Không biết có nơi nào mà cây hoa gạo nhiều như quẻ hương tôi không nhỉ? Cây nào cây nấy khoảng chừng năm, sáu đứa trẻ chúng tôi vòng tay ôm. Khi chúng tôi lớn lên thì những cây gạo ấy đã cao sừng sững rồi. Hình như theo các cụ cao niên kể lại thì những cây gạo đó có từ thời còn địa chủ cai quản thuở đã rất xa xưa. Cứ hễ tháng ba về là hoa gạo trên cây đưa nhau nở. Hình ảnh những bông hoa gạo như những chiếc lồng đèn lung linh trong nắng gợi cho tuổi thơ của tôi ùa về như một kỉ niệm khó quên. Tuổi thơ của tôi như một giấc ngủ trưa vụt bay rồi mất hẳn nhưng chứa đựng bao nhiêu kí ức trong tôi, nhất là tháng ba về. Cứ vào độ này, cây gạo khắp làng quê xa gần đua nhau khoe sắc trong cái nắng ấm tiết trời xuân. Từ những búp nụ xanh lủng lẳng trên cành cây cao dần dần bung hoa đỏ rực. Chim chóc ở đâu kéo về huyên náo làm cho chúng tôi cũng tràn đầy niềm vui sắp được nghỉ hè. Hoa gạo dâng tràn trong miền kí ức của lũ trẻ chúng tôi. Nó mang đậm cái chất miền quê nông thôn miền Bắc đầy khắc nghiệt của thời tiết 4 mùa. Chúng tôi lớn lên cũng từ kỉ niệm của cây gạo đầu làng. Chẳng biết có phải như một điều gì khó tả hay linh thiêng gì mà cứ hễ đi ngang qua các cây gạo khổng lồ đầu mỗi làng là ai cũng phải ngẩng đầu ngắm nhìn một hồi lâu rồi mới rảo bước! Lúc còn bé, bà tôi thường hay hù dọa chúng tôi khi ai đó cất tiếng khóc "im nào, không bà cho ra gốc cây gạo đầu làng đấy!" Bỗng dưng nỗi sợ của trẻ con tan mất. À tôi nhớ rồi! Người lớn hay dọa chúng tôi "Thần cây đa, ma cây gạo", Cây gạo cao lắm. Bọn trẻ chúng tôi không thể trèo lên đó được. Túm năm tụm bảy dưới gốc cây lấy cành cây, đá, dép ném thật mạnh lên cao rồi như "Chó táp phải ruồi" trúng thì hoa gạo rụng xuống. Đứa nào đứa nấy ùa vào tranh nhau la chí chóe "của tao, của tao, tao ném được" rồi có khi những chiếc dép vô tri kia vướng vào cành cây gạo nằm luôn trên đó. Tối về nhà, mẹ cha tặng cho một trận đòn no nê. Nhưng cũng chẳng chừa, ngày mai phục thù rủ nhau đi ném hoa gạo nhưng chủ yếu tiện thể lấy lại chiếc dép bị vương trên cành cây. Quần áo xộc xệch ống cao, ống thấp lê về nhà núp vào xó cửa, mẹ hỏi ra mới biết quần rách lên tới đũng quần lại được một trận đòn vì tốn kim, tốn chỉ (Ngày trước kim, chỉ phải phân phối). Thời gian thấm thoắt trôi như chẳng đợi chờ ai. Tuổi thơ ở lại không sao quẻn được giấu trong trí nhớ mỗi người. Những cây hoa gạo cứ thế gắn liền với nhiều thế hệ dù có đi đâu xa nhắc tới là biết ngay quê hương thân yêu.. in hằn nhiều kỉ niệm. Và kí ức về hoa gạo lại lần về tuổi thơ đầy ắp nghĩa tình làng quê, lối xóm với niềm chung vui cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Quê tôi giờ đây có nhiều thay đổi, lũy tre bao bọc làng tôi ở mỗi con mương nay bị hạ xuống để nhường lại đường bê tông, nhà mái ngói đỏ thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng kiên cố, và nơi những cây gạo xưa là người dân ở ken nhau. Mỗi lần dạo bước qua đó, tôi lại chợt thấy hình ảnh hoa gạo thấp thoáng đâu đây.. Bài của Phùng Văn Định