Một đêm mưa phùn ẩm ướt và tối tăm về cuối tháng chạp, hai anh em chúng tôi đi nghỉ sớm. Nằm trên giường, trùm chăn đến tận cằm, chúng tôi cùng nhau nói chuyện phiếm để đợi giấc ngủ. Trong căn phòng yên lặng, chỉ nghe rõ tiếng tí tách thong thả và đều đều của chiếc đồng hồ treo trên tường. Nhưng thỉnh thoảng một cơn gió đưa đến văng vẳng những tiếng nhái kêu ở cánh đồng quê chung quanh nhà. Ngọn đèn hoa kì vặn nhỏ để ở dưới đất chiếu lên trần và tường nhà những bóng tối kì dị, hơi lung lay. Còn chiếc màn đỏ rộng treo ở giữa nhà thì tối sẫm lại, rủ những nếp vải mong manh và tha thướt. Bên kia chiếc màn ấy là giường của ba tôi và chị tôi nằm. Vào hồi nửa đêm, chúng tôi sực thức dậy, gió thổi ào ào trong các lá cây và đập mạnh các tàu lá chuối; từng luồng chớp loáng qua cửa sổ. Một lát thì mưa rào rào đổ xuống mái nhà. Anh tôi bảo: - Có lẽ là một trận bão to. - Bão thì càng thích. Mà thích thật. Tưởng tượng không có cái khoan khoái êm ấm nào bằng cái thú đắp chăn nằm ngủ mà nghe mưa gió ở ngoài. Đêm lúc bấy giờ lạnh hơn, lại càng làm cho mình thấy cái ấm trong chăn là dễ chịu. Tiếng mưa reo và gió thổi như một thứ âm nhạc vui vui, ru ngủ người ta dần dần. Hai anh em chúng tôi vừa cuộn kín trong chăn cho ấm vừa nói chuyện. Chúng tôi nghĩ đến, rồi thương hại những người lữ khách vào giờ này hãy còn đi trên con đường vắng, ướt như chuột lột và run như cầy sấy, đi vội vàng để tìm một chỗ trú chân. Chúng tôi lại ái ngại cho những con nhà nghèo bên hàng xóm, giờ này vợ chồng con cái đều phải dậy để chống cái nhà lá mà mỗi cơn gió mạnh làm lung lay và để đem các chậu thau hứng những chỗ dột nước. Khi người ta được êm ấm trong một căn phòng nhà gạch chắc chắn, không sợ mưa gió về phần mình, thì người ta dễ có lòng thương đối với những người xấu số hơn. Chúng tôi đương ở vào cái tâm tình tốt đẹp ấy, thì bỗng nhiên anh sẽ thích tay vào tôi bảo im rồi nói khẽ: - Có nghe thấy gì không? Tôi lắng tai: Qua tiếng quạt gió, tiếng mưa ở ngoài, tôi nghe thấy có tiếng chiêm chiếp như tiếng chim kêu. Tôi bảo anh tôi: - Tiếng chiêm chiếp như tiếng chim kêu phải không? - Phải rồi. Tôi nghe thấy từ lúc nãy. Hai chúng tôi lại chăm chú nghe: Tiếng kêu chiêm chiếp khe khẽ và yếu ớt hình như ở chiếc cửa sổ phía đầu cái màn đỏ đưa lại. Tôi hỏi anh tôi: - Quái, không biết con chim nó đến đây kêu làm gì nhỉ? Anh tôi chợt nghĩ ra: - Thôi phải rồi, chắc hẳn là một con chim bị mưa gió đánh bạt đến đây trú. - Tội nghiệp, chắc ở ngoài ấy nó bị rét lắm. Chúng tôi tưởng tượng ngay ra một con chim ướt át, xù lông ra vì rét, đến chỗ cửa sổ đòi vào vì nó thấy ánh sáng trong phòng ấm áp chiếu ra. Câu chuyện một con chim gáy một hôm tránh bão tuyết, đến gõ cửa nhà vợ chồng người cày ruộng, được hai vợ chồng này nâng niu và rắc bánh cho ăn, câu chuyện mà hồi nhỏ chúng tôi đã đọc trong quyển "Bài tập đọc" bây giờ thoáng lại qua trong trí nhớ, làm chúng tôi đem lòng thương con chim kia vô hạn và muốn cứu vớt nó. Tôi bảo anh tôi: - Hay là chúng ta mang nó vào trong này cho ấm. - Mang thế nào được? - Sao lại không được! Ta cứ việc mở cửa rồi dụ nó vào có khó gì. Chứ nếu để nó ở ngoài ấy thì chết mất. - Ừ, phải đấy. Tuy nói thế, nhưng chúng tôi cũng chưa dậy, người nọ có ý đợi người kia, vì trời lạnh quá mà ra ngoài chăn kể cũng hơi ngại. Còn lưỡng lự thì bỗng ở bên kia tấm màn treo, chỗ phía chị tôi nằm, có tiếng người ú ớ. Tôi bảo anh tôi: - Chị Hai lại mê hẳn. Nói chưa dứt câu lại nghe thấy tiếng ú ớ càng to lên và càng rõ rệt. Chị tôi như định nói cái gì ấy mà không nói được. Anh tôi phàn nàn: - Chị ấy độ này cứ hay mê nói lảm nhảm luôn, chắc chị ấy yếu. Tôi cũng nghĩ thế. Hai chúng tôi yên lặng một lát để xem chị Hai có nói mê nữa không. Nhưng chắc chị tôi lại ngủ rồi. Chúng tôi lại nghe thấy vẫn cái tiếng chiêm chiếp ban nãy bây giờ hình như yếu ớt hơn. Anh tôi bảo: - Thôi, chú dậy đem con chim vào đi. Tôi ngần ngại: - Dậy bây giờ rét lắm, anh ạ. - Rét gì mà rét. Chú cứ bước mạnh bạo ra thì không rét đâu. Hình như để trái với lời anh tôi nói, một cơn gió lạnh lọt vào phòng làm lay động chiếc màn. Tôi rùng mình nói: - Brrr! Rét lắm, ra bây giơ fthì chết cóng. Rồi tôi kéo chăn trùm kín cổ. Anh tôi cũng kéo chăn lên rồi bảo tôi: - Chú lười lắm. Có ra kia mở cánh cửa sổ mà cũng không chịu khó. - Thế anh ra có được không? Bên kia màn, tiếng ú ớ của chị Hai lại nổi lên thành thử tôi không biết câu trả lời của anh tôi ra thế nào. Một lát mới thấy anh tôi nói: - Chú có thương nó, bảo mang nó vào thì ra mở cửa chứ. Tôi lúc bấy giờ đã buồn ngủ lắm, mắt đã díp lại bèn quay mặt vào trong rồi bảo: - Thôi mặc kệ nó anh ạ. Anh tôi gắt: - Thế thì còn nói chuyện! Rồi anh quay lưng về phía tôi, kéo chăn trùm kín đầu, co chân ngủ, không nói gì nữa. Tôi lắng tai nghe tiếng chiêm chiếp của con chim con như tha thiết gọi. Rồi một lát tôi cũng ngủ nốt. * * * Sáng hôm sau, khi chúng tôi tỉnh dậy, đẫ thấy chị Hai tôi đứng pha nước ở đầu bàn. Khi thấy chúng tôi ngồi dậy, chị nhìn chúng tôi mỉm cười hỏi: - Có phải tối qua, hai chú cãi nhau về con chim không? Chúng tôi nhìn nhau ngạc nhiên. Tôi hỏi: - Chị cũng biết à? Lúc bấy giờ chúng tôi thấy chị nói mê mãi kia mà. Chị Hai phá lên cười, đầu ngả về đằng sau, hai bàn tay che miệng, vì chị mới nhuộm răng. Chị cười như nắc nẻ, khiến chúng tôi không hiểu ra sao. Sau chị vừa cố nén cười vừa nói: - Hai chú có biết cái tiếng chiêm chiếp ấy ở đâu ra không? Đó là tiếng cây tre ở đầu nhà bị gió lay đấy. Tôi nằm ở gần nên nghe rõ. Đến khi thấy hai chú thương hại con chim, định mang nó vào sưởi, tôi buồn cười suýt nữa bị sặc. Mà định nói bảo cho hai chú biết là không phải thì lại vướng thuốc nhuộm răng trong mồm, không nói được. Thành ra ú ớ như người nói me vậy. Chị tôi kể xong lại cười. Chúng tôi nghĩ cái nhầm tưởng hôm qua, cũng buồn cừoi nốt. Ba chúng tôi cười mãi chảy cả nước mắt. Sau anh tôi ngừng lại vui vẻ nói: - Thế mà chúng em cứ tưởng có một con chim đáng thương nó đến gọi cửa. Gió đầu mùa, Đời nay, Hà Nội, 1937