Review Truyện Thiếu Nữ Đánh Cờ Vây - Sơn Táp

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Linda Yến, 14 Tháng một 2020.

  1. Linda Yến Đại cát đại lợi!

    Bài viết:
    139
    [​IMG]

    "Thiếu nữ đánh cờ vây" (nguyên tác tiếng Pháp: La joueuse de go) được Éditions Grasset xuất bản lần đầu vào năm 2001, trở thành một trong những tiểu thuyết ăn khách nhất tại Pháp, được dịch ra hơn mười thứ tiếng.

    Đây là tác phẩm đầu tiên của Sơn Táp đã xuất bản trong và ngoài nước Pháp, được 4 giải văn học lớn của Pháp đề cử và đoạt giải thưởng văn học Goncourt năm 2001 dành cho giới trẻ, đồng thời cũng giành giải Kiriyama năm 2004 ở Mỹ dành cho văn học hư cấu.

    Ai cũng có tên trừ hai nhân vật chính

    [​IMG]

    Từ năm 1931, ba tỉnh vùng Đông Bắc Trung Quốc bị địch chiếm đóng, đến năm 1937 Nhật Bản phát động toàn diện cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc. "Thiếu nữ đánh cờ vây" lấy bối cảnh từ những xung đột chính trị, kinh tế, văn hóa giữa Trung Quốc và Nhật Bản lúc bấy giờ.

    Trong các thế xung đột đẫm máu đó, có một khoảng trời bình yên – quảng trường Thiên Phong nho nhỏ, dưới lùm cây tỏa bóng, hai nhân vật chính, một cô gái Trung Hoa và một sĩ quan Nhật Bản, tình cờ gặp nhau bên chiếc bàn đá có khắc sẵn bàn cờ.

    Anh là một gián điệp Nhật Bản, lạnh lùng tàn nhẫn lại si tình. Thế giới của anh lý tưởng trung thành vì danh dự Thiên Hoàng, là doanh trại, là ngục tù, là thuốc súng, là những cuộc chơi đùa bên gái điếm.

    Cô là một thiếu nữ Trung Quốc, thuần khiết mà không ngây thơ, thông minh mà không tàn nhẫn. Thế giới của cô là một gia đình quý tộc đã sa sút, là đoàn thể thanh niên chống Nhật, là ba tỉnh vùng Đông Bắc Trung Quốc đang oằn mình dưới gót giày quân Nhật, là một xã hội lai căng nửa mùa.

    Một ván cờ vây, cũng đủ để đánh mất mình trong chốn mê cung tình cảm. Mỗi ván cờ bày ra, là một giấc mơ diệu kỳ. Một ván cờ khép lại, ai nấy phải trở về với thực tại phũ phàng.

    Cho đến cuối cùng, cô gái chưa kịp nói ra tên mình. Mỗi một nhân vật phụ đều có tên, nhưng hai nhân vật chính không ai được gọi tên. Họ có thể là bất cứ ai, cũng có thể không là ai cả, giữa súng đạn chiến tranh, đứng bên hai bờ chiến tuyến, danh tính dường như không còn quan trọng nữa.

    Câu chuyện được hai nhân vật chính kể theo ngôi thứ nhất, đan xen nhau, mỗi phần không quá dài, có khi là rất ngắn, như hai đường thẳng song song tưởng chừng không thể giao thoa, lại cắt nhau tại một điểm không ngờ. Một cái kết có thể gọi là ám ảnh, cũng có thể gọi là giải thoát.

    Một tình yêu thuần khiết.

    Nhiều độc giả cho rằng họ không cảm được tình yêu mà đôi nhân vật chính dành cho nhau, và tác giả đã quá khiên cưỡng để áp đặt như vậy. Bởi xuyên suốt câu chuyện, cuộc đời họ chỉ giao nhau trên ván cờ vây, duy có hai lần ngoại lệ: Một lần anh trông cho cô ngủ và một lần hội ngộ ở cuối truyện.

    Thế nhưng, điều quan trọng khác chính là ván cờ vây đó!

    Cô không bao giờ hỏi tên đối thủ của mình. Mỗi người ngồi ở chỗ của anh, đều giống nhau, chỉ có các nước đi của họ là khác nhau. Nhưng cô đối với anh lại khác. Ngay từ ván đầu tiên, nước đi của anh làm cô thấy lạ. Đến nỗi cô quyết định tìm hiểu kỹ hơn về ý nghĩ của anh. Cô ghi lại thế cờ sau mỗi lần đấu để khi ngồi trên xe về nhà, cô đọc đi đọc lại các nước đi. Không phải là để thắng anh mà là để khám phá tâm hồn anh. Cô đã thăm nó, cô đã chạm vào những góc cạnh mà anh không ngờ tới. Cô đã trở thành anh!

    Còn anh thì sao?

    "Cô gái chơi cờ mãi không quay lại. Chiếc áo dài xanh lá của em, lúc này nhìn có vẻ buồn thảm, nay bỗng toát lên sức sống khi em hòa lẫn trong màu cây xanh quanh em. Phải chăng đó là hình ảnh nước Trung Hoa của tôi, niềm say mê và mối căm thù của tôi? Khi gần em, nỗi khốn khổ của em khiến tôi thất vọng. Đứng xa em, nét duyên dáng của em ám ảnh tôi."

    Cờ vây là cái cớ để gặp đối phương, qua sự di động vô thanh đầy giảo hoạt trên bàn cờ, họ chạm vào tâm hồn nhau, thấu hiểu lẫn nhau. Người xưa thường nói "Kì phẩm là nhân phẩm" – chính là hướng tới cái ý như vậy.

    Và, bởi vì quá hiếm hoi nên những chi tiết nhỏ bé về sự gần gũi của hai người trở nên đắt giá, là khi anh ve vuốt cơ thể cô bằng bóng chiếc quạt giữa ngày hè oi ả, là khi cô nhắm mắt gối trên đùi anh ngủ say, là lần duy nhất họ có cơ hội ở bên nhau thật gần, anh vừa hạnh phúc vừa đau đớn vì thèm khát được ôm cô vào lòng. Những khoảnh khắc thiêng liêng đó ẩn chứa một tình cảm khát khao đến cháy bỏng, đồng thời cũng vô cùng thuần khiết và trân quý.

    Một nỗi đau hai chiều

    Chiến tranh là bi kịch. Hai người ở hai thế đối địch yêu nhau thì càng bi kịch.

    Cô gái Trung Hoa bị trói buộc trong một buổi giao thời nửa phong kiến nửa thuộc địa, giãy giụa giữa làn sóng đấu tranh cách mạng và sự hèn nhát trước đế quốc, nơi giáo điều vẫn đó mà con người thì cứ chực bung ra. Tuổi trẻ của cô chơi vơi trong xã hội lai căng và sự thức tỉnh của tình dục. Hai chàng sinh viên đi qua cuộc đời cô là niềm tin bám víu để trưởng thành, là cái cớ để nổi loạn. Để rồi khi bị phản bội, cô buộc phải tự phủ định mình vì niềm tin sụp đổ. Cờ vây giúp cô thắng lại đau đớn. Từng quân từng quân một giúp cô vừa trốn chạy vừa đối diện với cuộc sống.

    Người lính Nhật Bản ưỡn ngực đi đến một dân tộc xa lạ với niềm tin khai sáng và ban ơn, để rồi sống trong hoài nghi và bất lực. Giữa hiện thực tàn khốc với tội ác đầy rẫy, niềm tin của anh ngày một méo mó, héo mòn đi. Anh mệt mỏi bàng hoàng giữa cuộc chiến vô nghĩa. Anh cay đắng nhận ra dân tộc anh xâm lược là một dân tộc đáng kính và tốt đẹp. Anh biết bản thân yêu điều đó, qua hình ảnh cô gái Trung Hoa – niềm say mê và mối căm thù của anh.

    Tâm hồn họ giao thoa qua từng nước cờ, họ là những người cô đơn trong thế giới của riêng mình, tìm được mối đồng điệu từ đối thủ. Nội tâm của họ bị bóc tách từng lớp mặt nạ. Nhẹ nhàng và chắc chắn, họ nâng linh hồn nhau về phía cuộc sống, như bà đỡ đang hướng cho em bé chào đời – tâm hồn họ trần truồng, nhăn nheo, đỏ hỏn khi đứng trước mặt nhau.

    Hai con người đứng bên hai bờ chiến tuyến, đại diện cho hai dân tộc. Ở đấy tình yêu trở thành sự hóa giải thù hận. Với cách để cho hai nhân vật chính luân phiên nhau kể, tác giả cho thấy một nỗi đau hai chiều, nỗi đau của kẻ đi xâm lược và người bị xâm lược, nỗi đau của quốc gia đi khai sáng và đất nước bị chiếm đóng.

    Mật mã tượng trưng cho văn hóa và hòa bình.

    "Trên một bàn cờ vây, các quân cờ chiến đấu trên 361 ô vuông kẻ bằng 19 vạch ngang và dọc tạo nên. Hai đối thủ chia xẻ mảnh đất trống này và đến cuối trận so lại xem ai chiếm được nhiều đất hơn. Tôi thích cờ vây hơn cờ tướng vì nó thoáng hơn, tự do hơn. Trong ván cờ tướng, hai vương quốc với các chiến binh mặc giáp trụ, đối đầu nhau. Còn các kỵ sĩ cờ vây có thể khéo léo xoay ngang xoay dọc, bẫy nhau trong các vòng xoáy ốc: Sự táo bạo và trí tưởng tượng là những đức tính đưa đến chiến thắng." – Nội tâm của cô gái Trung Hoa.

    Nét cuốn hút của cuốn tiểu thuyết là những trận cờ vây sống động và đầy kịch tính. Để có được những trang viết tự tin như thế, Sơn Táp đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu cờ vây, thậm chí còn đến hỏi ý kiến các chuyên gia ở Viện cờ vây Trung Quốc.

    Trong tác phẩm này, cờ vây chính là mật mã tượng trưng cho văn hóa và hòa bình.

    Trên Bắc Kinh thanh niên báo, Trương Kháng Kháng bày tỏ:

    "Sơn Táp đã biến cái kì đạo kì lý của cờ vây thành một cuộc thực nghiệm văn thể của tiểu thuyết, từ từ nhấm nháp chúng quả là kì thú vô cùng. Nhân vật trong tiểu thuyết như thể các quân cờ vừa đối lập lại vừa nương tựa vào nhau, chỉ thấy sự di động vô thanh đầy giảo hoạt trên bàn cờ, mà người chơi vẫn cảm nhận được, mới hay tình yêu đâu phải dùng lời."

    Về tác giả Sơn Táp

    Sơn Táp vốn là cái tên được gọi bởi độc giả Trung Quốc và Việt Nam, tên thật của cô là Diêm Ni, bút danh trên văn đàn quốc tế là Shan Sa.

    Sơn Táp sinh ngày 26 tháng 10 năm 1972, trong một gia đình trí thức cao cấp ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Năm lên 8 tuổi, cô đã có thơ in thành tuyển tập. Năm 14 tuổi, cô đã đoạt giải thưởng văn học thiếu nhi toàn quốc, gây chấn động văn đàn Trung Quốc, cô đã xuất bản được 4 tập thơ khi còn ở trong nước. Năm 1990, cô du học rồi định cư tại Pháp. Bắt đầu từ năm 1997, Sơn Táp từng bước chiếm lĩnh văn đàn Paris, là thế hệ thứ ba của các nhà văn Hoa kiều ở Pháp.

    Sơn Táp rất thích núi, tiếng thông reo và đọc sách. Bút danh Sơn Táp của cô được gợi ý từ bài thơ cổ ngũ ngôn "Tùng thanh" của Bạch Cư Dị:

    "Hàn sơn táp táp vũ

    Thu cầm lãnh lãnh huyền."

    Cuối năm 2003, Sơn Táp trở thành tâm điểm của giới báo chí và xuất bản Pháp vì một trận chiến ầm ĩ giữa hai Nhà xuất bản Albin Michel và Grasset để giành quyền ấn hành cuốn Impératrice (Vương hậu) của cô.

    Về tác phẩm Thiếu nữ đánh cờ vây, Sơn Táp nhận xét:

    "Sau sự kiện 11/9 ở Mỹ, xã hội phương Tây đớn đau trong việc kiếm tìm các loại định nghĩa mới, chẳng hạn thế nào là đen, thế nào là trắng, thế nào là phạm tội, thế nào là trừng phạt, thế nào là trung thành, thế nào là phản bội.. Thế nhưng," Thiếu nữ đánh cờ vây "lại chứng tỏ, trong bối cảnh hai nền văn hóa đối địch, đàn ông và đàn bà vẫn có thể đến với nhau và yêu trong sự đối lập, vẫn có được giây phút thăng hoa của tình yêu. [..]" Thiếu nữ đánh cờ vây "là một giấc mơ, mong sao những cảnh trầm luân và ái tình trong giấc mơ sẽ khiến con người có được sự tỉnh táo trước hiện thực, khiến con người có được khát vọng và niềm tin cháy bỏng về hạnh phúc và tương lai."
     
    Hạ Quỳnh Lamchiqudoll thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
  3. nntc6761 ~~~Cập nhật link bài mới ở trên tường ạ~~

    Bài viết:
    2,165
    Thiếu Nữ Đánh Cờ Vây là sự hợp lý của tất cả những gì bất hợp lý, sự tổng hòa của những mâu thuẫn trong nhân vật nữ chính. Những hành động của cô là kết quả của những dồn nén trong cuộc sống, trong tâm hồn, nên chúng có khi hoàn toàn mâu thuẫn với nhau, có khi vô lý, có khi khó chấp nhận. Ẩn giấu đằng sau chúng mới là tâm hồn cô đã tìm được đồng điệu với người không dành cho cô. Cái chết của họ là sự giải thoát, lối thoát duy nhất cho tình yêu trái ngang không nói thành lời của họ. Kết thúc không hạnh phúc nhưng với mình, đó là một kết thúc đẹp, một kết thúc hợp lý để hài lòng.
     
    chiqudoll thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...