Nhận Định Về Tây Tiến - Quang Dũng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 18 Tháng bảy 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Tổng hợp những nhận định về bài thơ Tây Tiến - Quang Dũng

    Việc trích dẫn vào bài viết nghị luận của mình những nhận định lí luận văn học, nhận định về tác giả, tác phẩm... là một thao tác khá quan trọng để bài viết được đánh giá cao ở phương diện sáng tạo. Bài viết dưới đây cung cấp cho các bạn một số những nhận định về bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Đây là những nhận định trong các bài giảng văn, bình luận của các nhà phê bình, người biên soạn sách...về bài thơ "Tây Tiến", các bạn tham khảo, trích dẫn nhớ ghi rõ nguồn.

    [​IMG]

    Phần 1: Nhận định

    "Tây Tiến là sự tiếp tục của một dòng thơ lãng mạn nhưng đã được tác giả thổi vào một hồn thơ rất trẻ, rất mới, khác hẳn những tiếng thơ bi lụy não nùng..."
    (Vũ Thu Hương – Vẻ đẹp văn học cách mạng)

    "... Tây Tiến – tượng đài bất tử về người lính vô danh." (Vũ Thu Hương)

    "Tây Tiến – sự thăng hoa của một tâm hồn lãng mạn." (Đinh Minh Hằng)

    Với cảm hứng và ngòi bút tài hoa, Quang Dũng đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến trên cái nền cảnh thiên nhiên núi rừng miền tây hùng vĩ, dữ dội và mĩ lệ. Hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng sẽ còn có sức hấp dẫn lâu dài đối với người đọc.

    (Ngữ văn 12 tập 1, Nxb Giáo dục, 2008, tr. 87.) - Sách Ngữ văn 12 (căn bản)

    "Tạo dựng chân dung người lính đẹp một cách bi tráng và hào hoa như vậy, Quang Dũng đứng riêng biệt ra một lối khác người. Bản thân tác giả cũng trong đội hình những người lính đó. Tâm hồn tác giả hòa vào gương mặt tâm hồn những người lính trong thơ, để làm nên một kiểu chân dung người lính mang cốt cách nghệ sĩ: không chỉ giỏi chiến trận mà còn có năng lực phát hiện và yêu mến cái đẹp trong môi trường sống của mình."

    (Chu Văn Sơn, Tiếng nói tri âm 2, NXB Trẻ, 1996)

    "Quang Dũng viết hồn nhiên và rất thật. Dường như chưa bao giờ anh giấu mình và càng không bao giờ dối mình trong thơ. Từ sự dấn thân, mang đậm hào khí của cả một lớp người thời đại:
    Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
    đến những kỉ niệm, những tâm sự buồn vui của cuộc đời chinh chiến ..."

    (Mai Hương, Quang Dũng (1921-1988), Tạp chí Văn học số 3, 1990)

    "Quang Dũng không viết một cái gì chung chung. Với anh, thơ là sản phẩm mang sắc thái riêng và cụ thể những gì anh đã sống trải, quan sát và ghi nhận được. Phần không nhỏ tạo nên sức hấp dẫn và giá trị lâu dài của thơ anh chính là ở tính cụ thể, chân xác ấy."
    (Mai Hương, Quang Dũng (1921-1988), Tạp chí Văn học số 3, 1990)

    "Quang Dũng vào "làng" thơ cách mạng với bài thơ "Tây Tiến". Như có mối duyên gì ràng buộc, bài thơ ấy gắn bó với người làm ra nó đến mức cứ nói đến Quang Dũng là người ta nhớ đến bài thơ Tây Tiến và ngược lại."
    (Trần Lê Văn, Bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng, báo Giáo viên nhân dân,1989)

    "Tây Tiến nhắc nhở cả một thời gian khổ mà oanh liệt, không thể nào quên của lịch sử đất nước. Nó mang đậm hào khí bừng bừng của một dân tộc vừa vùng lên giải phóng, đã phải cầm ngay súng để bảo vệ nền độc lập, tự do non trẻ và thiêng liêng của mình những ngày đầu Cách mạng tháng Tám."
    (Đặng Anh Đào, Tây Tiến, Giảng văn chọn lọc Việt Nam. NXB Hà Nội, 1998)

    "Chính niềm thương nhớ máu thịt và lòng tự hào chân thành của Quang Dũng về những người lính Vệ quốc đoàn – đồng đội ông trong đoàn quân Tây Tiến là âm hưởng chủ đạo của bài thơ đã khiến người đọc cảm động sâu xa. Thật hiếm thấy bài thơ nào viết về đồng đội lại thắm đượm ân tình chân thành đến thế."
    (Đặng Anh Đào, Tây Tiến, Giảng văn chọn lọc Việt Nam. NXB Hà Nội, 1998)

    "Bút pháp chấm phá thật tinh tế. Không gian sông nước thì rộng lớn, cảnh thì thưa thớt, thấp thoáng bóng người, bóng hoa. Cảnh không rõ nét mà mờ nhòa, tất cả phủ trong màn sương huyền thoại: chiều mông lung sương, hồn lau thì phảng phất, người chỉ ẩn hiện trong một dáng, hoa cũng chỉ thấy một điệu đong đưa... Nét bút mờ nhòa này đã vẽ được cái mộng mơ của cảnh vật, cái hư ảo của hoài niệm, cái tinh tế của tình cảm. Tất cả da diết một làn sương nhớ nhung bọc kín những câu thơ."
    (Nguyễn Quang Trung, Phân tích bình giảng tác phẩm văn học 12, NXB Giáo dục, 2004)

    "Như vậy, hùng vĩ gắn với thơ mộng là cái nhìn riêng của hồn thơ lãng mạn Quang Dũng trước núi rừng Tây Bắc. Xuyên qua cảnh vật là hoài niệm tinh tế mà sâu nặng, bâng khuâng một tình yêu không nói hết của tác giả với một vùng đất nước gắn bó thiết tha một thời với người lính."
    (Nguyễn Quang Trung, Phân tích bình giảng tác phẩm văn học 12, NXB Giáo dục, 2004)

    "Tây Tiến là sự tiếp tục của một dòng thơ lãng mạn nhưng đã được tác giả thổi vào hồn thơ rất trẻ, rất mới, khác hẳn những tiếng thơ bi lụy não nùng. Cũng khơi nguồn cảm hừng từ một thời gian khổ và oanh liệt của lịch sử đất nước nhưng Tây Tiến đã được thể hiện một cách đặc sắc qua ngòi bút Quang Dũng, với một tâm trạng cụ thể- nỗi nhớ đồng đội trong đoàn quân Tây Tiến. Chính niềm thương nhớ da diết và lòng tự hào chân thành của tác giả về những người đồng đội của mình đã khiến người đọc của nhiều thế hệ rung cảm sâu xa và đó cũng chính là âm hưởng chủ đạo của bài thơ này..."
    (Vũ Thu Hương, in trong Vẻ đẹp văn học cách mạng, NXB Giáo dục).

    "... Tây Tiến ... nơi mà con người Tây Tiến, chiến sĩ Tây Tiến, núi rừng Tây Tiến đã vượt ra ngoài những cảm quan ban đầu của hồn thơ Quang Dũng để đến với đại ngàn thi hứng. Nơi ấy, cuồn cuộn dòng chảy lạnh lùng và đa tình, hiện thực và lãng mạn, bi và tráng. Một Tây Tiến không chỉ níu kéo bước chân người lính trong nỗi niềm nhớ... Tất cả đều gợi ấn tượng của sự "lạ hóa", của những vẻ đẹp kì ảo khó gọi tên...".

    (Đinh Minh Hằng, in trong Vẻ đẹp văn học cách mạng, NXB Giáo dục).

    "Quang Dũng đứng riêng một ốc đảo, đặc biệt với bài thơ Tây Tiến, ông không có điểm gì chung với những nhà thơ khác, ông đứng biệt lập như một hòn đảo giữa các nhà thơ kháng chiến".
    (?)

    Xem tiếp phần 2: Vận dụng nhận định

    Thùy Minh

    Tổng hợp từ nhiều nguồn.
     
    Chỉnh sửa cuối: 4 Tháng mười 2022
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Vận dụng nhận định viết đoạn văn

    Vận dụng viết mở bài:

    Nhận xét về "Tây Tiến", tác giả Đinh Minh Hằng có viết: "Tây Tiến – sự thăng hoa của một tâm hồn lãng mạn." Đúng vậy, chính sự thăng hoa mãnh liệt trong tâm hồn chàng thi sĩ trẻ khi hồi tưởng về một thời từng sống, chiến đấu trong binh đoàn Tây Tiến đã làm nên mạch cảm xúc thi vị và hào hùng của bài thơ, thành nhịp đập trái tim của thi phẩm và đem đến rung cảm thẩm mĩ sâu sắc trong lòng người đọc. Xuyên suốt bài thơ là nỗi nhớ: Nhớ thiên nhiên, nhớ đồng đội, nhớ nhớ kỉ niệm ấm áp tình đồng bào.. Mười bốn câu thơ:

    "Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi!


    [..]

    Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"


    Là dòng cảm xúc bồi hồi nhung nhớ của Quang Dũng về thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội cùng những cuộc hành quân gian khổ của người lính Tây Tiến. Xúc cảm chân thành, mãnh liệt ấy đã "chưng cất" lên những vần thơ thật đẹp.

    Vận dụng viết thân bài:

    "Người đi Châu Mộc chiều sương ấy


    Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

    Có nhớ dáng người trên độc mộc

    Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa."

    Ngòi bút của Quang Dũng thực sự có thần khi chấm phá một vài nét mà gợi ra cả một bức tranh thiên nhiên đẹp như trong cổ tích. Trong làn sương chiều bảng lảng, tất cả trở nên mơ màng, huyền ảo. Cảnh sắc nhòa mờ như những nét vẽ đậm chất cổ trang trên phiến lụa. Bức tranh thiên nhiên qua một vài nét phác thảo có dáng người thấp thoáng, có hồn lau nẻo bến bờ, có cánh hoa đong đưa bên dòng nước lũ.. đã mang đến ấn tượng về cái hồn rất riêng của chiều sương Châu Mộc.

    Đọc những câu thơ này, tác giả Nguyễn Quang Trung có những lời bình thật chính xác: "Bút pháp chấm phá thật tinh tế. Không gian sông nước thì rộng lớn, cảnh thì thưa thớt, thấp thoáng bóng người, bóng hoa. Cảnh không rõ nét mà mờ nhòa, tất cả phủ trong màn sương huyền thoại: Chiều mông lung sương, hồn lau thì phảng phất, người chỉ ẩn hiện trong một dáng, hoa cũng chỉ thấy một điệu đong đưa.. Nét bút mờ nhòa này đã vẽ được cái mộng mơ của cảnh vật, cái hư ảo của hoài niệm, cái tinh tế của tình cảm. Tất cả da diết một làn sương nhớ nhung bọc kín những câu thơ."


    Vận dụng viết kết bài:


    Đoạn thơ vẽ lên khung cảnh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội, chấm phá đôi nét trữ tình mềm mại, thanh sơ. Điểm nhấn của bức tranh là hình ảnh những chàng lính Tây Tiến trên bước đường hành quân, chiến đấu gian khổ, hiểm nguy nhưng vô cùng anh dũng. Ta có thể nhận thấy trong 14 dòng thơ là vẻ đẹp vừa hào hùng vừa hào hoa, vừa anh hùng, vừa nghệ sĩ của những chàng lính Hà thành. Tất cả được biểu hiện bằng giọng thơ trữ tình, đằm thắm, bằng sự kết hợp uyển chuyển giữa thơ, họa và nhạc, giữa bút pháp hiện thực và cảm hứng lãng mạn, những ngôn từ giàu giá trị biểu đạt.. Bài thơ mang đậm dấu ấn riêng của Quang Dũng, đúng như nhận định: "Quang Dũng đứng riêng một ốc đảo, đặc biệt với bài thơ Tây Tiến, ông không có điểm gì chung với những nhà thơ khác, ông đứng biệt lập như một hòn đảo giữa các nhà thơ kháng chiến".
     
    Chỉnh sửa cuối: 4 Tháng mười 2022
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Vận dụng (TT) :

    "Quy luật của văn học là quy luật của cái đẹp" và "quy luật của cái đẹp là quy luật của tình cảm". Vậy tình cảm chứ không phải bất kỳ yếu tố gì khác mới là ngọn nguồn sâu xa của cái đẹp. Mỗi tác phẩm nghệ thuật đính thực phải hướng con người tới cái đẹp bằng tình cảm của người nghệ sĩ. Bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng là một minh chứng sáng giá cho quan niệm đó. Quang Dũng là người nghệ sĩ đa tài vừa viết văn, làm thơ lại biết cả vẽ tranh, soạn nhạc. Nhưng trước hết ông là một nhà thơ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa, đặc biệt là khi ông viết về người lính Tây Tiến và xứ Đoài quê mình. Có lẽ trong suốt cả đời của người nghệ sĩ tài hoa ấy những năm tháng chiến đấu trong đoàn quân Tây Tiến là quãng thời gian đáng nhớ nhất, để lại những dấu ấn và tình cảm sâu đậm nhất. Và bao nhiêu kỉ niệm sâu sắc ấy đã được nhà thơ lưu giữ lại với thời gian trong một thi phẩm xuất sắc, được đánh giá là một trong những bài thơ hay nhất của thơ ca kháng chiến chống Pháp: "Tây Tiến" - bài thơ mang chứa gần như trọn vẹn những gì là đặc trưng nhất của hồn thơ Quang Dũng.

    "Hiện thực đời sống luôn là nguồn cảm hứng vô tận sáng tạo nên văn chương, người nghệ sĩ phải đứng vững trên mảnh đất đời sống, lấy đó làm điểm tựa, điểm xuất phát thì mới mong tạo ra được thứ gì đó để đời." Quang Dũng là là người lính, là một Đại đội trưởng trong đoàn binh Tây Tiến và ông đã bám vào hiện thực của cuộc kháng chiến gian khổ, của những kỉ niệm mà đời lính không thể quên, chắp cánh cảm xúc để cho ra đời tác phẩm để đời. Cuối năm 1948, Quang Dũng phải chuyển đơn vị khác. Rời xa đoàn binh Tây Tiến chưa được bao lâu, khi kỉ niệm về Tây Tiến và hơi ấm đồng đội hầu như vẫn còn nguyên vẹn, tại Phù Lưu Chanh - một làng nhỏ bên bờ sông Đáy hiền hòa, ông nhớ về đơn vị cũ nên viết bài thơ này.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...