Tên truyện: Thời thơ ấu của tôi Tác Giả: MD Thể loại: Truyện ngắn Link thảo luận góp ý: [Thảo luận - Góp ý] - Tác Phẩm Của MD Giới thiệu: Câu chuyện được chia thành ba phần mang tính tự sự, vừa là lời kể của nhân vật chính, cũng vừa là mô tả để các bạn trẻ thế hệ mới hình dung về một tuổi thơ không Internet. Phần 1 Tuổi thơ tôi thả trên đồng Cánh diều gấp giấy là đà thướt tha Bàn chân đôi trẻ la cà Đàn gà bới thóc dưới nhà mái tranh Bấm để xem Cuộc đời mỗi người ai cũng có cho riêng mình những miền ký ức về tuổi thơ, dù ít hay nhiều, dù đẹp hay xấu. Tất nhiên tôi cũng có. Có thể tôi không may mắn được sinh ra trong một gia đình hoàn thiện, nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn luôn thấy bản thân may mắn vì đã trải qua khoảng thời gian tươi đẹp ấy trong cuộc đời - khoảng thời gian chỉ dành cho những đứa trẻ. * * * Tôi sinh ra và lớn lên tại một vùng nông thôn nghèo, ngoài con đường mòn dẫn vào xóm thì nhìn đâu cũng chỉ toàn ruộng lúa bao bọc. Lác đác vài ngôi nhà giữa cánh đồng lúa xanh rì, muốn tới được nhà tôi chắc chắn bạn sẽ phải đắng đo nên đạp tiếp con xe hay phải bước xuống dẫn bộ. Vậy mà cả tôi và bọn con nít trong xóm đứa nào muốn chạy được xe đạp đều lọt thọt chiếc đòn gánh trên con đường bé tẹo này. Ngộ lắm, ngày đó tôi thấy tập xe đạp nhanh ơi là nhanh, chiếc đòn gánh cao khều không leo nổi tới yên, vậy mà cả đám bọn tôi vài ngày cọc cạch là đã tự tin kêu gào "Tao biết chạy xe rồi nè." Vậy đó, ở quê mà.. bọn con nít năm, sáu tuổi là đã tranh nhau chiếc đòn gánh duy nhất cả xóm có. Gọi là cả xóm nghe nó hoành tráng vậy thôi, chứ thật ra chỉ được sáu cái nhà túm tụm lại với nhau. Nhà tôi sát con kênh dẫn nước tưới ruộng, bên kia kênh là nhà thằng Hậu, nó cùng tuổi tôi. Trong xóm tôi gọi nó là Hậu còi, nó ốm nhom lùn tịt, còn lùn hơn cả đứa con gái là tôi. Mặt nó thì lúc nào cũng gầm xuống, nhút nha nhút nhát nhìn tức cười dễ sợ. Vậy thôi, chứ nó cũng hung hăng lắm không vừa gì đâu, tôi với nó chơi chung rồi cự cãi giận hờn như cơm bữa, chửi nhau ầm ầm. Tôi có đến năm anh chị em: Chị hai, anh ba, chị tư, tôi và con em út, chị hai hơn tôi nhiều tuổi nên từ hồi tôi đi học là chị đã ra đời kiếm tiền phụ gia đình. À, lẽ ra không có chị tư, tôi và em út tôi đâu, vì anh Ba đuối nước mất sớm. Mấy năm sau đó cha mẹ mới sinh thêm ba đứa tôi, cha muốn kiếm thêm đứa con trai mà chỉ toàn ra con gái. Nhà thằng Hậu thì có nó với chị Tiên - chị hai nó. Ngày xưa có mỗi cây cầu khỉ bắt qua kênh, mà sân nhà nó rộng, nên muốn đem xe qua đó đạp thì ba chị em tôi phải chia nhau khiêng xe qua cầu. Có lần té xuống kênh, thằng Hậu nó được một trận cười đã đời, tôi tức nó, leo lên được bờ là chị em tôi lại đuổi nó chạy mấy vòng sân. Hồi này tôi với nó mới đi học mẫu giáo, nhà kế bên nhưng vì cách con kênh nên bọn tôi thuộc hai ấp khác nhau, đi học cũng khác trường. Cha mẹ tôi nghèo cũng không được đi học nhiều, nhưng chuyện học hành của mấy chị em tôi đều rất chú ý. Chị tư đã đi học lớp hai trường xã, vậy là mẹ cho tôi lên trường xã học mẫu giáo để tiện đường với chị. Còn thằng Hậu, mẹ nó nói lên xã học chắc tốn tiền hơn nên thôi cho hai chị em nó học ở ấp. Vậy đó, lý do mà tôi và nó cùng tuổi nhau, cùng lớn lên với nhau mà lại không học cùng lớp. Cái tuổi mẫu giáo bọn tôi đã lờ mờ hiểu chuyện nghèo giàu của gia đình. Tôi học trên xã, bọn con nhà có điều kiện cũng nhiều hơn, chắc vậy nên tôi không hòa nhập được với bọn nó. Lúc cả lớp tham gia thi kể chuyện, tôi chỉ được làm con nhỏ tưới cây ngoài sân hoàn toàn không có lời thoại, tất nhiên bọn kia nó đều được đóng vai này vai nọ. Vậy thôi chứ tôi cũng ngây ngô lắm, về nhà kể rối kể rít với cha mẹ như kiểu bản thân rất hãnh diện. Bây giờ nghĩ lại cũng thấy tức cười. Thằng Hậu nó ít kể chuyện lớp nó cho tôi nghe, hầu như tôi không nhớ được chuyện gì của nó lúc mẫu giáo. Tôi chỉ nhớ có lần mẹ nó kể với mẹ tôi nó nhỏ con quá, vô lớp hay bị ăn hiếp, phải biết sớm trên xã cũng không có tốn tiền nhiều thì đã để nó học chung con Tít cho có bạn có bè. Ngày nào đi học về tôi với nó cũng túm tụm chơi đủ thứ trò, nhiều nhất lúc đó mà bọn tôi hay chơi là trò Ô Ăn Quan. Ngặt một nỗi nhà nó toàn sân đất, nhà tôi thì chỉ có mỗi đá đỏ, mùa mưa nó tan ra cũng hòa vô đất hết rồi. Hai thằng tôi muốn chơi toàn phải đi trộm đá nhà Ông Tư trong xóm, cả xóm mỗi nhà ông là khá giả, trong sân nhà ông có rải đá xanh. Tôi với thằng Hậu thò tay qua cửa cổng sắt lựa mấy viên to vừa tay. Con em út tôi thì đứng canh chừng ông Tư, ổng ra thì nó đá đít tôi với thằng Hậu rồi cả đám bỏ chạy. Ông Tư cũng khó tính, tôi sợ ông méc mẹ tôi là tôi ăn no đòn. Mấy bữa chơi chán tôi với con út qua rủ thằng Hậu đi mò ốc Đắng, nó đi liền hà, không đi thì có ai đâu mà chơi với nó. Chị tư tôi với chị Tiên thì ít khi nào chơi chung, vì ở quê tôi tuổi đó đã biết ra đồng nhổ cỏ bờ phụ cha mẹ rồi. Ba đứa đi dọc con mương sát ruộng, mỗi đứa cầm cái bọc thi coi đứa nào bắt được nhiều. - Ê Hậu! Tao thấy toàn ốc Bươu nhỏ xíu thôi mày ơi, đi dọc bờ kênh bắt đi mày. Nó cũng chỉ gật gật đầu leo lên bờ. Con em tôi nó sợ bị mẹ mắng vì mẹ tôi đã cấm không cho ra kênh hay lại gần ao chơi. - Thôi bắt đây đi, mẹ đang ở ruộng mình đó, mẹ thấy là ăn đòn cho coi. - Thì đi hướng bên này, ai kêu mày đi hướng ruộng nhà mình làm gì. Lúc nhỏ tôi cũng bạo dạng chứ không vừa. Kết quả là lúc về bị mẹ tôi mắng mấy câu vì tội dắt em ra kênh chơi, nhưng chủ yếu là vì mẹ tôi bị mẹ thằng Hậu mắng vốn. Lúc này tôi tức lắm, thằng này chắc nó khai là tôi rủ rê nó chứ gì. Tôi phải khoanh tay quỳ gối trên giường chiếu hai tiếng đồng hồ, tôi giận nó luôn mấy ngày liền không thèm nhìn mặt nó. Thấm thoát tôi cũng chuẩn bị vô lớp một, tôi rủ thằng Hậu lên xã học chung mà nó không đi. - Chị Tiên năm nay cũng lên xã rồi, trường ấp đâu có lớp năm, lên đây học với tao đi. Vậy mà nó cũng không chịu hỏi hoài mà nó không nói lý do, tôi không thèm để ý nữa, hết lớp bốn nó cũng phải lên xã thôi. Ngày tôi vô lớp một nhận lớp, cha hứa mượn chiếc đòn gánh của ông nội đưa tôi đi. Nhà tôi nghèo, cha mẹ chỉ có miếng ruộng nhỏ không thể chỉ chờ tới mùa gặt nên cha tôi theo phụ hồ công trình. Cũng vì vậy mà cha thất hứa, sáng sớm mẹ gửi tôi cho cô Hai hàng xóm, cô đi chợ sẵn tiện nhờ cô dắt tôi lên trường, hôm nay chị tư chưa đi nhận lớp. Mặt mũi tôi phụng phịu, đứng trước cửa lớp thấy bọn kia đứa nào cũng có cha mẹ đưa đi, tôi giận cha quá chừng. Đã vậy trưa về thằng Hậu còn khoe mẹ nó chở nó đi, tôi liếc nó một cái bỏ về nhà luôn. Cuối cùng, sau một tuần theo công trình trở về, cha dỗ tôi bằng một cuốn tập vẽ với hai cây bút chì màu, thời này mà đứa nào có được hai thứ đó là đủ để hất mặt lên mấy ngày rồi. Tối đó cha mẹ tôi cãi nhau, cũng không phải chuyện gì to tát, bình thường tôi cũng thấy cảnh này. Mà sao bữa nay tôi cảm thấy điềm chẳng lành. Nữa đêm tôi nghe tiếng khóc thút thít, tôi quay qua thấy chị tư với con út cũng ngồi dậy. Ba chị em đứng lên thành giường, chòm lên vách thiết nhìn xuống bếp, mẹ ngồi dựa vô cây cột còn cha thì ngồi hờ trên miệng cái lu nước, cả hai quay lưng về hướng này nên tôi chỉ nghe tiếng mẹ khóc cũng không nghe cha nói gì. Không khí trong nhà từ đó cũng thay đổi rất nhiều, tôi cũng ít qua nhà thằng Hậu chơi hơn. Cha ít khi về nhà, có về rồi lại đi rất nhanh. Mẹ suốt ngày bán lưng cho miếng ruộng để mọi thứ trong nhà cho chị tư lo, chị bắt tôi phụ việc không cho đi chơi la cà nữa. Thỉnh thoảng chị hai về thì cả nhà vui vẻ hơn một chút, nhưng cha vẫn không về. - Giờ mẹ có dự tính gì không, không lẽ cứ tìm như vậy hoài? Tôi nghe chị hai hỏi mẹ trước lúc chị trở lên thành phố đi làm, vẫn không thấy mẹ trả lời gì cả. Chị hai ôm mấy đứa em một cái rồi hứa lần sau về mua đồ tết cho mấy đứa. Tôi thấy mắt mẹ và chị rất buồn.
Phần 2 Bờ đê ruộng lúa loanh quanh Đầu trên xóm dưới rủ nhau chạy đùa Cánh đồng lúa chín hai mùa Bầy em xúng xính chấp đôi cánh hiền Bấm để xem Cha tôi không về, người cha trong kí ức chưa một lần cho tôi ăn đòn.. đã thật sự không về nữa. Tôi chỉ biết có vậy, lúc đó cũng không đủ hiểu chuyện để nói với mẹ vài câu an ủi. Suốt mấy tháng trời nhà tôi bao trùm không khí ủ dột, đêm nào thức giấc tôi cũng thấy mẹ khóc dưới bếp, hình ảnh ấy tôi mãi không bao giờ quên. Không có tin tức nào của cha tôi, cuối cùng mẹ cũng không thăm dò nữa, dồn hết tình thương cho chị em tôi. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn cảm nhận rõ rệt sự kiên cường của mẹ lớn biết chừng nào. Tôi lúc này hận cha tôi lắm, không muốn nghe ai nhắc tới cha, đến mức tôi ghét luôn mấy ông trong xóm vì cứ hễ gặp chị em tôi là lại hỏi: Cha mày đâu, cha mày chưa về hả, hay đại loại là ai đi ngoài bờ kìa, mày nhìn coi phải cha mày về không. Cha mày đi kiếm con trai rồi. Sau mấy câu hỏi làm tôi căm ghét tận xương tủy đó là một tràng cười hề hề hà hà rồi bỏ đi như chưa từng thấy tôi. Những lúc như vậy trong lòng tôi chỉ muốn mình học thật giỏi, giỏi hơn nữa để lớn lên có nhiều tiền đưa mẹ đi xa cái xóm nghèo nàn này. Con có cha như nhà có nóc, con không cha như nòng nọc đứt đuôi. Vừa làm cha vừa làm mẹ, mẹ tôi dần vựt dậy tinh thần. Chị em tôi cũng như sống lại ngày tháng vui vẻ trước đây. Gặt xong vụ lúa hè thu mẹ vô thị trấn mua cho chị em tôi cái ruột xe tải, bơm đầy hơi – tạm gọi là cái phao. Mẹ nói: "Nghỉ hè rồi tụi con tập bơi đi, bây giờ có mình mẹ, lỡ có ra kênh còn tự mà lo thân." Thằng Hậu đứng trên bờ ao nhìn ba chị em tôi tập bơi, tôi rủ nó xuống nó nói nó sợ. Để tránh tranh giành, chị tư quy định mõi lần sẽ là hai người ôm phao rồi đập nước bơi qua bên kia ao. Đến lượt tôi đợi trên bờ, vì háo thắng tôi cũng lội xuống mép ao. Tôi chỉ định chơi sát mép ai dè cái ao mới vét vừa trơn vừa dốc, tôi hụt chân tụt xuống sâu hơn. Tôi cố giữ lý trí còn sót lại mà không vùng vẫy, bám tay theo độ dốc của đất rồi bò lên mặt nước. Cũng may, tôi chỉ uống vài ngụm nước. Đấy, thằng Hậu nó lại được dịp cười tôi một trận, và rồi cuối cùng tôi vẫn chưa biết bơi. * * * Hết hè, tôi lên lớp hai, năm nay em út cũng vô lớp một. Nhà có mỗi chiếc xe đầm người ta mới cho cha đạp đi mất rồi, tội nghịp ba đứa đi bộ mẹ mua lại chiếc xe đạp cũ của một người bà con xa. Chiếc xe hơi nhỏ, không có thanh ngang như chiếc đòn gánh nên tôi với con út chen chút yên sau cho chị tư đèo, thương chị đạp riết phồng cả chân. Cả ba đứa đi học, tất nhiên mẹ thêm gánh nặng rất nhiều. Chị tư nói hết lớp năm chị nghỉ học đi cấy lúa phụ mẹ, cho hai đứa nó đi học được rồi. Mẹ tôi đương nhiên không đồng ý "Dù mẹ có cực khổ cỡ nào đi nữa, mẹ vẫn cho tụi con ăn học tới nơi tới chốn." Câu nói mà mẹ tôi cho đến bây giờ vẫn luôn nhắc lại. Bọn tôi chỉ đi học buổi sáng, trưa về tới nhà là xúm lại tìm đồ chơi. Tôi quăng cặp táp vô giường, kéo con út chạy qua nhà thằng Hậu. "Tao mới biết trò này hay nè, qua nhà mày hái lá chuối đi." - Thằng Hậu nó nói trong hưng phấn. Nó cắt ba nhánh lá chuối, rọc hết lá còn lại cái sóng, nó canh từng khúc đều rồi cắt xiên một đường nhỏ, nó bẻ một lát ngửa lên rồi cứ vậy làm thêm mấy lát nữa. - Bằng chíu! Nó đứng dậy gạt mấy lát chuối bị bẻ ngược xuống, tôi nghe "bụp, bụp, bụp" mấy tiếng rồi thấy nó cười ha hả. Nó làm thêm hai cây nữa đưa cho tôi với con út rồi chạy về nhà nó nói vọng qua kênh. "Hai đứa bây làm giống tao chỉ vậy đó, tao bên này bắn qua." Trò bắn súng tuổi thơ tôi là vậy đó, không có viên đạn nhựa nào chỉ nghe bụp bụp tiếng sóng chuối rồi cả đám cười rôm rả hai bên bờ kênh. Ngày nào đi học về cũng bày đủ thứ trò, nào là bắt ốc nấu cơm, nặn đất chơi đồ hàng, ô ăn quan, nhảy dây, bắn thun, đập hình, vân vân và mây mây.. Không biết thằng Hậu nó kiếm đâu ra mấy viên bi cầu vồng, nó thách đấu bắn bi cũ đổi bi màu, cái trò này tôi chưa lần nào thắng được nó. Còn nữa nha, nó mê câu cá dữ dội lắm, hễ người ta xả cống cho nước vô kênh là nó xách cây cần cùi mía của nó đi câu. Tôi ghét cái trò này của nó, lần nào nó cũng bắt tôi xách thùng mà không cho tôi cầm cần câu, nó chê tay tôi thối không bao giờ câu được con cá nào. Mùa nhập học cũng là bắt đầu mùa mưa, ruộng lúa quê tôi chỉ còn là một mảng rơm rạ. Mùa này người ta thả vịt đẻ ra đồng ăn lúa rơi, mò ốc bươu nhiều lắm. Để có tiền cho ba chị em đi học, chỉ có con heo nái đang chửa làm gì đủ khả năng lo cho cả nhà tôi, vậy là nhà tôi cũng nuôi thêm bầy vịt đẻ. Bữa nay là lượt tôi thả vịt chạy đồng. Tay phải tôi cầm cây diều lùa bầy vịt, tay trái tôi cầm cuốn vở học thuộc lòng. Tôi là con nhà nông, nên cách tôi học bài cũng có chút đặc biệt. Tôi nói với thằng Hậu đang ngồi trên cây cầu khỉ nhà nó: - Mày học ở đây đi, tao lùa vịt qua hai đám ruộng cho nó ăn, chừng nào tao quay lại thì hai đứa dò bài. "Ừ, đi đi." - Nó nói. - Út nhớ canh chừng mấy con gà con, diều hâu nó gấp đi hết là mẹ mắng mày cho coi. Tôi cũng không quên dặn dò đứa em út. Có hôm trời nắng gắt, nhà vách thiếc nóng hừng hực như đốt da đốt thịt, tôi leo lên cây ổi gần bờ kênh học bài, thằng Hậu thì vẫn cây cầu khỉ nhà nó mà đọc tu tu cuốn vở. Có lần tôi đu cây ổi bị gãy nhánh, xém chút lọt xuống kênh, dù cái kênh dẫn nước cũng cạn thôi, nhưng có lẽ mẹ tôi bị ám ảnh chuyện của anh ba. Vậy là tôi phải tìm cái cây khác, thằng Hậu cũng học theo tôi leo cây học bài. Cây nhãn, cây cóc nhà cô Hai, cây xoài bên hông nhà tôi.. Hễ cây nào leo được tôi với nó đều leo lên. Con em út cũng đòi theo mà tôi không cho, tay chân nó yếu từ nhỏ, lỡ mà nó té mẹ lại phải tốn tiền. Lúc nhỏ nó nghe lời tôi phết. Thi học kì một xong chị em tôi lại chạy theo mẹ ra ruộng phụ giúp. Tôi còn nhớ có năm ốc bươu vàng hoành hành tan hoang đám lúa mới cấy, nhà nào cũng kéo nhau ra ruộng cứu lúa. Thời đó không có thuốc xịt như bây giờ, toàn bắt tay khom mõi cả lưng. Ruộng nhà tôi sát kênh, ốc theo dòng nước lên ruộng đẻ trứng đỏ hết bờ đi, mấy mẹ con tôi bắt đến tận sáu giờ chiều vẫn còn chưa hết. Trời tối đành về chờ đến mai, vậy là cả đêm mẹ tôi lại rầu đám ruộng, lỡ mà ốc nó ăn hết lúa thì vụ này chị em tôi không có tiền đi học. May mắn là không bị cắn nhiều, mẹ tôi được một phen thở phào nhẹ nhõm. Không biết chị tư nghe đâu ra tin có người thu mua ốc bươu, cứ năm trăm đồng một kí, được mười kí thì người ta sẽ mua. Mẹ với chị đem mớ ốc bắt hôm qua ra lựa, con nhỏ thì biểu tôi với út đập nát thả cho vịt ăn, con lớn đem cân kí kiếm chút tiền. Không đủ mười kí chị tư kéo tôi đi bắt thêm, thằng Hậu nó cũng đem qua cho tôi mớ ốc nó bắt ruộng nhà nó. Bán được năm nghìn đồng, mẹ tôi lấy ra một nghìn xem như thưởng cho mấy chị em. - Con ra cô Hường tạp hóa mua cốm đi, cho thằng Hậu một cây nữa. Không hiểu sao hồi đó tôi mê cái món cốm này ghê lắm, một nghìn đồng mua được năm cây vui không tả nổi.
Phần 3 Tuổi thơ ai cũng gắn liền Những miền kí ức bâng quơ lớn dần Còn cha còn mẹ gánh gồng Bao nhiêu mơ mộng đem lòng bay xa Bấm để xem Mẹ tôi bán bầy vịt đẻ mua thêm chiếc xe đạp cho chị tư đi học, lên cấp hai rồi ba chị em không đi chung được nữa. Lần này chị được mua chiếc xe mới toanh, tôi với con út cũng có chút ganh tị, không còn nhớ mình là con nhà nghèo nữa, ý thức đòi hỏi bỗng trỗi dậy trong tôi. Sau này nghĩ lại tôi thật sự thấy hối hận, mẹ lúc đó chắc phải buồn tôi lắm. "Lên cấp hai đi mẹ mua cho mỗi đứa một chiếc hết." - Không biết vì giận tôi mà mẹ nói vậy hay vì mẹ thật sự sẽ mua, dù sao tôi nghe xong cũng mừng thầm, mong chờ lên lớp sáu nhanh nhanh. Bán bầy vịt rồi nên cũng không có trứng bán hằng ngày nữa, mẹ tôi lại tìm việc khác kiếm đồng ra đồng vô hằng ngày. Thấy nhà thằng Hậu tách hạt điều, mẹ cũng lên chợ xã nhận hạt điều về tách vỏ, một nghìn đồng một kí nếu hạt nguyên và sạch, năm trăm đồng nếu hạt bể nhiều hoặc là không có đồng nào nếu người ta bảo nát quá. Tôi thấy ngón tay mẹ đen xạm đi vì tách điều, hai đầu ngón tay trầy xước loang lỗ. Không kiếm được bao nhiêu, mẹ tôi lại tìm thứ khác để làm. Lần này mẹ vô thị trấn tìm người bà con xa, nhà bà ấy buôn bán vật tư nông nghiệp. Hôm đó mẹ chở về hai cây bạc phủ liếp trồng dưa, chị tư lấy cái vỏ lon sữa Ông Thọ rồi bỏ than đã đốt sẵn vô lon, chế thêm cái tay cầm, xỏ cây bạc vô dụng cụ quay mà người ta đưa cho mẹ, tôi với con út thì phụ trách quay tay cầm trên dụng cụ đó. Cái lon trên tay mẹ tôi lên xuống đều đều, những lỗ tròn như ông mặt trời trên tấm bạc đã giúp cả nhà tôi những bữa cơm ngon miệng. Hai nghìn đồng một cây bạc, tốt hơn rất nhiều so với tách mấy kí hạt điều. Mẹ tôi nói: "Cái này cũng hay, mình có thêm tiền chợ, người trồng dưa cũng đỡ mất thời gian đục lỗ." Tối nào mấy chị em tôi cũng giúp mẹ quay bạc, sáng sớm chị tư tranh thủ chở bạc vô thi trấn rồi mới quay về đi học. Có hôm người ta đòi bạc gấp, trời tối chị cũng phải chạy đi giao, hoặc hôm nào sớm tôi rủ thằng Hậu đi giao chung với tôi. Dù đường đi hơi xa, nhưng tôi rất thích đi, lần nào thấy hai đứa tôi bé tí khiêng cây bạc vô bà chủ cũng vui vẻ cho mấy viên kẹo mang về. Làm bạc được một thời gian, dì tôi kéo mẹ theo dì bán khô, thấy thương chị em tôi vừa đi học vừa đi giao bạc tận thị trấn nên mẹ tôi lại đổi nghề. Mẹ không bán khô mà mua lại bánh tráng vụn của nhà máy cán bánh tráng trên tỉnh rồi theo dì chạy chợ. Nhiệm vụ của chị em tôi là giúp mẹ lựa bánh, xếp bánh vô bọc rồi cân kí. Muốn có chổ ngồi ngoài chợ, ba giờ sáng mẹ tôi đã phải dắt xe ra khỏi nhà. Hồi này chị hai mua được con xe Cup50 cũ đưa về quê cho mẹ đi bán, có xe máy chở được nhiều bánh hơn, mẹ tôi cũng bán được nhiều hơn. * * * Không còn đi giao bạc nữa, nên ngoài giờ đi học tôi lại có nhiều thời gian chơi với thằng Hậu hơn. Chuẩn bị nghỉ hè lớp ba, không biết vì chán hay vì nó thấy tôi có nhiều bạn trên xã mà nó lại đổi ý chuyển lên xã học lớp bốn. Tôi nghe nó nói vậy nhưng cũng không quan tâm, tôi nghĩ chắc mẹ nó không cho đâu. Không ngờ nó xin được thật, còn xin vô học cùng lớp với tôi. Vậy là tôi, nó với con út bắt đầu đi học chung. Thằng Hậu nó nhiều chiêu trò hơn tôi tưởng, vô lớp nó bày đủ thứ trò chơi, năm đó lớp tôi là lớp vui vẻ thân thiết nhất cũng là quậy phá nhất khối bốn, tất nhiên học hành cũng không thua kém bất kì lớp nào. "Ê Phúc! Con Tít bị thằng Hiệp xô té chảy máu chân quá chừng kìa." - Mấy đứa lớp tôi chạy vô kêu thằng Hậu, bọn nó gọi tên đi học của thằng Hậu mà lại cứ thích gọi tên ở nhà của tôi. Thằng Hậu xông ra sân chổ tôi té, nó mắng thằng Hiệp một trận như tát nước rồi tuyên bố nghỉ chơi với thằng Hiệp. Từ đó trong lớp tôi đứa nào cũng trêu hai đứa là một đôi. Tôi hay nghe mẹ dạy tiếng xấu đồn xa đừng có làm chuyện gì xấu mà xấu mặt mẹ. Tôi không hiểu sau thằng Minh với con Như cháu cô Hai cạnh nhà, học khác trường mà nó lại nghe được vụ này, lâu lâu nó vô xóm tôi chơi nó cũng trêu tôi tức xanh mặt. Cuối tuần, Minh – Như lại vô chơi, bọn nó là dân chợ nên không được lội mương như tôi. Cái mương ruộng trước nhà tôi đang đầy nước, lội xuống nước cũng qua khỏi đầu gối, hai đứa nó khoái mà sợ bị mẹ mắng nên không dám. Tôi cũng biết chơi lắm nha, tôi leo lên bờ đẩy hai đứa nó xuống mương - Haha, chơi đại đi sợ cái gì mà sợ! Được thế tụi nó quậy tưng bừng, con em tôi nó ngắt mấy cánh Dâm Bụt thảy xuống, tôi với thằng Hậu cũng hái mấy bông thảy xuống cho anh em nó chơi. Cả đám tung tóe nước cười ha hả dưới mương. Tắm mương rồi lại thả diều, tập vở của tôi với thằng Hậu cứ nghỉ hè là xé tan nát ra. Tôi bắt nó làm cái khung diều cho bằng được, tôi thì cắt giấy dán thân diều, em tôi nó dán cái đuôi, nhiệm vụ anh em Minh – Như là xin dây gân của má Hai nó. Con diều giấy tự chế vẫn tự tin bay vút lên trời, cũng như mang theo ước mơ, tương lai và tuổi trẻ vụt lên tận mây xanh. Vậy đó, những buổi chiều rong rủi, những tiếng cười rơm rả của bọn tôi mỗi khi chạy đùa khắp đồng, những nổi cơ cực hằng lên mắt mẹ, những lời dèm pha dị nghị của lối xóm.. Tất cả đều là miền kí ức mà tôi không bao giờ quên. * * * Chúng tôi giờ đây mỗi đứa mỗi con đường riêng, thậm chí bốn chị em tôi cũng chỉ tụ tập nhau vài lần một tháng. Nếu có ai đó nhắc tới những nổi cơ cực của mẹ, những hy sinh của chị, thậm chí là những dấu chấm hỏi to đùng về cha tôi thì chị em tôi vẫn vui vẻ đón nhận. Mấy đứa trẻ cùng lớn lên ngày đó, bây giờ đều trưởng thành theo cách riêng mà mỗi đứa lựa chọn, nhưng chắc chắn một điều rằng tuổi thơ chúng tôi đã từng gắn bó bên nhau. Thỉnh thoảng tôi vẫn hẹn bọn trong xóm ra quán cà phê tán dốc, bọn nó cũng như tôi, chỉ cần nhắc tới chuyện lúc nhỏ là cả đám lại được phen cười chảy cả nước mắt. Khác với tuổi thơ tôi, trẻ con thời nay hầu như đều là điện thoại, máy tính xách tay, trung tâm thương mại hay khu vui chơi giải trí, nào đâu cảm nhận được sự chân thật của tuổi thơ. Ngay cả về quê tôi cũng không còn thấy những đứa trẻ chạy đùa như tôi ngày trước nữa. Thậm chí chương trình học cũng thay đổi rất nhiều, dày đặt hơn, áp lực hơn. Cha mẹ luôn muốn con học thêm cái này, học thêm cái kia mà không nghĩ đến để con gần gũi hơn với tuổi thơ vô tư chạy nhảy. Liệu có được bao nhiêu đứa trẻ hiểu rằng thế nào là tuổi thơ thật sự? Tuổi thơ tôi thả trên đồng Cánh diều gấp giấy là đà thướt tha Bàn chân đôi trẻ la cà Đàn gà bới thóc dưới nhà mái tranh Bờ đê ruộng lúa lanh quanh Đầu trên xóm dưới rủ nhau chạy đùa Cánh đồng lúa chín hai mùa Bầy em xúng xính chấp đôi cánh hiền Tuổi thơ ai cũng gắn liền Những miền kí ức bâng quơ lớn dần Còn cha còn mẹ gánh gồng Bao nhiêu mơ mộng đem lòng bay xa Tác giả: MD Nguyen * * *Hết***