lên quyền sống, quyền hạnh phúc của con người.

    D. Tác phẩm thể hiện nỗi thương nhớ, trông mong, đợi chờ, nỗi buồn cô đơn, vất vả, dài dằng dặc của người vợ trẻ có chồng đi chinh chiến miền xa.

    Câu 9. Dòng nào không khái quát nghệ thuật "Truyện Kiều" :

    A. Sử dụng thể thơ song thất lục bát với âm điệu triền miên da diết góp phần biểu đạt thành công tâm trạng nhân vật.

    B. Thể loại truyện thơ: Kết hợp cả hai thế mạnh tự sự và trữ tình.

    C. Ngôn ngữ giàu giá trị biểu đạt, biểu cảm và thẩm mĩ, kết hợp ngôn ngữ bình dân và ngôn ngữ bác học.. góp phần tôn vinh giá trị và khả năng biểu cảm của ngôn từ tiếng Việt.

    D. Nghệ thuật dẫn truyện và nghệ thuật tả cảnh ngụ tình tinh tế, độc đáo

    Câu 10. Giá trị nhân đạo của "Truyện Kiều" không thể hiện ở phương diện nào?

    A. Ngợi ca vẻ đẹp của con người: Vẻ đẹp ngoại hình, tài năng, đức hạnh; đề cao phẩm chất, nhân cách của các nhân vật lí tưởng.

    B. Lên án, tố cáo tất cả những thế lực chà đạp lên quyền sống con người.

    C. Cảm thông với thân phận của những con người có cốt cách thanh cao bị xã hội vùi dập như Khuất Nguyên, Đào Tiềm.

    D. Là tiếng nói thương cảm trước số phận bi kịch con người. Đề cao tài năng, nhân phẩm và khát vọng chân chính của con người.

    Câu 11. "Truyện Kiều" còn có tên gọi khác là:

    A. Kiều B. Kim Vân Kiều truyện C. Đoạn trường tân thanh D. Kim Kiều tân truyện.

    Câu 12. Sắp xếp các phần của "Truyện Kiều" theo trình tự:

    A. Gặp gỡ và đính ước - đoàn tụ - gia biến và lưu lạc

    B. Gặp gỡ và đính ước - gia biến và lưu lạc - đoàn tụ

    C. Đoàn tụ - gia biến và lưu lạc - gặp gỡ và đính ước

    D. Gia biến và lưu lạc - gặp gỡ và đính ước - đoàn tụ.

    Câu 13. "Truyện Kiều" được viết theo thể thơ nào:

    A. Song thất lục bát

    B. Nôm Đường luật

    C. Lục bát

    D. Tự do

    Câu 14. Nhan đề "Truyện Kiều" là do:

    A. Nhân dân đặt

    B. Người soạn sách đặt

    C. Nguyễn Du đặt

    D. Anh trai Nguyễn Du là Nguyễn Khản đặt

    Câu 15. Nhận định: "Truyện Kiều" đã vượt lên trên sự kể chuyện giản đơn để trở thành tiểu thuyết bằng thơ cần phải hiểu như thế nào cho đúng:

    A. Giá trị chủ yếu và quan trọng của "Truyện Kiều" không phải ở kể chuyện mà ở bộc lộ cảm xúc.

    B. Giá trị chính của "Truyện Kiều" là ở chỗ dùng lối kể chuyện bằng thơ.

    C. Tầm vóc của "Truyện Kiều" vượt trội hẳn tầm vóc của "Kim Vân Kiều truyện"

    D. "Truyện Kiều" đã đạt đến sự điêu luyện hài hòa giữa tự sự với trữ tình, kể chuyện với miêu tả tâm lí nhân vật.

    Câu 16. "Truyện Kiều" của Nguyễn Du đã đưa:

    A. Thể thơ lục bát và ngôn ngữ văn học đã đạt tới đỉnh cao nghệ thuật.

    B. Nghệ thuật xây dựng nhân vật đã đạt tới đỉnh cao nghệ thuật.

    C. Nghệ thuật dẫn truyện đạt tới đỉnh cao nghệ thuật.

    D. Truyện thơ đạt tới đỉnh cao nghệ thuật.

    Câu 17. Những câu đầu "Truyện Kiều", Nguyễn Du viết: Trải qua một cuộc bể dâu/Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

    Cuộc bể dâunhững điều trông th ấy ấy có nghĩa gì?

    A. Cuộc bể dâu chính là hình ảnh của sự thay đổi, sự biến chuyển nhanh chóng của cuộc đời; những điều trông thấy là hiện thực cuộc sống nhiều bất công, ngang trái mà Nguyễn Du đã chứng kiến.

    B. Cuộc bể dâu là hình ảnh bãi biển, nương dâu; những điều trông thấy là những bất hạnh trong cuộc đời thúy kiều.

    C. Cuộc bể dâu là hình ảnh bãi biển, nương dâu; những điều trông thấy là những bất công trong xã hội.

    D. Cuộc bể dâu là những thay đổi trong thế giới tự nhiên (bãi biển thành nương dâu) ; những điều trông thấy là những bất công trong xã hội.

    Câu 18. Dòng nào không phải là nhận định về "Truyện Kiều" :

    A. "Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn đứt ruột.." (Tiên Phong Mộng Liên Đường Chủ Nhân)

    B. "Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn" (Chế lan Viên)

    C. "Hồn Nguyễn Du phảng phất mỗi trang Kiều" (Khuyết danh)

    D. ".. trang nào cũng có những nhân vật chính hoặc phụ đang đối diện với cái chỗ kiệt cùng với đời sống con người để rồi từ đó bắt buộc người ta phải bộc lộ mình ra, trước hết là tâm lí, nhân cách rồi tiếp đến sau cùng là cái nỗi đau khôn nguôi của con người" (Nguyễn Minh Châu).

    Câu 19. Nguyên nhân chính khiến "Truyện Kiều" trở nên nổi tiếng hơn so với truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, được nhiều người ưa chuộng và được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau là:

    A. Do Nguyễn Du là tác giả nổi tiếng.

    B. Do Nguyễn Du viết lại bằng thơ, viết dài hơn truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.

    C. Do "Truyện Kiều" thể hiện sự sáng tạo vượt bậc so với truyện của Thanh Tâm Tài Nhân: Hình thức kết hợp tự sự - trữ tình, tính cách nhân vật nhất quán, miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, đưa thiên nhiên vào tác phẩm..

    D. Do "Truyện Kiều" sáng tác sau nên được nhiều người biết đến hơn.

    Câu 20. Một nước không thể không có quốc túy, Truyện Kiều là quốc túy của ta; một nước không thể không có quốc hoa, Truyện Kiều là quốc hoa của ta; một nước không thể không có quốc hồn, Truyện Kiều là quốc hồn của ta. Nhận định trên là của ai?

    A. Tố Hữu

    B. Phạm Quỳnh

    C. Hoài Thanh

    D. Vũ Ngọc Phan

    GỢI Ý ĐÁP ÁN:

    1B; 2A; 3D; 4B; 5D; 6C; 7A; 8D; 9A; 10C

    11C; 12B; 13C; 14A; 15D; 16A; 17A; 18D; 19C; 20B
     
    Chỉnh sửa cuối: 29 Tháng ba 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...