Tâm sự Tết có mùi hương - Tết trong kí ức

Thảo luận trong 'Góc Chia Sẻ' bắt đầu bởi Nhi Bình, 28 Tháng mười hai 2018.

  1. Nhi Bình

    Bài viết:
    38
    Tết có mùi hương – Tết trong kí ức

    "Tết" – một thứ gì đó xa xăm trong nồi bánh trưng bốc khói nghi ngút, trong tiếng nô đùa náo nức con trẻ, trong những mầm non đâm chồi trên cành hồng khẳng khiu tưởng chết khô, trong cái không khí lành lạnh thanh thanh của tiết trời đầu xuân và trong ánh nhìn xa xăm của những con người đã lớn.

    Tôi gọi đó là hương vị "Tết", đối với tôi tất cả mọi thời điểm trên cuộc đời này đều có một mùi hương khác biệt. Còn nhớ mùi của tiết xuân chớm trên những cung đường của chiếc xe đạp cút kít mà tôi cong mông đạp, con đường đến trường ngập tràn lòng hân hoan. Mái tóc dài truyền thống của tôi cứ bay bay lòa xòa theo những cơn gió nhẹ, thấm vào da thịt một mùi âm ẩm. Khi đó học sinh nghỉ Tết muộn lắm, phải đến tận hai sáu, hai bảy âm lịch. Có lẽ vì thế tôi thấy đoạn đường dài đẵng đẵng thường ngày sao ngắn đến kì lạ, cái mũi đỏ ửng cứ hít hà một bụng vui tươi.

    Mùi hương luôn tồn tại trong căn nhà gỗ xập sệ vài gian đó, thẻ hương âm thầm cháy tỏa ra mùi nhè nhẹ chiếm cứ không gian. Khói một tầng bay lên rồi lan rộng ra nhuộm đen cái trần nhà cói nâu. Một mảng đen in lên đó như thể nó được tích tụ rất rất lâu rồi. Không chỉ ở trong nhà ngoài ngõ mà đâu đâu cũng thoang thoảng mùi hương trầm, thơm đặc biệt. Tôi nghĩ trời đất đã đóng dấu điểm chỉ, hai hương vị đó phải quyện vào nhau. Chắc chắn là như vậy, Tết là phải có hương trầm và mưa phùn, gió lạnh..


    Có nhiều em bé đã hạnh phúc như thế.

    Chúng tôi không phải là những đứa trẻ thành thị, vậy nên sẽ không được ngồi bấm máy điện thoại chơi game hay nghe nhạc, xem hài.. Tôi chỉ nhớ bài hát trong chiếc tivi đen trắng, nhỏ xíu vẫn hay phát bài "Ngày tết quê em" "Tết tết tết tết đến rồi.." âm thanh đó hay đến nhường nào chứ, hay đến mức nghĩ lại thèm phát khóc. Hồi đó còn nhỏ chỉ hát theo được một đoạn có một tràng dài toàn chữ "Tết" mà hát mãi. Góc sân nhỏ một đám trẻ con chơi những trò chơi con nít cười đùa rộn ràng trong tiếng hò reo "Tết.. đến rồi". Cả thế giới của chúng tôi thật nhỏ bé, như chính tập thơ "Góc sân và khoảng trời" của nhà thơ Trần Đăng Khoa nhưng đặc biệt rực rỡ.


    Nhà nghèo, đến tết sẽ được ba mẹ sắm đồ mới cho. Đó là điều chúng tôi mong chờ nhất, điều gì khó khăn cũng sẽ được cái kết ngọt ngào. Bây giờ nghĩ lại những bộ quần áo đó xấu xí, rẻ tiền đó đã là thứ quý giá chỉ ngày mùng một đi chúc tết mới được mặc. Thế mà thử riết từ khi bố mẹ đưa cho, không nỡ xa rời. Có năm bố mẹ làm ăn cũng khá, cùng nhau lên tỉnh mang về cơ man quần áo dày dép mới, đó là năm tôi hạnh phúc nhất. Đến tận bây giờ vẫn in hằn hình dáng của những món đồ đó, mỗi lần như vậy chỉ biết mỉm cười.

    "Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà" ai cũng biết đặc trưng Tết cổ truyền Việt Nam là thịt muối dưa hành câu đối đỏ ngàn đời nay vẫn thế. Có điều câu đối đỏ đã mất đi từ rất lâu về trước chỉ còn lại những món ăn ngày tết là không bao giờ mất đi. Thời tôi nhỏ xíu sẽ không có chuyện mổ lợn để ăn tết, tủ lạnh cũng không có để chứa đồ. Vài cân thịt lợn sẽ ấm no cả nhà trong mấy ngày tết. Nhà nào khó khăn còn lo lắng người ta gõ cửa đòi nợ, nói chi đến miếng ăn. Tiếng băm chặt lạch cạch, vại dưa vừa muối xong khiến trẻ con náo nức không thôi, vì vậy vui vẻ chạy đi chạy lại làm chân sai vặt cho người lớn. Chúng cũng không hề hay biết bản thân không cau có mỗi khi mẹ bảo đi mua cái này cái kia. Thậm chí đếm ngày để được ngồi xé lạt cho ông ngồi gói những cái bánh trưng vuông vức, bà gói cái bánh như khúc giò bị quấn chằng chịt.

    Được lì xì là hạnh phúc nhất. Tôi vẫn luôn ghen tị với các bạn vì tôi thường được lì xì ít hơn. Và chưa bao giờ tôi dám nói ra hoặc nói thật số tiền mình nhận được. Ước gì tôi hiểu được ý nghĩa của việc lì xì, để mọi thứ dễ dàng hơn. Nhưng như vậy mới là trẻ con, tiền nhiều vẫn vui vẻ hơn chứ nhỉ. Mọi người đều không có nhiều tiền để đưa cho con trẻ, có đã là rất tốt rồi. Các cô bác, chú gì cũng nghèo như chúng tôi, miếng ăn lo qua ngày. Số tiền đó tôi sẽ đưa hết cho mẹ, một nửa là tự nguyện. Mẹ thường dỗ ngọt để tôi tình nguyện hiến dâng như vậy đó "Con không biết tiêu tiền đâu.. bla bla". Nhưng năm nào tôi cũng được Nội lì xì, đó là điều làm tôi thấy vui vẻ nhất. "Mong Nội sống thật lâu để tôi nhận được lì xì mãi". Tôi đã từng có ước muốn nhỏ nhoi như vậy. Thực sự nhỏ bé sao?

    Tết hồi nhỏ thật thích. Mọi thứ đổi thay, có nhiều thứ không thể quay trở lại. Lớn rồi Tết không thể có được những niềm vui con trẻ đó, xa xỉ và xa xỉ. Dù căn nhà gỗ kia được thay thế bằng một căn biệt thự kiên cố hay bữa cỗ tết thịnh soạn đầy sắc màu thì mãi mãi sẽ không còn như vậy nữa. Tôi tin rằng hạnh phúc không quyết định ở việc bạn có bao nhiêu tiền, hoặc có địa vị thế nào trong xã hội. Hạnh phúc là những thứ bình thường dung dị trong cuộc sống, là những giá trị cảm xúc tinh thần ta có được từ một điều gì đó.

    Tôi không dám khẳng định các trẻ em hiện nay có hạnh phúc không, tôi khẳng định tôi của ngày xưa vô cùng hạnh phúc. Nếu bạn ăn một chén tuổi thơ rực rỡ, bạn sẽ chết chìm trong đó. Mong rằng các bé luôn luôn có những cái tết thật ngọt ngào.

    Nhi Bình
     
    Gi Gi, Như Đam, Tinh Tổng1 người nữa thích bài này.
    Last edited by a moderator: 13 Tháng chín 2020
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...