Cảm nhận về hình ảnh nồi cháo cám và vẻ đẹp của các nhân vật trong đoạn văn: Bữa cơm ngày đói

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 24 Tháng chín 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Cảm nhận về hình ảnh nồi cháo cám và vẻ đẹp của các nhân vật trong đoạn văn:

    Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại [...] Còn chả có cám cho mà ăn đấy.


    (Trích "Vợ nhặt" - Kim Lân)

    [​IMG]

    "Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ/ Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu" - có những tác phẩm chẳng thể hấp dẫn ta đọc đến trang cuối cùng, nhưng có những tác phẩm đọc đến trang cuối cùng vẫn còn đọng lại biết bao dư âm sâu lắng, ám ảnh khôn nguôi. Dư âm ấy khi như men say, mật ngọt khiến ta cảm nhận từng dòng chảy hân hoan, hạnh phúc trong tâm hồn, khi lại như móng vuốt sắc nhọn của một con vật nào đó chạm nhẹ trái tim ta, khiến ta thổn thức, nhói đau. Sức truyền cảm của một tác phẩm thực sự, bao giờ cũng lắng sâu như thế. "Vợ nhặt" của Kim Lân là một tác phẩm mang đến nhiều dư âm trong lòng người đọc. Đúng như Hà Minh Đức trong Nhà văn nói về tác phẩm đã viết: "Kim Lân là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Kim Lân đã tạo được cách viết độc đáo. Phải nói rằng Kim Lân viết không nhiều, nhưng sáng tác của ông đã gây ấn tượng với bạn đọc". Tác phẩm "Vợ nhặt" nói chung và đoạn kết truyện với hình ảnh nồi cháo cám thực sự để lại những ấn tượng khó quên:

    ".. Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo [..] Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy".

    Ai đó từng nói rằng: "Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn". Quả đúng là như vậy, Kim Lân đã xây dựng chi tiết nồi cháo cám thật độc đáo, gây được ấn tượng mạnh với độc giả qua truyện ngắn "Vợ nhặt". Hình ảnh này đã góp phần tạo nên chiều sâu giá trị tư tưởng và sức sống cho thiên truyện, đồng thời ca ngợi vẻ đẹp của các nhân vật.

    Kim Lân là nhà văn viết truyện ngắn chân thật và xúc động về đời sống dân quê, ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí các nhân vật của mình. Năm 1954, Kim Lân đã viết tác tác phẩm này dựa vào một phần truyện cũ và được in trong tập "Con chó xấu xí". "Vợ nhặt" đã tái hiện lại một cách chân thật về nạn đói ở nước ta năm 1945 khiến khoảng hai triệu người chết. Hình ảnh nồi cháo cám thật đắt giá khi đã thể hiện được bức tranh hiện thực năm ấy.

    Đây là chi tiết xuất hiện ở cuối tác phẩm. Chi tiết đắt giá ấy đã nói với chúng ta nhiều điều về hiện thực cũng như vẻ đẹp của các nhân vật bà cụ Tứ, anh cu Tràng và người vợ nhặt.

    Chi tiết này trước hết góp phần hoàn thiện bức tranh về nạn đói thảm khốc năm Ất Dậu. Chính sách áp bức bóc lột dã man của bọn đế quốc, thực dân đã gây ra cái chết của hơn hai triệu đồng bào ta trong vòng ba tháng. Đói đến thê lương, thảm khốc. Đói đến nỗi người chết thì như ngả rạ, người sống cũng dật dờ như những bóng ma. Đói đến phải bán cả con, cả chó, cả sữa như chị Dậu. Đói đến phải ăn bả chó tự tử như lão Hạc. Đói đến phải ăn cả đất sét và bèo tây để lấp dạ, và phải chết vì "một bữa no"..

    Kim Lân đã có những đoạn viết đầy ám ảnh về thảm cảnh đó qua hình ảnh những "đám người đói đi lại đật dờ như những bóng ma", hình ảnh "người chết như ngả rạ", không hôm nào đi làm đồng về người ta lại không gặp "ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường", qua âm thanh của "tiếng gào khóc tỉ tê", "tiếng quạ gào lên từng hồi thê thiết" hay qua "mùi đốt đống rấm khét lẹt" trong nhà có người chết.. Và trong các chi tiết góp phần đậm tô bức tranh năm đói ấy, nồi cháo cám là hình ảnh ám ảnh hơn cả.

    Cụ Tứ và hai vợ chồng Tràng cũng là nạn nhân của cái đói. Nên bữa ăn mừng dâu mới, chỉ "dăm ba mâm" như người ta mà cũng không lo nổi. Bữa ăn đầu tiên của nàng dâu ở nhà chồng chỉ có rau chuối và cháo loãng ăn với muối. Bữa cơm đã thảm hại khi "giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối", "một đĩa muối ăn với cháo" nay lại càng thảm hại hơn khi có sự xuất hiện của nồi cháo cám.

    Có bữa cơm mừng tân nương nào lại "thảm hại" đến thế chăng? Thảm hại đến mức: "Niêu cháo lõng bõng, mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn" khiến cụ Tứ, để kéo dài bữa ăn, phải chuẩn bị thêm nồi chè khoán, nhưng thực chất cũng chỉ là cháo cám đắng chát. Có ai đón dâu bằng cháo cám như cụ - một món ăn vốn dành cho con vật? Thật đáng thương! Và dù cụ có tỏ ra "tươi cười", "vui vẻ" đến đâu, có cố giấu bớt đi phần khắc nghiệt của hiện thực, Kim Lân vẫn không che giấu sự thật đầy xa xót khi đem đến cho người đọc chi tiết ánh mắt chị con dâu thoáng "tối lại" và nét mặt anh con trai thì "chun ngay lại" khi đón bát cháo trên tay người mẹ nghèo. Hương vị ấy khiến trong bữa ăn không ai nói với nhau câu gì, họ cắm đầu ăn cho xong và tránh nhìn mặt nhau. Một nỗi tủi hờn len vào tâm trí họ.

    Niềm vui của bà cụ Tứ vì thế cũng chỉ là niềm vui tội nghiệp. Cảnh cơ hàn vẫn ám ảnh, bủa vây cụ và các con, khiến họ chẳng thể vui trọn vẹn trong ngày đại hỷ của đời người.

    "Một nghệ sĩ chân chính phải là nhà nhân đạo từ trong cốt tủy", Sê – khốp đã từng khẳng định như vậy. Nhà văn, bên cạnh việc phải phản ánh chân thực bức tranh cuộc sống và con người, còn cần phải đưa vào trong tác phẩm của mình, tình cảm, suy nghĩ và quan điểm của mình về cuộc đời, về con người. Đó là giá trị nhân đạo của tác phẩm.

    Vậy nên, với tấm lòng nhân hậu sâu sắc dành cho các nhân vật của mình, Kim Lân không dừng lại ở việc miêu tả khía cạnh đáng thương của hiện thực. Qua sự thể hiện của nhà văn, chi tiết trên là cơ hội, là tình huống vô song để vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật vút lên giữa cảnh cơ hàn.

    Bà cụ Tứ hiện lên ở vẻ đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng, tình người nhân hậu, và đặc biệt là lòng lạc quan, yêu đời, là nghị lực tinh thần vượt lên trên hoàn cảnh.

    Thực ra, tình mẫu tử, lòng thương người của cụ Tứ, không phải đến chi tiết này mới bộc lộ. Ngay từ lúc cụ lọng khọng bước vào câu chuyện, rồi đi từ ngạc nhiên đến vỡ lẽ và mừng tủi.. khi anh con trai kể lại tình huống nhặt vợ của mình, người đọc đã cảm nhận sâu sắc tấm lòng người mẹ nghèo dành cho các con. Cụ đã vượt lên trên nỗi lo lắng về cái đói, cái chết, đã đánh cược với sự rủi ro để chấp nhận dâu mới, vui mừng cho hạnh phúc của con trai. Và tình yêu thương, tình người cao cả của cụ đã thôi thúc cụ có những hành động, thái độ thật nhân văn không chỉ buổi chiều hôm trước, mà cả buổi sáng hôm sau.

    Thương con, thương dâu, cụ dậy sớm quét tước nhà cửa và chuẩn bị bữa sáng cho các con, dù đạm bạc, dù chỉ có rau chuối, cháo loãng, và cuối cùng là cháo cám chát nghẹn.. nhưng gửi gắm trong đó tất cả tấm lòng của người mẹ nghèo. Tâm trạng vui vẻ của cụ suốt bữa ăn, có thể chỉ là một sự cố gắng, nhưng chẳng phải đáng trân trọng lắm sao? Chẳng phải vì thương các con mà cụ không muốn các con buồn tủi bởi cảnh nghèo đó sao? Tạo không khí vui vẻ trong gia đình, cũng là một cách để thể hiện tình yêu thương dành cho những người yêu quý. Cụ già cả nhất nhưng cũng là sâu sắc, thấu hiểu nhất. Cụ biết, hiện thực nghiệt ngã, cái đói cứ đeo bám nhưng cụ vẫn động viên, an ủi, vun vén cho hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Đó là điều mà không phải người mẹ nào cũng có thể can đảm nghĩ để có những lời động viên đến các con mình. Chính tấm lòng này của người mẹ khiến cho Tràng và người vợ mới thêm nhẹ lòng, không bị ám ảnh bởi cái đói quá nhiều.

    Phải là người giàu tình yêu, tình thương, cụ Tứ mới có thể nén tiếng thở dài, có thể san sẻ miếng ăn cho người xa lạ và có cách ứng xử đầy nhân văn như thế. Ta xót xa cho cảnh nghèo của cụ, nhưng cũng yêu quý cụ biết bao bởi tấm lòng đôn hậu, ấm áp ấy.

    Điều khiến người đọc vô cùng khâm phục ở người mẹ nghèo này, chính là nghị lực sống phi thường, là niềm lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào tương lai.

    Trong ba nhân vật, người hi vọng vào tương lai nhiều hơn cả là bà cụ Tứ. Điều ấy tưởng như trái với quy luật tâm lí người đời từng tổng kết: Tuổi trẻ hay hướng đến tương lai còn người già hay nhìn về quá khứ. Vậy mà người mẹ già lọng khọng gần đất xa trời này lại là người sống cho con và cũng hi vọng cho con.

    Sau những buồn tủi, lo âu, xót thương, bà cụ Tứ cháy lên niềm hi vọng về tương lai cho các con của mình.

    Bà nghĩ đến chuyện đan phên để ngăn riêng chỗ ở cho vợ chồng Tràng (chi tiết này đã lược đi trong đoạn trích). Một khi còn hi vọng, người ta sẽ không chấp nhận sự tạm bợ. Đó cũng là lí do để cụ Tứ và con dâu thu dọn quét tước nhà cửa với hi vọng khi nhà cửa trở nên gọn gàng ngăn nắp thì cuộc đời có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn.

    Cụ Tứ còn nói đến chuyện nuôi gà và tưởng tượng "ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem..". Dù bữa cơm ngày đói trông thật "thảm hại'" nhưng tâm trạng của cụ lúc này vui vẻ lạ thường. Trong bữa cơm, cụ nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau.

    Để kéo dài bữa ăn và như muốn dành một món quà bất ngờ cho các con cụ Tứ nhìn hai con rất vui vẻ, rồi úp mở đầy bí mật "Chúng mày đợi u nhá. Tao có cái này hay lắm cơ". Sau đó cụ tất tả xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút. Cầm cái môi vừa khuấy, cụ vừa cười: "Chè đây! Chè khoán đây, ngon đáo để cơ". Cụ gọi nồi cháo cám "đắng chát" là "chè khoán", còn rối rít khen "ngon đáo để". Làm sao cháo cám có thể ngon? Nhưng sự vui vẻ và niềm tin vào hạnh phúc của các con đã khiến cho bà mẹ biến đắng chát thành ngọt ngào. Đúng là, "những người đói, họ không nghĩ đến cái chết mà nghĩ đến cái sống".

    Để các con đỡ tủi thân, cụ còn an ủi động viên con trai và nàng dâu: "Cám đấy mày ạ! Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà chả có cám mà ăn đấy!". Cụ không nói về cháo cám như một món ăn dành cho con lợn, con gà, mà cụ nói đến nó như một sự may mắn của gia đình khi nhiều nhà còn không có cả cám để ăn qua nạn đói. Bà mẹ ấy, trước sau, vẫn nhìn mọi thứ ở góc nhìn tươi sáng, lạc quan. Góc nhìn mà không phải ai cũng có được, nhất là khi họ phải đối diện với cái chết ập đến bất cứ lúc nào. Cụ Tứ thật đáng trân trọng, khâm phục ở nghị lực sống phi thường.

    Hàng loạt những từ ngữ miêu tả cảm xúc vui vẻ, cùng những lời thoại của cụ Tứ trong đoạn văn đã khiến người đọc như được vui lây bởi niềm vui của người mẹ nghèo trong ngày đại sự của các con.

    Như vậy, giữa không gian ảm đạm của nạn đói, vẻ đẹp của tình người, vẻ đẹp của lòng yêu đời, ham sống.. ở nhân vật bà cụ Tứ vẫn vút lên lan tỏa những giá trị nhân văn cao đẹp.

    Bên cạnh nhân vật bà cụ Tứ, vẻ đẹp của Tràng và người vợ nhặt cũng được tô đậm hơn qua chi tiết này. Tràng không chỉ hiện lên là người nhân hậu, bao dung, sẵn sàng sẻ chia miếng ăn với người vợ nhặt dù chỉ là rau chuối, cháo loãng hay bát cháo cám mà còn là người con, người chồng đã biết suy nghĩ chín chắn, có trách nhiệm. Mặc dù miếng cháo đắng chát nghẹn trong cổ nhưng Tràng đã biết nén lòng, không thốt lên những câu nói vô tâm, vô tư như bản tính anh lúc trước.

    Còn chị vợ nhặt, nếu như chiều hôm trước còn đanh đá, cong cớn, xưng xỉa và vô duyên đến mức "cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền không chuyện trò gì" thì sáng hôm sau khi nhận bát "chè khoán" từ bà mẹ chồng, tuy "hai con mắt mị tối lại" vì nhận ra đó chỉ là món cám nhưng thị vẫn nhanh chóng lấy lại tinh thần và "điềm nhiên và vào miệng". Như vậy, thị đã có sự thay đổi từ khi được sống trong tình thương, mái ấm gia đinh. Thị không còn là con người xấu nết, vô duyên như hai lần Tràng gặp ngoài tỉnh mà đã trở nên dịu dàng, hiền thục, biết cảm thông với cảnh ngộ nhà chồng và có cách ứng xử tinh tế, nhân văn. Trước nồi cháo cám đắng chát, người vợ nhặt điềm nhiên đưa vào miệng để không làm mẹ chồng buồn lòng.

    Bát cháo cám là điểm cuối của tình yêu và cũng là điểm khởi đầu của hạnh phúc gia đình. Từ nay, ba người họ sẽ gắn kết, yêu thương lẫn nhau, tin vào một ngày mai tươi sáng hơn.

    Hình ảnh này vì thế còn thể hiện sâu sắc giá trị nhân đạo của tác phẩm. Chi tiết nhỏ nhưng đã thể hiện tấm lòng đồng cảm sâu sắc của nhà văn đối với cảnh ngộ của nhân vật, gián tiếp lên tiếng tố cáo tội ác của thực dân, phát xít, phong kiến đẩy nhân dân ta vào nạn diệt chủng, đồng thời còn ca ngợi vẻ đẹp của tình người, vẻ đẹp của lòng nhân hậu, vị tha, vẻ đẹp của sức sống mãnh liệt, của niềm tin bất diệt và tương lai..

    Ngoài giá trị nội dung thì chi tiết "nồi cháo cám" còn mang giá trị nghệ thuật, bởi đây là một chi tiết nghệ thuật, tự bản thân của hình ảnh đó đã mang giá trị trong mình, khiến cho cả câu truyện ngắn trở nên tươi đẹp và ấm áp hơn trong cảnh đói nghèo, chết chóc.

    Có thể nói, nồi cháo cám là một chi tiết đắt giá của tác phẩm, thể hiện tài năng và tấm lòng của nhà văn Kim Lân. Chi tiết ấy không chỉ góp phần hoàn thiện bức tranh hiện thực về nạn đói năm Ất Dậu mà còn gửi gắm tấm lòng nhân đạo của nhà văn Kim Lân, tạo nên sức sống lâu bền cho tác phẩm.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng ba 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...