Thừa Nhận Lỗi Lầm Như Thế Nào Để Đời Luôn Vui? Tác giả: Thể Hồng * * * Cách đây một năm mình vô tình đọc một bài viết chia sẻ rất hay về điều này. Bây giờ mình muốn mang năng lượng tích cực và cách sống khá thú vị đó đến cho nhiều người hơn nữa, trong đó có bạn, người sẽ và đang đọc trọn vẹn bài viết này Trước hết nói về việc "mắc lỗi", ai trong chúng ta khi đối mặt với vấn đề này đều sẽ nảy sinh một tâm lí sợ sệt và ngượng ngùng. Bởi vì các lý do như thế này đây: "Người ta mà biết mình làm việc này thì chết mất." "Thôi rồi, kì này thế nào cũng bị mắng, bị la nữa, phải tìm cách thoái thác." "Sai lầm ngớ ngẩn này mà mọi người biết chắc ai cũng sẽ cười và châm chọc mình quá, làm sao đây?" Đó là những rào cản tâm lí, những suy nghĩ rất dễ bắt gặp và nhận thấy khi bạn lỡ gây ra một sai lầm gì đó. Chính vì những suy nghĩ ấy nên khi vô tình phạm lỗi, tâm trạng của bạn rất dễ bị chùn xuống. Sau đó sẽ cảm thấy tồi tệ và áp lực khi phải nhận lời chỉ trích từ cấp trên? Vậy thì đó là một điều hết sức bình thường mà mình tin chắc là ai trong chúng ta cũng sẽ như thế mà thôi. Nhưng mà bạn có muốn biết cách để đối mặt với những lỗi lầm một cách bình thản và nhẹ nhàng là gì không? Đó là "hãy tự cười mình trước khi bị người khác cười nhạo". Trong quyển Đắc Nhân Tâm có một nguyên tắc tương tự như thế. Tác giả cũng đã viết ra vài lý do vô cùng hợp lý để chúng ta có thể áp dụng nguyên tác này vào cuộc sống. Một người nếu muốn tìm lỗi lầm của người khác để chỉ trích thì nguyên nhân cốt lõi vẫn là "muốn chứng tỏ" mà thôi. Khi bạn tự thừa nhận mình sai, thừa nhận mình không đúng tức là đang bảo vệ quan điểm của họ, quan điểm bạn đã sai ấy. Vậy thì đôi lúc việc mà bạn "tự cười chính mình trước" lại là lý do khiến họ không muốn chỉ trích bạn nữa. Vì đơn giản họ đã cảm thấy mình hơn bạn. Vậy đó. Nếu viết như thế thì không có nghĩa nguyên tắc sống đó lại là một hành động thấp kém hay để nịnh bợ ai cả. Khi bạn tự cười chính mình, tự thừa nhận mình sai, thì chắc chắn tâm lí của bạn sẽ nhẹ nhõm hơn, thoải mái hơn. Dần dần thói quen ấy sẽ tạo cho bạn một năng lượng tích cực về việc "thừa nhận lỗi lầm của bản thân". Sau này khi mắc lỗi thì bạn sẽ tự biết nhìn nhận lại vấn đề, thừa nhận nó và khắc phục nó. Cứ như thế việc bạn mắc lỗi cũng không còn là vấn đề quá to tát gì nữa. Cuộc sống mà, không ai là không mắc sai lầm, quan trọng hơn cả là thái độ của bạn khi gặp phải những điều đó mà thôi. Cứ nói với xã hội rằng: "Vâng, lỗi sai của tôi thật ngớ ngẩn, cảm ơn bạn, tôi sẽ sửa đổi nó". Vậy thì cho dù người khác có bình luận hay phê phán, bạn cũng sẽ không thấy khó chịu đâu. Có cũng là một cách để cho bản thân mỗi chúng ta học cách "lắng nghe ý kiến" từ mọi người xung quanh đấy.