Thị thực, visa là gì? Khác hộ chiếu, passport như thế nào?

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Nhật Thiên Thanh, 19 Tháng hai 2020.

  1. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    179
    Để đi đến được các nước trên thế giới, ngoài tiền ra, nếu như Hộ Chiếu là điều kiện cần như mình đã nói trong bài viết Hộ Chiếu Là Gì? Những Điều Bạn Chưa Biết Về Hộ Chiếu, thì Thị Thực chính là điều kiện đủ bạn nhé!

    Bởi vì không phải nước nào trên thế giới cũng mở rộng cửa đón chào các nước bạn đến với đất nước của họ. Cũng giống như khi bạn đến nhà người khác, bạn phải gõ cửa vậy. Chủ nhà ra mở cửa thì bạn mới được vào. Thị thực cũng tương tự như vậy, nó biểu hiện cho sự xin phép của bạn đến một đất nước, và khi bạn được cấp Thị Thực thì đó là sự cho phép của đất nước mà bạn muốn đến. Để hiểu kỹ hơn, thì bạn xem qua bài viết của mình nhé!

    Thị Thực Là Gì?

    [​IMG]

    Theo nghĩa Hán - Việt:

    - Thị: là nhìn, xem xét

    - Thực: sự thật, việc thật, chứng thực.

    Hiểu đơn giản nhất, Thị Thực có nghĩa là một sự chứng thực hợp pháp, được xem xét xác nhận rằng một người nào đó được phép nhập cảnh hoặc xuất cảnh ở quốc gia mà người đó muốn đến. Sự cho phép này thể hiện bằng một văn bản cấp cho người đó, hoặc phổ biến nhất là bằng một con dấu đóng trực tiếp vào trong hộ chiếu của người đó.

    Tên Tiếng Anh là: Visa.

    Tên Tiếng Hàn là: 비자 (bija)

    Tên Tiếng Nhật là: ビザ (Biza)

    Tên Tiếng Trung: 签证 (qiān zhèng)

    Giải Mã Các Thông Tin Được Thể Hiện Trên Thị Thực (Visa)

    Ngoài các thông tin cá nhân cơ bản như: Họ tên, Giới Tính, Ngày Tháng Năm Sinh, Quốc Tịch, thì còn có các thông tin sau:

    [​IMG]

    (1) Mã số Passport của bạn

    (2) Số quản lý của chính phủ quốc gia bạn xin visa

    (3) Loại visa dựa theo mục đích xin visa (du học, du lịch, thăm người thân, công tác)

    (4) Ngày cấp visa. Visa của bạn được cấp nào thì sẽ có giá trị kể từ ngày đó, bạn có thể sử dụng visa này nhập cảnh bắt đầu từ sau ngày được cấp và cho đến trước khi thời hạn visa hết giá trị.

    (5) Ngày hết hạn. Visa này sẽ hết giá trị vào đúng 24: 00 ngày này trở đi. Kể từ sau đó nếu tiếp tục sử dụng visa này sẽ bị từ chối nhập cảnh.

    (6) Số lần nhập cảnh: Một lần (Dingle), nhiều lần (Mutiple), có nghĩa là trong thời hạn visa có giá trị, bạn được sử dụng visa này một lần, hai lần hoặc nhiều lần nhập xuất cảnh.

    (7) Số ngày được phép lưu trú (sau khi nhập cảnh được lưu trú xx ngày) : Đây là số ngày dài nhất mà bạn được phép lưu trú tại quốc gia này kể từ ngày nhập cảnh, số ngày lưu trú của mỗi lần nhập cảnh đều được tính lại từ đầu, không cộng dồn lại.

    Có Những Loại Thị Thực (Visa) Nào?

    Nếu bạn muốn dễ phân biệt, thì chỉ cần nhớ hai loại Thị Thực chính gồm:

    1. Thị Thực Di Dân: Dùng để nhập cảnh và định cư tại một nước theo các diện như Cha mẹ bảo lãnh con cái, diện vợ chồng..

    2. Thị Thực Không Di Dân: Dùng nhập cảnh một nước trong 1 khoảng thời gian cho phép, tạm thời gồm các loại sau:

    - Du lịch

    - Công tác, làm việc.

    - Kinh doanh.

    - Điều trị, chữa bệnh.

    - Lao động thời vụ.

    - Học tập.

    - Các chương trình trao đổi.

    - Ngoại giao, chính trị.

    Còn nếu bạn muốn chi tiết hơn, thì tập nhớ cách phân loại theo mục đích sau đây:

    1. Thị thực quá cảnh: Để đi qua một quốc gia trên đường đến một quốc gia khác. HIệu lực của thị thực quá cảnh thường được giới hạn trong khoảng thời gian ngắn khoảng vài tiếng đến mười ngày tùy theo kích thước của quốc gia, hoặc lịch trình cụ thể của chuyến quá cảnh.

    - Thị thực quá cảnh sân bay: Được yêu cầu bởi một số quốc gia để quá cảnh tại sân bay, kể cả không đi qua kiểm tra hải quan.

    - Thị thực thành viên tổ, người làm hoặc người lái: Được cấp cho nhân viên làm trên máy bay, tàu khách, tàu, xe tải, xe búyt và bất cứ phương tiện giao thông quốc tế nào, hoặc tàu đánh cá trên hải phận quốc tế.

    2. Thị thực ngắn hạn hoặc cho du khách: Đối với các chuyến ghé thăm ngắn hạn đến các quốc gia. Nhiều quốc gia phân biệt mục đích chuyến đi, như là:

    [​IMG]

    - Thị thực riêng tư: Cho mục đích riêng tư với thư mời từ công dân của quốc gia được ghé thăm.

    - Thị thực du lịch: Dành cho một khoảng thời gian giới hạn với mục đích du lịch, không áp dụng với người đi công tác.

    - Thị thực với mục đích y tế: Để đi khám hoặc chữa bệnh tại bệnh viện của quốc gia được ghé thăm.

    - Thị thực công tác: Để làm việc tại quốc gia được ghé thăm. Loại thị thực này không bao gồm làm việc lâu dài, trong trường hợp đó phải xin thị thực làm việc.

    - Thị thực du lịch và làm việc: Dành cho người đến các quốc gia có các chương trình du lịch và làm việc, cho phép những người trẻ tuổi làm việc tạm thời trong khi đi du lịch.

    - Thị thực vận động viên hoặc nghệ sĩ: Được cấp cho vận động viên và nghệ sĩ biểu diễn (và nhân viên hỗ trợ họ) để tham gia thi đấu, biểu diễn hòa nhạc, tham gia sự kiện.

    - Thị thực trao đổi văn hóa: Thường được cấp cho người tham gia các chương trình trao đổi văn hóa.

    - Thị thực tị nạn: Được cấp cho người chạy trốn khỏi hiểm họa như khủng bố, chiến tranh hoặc thảm họa thiên nhiên.

    - Thị thực hành hương: Loại thị thực này chủ yếu được cấp cho người ghé năm những địa điểm tôn giáo, ví dụ như Ả Rập Xê Út hoặc Iran, và tham gia những buổi lễ tôn giáo đặc biệt. Loại thị thực này thường được cấp khá nhanh với giá rẻ; tuy nhiên; những người sử dụng thường được giới hạn phải đi theo nhóm.

    3. Thị thực dài hạn: Thị thực có hiệu lực dài hơn nhưng vẫn có giới hạn:

    [​IMG]

    - Thị thực học sinh (F-1 tại Mỹ): Cho phép người sở hữu học tại một học viện hoặc trường đại học tại quốc gia cấp thị thực. Thị thực F-2 cho phép những người phụ thuộc vào học sinh được phép đi cùng đến Mỹ.

    - Thị thực nghiên cứu: Dành cho học sinh tham gia nghiên cứu tại quốc gia cấp thị thực.

    - Thị thực làm việc tạm thời: Dành cho người được cấp phép làm việc tại quốc gia cấp thị thực. Loại này thường khó xin hơn và có hiệu lực dài hơn thị thực công tác. Ví dụ: Thị thực H-1B và thị thực L-1 của Mỹ.

    - Thị thực nhà báo: Dành cho một số quốc gia yêu cầu nhà báo làm cho một số tổ chức tin tức. Các quốc gia sử dụng loại thị thực này bao gồm Cuba, Trung Quốc, Iran, Triều Tiên, Ả Rập Xê Út, Hoa Kỳ (Thị thực-I) và Zimbabwe.

    - Thị thực định cư: Được cấp cho người định cư lâu dài tại quốc gia cấp. Tại một số quốc gia, như New Zealand, định cư lâu dài là một bước cần thiết trước khi chuyển lên mức thường trú.

    - Thị thực trú ẩn: Được cấp cho người phải chịu đựng hoặc lo sợ khủng bố trong quốc gia của họ do những hoạt động chính trị hoặc ý kiến, tổ chức hoặc cộng đồng; hoặc bị trục xuất khỏi quốc gia của họ.

    4. Thị thực nhập cư: Được cấp cho người muốn nhập cư vào quốc gia cấp (sẽ đạt được trạng thái thường trú trong tương lai) :

    - Thị thực vợ/chồng hoặc Thị thực đối tá c: Được cấp cho vợ/chồng, đối tác dân sự của một cư dân hoặc công dân của quốc gia cấp và cho phép đối tác của họ định cư tại quốc gia đó.

    - Thị thực kết hôn: Được cấp cho một khoảng thời gian giới hạn để kết hôn, hoặc kết hợp dân sự dựa trên bằng chứng quan hệ của công dân tại quốc gia cấp thị thực. Ví dụ, một người phụ nữ Đức muốn cưới người Mỹ phải xin thị thực Fiancée (còn gọi là thị thực K-1) để cho phép cô đến nhập cảnh Mỹ. Thị thực K1 cho phép ở lại 4 tháng kể từ ngày nhập cảnh.

    - Thị thực người nhận lương hưu (cũng được biết đến là thị thực về hưu) : Được cấp bởi một số quốc gia (Úc, Argentina, Thái Lan, Panama, v. V), cho những người chứng tỏ được rằng họ đã có nguồn thu nhập từ quốc gia khác, và sẽ không làm việc tại quốc gia cấp thị thực. Có giới hạn độ tuổi với một số trường hợp.

    5. Thị thực công vụ: được cấp cho công chức đi làm việc cho chính phủ, hoặc đại diện cho một nước tại quốc gia cấp thị thực, như là làm nhiệm vụ ngoại giao.

    - Thị Thực ngoại giao: Thường chỉ dành cho người sở hữu hộ chiếu ngoại giao.

    - Thị Thực lịch sự: Được cấp cho người đại diện cho chính phủ nước ngoài, hoặc tổ chức quốc tế mà không đủ trạng thái nhà ngoại giao, nhưng có đủ công trạng, là một hành vi lịch sự. Ví dụ là Thị thực mục đích đặc biệt của Úc.

    Thủ Tục Cấp Visa Như Thế Nào?

    Mỗi quốc gia thường có các điều kiện cấp visa khác nhau. Chẳng hạn như thời hạn hiệu lực, khoảng thời gian có thể lưu lại. Thường thì visa hợp lệ cho nhiều lần nhập cảnh (tùy theo điều kiện), nhưng có thể bị thu hồi vào bất cứ lúc nào và với bất kỳ lý do gì.

    Visa có thể được cấp trực tiếp; hoặc thông qua Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán của quốc gia đó, đôi khi thông qua một cơ quan chuyên môn, công ty du lịch có sự cho phép của quốc gia phát hành. Nếu không có đại sứ quán hoặc lãnh sự quán ở nước mình, thì bạn phải đến một quốc gia thứ ba có các cơ quan này.

    Về thủ tục cấp visa, tùy vào mỗi nước hoặc vùng lãnh thổ sẽ có những quy định riêng.

    Thông thường hồ sơ thủ tục sẽ bao gồm các phần sau:

    + Chứng Minh Bản Thân (Hộ Chiếu, Hộ Khẩu, CMND, Giấy kết hôn/ độc thân/ ly hôn, ảnh)

    + Chứng Minh Công Việc (Bản sao Hợp Đồng Lao Động + Bản lương có mộc công ty và công chứng, Đơn xin nghỉ phép, Bảo Hiểm Xã Hội)

    + Chứng Minh Tài Chính (Sổ tiết kiệm bản photo + bản gốc với số tiền theo quy định của nước muốn đi, bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất, xe cộ)

    + Chứng Minh Chuyến Đi (Booking vé máy bay khứ hồi, Booking khách sạn, lịch trình)

    + Nếu là Thị Thực Công Tác và Thăm Thân, thì phải có thêm giấy mời/ thư mới của đối tác/ người thân ở nước muốn đến. Đồng thời Chứng minh mối quan hệ giữa hai bên (các cuộc gọi, nhắn tin, thư từ, gia phả, hình chụp chung).

    Các thông tin khác, Bạn có thể liên hệ với Đại sứ quán nước nhập cảnh, hoặc các dịch vụ hỗ trợ làm Visa để hỏi thủ tục chi tiết nha. Nhớ chọn nơi uy tín, để không phải mất tiền mất thời gian, mà không được gì nhé!

    Các nước không yêu cầu Thị Thực (Visa) với công dân Việt Nam, chỉ cần bạn có Hộ Chiếu là đi được:

    - Thái Lan: Thời gian lưu trú không quá 30 ngày, và có vé phương tiện vận chuyển khứ hồi, hoặc vé đi tiếp nước khác.

    - Singapore: Thời gian lưu trú không quá 30 ngày, và có vé phương tiện vận chuyển khứ hồi, hoặc vé đi tiếp nước khác.

    - Lào: Thời gian lưu trú không quá 30 ngày. Người có nhu cầu nhập cảnh trên 30 ngày phải xin visa trước; thời gian tạm trú có thể được gia hạn tối đa 2 lần, mỗi lần 30 ngày.

    - Philippines: Thời gian lưu trú không quá 21 ngày, với điều kiện hộ chiếu còn giá trị sử dụng ít nhất 6 tháng. Và có vé phương tiện vận chuyển khứ hồi, hoặc vé đi tiếp nước khác.

    - Myanmar: Thời gian lưu trú không quá 14 ngày, điều kiện là hộ chiếu còn giá trị sử dụng ít nhất 6 tháng, và có vé phương tiện vận chuyển khứ hồi, hoặc vé đi tiếp nước khác..

    - Indonesia: Thời gian lưu trú không quá 30 ngày, và có vé phương tiện vận chuyển khứ hồi, hoặc vé đi tiếp nước khác. Không được gia hạn thời gian lưu trú.

    - Brunei: Thời gian lưu trú không quá 14 ngày, và có vé phương tiện vận chuyển khứ hồi, hoặc vé đi tiếp nước khác..

    - Malaysia: Thời gian lưu trú không quá 30 ngày, và có vé phương tiện vận chuyển khứ hồi, hoặc vé đi tiếp nước khác..

    Các nước cấp visa khi đến mà không cần xin trước hoặc miễn visa nhưng có điều kiện đi kèm:

    - Nhật bản: Từ tháng 11, khách du lịch Việt Nam tham gia tour trọn gói của các công ty du lịch được Nhật Bản chỉ định sẽ được đơn giản hóa thủ tục xin thị thực du lịch một lần, thời hạn có hiệu lực của thị thực Nhật Bản sẽ được kéo dài đến 5 năm. Ngoài ra, công dân Việt nam dù không đang cư trú tại nước Việt nam cũng sẽ được xin thị thực vào Nhật Bản thông qua một cơ quan ngoại giao có thẩm quyền cấp thị thực tại nước họ đang cư trú.

    - Hàn Quốc: Không cần visa khi đến đảo Jeju.

    - Đài loan: Công dân Việt Nam (chưa từng đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài) có visa trong thời hạn còn hiệu lực của các nước Mỹ, Canada, Anh, Nhật, Úc, New Zealand và visa Schengen châu Âu (bao gồm cả thẻ định cư) sẽ được miễn thị thực nhập cảnh Đài Loan lưu trú trong thời gian 30 ngày.

    - Maldives: Không cần visa xin trước mà cấp tại chỗ cho du khách. Chỉ cần đưa vé máy bay khứ hồi, đặt phòng khách sạn ra là nhân viên nhập cảnh sẽ đóng dấu vào hộ chiếu (còn hạn trên 6 tháng), Visa này sẽ được miễn phí trong 30 ngày.

    - Đông Timor: Không yêu cầu xin visa ở Việt Nam.

    - Nepal: Nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, đến với quốc gia nhỏ bé Nepal bạn chỉ cần chuẩn bị tiền USD để đóng lệ phí visa (khoảng 20 USD cho visa 15 ngày), 2 ảnh thẻ cỡ giống trên hộ chiếu và có một trang trống là có thể xin visa ở ngay sân bay Kathmandu. Thời gian lưu trú 90 ngày

    - Ấn Độ: Việt Nam là một trong số ít các nước được phép xin visa ngay tại 4 sân bay ở Ấn Độ: Delhi, Mumbai, Chennai và Kolkata. Tuy nhiên visa xin tại sân bay Ấn Độ là loại single (một lần) và có thời hạn 30 ngày, giá khoảng 60 USD.

    Phân Biệt Sự Khác Nhau Giữa Visa (Thị Thực) và Passport (Hộ Chiếu)

    Đơn giản lắm các bạn ạ, các bạn chỉ cần lưu ý vài điều sau là phân biệt được ngay:

    - Passport (Hộ Chiếu) là giấy chứng nhận do chính phủ một nước cấp để công dân nước đó có quyền xuất cảnh đi nước khác và nhập cảnh trở về nước mình. Còn Visa (Thị Thực) là loại giấy tờ được cấp bởi nước mà bạn muốn đến, nhưng bạn không phải là công dân nước đó.

    - Passport (Hộ Chiếu) thường là 01 cuốn. Còn Visa (Thị Thực) chỉ là 01 tờ giấy, hoặc 01 con dấu được đóng trực tiếp vào cuốn Hộ Chiếu của bạn.

    - Passport (Hộ Chiếu) có thời hạn sử dụng cố định là không quá 10 năm. Còn Visa (Thị Thực) thì có thời hạn sử dụng không cố định, có thể là vài ngày, vài tuần, vài tháng.. tùy theo nước bạn muốn đến cấp cho bạn như thế nào.

    - Tương tự, Passport (Hộ Chiếu) được sử dụng thường xuyên nhiều lần khi bạn xuất nhập cảnh. Còn Visa (Thị Thực) thì đôi khi chỉ được sử dụng 01 lần thôi.

    - Thủ tục và điều kiện để làm Passport (Hộ Chiếu) đơn giản và dễ dàng được cấp. Còn Thủ tục và điều kiện để làm Visa (Thị Thực) thì phức tạp và khó khăn rất nhiều mới được cấp, nhất là các nước bạn muốn đến nằm ở khu vực Châu Âu, hoặc nước Anh.

    - Để đi nước ngoài, Passport (Hộ Chiếu) là bắt buộc phải có. Còn Visa (Thị Thực) thì có khi cần, có khi không cũng được, vì tùy vào nước bạn muốn đi là nơi nào. Bạn nên tìm hiểu kỹ xem nước bạn muốn đến có cần phải xin Visa (Thị Thực) hay không. Ví dụ: Nếu bạn đi du lịch Thái Lan trong 10 ngày, thì bạn không cần xin Visa (Thị Thực) Thái Lan, chỉ cần Passport (hộ chiếu) là đi được. Vì Thái Lan cho phép công dân Việt Nam đến và ở Thái không quá 30 ngày. Nếu bạn ở quá 30 ngày thì phải xin Visa (Thị Thực) nha. Còn đến Anh, thì bạn phải xin Visa (Thị Thực) ngay từ đầu dù chỉ ở lại có 2 ngày đi chăng nữa, vì nước Anh không có chính sách miễn Visa nhập cảnh cho công dân Việt Nam.

    - Cuối cùng, nếu không có Passport (Hộ Chiếu) bạn sẽ không thể xin được Visa (Thị Thực). Vì thế bạn buộc phải xin cấp Passport (Hộ Chiếu) trước rồi mới nộp hồ sơ làm Visa (Thị Thực) sau nha.

    Mong chút thông tin trên sẽ hữu ích cho các bạn. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của mình. Love All!
     
    Chỉnh sửa cuối: 19 Tháng hai 2020
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...