Truyện Ngắn Thức Quà Quê - Shery

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Shery Wittgenstein, 19 Tháng bảy 2021.

  1. Shery Wittgenstein

    Bài viết:
    2
    Thức quà quê

    Shery

    [​IMG]

    Ở khúc ruột miền Trung thân yêu - Quảng Nam - đã nuôi lớn tâm hồn chúng tôi không chỉ bằng giọng quê chan chát vị biển; lời ru ngọt ngào của bà; tình người chan chứa.. mà còn mê mẩn bởi những thứ quà giản dị và ngọt lịm. Dưa gang, thức quà quê ngọt mát mà mỗi người xa quê như tôi thèm khát mỗi khi hè đến. Để rồi, tôi cứ nhớ hoài câu nói của má: "Thèm gì không thèm, mà lại thèm dưa gang, hả con?". Má ơi, trái dưa gang đâu chỉ là thứ quả ngọt nước mà nó còn gói ghém cả tuổi thơ êm đềm của con ở đấy..​

    Bảy năm về trước, rời mảnh đất đầy nắng và gió, tôi ra Đà Nẵng nhập học, rồi cũng nhanh chóng giã từ thành phố, đến lập nghiệp tại thủ phủ miền Nam (Sài Gòn). Lần nào về gần đến quê, tôi cũng dặn tới lui bác tài:

    Bác nhớ cho con xuống chỗ Xóm Dưa nghe. Con cảm ơn bác nhiều.

    Xóm Dưa - nơi chôn nhau cắt rốn- lần đầu tôi được nghe qua lời đáp của bác tài hôm rời Đà Nẵng về quê. Địa danh mộc mạc ấy chưa từng lưu lại trong bất kì văn bản hay sách báo nào. Chỉ là, mỗi lần ghé qua vùng đất này, khách vãng lai thường bắt gặp hình ảnh quen thuộc về cảnh mua bán tấp nập những trái dưa gang xanh ngắt. Tổ tiên chúng ta trước giờ, hay lấy những điều thân thuộc, gắn bó để đặt tên cho chính mảnh đất đó. Cũng giống như làng tôi, nhà nào cũng đặt tên con: Nào Nhỏ, nào Chút, nào Xíu.. để dễ nuôi, dễ gọi. Nhưng để phân biệt con nhà nào thì kèm sau tên mỗi đứa trẻ, là tên ba hoặc má đứa đó.

    Lát nữa con Chút ra đám dưa Đồng Ngoài, canh cho má đám dưa mới "bẻ bông". Giờ nghỉ hè, tụi nhỏ phá quá.

    Tôi cố nút miếng bánh mì đang nhai dở trong miệng, giọng sụt sùi: Sao bắt con đi canh hoài thế? Sao mình không kiện tụi nó ra xã đi má?

    Tụi nó ăn nhiêu đâu con. Nó nghịch thôi. Ai lại đem chuyện đó ra mà kiện cáo, rồi làm mất lòng bà con hàng xóm. Con ráng phụ với ba, má. Có gì, gần trưa ba chạy ra, thay cho con.

    Ba đang ngồi ở mé cửa; quần lưng chừng ống cao ống thấp; ăn vội chén cơm cho kịp giờ ra đồng phụ luống dưa cho cô Hà (Chẳng là vì sớm nay, cả nhà tôi đã đi hái dưa từ lúc 5h sáng để kịp giao cho mối nên chưa kịp ăn uống gì)

    Chưa kịp ơi hời tiếng nào thì ba ngấp vội ngụm trà, vớ tay lấy cái nón tai bèo giắt trên bục cửa. Tôi chỉ kịp nhìn ba nổ máy, một tay vác cuốc; một tay giữ vô lăng. Trên xe, chai nước được má tôi treo sẵn từ hồi nào. Mọi hoạt động của ba diễn ra nhanh chóng, như thể không kịp để chén cơm khi nãy kịp tiêu trong bụng.

    Má ở dưới bếp, nói vọng ra:

    Đang lúc Dưa "được giá" mà lại hiếm. Mình ráng giữ lâu tí, để thêm chút tiền sửa soạn cho tụi con vào năm học chứ. Má chuẩn bị cho con sẵn chai nước với gói muối ớt đây này.

    Dạ, con đi liền đây.

    Quê hương tôi là vùng đất Quảng Nôm (Quảng Nam), mảnh đất của nắng, gió, mưa, của lũ lụt. Người trong vùng chia sẻ mộc mạc rằng: Quảng Nam, nơi có nắng đến bỏng da, cháy thịt; mưa đến tối mặt tối mày.. Sự khắc nghiệt ấy được nhạc sĩ Hồng Xương Long nặng lòng qua câu hát:

    "Miền Trung đất bồi phù sa

    Người miền Trung gian khó nhiều đời qua"

    (Ca khúc: Mưa chiều miền Trung)

    Cái gian khó của xứ này đã tôi luyện nên hình tượng: Cần cù; chịu thương chịu khó của người Quảng muôn đời. Và ba, má chính là những tấm gương sáng ngời về mẫu hình cần mẫn mà lớp trẻ trong làng noi theo. Chính sự chịu thương chịu khó của "người đồng mình" đã làm hồi sinh nơi đây với "đồng xanh lúa khoai bốn mùa tươi màu đất lành". Và đám dưa gang, không chỉ là bạn của nhà nông; mà là thành quả ngọt ngào sau bao ngày dãi nắng dầm mưa trên đồng của ba, má. Hơn cả, chúng là mầm hi vọng, gửi gắm và nuôi lớn những ước mơ ấp ủ của đám nhỏ quê tôi.

    Vọt lên con sườn sắt của ba, tôi lao nhanh ra đồng. Khắp đồng trên xóm dưới, nắng đã oanh tạc hết các khoảng không; còn mây trắng luân phiên tạo hình ngộ nghĩnh.

    Tôi nghĩ thầm: Hôm nay chắc lại nắng to!

    Dòng suy nghĩ bị cắt ngang và con chiến mã đột nhiên khựng lại. Trước đầu xe, đám mục đồng xóm tôi (con Ú; cái Thơm; thằng Hà) đứng vây quanh. Vẻ mặt héo đân như trái cà chiều của tôi kịp thông báo với chúng về lí do tôi vắng giữ trâu hôm nay. Trái với tâm trạng hụt hẫng của tôi, cái Thơm hăng hái kể tôi nghe về lịch trình sáng nay của tụi nó: Hẹn đám bạn xóm Ngoài hái sim; chơi u; cùng thả trâu nằm nước; rồi tắm sông.

    Nó càng kể, bản tính ham chơi của tôi càng thôi thúc.. Nhưng không, tôi còn cả nhiệm vụ to bự của mình. Mà canh dưa một mình thì chán lắm. Nghĩ vậy, tôi tìm đủ lí do, chèo kéo năn nỉ (kể cả chưng cái mặt rầu rĩ) với hi vọng lôi kéo đồng minh theo mình ra đồng Ngoài. Nhưng trẻ con mà! Thiếu đứa này, nó nhập hội đứa khác. Nơi nào đông vui, nó ghé. Dẫu không biết tên nhau, cứ vô chơi một hồi thì tự khắc làm thân. Việc tôi có vắng mặt hay không, nó chưa kịp buồn thì đã tìm được niềm vui mới bên tụi bạn khác.

    Ta nghỉ chơi với tụi bây luôn. Từ giờ, đừng có dô nhà rủ ta đi chơi trốn kiếm ban đêm nghe chưa? Tôi hứ một cái, rồi ghì mạnh ghi đông, đạp lẹ.

    Ch.. út.. CHÚT, đợi ta với.

    Ngoái đầu lại, tôi gặp cái miệng cười toét khoe má lúm của nhỏ Ú.

    Mình mi ngoài đó buồn thiu. Rồi sao mà giữ lại đám tiểu quỷ ấy. Để ta cho trâu theo cùng nha.

    Tôi khẽ gật đầu. Thật hạnh phúc nhường nào khi có bên cạnh những người bạn biết thấu hiểu và quan tâm! Cả đời dài, chỉ cần một người bạn luôn bên mình mỗi lúc khó khăn thì bao chông chênh, ưu tư cũng đều vượt qua.

    Cảm ơn Ú nghe. Mi là đứa bạn tốt nhất của ta. Tôi thỏ thẻ kế bên tai con nhỏ bạn thân.

    Xí, ơn nghĩa gì. Mấy lần trước, mi cùng ta đi cắt cỏ; hái đậu; chăn trâu còn gì. Bạn bè đúng nghĩa phải vậy chứ!

    Tôi không rõ hết ý tứ của câu nói đó. Mãi sau này, khi tiếng gọi đam mê và gánh nặng mưu sinh cuốn tôi đi thì những lần vấp ngã, thất vọng và ấm ức; Ú luôn là người bạn kề bên chia sẻ.

    Muốn ra đến cánh đồng Ngoài, chúng tôi phải băng qua một con Đập (dân làng thường gọi là cái Đập Tư Chánh). Tôi không biết con Đập có mặt tự bao giờ, chỉ nhớ rằng khi còn là đứa trẻ tiểu học, sáng nào tôi cũng vòng một đường tròn theo mép đê; rồi vén vội ống quần băng nhanh qua cánh đồng mọc đầy hoa cỏ mây và có mặt tại trường làng.

    Nơi góc sông này, tụi nhỏ theo cha xách giỏ cá đầy ự; men theo mép sông mò con hến, con xìa xìa mỗi chiều. Hay những buổi trưa, ngồi vắt vẻo trên tấm lưng trâu đen bóng để kì cọ và bơi úp, bơi ếch với đám bạn. Hè đến, dưới những tán râm hàng dương, đám mục đồng ngồi tụm lại trên mặt đê và thủ thỉ to nhỏ chuyện trên trời, dưới biển: Nào tài biến hóa của Tôn Ngộ Không rồi cái tham ngủ, lười làm của anh Trư bụng bự.. Chúng cứ ngồi với nhau như thế, cho đến khi mặt trời tắt nắng vẫn chưa chịu về. Quanh năm, suốt tháng, triền đê gặp biết bao gương mặt bác nông ra đồng cùng chiếc cuốc; cái cày;.. là quang gánh nặng trĩu của má hay của cô những khi mùa vụ về; rồi tấm lưng cha đen bóng và nhễ nhại mồ hôi kéo một xe bò đầy rơm rạ và lúa chín.

    Cứ mỗi lần đẩy xe qua con dốc cao (nơi có hai con thác được bê tông hóa đặt cách nhau chừng 50 mét) ba thường dừng lại để lấy đà, rồi ghì chặt hai tay lái để chạy thật nhanh lên dốc. Mỗi lần dắt trâu ngang đoạn này, tiếng thác nước ầm ầm từ trên cao xuống, khiến mấy em trâu nhát dừ giậm chân liên hồi; rồi nhón chân phóng lẹ qua; con nào dạn dĩ thì cứ thủng thỉnh đi. Có khi trâu mẹ sang được; mà bê con cứ ú ớ: Bê.. ê.. bê! Thì tự khắc ngậm ngùi tôi cầm dây trâu đi ngược về. Mỗi con thác được thiết kế với ba, bốn trụ; thông với nhau bằng một tấm bê tông lớn. Giữa các trụ, người làng đặt các tấm bê đanh nhôm, trên có cần trục. Vào mùa mưa, bão; bác Bảy sẽ leo lên một chiếc thang, quay lấy quay để cho tấm bê đanh lên cao và nước ào ào lao nhanh qua khe hở; vụt qua từng cánh đồng trước khi tìm đến biển. Còn ngày hè, tấm bê đanh sẽ đặt dưới lòng sông, nước chảy chậm rãi. Thằng Hà lần nào đi ngang, cũng nháo nhác thò đầu nhìn xuống tấm bê đanh rồi hét lớn: A.. a.. A! Không hiểu sao thằng nhỏ khoái cảm giác nhìn thật sâu dưới đáy, trong khi nhỏ Ú mặt mày tái mét mỗi khi nhìn đám bọt bèo trèo qua tấm đanh. Lần nào rủ nó chăn trâu hay canh dưa, tôi để ý nó thường lội sông, ống quần vén trên đầu gối.

    Tôi hay trêu nó: May nhà mi không có ruộng đồng Ngoài, không thì suốt ngày bị ăn đòn.

    Nó không phản pháo, chỉ nhe răng ra cười.

    Ta thử mấy lần rồi. Nhưng cứ nghe tiếng nước chảy dữ là bao nhiêu dũng khí tan biến cả.

    Thiệt cho nhỏ bạn thân. Sợ thì sợ nhưng lần nào tôi rủ, nó cũng xông xáo đi cùng.

    Chút, mi nhìn thấy gì ở trên kia không?

    Nhìn theo hướng cánh tay của nó, tôi sôi cả người. Sát đám dưa nhà tôi, một đám trẻ trạc tuổi đang lúi húi nhặt nhạnh gì đó. Lâu lâu, chúng lại đứng lên, dáo dác nhìn xung quanh.

    Nhận ra điều bất ổn, tôi bỏ lại con Ú và ba chân bốn cẳng phóng xe lên ruộng dưa. Tôi lao nhanh giữa những bụi cỏ mây. Chiếc quần vải của tôi như một chỗ trú ngụ ưa thích của chúng. Nhưng tôi đã vội quên cảm giác đó. Nước mắt túa ra trên khuôn mặt khi trước mắt mình, đám trẻ kia đang lội trên đám dưa.

    Ê, đám kia. Tụi bây làm gì trong đám dưa nhà ta thế?

    Ơ, hơ. Tụi ta chỉ bắt mấy con nhái thôi mà. (Mặt thằng Tín vênh váo)

    Biết công sức, mồ hôi người ta bỏ ra không mà phá. Xin tiếng, người ta cho chứ.

    Có mấy trái dưa mà làm quá lên vậy!

    Biết ba má ta phải đội nắng, dầm mưa chăm từng chút một để có được trái dưa không? Ăn mấy trái thì được. Đằng này ăn dư còn hái bỏ trên bờ.

    Đi tụi bây ơi. Hơi đâu lằn nhằn với con gái.

    Đám nhỏ kia đi rồi nhưng sao tôi nước mắt nước mũi vậy nè. Tụi nó có chọc gì tôi đâu. Nhưng tôi nhớ lại, những hôm cả nhà háo hức trên đường ra ruộng dưa nhưng khi vừa đặt chân xuống, ba đứng chững lại: Tối qua kẻ nào đã lội nát rò dưa rồi má mi ơi! Ba cố vạch thật kĩ vẫn không thấy trái dưa nào. Dấu chân người lớn còn ươn ướt trên hàng. Rồi những chiều, hay tin đám trâu lạ giậm nát sào dưa, không kịp xỏ dép, đội nón; má tôi hớt hải chạy ra đồng. Những ngày trời mưa giông, trôi sạch lớp phân vừa bón khi chiều cũng đủ làm má lo lắng đến hốc hác. Rồi những hôm ba, má bỏ cơm khi mưa giăng tối trời, nước mấp mé mép bờ.

    Năm nào mẹ thiên nhiên phản ứng dữ dội, lại thêm một nếp nhăn mới trên gò má của người thân. Người dân tôi có câu: Làm nông thì lấy công làm lời thôi con à, nên ráng bỏ sức ra để chăm bẫm. Vì thế dễ dàng bắt gặp cảnh: Người nhà nông đội nắng mưa; ăn ngủ cả ngày bên ruộng dưa. Từ hôm đội lớp đất chui lên, đám dưa con được ba, má săn sóc hết mực. Đôi tay rắn rỏi, khô khốc của cha nâng niu từng thân non, mảnh để nhổ sạch đám cỏ dại mọc quanh. Đến tôi còn phải ganh tị với chúng khi má nhẹ nhàng vén từng dây dưa, tránh sự đứt nhánh hay gãy cành nào xảy ra những lần bón phân. Lần nào hái dưa, má cũng vạch nhẹ từng khóm dây, luồng tay nâng niu và ngắt thật khẽ trái dưa gang khỏi rốn của nó. Rất nhiều lần, tôi xách rổ đựng kế bên mà cái dạ khó chịu vì sự chậm trễ của má. Phải chăng, má sợ làm rơi cái bông chuột vừa ra; làm đứt nhánh dưa xanh mơn mởn; hay má sợ nhầm tay đụng phải trái dưa chưa đủ xanh giòn?

    Chút, mi đứng tần ngần gì nãy giờ thế? Mặt mày tèm lem hết kìa.

    Buồn làm gì tụi tiểu yêu đấy. Ta mà đến kịp thì chúng no đòn.

    Tôi ngẩng mặt lên. Cách tôi mấy sào ruộng, cái Hương cũng đang phụ ba nó canh dưa. Con Hương tính hay liều. Nó chẳng ngán đứa con trai nào bởi tính cách cứng rắn và liều lĩnh của mình. Mấy bận canh dưa đêm, tôi với nó hay lẽo đẽo theo sau ba và các chú. Thế rồi, thành bạn đường canh dưa.

    Ta buồn gì tụi nó. Chỉ giận đám con trai suốt ngày đi phá phách ấy.

    Xuống đây chơi chung đi Hương (Con Ú đang dắt trâu hướng về phía tôi).

    Thế là, ba đứa trẻ nhập hội. Hai đứa nó phụ tôi gom đống dưa mà khi nãy tụi thằng Tín bỏ quên trên bờ. Tôi chìa ra gói muối: Ăn cho bỏ tức đi bây.

    Ngồi trên bờ cỏ, từng quả dưa xanh non; giòn khụm được tụi tôi xử lẹ. Cứ vài phút, nhỏ Hương mắt ngấn lệ, suýt xoa vì không ăn được ớt. Lần nào đi canh dưa, tôi cũng thủ sẵn gói muối mì tôm; bột nêm của gói canh; bằng không thì tự làm chén muối ớt. Chấm đến đâu, thèm ăn đến đấy.

    Nhỏ Ú khẽ lay tôi: Khóc lắm mà ăn cũng dữ ha.

    Hừ, ta còn ăn dưa thay cơm được mà. Ăn ra ăn; khóc ra khóc chứ.

    Cả đám phá lên cười.

    ".. Về đây thăm Quảng Nam, trong lòng tôi nghe xốn xang.

    Núi cao như tình mẹ, sông dài dài tình em trìu mến.

    Về đây thăm cố hương, tôi nhìn nơi nao cũng thương.

    Đất quê đẹp tuyệt vời, tình yêu tôi trải rộng muôn nơi.

    Quảng Nam ơi! Quảng Nam ơi!.."

    (Tình quê- Trần Quế Sơn)

    Cả đám lặng người, miệng nhẩm theo từng ca từ của bài hát mà chúng tôi được nghe mỗi ngày trên đài. Giọng ca da diết và sâu lắng ấy cứ phập phồng suốt một thời thơ ấu. Nhất là tiếng lòng: Quảng Nam ơi! Quảng Nam ơi!.. lại khắc khoải và xao xuyến mỗi khi nhắc đến.

    Ê, nhìn kìa bây. Bầu trời trong xanh quá ha. Mây cũng trắng quá.

    Toàn trăng sao không chứ mây miếc gì. Nắng thấy hai ông mặt trời luôn.

    Thì vòng tay như chào cờ vậy nè. Tôi đưa tay che trán và cả bọn làm theo.

    Đấy! Thấy ta tài chưa? Mà.. mấy đám mây kia sẽ trôi về đâu hả tụi bây?

    Đến nơi nào mà nó muốn, chốn nào đẹp thì nó qua! Ước gì được cưỡi mây nhỉ? Tụi mình sẽ đến nơi mình thích.

    Ta thấy có bài hát: Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi! Nên ta nhất định sẽ sống ở Sài Gòn tụi bây à.

    Vậy còn Chút?

    Ta thích hết những cảnh đẹp của Việt Nam, nào Hà Nội; Đà Nẵng; Hạ Long.. nè. Rồi có tiền, ta sẽ sang Nhật Bản ngắm hoa anh đào một chuyến.

    Rồi đám nhỏ cùng phá lên cười. Đôi mắt sáng rực nghĩ về miền đất trong mơ của mình với niềm háo hức.. Trong tưởng tượng của đám trẻ tuổi mười bốn, những địa danh, kì quan thiên nhiên được nhắc trên báo, đài; tivi là những thắng cảnh nên thơ, yên bình hoặc lộng lẫy, hoành tráng mà chúng nên có dịp ghé thăm. Tất cả đều tạo nên sự mới mẻ và háo hức cho đám trẻ chúng tôi. Rồi khi bước sang tuổi đôi mươi, dang tay sải chân qua biết bao chốn lạ; tôi mới ngộ ra một điều: Con đường đẹp nhất vẫn là con đường đất dẫn vào nhà. Nơi chốn thanh bình và chứa chan tình người đằm thắm không đâu khác là làng Tư Chánh với con Đập chảy len lỏi qua từng cánh đồng.

    Ba đứa kia, ngẩn ngơ ở đâu đấy. Thấy trời nắng nôi không? Vô nghỉ mát rồi về, để ba canh buổi trưa cho.

    Ngỡ tiếng gọi của ba; hóa ra là tiếng chuông điện thoại kéo tôi về thực tại. Một tin nhắn đến: Về ăn dưa đi Chút. Má để phần cho mi những trái giòn khụm, ngọt nước đây này. Về nhanh kẻo hết.

    Khóe mắt cay xè, tôi chỉ kịp hồi âm: Con sẽ về vào ngày thành phố hết dịch. Nhất định, con sẽ về canh dưa vào mùa hè này!.. Dù con biết, đám trẻ con ở quê đã lớn và con cũng thế..

     
    Phan Kim Tiên thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...