Trắc nghiệm Bài học đường đời đầu tiên – Ngữ văn 6 Bài tập Trắc nghiệm Bài học đường đời đầu tiên bao gồm hệ thống câu hỏi luyện tập từ cấp độ nhận thức, thông hiểu đến những câu hỏi yêu cầu tư duy cao hơn.. giúp các em học sinh củng cố và khắc sâu kiến thức bài học, giúp giáo viên có thế kiểm tra được kiến thức tổng quát của học sinh. Ngoài các bài tập tự luận, hệ thống câu hỏi trắc nghiệm còn khiến các em hứng thú hơn với giờ học. Các câu hỏi trong topic bài tập này có thể được sử dụng để làm phiếu kiểm tra 15 phút, kiểm tra bài cũ, hoặc đưa vào các đề thi, kiểm tra giữa kì, cuối kì. Bài tập do tác giả biên soạn được đăng duy nhất trên dembuon.vn. Nếu xuất hiện ở những Web khác là sự sao chép mà chưa được cho phép. Câu 1. Đoạn trích "Bài học đường đời đầu tiên" trích từ tác phẩm nào? A. Dế Mèn phiêu lưu kí B. Hoàng Tử bé C. Gió lạnh đầu mùa. D. Bắt nạt Câu 2. "Bài học đường đời đầu tiên" của tác giả nào? A. Thạch Lam B. Nguyễn Nhật Ánh C. Tạ Duy Anh D. Tô Hoài Câu 3. "Bài học đường đời đầu tiên" thuộc thể loại nào? A. Truyện cổ tích B. Truyện ngụ ngôn C. Truyện đồng thoại D. Truyện thần thoại. Câu 4. Truyện được kế bằng ngôi kể nào? Dấu hiệu nhận biết? A. Ngôi kể thứ nhất, nhân vật xưng tôi. B. Ngôi kể thứ ba, nhân vật giấu mình đi. C. Kết hợp giữa ngôi kể thứ nhất và ngôi kể thứ ba. Câu 5. Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ. Những ngọn cỏ gẫy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua. Đôi cánh tôi, trước kia ngắn hủn hoẳn, bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi. Mỗi khi tôi vũ lên, đã nghe tiếng phành phạch giòn giã. Những câu văn trích trên xuất hiện mấy từ láy? A. 2 từ láy B. 3 từ láy C. 4 từ láy D. 5 từ láy. Câu 6. Tác dụng của những từ "phanh phách", "phành phạch" xuất hiện trong các câu văn trên là gì? A. Giúp nhấn mạnh tính cách kiêu căng, ngạo mạn của Dế Mèn. B. Giúp nhấn mạnh sự nhanh nhẹn, cường tráng, khỏe mạnh của Dế Mèn. C. Giúp nhấn mạnh sự ân hận của Dế Mèn. D. Giúp nhấn mạnh bài học sâu sắc của Dế Mèn. Câu 7. Những cụm từ sau: "Những chiếc vuốt", "các ngọn cỏ", "những ngọn cỏ", "cái áo dài" trong đoạn văn trên thuộc loại cụm từ nào sau đây: A. Cụm danh từ B. Cụm động từ C. Cụm tính từ. Câu 8. Câu văn: " Những ngọn cỏ gẫy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua." sử dụng biện pháp tu từ nào trong các biện pháp tu từ sau: A. Nhân hóa B. So sánh C. Ẩn dụ D. Điệp ngữ. Câu 9. Tôi đi đứng oai vệ. Mỗi bước đi, tôi làm điệu dún dẩy các khoeo chân, rung lên rung xuống hai chiếc râu. Cho ra kiểu cách con nhà võ. Tôi tợn lắm. Dám cà khịa với tất cả mọi bà con trong xóm. Khi tôi to tiếng thì ai cũng nhịn, không ai đáp lại. Bởi vì quanh quẩn, ai cũng quen thuộc mình cả. Không nói, có lẽ họ nể hơn là sợ. Nhưng tôi lại tưởng thế là không ai dám ho he. Ấy vậy, tôi cho là tôi giỏi. Những gã xốc nổi thường lầm cử chỉ ngông cuồng là tài ba. Tôi đã quát mấy chị Cào Cào ngụ ngoài đầu bờ, khiến mỗi lần thấy tôi đi qua, các chị phải núp khuôn mặt trái xoan dưới nhánh cỏ, chỉ dám đưa mắt lên nhìn trộm. Thỉnh thoảng, tôi ngứa chân đá một cái, ghẹo anh Gọng Vó lấm láp vừa ngơ ngác dưới đầm lên. Tôi càng tưởng tôi là tay ghê gớm, có thể sắp đứng đầu thiên hạ rồi. Đoạn văn trên miêu tả tính cách nào sau đây của Dế Mèn: A. Dũng cảm, làm được những việc không ai dám làm. B. Vui vẻ, dễ gần, thích đùa vui với người khác. C. Kiêu căng, hống hách, không coi ai ra gì. D. Tốt bụng, cởi mở, biết giúp đỡ người khác. Câu 10. Những từ ngữ miêu tả hành động của Dế Mèn trong đoạn văn trên (câu 9) là: A. Bướng, hãnh diện, trịnh trọng, khoan thai, oai vệ, tợn, ghê gớm.. B. Đạp phanh phách, vũ lên phành phạch, nhai ngoàm ngoạp, trịnh trọng vuốt râu, cà khịa, quát nạt, đá ghẹo. C. Tôi tợn lắm, tôi cho là tôi giỏi, tôi tưởng. D. Ngông cuồng, tài ba.. Câu 11. Những từ ngữ trịnh trọng vuốt râu, cà khịa, quát nạt, đá ghẹo thường được dùng để miêu tả hành động của con người, nhưng được nhà văn sử dụng để miêu tả loài Dế - nhà văn đã sử dụng biện pháp tu từ nào? A. So sánh B. Ẩn dụ C. Điệp ngữ D. Nhân hóa. Câu 12. Bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn có liên quan chủ yếu đến nhân vật nào sau đây: A. Dế Choắt B. Chị Cốc C. Mấy chị Cào Cào D. Anh Gọng Vó. Câu 13. [..] người gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện. Đã thanh niên rồi mà cánh chỉ ngắn củn đến giữa lưng, hở cả mạng sườn như người cởi trần mặc áo gi-lê. Đôi càng bè bè, nặng nề, trông đến xấu. Râu ria gì mà cụt có một mẩu và mặt mũi thì lúc nào cũng ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Đã vậy tính nết lại ăn xổi ở thì (thật chỉ vì ốm đau luôn, không làm được), có một cái hang ở cũng chỉ bới nông sát mặt đất, không biết đào sâu rồi khoét ra nhiều ngách như hang tôi. Đoạn văn trên miêu tả nhân vật nào? A. Chị Cốc B. Dế Choắt C. Bọ ngựa D. Dế Trũi Câu 14. - Sao chú mày sinh sống cẩu thả quá như thế! Nhà cửa đâu mà tuềnh toàng. Ngộ có kẻ nào phá thì thật chú chết ngay đuôi! Này thử xem: Khi chú chui vào tổ, lưng chú phải lồm cồm đụng sát lên tận mặt đất, làm cho ai trên vệ cỏ nhìn sang cũng biết chú đương đi đứng chỗ nào trong tổ. Phỏng thử có thằng chim Cắt nó nhòm thấy, nó tưởng mồi, nó mổ một phát, nhất định trúng giữa lưng chú, thì chú có mà đi đời! Ôi thôi, chú mày ơi! Chú mày có lớn mà chẳng có khôn. Câu nói trên là của ai nói với ai, thể hiện thái độ gì? A. Dế Choắt nói với Dế Mèn, thể hiện thái độ phê bình. B. Dế Mèn nói với Dế Choắt, thể hiện thái độ chê bai, coi thường. C. Chị Cốc nói với Dế Choắt, thể hiện thái độ chê trách. D. Chị Cốc nói với Dế Mèn, thể hiện thái độ chê trách. Câu 15. Dế Choắt nhờ Dế Mèn giúp làm gì? A. Dế Choắt nhờ Dế Mèn trêu tức chị Cốc. B. Dế Choắt nhờ Dế Mèn đào tổ khác. C. Dế Choắt nhờ Dế Mèn đào thông ngách sang nhà Dế Mèn. D. Dế Choắt nhờ Dế Mèn cho sang ở nhờ những khi nguy hiểm. Câu 16. Khi Dế Choắt đề nghị Dế Mèn giúp đỡ, Dế Mèn đã có thái độ như thế nào? A. Dế Mèn nhiệt tình giúp đỡ Dế Choắt B. Dế Mèn giúp đỡ Dế Choắt nhưng không đến nơi đến chốn. C. Dế Mèn từ chối lời đề nghị cần giúp đỡ của Choắt D. Dế Mèn nói sẽ giúp Dế Choắt khi có thời gian. Câu 17. Trong lời Dế Mèn nói với Dế Choắt: "Thôi, im cái điệu hát mưa dầm sùi sụt ấy đi!" có cụm từ "điệu hát mưa dầm sùi sụt", nghĩa của cụm từ này trong câu là gì? A. Mưa kéo dài nhiều ngày không dứt giống như điệu hát buồn. B. Điệu hát nhỏ, kéo dài, buồn, ngậm ngùi, thê lương. C. Điệu hát có hình ảnh mưa dầm sùi sụt. D. Điệu hát cất lên đúng vào lúc mưa dầm sùi sụt. Câu 18. Khi Dế Mèn có ý định trêu chọc chị Cốc, Dế Choắt đã can ngăn Dế Mèn, thái độ của Dế Mèn như thế nào? A. Dế Mèn chê bai sự nhút nhát của Dế Choắt. B. Dế Mèn khích lệ Dế Choắt phải dũng cảm lên. C. Dế Mèn nghe lời Dế Choắt, không trêu chị Cốc nữa. D. Dế Mèn bỏ ngoài tai những lời khuyên của Dế Choắt, vì Dế Mèn không sợ ai ngoài chính mình. Câu 19. Núp tận đáy đất mà tôi cũng khiếp, nằm im thin thít. Biết chị Cốc đi rồi, tôi mới mon men bò lên. Các câu văn trên cho thấy thái độ gì của Dế Mèn sau khi trêu chị Cốc? A. Sợ hãi, hèn nhát B. Ngạo mạn, hung hăng C. Bình tĩnh, thản nhiên D. Lo sợ, thương cho Dế Choắt. Câu 20 . Sau khi bày trò trêu chị Cốc, gây ra cái chết cho Dế Choắt, Dế Mèn cảm thấy như thế nào? A. Dế Mèn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. B. Dế Mèn thương bạn, hối hận và suy nghĩ về thái độ, hành động sai lầm đúng của mình, từ đó Dế Mèn rút ra bài học đường đời đầu tiên cho mình. C. Dế Mèn cảm thấy đáng đời cho Dế Choắt, vì ăn ở tuềnh toàng, không chịu đào tổ sâu. D. Dế Mèn cảm thấy có lỗi nhưng với bản tính kiêu căng nên quên ngay cái chết của Dế Choắt. Câu 21. Sau Cái chết của Dế Choắt, Dế Mèn thay đổi như thế nào? A. Biết suy nghĩ chín chắn hơn, không còn kiêu căng, xốc nổi như trước. B. Biết "sợ" những kẻ khỏe mạnh hơn mình. C. Biết lo cho chính mình, nghĩ mình phải trở thành kẻ mạnh thì sẽ không bị ức hiếp. D. Chăm chỉ luyện tập để trở nên mạnh nhất. Câu 22. Đâu không phải là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Dế Choắt? A. Do Dế Choắt bị hiểu lầm, bị đánh oan. B. Do sự dại dột, làm việc hống hách không cần biết đến hậu quả của Dế Mèn. C. Do Dế Choắt ốm yếu, không chịu được đòn đau. D. Do Dế Choắt trêu chọc chị Cốc nên bị chị trừng trị. Câu 23. Từ những trải nghiệm đáng nhớ, Dế Mèn đã rút ra được bài học gì? A. Không nên yếu đuối để dễ bị bắt nạt B. Không nên ăn ở tuềnh toàng, cẩu thả. C. Không nên kiêu căng, coi thường người khác, không nên xốc nổi để rồi hành động điên rồ. D. Không nên trêu chọc những người to lớn, khỏe mạnh hơn mình. Câu 24. Ý nghĩa của "Bài học đường đời đầu tiên" là gì? A. Qua câu chuyện của Dế Mèn, "Bài học đường đời đầu tiên" giúp chúng ta nhận thức được rằng: Tính kiêu căng của tuổi trẻ có thể làm hại đến người khác, khiến người ta phải ân hận suốt đời. B. Qua câu chuyện của Dế Mèn, "Bài học đường đời đầu tiên" giúp chúng ta nhận thức được rằng: Những kẻ yếu đuối thì không tự bảo vệ được mình, nên cần phải mạnh mẽ hơn. C. Qua câu chuyện của Dế Mèn, "Bài học đường đời đầu tiên" giúp chúng ta nhận thức được ý nghĩa của tình bạn: Tình bạn sẽ giúp cho con người trở nên gắn bó với nhau. Đồng thời, mỗi người còn tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc trong cuộc sống nhờ có tình bạn. D. Qua câu chuyện của Dế Mèn, "Bài học đường đời đầu tiên" giúp chúng ta nhận thức được rằng: Tình bạn được xây dựng dựa trên cơ sở của sự sẻ chia, quan tâm, thấu hiểu và kiên nhẫn. Câu 25. Nét đặc sắc về mặt nghệ thuật của "Bài học đường đời đầu tiên" là: A. Thể thơ 5 chữ kết hợp các biện pháp tu từ: Điệp từ, so sánh.. lối thơ trong trẻo, tươi vui, hóm hỉnh.. B. Sử dụng hình ảnh các con vật giàu chất trữ tình mang ý nghĩa biểu tượng. C. Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, đan xen giữa yếu tố thật và huyền ảo với các tình tiết diễn biến hợp lí. D. Cách kể chuyện theo ngôi thứ nhất tự nhiên, hấp dẫn. Nghệ thuật miêu tả loài vật sinh động, đặc sắc. Ngôn ngữ chính xác, giàu tạo hình Đáp án: Bấm để xem 1A; 2D; 3C; 4A; 5D; 6B; 7A; 8B; 9C; 10B 11D; 12A; 13B; 14B; 15C; 16C; 17B; 18D 19A; 20B; 21A; 22D; 23C; 24A; 25D.