Thông điệp nào được gửi gắm qua câu chuyện Cuộc chia tay của những con búp bê

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Nam Dã Tú Nhất, 3 Tháng mười hai 2021.

  1. Nam Dã Tú Nhất Đi đâu vô đây? Tôi không hoan nghênh đâu!

    Bài viết:
    121
    Đề bài: Bi kịch gia đình và thông điệp tác giả muốn gửi gắm qua truyện ngắn "Cuộc chia tay của những con búp bê".

    Bài làm

    Li hôn chưa bao giờ là niềm vui với người lớn và cả trẻ con. Sau những chuỗi ngày chịu đựng kéo dài, sau những áp lực nặng nề về mặt tinh thần và nỗi đau thể xác triền miên là một cuộc hôn nhân đổ vỡ. Người lớn nghĩ li hôn là một sự giải thoát. Điều đó đúng với người lớn nhưng sai với trẻ con. Người lớn li hôn, nỗi đau của họ chấm dứt nhưng với trẻ con, đó là cánh cửa mở ra một chặng đường dài tối tăm, thiếu vắng tình thương và mất đi những người thân ruột thịt.

    Cảm nhận được nỗi đau và sự mất mát vô hạn của những đứa trẻ, tác giả Khánh Hoài đã viết lại tất cả những cảm xúc, gửi gắm những tình cảm chân thành và cả lời nhắn nhủ của mình vào truyện ngắn "Cuộc chia tay của những con búp bê" với hi vọng những bậc phụ huynh, những người làm cha, làm mẹ hãy suy nghĩ lại trước khi quyết định chia đôi một gia đình. Truyện ngắn này đã chạm đến trái tim người đọc, đánh thức lòng trắc ẩn và sự cảm thông, chua xót của người đọc trước cuộc chia tay đầy nước mắt của hai anh em Thành và Thủy.

    Cha mẹ li hôn, con cái chưa bao giờ vui vẻ. Thế nhưng, Thành và Thủy lại phải chịu đựng nỗi mất mát ấy ngay cả khi bản thân chưa từng mong muốn. Cha mẹ xa nhau, Thành cũng phải rời xa đứa em thân yêu. Nỗi đau buồn và sự tổn thương đó đã dày vò lên từng nhân vật. Họ không thể làm gì để thay đổi nên chỉ có thể phản kháng trong bất lực và chấp nhận bằng nước mắt.

    Thành đã trải qua những nỗi buồn trong câm lặng, chọn cách gặm nhấm nỗi đau khi nghĩ đến chuyện rời xa Thủy. "Suốt đêm, lúc nào chợt tỉnh, nghe tiếng khóc tức tưởi của em", Thành phải "cắn chặt môi để khỏi bật lên tiếng khóc nhưng nước mắt cứ tuôn ra như suối, ướt đẫm cả gối và hai cánh tay áo" bởi lẽ, Thành đã quá suy sụp và mệt mỏi trước hiện tại. Và chính Thành cũng biết rằng nếu bật khóc thành tiếng cũng không giải quyết được gì, thậm chí, còn gây ra áp lực tâm lý, khiến cô em Thủy càng đau đớn, tuyệt vọng hơn. Thành phải im lặng, khóc thầm vì ý thức được dù đau đớn đến đâu cũng phải tỏ ra mạnh mẽ để làm điểm tựa cho Thủy, để Thủy có thể vượt qua cú sốc tâm lý khi chứng kiến gia đình tan vỡ từng chút, từng chút một.

    Con người dù có mạnh mẽ, cứng cỏi đến đâu cũng cần một người chia sẻ, giúp mình xoa dịu tổn thương. Với Thành, khi đã chọn cách âm thầm ôm lấy nỗi đau gia đình tan vỡ để em gái an tâm, Thành cố giấu kín nỗi buồn "rón rén đi ra vườn, ngồi xuống gốc cây hồng xiêm" để tự mình tĩnh tâm hoặc ít nhất là có thể bình tĩnh lại trong một khoảnh khắc. Thế nhưng, khi thấy Thủy "đã theo ra từ lúc nào", "lặng lẽ đặt tay lên vai" trấn an mình vẫn ổn và mong anh bình tâm lại, Thành đã "kéo em ngồi xuống và khẽ vuốt lên mái tóc". Trong tận cùng của nỗi đau, hai anh em Thành và Thủy chỉ còn biết chia sẻ với nhau trong im lặng.

    Thế giới vẫn chẳng đổi thay nếu có một gia đình tan vỡ. Hôm nay, dù cha mẹ Thành và Thủy li hôn, anh em họ phải xa nhau nhưng hoa vẫn nở, chim vẫn hót khi trời hửng sáng. Ngoài đường, "cảnh vật vẫn cứ như hôm qua, hôm kia", mọi thứ chưa từng đổi thay chỉ có Thành và Thủy phải đối mặt với thử thách quá lớn, quá đau thương của cuộc đời.

    Kỉ niệm trong nhất thời cũng không chữa lành được vết thương trong tâm hồn. Kỉ niệm dù đẹp đến đâu cũng không cứu vãn được hiện tại. Tan vỡ vẫn còn đó, gia đình bị chia xé làm đôi. Người lớn chọn cách giải thoát cho cuộc hôn nhân không lối thoát bằng cách li hôn nhưng trẻ con chưa từng mong muốn như vậy. Trong tận đáy lòng, tuy đã ý thức được nỗi mất mát quá lớn nhưng Thành và Thủy vẫn nuôi hi vọng, vẫn mong rằng mọi chuyện chỉ là một giấc mơ.

    Thế nhưng, hiện thực vẫn đập vào mắt Thành và Thủy. Họ phải xa nhau và chia đôi những gì từng cùng nhau sở hữu. Chia đồ chơi, Thành nhường tất cho em. Thủy vẫn im lặng, vờ như không quan tâm cho đến khi thấy Thành lấy hai con búp bê từ trong tủ ra, "đặt sang hai phía thì liền tru tréo giận dữ", mắng anh ác vì đã chia rẽ hai con búp bê. Có lẽ, trong thâm tâm cô bé, hai con búp bê như Thủy và Thành, nên khi chia rẽ chúng cũng giống như chia rẽ anh em, buộc họ phải xa nhau giống khi bản thân chưa bao giờ mong muốn.

    Thủy đã rất hoảng loạn và tủi thân, sợ hãi trước tấn bi kịch ngay trước mắt mình. Dù đã khóc suốt đêm khi hay tin bố mẹ li hôn nhưng vẫn không sao trở nên mạnh mẽ để chấp nhận sự thật. Thủy cũng như Thành, đã từng hi vọng mọi chuyện sẽ khác, nhưng khi mẹ ra lệnh chia đồ chơi, "Thủy mở to đôi mắt như người mất hồn, loạng choạng bám vào cánh tay anh" vì mọi hi vọng mơ hồ đã bị sụp đổ ngay trước mắt.

    Khi cha mẹ li hôn, Thủy không chỉ mất gia đình, mất anh trai mà còn mất đi quyền lợi học tập lẽ ra bản thân phải có. Chính vì lẽ đó, khi đến trường lần cuối cùng, Thủy "cắn chặt môi, mắt lại đăm đăm nhìn khắp sân trường, từ cột cờ đến tấm bảng tin và những ô vạch than vẽ ô ăn quan trên hè gạch" để có thể khắc sâu vào tâm trí những hình ảnh quen thuộc nơi Thủy tưởng sẽ gắn bó lâu dài, vậy mà bây giờ buộc phải rời xa.

    Bố mẹ Thủy bỏ nhau, Thủy phải bỏ học về nhà ngoại. Thủy không được tiếp tục học hành vì nhà ngoại ở rất xa trường, thế nên, cô bé không dám nhận "quyển sổ và cây bút máy" cô giáo tặng. Mẹ Thủy đã thay Thủy quyết định cuộc đời Thủy. Bằng cách bỏ hết mọi quyền lợi chính đáng của một đứa trẻ và sắm cho Thủy "một thúng hoa quả để ngồi bán" để tập cho em bươn chải dù bản thân chưa từng mong muốn.

    Bố mẹ li hôn, mất đi gia đình, không còn được yêu thương lại phải xa trường, nghỉ học cuộc đời Thủy đã rơi xuống đáy vực của đau thương và thiệt thòi. Khi vừa rời trường, về nhà, tận mắt chứng kiến cuộc chia tay đột ngột, "Thủy như người mất hồn, mặt tái xanh như tàu lá" vì quá hoảng loạn và sợ hãi trước hiện thực phũ phàng. Thủy chọn cách để lại hai con búp bê cho anh như để lại niềm hi vọng sau cùng mong rằng một ngày nào đó, bố mẹ sẽ quay về bên nhau, họ sẽ lại sum vầy sau những ngày bị chia cắt.

    Tấn bi kịch gia đình, bi kịch của hai anh em Thành và Thủy trong truyện ngắn "Cuộc chia tay của những con búp bê" đã lấy đi rất nhiều nước mắt và sự xót xa từ người đọc. Xuyên suốt mạch truyện là những tiếng khóc bi thương, từ khóc trong thầm lặng đến khóc nấc lên rồi nức nở bởi những đau thương cứ dồn dập xảy đến và nỗi đau mà hai nhân vật chính phải trải qua mỗi lúc một lớn hơn.

    "Cuộc chia tay của những con búp bê" đã tái hiện một cách sinh động và chân thực về bi kịch gia đình, qua đó làm tình cảm anh em của Thành và Thủy vụt sáng như ánh sao trong đêm đen của tuyệt vọng. Nhiều người hay nói gia đình là tổ ấm vô cùng quý giá, cần phải bảo vệ, giữ gìn nhưng làm sao có thể bảo vệ gia đình khi những người làm cha, làm mẹ là người trực tiếp làm gia đình tan vỡ. Sau bi kịch li hôn, người bị tổn thương không chỉ là cha mẹ mà còn là những đứa trẻ ngây thơ, vô tội luôn khao khát được yêu thương.

    Lưu ý: Đây là bài phân tích, cảm nhận theo quan điểm cá nhân và không dựa theo kiến thức đã học. Cho nên bài viết sẽ có nhiều điểm khác so với kiến thức các bạn được học trong trường. Bài viết chỉ mang tính tham khảo, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.

    Hết
     
    Chỉnh sửa cuối: 19 Tháng mười hai 2021
  2. Đăng ký Binance
  3. Táo ula Táo có màu cam ?

    Bài viết:
    298
    Uầy, đúng là viết theo kiểu không theo khuôn nhà trường thật, mới mẻ nè:">
     
    Bim Bim, Jancyha, Ánh Kiều11 người khác thích bài này.
  4. Nam Dã Tú Nhất Đi đâu vô đây? Tôi không hoan nghênh đâu!

    Bài viết:
    121
    Đây là kiểu viết chống tiêu cực trong thi cử :))

    <3 Thương Táo, lúc nào cũng chạy vào comment bài của Tú.
     
  5. Táo ula Táo có màu cam ?

    Bài viết:
    298
    Hmm, tui đang nghĩ không bt có nên theo cách của tú làm không. Tại lúc thi ít ai nhớ nhiều về 1 tác phẩm lắm nên ý cũm ít đi, trừ khi trúng tủ, mà tui k học theo cách đỏ đen nài: >
     
  6. Nevertalkname Không có gì để xem

    Bài viết:
    271
    Tác phẩm này tôi đã từng được học và nhớ như in tới tận bây giờ. Nhưng tôi thấy bài phân tích này cảm xúc nhất trong tất cả mọi bài, kể cả là bài văn mẫu tôi đã từng phải thuộc.
     
  7. Nam Dã Tú Nhất Đi đâu vô đây? Tôi không hoan nghênh đâu!

    Bài viết:
    121
    Cái dàn bài đọc hiểu mà giáo viên cho mình chép là manh mối để giáo viên quyết định điểm của mình đó Táo. Nếu Táo không muốn học nhiều thì cố gắng học luận điểm lớn, dẫn chứng rồi tự suy luận. Nhưng mà đúng như Táo nói, cách viết của Tú là cách viết đỏ đen :))
     
  8. Táo ula Táo có màu cam ?

    Bài viết:
    298
    :"> nhưng tui thik cách làm văn này cực
     
  9. Nam Dã Tú Nhất Đi đâu vô đây? Tôi không hoan nghênh đâu!

    Bài viết:
    121
    Dạ, em cảm ơn lời nhận xét của chị ạ! Bài viết này cũng làm em ám ảnh rất lâu, nhưng bây giờ lớn, nhìn thấu được vài chuyện nên mới viết được như thế này ạ. ^^
     
  10. Nam Dã Tú Nhất Đi đâu vô đây? Tôi không hoan nghênh đâu!

    Bài viết:
    121
    Ráng tốt nghiệp đi Táo, rồi tụi mình cùng nhau viết văn theo ý muốn của mình. *vno 13*
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...