Tổng hợp kinh nghiệm chuẩn bị cho việc mang thai

Thảo luận trong 'Sức Khỏe' bắt đầu bởi Muỗi nhỏ, 22 Tháng bảy 2020.

  1. Muỗi nhỏ

    Bài viết:
    3
    Ngày nay với việc y học ngày một phát triển, thì chúng ta sẽ có nhiều điều kiệu tốt hơn để chuẩn bị mang thai được chu đáo, mang lại những điều tốt đẹp nhất cho cả mẹ và con.

    Dưới đây là tổng hợp kinh nghiệm chuẩn bị cho việc mang thai và sinh con của mình.


    1. Tiêm phòng trước khi mang thai

    Các mũi tiêm phòng cần thiết trước khi mang thai như sau

    * Thủy đậu:

    Bệnh thủy đậu rất nguy hiểm đối với mẹ bầu và thai nhi. Đối với mẹ bầu bị thủy đậu sẽ dễ dẫn đến các biến chứng tim phổi nặng nề hơn người bình thường.

    Nếu thai phụ mắc bệnh thủy đậu trong 3 tháng đầu có thể dẫn đến thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là các sẹo da, hoặc bị dị tật như: Đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tâm thần. Ngoài ra, có thể gây sẩy thai hoặc thai chết lưu.

    Nếu thai phụ mắc bệnh thủy đậu trong 3 tháng giữa thì nguy cơ thai nhi có khả năng bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh cao hơn nhiều. Nếu thai phụ mắc thủy đậu vào những ngày cuối thai kỳ thì con sinh ra dễ bị thủy đậu ngay từ khi lọt lòng.

    Vì vậy với các mẹ chuẩn bị mang thai thì việc tiêm phòng thủy đậu là rất cần thiết.

    Thời gian tiêm thủy đậu: Trước khi mang thai ít nhất 3 tháng. Tùy từng loại vắc xin, có loại chỉ cần tiêm 1 lần trong đời và không cần nhắc lại, có loại thì cần tiêm nhắc lại sau 5 năm. Vì vậy, với những chị em đã từng bị thủy đậu hoặc đã từng chích ngừa vắc xin này rồi thì nên gặp bác sĩ để tư vấn xem trường hợp của mình có cần tiêm nhắc lại không nhé.

    * Sởi – quai bị - rubella:

    Nếu chẳng may mẹ bầu mắc bệnh sởi, quai bị, rubella trong thai kì sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Trong đó nguy cơ dẫn đến dị tật thai nhi là rất lớn.

    Thời gian tiêm mũi tổng hợp Sởi – quai bị - rubella (mũi 3 in1 hay còn gọi là sởi tổng hợp) : Trước khi mang thai ít nhất 3 tháng. Mũi này cần tiêm nhắc lại 3-5 năm một lần. Nên với các chị em đã từng chích ngừa mũi này cần lưu ý để tiêm nhắc lại với những lần mang thai sau nhé.

    Một điều hết sức thú vị là khi chị em tiêm vắc xin này trước khi mang thai thì kháng thể sẽ tồn tại trong cơ thể mẹ và mẹ truyền kháng thể này cho em bé qua nhau thai khi mang bầu và truyền kháng thể qua sữa mẹ khi cho con bú. Vì vậy, mẹ đã gián tiếp bảo vệ bé yêu khỏi những mầm bệnh nguy hiểm trong những năm tháng đầu đời, khi mà bé chưa được tiêm những loại vắc xin này. Cần lưu ý là lịch tiêm vắc xin Sởi đơn cho bé là khi bé được 9 tháng tuổi, và mũi tổng hợp Sởi – quai bị - rubella thì khi bé được 12 tháng mới được tiêm.

    * Cúm:

    Cúm là bệnh cực kỳ nguy hiểm đối với mẹ bầu nhất là trong những tháng đầu thai kỳ. Nếu chẳng may mẹ bị nhiễm cúm khi mang thai sẽ có khả năng thai nhi bị dị tật bẩm sinh rất cao, ngoài ra cũng có thể đẫn đến sảy thai, thai lưu, đẻ non..

    Thời gian tiêm phòng cúm trước khi mang thai: Có 2 loại vắc-xin cúm: Vắc-xin giảm độc lực và vắc-xin cúm bất hoạt.

    Nếu các chị em tiêm vắc xin vắc xin cúm bất hoạt (vắc xin chứa các kháng nguyên của các chủng cúm) thì có thể tiêm bất cứ lúc nào trước, trong và sau khi mang thai. Nhưng để đảm bảo tác dụng tốt nhất thì nên tiêm 1 tháng trước khi mang thai. Vì sau 1 tháng thì nồng độ kháng thể trong máu mới đạt mức cao nhất, đủ để bảo vệ mẹ khỏi tác nhân cúm.

    Nếu các chị em tiêm loại vắc xin có thành phần là virus cúm giảm độc lực thì cần hết sức lưu ý thời gian tiêm vắc xin này tối thiểu trước khi mang thai là 1 tháng nhé. Các mẹ cần hiểu là đây là loại vắc xin được làm từ virus còn sống, giống như là các mẹ sẽ bị cúm nhẹ, từ việc để cơ thể mắc bệnh thì cơ thể sẽ tự sản sinh ra kháng thể. Chính vì vậy, nếu tiêm phòng rồi các mẹ có thai luôn cũng đồng nghĩa với việc đang mang thai mà bị cúm đó ạ, tuy là virus đã làm giảm độc tính đi nhưng hoàn toàn có thể ảnh hưởng tới mẹ và thai nhi như khi mắc bệnh cúm thông thường.

    Các mẹ lưu ý là virus cúm có nhiều biến thể, chúng thay đổi liên tục và có rất nhiều các chủng loại khác nhau. Do đó, hàng năm WHO đều cho ra các loại vắc xin mới cho mùa cúm năm đó. Vì vậy, để đảm bảo tối ưu thì các mẹ nên tiêm phòng vắc xin cúm mỗi năm một lần nhé.

    * Viêm gan B:

    Trước khi có có kế hoạch mang thai, các mẹ hãy đi khám sức khỏe tổng quát, trong đó hãy chọn xét nghiệm kháng thể viêm gan B trong máu nhé. Từ kết quả này, bác sĩ sẽ kết luận xem các mẹ đã đủ kháng thể để bảo vệ cơ thể chưa. Nếu chưa đủ kháng thể thì bác sĩ sẽ cho các mẹ chích ngừa, nếu đủ rồi thì thôi.

    Sở dĩ cần phải đi xét nghiệm kháng thể anti-virus này là vì thường thì chúng ta ngày còn nhỏ đều đã được tiêm rồi nhưng có thể tiêm đủ, có thể không. Và mức độ đáp ứng vắc xin của mỗi người cũng khác nhau. Ví dụ như mình và chị gái mình ngày nhỏ cùng được bố mẹ cho đi tiêm vắc xin viêm gan B như nhau, nhưng mình thì đủ kháng thể còn chị mình thì không có chút kháng thể nào và phải chích bổ sung đó.

    Một vấn đề khác là ở Việt Nam, virus viêm gan B tồn tại trong môi trường sống xung quanh ta rất nhiều, nên mỗi người khi tiếp xúc với virus viêm gan B trong tự nhiên như vậy thì đều hình thành cho mình kháng thể, như là một hình thức chích ngừa nhắc lại rồi. Tuy nhiên với mỗi người thì sự hình thành kháng thể cũng khác nhau. Nên tóm lại một điều rằng, các mẹ cần xét nghiệm máu để biết tình trạng kháng virus viêm gan B của mình như thế nào để quyết định có nên chích ngừa bổ sung không nhé.

    2. Khám sức khỏe và khám phụ khoa trước khi mang thai

    Đây là một việc hết sức cần thiết để đảm bảo sức khỏe toàn diện cho mẹ và bé. Trước khi mang thai khoảng 6 tháng, các mẹ nên đi khám sức khỏe tổng quát để phát hiện các bệnh trong cơ thể, hoặc xem có thiếu chất gì không.. từ đó có kế hoạch bồi bổ tốt nhất.

    Đặc biệt là các mẹ mang thai lần 2, lần 3.. có thể có thể to béo hơn thời con gái, nhưng lại có nguy cơ thiếu chất rất cao qua những lần sinh nở trước đó. Ví dụ như mình bị thiếu canxi nên cần bổ sung 2 đợt canxi trước khi mang thai lần 2.

    Việc đi khám sức khỏe tổng quát giúp các mẹ phát hiện và điều trị triệt để các bệnh đang có sẵn trong người để có một sức khỏe tốt nhất. Nếu chị em đã biết mình mắc bệnh gì trước đó như thiếu máu não, viêm đại tràng, đau dạ dày.. cũng nên tập trung điều trị dứt điểm trước khi mang thai nhé.

    Nằm trong mục khám sức khỏe, thì việc khám phụ khoa là điều vô cùng cần thiết. Các mẹ hãy đến những cơ sở có y tín, khám tổng quát cơ quan sinh sản của mình bao gồm: Siêu âm ngực, kiểm tra tuyến sữa, siêu âm tử cung vòi trứng, kiểm tra cổ tử cung, khám phụ khoa và các bệnh viêm nhiễm.. Nếu có vấn đề gì thì các mẹ cần xử lý trước khi mang thai luôn nhé. Chẳng may khi mang thai mới phát hiện ra u xơ hay đơn giản chỉ là viêm nhiễm phụ khoa thôi cũng sẽ rất nguy hiểm cho mẹ và bé đấy.


    3. Tẩy giun trước khi mang thai

    Tẩy giun là một việc mà rất nhiều các chị em quên hoặc không biết để thực hiện. Trong thực tế, việc mẹ bầu bị nhiễm giun sán khi mang thai gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm do chúng có xu hướng hoạt động bất thường hơn. Ngoài ra, giun sán sẽ ăn hết chất dinh dưỡng, khiến thai nhi không đủ chất. Và các mẹ biết đấy, khi mang thai thì việc xử lý những thứ cùng nằm trong ổ bụng lại rất phức tạp.

    Vậy đơn giản chỉ là 1 viên thuốc tẩy giun thôi, các mẹ hãy uống trước khi mang thai ít nhất 1 tháng nhé. Nếu có thể thì những người sống cùng nhà với mẹ bầu như chồng, ông bà, các con.. cũng nên tẩy giun để tránh lây chéo sang nhau. Về nguyên tắc là mỗi năm tẩy giun 1-2 lần cho cả trẻ em và người lớn, vì vậy điều này cũng dễ thực hiện thôi phải không các mẹ?


    4. Khám nha khoa trước khi mang thai

    Khi mang thai các mẹ bầu sẽ dễ bị bệnh răng miệng hơn bình thường, có nhiều nguyên nhân như: Thay đổi nội tiết tố, do thiếu canxi, do chế độ ăn uống, do ốm nghén.. Việc đau răng, đau lợi khi mang thai ngoài gây khó chịu và ảnh hưởng đến ăn uống, thì còn gây ra mối nguy hiểm khôn lường với thai nhi. Các mẹ bầu bị đau răng khi mang thai thường không thể xử lý được nha khoa theo cách thông thường và triệt để, còn đối với thai nhi thì thậm chí có thể gây đẻ non, sẩy thai.

    Do đó các mẹ có kế hoạch mang thai cần đi khám nha khoa để đảm bảo điều trị dứt điểm các bệnh nha khoa sẵn có của mình, đảm bảo răng miệng không có vấn đề gì, đồng thời tăng cường sức khỏe răng miệng để có một thai kỳ thuận lợi.

    5. Dinh dưỡng trước khi mang thai

    Trước khi mang thai, các chị em cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho cả vợ và chồng để đảm bảo việc thụ thai và mang thai được thuận lợi. Mình có một số nguyên tắc cho việc lên chế độ dinh dưỡng cho cả vợ và chồng như sau:

    Nguyên tắc 1: Chú trọng các chất còn thiếu

    Như mình đã nói ở trên, việc khám sức khỏe trước khi mang thai sẽ giúp các chị em biết được mình đang thiếu chất gì hoặc cần điều trị bệnh gì. Từ đó chúng ta hãy chú trọng dinh dưỡng theo hướng đó. Ví dụ như mình bị thiếu canxi nên trong chế độ ăn cũng cần bổ sung nhiều tôm cua, cá biển.. hơn.


    Nguyên tắc 2: Cân bằng các chất, hạn chế tinh bột, ăn nhiều hoa quả và rau xanh, uống nhiều nước.

    Việc bồi bổ sức khỏe trước khi mang thai các mẹ cũng hãy chú ý đến việc ăn uống cân bằng các chất nhé. Trong chế độ ăn nên ăn lượng vừa đủ tinh bột, ăn nhiều hoa quả và rau xanh, uống nhiều nước. Với chế độ ăn như vậy, đảm bảo chị em sẽ có sức khỏe tốt cho kế hoạch sắp tới.


    Nguyên tắc 3: Ăn uống lành mạnh.

    Theo mình thì để đảm bảo sức khỏe, cả 2 vợ chồng cần có một chế độ ăn uống lành mạnh, ít rượu bia, ăn uống đúng giờ, hạn chế đồ ăn nhanh, đồ chiên xào..


    Nguyên tắc 4: Bổ sung các thuốc bổ cần thiết.

    Trước khi mang thai ít nhất 1 tháng, các chị em hãy bổ sung cho bản thân và cả anh xã các thuốc bổ tổng hợp như Procare, Elevit, tinh chất hàu, viên uống rong biển.. Mỗi người sẽ hợp với một loại thuốc bổ khác nhau nên các mẹ hãy chọn cho mình loại phù hợp nhé.

    Chúc các chị em chuẩn bị tốt để có một thai kỳ khỏe mạnh và suôn sẻ.

    HẾT
     
    Uất Phong thích bài này.
  2. thuoctaydactri

    Bài viết:
    5
    Bài viết khá tổng quát. Cảm ơn ad nhiều
     
  3. Mẹ Bi Ben

    Bài viết:
    82
    Tiêm phòng đầy đủ tốt nha
     
  4. Mẹ Bi Ben

    Bài viết:
    82
    Trc khi mang bầu các mẹ nên bổ sung sắt và axit dự phòng nhé
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...