Bạn đang ở ngưỡng cửa của cuộc đời, với khao khát bước chân vào cánh của của trường luật hay đang là một sinh viên luật trên ghế giảng đường và thậm chí đang công tác trong lĩnh vực pháp lý thì những cuốn sách sau sẽ luôn là những cuốn sách thân thiết của bạn mỗi ngày. 1. Luật 101 – Mọi điều bạn cần biết về pháp luật Hoa Kỳ Tác giả: Jay M, Feinman Cuốn sách được trình bày theo dạng hỏi –đáp, nhờ vậy sẽ hình thành cho bạn kỹ năng tư duy pháp lý, một kỹ năng cần thiết của các luật gia. Jay M. Feinman đưa ra những vụ kiện đã trở thành án lệ của Hoa Kỳ để bình luận những vấn đề pháp lý liên quan dưới góc nhìn của một giáo sư luật. Đó làcái nhìn tổng quát và cập nhật đầy đủ về hệ thống pháp luật Hoa Kỳ, bao gồm tư liệu mới về các vụ kiện được Tòa án Tối cao Hoa Kỳ xét xử năm 2009, khía cạnh pháp lý về cuộc chiến chống khủng bố và những tiến triển gần đây nhất của luật về Internet. 2. Tư duy pháp lý của Luật sư Tác giả: Luật sư Nguyễn Ngọc Bích Phiên bản cũ là cuốn "Tài ba của Luật sư", năm 2015 được tác giả bổ sung và NXB Trẻ tái bản. Cuốn sách theo mình là rất hữu ích đối với những người học luật và làm luật. Đây không phải là cuốn sách kiểu cung cấp kiến thức luật mà là cuốn sách dạy cách tư duy luật để sao tìm ra được vấn đề và giải quyết nó. Đọc cuốn sách bạn sẽ học được cách tư duy pháp lý là như nào, cách đi tìm câu hỏi mấu chốt cho từng sự kiện ra sao để từ đó ứng dụng pháp luật vào sự kiện của bạn. 3. Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào? Tác giả: Nguyễn Cảnh Bình Tác giả Nguyễn Cảnh Bình viết "Hiến pháp Mỹ là bản hiến pháp nổi tiếng nhất và lâu đời nhất với trên 200 năm lịch sử, trong khi các bản Hiến pháp hiện nay của Pháp, Đức, Nhật, Nga đều là những bản Hiến pháp mới mẻ và có thời gian tồn tại chưa lâu. Tôi muốn hiểu tại sao và do đâu nước Mỹ lại có được sự ổn định đó?" Bạn cũng sẽ biết câu trả lời khi đọc cuốn sách này. Cuốn sách bao gồm những mẩu chuyện hấp dẫn về quá trình soạn thảo Hiến pháp, về những cuộc tranh luận cực kỳ gay go và nan giải trong quá trình soạn thảo bản Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787, những bức thư đầy tính nhân bản và trách nhiệm của những người tham dự Hội nghị lập hiến. Đặc điểm của cuốn sách này là không chỉ trình bày những luận điểm hậu thuẫn cho việc thành lập ra Nhà nước Liên bang với tên gọi Hợp chúng quốc Hoa Kỳ như hiện nay mà cả những luận điểm chống lại sự hình thành này, đó là những điều chúng ta chưa hoặc là rất ít có điều kiện biết đến. 4. Bàn về Khế ước xã hội Tác giả: J. J. Rousseau Mặc dù lúc mới xuất bản thì tác phẩm này đã bị chính quyền xếp vào danh mục các tác phẩm nguy hiểm và tác giả của nó phải chịu kiếp sống lưu vong. Tuy vậy những tư tưởng của tác phẩm đã tạo ra sự chuyển biến lớn lao trong xã hội Pháp bấy giờ, đặc biệt tác phẩm này đã trở thành tư tưởng dẫn đường cho cuộc Đại Cách mạng Pháp 1789. Rousseau viết "Con người ta sinh ra tự do nhưng đâu đâu cũng sống trong xiềng xích", trong trạng thái tự nhiên tất cả đều bình đẳng và hài hòa nhưng con người đã thoát ra khỏi trạng thái tự nhiên như các động vật khác để trở thành con người trong xã hội dân sự vì vậy chúng ta cần khế ước xã hội. Với mình, đây là một cuốn sách khá khó đọc với nhiều vấn đề lớn lao và hóc búa của chính trị nên khi đọc cần tập trung và nghiền ngẫm thật kỹ mới diễn dịch được tư duy của tác giả. 5. Bàn về Tinh thần pháp luật Tác giả: Montesquieu Montesquieu là cha đẻ của tam quyền phân lập, vì vậy, cuốn sách trình bày những nguyên nhân quyết định nền pháp lý cho mỗi quốc gia; trình bày sự phù hợp cần thiết giữa luật lệ và chế độ cai trị của một nước; trình bày những quan hệ giữa các luật lệ với nhau. Đây là một trong những tác phẩm vĩ đại trong lịch sử triết học chính trị và trong lịch sử luật học. Bên cạnh luật học tác giả còn diễn giải rất nhiều khía cạnh đi kèm trong mặt đời sống chính trị cũng như tập quán.. Điểm hạn chế duy nhất là cuốn sách gốc dày hơn 1000 trang nhưng khi dịch ở Việt Nam chỉ xuất bản phiên bản 300 trang, để phù hợp với tình hình chính trị Việt Nam nên nếu bạn nào có thể đọc trọn vẹn bằng tiếng Pháp thì đó sẽ là một trải nghiệm thú vị