Thế Nào Là Nhân Vật Điển Hình Trong Văn Học?

Thảo luận trong 'Kiến Thức' bắt đầu bởi mohhy, 31 Tháng bảy 2021.

  1. mohhy

    Bài viết:
    1
    Nghệ thuật nói chung hay văn học nói riêng thì đều hướng đến tự do, hạnh phúc và nhân phẩm của con người. Nhà văn thể hiện tất cả điều đó thông qua hình tượng trong tác phẩm. Hình tượng đó là những gì sinh động nhất, cụ thể nhất được tác giả gửi một thông điệp tình cảm, một cách nhìn nhận hiện thực.. Nó được thể hiện bằng chất liệu ngôn từ.. và ngôn ngữ vốn dĩ là một cơ thể sống phức tạp, mỗi tiếng, mỗi từ khi được nhà văn dùng để xây dựng hình tượng đều mang những lớp nghĩa mới, những giá trị mới.. Điều đó càng chứng tỏ hình tượng rất đa dạng. Nó thể hiện tài năng của nhà văn, nói lên được phẩm chất và thành tựu xuất sắc của văn học, nó phản ánh cả một xã hội đương thời.

    Còn điển hình ư? Không phải nhà văn nào cũng làm được diều đó. Xây dựng hình tượng văn học thì dễ dàng, song để đưa sản phẩm tinh thần của mình lên mức điển hình thì phải đi lên từ một hình tượng độc đáo, phải tác động vào tâm trí người đọc những làn sóng tình cảm nhiều, rộng và sâu. Có khi vô bờ bến, lan rộng đến đại ngàn, có khi dư vị âm vang mãi trong nhiều thế kỉ. Rõ ràng hơn điển hình chính là khái quát. Khái quát đến mức có thể làm ta liên tưởng đến cái tương tự ở ngoài đời. Giống như đại thi hào Nguyễn Du đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Thuý Kiều, không chỉ thế, Kiều đã trở thành nhân vật điển hình trong văn học. Nhân vật này đã ăn sâu vào tiềm thức người đọc đến độ người ta có thể hình dung tên Kiều để chỉ một số người có hoàn cảnh như thế trong xã hội. Đó là một kiếp người tài hoa bạc mệnh, lắm nỗi éo le ở đời. Nguyễn Du cũng vậy, Thúy Kiều lại càng thế. Nàng có tài, có sắc, mà cả tài và sắc đều đến mức độ "mười phân vẹn mười". Đáng lẽ, nàng phải có một cuộc sống vô cùng tốt đẹp, thế nhưng trớ trêu thay, "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen". Cuộc đời đâu cho nàng tự cầm bút mà vẽ, nó hoạch địch sẵn đẩy những con người yếu ớt đáng thương đến bước đường cùng. Nhân vật hiện lên trên cái nền của bi kịch. Nàng có ý thức về nhân phẩm của mình nhưng lại bị xã hội hủ bại chà đạp nhân phẩm. Đó là bi kịch lớn nhất của đời người. Nỗi xót xa, đau đớn bao trùm lên một con người mà "hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh", "Một hai nghiêng nước nghiêng thành - Sắc đành đòi một tài đành họa hai". Văn học trung đại viết về con người đã ít, viết về số phận con người, đặc biệt là số phận của người phụ nữ lại càng ít hơn. Với cái xã hội trọng nam khinh nữ thì một Nguyễn Du và một "Truyện Kiều" xuất hiện như thế đã tỏa sáng nền văn học tối tăm, soi đường chỉ lối và tôn lên giá trị nhân phẩm cao quý của con người.

    Trong đời sống ta thường gặp những khái niệm điển hình, chúng mang nét nghĩa là những cái thường xảy ra nhất, lặp đi lặp lại nhiều nhất, tiêu biểu nhất, lí tưởng nhất của một người nào đó, một điều gì đó hoặc một môi trường nhất định. Song điển hình nghệ thuật không hoàn toàn giống hệt điển hình xã hội. Về bản chất, điển hình không phải là cá biệt nhưng lại là cái cá biệt, là một cá tính xác định, độc đáo riêng biệt khác nhau, có ở nhân vật này mà không có ở nhân vật khác. Nó là sự thống nhất cao độ, hoàn mĩ giữa tính khái quát tập trung và tính cá thể sinh động. Đó chính là "người lạ" theo cách nói của Bêlinxki. Chí Phèo là người nông dân. Một anh lực điền hiền lành như đất, thế nhưng từ bốn bức tường lao lí ra cuộc đời Chí đã trở thành con quỷ của làng Vũ Đại. Chí cứ mãi chìm đắm trong những cơn say, dường như chưa bao giờ Chí Phèo tỉnh cả. Và cứ mỗi lần hơi men quẩn quanh khắp người thì Chí Phèo lại rạch mặt ăn vạ, và cứ hễ "rượu xong là hắn chửi". Một con người chỉ biết lấy rượu làm bạn và những tiếng chửi thốt ra từ kẻ miệng như một thói quen sống thì qua cách kể của Nam Cao ta đã định hình được một kiểu người như Chí Phèo. Hơn thế, ta còn thấy được tài năng của tác giả ở giọng điệu tự sự lạnh lùng nhưng sâu bên trong là một tâm hồn thấu hiểu đến vô hạn. Tiếng chửi của Chí Phèo từ trang sách cứ âm vang trong người đọc mãi, hoàn toàn không giống với tiếng bước chân chạy thình thịch lo âu tất tưởi của chị Dậu. Chị Dậu là nông dân. Chị cũng là một nông dân nghèo nàn không khác gì anh Chí. Chị cũng bị áp bức. Chị cũng mang bao điều đau khổ. Song, cùng đứng trước hiện thực như nhau, nhưng mỗi nhà văn lại có một điểm nhìn khác nhau, mỗi nhà văn lại có một nhãn quan khác nhau. Sự thật cứ phơi bày ra trước mắt có thể là ai cũng nhìn thấy nhưng khi đưa vào tác phẩm, qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ, nó trở thành một tấm ảnh nhiều góc độ, nhiều sắc màu khác nhau. Chị Dậu khác Chí Phèo, Chí Phèo phản kháng lại xã hội bằng con đường lưu manh hóa. Còn chị Dậu thì âm thầm chịu đựng, chạy ngược chạy xuôi lo từng hào nhỏ để đóng thuế cho chồng, cho em chồng. Nếu Nam Cao xây dựng một nhân vật điển hình của người nông dân bế tắc đi đến con đường gần như mất hẳn nhân tính, thì ngược lại, Ngô Tất Tố lại xây dựng một chị Dậu ngời ngời phẩm chất cao đẹp của phụ nữ Việt Nam với những nỗi lo và suốt đời vất vả.

    Về hình thức, nói như trên không có nghĩa là điển hình văn học rất trừu tượng mà thật ra nó sống động và cụ thể. Bên cạnh cái lạ thì nó chính là cái "quen biết". Điển hình trong văn học thể hiện chủ yếu ở hai khía cạnh. Nó là hình ảnh chủ quan của hiện thực khách quan, được "nhào nặn" từ hoàn cảnh cụ thể điển hình cho nên rất sống động, gần gũi. Chính vì sự sống động trở nên chân thực. Chí Phèo rất cá biệt, cá biệt từ tính cách đến hành động.. Chí Phèo vừa là con quỷ dữ của làng Vũ Đại, vừa là cục sáp trong bàn tay nóng của bọn thống trị, vừa là một nô lệ thức tỉnh. Và chính nhờ những cá tính cá biệt đó mà Chí trở thành điển hình của người dân thuộc địa tủi nhục, bần cùng. Đọc Chí Phèo, ta như đang lật lại từng trang sử Việt Nam tràn ngập niềm đau khổ. Họ là những con người có nét tính cách độc lập, là những "người lạ" mà ta bắt gặp trên trang văn nhưng lại quá đỗi thân thuộc vì cuộc đời tối tăm đó ta đã "quen biết" từ lâu, nhìn thấy một lớp người bị vùi sâu dưới đáy tận cùng xã hội. Cũng chính Beelinxki đã từng nói: "Cần phải làm cho nhân vậy vừa là biểu hiện của cả một thế giới gồm nhiều người, lại vừa là một người, một chỉnh thể, một cá biệt". Các nhà văn thực thụ là các nhà văn làm được điều ấy trong tác phẩm gửi đến bạn đọc.

    Môi trường hay hoàn cảnh là cái khuôn để nhà văn đúc nên những nhân vật. Nhân vật điển hình thể hiện những cái chung phổ biến đối với môi trường sống. Một nhân vật điển hình phải nằm trong hoàn cảnh điển hình. Họ phải có số phận, không thể có những bước đi lệch khỏi hoàn cảnh ấy, môi trường ấy. Tất cả là những tinh tú quay quanh mặt trời. Những nhân vật đi lên từ hiện thực qua trí tưởng tưởng của nhà văn. Nhưng dù đi lên từ đâu, thì nhân vật điển hình cũng có nghĩa tiêu biểu cho cuộc sống đó, môi trường đó. Hay đúng hơn là hoàn cảnh điển hình tạo ra nhân vật điển hình. Thúy Kiều sống trong xã hội phong kiến thối nát, nơi mà con người ta khinh rẻ hai chữ "má hồng" muôn đời. Tài sắc là thế, khôn ngoan, đức độ là vậy nhưng cũng chỉ biết phó mặc cho hoa trôi:


    "Ngẫm hay muôn sự tại Trời

    Trời kia đã bắt làm người có thân.

    Bắt phong trần, phải phong trần,

    Cho thanh cao, mới được phần thanh cao"

    Còn Chí Phèo lại sống trong hoàn cảnh xã hội cực kì thảm hại, sống trong hoàn cảnh điển hình nhất của thời kì dân tộc chìm sâu trong máu và nước mắt, cái đói và cái nghèo bủa vây khắp phía. Một môi trường hỗn loạn, như Nam Cao từng viết quần ngư tranh thực và Chí là đại diện đau đớn nhất của môi trường ấy. Là một anh làm thuê hiền lành an phận, Chí thật sự trở thành miếng mồi ngon cho bọn cường hào ác bá và từ con người bình thường Chí trở thành một con quỷ, một con thú độc hình nhân.

    Rõ ràng tính cách của Thúy Kiều và Chí không thể thoát ra được những quy luật chung của môi trường mà họ đang sống. Nàng Kiều nặng chữ hiếu lẫn chữ tình. Cứ mỗi lần mang ơn lại hết lòng đáp trả, cứ mỗi lần yêu lại yêu hết lòng mình mặc cho "Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung". Trên những chuyến lưu lạc trần đời Kiều đã gặp hai người đàn ông mà Kiều cảm thấy có ơn nhất. Đó chính là Thúc Sinh và Từ Hải. Hai người quân tử ấy đều cứu Kiều ra khỏi chốn lầu xanh, đều có ơn và có tình cùng nàng. Tuy nhiên chính vì tài sắc như vậy mà Kiều chỉ có thể gảy khúc đàn "Bạc mệnh". Thúy Kiều sống những tháng ngày trôi nổi, gian truân, thanh lâu hai lượt thanh y hai lần. Nhưng nàng có một nhân phẩm quá đỗi cao đẹp, sống trong cảnh lầu xanh biết bao "bướm lả ong lơi" mà Kiều vẫn giữ được một tâm hồn trong sáng. Thuý Kiều không quên đi nỗi nhục của bản thân. Phải chăng, nếu nàng quên được thì đã không đau khổ đến thế này? Đau khổ vẫn ở trước mắt, quá khứ tươi đẹp lại quá xa xôi:


    "Vui là vui ngượng kẻo là,

    Ai chi âm đó mặn mà với ai?"

    Bản thân Chí bước trên con đường tha hóa, không phải để lại những dấu vết đầu tiên, mà anh bước đi là anh giẫm lên những dấu chân của những kẻ như Năm Thọ, Binh Chức phải cầm dao để sống, để buộc Chí phải rơi từng giọt máu, bán dần nhân phẩm để mưu sinh, để đè bẹp cái khát khao lương thiện của Chí bằng những chuỗi dài say rượu triền miên. Ánh trăng thiên nhiên đã một phần trả lại tính người cho Chí, ánh trăng dịu dàng đã cho Chí Phèo tìm lại ánh sáng đó, đó là cho Chí một Thị Nở. Đối với người khác, Thị Nở dở hơi còn đối với Chí, thị cũng là người phụ nữ tuyệt vời, là người đầu tiên không biết xa lánh, ghê tởm Chí. Và chính bát cháo hành đầy tình người của Thị Nở đã khơi dậy ngọn lửa thiện – nhân vốn ẩn tàng trong con người Chí thuở nào bừng lên, giúp Chí tìm lại được chính mình.

    Hoàn cảnh xã hội thời bấy giờ đã tạo nên Thúy Kiều và Chí Phèo và họ tiêu biểu cho hoàn cảnh xã hội đó, đó là lẽ tất nhiên. Nhân vật điển hình và hoàn cảnh điển hình là hai yếu tố biện chứng lẫn nhau. Đấy là hai mặt của một tờ giấy không thể tách rời nhau, nhưng không hoàn toàn giống nhau. Bởi vì sao? Dù có tính khái quát rộng, dù miêu tả cụ thể, sinh động, dù đi lên từ hiện thực, nhân vật điển hình vẫn là một hình tượng nghệ thuật do nghệ sĩ tạo ra, là tấm lụa màu, được dệt bằng những sợi tơ hiện thực, bằng màu sắc cá tính, bằng bàn tay và khôi óc của nhà văn. Cho nên phần nào nhân vật điển hình chịu ảnh hưởng của tư tưởng nhân vãn. Nhà văn nào cho ra một điển hình riêng với những suy tư trăn trở riêng, và nhân vật điển hình trở nên đẹp hơn hoặc xấu hơn tùy theo quan điểm chủ quan của tác giả.

    Có nhân vật điển hình tiêu biểu cho hoàn cảnh nhất định, nhưng cũng có nhân vật điển hình mang theo dấu vết dân tộc, đôi khi toàn nhân loại. Chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố là một nhân vật điển hình của một môi trường xã hội thực dân phong kiến, của một dân tộc đói nghèo trong rơm rạ (Chế Lan Viên) trong gông cùm nô lệ, suốt cuộc đời chị sống trong cực khổ không thấy một ngày thậm chí một giờ được hạnh phúc, đó là dân tộc Việt Nam. Một dân tộc luôn đau khổ, luôn bị chèn ép, song ý chí phấn đấu, sức mạnh tự vệ có thể bùng nổ. Chị Dậu dịu dàng chân thật, yêu thương chồng và con vô bờ bến nhưng cũng có thể quật ngã bọn cường hào khi đi đến đường cùng giành sự sống. Và, Chí Phèo không những là nhân vật điển hình của một xã hội mà Chỉ còn là điển hình nhân loại. Mâu thuẫn trong tác phẩm giữa cái thiện và cái ác, mâu thuẫn giữa con quỷ và con người, mâu thuẫn giữa sự tuyệt quyền làm người và khát khao được hòa đồng với con người bình thường, lương thiện.. Đó là bi kịch của con người trên trái đất này chứ không dừng lại ở anh Chí của một làng quê bé nhỏ. Cũng như mối tình của Rômêô và Julliet không chỉ là một câu chuyện tình bi ai ở Anh, ở Ý trong tác phẩm Sechxpia mà đó là giọt lệ đau đớn của nhà văn khóc cho vạn cuộc tình trên đời này, ở đâu đấy trên trái đất này có nhiều, rất nhiều cuộc tình bi thương như thế..

    Những nhân vật ấy theo thời gian cứ tồn tại mãi, bất tử trong tim độc giả. Con thoi thời gian cứ bay, không những lớp bụi thời gian không làm mờ đi những nhân vật đó, mà ngược lại các nhân vật ấy càng sáng hơn. Grăngđê của Banlzac, A. Q của Lỗ Tấn, Natasa Rostova của L. Tônxtoi, Xuân Tóc Đỏ, Nghị Hách của Vũ Trọng Phụng, Chí Phèo của Nam Cao.. mãi mãi trường tồn, vẫn đem lại giá trị nhận thức và sức truyền cảm cho nhiều thế hệ.

    Một lần nữa tôi xin mượn câu của Bêlinxki để kết lại vấn đề: "Tính điển hình là một trong những dấu hiệu của tính mới mẻ trong sáng tạo, hay nói đúng hơn là bản thân sức sáng tạo. Nếu có thể thì cũng nói rằng tính điển hình là huy chương của nhà văn.
    Điển hình là người lạ đã quen biết ".


    (Đây là một bài văn mình viết hồi đầu năm, mong là mình giúp được các bạn chút ít về tư liệu cho môn ngữ văn)
     
  2. Ánh Trăng Sáng Kei

    Bài viết:
    78
    Bài viết hay lắm. Thanks bạn^^
     
    Ưu Đàm Thanh Ti, mohhyThùy Minh thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...