Truyện Ngắn Tôi Thấy Ban Mai Ở Cuối Chân Trời - Tân Vy Vy

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Tân Vy Vy, 9 Tháng chín 2021.

  1. Tân Vy Vy Rémy Martin

    Bài viết:
    49
    Tôi Thấy Ban Mai Ở Cuối Chân Trời

    [​IMG]

    Tác giả: Tân Vy Vy

    Thể loại: Truyện ngắn, hiện thực, đô thị..

    Số chương dự kiến: 10 chương

    Trạng thái: Đang ra

    Giới thiệu truyện:

    Giống như một quyển nhật ký kể về cuộc đời của Nguyễn Diệp Vân - một cô gái từ nhỏ đã chịu đựng vô vàn sự tổn thương mất mát, từ bạo hành gia đình bởi cha ruột, bị hàng trăm nghìn những cái nhìn khinh bỉ, chán ghét của người đời, cô bé chỉ mười hai tuổi đầu phải bỏ học, dẫn em trốn chạy khỏi người cha tàn nhẫn. Cũng từ đó đã hình thành cho Diệp Vân những chiếc gai nhọn trên người, nhưng cô gặp bà nội, bà đã kiên nhẫn gỡ từng chiếc gai sắc nhọn trên người cô ra, thậm chí bà ôm cô vào lòng mặc kệ gai đâm nát da nát thịt, bà nội đem đến nơi lạnh nhất trong trái tim Diệp Vân một ngọn lửa của tình thương, mở ra ánh sáng le lói trong tâm hồn đen như hũ mực của cô. Rồi bóng tối lại một lần nữa bao trùm lấy cuộc đời Diệp Vân, thần chết cướp đi em gái, cô lại sa vào vũng lầy của con đường tù tội, bà nội tiếp tục gồng gánh những tổn thương, những tủi nhục của em gây ra. Lúc em nhận ra những tình thương vô bờ của bà, thì mọi thứ đã muộn..
     
    Chỉnh sửa cuối: 6 Tháng mười một 2021
  2. Tân Vy Vy Rémy Martin

    Bài viết:
    49
    Chương 1: Nếu tôi không còn sống nữa..

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trăng tròn..

    Còn hai ngày nữa là đã kết thúc quãng thời gian trong ngục tù đen tối của tôi. Từ khe cửa của gian tù bằng sắt, tôi nhìn ra phía bầu trời xanh rộng lớn ngoài kia, mây đang dần che khất đi mặt trăng, giống như.. che đi ánh sáng đang rọi đến tôi. Gian tù chật hẹp lại chìm vào bóng tối quen thuộc, tôi co rúc chân mình lại, vùi đầu vào gối. Cô đơn, sợ hãi, đau đớn của những kỷ niệm đẹp đẽ cứ luân hồi bủa quanh lấy cơ thể, tâm trí và cảm xúc của tôi. Lại thấy Thúy An.. bỗng thấy thèm món thịt nướng của bà nội, thấy thèm hương dầu Phật Linh quen thuộc trên áo của bà, lại.. thèm những khoảnh khắc vui vẻ của chúng tôi. Nữa rồi, khóe mắt tôi ươn ướt, vào tù rồi tôi mới biết bản thân mình yếu đuối đến không ngờ. Tôi tự cười khinh bỉ bản thân khi nhớ lại những lời Thúy An từng vui vẻ thốt lên với mình: "Chị hai giỏi thật đấy, bị thương nặng vậy mà không khóc. Chị đúng là siêu anh hùng của em!", lúc đó tôi đã tự hào vênh mặt rằng: "Được, đi học có đứa nào ăn hiếp em cứ nói với chị, mấy đứa đó sống không nổi với chị đâu!", con bé đã cười ngây thơ, rực rỡ như một mặt trời, nụ cười ấy của em chưa từng thoát khỏi tâm trí tôi. Những lời nói, nụ cười xinh đẹp hồn nhiên của Thúy An từng là sức mạnh để tôi vươn lên nhưng từ hai năm trước cho đến nay, không biết từ bao giờ nó đã biến thành những nỗi day dứt, đau đớn, như căn bệnh ung thư gặm nhấm, dày vò sức khỏe con người cho đến chết, như con sâu ăn mòn, từng chút từng chút gặm thật sâu vào trái táo không bao giờ muốn đầu chui ra, vì mất mát, vì cảm thấy có lỗi..

    Người bên cạnh dường như khó chịu rục rịch, trở mình quay mặt về phía tôi, rồi lại bực mình dụi mắt, dùng giọng ngáy ngủ cằn nhằn:

    - Khuya rồi mà con nào ngồi đấy đấy? Con Vân à? Không ngủ mà ngồi đó làm gì mày!

    Tôi im lặng ngẩng đầu nhìn chị ta, rồi nhẹ nhàng nằm xuống khe trống hẹp vốn không đủ một người nằm bên cạnh. Mùi hôi và ẩm mốc của gối chăn quen thuộc xông lên, tôi nhíu chặt mày cố gắng nhắm mắt ngủ. Mấy người xung quanh vì giọng nói lớn tiếng của người phụ nữ lúc nãy làm cho khó chịu mà tỉnh giấc. Người đàn bà nằm ở chỗ thứ ba đếm từ ngoài vào gắt gỏng:

    "Mẹ kiếp, chúng mày có cho người khác ngủ không, miệng như bô xe thì ai mà ngủ được! Muốn hú hí với nhau thì có mà cút ra ngoài!"

    "Bà già, bà chửi ai đấy, tôi cứ thích lớn thì sao hả? Ngủ không được thì dọn ra ngoài cửa mà ngủ."

    "Mày bảo ai dọn ra ngoài hả con khốn này! Người đàn bà tức tối đứng dậy giơ tay nắm đấm lên chuẩn bị đánh người phụ nữ kia."

    Người phụ nữ ấy vẫn không hề sợ hãi dù chị ta nhỏ gầy hơn người đàn bà kia gấp nhiều lần. Chị ta hung hăng trợn mắt, cũng giơ tay đấm lên để chuẩn bị cho cuộc ẩu đả.

    "Sao! Tôi nói bà đấy, muốn đánh lộn à? Được! Tôi không ngán bà đâu, bà già."

    Người phụ nữ lớn hung dữ này tên là Thắm, chị ta lớn hơn tôi năm tuổi. Vào tù trước tôi ba năm, và hiện tại vẫn chưa mãn hạn, chị Thắm quê ở miền Nam, tính tình suồng sã, nóng tính đã quen không ngán ai chửi mắng mình, cũng có thể gọi là một trong những đầu gấu nhà tù có "máu mặt". Vì xém sít nhau mấy tuổi và là đồng hương nên chị ta coi tôi như em gái, tôi cũng không mấy quan tâm.

    Những người xung quanh đã nhanh chóng lùi ra xa để tránh bị liên lụy. Giây phút hai người lao vào nhau thì đèn gian tù của chúng tôi sáng lên. Cán bộ trại tù nhìn chúng tôi, rồi nghiêm mặt quát:

    "Phòng các người làm gì mà ồn ào vậy? Hai người kia định đánh nhau à? Muốn đi lao động không hả!"

    "Không có, không có! Tôi với bà ta chỉ có chút vấn đề nên hơi lớn tiếng thôi cán bộ. Không có đánh nhau nên không cần lao động đâu a."

    Chị Thắm lắc đầu chối tội lay lẩy vừa cười giã lã không mấy tự nhiên. Tôi biết, chẳng ai muốn đi lao động ở cái nơi này. Tuy nhiên, vị cán bộ ấy không nhìn chị ta, quay qua người đàn bà kia, hất cằm hỏi:

    "Chị trả lời! Hai người đánh nhau có phải không?"

    "Đâu chứ, chúng tôi không có đánh nhau! Chỉ là có chút xích mích nên lớn tiếng chút xíu. Xin lỗi cán bộ."

    Người đàn bà kia cũng không dại dột gì mà khai thật nên cũng lắc đầu nguây nguẩy. Cán bộ trại tù nhíu mày rồi nói:

    "Các người không biết giữ trật tự sao? Các người không ngủ nhưng những người khác còn ngủ, lớn tiếng như vậy thì ai mà ngủ được! Các người nhớ rõ, lần sau không được ồn ào lớn tiếng thế nữa, còn tái phạm sẽ đi lao động. Đặc biệt là hai chị kia, rõ chưa?"

    "Dạ rõ!"

    Những người khác sợ sệt liền hô lớn. Tôi nhếch môi cười khinh bỉ rồi lại nằm xuống chỗ ngủ của mình, nhắm mắt ngủ tiếp. Mặc cho các cán bộ tắt đèn ra ngoài, mặc những người khác từ từ về đúng vị trí, mặc cho hai người kia tiếp tục liếc nhau tóe lửa và những câu chuyện cãi vã phức tạp xảy ra, tôi cứ chìm vào giấc ngủ của chính mình.

    Rồi lại rất nhanh, đến ngày tôi ra tù. Tôi dọn hết đồ của mình, chuẩn bị bước ra khỏi căn tù nhỏ hẹp, ẩm móc và hôi hám mà bản bản thân ở hai năm qua. Một chút luyến tiếc cũng không, tôi lạnh nhạt đeo ba lô lên vai thì nghe thấy tiếng một người phụ nữ vang lên đầy bất mãn:

    "Con nhỏ này mãn hạn nhanh thật, tao còn đến những 3 năm nữa. Mẹ kiếp, thật muốn hít không khí của sự tự do."

    Một người thì hướng về phía tôi vừa cười vừa nói to:

    "Ê, hay mày ra ngoài giết người, cướp của gì đó để vào đây ở chung với tụi tao. Diệp Vân, thiếu mày tao buồn chết!"

    Chị Thắm đang dựa lưng vào tường, vừa ngâm một chiếc tăm nhỏ, nhìn về phía người phụ nữ vừa phát ngôn ra câu nói lúc nãy:

    "Mẹ mày, nói xàm cái đệch gì thế! Mày vừa ra tù có muốn quay lại không"
     
    Chỉnh sửa cuối: 11 Tháng chín 2021
  3. Tân Vy Vy Rémy Martin

    Bài viết:
    49
    Chương 2: Ra Tù

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Vừa nói chị ta vừa cầm chiếc tăm trong miệng quăng về phía người phụ nữ đó một cái rất mạnh. Người phụ nữ kia im bặt, chị Thắm nhìn về phía tôi, không mặn không nhạt nói:

    "Vân, mày ra tù làm người đàng hoàng, sống tốt."

    Tôi gật đầu với chị ta, quản lý trại giam bên ngoài đã vào tới, anh ta nhìn tôi, thúc giục:

    "Nhanh chân lên."

    Tôi theo chân quản lý trại đi dọc theo các gian tù, những người tù nhân khác nhìn tôi, có người cười cợt, có người xì xầm, huýt sáo.. Tôi vẫn thản nhiên đi mà không chút ngoảnh đầu lại nhìn.

    Ngày 05, tháng 09, năm 20xx.

    Tròn hai năm kể từ ngày tôi bước vào cái nơi tù túng, đen tối này. Bảo vệ trại giam nhìn tôi rồi nói câu quen thuộc như với bao người khác:

    "Ra tù làm người đàng hoàng một chút."

    Tôi im lặng, cúi đầu nhìn hai mũi chân dí sát vào nhau, một lúc sau mới lạnh nhạt nhìn ông ta, nói một câu không rõ đang ra lệnh hay xin xỏ:

    "Xin điếu thuốc."

    Ông ta nhìn tôi, móc trong túi quần ra bao thuốc lá màu xanh, trên bìa bao in dòng chữ "Hút thuốc dẫn đến cái chết từ từ và đau đớn", kèm theo bức ảnh của một người đàn ông gầy gò đáng sợ. Người ta in dòng chữ và bức ảnh kia để giúp người dân hạn chế hút thuốc, nhưng dường như chẳng mấy ai rảnh rỗi mà để ý đến. Ông ta tự lấy cho mình một điếu rồi châm, sau đó quăng cả bao thuốc với bật lửa sang cho tôi, hít một hơi rồi lạnh lùng nói:

    - Điếu cuối cùng, hút xong thì cút chỗ khác.

    Tôi nhận lấy, cũng tự châm cho mình một điếu, nhưng tôi chỉ ngậm khói trong miệng rồi nhả ra chứ không hít xuống phổi. Đối với Diệp Vân tôi, hút thuốc là một nghệ thuật, để giảm đi sự căng thẳng cùng với nỗi buồn. Tôi chẳng nhớ bản thân đã bắt đầu hút từ lúc nào, chắc từ lúc mà Thúy An xảy ra chuyện, lúc tôi đang chìm sâu vào vũng lầy của con đường tù tội.. Quen rồi, thái độ của mấy cán bộ trại giam, quản lý.. không chỉ ông ta mà một số người khác cũng sẽ như vậy. Trong cái nơi chứa đầy những hỗn tạp, cặn bã của xã hội thì vô cùng khó để có được sự tôn trọng giữa người với người. Chúng sẽ thản nhiên dẫm lên nhau mà sống, dẫm lên đồng loại của mình để tồn tại, để bảo vệ bản thân và làm bá chủ trong nơi này. Tù, một nơi được người đời ví như đống thức ăn bỏ đi rồi trộn lại thành thứ cặn hôi tanh, cuối cùng lại trở thành "cao lương mỹ vị" của những con lợn. Là vậy đấy!

    Từ xa, tôi nhìn thấy một bóng hình quen thuộc đã hằn sâu vào tâm trí của mình. Vóc người nhỏ nhắn, chừng mét năm, dáng đi nhanh nhẹn. Ngay cả chiếc áo khoác nhung màu đỏ sẫm rẻ tiền, cũ kĩ mà bà đang mặc, mấy chiếc cúc áo khác nhau được may khéo léo, tôi còn nhìn ra mấy vết khâu, vá trên vạt áo, cổ áo. Rốt cuộc cái áo ấy, bà đã mặc và sửa đi sửa lại bao nhiêu lần rồi? Chẳng phải tôi đã bảo bà bỏ đi rồi sao? Bà lão này vẫn cứ cố chấp như vậy, dù chiếc áo nhung chỉ mua một trăm ngàn với giá khuyến mãi, bà đã từng mắng tôi không lo học hành mà giấu bà làm thêm rồi mua cái áo này, nhưng bà đã mặc và giữ gìn nó kĩ đến mức tất cả mọi người đều nghĩ đây là chiếc áo rất đắt tiền, và bà đã không nói chuyện với tôi một tuần khi tôi bảo bà bỏ nó đi vì nó quá cũ, dù tôi đã mua tặng cho bà nhiều cái áo khoác tốt hơn nhưng bà lão cứ nhất quyết chỉ mặc chiếc áo kia mặc nắng gắt, mặc mưa giông. Hóa ra, không phải là vì bà tiếc tiền, không phải khó tính và khó hiểu của người lớn tuổi.. Tôi bỗng thấy sống mũi mình cay xè đi, mắt cũng bắt đầu mờ dần vì hơi nước, tôi ngước mặt lên để cố ép cho mấy giọt nước mắt cứng đầu không chảy ra. Tay cầm điếu thuốc đang hút dở quăng xuống đất, dùng chân dí tắt. Tôi lại nhìn về phía người kia đang chậm rãi bước ngày càng gần nơi tôi đang đứng, bà không còn là bà lão chợ búa vui tính, hoạt bát lúc trước nữa rồi. Trên mắt bà có những vết chân chim, da mặt khô sạm vì cháy nắng, mái tóc bạc hoa râm được búi lên gọn gàng. Có lẽ bà không nhìn thấy rõ tôi, lần đầu tiên tôi nhận ra một chuyện vô cùng quan trọng: Bà lão già rồi. Và sẽ.. rời xa tôi.

    Đời người như một cái đồng đếm ngược, kim đồng hồ cứ chạy, chạy theo nhịp sống và con người sẽ ngừng thở khi kim đồng hồ về đúng số giờ, số phút đã định. Đồng nghĩa với việc sẽ bỏ lại phía sau những người hoặc đau buồn thảm thiết, hoặc lắc đầu thương tiếc, hoặc hả hê, vui sướng, hoặc.. day dứt và đau đớn. Nghĩ đến việc bà sắp rời xa tôi, tôi thấy ruột gan của mình như bị người ta lôi ra hung hăng chặt thành từng khúc một. Bà cứ ngày một lại gần chỗ tôi, bỗng bà nheo nheo mắt nhìn kĩ. Tôi đưa tay lên vuốt mắt, vỗ mặt vài cái rồi từ từ đi đến chỗ của bà lão, giả vờ vô cùng tự nhiên mà cong môi trêu:

    "Sao? Con đẹp quá nên bà nội không nhận ra à?"

    Bà trợn mắt lên, bà lão nhận ra tôi rồi, dây phản xạ của bà vẫn vậy, ắt hẳn cũng chạy quanh một vòng Trái Đất đi. Bà đi tới, toan vươn tay ra đánh vào vai tôi một cái mạnh, rồi mắng:

    "Vân, mày ra đây nãy giờ mà không tới nói với bà nội một tiếng"

    Tôi che bên vai vừa bị bà đánh lại, nhăn mặt biểu tình vô tội:

    "A, con mới ra tù mà bị bà nội đánh rồi, bà chẳng biết thương hoa tiếc ngọc gì hết à."

    "Mày mà là hoa ngọc châu báu gì, chỉ tổ gây phiền phức. Sao mà ốm nhom thế này, toàn da bọc xương, thôi về nội làm cơm cho mày ăn. Ủa sao có mùi thuốc lá đâu trên người mày vậy?

    " Gì chứ, chắc là nãy đứng kế ông bảo vệ trại giam hút thuốc nên dính mùi khói rồi. Bà đừng có ngửi, bị bệnh đấy!"

    Tôi không muốn bà biết mình hút thuốc nên lập tức đứng cách xa bà ra, đồng thời cũng không muốn bà phải hít phải cái thứ độc hại này.
     
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng mười 2021
  4. Tân Vy Vy Rémy Martin

    Bài viết:
    49
    Chương 3: Liệu tôi có nên tin tưởng một người lần nữa?

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bà cũng không nghi ngờ gì, sau đó kéo tay tôi đi về trạm xe buýt cách đây mấy trăm mét. Tôi và bà lão, một lớn một nhỏ, một cao một thấp đi chầm chậm trên đường, gió thổi phần phật, đem theo mùi dầu Phật Linh quen thuộc thỉnh thoảng quanh chóp mũi tôi. Tôi thấy mình đã rất lâu không ngửi loại mùi hương này, nhớ lúc trước tôi không thích mùi dầu, nhưng chỉ qua hai năm ngắn ngủi kì lạ lại thấy nhớ nhung, không còn bài xích nó nữa.

    Chuẩn bị băng qua đường, bà nắm chặt lấy tay tôi, rõ ràng tôi biết bản thân không còn nhỏ nữa, nhưng kì lạ lại không thể giãy tay bà ra được, ngược lại từ sâu trong nội tâm lại bùng lên một loại ham muốn, tham lam muốn nắm chặt tay bà lão ấy. Lúc trước tôi rất rõ bản thân không thích bị bà ấy xem là một đứa trẻ mà dạy dỗ, đối xử, đáy lòng cũng không thật sự thân thiết như người một nhà và hoàn toàn tin tưởng bà, mà tôi biết mình đối với bà ấy chỉ có sự biết ơn vì bà đã chăm sóc tôi và Thúy An mà thôi.

    Khi ấy giữa tôi với bà nội có một bức tường ngăn cách vô hình, dù bà có đối xử tốt với tôi như thế nào tôi cũng chỉ khách sáo hoặc có lệ mà thôi. Những năm tháng đó, Thúy An luôn khuyên tôi nên mở lòng với bà, nhưng tôi chưa bao giờ để ý tới lời em ấy, Thúy An thấy đàn gãy tai trâu nên không nói nữa.

    Nhưng bây giờ thì sao, ngay cả tôi cũng không hiểu được mình. Thứ tình cảm này khiến tôi sợ hãi, cảm giác khó thở và không an toàn dâng lên từ sâu trong đáy lòng làm tôi nhớ tới những ngày tháng đen tối kia, lòng tôi lạnh buốt. Tôi chậm rãi rút tay về, trầm giọng nói:

    "Con đã không còn nhỏ nữa, bà đừng có đối xử với con như đám con nít."

    Bà nội nhìn tôi, đôi mắt già nua xẹt qua một tia buồn, nhưng rất nhanh bà ấy cười lớn, giọng vui vẻ: "Mày lớn như thế nào thì cũng là đứa cháu ranh của nội thôi. Đừng có ra vẻ người lớn nữa, về nội nấu cơm cho ăn". Tôi nhìn bà che giấu sự buồn bã trên gương mặt của mình, không hiểu sao tim lại co rút một trận. Sau đó, chúng tôi cũng về đến nhà.

    Nhà nội tôi ở tỉnh A, bà mở một quán nhỏ bán thịt nướng và bia trước nhà. Bà là người chợ búa, buôn bán quanh năm, tuy có hơi nóng nhưng bà ăn nói rất vui tính vì vậy khách rất thích, đặc biệt là khách ngoại. Nên quán ăn của bà đông hơn những quán kế bên rất nhiều. Nhưng nhìn quán trống không, không còn nhiều đồ đạc nữa, tôi cảm thấy kì lạ.

    "Bà nội, đồ đạc dụng cụ bán thịt đâu rồi?"

    Bà ấy đột nhiên dừng động tác lại, gượng gạo trả lời qua loa:

    "À, mấy năm nay khách khứa ít tới, làm ăn sa sút nên nội nghỉ làm rồi, mấy đồ đó cũng đem bán luôn"

    Đương nhiên tôi không tin lắm, bởi vì tôi nhớ bà lão từng nói với tôi là cái nghề này sẽ theo bà đến cuối đời, trừ khi bà không còn sức làm thì thôi. Lúc nói câu ấy, mắt của bà sáng lên như hàng ngàn vì sao đang chứa trong đôi mắt ấy, gương mặt già nua toát lên sự cố chấp và kiên định kì lạ khiến tôi bất ngờ không ít. Khi đó Thúy An đương nhiên cũng có chút khó hiểu "Uầy, con thấy cái nghề này có gì vui đâu mà bà cứ muốn làm như vậy?".

    Bà nội cười sảng khoái, nói "Cái nghề này làm vì thích thôi, mày nhìn đi, xung quanh bốn bề nhà bà đều là người buôn bán làm ăn, có chợ búa, khách khứa lui tới chuyện trò vui vẻ. Bà sống ở đây hơn 40 năm rồi, có người tới người lui cho vui nhà vui cửa." Hơn nữa, bà nấu ăn ngon, quán của bà ấy cũng khá nổi tiếng ở đây. Tôi nghĩ, không thể nào vì ít khách mà bà lại dẹp quán, không bán nữa.

    Nhà bà nội tôi chia thành hai căn, lúc trước, căn đầu tiên để buôn bán, nướng thịt nên khá rộng rãi thoáng mát. Căn đầu tiên cách căn thứ hai một cái sân nhỏ, căn thứ hai được lót sàn gỗ, ba bà cháu tôi chủ yếu sống và sinh hoạt chung trong căn thứ hai này. Nội thất, cách trang trí trong nhà vẫn như trước, ngôi nhà được quét tước sạch sẽ thường xuyên nhưng kì lạ lần đặt chân vào căn nhà này không còn không khí ấm áp như trước nữa, mà tôi chỉ cảm nhận được sự hiu quạnh và trống trải bủa vây từng góc nhà. Chắc có lẽ vì không còn tiếng cười giỡn, sự vui vẻ của chúng tôi nữa.

    Thời gian thay đổi, con người thay đổi, ngay cả vạn vật cũng đổi thay. Không còn Thúy An, không còn nụ cười, không còn quán ăn, không còn ấm áp cũng không còn tôi hay bà lão của lúc trước. Dường như trong hai năm tôi không ở nhà, tất cả đều đã thay đổi hết rồi.

    Bà nội kéo tôi ra khỏi suy nghĩ: "Đi thay đồ đi rồi bà đi nấu đồ ăn, nào xong bà gọi ra ăn."

    Tôi gật đầu, trở về phòng lúc trước dẹp đồ đạc. Nhưng đứng trước phòng của mình thì tôi lại nhìn tới căn phòng ở cuối dãy, đó là phòng của Thúy An, ma xui quỷ khiến thế nào tôi lại đi đến phòng của em. Phòng của Thúy An dường như không có gì thay đổi, từng góc phòng rất sạch sẽ, chứng minh có người tới đây quét dọn hàng ngày. Điều này khiến tôi vô cùng bất ngờ, bởi vì tôi chưa từng nghĩ tới bà quan tâm tới em ấy nhiều như thế. Trong đáy lòng tôi chảy qua một dòng nước ấm áp kì lạ, tôi bước tới bàn học của của em, mở từng quyển sổ lúc trước Thúy An viết, nhìn ngắm những dòng chữ nhỏ xinh ngay ngắn trên trang giấy tôi khẽ mỉm cười. Lúc tôi gấp sổ lại, một tờ giấy đột nhiên rơi ra, nhặt lên xem tôi nhíu mày vì dòng chữ đã nhòe đi do nước.

    Tôi cố gắng đọc dòng chữ trên giấy "Chị hai, khi chị đọc tờ giấy này thì đã là lúc em không còn ở bên cạnh chị và bà nội nữa, chị đừng hỏi tại sao em lại làm như vậy vì em cảm thấy bản thân rất dơ bẩn, ngay cả khi đụng chạm với mọi người em cũng thấy mình không xứng, vì bản thân em thật thấp kém. Em không thể sống như bình thường được, chị hai à em hận tên khốn đó nhưng em không hi vọng chị làm bất cứ điều dại dột gì vì em, em không muốn tương lai của chị dập tắt vì những thứ không đáng. Chị từng hứa với em rằng chị sẽ chăm sóc và bảo vệ em suốt đời nhưng có lẽ đã không được nữa rồi, nhưng có thể không, chị có thể mở lòng với bà nội được không? Em biết chị không chấp nhận bà ấy là vì điều gì, nhưng bà nội với ba không giống nhau, bà thương chị em chúng ta thật lòng. Chị có cảm nhận được không? Bà luôn nhẫn nại với chị hơn, luôn để ý và quan tâm đến chị nhiều hơn, thật sự bà đã hy sinh rất nhiều cho chúng ta vì bà biết chị lo lắng điều gì. Em không thể báo đáp với bà nội được, chị hãy thay em tin tưởng, yêu thương quan tâm và chăm sóc bà ấy như với em, bởi vì bà nội cũng là người nhà của chúng ta. Chị, em và và bà nội là một gia đình, em yêu chị, cũng yêu bà. Hứa với em nhé!"

    Tôi sững sờ, chết lặng tại chỗ, cảm xúc của tôi lúc này không thể diễn tả bằng lời được, bởi vì bây giờ tôi chỉ cảm nhận được trái tim mình vô cùng đau đớn. Tôi có thể tưởng tượng ra được khi viết nó, nước mắt em rơi, ngay cả khi em gục ngã nhất cũng ôm chặt trong long mình, không chia sẻ với ai. Thúy An, rốt cuộc sao em lại ngốc đến như vậy chứ? Mắt tôi nóng lên, mờ dần vì hơi nước, tôi khó chịu vì sống mũi cay xè.

    Nếu như tôi để ý đến sự khác lạ của An lúc ấy, quan tâm em nhiều hơn, có lẽ em đã không đi đến con đường dại dột như này. An nói, tôi và bà nội cũng là người nhà sao? Em bảo tôi tin tưởng bà nội sao? Nhưng liệu tin tưởng, yêu thương một người rồi có phải sẽ thất vọng một lần nữa không.. Là do tôi suy nghĩ quá nhiều sao? Nhưng cảm giác tồi tệ kia tôi không muốn trải qua lần nữa, tôi có nên tin lời Thúy An mà dựa vào bờ vai bà ấy, nằm trong lòng bà ấy thử một lần không?
     
    Chỉnh sửa cuối: 15 Tháng mười hai 2021
  5. Tân Vy Vy Rémy Martin

    Bài viết:
    49
    Chương 4: Có phải bà quá ngốc không?

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sau một hồi lâu ngồi dưới đất, chân tôi đã rất tê. Khó khăn lắm mới đứng lên đi được, tôi nghe bà nội gọi:

    "Vân, ra ăn cơm"

    Tôi bước chậm tới bàn ăn, nhìn bà lão tay chân nhanh nhẹn đang dọn thức ăn ra bàn, khiến tôi nhớ về những ngày tháng bà còn bán thịt nướng. Có chút cảm khái, định đi xới cơm thì bà đã giành lấy, cười khẽ nói: "Mày ngồi đi, để bà nội xới cho". Tôi cũng không đẩy đưa nữa, ngồi xuống bàn ăn. Lúc này tôi mới để ý thấy, trên bàn đều là món tôi thích ăn, tôi kinh ngạc không nhẹ. Bởi vì những sở thích của tôi đôi khi Thúy An cũng không biết, nhưng sao bà lại rõ tôi thích ăn cái gì vậy chứ? Đang thắc mắc, tôi nghe bà hỏi:

    "Sao lại không ăn, đều là món mày thích cả đấy!"

    "Sao bà nội biết con thích mấy món này? Con nhớ con chưa từng nói với bà mà."

    Bà nội giống như đắc ý, nhìn tôi cười: "Bí mật"

    Lần đầu tiên tôi ngắm nhìn thật kĩ bà lão trước mặt, cũng lần đầu tiên nghĩ lại, tôi chợt nhận ra bản thân không hề biết bà nội thích ăn gì, mặc gì cả. Tôi biết bà hay quên trước quên sau ngày tháng, những kỉ niệm hay đồ vật của mình, nhưng lại không biết bà tìm hiểu và nhớ kĩ từng sở thích của tôi như vậy.. Trong lòng tôi dâng lên cảm giác khó tả bằng lời. Câu nói của Thúy An bất chợt vang lên trong đầu: "Bà ấy luôn nhẫn nại với chị hơn, luôn để ý và quan tâm đến chị nhiều hơn".

    Tôi ngây ngốc, là thật sao? Chắc có lẽ vì những ngày tháng ấy, với tôi chỉ có Thúy An là người thân duy nhất nên tôi chưa từng để ý tới những lắng lo, quan tâm của bà cả mới không nhận ra. Tôi cũng không hiểu được, bà nội tôi là quá tốt bụng hay sao? Rõ ràng tôi đã cố cách xa và từ chối bà ấy, mà bà ấy vẫn kiên nhẫn với tôi như thế!

    Ngày mà tôi và em gái bị thế giới ghét bỏ đến không còn nơi nương náu, chỉ có mỗi bà lão cọc cằn, chợ búa ấy thu nhận chúng tôi. Lần tôi bị thôi học, mọi người chửi rủa hả hê, chỉ có mỗi bà ấy cầm theo học bạ kéo tay tôi xềnh xệch đến trường mới đăng ký nhập học. Và ngay cả những ngày tôi vào tù, thế giới mắng nhiếc tôi quái vật, đòi tôi chết đi, chỉ có mỗi bà ấy vào thăm tôi hàng tuần. Bây giờ tôi ra tù, cũng chỉ mỗi bà lão mà tôi luôn từ chối tình yêu thương làm cơm cho tôi ăn, biết rõ từng sở thích của tôi.

    Tôi cười khinh bỉ bản thân mình, là mày quá máu lạnh rồi đúng không? Lại nhìn vào bát cơm, mắt tôi có chút nóng lên không rõ. Tôi cúi thật thấp đầu, vùi mặt vào bát ăn nhanh. Lát sau, tôi thấy một miếng thịt kho được gắp vào trong bát của mình. Tôi lí nhí "Con cảm ơn". Sau đó lại gắp một miếng thịt khác to hơn vào bát của bà nội. Bà dường như có chút bất ngờ, sau đó cười tít, hai bên khóe mắt nhăn lại thật sâu. Niềm vui của bà lão này nhỏ bé thế sao? Tôi chỉ gắp cho bà ấy miếng thịt mà bà đã cười đến hạnh phúc vậy rồi. Vậy đến lúc tôi chăm sóc và quan tâm bà ấy, không biết bà ấy sẽ cười đến như nào nữa. Giật mình vì suy nghĩ của mình, tôi lập tức cười nhạo, mình đã thật sự nghĩ tới việc sẽ yêu thương bà ấy như người thân đấy!

    Sau khi ăn xong, tôi chủ động giành việc dọn và rửa bát. Sau đó về phòng mình, cũng hai năm không trở về, thấy căn phòng vốn quen thuộc nhưng lại có chút gì đó xa lạ. Tôi nằm dài trên giường, xoay đầu nhìn sang trái là chiếc tủ gỗ. Không biết như thế nào, tôi lại ngồi dậy, kiểm tra từng ngăn kéo, kết quả thấy trong ngăn cuối cùng là chiếc điện thoại của tôi ngày đó. Chiếc điện thoại này bây giờ đã vô cùng rẻ rồi, hầu như là đã không còn ai sử dụng nữa. Tôi nhấn mở nguồn, thế mà lại còn sử dụng được cơ đấy nhưng pin không còn nhiều nữa.

    Tôi ngồi thật lâu cuối cùng lấy hết dũng cảm tìm mấy tờ báo về vụ án của tôi năm đó. Chỉ vừa mới search, tôi đã thấy một trang báo với đầu đề đỏ chói "Người nhà của nữ sinh tấn công người đàn ông bị thương nặng, cộng đồng mạng ném đá đến tận quán", kèm theo đó là một clip. Tôi chợt cảm thấy như bản thân ngừng thở, ngồi ngây ngốc một hồi lâu. Lại thấy trong clip kia, tay tôi run run bấm vào xem. Trong chiếc clip ấy, điều tôi không mong muốn nghĩ đến nhất lại xảy ra, bà lão trong clip bị một nhóm người trẻ tuổi kéo đến trước quán chửi bới vô cùng nặng lời. Người xung quanh tuy có vào can ngăn nhưng không tài nào ngăn nổi cái mồm của bọn người đó, tôi nghe họ chửi tôi còn không bằng một con súc vật, bảo tôi đi chết đi, mắng tôi vô học, bị tống vào tù là vừa lắm. Trước trăm ngàn cái miệng ấy, bà lão đứng ở giữa vành mắt đỏ hoe nhìn bọn họ, phản bác giận dữ hét to: "Các người mới là vô học thức, cháu tôi có ra sao cũng không đến lượt các người đứng ở đây mắng chửi con bé thậm tệ như vậy. Tôi tin cháu tôi sẽ không vô cớ tấn công người khác!"

    Bọn người cộng đồng mạng kia nghe thấy vậy không những không từ bỏ mà còn cười nhạo, tiến tới đẩy bà tôi ngã xuống đất. Sau đó đi vào phá hỏng mấy cái bàn ghế trong quán. Đây là lúc tôi đang bị giam chờ ngày ra tòa phán quyết. Thì ra lúc tôi không ở nhà, bà nội đã chịu nhiều uất ức như vậy sao? Tôi thấy bỗng vô cùng khó thở, lồng ngực đau nhói, ruột gan như bị người ta lôi ra hung hăng chặt chém.

    Bà nội giấu tôi mọi chuyện, ngay cả khi lúc tôi trong tù, bà vào thăm tôi cũng không nói gì về những chuyện ấy cả. Bà lão có phải là ngốc không? Sao lại âm thầm chịu đựng như vậy chứ! Mắt tôi bắt đầu mờ dần vì hơi nước, sống mũi cay xè, cổ họng đắng chát. Tôi gục đầu xuống gối, tôi không muốn chịu đựng sự mỏi mệt này nữa.
     
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng mười 2021
  6. Tân Vy Vy Rémy Martin

    Bài viết:
    49
    Chương 5: Hồi ức

    Lưu ý: Trong chương này có những từ ngữ tục tĩu và hành động bạo lực. Mọi người cân nhắc trước khi đọc nhé, có thể lướt qua.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    lờ mờ tỉnh dậy vì cơn đau đớn từ da đầu truyền dọc sống lưng. "Chát" một cái tát từ đâu giáng xuống làm mặt tôi méo xệch hẳn sang một bên, má bỏng rát, tê dại. Cơn đau càng nhân đôi khi tóc tôi bị kéo mạnh bạo, nó ập đến liên tiếp như muốn mạng của tôi vậy. Bên tai văng vẳng tiếng chửi tục, trầm khàn của đàn ông:

    "Con mẹ mày! Cái thứ lì lợm rác rưởi này. Mày đ*o ói tiền ra được, mày còn dám ngủ hả?"

    Trên người ông ta đầy mùi rượu làm tôi buồn nôn. Tôi dùng móng tay bấu chặt lấy hai cánh tay ông ta, ép hắn phải buông tôi xuống. Ông ta có lẽ đau quá nên lập tức thả, tôi như từ địa ngục trở về, mái tóc rối bời, bên má trái sưng vù, mắt tôi đỏ ngầu nhìn ông ta đầy căm hận.

    Tôi thật sự chẳng muốn thừa nhận rằng người đàn ông hung hãn đang nhìn tôi bằng cặp mắt chán ghét lại chính là ba mình, vâng là ba ruột của tôi. Và từ "ba" này khiến tôi cảm thấy giống như một trò cười! Bởi sẽ có người ba nào mà đánh con mình như bao cát để trút giận không một chút thương tiếc sao? Có người ba nào mà sẽ nhìn con mình tràn ngập ghét bỏ và thù hằn sao?

    Bên cạnh tôi, Thúy An có lẽ vì động tĩnh quá lớn đã khiến con bé thức dậy. Nhưng nó vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, ngơ ngác nhìn tôi dụi mắt hỏi:

    "Có chuyện gì vậy chị hai?"

    Tôi im lặng vỗ về em, ôm chặt Thúy An vào lòng, gắt gao bảo vệ cũng nhìn chằm chằm ba tôi đầy phòng bị. Ông ta nhìn chúng tôi khinh bỉ một cái rồi quay đi, cứ tưởng chị em tôi đã thoát nạn, ai ngờ ông ta đã nhanh chóng quay lại, trên tay là một cái dây thắt lưng bằng da. Tôi lập tức kinh sợ, hốt hoảng càng thêm bảo bọc Thúy An kín kẽ.

    Quả nhiên giây tiếp theo, trên lưng tôi cảm nhận cơn đau điếng không thể diễn tả bằng lời, tiếng chát chát như vậy cứ vang lên liên tiếp lúc giữa đêm khuya. Mồ hôi lạnh tôi chảy ròng, cơn đau như vậy mà nói đối với một đứa trẻ mười hai tuổi như tôi đã quá sức chịu đựng. Tôi liều mạng cắn chặt môi ngăn tiếng rên rỉ tràn ra khỏi miệng càng thêm hận ba tôi hơn, thậm chí tôi còn cảm nhận thấy mùi máu tanh ngọt trong miệng mình, rách môi rồi. Tiếng mắng chửi tục tĩu hăng say của ông ta lại văng vẳng không dứt:

    "Con nhỏ mất dạy, dám cấu tay tao. Tao đánh cho mày chừa, đồ ăn cháo đá bát như con mẹ của mày. Sau này mày cũng nằm dạng chân ra dưới thân đàn ông như mẹ của mày thôi. Khốn kiếp!"

    Thúy An cuối cùng cũng hiểu chuyện gì đang diễn ra, con bé ôm rồi vùi sâu vào lòng tôi khóc lớn, tiếng nức nở cầu xin của em vang lên bên tai tôi hư hư thực thực:

    "Ba, con xin ba đừng đánh chị nữa mà.. Con sẽ ngoan ngoãn, ba đừng đánh chị.. Đừng đánh nữa. Con xin ba dừng lại.."

    Tiếng khóc của em cứ đứt quãng, kéo dài mãi. Ba tôi vẫn không mảy may quan tâm tới, tôi thấy lưng mình ươn ướt nóng, rát rạt. Lại nghe em tôi hoảng sợ kêu lên:

    "Chị hai, lưng chị chảy máu rồi! Chảy nhiều máu quá, ba, ba đừng đánh nữa. Chị chảy máu rồi!"

    Lúc này tiếng dây lưng chói tai xé gió mới ngừng lại, tôi nghe thấy tiếng hừ lạnh của ông ta. Mặt tôi trắng bệch không còn giọt máu, cuối cùng không chịu nổi nữa tôi trực tiếp ngất đi.

    Sáng hôm sau, tôi tỉnh lại theo đồng hồ sinh học. Bây giờ là sáu giờ sáng, Thúy An nằm bên cạnh tôi vẫn chưa thức, hai mắt em sưng húp do tối qua khóc quá nhiều. Tôi đau lòng vuốt tóc em, nhưng vừa cử động thì cơn đau rát từ sau lưng truyền tới khiến tôi hít một ngụm khí lạnh "Ai da..".

    Tôi thấy lưng mình giống như xát muối vậy, không dám cử động mạnh. Tôi từ từ nhẹ nhàng ngồi dậy, không muốn Thúy An thức cũng để cho mình đỡ đau phần nào.

    Như một thói quen, tôi kiểm tra một lượt thân thể của em xem có bị thương không. Trên chân em có mấy vết đỏ hồng sưng lên do tối qua ba tôi dùng dây lưng đánh trúng.

    Tôi nghiến răng ken két, nếu có thể tôi muốn giết ông ta ngay lập tức. Chỉ tiếc về sức mạnh, tôi không có, về tài sản tiền bạc, tôi cũng không nhiều. Muốn Thúy An có cuộc sống tốt và học hành đến nơi đến chốn, chị em tôi phải dựa vào ba thôi. Không lâu đâu, đợi đến khi tôi dành dụm đủ tiền, tôi sẽ dắt theo Thúy An chạy đến nơi thật xa, tại nơi đó, tôi và em không còn nghe thấy tiếng mắng chửi của ông ta và những trận đánh đập sẽ không diễn ra nữa. Em sẽ có cuộc sống thật tốt, Thúy An, đợi chị hai nhé!

    Tôi đứng dậy, rón rén từng bước đi vào trong nhà vệ sinh. Ba tôi giờ này chắc vẫn còn ngủ, tôi phải thức sớm để làm việc nhà, nếu ông ta không vui thì sẽ đánh cho một trận nhừ tử. Dù gì vết thương tối qua vẫn chưa lành, chịu thêm trận nữa chắc tôi sẽ chết mất.

    Tôi cởi áo ra nhìn vào gương, đứa con gái được phản chiếu trong gương, thân thể gầy gò xanh xao, phần xương sườn lộ rõ mồn một. Đầu tóc rối tung rối mù, vết sưng bên má trái vẫn còn. Lão già chết tiệt, mặt tôi như thế này thì làm sao mà đến trường đây?

    Lại quay lưng nhìn, tôi cũng bị chính thân thể của mình dọa sợ. Lưng tôi, nhiều vết thương do dây lưng quất đỏ chói chồng chéo lên nhau, vết máu rỉ ra be bét nhìn vô cùng ghê người. Hai cánh tay tôi nhiều vết bầm tím loang lổ.

    Tôi lạnh nhạt nhìn rồi quay đi, tắm nước lạnh buổi sáng đã là thói quen thường ngày. Nhưng mấy vết thương sau lưng khi chạm nước vẫn đau rát đến mức khiến tôi khóc lên. Không dám làm mạnh tay động đến mấy vết thương, tôi cũng chỉ tắm qua loa rồi mặc áo vào. Tôi cũng giặt luôn cái áo dính máu tối qua, làm mọi việc sạch sẽ tôi yên tâm ra ngoài.

    Như thường lệ, tôi làm hết mọi công việc nhà từ trong ra ngoài. Một lát sau, ba tôi từ phòng ngủ bước ra, ông ta liếc tôi một cái rồi quay đi tắm. Nếu không có rượu vào, ông ta sẽ khá ít để ý mà sinh sự vô lý đánh tôi.

    Thường thì có việc gì không tốt ở chỗ làm việc, khi ông ta tức giận, hoặc là lúc tôi làm việc đổ bể ông ta mới đánh tôi, và đó là thường những trận đánh rất kinh hoàng.

    Nếu là lúc trước, hàng xóm các nhà bên sẽ đi vào can ngăn, nhưng bởi vì ba tôi sẽ chửi bới rồi đánh sang luôn cả bọn họ nên bây giờ nếu có nghe thấy động tĩnh họ cũng giả điếc luôn.
     
    Chỉnh sửa cuối: 6 Tháng mười một 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...