Review Truyện Tận Cùng Là Cái Chết - Agatha Christie

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Linda Yến, 2 Tháng một 2020.

  1. Linda Yến Đại cát đại lợi!

    Bài viết:
    139
    Tận cùng là cái chết, một tác phẩm mang màu sắc độc đáo trong bộ sưu tập các kiệt tác của nữ hoàng trinh thám Agatha Christie. Tác phẩm đã xới tung từng góc khuất trong mỗi "cá thể người", đặt ra câu hỏi: Chân thật, lương thiện hay ích kỷ, đáng sợ mới là bản chất thật của con người.

    Bối cảnh mới lạ về một Ai Cập cổ xưa, huyền bí.

    Điểm hấp dẫn đầu tiên của truyện là bối cảnh mới lạ không theo môtip thường thấy trong những tiểu thuyết khác của Agatha Christie thường miêu tả cuộc sống ở Châu Âu gắn liền với ngài thám tử thiên tài có bộ râu độc đáo Poirot. "Tận cùng là cái chết" đưa độc giả đến với Ai Cập những năm 2000 trước công nguyên, bên cạnh con sông Nile hùng vĩ, những cánh đồng rượu vang, lúa mì trù phú dọc hai bên bờ sông, tìm hiểu sinh hoạt thường nhật của đại gia đình quan tư tế Imhotep hùng mạnh, chủ nhân của những thuyền buôn đầy ắp hàng hóa xuôi ngược khắp lưu vực sông Nile.

    Truyện viết xuyên suốt, liền lạc như mạch chảy của con sông Nile qua các mùa trong năm với cốt truyện tương ứng với ba mùa chính tại Ai Cập cổ đại: Mùa lũ, mùa đông (mùa trồng trọt) và mùa hạ (mùa thu hoạch). Cái tài tình trong bút pháp của Agatha là sự hợp lý hóa không gian và thời gian, bất kể bối cảnh câu chuyện tại miền quê châu Âu bình dị, trong căn nhà nghỉ trên đỉnh núi tuyết hoang vu cho đến Ai Cập cổ đại đều được miêu tả chân thực, sống động, tạo nên phông nền hoàn hảo cho tấn thảm kịch sắp diễn ra.

    Tuy không phải tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nữ văn sĩ nhưng "Tận cùng là cái chết" vẽ nên một câu chuyện mang đậm màu sắc tâm linh, huyền bí diễn ra bên cạnh dòng sông thiêng hùng vĩ sẽ thỏa mãn độc giả yêu thích thể loại trinh thám, phiêu lưu, thích tìm hiểu về mảnh đất của Pharaoh và các vị thần.

    Mọi thứ đều hoàn hảo cho đến khi nhân tố mới xuất hiện.

    Nofret là cô gái trẻ xinh đẹp và có thừa thông minh, cô được vô số chàng trai tôn thờ, nhưng bất hạnh thay, người cô yêu lại không đáp lại. Bị từ chối trong tình yêu khiến Nofret trở thành một kẻ ôm lòng thù hận cuộc sống, để trả thù cuộc đời đã đối xử bất công với mình, cô chấp nhận làm vợ lẽ của ông già Imhotep, lấy việc chia rẽ gia đình đang được bao bọc trong nhung lụa, trên đỉnh tột cùng của sự giàu sang làm trò tiêu khiển.

    Được miêu tả là một nhân vật phản diện đặc trưng với vẻ đẹp của một vị nữ thần nhưng tính tình cay độc khó lường, Nofret, cô vợ lẽ của quan tư tế Imhotep là khởi nguồn tấn bi kịch của cả gia đình ông. Các thành viên trong gia đình Imhotep xem Nofret như con rắn độc tàn phá thành quả mà họ vất vả gây dựng được, nhưng thực tế chính người ngoài cuộc như Nofret và bà già mù Esa, mẹ của Imhotep lại là người nhìn thấu được con sóng ngầm bên dưới đế chế Imhotep. Lớp vỏ giàu có, phân cấp chặt chẽ tưởng như sợi dây liên kết không thể tách rời giữa các thành viên trong đại gia đình Imhotep chỉ là sự ngộ nhận. Như chính bà lão Esa lo sợ, cái ung nhọt không từ bên ngoài đến mà nảy sinh từ chính bên trong, nơi không ai có thể ngờ đến.

    Nếu khi còn sống Nofret khơi gợi nỗi đố kỵ, ghen ghét thì khi chết, cô trở thành lời nguyền chết chóc gieo rắc nỗi kinh hoàng đeo bám các thành viên nhà Imhotep. Tất cả chuỗi bi kịch đều được đổ lên đầu Nofret nhưng họ quên mất một điều lời nguyền của kẻ đã chết không đáng sợ bằng tâm địa của người sống.

    Tận cùng của sự ích kỷ là tội ác không có điểm dừng

    Đặc sản của tác giả Agatha Christie là lối dẫn dắt truyện tài tình với nhiều chi tiết hấp dẫn và cái kết bất ngờ theo môtip kẻ ít bị tình nghi nhất rất có thể là thủ phạm. Nguồn gốc tội ác trong những tiểu thuyết của nữ văn sĩ thường xoay quanh hai nguyên nhân chính: Tiền bạc và tình yêu, "Tận cùng là cái chết" cũng không ngoại lệ. Khối tài sản kếch xù với các vườn nho, ruộng lúa mỳ, đội tàu buôn và những mối làm ăn ngày càng phát triển của Imhotep là miếng mồi nhử hấp dẫn đủ sức khơi gợi những bản tính xấu xa nhất trong mỗi con người. Không những thế, với tính cách độc đoán, gia trưởng của mình, Imhotep đã vô tình tạo ra mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng tội ác.

    Trong đại gia đình quan tư tế tất cả mọi thành viên đều mang bí mật riêng mà ngay cả vợ, chồng thân thuộc cũng không thể khám phá ra. Mỗi người như một diễn viên đeo chiếc mặt nạ người khác mong muốn để che giấu bản chất của mình, để có thể cùng nhau chung sống dưới một mái nhà. Người ích kỷ nhất chính là người chủ gia đình Imhotep, một kẻ bá vương, độc tài, luôn coi những đứa con của mình như nô lệ để ban phát ân huệ, ông ta luôn nghĩ "Chính vì chúng mà ta làm việc không nghỉ. Đôi khi ta tự hỏi chúng có nhận thức được chúng mang ơn ta như thế nào không?" Sự độc tài đã khiến những đứa con của ông ta đề phòng, ngấm ngầm đấu đá lẫn nhau để giành giật lợi ích cho bản thân, với hy vọng thoát khỏi sự điều khiển, kìm kẹp của cha mình.

    Imhotep có thể là con người quyền lực, mưu trí trong các mối làm ăn, xây dựng được đế chế buôn bán phát đạt dọc sông Nile nhưng ông lại là kẻ thất bại trong việc điều hành chính gia đình của mình. Vẻ tôn sùng, kính sợ của những người con, người hầu trong gia đình chỉ để che đậy mầm mống nổi loạn, bất mãn sâu trong họ, như chính Renisenb người con gái hiền dịu được ông yêu quý nhất cũng đã có lúc nảy ra suy nghĩ: "Có phải ông đã còm cõi lại? Hay trí nhớ của nàng là sai lầm? Nàng luôn nghĩ người cha là một người khá oai vệ, độc tài, khá huyên náo, khuyến khích người khác làm điều này, điều nọ và đôi khi ông làm nàng phải cười ngầm. Nhưng thế nào đi nữa, ông là một nhân vật quan trọng. Thế nhưng giờ đây trước mắt nàng là một ông già nhỏ bé, rắn chắc, đầy vẻ trịnh trọng, tuy nhiên, không thể gây một ấn tượng gì cho người khác. Có gì sai trong nàng đây? Sao lại có tư tưởng bất trung như thế trong đầu nàng".

    Khi Imhotep ngày càng già yếu, những đứa con trai mà ông coi thường trước kia sẽ trỗi dậy như một điều tất yếu tre già măng mọc. Nhưng có lẽ sự kiêu ngạo, ích kỷ đã che mờ sự khôn ngoan sáng suốt của một con người một thời lẫy lừng, xây dựng nên cả một đế chế kinh doanh trải dài từ thượng nguồn đến hạ lưu sông Nile. Người Ai Cập có câu ngạn ngữ "giống như gió lốc xé nát cây và hủy hoại gương mặt của thiên nhiên trong cơn thịnh nộ, hay giống như động đất lật đổ cả thành phố khi rung chuyển, cơn thịnh nộ của một người sẽ gây ra sự tàn phá quanh anh ta", đúng lúc Imhotep dẫn người vợ kế trẻ đẹp về nhà cũng là lúc ông khơi lên cơn thịnh nộ âm ỉ bấy lâu, tự tay hủy hoại ngôi nhà pha lê nhìn đẹp đẽ nhưng có thể vỡ tan bất cứ lúc nào.

    "Tận cùng là cái chết" không có sự xuất hiện của vị thám tử người Bỉ lừng danh Hercule Poirot hay bà cô Marple tinh quái, nhưng bù lại bối cảnh mới lạ về vùng đất Ai Cập cổ huyền bí khiến cho tác phẩm có nét độc đáo cuốn hút riêng. Dù với bối cảnh, cốt truyện như thế nào đi nữa thì Agatha vẫn luôn biết cách khiến độc giả phải bùng nổ khi đọc đến trang cuối cùng và "Tận cùng là cái chết" cũng không phải ngoại lệ..

    [​IMG]
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...