Thực hành Tiếng Việt lớp 6 trang 47 – Kết nối tri thức với cuộc sống Tri thức Tiếng ViệtBiện pháp tu từ Ẩn dụ là gì? Ẩn dụ là biện pháp tu từ gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật hiện tượng khác có nét tương đồng với nó, nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. Ví dụ: "Cha lại dắt con đi trên cát mịn Ánh nắng chảy đầy vai." (Hoàng Trung Thông, Những cánh buồm) Động từ "chảy" vốn là từ dùng để chỉ sự vận động của một số chất như nước, cát, sỏi, bùn đất, nham thạch... nhưng ở câu thơ này được dùng để chỉ ánh nắng chảy trên vai. Cách dùng từ "chảy" trong câu thơ trên tạo nên những liên tưởng thú vị: ánh nắng như đang chuyển động và chảy tràn trên vai hai cha con, ánh nắng còn bao phủ, rải vàng khắp mọi nơi. Dấu câu Dấu ngoặc kép dùng trong những trường hợp nào? - Dùng để đánh dấu tên tài liệu, sách, báo dẫn trong câu. - Trích dẫn lời nói được thuật lại theo lối trực tiếp. - Đóng khung tên riêng tác phẩm, đóng khung một từ hoặc cụm từ cần chú ý, hay hiểu theo một nghĩa đặc biệt. - Trong một số trường hợp thường đứng sau dấu hai chấm. Đại từ Đại từ nhân xưng là gì? - Đại từ nhân xưng (hay đại từ xưng hô, đại từ chỉ ngôi) là những đại từ dùng để chỉ và đại diện hay thay thế cho một danh từ để chỉ người và vật khi ta không muốn đề cập trực tiếp hoặc lặp lại không cần thiết các danh từ ấy. - Đại từ nhân xưng có các ngôi: + Ngôi 1: Số ít: tôi, tao, tớ, ta... Số nhiều: chúng tôi, chúng tao, bọn tao, bọn tớ... + Ngôi 2: Số ít: mày, mi, ngươi, bạn... Số nhiều: các bạn, chúng mày, tụi mi, tụi bay... + Ngôi 3: Số ít: nó, hắn, y, chị ấy, cô ấy, anh ấy... Số nhiều: chúng nó, bọn hắn, họ... Trả lời câu hỏi trang 47 văn 6 - Kết nối tri thức với cuộc sốngCâu 1. Trong bài thơ Mây và sóng, "mây" và "sóng" là những hình ảnh ẩn dụ. Hai hình ảnh ấy gợi cho ta liên tưởng: Hình ảnh "mây" khiến ta liên tưởng đến những người thích ngao du, khám phá, thích đi khắp nơi nơi để trải nghiệm những điều vui thú trong cuộc đời. Hình ảnh "sóng" lại khiến ta liên tưởng đến những người vui vẻ, yêu đời, thích rong chơi, ca hát... Câu 2. Biện pháp tu từ được sử dụng trong hình ảnh "bình minh vàng", "vầng trăng bạc" là hình ảnh ẩn dụ. Hai hình ảnh đó ẩn dụ cho vẻ đẹp phong phú, rực rỡ, giàu có, đầy hấp dẫn, mời gọi của thiên nhiên. Câu 3. Điệp ngữ lăn trong câu: "Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ". Tác dụng: Điệp ngữ "lăn" vừa gợi những con sóng nối tiếp nhau, gối lên nhau xô vào bờ cát trắng vừa gợi hành động em bé hồn nhiên, tinh nghịch đang đùa nô bên mẹ, chạy sà vào lòng mẹ hết lần này đến lần khác. Còn mẹ thì dịu dàng như bờ cát trắng ôm ấp, che chở con... Câu 4. Trong bài thơ Mây và sóng có nhiều đoạn dẫn lời nói trực tiếp của các nhân vật. Dấu ngoặc kép " " đã được dùng để đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật trong bài thơ. Ví dụ: "Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng, Bọn tớ chơi với vầng trăng bạc." "Nhưng làm thế nào mình lên đó được?" "Hãy đến nơi tận cùng trái đất, đưa tay lên trời, cậu sẽ được nhấc bổng lên tận tầng mây." Câu 5. "Bọn tớ" trong những lời nói trực tiếp ở bài Mây và sóng dùng để chỉ những người ở "trên mây" và ở "trong sóng". Câu 6. Trong tiếng Việt, ngoài "bọn tớ" còn có một số đại từ nhân xưng khác cũng thuộc ngôi thứ nhất số nhiều như "chúng ta", "chúng tôi", "bọn mình", "chúng tớ"... Có thể dùng "bọn mình" hoặc "chúng tớ" trong số đó để thay cho "bọn tớ". Vì hai từ này có cùng ý nghĩa chỉ ngôi thứ nhất số nhiều và đều mang sắc thái gần gũi, thân thiện. Xem thêm bài tiếp theo: Soạn Văn 6: Bức Tranh Của Em Gái Tôi - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống