Review Phim Thánh Ca Tử Thần Có Phải Là Một Bộ Phim Cổ Súy Cho Người Thứ Ba?

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi An Nhiênn, 6 Tháng tám 2021.

  1. An Nhiênn

    Bài viết:
    2
    Thánh Ca Tử Thần Có Phải Là Một Bộ Phim Cổ Súy Cho Người Thứ Ba?

    Tên phim: Thánh ca tử thần (The Hymn Of Death)

    Kịch bản: Jo Soo-jin

    Đạo diễn: Park Soo-jin

    Diễn viên: Lee Jong-suk

    Shin Hye-sun

    Quốc gia: Hàn Quốc

    [​IMG]

    [​IMG]

    Khi tình cờ nhìn thấy bộ phim "Thánh ca tử thần" xuất hiện ở các diễn đàn trên mạng, mình nghe kẻ nói vào người nói ra, họ đau thương cho mối tình đau khổ của nam nữ chính nhưng cũng không khỏi trách móc bộ phim ca ngợi kẻ thứ ba. Mình quyết định xem phim vì thời lượng ngắn (6 tập – mỗi tập 25 phút) không tốn quá nhiều thời gian cày cho những người bận rộn. Bộ phim kết thúc trên màn hình, mình cảm thấy day dứt khó tả, lòng mình thắt nhẹ và chợt ngân lên trong đầu những câu hát:

    "Chỉ tại mình cãi số, yêu nhầm chỗ

    Ngoan cố dẫu bao giày vò

    Chẳng phải người sẽ ở cạnh nhau suốt đời.."

    Nhạc sĩ Vương Anh Tú từng viết những lời đau thấu tâm can người nghe như thế trong ca khúc "Thuận theo ý trời". Có lẽ những dòng này rất hợp với tình yêu của nam nữ chính mà phim truyền tải. Bộ phim sản xuất năm 2018 nhưng giờ đây chúng lội ngược dòng và xuất hiện trở lại trên các nền tảng mạng xã hội có lẽ là vì nỗi day dứt mà bộ phim mang lại vẫn không nguôi ngoai dù ở bối cảnh thời gian nào. Bộ phim nói về tình yêu đẹp trong trẻo cũng đầy ngang trái của nàng ca sĩ Soprano đầu tiên của Triều Tiên - Yoon Shim Deok và nhà viết kịch thiên tài Kim Woo Jin với bối cảnh thời Joseon năm 1920. Cô mang trên mình trọng trách nuôi cả gia đình với hoàn cảnh nghèo hèn cùng những người ba người mẹ thực dụng xem rằng việc con cái bất chấp nhân cách và lý tưởng để mang những đồng tiền rẻ mạt cho họ. Chàng Woo Jin đại tài thì phải trở thành một người con hiếu thảo, quản lý việc kinh doanh cùng khối tài sản đồ sộ mà người cha bảo thủ vạch ra sẵn từ việc kết hôn với một người chưa gặp lấy một lần cho đến việc cấm túc niềm khao khát văn chương của anh. Bối cảnh phim là thời Hàn Quốc bị Nhật chiếm đóng, hai tâm hồn của cô và anh là hai sợi dây đồng điệu liên kết không chỉ ở niềm đam mê nghệ thuật, tình yêu tươi ngọt mà cao cả nhất là lý tưởng yêu nước của họ. Woo Jin muốn mượn văn thơ hay những kịch bản của mình để góp sức vào cuộc chiến ngoài kia, một cuộc chiến đẫm máu mà bố anh lo sợ từng ngày. Shim Deok mang lời hát của mình để thổi hồn cách mạng được vững mạnh dù thù lao rất ít không đủ để cô có thể trang trải cuộc sống cho bố mẹ và cho hai em được du học. Cách mà Woo Jin sang Nhật du học là để né tránh bố, né tránh người vợ vốn đã không có cảm giác yêu thương và được tự do tung bay với những con chữ, những lý tưởng mà anh có thể góp cho thời cuộc. Ngay khi gặp Shim Doek, tình yêu của anh chảy tràn lòng ngực trái, nơi có những nỗi khoắc khoải, anh đối diện với người con gái đó nửa muốn níu nửa muốn dừng ở những tập đầu. Khoảnh khắc người vợ của anh, anh và cô gặp nhau, hai từ "Phu quân" được thốt ra từ người vợ khiến anh thắt lòng nhìn về phía người mình yêu, cô hiểu ánh mắt của anh và bỗng giây phút đó cô cảm giác mình thật sự thừa thãi, thật sự đáng xấu hổ khi ấp ủ tình yêu thầm kín này dù hai người chưa từng bộc lộ. Tình yêu lúc này với họ mà nói thật cao đẹp nhưng so với gia đình, so với định kiến xã hội thì chẳng là gì và khi chia tay nhau rồi họ sẽ tìm được những lý tưởng sống mới khi không còn nhau. Khoảnh khắc buông tay nhau, tờ báo về một vụ việc ngoại tình mà cặp đôi ấy đã tự vẫn lướt ngang qua đời họ như một điềm báo, một linh cảm cho câu chuyện buồn này. Mọi người xem phim bàn tán về họ, chỉ trích anh vì dù thế nào vẫn phải chịu trách nhiệm với cuộc hôn của chính mình. Nhưng ở đây, dường như tình yêu ngọt thắm này không chỉ là những rung động nhất thời mà là sự đồng điệu giữa hai tâm hồn, là ngọn lửa sống nhen nhóm trong con tim khắc nghiệt của họ . Anh không yêu cô chỉ vì cô đẹp hay ngoan hiền vì khi những tin đồn thất thiệt về cô bị tung ra thì chỉ có anh tin tưởng cô. Cô không yêu anh vì tiền vì dù gồng gánh cách mấy cũng không thể trang trải đủ cuộc sống của 5 con người trong ngôi nhà tù túng, cô vẫn không nhận tiền của anh dù chỉ một đồng. Rồi nhiều lần cách xa nhau, cô quyết định lấy chồng để hai em có thể được đi học, anh trở về quản lí công ty để thành con ngoan của bố nhưng vẫn một mực lạnh nhạt với người vợ - điều vốn dĩ trước giờ vẫn vậy. Chúng ta phải hiểu khúc mắc trong lòng anh bây giờ có khi việc đã kết hôn trên danh nghĩa này không còn quan trọng nữa mà bố anh mới là điều anh day dứt. Bộ phim cùng hai diễn viên chính vẽ rất chân thật những nội tâm day dứt của tình yêu này.

    [​IMG]

    [​IMG]

    Và cuối cùng họ quyết định đi đến cái chết cùng nhau.. mọi người nghĩ cái chết này là một cái chết ngu xuẩn vì tình yêu, chỉ vì hai chữ tình yêu mà họ chôn vùi hai cuộc đời, một cuộc tự tử đầy rẫy tội lỗi và ích kỉ. Cho đến thời buổi hiện đại còn dậy sóng và chỉ trích họ thì thử hỏi những định kiến lúc xưa còn gay gắt chà đạp tâm hồn con người như thế nào?
    Họ không chết chỉ vì tình yêu mà tình yêu nguyện chết đi cùng họ . Người bố anh yêu quý – người thân duy nhất trên trần đời đốt hết sách vở ép buộc anh với những cuộc họp, tâm hồn anh như chết đi với đống chữ trong mớ tàn tro. Hai đứa em cô yêu quý cho rằng cô bán thân kiếm tiền, xã hội lên án khinh rẻ nhân cách cô, tướng Nhật bắt ép cô biểu diễn trước mặt họ nếu không tính mạng cả gia đình cô sẽ nguy hiểm. Nếu cả hai tiếp tục những nghịch cảnh trên, tâm hồn họ sẽ chết đi vĩnh viễn, lòng yêu nước của họ sẽ bị vấy bẩn. Vì giữ trọn sự trong veo của lòng yêu nước, vì lý tưởng nghệ thuật và vì tình yêu của chính bản thân mình, họ nguyện "được" chết. Trên "con tàu đi đến cái chết", họ bình thản thậm chí như được sống dậy sau một quãng đời "chết lụi" đi, họ dùng bút pháp của mình để bước lên con tàu khẳng định Kim Woo Jin và Yoon Shim Deok đã chết từ rất lâu, từ giờ Kim Soosan và Yoon Soosun sẽ "sống mãi". Không ai có thể nghĩ những hình ảnh hạnh phúc đó lại là của hai con người đang tìm đến cái chết. Đối với những người chứng kiến, đó là chết đi nhưng đối với họ thì đây là sự hồi sinh, đây là con đường đi đến sự sống.

    Về khía cạnh người vợ, một người phụ nữ truyền thống thời Joseon, cô nhỏ nhẹ hiền lành và ấm áp, một người phụ nữ đúng mực cho cuộc hôn nhân chính trị nhưng cô lại đáng thương hơn Shim Doek rất nhiều. Cô không phải đối diện với những khắc nghiệt của xã hội hay sự vùi dập của cuộc đời bươn chải nhưng cái sự tù túng ngột ngạt mà cô đối diện còn đau khổ hơn rất nhiều. Cô cũng như chồng mình nhưng không mang đủ can đảm để thoát ra khỏi được hoàn cảnh này. Chấp nhận kết hôn với một người mình chưa từng gặp mặt và sống trong cuộc hôn nhân chính trị đấy một cách ngột ngạt cùng sự lãnh cảm của chồng mà chính cô cũng chỉ cố gắng hàng ngày làm tròn bổn phận người vợ người con dâu lúc bấy giờ. Rồi khi anh chết đi, bộ phim kết thúc để lại những suy nghĩ cho người xem và để lại những nút thắt nghẹn ngào cho người vợ. Với xã hội lúc này, cô sẽ phải sống tiếp cuộc đời của một người phụ nữ góa bụa không thể sống thật với chính mình, sẽ như một đóa hoa chưa nở đã phải tàn phai một đời. Ít ra Shim Doeak còn được sống vì tình yêu của chính mình và ra đi cùng lý tưởng hạnh phúc đó. Cũng có thể chính cô sau cái chết cảnh tỉnh của chồng sẽ vực dậy sống lại trái tim mình và sống một cuộc đời của chính mình.

    [​IMG]

    Bộ phim truyền tải những thông điệp nhân văn, những bài học giá trị của những con người khao khát được sống vì chính bản thân mình, khao khát được hạnh phúc được tự do giữa thời kì chiến tranh phong kiến. Tất cả khắc họa lên bức tranh thời cuộc cho những mảnh đời lúc bấy giờ chứ không phải cổ súy cho một hiện trạng như thực tại của chúng ta. Hãy đặt cái nhìn cảm thông cho tất cả nhân vật và nhìn nhận những khía cạnh của yêu thương, tất cả đều đáng thương và đáng ngẫm.

    - An Nhiên-
     
    taodi thích bài này.
    Last edited by a moderator: 6 Tháng tám 2021
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...