Tôn giáo là một trong bốn yếu tố đặc trưng của nền văn minh

Thảo luận trong 'Góc Chia Sẻ' bắt đầu bởi Diệu Đạt, 3 Tháng tư 2021.

  1. Diệu Đạt

    Bài viết:
    41
    Tác phẩm: Nguồn gốc văn minh

    Tác giả: Will Durant

    Người viết: Diệu Đạt

    Giới thiệu: Trong cuốn "Nguồn gốc văn minh" của tác giả Will Durant, tác giả có liệt ra bốn yếu tố đặc trưng của văn minh (chương II tới chương V). Theo quan điểm của người đọc, trong bốn yếu tố đó, yếu tố tôn giáo đang được thể hiện rõ nét nhất trong (hoặc đang tác động mạnh mẽ nhất tới xu hướng phát triển của) những nền văn minh đang tồn tại ở thời điểm hiện tại.

    Văn minh cho chúng ta thấy tiến trình phát triển của xã hội từ sơ khai cho đến nay. Đó là một quá trình thay đổi kỳ diệu và lâu dài mà qua đó chúng ta thấy được sự tiến bộ của loài người về cả tư duy và nhận thức thế giới khách quan. Trong cuốn sách "Nguồn gốc văn minh" của tác giả Will Durant cũng đề cập đến bốn đặc trưng của văn minh. Theo người viết, một trong bốn yếu tố thể hiện rõ nét những nền văn minh còn tồn tại ở thời điểm hiện tại là yếu tố Tôn giáo.

    Trước tiên, cần phải nhấn mạnh rằng, các yếu tố như: Kinh tế, chính trị, luân lý, tinh thần góp phần rất lớn trong việc xây dựng nền văn minh ở mỗi quốc gia, nhưng yếu tố Tôn giáo lại là nét đặc trưng riêng không thể thiếu hiện nay, vì nó nuôi dưỡng văn minh tinh thần cho mỗi con người, góp phần to lớn trong việc ổn định trật tự xã hội, phát triển đất nước.

    Vào thời sơ khai, sự thay đổi thời tiết đột ngột, cộng thêm các nguy hiểm bủa vây khi con người chưa có nơi ở chắc chắn và ổn định, khiến sinh tâm lý sợ sệt, và đây là nguyên nhân đầu tiên hình thành tôn giáo. Họ tin rằng con người do thần linh tạo ra và có quyền định đoạt cuộc đời của họ. Chính vì thế, họ tôn thờ thần linh và thực hiện các nghi thức tế lễ để cầu mong sự gia hộ về sức khỏe, tinh thần và tuổi thọ.. Xã hội dần phát triển lên khi con người biết nhìn ra xa hơn một chút, hầu như những gì giúp ích cho sự tồn tại và phát triển của con người, họ đều thờ cúng. Ví như: Họ nhìn lên trời, ông trời cho ánh sáng, họ tôn thờ, hay mặt đất cho sự sống họ cũng tôn kính như những vị thần. Bên cạnh đó họ tin có thế giới tâm linh là ma quỷ, khi những người thân đã mất xuất hiện trong giấc mơ, và từ đó có sự thờ cúng ma quỷ, tổ tiên hay những người mới vừa qua đời. Người sơ khai còn có óc thi nhân khi họ thờ cả bộ phận sinh dục với đầy đủ nghi thức từ những dân tộc có trình độ cao như: Ai Cập, Ấn Độ, Babylonic, Assyrie, Hy Lạp và La Mã. Người ta sùng bái tính cách và vai trò sinh dục của các thần linh cổ sơ không phải vì thích sự tà dâm mà vì rất mong cho đàn bà mắn con, đất đai phì nhiêu.

    Các phương pháp của tôn giáo thời xưa: Phương thuật, nghi lễ về cây cối, lễ tửu thần, huyền thoại tái sinh.. tạo nên sự đa dạng về tín ngưỡng, nuôi dưỡng tinh thần và tạo động lực cho sự sinh tồn và phát triển của loài người.

    Trải qua quá trình lâu dài cho đến ngày nay, con người vẫn có niềm tin tâm linh, nhưng không lạc hậu và thô sơ như thời xưa nữa. Sự phát triển của khoa học cho con người biết về các hiện tượng trong tự nhiên như: Mưa, nắng.. không phải do thần linh tạo ra, họ lý giải được hầu hết mọi điều kỳ lạ từ thế giới nhưng vẫn chưa khám phá ra thế giới tâm linh của sự tu hành và quả vị chứng đắc, hay cơ bản là: Tại sao con người có thể ngồi thiền lâu thậm chí cả tháng mà không ăn uống gì, tại sao người tu hành khi chết đi để lại Xá-lợi, thiêu không cháy, điển hình là trái tim của Bồ-tát Thích Quảng Đức vậy. Đó là lý do khiến con người vẫn tin vào một thế giới tốt đẹp hơn thông qua sự tu hành của tự thân.

    Có rất nhiều tôn giáo hiện nay trên thế giới như: Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo, Tin Lành.. Mỗi tôn giáo đều có giáo điều khác nhau, nhưng mục đích chung vẫn là nhằm giải tỏa những tâm lý bế tắc, tuyệt vọng, căng thẳng của con người trong cuộc đời, hướng con người sống tích cực, biết sẻ chia và yêu thương tất cả mọi loài, mọi vật, từ bỏ dần việc sát sanh, giết chóc gây cảnh đau thương. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số tôn giáo là tà đạo, lợi dụng tín đồ với những điều mê tín, dị đoan nhằm chuộc lợi hay gây ra các cuộc khủng bố, đánh bom liều chết như ở các vùng Trung Á, điều đó cần phải lên án, tẩy chay và đào thải ra khỏi xã hội loài người. Do đó, cần nhấn mạnh rằng, nếu một tổ chức nào tự xưng là tôn giáo thì không thể đưa con người đến chỗ diệt vong như trên.

    Các phương thức truyền giáo ngày nay: Xưng tội và rửa tội, tụng kinh, trì chú, hành thiền..

    Hãy nhìn vào thực tế, dù là lãnh đạo tối cao của các quốc gia, họ vẫn tôn sùng tín ngưỡng tâm linh như: Tổng thống Donald Trump vẫn tổ chức lễ theo Thiên Chúa giáo, Vua Thái Lan và các quan chức có mặt ở lễ dâng y lên các sư ở chùa.. cho đến người trí thức hay dân bình thường họ vẫn đi chùa, nhà thờ.. vào các ngày nghỉ để cầu nguyện bình an, hạnh phúc. Vậy nên, tôn giáo đã, đang và sẽ phát triển không ngừng nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh cho con người và chắc chắn sẽ song hành với lịch sử văn minh của loài người theo thời gian, đó là điều không thể chối cãi.

    Tóm lại, ngoài yếu tố vật chất thể hiện văn minh của xã hội loài người thì yếu tố tinh thần cũng không thể thiếu. Tôn giáo đang tác động mạnh mẽ đến xu hướng phát triển của nhân loại, giúp cân bằng sự phát triển giữa thể chất và tinh thần của con người. Do đó, có thể khẳng định trong quá khứ, hiện tại và tương lai, tôn giáo vẫn giữ vai trò nhất định và không thể thiếu trong cuộc đời mỗi con người. Một Tôn giáo chân chính sẽ không ép buộc hay cưỡng chế con người phải tuân theo mà sẽ trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, mỗi người trong chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ tôn giáo mà mình theo có khoa học hay không, nhằm tránh rơi vào đường tà mà tạo thêm các nghiệp bất thiện, gây khổ đau trong hiện tại và tương lai.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...