Thiên nhiên trong "Tràng giang" và "Đây thôn Vĩ Dạ" Bài Làm: "Sáng sớm ra đồng ruộng lúa vàng Mùa hè nóng rực nắng chang chang Mồ hôi ướt đẫm trên lưng áo Cổ họng khô khan dưới nón bàng" (Gặt lúa – Hoàng Huy) Những câu thơ trên được sinh ra bởi tâm hồn tinh tế và những rung cảm của Hoàng Huy với vẻ đẹp tự nhiên. Thật vậy, từ xưa tới nay, thiên nhiên luôn là một mảnh đất màu mỡ cho những người nghệ sĩ khai thác, để rồi từ đó, biết bao đứa con tinh thần ra đời. Trong phong trào Thơ Mới (1930 – 1945) cũng vậy, từng có một tình cảm mênh mang với Tràng giang của Huy Cận và một nỗi niềm hẫng hụt, chơi vơi với Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử. "Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp .. Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà." (Tràng giang – Huy Cận) "Sao không về chơi thôn Vĩ .. Có chở trăng về kịp tối nay?" (Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử) Trước hết, chúng ta cần hiểu về tác giả Huy Cận cũng như tác phẩm "Tràng Giang" của ông. Vào năm trước, người bạn thơ đàn anh Xuân Diệu đang nổi tiếng trên thi đàn với tập Thơ thơ (1938) và nhiều bài luận sắc sảo trên báo Ngày nay thì đến năm sau (1939) lại nồng nhiệt giới thiệu Huy Cận với công chúng yêu thơ. Thi nhân 23 tuổi Xuân Diệu trân trọng vinh danh chàng thơ 20 tuổi qua bài viết Thơ Huy Cận: "Đã giáp một năm nay, Huy Cận đi tới giữa chúng ta với những bài thơ đặc biệt, với một tâm hồn có nhiều hương vị, một kho tàng tuy đương hỗn tạp nhưng thực là giàu. Bổn phận của chúng ta đối với văn chương Nam Việt, chẳng phải là ráng thấu hiểu để yêu mến những văn tài mới lên hay sao? Thơ Huy Cận cũng thuộc về hạng thơ vừa xem qua thì dường như khó khăn, nhưng kỳ thực không có gì bí hiểm. Huy Cận cũng là" một người của đời, một người ở giữa loài người ", ông không đi với lối thơ phù phiếm, mộng mơ." Là một thành viên xuất sắc của phong trào Thơ mới, Huy Cận đã tìm thấy mục đích và lý tưởng chân chính cho tiếng nói nghệ thuật của mình sau khi đến với Cách mạng, ông trở thành một trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ ca Việt Nam hiện đại. Nhà thơ tên thật là Cù Huy Cận, ông sinh năm 1919 huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Huy Cận xuất thân trong một gia đình gia giáo có bố là nhà nho lừng lẫy một thời, sau về quê dạy chữ Hán, còn mẹ là một cô gái ở vùng quê có nghề dệt lụa truyền thống. Bố mẹ ông đều yêu văn chương và rất thuộc Truyện Kiều . Càng trưởng thành, Huy Cận càng nhạy cảm với cuộc sống của chính mình để rồi sự tinh tế cùng lòng yêu mến, trân trọng thiên nhiên và con người trong ông ngày càng nở rộ bởi truyền thống văn hóa của gia đình, quê hương. Vào một buổi chiều thu năm 1939, có một chàng sinh viên trường Cao đẳng Canh nông, đạp xe dọc theo bờ đê sông Hồng, đến tới bãi Chèm – phía Nam dòng sông, trước cảnh sóng nước mênh mông, đã không kìm nén nổi cảm xúc buồn bã, cô đơn và nhớ nhà da diết nên sáng tác bài thơ Tràng giang. Nhà thơ Huy Cận đã từng tâm sự về hoàn cảnh ra đời bài thơ như thế. Ban đầu, tác phẩm có tên là "Chiều trên sông" nhưng về sau đổi thành Tràng giang. Nhan đề này đã chuyển tải nhiều ý nghĩa hơn. "Tràng giang" là một từ Hán Việt đầy trang trọng, cổ kính, chỉ một con sông dài. Nhưng nhà thơ không dùng "trường giang" (có cùng nghĩa) để thay thế, bởi cách điệp vần "ang" giúp nhan đề vừa gợi âm hưởng ngân vang, vừa gợi nên cảm giác một dòng sông không những dài mà còn rộng. Thêm lời đề từ Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài càng làm rõ hơn sắc thái cảm xúc chủ đạo của bài thơ. Đó là nỗi buồn của con người trước một không gian mênh mông, rộng lớn có thể bao trùm cả vũ trụ. Còn với Hàn Mặc Tử và tác phẩm "Đây thôn Vĩ Dạ", ta biết đến ông là con người tài hoa mà bất hạnh, là "ngôi sao chổi trên bầu thơ Việt Nam" (Chế Lan Viên). Là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mãnh liệt trong phong trào Thơ mới, ông để lại cho đời những vần thơ vừa "điên loạn", "đau thương" vừa thiết tha, trong sáng. Tiêu biểu cho những vần thơ trong sáng, thiết tha ấy là bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ". Bài thơ được viết năm 1938, khi Hàn Mặc Tử đã mắc căn bệnh nan y. Thi phẩm được in trong tập "Thơ điên", được khơi nguồn cảm hứng từ tấm bưu ảnh mà Hoàng Thị Kim Cúc (cô gái thôn Vĩ mà thi sĩ đã yêu, một tình đơn phương) gửi cho ông. Trong sự hẫng hụt đến tột cùng ấy Hàn Mặc Tử đã viết rất nhiều thơ về sự kiện này, trong đó khác biệt có bài Đây thôn Vĩ Dạ được viết trong lúc bệnh tình của Hàn Mạc Tử trở nặng nhưng lại nhận được tấm bưu thiếp của người xưa, điều ấy đã khơi gợi lên trong lòng ông sự vui sướng, niềm ham sống vô cùng, tất cả đều được thể hiện một cách trọn vẹn trong bài thơ này. Cùng mang vẻ đẹp buồn truyền thống, nhưng thiên nhiên trong Tràng giang lại mang vẻ đẹp hùng vĩ rợn ngợp của "trời rộng", "sông dài" : "Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp Con thuyền xuôi mái nước song song" * * * "Nắng xuống, trời lên sâu chót vót Sông dài, trời rộng, bến cô liêu" Đúng như nhà thơ Muytxe đã từng viết: "Lời tuyệt vọng là lời ca hay nhất Tiếng nấc kia chứa tuyệt bút muôn đời" Những cảnh đẹp nhất lại mang nỗi sầu buồn khôn xiết, những câu thơ buồn nhất lại chạm đến tâm hồn con người một cách thấm thía nhất. Nói về nhà thơ của nỗi buồn, có lẽ không ai vượt qua được Huy Cận. Thiên nhiên ở đây đậm sắc màu cổ điển. Dòng sông mênh mang, chảy dài giữa không gian vắng lặng, bát ngát. Những con sóng gối lên nhau lớp lớp không bao giờ dừng như nỗi buồn miên man không dứt. Song song với con thuyền buông trôi, thụ động phó mặc cho cuộc đời, không một chút hi vọng là biểu hiện của nỗi buồn chia lìa, li biệt. Sóng nước dập dềnh, trải dài xa mãi, thinh lặng khó nói lên lời. Đó phải chăng là nỗi buồn cho thân phận nổi trôi vô định. Bao nhiêu ngả nước, bấy nhiêu ngả sầu, cảnh ở đây rất sầu: Từ "con thuyền", "cành củi khô" đến "nước", "sóng" và cả "bờ xanh", "bãi vàng", "bến cô liêu" đều mang nỗi sầu lớn. Cành củi của cuộc sống đời thường được tác giả "ứng hiện" trong một "Tràng giang" đậm chất Đường thi. "Củi" chứ không phải hoa, bèo, gỗ.. "Củi" đi với "một" mà thêm lẻ bóng, cô đơn. "Củi" đi với "cành khô" mà càng khô khốc, tang thương. "Củi" trong "lạc mấy dòng" mà thêm bơ vơ vô định. "Củi một cành khô lạc mấy dòng" thực sự là một cơn sóng cô đơn, hiu quạnh, vô định trào trực xô lên trong lòng người. Từ cây cối xanh tươi trên ngàn đến cành củi khô gầy guộc là mấy lần thân phận cỏ cây khô héo, vùi dập, đổi thay để có những câu thơ "kêu giòn và lay động" như thế. Tràng giang giờ đây khi còn là cảnh dòng sông mùa nước lũ nữa mà thực sự là dòng đời ngầu đục. Con người đầy lạc lõng, ưu tư, băn khoăn trước cđ- đó cũng là tâm trạng của lớp trí thức bấy giờ. Hình ảnh "Nắng xuống trời lên cao chót vót/ Sông dài trời rộng bến cô liêu" miêu tả không gian được đẩy cao và mở rộng đột ngột, trải ra đến vô cùng khi nhà thơ hạ hai câu tuyệt bút. Từng vạt nắng từ trời cao rọi xuống làm nên những khoảng sâu thăm thẳm trên bầu trời. Tác giả dùng chữ "sâu" chứ không phải chữ "cao", bởi đó không chỉ là chiều kích không gian mà còn gợi lên nỗi buồn không đáy của lòng người. Nỗi "buồn điệp điệp" triền miên lan tỏa xuyên suốt bài thơ và cồn cào, day dứt nhất ở hình ảnh cuối bài: "Lòng quê dợn dợn vời con nước Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà" Hai từ "dợn dợn" gợi cảm giác đã đồng nhất những con sóng đang trào lên trên dòng trường giang với những con sóng gợn ngợp trong lòng tác giả. Nỗi buồn của Huy Cận miên man không dứt như sóng nước mênh mông bất tận, theo sóng nước lan tỏa rất xa, buồn hơn nhiều so với Thôi Hiệu (Đời Đường – Trung Quốc) : "Yên ba giang thượng sử nhân sầu" (Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai). Từ nỗi buồn dằng dặc ấy, vẻ đẹp hiện lên là vẻ đẹp mênh mang đất trời. Không gian mở rộng ra mọi chiều cả về độ dài – rộng, cao – sâu. Đó là cái đẹp lặng lẽ, rợn ngợp của không gian sông nước quen thuộc, gần gũi được Huy Cận dựng lên bằng hình ảnh đơn sơ, thành những nét vẽ tinh tế, giàu màu sắc cổ điển mà vẫn mới. Thấm đượm trong cảnh là một linh hồn "mang mang thiên cổ sầu" và một cái gì như thể là linh hồn ngàn xưa của dân tộc vẫn còn vương vấn nơi bãi rộng sông dài với "bến cô liêu", với "bèo dạt", "mây", "cánh chim", "bóng chiều", với "khói hoàng hôn" với tình quê đậm đà, da diết cháy trong lòng thi nhân. Không khói hoàng hôn "nghĩa là không một yếu tố ngoại cảnh nào tác động trực tiếp nhưng cảnh vật vẫn gợi trong lòng nhà thơ một nỗi nhớ quê cha đất tổ. Câu thơ cuối như bộc lộ tư tưởng, tình cảm mà nhà thơ muốn gửi gắm xuyên suốt bài thơ. Lúc nào trong lòng Huy Cận cũng mang một cái tình quê sâu đậm, một nỗi nhớ quê da diết khôn nguôi. Thiên nhiên được khúc xạ qua tâm hồn Huy Cận, mang nỗi buồn của nhà thơ. Cái đẹp thực, đẹp ảo của cảnh là cái đẹp trong sự thảng thốt của tác giả. Nỗi buồn mênh mang từ hoàn cảnh của nhà thơ là nỗi buồn gắn với thiên nhiên. Trong Tràng giang," nỗi buồn thấm trong từng câu chữ ", đầy như dòng sông Hồng cuồn cuộn chảy. Mặc dù cùng là một trong số những tác giả xuất sắc của phong trào thơ mới tuy nhiên các tác phẩm của Huy Cận và Hàn Mặc Tử vẫn có những nét riêng, nét đặc sắc cá nhân. Với Hàn Mạc Tử, ông được biết đến là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mạnh nhất trong phong trào thơ mới. Thế nhưng thơ của ông lại phảng phất một chút gì đó mơ hồ và đầy bí ẩn đến mức Hoài Thanh hết lời ngợi khen thơ ông như" một nguồn thơ dào dạt và lạ lùng ". Không những thế, Hoài Thanh đã phải bỏ ra 1 tháng trời để nghiên cứu toàn bộ thơ Hàn Mặc Tử và công nhận" Vườn thơ Hàn rộng rinh không bờ không bến càng đi xa càng ớn lạnh. "Phải chăng vì cuộc đời ông mang nhiều bi thương và số phận vô cùng bất hạnh mà thơ của ông luôn thể hiện một tình yêu đau đớn hướng về cuộc đời trần thế đến vậy? Trong khổ thứ hai của" Đây thôn Vĩ Dạ ", cảm xúc của thi nhân chợt lắng xuống thoáng buồn: " Gió theo lối gió, mây đường mây " Hình ảnh gió và mây từ bao đời nay đã gắn liền với nhau như đôi bạn tri kỷ, không thể tách rời – gió thổi mây bay. Thế nhưng, qua biện pháp sử dụng nghệ thuật nhân hóa đầy sáng tạo của mình, Hàn Mạc Tử đã tạo nên một nghịch lí chưa từng có từ trước đến nay. Ông vẽ lên một bức tranh thiên nhiên bao la rộng lớn: Có gió - nhưng" gió theo lối gió "; cũng có mây, nhưng lại" mây đường mây ". Mây gió đôi đường, đôi ngả. Và Đây thôn Vĩ Dạ cùng nói về nỗi buồn lẻ loi, tan tác:" Gió theo lối gió mây đường mây, dòng nước buồn thiu hoa bắp lay "nhưng không đơn giản chỉ có thế mà còn là nỗi buồn xa cách, bị lãng quên. Dòng sông Hương lững lờ trôi là dòng" sông trăng "chất chở nỗi buồn nhẹ nhàng, man mác của lòng người. Đồng thời, Hàn Mạc Tử còn sử dụng nhịp thơ một cách vô cùng tinh tế - nhịp 4/3. Cách ngắt nhịp này đã giúp cho câu văn của ông tách thành 2 vế đối nghịch nhau, một bên là gió, bên còn lại là mây khiến sự chia lìa, cách xa này lại càng thêm xa cách. Từ đó, hai người bạn tri kỉ ấy, tưởng chừng như không thể nào xa rời, lại" ngoảnh mặt quay lưng "," đôi ngả chia ly ". Quả thật, có lẽ Chế Lan Viên đã đúng khi nói" Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường mực thước kia sẽ tan biến đi, và còn lại của cái thời này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử ". Chỉ có ông mới có thể biến cái tưởng chừng như phi lý trong hiện thực lại trở nên vô cùng hợp lí trong thơ văn. Nguyễn Du đã từng viết trong tác phẩm nổi tiếng của ông - Truyện Kiều - rằng:" Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ ". Hàn Mạc Tử cũng vậy! Ông buồn vì biết mình mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, quái ác; buồn vì vẫn còn luyến lưu những cảnh vật thơ mộng và buồn vì mối tình đơn phương với người con gái xứ Huế chỉ còn lại trong giấc chiêm bao! Nhưng trên tất cả, có lẽ ông sợ nhiều hơn là buồn. Ông sợ một ngày nào đó mình chẳng còn tồn tại trên cõi đời này nữa. Có phải chăng vì buồn, vì sợ mà cảnh Huế vốn dĩ rất thơ mộng, trữ tình đã dần nhuốm một màu bi ai đến não lòng: " Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay " Nỗi buồn về sự chia li, tiễn biệt đọng lại trong lòng người phảng phất buồn và mang một nỗi niềm xao xác. Chúng ta không còn thấy giọng tươi mát đầy sức sống ở đoạn trước nữa, chúng ta gặp lại Hàn Mặc Tử - một tâm hồn đau buồn, u uất: Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay. Từ trước đến nay, sông Hương được biết đến như một vẻ đẹp tinh khôi, dịu dàng và được xem là một trong những biểu tượng lớn của xứ Huế. Vì thế sẽ chẳng lấy làm lạ nếu Sông Hương luôn trở thành đề tài chính trong các tác phẩm thơ ca nước ta. Ta đã từng bắt gặp sông Hương với một tình yêu nồng nhiệt, chân thành mà cháy bỏng trong thơ của Nguyễn Trọng Tạo: " Sông Hương hóa rượu ta đến uống Ta tỉnh, đền đài ngả nghiêng say.. " Thế nhưng, dưới ngòi bút tài tình của Hàn Mặc Tử, sông Hương lại hiện ra với một vẻ u sầu, ảo não." Buồn thiu "là cái buồn nhè nhẹ nhưng dai dẳng, nó len lỏi và thấm dần vào tâm hồn của thi nhân và lan sang cả những thứ vô tri vô giác: Dòng nước, hoa bắp. Để rồi," dòng nước "ấy lại trôi đi một cách lững lờ;" hoa bắp "kia lại lay động, đong đưa thật chậm, thật nhịp nhàng theo từng nhịp đưa của gió. Dường như nỗi buồn của thi nhân được hòa quyện dần vào nỗi buồn của thiên nhiên, của vạn vật làm cho buồn lại càng thêm buồn, cô đơn lại càng thêm hiu quạnh! Buồn bã là thế, cô đơn là thế! Nhưng khi trời xuống trăng lên, không chỉ cảnh vật, mà cả tâm tư, tình cảm con người cũng chuyển mình thay đổi: " Thuyền ai đậu bến sông trăng đó " Mặt nước sông Hương êm quá gợi đến những bế bờ xa vắng, những mảnh bèo trôi dạt lênh đênh của số kiếp người. Tâm trạng thoắt vui - thoắt buồn mà buồn thì nhiều hơn, ta đã gặp rất nhiều ở các nhà thơ lãng mạng khác sống cùng với thời Hàn Mặc Tử. Tất cả như tan loãng trong vầng trăng thân thuộc của Hàn Mặc Tử. Thật dễ dàng đề thấy trăng có mặt ở khắp mọi nơi: Trăng chất đầy trên con đò đơn độc đậu lặng lẽ bên bờ; trăng trải dài, dát vàng cả một bến đò rộng lớn; trăng tan chảy hòa quyện vào con sông Hương lặng lẽ trôi hững hờ. Cảnh vật thiên nhiên tràn ngập ánh sáng, một ánh trăng vàng sáng loáng chiếu xuống dòng sông, làm cho cả dòng sông và những bãi bồi lung linh, huyền ảo. Cảnh nên thơ quá, thơ mộng quá! Và cũng đa tình quá! Dòng nước buồn thiu đã hóa thành dòng sông trăng lung linh, con thuyền khách đã trở thành thuyền trăng. Với sự tinh tế và sáng tạo đó, con thuyền ở hiện thực đã dần đi vào thế giới mộng tưởng nhờ vào sự bao phủ của ánh trăng huyền ảo. Liệu rằng có phải Hàn Mặc Tử đã mượn sự huyền ảo, mộng mị của vầng trăng để che lấp đi niềm đau và nỗi buồn của hiện tại? Bởi ông luôn nghĩ về thơ với một quan niệm có phần kì lạ, khác người:" Thơ là tiếng kêu rên thảm thiết của 1 linh hồn thương nhớ ước ao trở lại trời xưa ". Không chỉ có thế, từ trước đến nay, trăng luôn xuất hiện trong những vần thơ của ông một cách kì lạ hơn gấp mấy lần Thế mà giờ đây, hình ảnh vầng trăng trong" Đây thôn Vĩ Dạ "lại đậm chất trữ tình hơn, đằm thắm hơn: " Có chở trăng về kịp tối nay? " Vầng trăng trong hai câu thơ này là vầng trăng nguyên vẹn của thi nhân trước mảnh tình yêu chưa bị phôi pha. Hàn Mặc Tử rất yêu trăng nhưng vầng trăng ở các bài thơ khác không giống thế này. Một ánh trăng gắt gao, kì quái, một ánh trăng khêu gợi, lả lơi: " Gió tít tầng cao trăng ngã ngửa Vờ tan thành vũng đọng vàng kho. " Hay: " Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu Đợi gió đông về để lả lơi. " Trăng trở thành một khí quyển bao quanh mọi cảm giác, mọi suy nghĩ của Hàn Mặc Tử, hơn nữa nó còn lẫn vào thân xác ông. Nó là ông là trời đất, là người ta. Vầng trăng ở đây phải chăng là vầng trăng hạnh phúc và con thuyền không kịp trở về cho người trên bến đợi? Câu hỏi tu từ được thốt lên chứa đầy nỗi niềm âu lo, day dứt của người thi sĩ. Nhưng vì điều gì mà nhà thơ phải đợi trăng về chính xác trong" tối nay ", chứ chẳng phải là tối mai hay bất kì tối hôm nào khác? Hơn ai hết, có lẽ ông là người hiểu rõ căn bệnh mình mắc phải và khoảng thời gian ngắn ngủi mà mình còn có thể tồn tại trên cõi đời này. Chính vì vậy, trong lòng nhà thơ trỗi dậy trong lòng một nỗi niềm, một khát khao nhỏ bé – được gặp trăng, được tận mắt nhìn thấy người bạn tri kỉ của mình trong đêm nay để cùng được san sẻ nỗi buồn, san sẻ nỗi cô đơn, tuyệt vọng cùng với vầng trăng ấy! Vầng trăng với ông lúc này như một tia hi vọng nhỏ nhoi, mong manh chỉ còn le lói chút ít ánh sáng cuối cùng trong màn đêm u tối. Nó cũng chính là lí do khiến Hàn Mặc Tử không ngừng bồn chồn, lo lắng rằng: Liệu chiếc thuyền ấy, con đò ấy có" kịp "đưa trăng về cùng ông trong" tối nay "? Như vậy, có thể thấy cả hai đoạn thơ đều vẽ lên một bức tranh thiên nhiên vô cùng sinh động và người ngắm cảnh lại bộc lộ tâm trạng mình trước thiên nhiên tựa gần gũi thân thuộc nhưng cũng xa lạ ấy. Về nghệ thuật, cả hai nhà thơ đều lựa chọn thể thơ bảy chữ và bút pháp tả cảnh ngụ tình vừa hiện đại vừa mang được nét xưa để khắc họa lối suy nghĩ của mình. Nhưng mỗi tác phẩm cũng đều ẩn chứa một nỗi buồn riêng, một dụng ý nghệ thuật riêng. Hàn Mặc Tử viết về Huế về con sông cụ thể, còn" Tràng giang "lại viết về một con sông nói chung, con sông của nỗi nhớ quê hương. Ngoài ra, thơ Hàn Mặc Tử bộc lộ khao khát được sống được nắm bắt từng giây phút cuộc đời, còn thơ Huy Cận lại hướng về cố hương, gợi lại những tình riêng trong sâu thẳm" cái tôi"mình. Hai nhà thơ cùng xuất hiện trong một thời đại, đều học từ thơ truyền thống và sáng tạo cách tân theo phương Tây vì vậy họ đều có những cái giống nhau trong sáng tác và những ý tưởng gửi gắm đến người đọc. Tuy nhiên, nghệ sĩ lại đòi hỏi mỗi người phải có một phong cách riêng, lối suy nghĩ riêng để tạo ra những màu sắc khác nhau đem đến cho độc giả, nên tác phẩm của họ cũng có rất nhiều những nét riêng tạo nên cá tính riêng của họ. Tóm lại, bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử và Tràng giang của Huy Cận đều là những bức tranh thiên nhiên tuy tuyệt đẹp. Tuy nhiên cũng có những điểm khác biệt riêng. Cái buồn ở những bài thơ này cũng như của nhiều cái buồn của các nhà Thơ Mới chính là cái buồn của cá một thế hệ, của dân tộc ta trong những năm phải sống tủi nhục và đen tối dưới ách thống trị của bọn thực dân phong kiến đương thời. Đây cũng chính là một trong những giá trị tư tưởng chủ yếu của Thơ mới trong thời kì 1930. Thơ ca lãng mạn với các tác giả trên thể hiện lòng yêu nước thầm kín.