Truyện Ngắn Tuyển Tập Hồ Huy Sơn

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Phan Kim Tiên, 30 Tháng tám 2021.

  1. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,077
    Một đêm rã rời

    Dễ cũng hơn mười một giờ. Đà Lạt về khuya càng lạnh. Anh bước ra khỏi phòng trà, lòng đầy khoan khoái. Taxi đỗ sẵn ngay bên cạnh, anh mở cửa rồi lên xe, nói địa chỉ nơi mình cần đến.

    Lúc yên vị ở băng ghế sau, anh bắt đầu nghĩ về đêm nhạc.

    Đúng như lời giới thiệu của người bạn, anh cảm thấy hài lòng với đêm nhạc tối nay. Phòng trà nằm trên đồi, được đặt tên theo một bài hát từ thời tiền chiến. Bốn giọng ca chưa thể xếp vào hàng xuất sắc nhưng dù sao vẫn cho người nghe cảm giác dễ chịu. Đặc biệt, anh dành nhiều thiện cảm cho nam ca sĩ duy nhất – hình như là "vơ-đét" của phòng trà, với giọng hát truyền cảm, cách trò chuyện duyên dáng. Thực ra, giữa buổi anh thấy hơi khó chịu khi phát hiện ra anh ta có kiểu vừa hát vừa nhai miệng, một đôi lần anh lại thấy hao hao cách hát của một nam ca sĩ đã thành danh. Bất chợt anh mỉm cười khi nhận ra sự khó chịu đến phi lý của mình. Thảy là do bệnh nghề nghiệp mà ra! Anh khẽ cười với ý nghĩ vừa rồi.

    Xe về đến khách sạn. Anh xuống xe, trả tiền rồi đi vào nhận chìa khóa phòng. Thủ tục diễn ra nhanh chóng vì anh đã nhận phòng từ lúc chiều. Kể ra, ở Đà Lạt mà đi ngủ lúc này cũng hơi sớm, nhất là anh còn chưa ghé khu chợ đêm, như mọi chuyến đi trước. Nhưng anh không cảm thấy tiếc nuối vì chờ anh sáng mai là cuộc hẹn mà phải vất vả lắm mới có được. Đó là một Việt kiều, ông vừa về nước khoảng chừng hai tháng và quyết định chọn Đà Lạt làm nơi sống phần đời còn lại. Bây giờ, khi đã không còn phải vướng bận bởi điều gì, ông muốn viết một cuốn tự truyện ghi lại quãng đời của mình.

    Không biết bằng cách nào đó, sếp anh biết đến câu chuyện này. Và trong mắt sếp, đây sẽ là thương vụ béo bở. Bởi vậy, sếp muốn anh lên tiếp cận, thậm chí nếu cần thiết anh sẽ là người chấp bút cho cuốn tự truyện này. Anh hiểu được sự tin cẩn của sếp, và biết đâu đây sẽ là cơ hội để anh rũ bỏ chức phó phòng biên tập, để lên làm trưởng phòng nhà xuất bản. Bởi vậy, anh không cho phép mình mắc phải một sai sót nào, kể cả đi trễ một phút.

    Vệ sinh cá nhân xong, anh lên giường cuộn mình trong chăn. Theo thói quen, anh mở ba lô, lấy ra cuốn sách đang đọc dở. Trong ba lô của anh luôn dành chỗ cho một cuốn sách nào đó. Lần này, anh mang theo Hai cuốn nhật ký, tiểu thuyết của nhà văn người Nhật Tanizaki Junichiro.

    Anh nằm xuống giường, vừa háo hức vừa tò mò. Lúc chiều, khi di chuyển trên xe, anh tranh thủ đọc được một chút, dù vậy anh nghĩ mình đã dự phần vào cuộc sống của đôi vợ chồng có phần kỳ lạ và quái đản kia, bằng hai cuốn nhật ký mà họ viết ra. Anh nghĩ phải dành lời khen ngợi cho tác giả dù nếu còn sống, có thể ông cũng không cần đến lời khen của anh. Nhưng quả thực, ông quá tài tình. Sự tài tình đạt đến độ khiến anh từng được xem là bà đỡ mát tay cho khá nhiều tác phẩm bán chạy, cũng bị cuốn theo câu chuyện mà tuyệt nhiên khi mở sách ra, anh không thể nào không tin.

    Lấy ra chiếc bookmark đặt xuống bên cạnh, anh tiếp tục từ trang sách đọc dở lúc chiều. Khi tâm trí anh thực sự dồn vào cuốn sách, đột nhiên có tiếng người nói chuyện điện thoại ngoài hành lang. Anh cảm giác như có một bàn tay thô bạo lôi tuột mình ra khỏi sự tập trung ấy. Đêm khuya, tiếng nói dội vào tường càng trở nên âm vang hơn. Công việc của anh luôn đòi hỏi sự tập trung cao độ. Việc đọc sách cũng vậy. Bất kỳ một âm thanh nào cũng khiến anh khó chịu và bị văng ra khỏi công việc đang làm.

    Anh buông sách, hy vọng sự cố này chỉ xảy ra trong một vài phút, sau đó anh sẽ tiếp tục với cuốn sách của mình. Anh đặt cuốn sách lên bụng, nằm đợi. Nhưng càng đợi tiếng nói ấy càng vang ngân, say sưa như không thể ngừng lại được. Anh bắt đầu cảm thấy bực bội. Qua giọng nói ồm ồm, anh đoán đó là một người đàn ông, tướng vóc khỏe mạnh và cao lớn.

    Thực tình anh cũng không quan tâm đó là người như thế nào, đang nói chuyện gì, chỉ thấy bực mình vì người đó nói chuyện quá to. Dù đã sử dụng đến liệu pháp tinh thần nhưng tâm trí anh vẫn bị bám riết bởi tiếng nói chuyện ngoài kia. Hệ quả là nãy giờ, anh vẫn chưa đọc được trang sách nào.

    Dường như không thấy phản ứng từ bên trong, người đàn ông xa lạ đã bỏ đi. Lúc này, anh cảm thấy không còn tha thiết với việc đọc sách, mà chỉ thực sự muốn ngủ.

    Anh đếm từ 1 đến 100 hòng vỗ về giấc ngủ của mình nhưng lúc này, anh không làm sao nhắm mắt nổi. Có gì đó đã tan vỡ trong anh khi nhìn thấy một phiên bản khác của mình. Là mình đó mà xa lạ như không là mình. Dưới anh có gần chục nhân viên, trong mắt họ, anh luôn là một "sếp" nghiêm cẩn, khí khái. Nhưng hôm nay thì anh nhận ra đằng sau hình ảnh đó là một con người hèn nhát, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ.

    Kể từ lúc đó, những ý nghĩ trong đầu anh va vào nhau, lao xao. Đôi mắt anh trân trân nhìn lên trần nhà. Giấc ngủ đã rời bỏ anh, dành chỗ cho những ý nghĩ không đầu không cuối, nhưng lại khiến anh rã rời.

    HỒ HUY SƠN
     
    Chỉnh sửa cuối: 19 Tháng mười 2022
  2. Đăng ký Binance
  3. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,077
    Làm dâu

    Bữa cơm đầu tiên đón chị dâu. Cả nhà ngồi đông đủ bên mâm cơm, nét mặt hớn hở. Chị dâu chậm rãi gắp những miếng thịt xào cùng su hào khô được mẹ phơi từ mấy tháng trước rồi ăn ngon lành, thỉnh thoảng buông bát để xới cơm cho anh trai. Phía bên kia nồi, mẹ cũng ăn chậm rãi nhưng nét mặt hình như không vui. Có vẻ như những ngày chạy vạy lo cho đám cưới của anh trai đã làm mẹ xuống sức một phần. Đến khi cha đưa bát bảo mẹ xới cơm, mẹ mới giật mình, cuống cuồng đặt bát mình xuống. Hôm nay anh trai là người vui nhất. Từ nay, chẳng còn phải nằm một mình, mùa đông đến cũng chẳng sợ lạnh!

    Bà nội bế anh Hưng, là con trai bác cả sang chơi, vừa lúc cha và mẹ đang ăn cơm. Anh Hưng bỗng nhiên khóc ngằn ngặt, cứ giãy giụa mãi khiến bà nội mệt đứt hơi. Ánh mắt bà nội lúc ấy thật tội nghiệp, vừa có gì đó hững hờ lại như van vỉ. Mẹ biết ý, vội vã bảo bà nội bế anh Hưng cùng vào ăn cơm. Bữa cơm có cá đồng kho khế. Hầu như ngày nào cũng được ăn. Mẹ là người sát cá nhất làng. Cứ mỗi lần hợp tác xã tháo cống, mẹ lại mang giỏ đi kiếm cá. Kiểu gì hôm ấy cũng được một bữa cá no nê.

    Anh Hưng ăn láo liết. Như thể bị bỏ đói mấy hôm rồi. Bà nội thì ăn chậm rì nhưng nhìn ngon không thể tả. Cha và mẹ bữa ấy, mỗi người nhịn một bát nhưng cũng không còn cảm giác đói. Mãi sau, bà nội mới chậm chạp từng câu. Bà nói mà như mếu, nhà anh chị mày sắp hết lúa rồi. Mấy bữa nay toàn ăn cơm độn khoai, có bữa phải ăn củ dong thay cơm. Thằng Hưng không chịu ăn, khóc mướt. Bà nội nói xong rồi đưa ống tay áo lên chậm chậm nước mắt. Cha không nói gì, cứ để mặc những làn khói đùng đục, trắng trắng bay lên. Mùi thuốc lào nồng nặc. Rồi cha ho. Có lẽ vì sặc thuốc. Mẹ để mâm cơm chưa kịp dọn, còn vương vãi xương cá, cơm rơi rồi vào buồng đong cho bà bốn bát gạo, loại bát năm lạng. Bà nội chối đây đẩy. Nhìn kiểu từ chối của bà nội mới thật tội nghiệp làm sao! Đôi bàn tay của bà run run. Bà dúi túi gạo về phía mẹ, nhưng kiểu dúi của bà mới nhẹ nhàng, dè dặt quá chừng. Cứ như, bà sợ chỉ một tích tắc thôi, túi gạo ấy sẽ trở về bên mẹ ngay tức khắc. Nhưng mẹ lấy lại làm gì. Dù sao thì cũng là ruột thịt cả. Chỉ ngặt nỗi, bác cả lại cục cằn, nóng tính; Biết chuyện bà nội mang gạo về lại chẳng quát tháo om sòm. Nên mẹ phải dặn bà mang khéo khéo. Bà nội một tay bế anh Hưng, còn tay kia giữ cho túi gạo ép sát vào người. Bà đi một cách chậm chạp. May mà quãng đường về nhà bác cả không xa lắm.


    * * *

    Chị dâu càng ngày càng lấn tới. Mẹ nói một chị dâu cãi mười. Anh trai có lớn mà không có khôn. Có lúc chị dâu sai rành rành ra đấy nhưng anh trai vẫn một mực bênh cho bằng được. Anh trai chẳng soi xét sự việc đúng, sai thế nào. Trong những cuộc va chạm, mẹ thường là người cô độc nhất. Chẳng ai đứng về phía mẹ. Cha mặc dù giận sôi người nhưng cha im lặng. Có lẽ anh trai nên làm như vậy thì hay hơn. Anh trai phải nghỉ học sớm vì nhà nghèo. Đó là thua thiệt mà anh trai phải chịu. Để rồi lớn lên, anh trai trở thành một người cục mịch, nói năng độp đoạp, chẳng ra ngô ra khoai. Nhiều khi mẹ nín nhịn cũng vì thương anh trai.

    Ngày mùa ở quê bao giờ cũng là thời gian vất vả nhất. Việc cứ ùn ùn ra đấy, chẳng khi nào mà ngơi tay được. Việc nhiều, con người bỗng sinh ra cáu bẳn; Chỉ cần một cái gì đấy không vừa ý cũng có chuyện ngay.

    Chị dâu dù ngày mùa hay nông nhàn cũng đều thong thả. Như thể, chị dâu sinh ra vốn đã thế rồi. Cho nên, mặc kệ mọi người trong nhà tất tưởi, chị dâu cứ túc tắc mà làm. Một bữa, khi trời đang nắng chang chang; Bất chợt một đám mây đen ùn đến, dự báo một cơn giông rất to. Mẹ liền hô hoắng mọi người ra sân xúc lúa vào nhà. Cha thì lo dọn rơm còn phơi dở ngoài đường. Anh trai lấy trang rồi cào lúa lại thành đống để mẹ xúc cho nhanh. Chẳng biết chị dâu làm gì trong buồng, mãi đến khi cơn giông trút xuống mới lót nhót ra sân. Cơn giông thật khéo đùa. Trong chốc lát, nước đã lênh láng, trắng xóa cả sân. Những hạt lúa lép nổi lềnh bềnh trên mặt nước, còn những hạt lúa chắc nằm chìm nghỉm. Nhưng vì mưa to nên cả lúa chắc lẫn lúa lép cứ vậy trôi đi. Mẹ òa khóc tức tưởi. Lúc ấy, mẹ bổ nhoài ra giữa sân, đưa hai bàn tay chụm vào rồi hốt từng nắm lúa một. Người mẹ ướt như chuột lột, những sợi tóc bết vào nhau. Nước mắt hòa với nước mưa. Anh trai bảo, mẹ gắng làm gì, sức người bằng mấy sức trời. Khi đó chị dâu cứ đứng tần ngần trên thềm. Có lẽ chị dâu cũng nghĩ như anh trai, đường nào lúa cũng ướt rồi, có bỏ công ra cũng chỉ mệt thêm mà thôi. Mẹ khóc, cục nghẹn chắn ngang cổ: "Người ta có con để nhờ con. Trời ơi! Sao tui khổ thế này. Sao trời không để cho tui chết quách đi". Mẹ vừa khóc vừa nói nhưng tay vẫn không quên hốt lúa vào thúng mặc dù số lúa hốt vào cũng chẳng đáng là bao. Vừa lúc đó, cha từ ngoài ngõ đi vào, khuôn mặt cha lộ rõ vẻ hục hặc. Chẳng nói chẳng rằng, cha lia chiếc đòn xóc dùng để cào rơm về phía mẹ. Mẹ đang mải mê hốt lúa, không kịp tránh, bị răng đòn xóc đâm trúng chân. Máu túa ra đỏ ối. Mẹ thôi không còn hốt lúa nữa mà ôm lấy bàn chân túa máu, khóc tức tưởi. Anh trai vội vã chạy ra dắt mẹ lên thềm. Chị dâu khuôn mặt nóng bừng lên, có lẽ vì sợ, vội vã vào nhà lấy ra một nhúm thuốc lào để cầm máu cho mẹ. Để mặc chị dâu rối rít băng bó vết thương, mẹ nhìn đi nơi khác bằng ánh mắt lầm lừ. Cha đùng đùng bỏ ra ngoài đường lớn rồi đi đâu đó. Chắc là cha đi ra quán rượu. Bao giờ cũng thế..

    Tác giả: Hồ Huy Sơn
     
    Chỉnh sửa cuối: 19 Tháng mười 2022
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...