Tự Truyện Tết Xa Nhà, Nhưng Vẫn Chẳng Xa! - No Ha Na

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi No Ha Na, 25 Tháng một 2019.

  1. No Ha Na

    Bài viết:
    6
    Tết xa nhà, nơi đâu cũng là nhà.

    Tác giả: No Ha Na

    Trở thành một du học sinh là mơ ước của biết bao nhiêu học sinh, sinh viên. Vì trong tưởng tượng của mọi người, đi du học chính là con đường mới, mở ra cánh cửa mới. Du học đến những miền đất khác, được đi nhiều nơi đẹp đẽ. Nhưng có ai biết rằng sau khi mở ra cánh cửa tương lai trong hành trình du học, chúng ta phải gặp biết bao nhiêu chuyện buồn vui khổ cực đủ loại cùng đan xen.

    Tôi cũng là một du học sinh. Tôi cũng từng có những ảo tưởng hão huyền về một tương lai rạng rỡ tươi sáng bên nước bạn. Nhưng sự thật lại không như vậy. Khi bắt đầu bước lên máy bay tôi đã phải cố không quay đầu lại nhìn người thân trong gia đình tiễn tôi đi du học. Kìm nén những giọt nước mắt không rơi để tới khi máy bay bắt đầu cất cánh, tôi lại cố nhoài người ra cửa sổ nhìn cha mẹ của mình qua ô cửa xa vời. Nhìn đến khi không còn thấy bóng họ, chỉ thấy những tảng mây trôi lững lờ như trêu đùa với hai hàng nước mắt tôi đang lăn xuống. Tôi bắt đầu cảm thấy nuối tiếc khi không quay lại nhìn họ một lần nữa.

    Tôi mang cảm giác nuối tiếc đó đến một đất nước xa lạ. Đó không phải là nơi tôi sinh ra, là nơi không có những người yêu thương tôi vô điều kiện, là nơi tôi không thể thoải mái tung tăng như ở nhà. Nơi đó tôi phải nói một thứ tiếng khác không phải tiếng mẹ đẻ thân thương, mà tiếng này ở quê tôi người ta gọi là tiếng tây tiếng tàu. Tuy tôi rất rành về ngôn ngữ này, nhưng cũng có lúc tôi cảm thấy chán nản và mệt mỏi vì chẳng tìm được người có tiếng nói chung với mình. Đó là một áp lực.

    Tôi ở cùng phòng với năm người bạn gái nữa. Họ thật xinh đẹp và cởi mở hòa đồng. Tôi nghĩ họ là những tiểu thư con nhà giàu chăng, họ là người dân bản địa chăng, họ là người có thành tích vượt xa tôi chăng? Những câu hỏi cứ quanh quẩn trong đầu và tôi trở nên gò bó ít tiếp xúc với họ.

    Tôi dần mất tinh thần nhưng mỗi khi bố mẹ gọi đến, tôi lại phải giả bộ là sống tốt lắm, tôi đã nói dối để bố mẹ yên lòng. Vì tôi biết nếu tôi mà có chuyện gì xảy ra đến tai bố mẹ, hai người họ cũng chẳng quản ngại đường xá xa xôi để đưa tôi về.

    Áp lực học hành và nỗi nhớ gia đình tích tụ dài lâu khiến tôi cũng phải suy sụp sau ba tháng du học. Hôm đó tôi sốt cao lắm, gần 40 độ C. May thay có các bạn cũng phòng tôi phát hiện kịp thời và đưa tôi đi bệnh viện. Tôi hôn mê nửa ngày mới tỉnh. Ngồi dậy, miệng khô khốc, nhìn các bạn cùng phòng đã chăm sóc mình suốt nửa ngày qua, tôi mở miệng:

    - Cảm ơn các cậu!

    Nói xong tôi mới biết mình lỡ lời, tôi sửa lại:

    - Thank you very much!

    Có một bạn trả lời:

    - Cùng là người Việt với nhau, sao phải nói tiếng anh tiếng em gì chứ. Cậu nha, giấu kĩ thế, bọn tớ lúc đầu còn tưởng cậu là người anh chính hiệu cơ. Gì mà cả ngày chẳng nói một câu, làm người ta cứ tưởng cậu kiêu hoài à!

    Tôi ngỡ ngàng, thì ra các cậu ấy cũng là người Việt du học sinh như tôi. Các cậu ấy kể là đến trước tôi nửa kì học. Và sự nhút nhát rụt rè của tôi lại khiến họ hiểu nhầm thành tôi kiêu kì rồi. Nhưng tôi vẫn không hiểu sao các cậu ấy lại biết tôi là người Việt, tôi bèn hỏi, các cậu ấy đáp lại:

    - Cậu nhập viện thì phải xuất thẻ căn cước công dân chứ. Quốc tịch cậu là Việt Nam thì làm sao là người anh được. Với lại trong lúc bọn tớ tìm thẻ căn cước cho cậu thì có thấy hộ chiếu, cậu xuất cảnh có một lần sang đây thì làm sao là người Việt kiều được, đúng không nào?

    À thì ra vậy, tôi quên mất, lỡ buột miệng;

    - Tớ già rồi nên lẩm cẩm ấy mà, chán ghê nha!

    Tôi không nhận ra rằng mình đã thân nhau từ bao giờ, nhìn nét mặt các bạn ai cũng vui cười rạng rỡ nhưng có ai biết họ cũng từng trải qua quãng thời gian gian khổ và trống vắng như tôi. Chúng tôi thân nhau từ đó. Tôi không còn thấy tiêu cực như trước, du học khiến chúng tôi gần gũi và chia sẻ thân thiết hơn. Tôi cảm thấy rằng dù ở nơi đâu cũng luôn có những người yêu thương chăm sóc tôi như các bạn vậy. Nó còn giúp tôi tăng thêm tình yêu thương với tổ quốc đồng bào.

    Có một hôm tôi đang ngồi thơ thẩn nhớ về những ngày tết khi còn ở nhà, không biết lúc đó bố mẹ có buồn không khi ngày tết tưng bừng đó lại thiếu đi sự pha trò nghịch ngợm của tôi. Bạn cùng phòng tôi hỏi:

    - Cậu đang nghĩ gì vậy, trông mà thơ thơ thẩn ngơ ngác thế kia?

    - Tớ đang nghĩ về tết năm nay đây. Chẳng biết tết năm nay có vui không nữa?

    - Lo gì, chúng ta cùng nhau làm tết.

    Thế là khi tết đến, chúng tôi lại cùng nhau đi mua đồ về làm món tết. Tôi cùng các bạn đi mua thứ lá xanh to để làm lá gói bánh chưng vì ở đó không có lá dong truyền thống, người cắt thịt, người trộn tiêu, người vo gạo thổi đậu, người chẻ lạt gói bánh, và chúng tôi còn mua đủ mọi thứ đồ để làm đĩa thịt giò nữa, thật vui vẻ biết bao. Tuy không khéo léo nhưng mỗi đứa một tay, chúng tôi đã có những ngày tết xa xứ thật ấm áp mà chẳng thiếu tình thân thương. Rồi chúng tôi lại quây quần bên nồi đun bánh chưng sôi sùng sục, kể cho nhau nghe những câu chuyện về nhau thời xưa cũ. Chúng tôi lại nói bằng ngôn ngữ ở nơi tôi sinh ra, là loại ngôn ngữ mà nơi đây gọi là tiếng đông tiếng á.

    Tôi nhận ra rằng trên thế giới này nơi đâu cũng là nhà, chỉ cần chúng ta hướng về tổ quốc của chúng ta, như tôi và bạn của mình, thì tết xa nhà nhưng vẫn thấy chẳng xa.

    The end.​
     
    Hoàn Trần thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng một 2019
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...