Thành Ngữ Việt Nam

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Hoang0302, 24 Tháng hai 2020.

  1. Hoang0302

    Bài viết:
    163
    [​IMG]

    - Vì sao lại nói "bút sa gà chết"? "Bút sa" thì liên quan gì đến con gà?

    - Trong quyển "Đại Nam quốc âm tự vị", Huỳnh Tịnh Của giải thích "bút sa gà chết" nghĩa là: "Viết sai đi một chữ thì có tội vạ. Dân có việc kiện thưa, làm đơn trạng, thường phải chịu tiền cho đại thơ, kêu là tiền gà". (Đại thơ "có nghĩa là" (người) viết thay ").

    - Theo học giả An Chi, trong quyển" Từ điển thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam "của Việt Chương giải thích:" Đây là một hủ tục của thời xa xưa. Khi người dân đến cửa quan thì lúc nào cũng có khay trầu rượu và một con gà trống thì may ra mới mong được việc. Điều này đã giúp cho người trong cuộc có một ý nghĩa hài hước, cay đắng: Hễ ngòi bút của các quan ký xuống đơn từ là y như một con gà phải chết! Nghĩa bóng câu thành ngữ này cho rằng, khi đặt bút viết một câu gì thì ta phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những gì mình đã viết ra. Với lời nói suông thì còn có thể chối cãi được, nhưng chữ viết với nét mực rành rành thì ta còn chối cãi cách nào? ".

    - Căn cứ vào lời giải thích của Huỳnh Tịnh Của và Việt Chương, học giả An Chi tổng quát:" Thời xưa, con gà là lễ vật mà người dân thường dâng biếu cho quan để dễ được việc hoặc vật thù lao mà người không biết chữ dùng để trả công cho người viết thuê. Với thời gian, nhất là trong mối quan hệ giữa người thuê viết và người viết thuê, để cho tiện lợi, thay vì con gà bằng xương bằng thịt, người thuê sẽ trả cho người viết một món tiền ước tính (hoặc theo thỏa thuận) bằng giá thị trường của một con gà, gọi là tiền gà. Có lẽ câu "Bút sa, gà chết" bắt nguồn từ thực tế này."

    Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ

    Original photo by Edgar Moran on Unsplash
     
    LieuDuong, Sắc Hương HoaTânSinh27 thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
  3. Hoang0302

    Bài viết:
    163
    [​IMG]

    - Do đâu mà có thành ngữ "xất bất xang bang"?

    - "Xất bất xang bang" có xuất xứ từ thành ngữ "thất quốc tha bang" (tiếng Hán), nghĩa là mất nước về tay kẻ khác hay về tay một nước khác. Cụ thể: Thất = mất, quốc = nước, tha = người khác, bang = nước. Có thể quá trình biến âm trong dân gian đã chuyển hóa "thất quốc" thành "xất bất" (người miền Nam đọc là "xấc bất" hoặc "xấc bấc") và "tha bang" thành "xang bang".

    - Thành ngữ này về sau dùng để miêu tả những người lao đao, khổ sở khi lâm vào thế khốn cùng.

    Một ví dụ rất sinh động dùng từ xất bất xang bang là bài thơ "Vợ ốm" của Nguyễn Duy như sau:

    "Vừa một xuân lại một xuân/Vợ ơi đại hạn đã gần một năm/Một nhà là sáu mồm ăn/Một thi nhân hóa phăm phăm ngựa thồ/Cái lưng em sụm bất ngờ/Tứ chi anh, lõng thõng quơ rụng rời/Thông thường thượng giới rong chơi/Trần gian choang choác sự đời tùy em/Nghìn tay nghìn việc không tên/Mình em làm cõi bình yên nhẹ nhàng/Thình lình em ngã bệnh ngang/Phang anh xất bất xang bang sao đành/Cha con chúa Chổm loanh quanh/Anh như nguyên thủ tanh bành quốc gia/Việc thiên việc địa việc nhà/Một mình anh vãi cả ba linh hồn..".

    * * *

    Theo Chuyện Đông chuyện Tây, An Chi, NXB Trẻ, tập 3, 2005.

    Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ

    Original photo by Russ McCabe on Unsplash
     
    LieuDuong thích bài này.
  4. Hoang0302

    Bài viết:
    163
    [​IMG]

    - Mình hay nói "Chân nam đá chân chiêu" hoặc "Chân nam đá chân xiêu" để chỉ người đi loạng choạng, chân nọ đá chân kia, cách nói này có đúng không?

    - Câu trả lời là không. Câu thành ngữ đúng phải là "Chân ĐĂM đá chân CHIÊU". Cụ thể, "đăm chiêu" nghĩa là bên phải và bên trái. "Chân đăm đá chân chiêu" nghĩa là "chân phải đá chân trái".

    - Tương tự, suy nghĩ đăm chiêu là suy nghĩ phải trái, ý là suy đi nghĩ lại, đắn đo cân nhắc.

    * * *

    Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ

    Original photo by Frankie Sutera on Unplash
     
    Sắc Hương Hoa thích bài này.
  5. Hoang0302

    Bài viết:
    163
    [​IMG]

    - Bạn có thấy thành ngữ "tai vách mạch rừng" có gì đó sai sai không? Vách và rừng nghe chẳng liên quan gì nhau.

    - Thường thì, mình dùng thành ngữ này khi muốn nhắc nhở ai đó ăn nói cẩn thận, đừng nói lung tung, sẽ bị nghe lén. "Tai vách" thì dễ hiểu, ý nói có người đứng sau vách nghe bạn nói. Người ta vẫn nói "tường có tai" chính là như vậy.

    - Còn "mạch rừng"? Từ này, đúng ra phải là "mạch dừng", với "dừng" là nan để làm cốt vách, tức "dừng" là cái lõi của "vách". Tương tự, đúng ra phải nói "rút dây động dừng" chứ không phải "rút dây động rừng". Tuy nhiên, việc xây nhà bây giờ đã khác nên "dừng" trở nên vô nghĩa, "rừng" nghe hợp lý hơn vì ít nhất chúng ta còn hiểu rừng là cái gì.

    - Nói cho biết vậy thôi chứ dù sao ngôn ngữ sai nhiều thì thành đúng, mình cứ dùng "tai vách mạch rừng", "rút dây động rừng", đừng sửa thành "dừng" làm chi cho đỡ phản xã hội.

    (Theo "Từ điển Lê Văn Đức", 1970b, trang 309 và "Việt Nam Tự Điển", Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931, trang 504).

    * * *

    Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ

    Original photo by Teddy Kelley on Unsplash
     
    LieuDuongSắc Hương Hoa thích bài này.
  6. Hoang0302

    Bài viết:
    163
    [​IMG]

    - Do đâu mà có cách nói "cậu ấm cô chiêu"?

    - "Ấm" không liên quan gì đến cái ấm nấu nước. "Ấm" xưa là chức tước do triều đình ban cho con cháu các quan, gọi là lệ "tập ấm" 襲蔭. Con quan là "ấm tử", cháu quan là "ấm tôn", học trò quan khi đỗ đạt gọi là "ấm sinh".

    - "Chiêu" bắt nguồn từ "Chiêu văn quán", là tên gọi con các ông tiến sĩ thời Lê, vì con của các ông này được vào học ở Chiêu văn quán. Chiêu văn quán là gì? Triều Lê (đời Hồng Đức), đặt ra Sùng văn quán, con các quan từ Tam phẩm trở lên được tuyển vào Sùng văn quán. Sau đời Hồng Đức, Sùng văn quán 崇文館, đổi làm Chiêu văn quán 昭文館.

    - Nguyễn Du (con thứ bảy của tiến sĩ Nguyễn Nghiễm) thời đi học gọi là "cậu Bảy Chiêu"; Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (con thứ bảy của tiến sĩ Lê Hữu Mưu) cũng được gọi là "cậu Bảy Chiêu".

    - Cả "chiêu" và "ấm" thường được dùng để chỉ con trai, sau này chỉ con trai con gái nói chung. Ngày nay, "cậu ấm cô chiêu" được dùng để chỉ con cái các quan chức lãnh đạo, hoặc nhà giàu sang, quyền quý, có địa vị, tiếng tăm trong xã hội.

    (Theo Hoàng Tuấn Công, Người Lao Động, 2017).

    * * *

    Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ

    Original photo by Andrea Tummons on Unsplash
     
    LieuDuong thích bài này.
  7. Hoang0302

    Bài viết:
    163
    [​IMG]

    Khi ai đó giận dữ thì mình thường nói là "Nổi cơn tam bành", tam bành là gì?

    Theo thuyết Đạo gia, "tam bành", đúng ra phải là "Tam Bành" (viết hoa) là ba vị thần Bành Cư, Bành Chất và Bành Kiện. Ba vị thần này sống trong ba nơi sâu kín nhất của con người là đầu, bụng và tim. Ba vị này thường xúi giục con người giận dữ và làm điều ác.

    "Nổi cơn Tam Bành" lúc đầu mang nghĩa nổi giận nên làm điều ác. Nay thì chưa cần làm điều ác, chỉ cần giận dữ cũng có thể nói là "nổi cơn Tam Bành".

    Truyện Kiều có câu: "Mụ nghe nàng nói hay tình/Bây giờ mới nổi tam bành mụ lên." (đoạn Mã Giám Sinh đưa Kiều về lầu xanh gặp Tú Bà).

    * * *

    Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ

    Original photo by Andre Hunter on Unsplash
     
  8. Hoang0302

    Bài viết:
    163
    [​IMG]

    "Chín chữ cù lao" là một thành ngữ xuất phát từ Kinh Thi (một trong năm bộ sách kinh điển của Nho giáo). Cụ thể, chín chữ đó là:

    1- 生 Sinh là công sinh thành

    2- 麴 Cúc là nâng đỡ, đùm bọc

    3- 捬 Phủ là ôm ấp, vuốt ve, vỗ về

    4- 畜 Súc là bú mớm, cho ăn

    5- 長 Trưởng là nuôi lớn

    6- 育 Dục là dạy dỗ

    7- 顧 Cố là trông nom, dõi theo săn sóc

    8- 復 Phục là trở đi trở lại, ý chỉ cha mẹ không ngừng thương yêu, quan tâm chăm sóc uốn nắn

    9- 腹 Phúc là bao bọc, che chở (cả vật chất lẫn tinh thần).

    Chi tiết hơn nữa thì Kinh Thi viết: "Phụ hề #sinh ngã, mẫu hề #cúc ngã, #phủ ngã, #súc ngã, #trưởng ngã, #dục ngã, #cố ngã, #phục ngã, xuất nhập #phúc ngã, dục báo chi đức, hạo thiên võng cực", nghĩa là: "Cha sinh ra ta, mẹ nâng đỡ ta, vuốt ve ta, cho ta bú, nuôi ta khôn lớn, dạy bảo ta nên người, chăm lo ta, ôm ấp ta, ra vào để bảo vệ cho ta, muốn đáp trả ơn ấy, chỉ biết như bầu trời lồng lộng đến vô cùng". >> Câu này cho ra "chín chữ".

    Còn có một câu nữa là: "Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, Ai ai phụ mẫu, sinh ngã #cùlao. Dục báo thâm ân, hạo thiên võng cực", nghĩa là: "Cha sinh ta, mẹ nâng đỡ ta, Thương thay cha mẹ, sinh ra ta bao khó nhọc. Muốn đáp trả ơn sâu ấy, chỉ biết như bầu trời lồng lộng đến vô cùng". >> Câu này cho ra khái niệm "cù lao".

    * * *

    Nguồn: Ngày Ngày Viế Chữ

    Original photo by Rhendi Rukmana on Unsplash
     
  9. Hoang0302

    Bài viết:
    163
    [​IMG]

    Có bạn hỏi tụi mình chữ "mông" trong thành ngữ "đồng không mông quạnh" nghĩa là gì.

    Tụi mình tìm hiểu qua nhiều nguồn, thấy nhiều cách giải thích, nhưng cách giải thích hợp lí nhất có lẽ là:

    - "Mông" là tiếng Việt cổ, nghĩa là "bãi đất trống". Nghe nói ở miền Trung, vùng Nghệ Tĩnh vẫn còn dùng từ này trong phương ngữ.

    Đồng không mông quạnh nghĩa là cánh đồng trống trải bãi đất vắng vẻ, ý nói nơi hoang vắng buồn tẻ.

    * * *

    Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ

    Original photo by Yuriy Bogdanov on Unsplash
     
    Sắc Hương Hoa thích bài này.
  10. Hoang0302

    Bài viết:
    163
    [​IMG]

    Do đâu mà có cách nói "chân ướt chân ráo", kiểu "ngắm ảnh của hotgirl ABC thuở chân ướt chân ráo vào nghề", hay là "cô dâu chân ướt chân ráo về nhà chồng"?

    "Chân ướt chân ráo" đúng là xuất phát từ phong tục rước dâu ngày xưa. Khi cô dâu bước chân về nhà chồng, trước khi vào nhà cô dâu phải nhúng chân vào một chậu nước, trong chậu có bỏ mấy đồng tiền ý chúc tiền vào như nước. Sau đó, cô dâu còn phải bước qua một chậu than hồng để trừ tà ma.

    Sau này, thành ngữ này dùng để chỉ thời gian ban đầu, lúc còn chưa quen thân, xa lạ khi đến nơi nào đó hoặc bước vào một nghề nào đó.

    * * *

    Nguồn: Ngày Ngày viết Chữ

    Original photo by Petr Ovralov on Unsplash
     
  11. Hoang0302

    Bài viết:
    163
    [​IMG]

    Dân gian hay nói "nợ như chúa Chổm" để chỉ người nợ nần chồng chất. Thế Chúa Chổm là ai?

    Chúa Chổm là nhân vật có thật, tên là Lê Duy Ninh (cũng có chỗ ghi Lê Ninh), tức vua Lê Trang Tông nhà Lê Trung Hưng. Giai thoại kể ngày bé ông tên là Chổm, mẹ ông từng tình cờ được gặp vua Lê Chiêu Tông khi vua đang bị Mạc Đăng Dung giam lỏng, sau đó có mang Chổm.

    Chổm sinh ra lưu lạc trong dân gian, nhà nghèo, phải đi vay mượn mà sống. Khi nhà quân sự Nguyễn Kim khởi binh chống nhà Mạc thì tìm được Chổm nên lập làm vua.

    Sau này, khi vua Chổm trở lại kinh thành Thăng Long, đi qua làng cũ, một số người bán chịu cho ông ngày xưa xúm lại đòi tiền. Có nhiều người không phải là chủ nợ nhưng cũng đổ xô vào đòi. Nhà vua không nhớ mình nợ ai và cũng không biết làm sao trả hết nợ nên miễn thuế một năm cho dân cả làng để trừ.

    "Nợ như chúa Chổm" trở thành thành ngữ chỉ những người thiếu nợ nhiều. Tuy nhiên, giai thoại này không hoàn toàn chính xác trăm phần trăm vì vua Lê Trang Tông không khôi phục được kinh thành Thăng Long thì lấy đâu mà về.

    * * *

    Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ

    Original photo by Pina Messina on Unsplash
     
    Sắc Hương Hoa thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...