Thời đại đã tác động đến văn chương Nguyễn Du như thế nào?

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Love cà phê sữa, 8 Tháng chín 2021.

  1. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Thời đại tác động như thế nào đến văn chương Nguyễn Du?

    A- Những tác động cơ bản. (dàn ý, khung xương cần nắm rõ do mình tìm hiểu, viết lại theo văn phong bản thân).

    *Dẫn dắt:

    Hồ Chí Minh từng quan niệm: "Xã hội thế nào, văn học thế ấy". Hay, nhà văn Tô Hoài cũng nhấn mạnh rằng: "Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời." Quả thực, tác phẩm văn học, xét đến cùng, không chỉ là đứa con tinh thần của nhà văn mà còn là con đẻ của thời đại. Thời đại đã hun đúc nên nhà văn và qua đó, sáng tạo ra tác phẩm.

    =>Thời đại Nguyễn Du sống đã diễn ra "cuộc trở dạ" lớn lao đầy đau đớn. Đây là giai đoạn lịch sử có nhiều biến động dữ dội với những thay đổi kinh thiên động địa. Cuộc binh biến tàn khốc của các tập đoàn phong kiến không chỉ "một phen thay đổi sơn hà", nó còn tạo ra những cảnh bãi bể hóa nương dâu và là nguồn cơn của số kiếp đoạn trường, gió bụi. => Hun đúc nên con người, thiên tài văn học Nguyễn Du và tác động sâu sắc đến sáng tác văn chương của ông.

    *Về mặt đề tài, cảm hứng sáng tác, quan niệm văn học:

    "Chế độ tạo ra lòng người", "Thời thế đổi, lòng người đổi" ( "Sống mòn", Nam Cao) =>Nhà văn phải phản ánh vấn đề sống còn của thời đại=> Sự thay đổi về mặt đề tài, cảm hứng sáng tác, quan niệm của Nguyễn Dũ

    Đề tài:

    Viết về những mảnh đời cơ cực, lầm than, những kiếp người tài hoa bạc mệnh.

    Thoát ra khỏi cái ta chung của cộng đồng để hướng đến số phận cá nhân => Nguyễn Du là nhà thơ đầu tiên viết về người phụ nữ với cái nhìn nhân đạo, không những vậy, ông viết rất nhiều và rất hay về đề tài này.

    (So sánh với Nguyễn Trãi để thấy thời đại tác động như thế nào đến nhà văn nhà thơ: Nguyễn Trãi hay viết về nhân nghĩa, vua dân Nghiêu Thuấn để ca ngợi sự anh minh của vua và đề cao tư tưởng Nho giáo?

    Quan niệm văn học:

    Quan niệm "văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí" không còn phù hợp với thời đại bấy giờ, với Nguyễn Du, viết để giãi bày nỗi lòng, suy tư, trăn trở về thân phận con người. Ông vượt qua những ràng buộc của ý thức hệ phong kiến và tôn giáo để vươn tới khẳng định giá trị tự thân của con người.

    *Về mặt nội dung:

    - Các sáng tác của Nguyễn Du đều phản chiếu bức tranh đời sống xã hội và vang bóng dấu ấn thời đại binh lửa, can qua. Từng nếm mật nằm gai trong guồng quay khốc liệt của lịch sử và trực tiếp trải qua cảnh gió bụi dặm trường, hơn ai hết, Tố Như thấu hiểu sâu sắc góc khuất của xã hội bấy giờ. Vì thế, ông dùng ngòi bút của mình để tái hiện lại một cách chân thực những bất công, đau đớn, tủi nhục của những con người sống khổ chết đau, đành nhẽ chung phận tài hoa bạc mệnh. Hiện lên trong trang thơ của Nguyễn Du còn có bộ mặt tàn bạo của xã hội phong kiến. Ông vạch ra sự đối lập gay gắt giữa người giàu – kẻ nghèo, giữa bọn vua chúa quan lại với tầng lớp dân đen.

    - Một điểm chung khác rất nổi bật trong toàn bộ sáng tác của Nguyễn Du là mối quan hoài thường trực về thân phận con người. Có thể thấy, tinh thần nhân đạo thấm đượm trên từng trang thơ của đại thi hào (tác động của thời đại: Cơn phong ba lịch sử dữ dội đã làm bật gốc quí tộc của Nguyễn Du => giúp ông có dịp sống cuộc đời khổ cực, nghèo túng, tủi nhục của người dân thời loạn=> thay đổi tư tưởng: Từ một nhà quí tộc từng khao khát một sự nghiệp vẫy vùng cho phỉ chí trở thành nhà nhân đạo chủ nghĩa nhìn đời bằng con mắt trông thấu sáu cõi).

    +Lên án, tố cáo thế lực chà đạp quyền sống con người

    +Ngợi ca, đề cao, nâng nịu giá trị tốt đẹp của con người.

    +Đồng cảm, thương xót với những kiếp người bị đày đọa. Tình thương của Nguyễn Du bao trùm mọi kiếp người: Từ viên quan mũ cao áo dài đến người hành khất tha hương, từ những kẻ buôn bán ngược xuôi đến đứa tiểu nhi bé bỏng.. Ông thương nhất là những người phụ nữ tài hoa bạc mệnh.

    +Trân trọng ước mơ, khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc, tình yêu và công lí, ca ngợi tự do, tình yêu đôi lứa..

    B. Đoạn văn tham khảo (chỉ được đăng duy nhất trên dembuon)

    Sống qua ba triều đại với đủ mọi tàn khởi, thịnh suy, Nguyễn Du chẳng vậy mà tai nghe mắt thấy những phen thay đổi sơn hà, ông luôn đau đáu nghĩ suy về thân phận của kẻ sĩ bị giới võ biền khinh bỉ. Tâm trạng của kẻ sinh bất phùng thời, "hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên" ấy chính là tiền đề cho triết lý "tài mệnh tương đố" kéo dài dai dẳng suốt các thời đại văn học sau này. Cũng chính bởi vậy mà các sáng tác của Nguyễn Du đều phản chiếu bức tranh hiện thực bộn bề của thời đại binh lửa can qua. Đối lập với cảnh cùng quẫn, đày đọa của nhân dân là sự xa hoa, hoan lạc của bè lũ thương nhân, quý tộc. Cùng với tiếng thét gào thảm thiết của những kẻ dân đen nơi đầu đường xó chợ lại là tiếng hát ả đào thanh tao phát ra từ những lầu son gác tía. Cũng chính vì vậy mà thơ văn Nguyễn Du không bao giờ thiếu những trang thi như "Sở kiến hành" để ghi lại những bất công trong đời sống, viết về quan lại "sạch sành sanh vét cho đầy túi tham" cùng nỗi oan kêu trời không thấu của người dân lành, hay cả về những phận ca nhi sắc tài mà mệnh khổ.. Để rồi những câu hát ả đào mà Nguyễn Du mơ về một tình yêu tự do nam nữ, suy tư về con người, về quyền sống của cảm xúc, và về thân phận của những người nghệ sĩ, những người rút ruột tằm dâng cho đời những lời ca nhưng lúc nào cũng mang khổ mệnh. Và cũng chính bởi thời đại lầm than mà vị đại thi hào được sống gần gũi với nhân dân, để hồn thơ ông thấm nhuần những chất liệu dân gian của dân tộc, để những "anh hoa" của ông được "phát tiết ra ngoài".
     
    Chỉnh sửa cuối: 9 Tháng mười hai 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...