Nhắc đến dụng cụ che nắng che mưa thì có rất nhiều loại: Mũ lưỡi trai, mũ rộng vành.. nhưng không có thứ gì thay thế được vị trí chiếc nón lá trong lòng người Việt. Đơn giản chỉ vì nó là một đồ vật mang tính truyền thống, gắn với quá trình hình thành và phát triển đất nước. Chiếc nón lá vô cùng giản dị, trông có vẻ bình thường nhưng ít ai biết được nó đã có nguồn gốc từ xa xưa, vào khoảng 2500 năm trước Công nguyên. Bằng chứng cho thấy, trên các mặt trống đồng thời cổ đã xuất hiện hình ảnh con người ca hát nhảy múa, trên đầu đội nón lá. Qua nghìn năm lịch sử, bao biến cố, thăng trầm cũng không làm lu mờ vai trò của chiếc nón lá, kể cả trong đời sống hiện đại. Chiếc nón có hình chóp xinh xắn, đường kính vành nón rộng nhất dao động từ 35 – 50cm. Nón mang một màu trắng của cánh cò, đậm chất làng quê. Khi mới mua về, chiếc nón có mặt ngoài bóng loáng có thể in nhiều hình ảnh bình dị của đồng quê như: Đồng lúa, chim chuyền cành, cây cối.. hoặc viết lên chữ thư pháp hoặc tên để tạo sự bắt mắt. Đấy là loại nón được dùng làm đồ lưu niệm, còn với những người lao động bình thường thì chỉ mua loại nón đơn sắc. Nón được làm từ lá cọ, lá nón, lá dứa.. tùy theo vùng miền. Các vòng bao quanh làm thành bộ khung nâng đỡ nón vững chắc có nguyên liệu từ cọng tre, nứa, giang.. vót mảnh, miễn sao nó đủ dẻo dai, chịu lực. Quai nón làm bằng vải hoặc len có bề ngang to. Nhìn chiếc nón lá có vẻ đơn giản nhưng thực tế để hoàn thành nên một chiếc nón hoàn mỹ đòi hỏi người làm phải thật khéo léo, công phu. Trước hết là khâu chọn, phơi và ủi lá. Dù cho là loại lá gì thì chất lượng luôn được ưu tiên: Phải chọn lá tươi, không bị úa, rách. Lá được phơi dưới ánh nắng mặt trời cho khô, hơi giòn rồi hấp thụ hơi nước giếng ban đêm để mềm lại. Người làm nón phải dậy từ ba bốn giờ sáng mới kịp ủi lá, nếu muộn quá, lá sẽ khô và xoăn trở lại. Ủi lá không quá khó nhưng phải thật tỉ mỉ: Để lá lên miếng kê bằng sắt đã được hơ hơi nóng rồi lấy một túi vải gói đất quệt vài đường thì lá sẽ thẳng ngay. Tiếp theo đó là tạo khung nón. Ta cần các nan tre hoặc nứa nhỏ cỡ cây tăm rồi uốn lại thành mười sáu vòng tròn với kích thước từ nhỏ đến lớn tính từ đỉnh chóp xuống, riêng vòng lớn nhất thì các nan tre, nứa phải cứng cáp nhất; khoảng cách giữa các vòng đều bằng nhau, vào khoảng hai đến ba xăng-ti-mét. Kế tiếp, người ta xếp các lá lên khung sao cho thật thẳng, các lá chồng lên nhau tinh xảo, hài hòa. Để cố định lá với khung nón cần tiến hành chằm nón, đây cũng là công đoạn cực kỳ quan trọng. Ta dùng những sợi cước hoặc sợi ni lông nhỏ mảnh, trắng (có thể trong suốt) xỏ qua kim sau đó khâu từng vòng theo khung cho chặt, chắc mà lại đẹp mắt. Cuối cùng, quét một lớp dầu phủ mặt ngoài để nón bóng bẩy, bảo vệ phần lá nón khỏi mưa, nắng, bụi bẩn, tăng tuổi thọ của nón. Nón lá được phân thành phần nhiều loại với đặc điểm và công dụng khác nhau. Nón quai thao ở xứ Kinh Bắc hình tròn, kích thước lớn với đường kính tầm 80cm-100cm, thường được sử dụng trong lễ hội quan họ là chủ yếu. Nón bài thơ ở Huế có lá trắng, mỏng lộng hình hay một vài câu thơ. Nón dấu có chóp nhọn mà các thủ lính thời phong kiến sử dụng khi đánh trận. Nón làng Chuông Hà Nội nổi tiếng khắp nơi về chất lượng. "Muốn ăn cơm trắng cá trê Muốn đội nón lá thì về làng Chuông." Nón ngựa Gò Găng (Bình Định) làm bằng lá dứa, thường dùng khi cưỡi ngựa, là loại mà ngày xưa chỉ có vua chúa, tướng lĩnh mới có thể dùng được. Vì thời gian làm ra một chiếc nón ngựa rất lâu nên giá thành của nó luôn đắt hơn các loại nón bình thường. "Lụa Phú Phong nên duyên nên nợ Nón Gò Găng khắp chợ mến thương." Chiếc nón lá có nhiều công dụng hữu ích trong đời sống và sinh hoạt hằng ngày. Đối với các bác nông dân, ra đồng làm việc có cái nón đội trên đầu che cái nắng khắc nghiệt tiện biết bao! Trời nóng nực, người ta lại lấy nón quạt làm mát. Nón đội đi kèm với tà áo dài thướt tha mới duyên làm sao! Nó còn được dùng như một thứ quà tặng mang hương vị đồng quê mà du khách cả trong lẫn ngoài nước mua về tặng cho người thân, bạn bè. Chiếc nón lá đã đi vào thơ ca nhạc họa như một hình ảnh đậm chất trữ tình: Điệu múa nón làm xao xuyến lòng người.. Ý nghĩa của chiếc nón thậm chí vượt qua cái phạm vi trong nước mà vươn ra quốc tế, được nhiều bạn bè năm châu biết đến. Muốn giữ nón lá bền đẹp thì ta phải bảo quản kĩ. Sau khi dùng nên để chỗ mát tránh ánh nắng để không bị cong vành, lá ố vàng. Thỉnh thoảng có thể bôi dầu chuyên dụng quanh nón nhưng tốt nhất là bao bọc nón trong bì ni lông và tránh va đập mạnh. Nón lá-một ký hiệu của văn hóa Việt. Nó không chỉ đơn thuần là một vật đội đầu mà là kết quả do sự sáng tạo của người dân lao động, tô điểm thêm cho nét đẹp con người Việt. Mai sau, dẫu cho có nhiều loại mũ, nón thời thượng hơn nữa thì cũng không làm cho vị trí chiếc nón lá lung lay hay phai mờ.