Tam tòng tứ đức là gì? Phụ nữ hiện đại có cần tuân thủ không?

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Nhật Thiên Thanh, 7 Tháng hai 2020.

  1. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    179
    Chào các bạn, khi các bạn xem phim cổ trang, kiếm hiệp, hay đọc những câu truyện phong kiến ngày xưa, bạn vẫn thường hay nghe đến câu: "Tam Tòng - Tứ Đức" đúng không nè? Chắc cũng không quá xa lạ với mọi người. Nhưng chúng ta đã thật sự hiểu hết nghĩa của câu nói đó chưa nhỉ? Cùng mình tìm hiểu lại lần nữa nha.

    Tam Tòng Là Gì: (Tiếng Trung Quốc: 三從 )

    [​IMG]

    1. Theo nghĩa Hán - Việt:

    Tam: là ba

    Tòng: là theo, đi theo, tuân theo, nghe theo.

    Hiểu đơn giản nhất, thì Tam Tòng là ba nguyên tắc của giáo lý phong kiến Trung Quốc bắt người phụ nữ phải tuân thủ, cụ thể là:

    +Tại gia tòng phụ (在家从父 zài jiā cóng fù) : Ở nhà thì phải nghe lời cha. Trong xã hội xưa một người con gái ngoan ngoãn, được mọi người đánh giá là con nhà giáo dưỡng thì phải biết nghe lời bố mẹ, làm theo những lời bố mẹ mà chủ yếu là người cha đề ra.

    + Xuất giá tòng phu (出嫁从夫 chū jìa cóng fū) : Đi lấy chồng phải nghe lời chồng. Người phụ nữ phải có trách nhiệm vun vén, tạo dựng hạnh phúc gia đình, giúp chồng làm lên nghiệp lớn.

    + Phu tử tòng tử (夫死从子 fū sǐ cóng zǐ) : Chồng chết phải nghe lời con. Nếu người chồng mất đi, thì người phụ nữ phải ở vậy nuôi con trưởng thành, và các việc trọng đại thì đều do con trai quyết định.

    Có thể thấy, ở bất cứ nơi đâu người phụ nữ đều bị lệ thuộc, không được bình đẳng với nam giới như ngày nay.

    2. Theo nghĩa gốc: có một hiểu lầm mà đó giờ chúng ta cứ mặc định là đúng. Chúng ta vẫn luôn cho rằng Tam Tòng là một hủ tục bất công đối với người phụ nữ trong xã hội phong kiến, coi thường và ức hiếp phụ nữ, không cho họ có thân phận gì, khiến họ luôn phải phụ thuộc vào đàn ông. Nhưng thật chất ý nghĩa của cụm từ này lại khác xa với những gì chúng ta vẫn nghĩ. Nó có nội hàm rất sâu sắc và nhân văn, nhưng đến thời hiện đại đã bị lợi dụng làm bình phong để đả phá phong kiến, và che giấu sự phá hoại văn hóa truyền thống 5000 năm.

    Cái khái niệm mà chúng ta vẫn thường hiểu bây giờ chỉ mới xuất hiện khoảng 100 năm trở lại đây thôi. Vậy nguồn gốc thật sự là từ đâu?

    Mách nhỏ nha, thuật ngữ "Tam Tòng" xuất hiện sớm nhất trong "Nghi Lễ" – Cuốn kinh điển Nho gia có từ thời đầu nhà Hán (khoảng năm 200 TCN), ghi chép lại những lễ nghi thời nhà Chu. Sách "Nghi lễ", phần "Tang phục – Tử Hạ truyện" viết rằng:

    "Phụ nữ không mặc tang phục 'trảm thôi' hai lần, điều này nghĩa là gì? Phụ nữ có cái nghĩa tam tòng, không có đạo dùng riêng. Do đó chưa lấy chồng thì theo cha, đã lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con (con trai). "

    (Nguyên văn: Phụ nhân bất nhị trảm giả, hà dã? Phụ nhân hữu tam tòng chi nghĩa, vô chuyên dụng chi đạo, cố vị giá tòng phụ, ký giá tòng phu, phu tử tòng tử)

    Cụ thể những "Nghi Lễ" đó như sau:

    Vị giá tòng phụ:

    Phụ nữ khi chưa lấy chồng, nếu cha mất thì mặc tang phục trảm thôi ('trảm thôi' là loại trang phục nặng nhất và được dệt bằng sợi đay thô nhất) trong ba năm. Đối với người thân khác mất thì cũng mặc tang phục giống theo người cha, tức lễ quy định người cha chịu tang người thân kia thế nào thì phụ nữ chưa lấy chồng cũng theo như thế ấy. Đó chính là nghĩa gốc của câu "Vị giá tòng phụ" (ở nhà thì theo cha).

    Ký giá tòng phu:

    Phụ nữ đã lấy chồng, khi chồng mất thì mặc tang phục trảm thôi trong 3 năm. Đối với người thân khác mất thì cũng mặc tang phục giống theo người chồng, tức là lễ quy định người chồng chịu tang đối với người thân đó như thế nào thì phụ nữ đã lấy chồng cũng theo như thế ấy. Đó chính là ý nghĩa gốc của câu "Ký giá tòng phu" (lấy chồng thì theo chồng).

    Phu tử tòng tử:

    Sau khi chồng chết thì phụ nữ chịu tang đối với những người thân khác giống theo con trai, tức là lễ quy định con trai chịu tang đối với người thân đó như thế nào thì người phụ nữ cũng chịu tang như thế ấy. Đó chính là ý nghĩa gốc của câu "Phu tử tòng tử" (chồng mất thì theo con trai).

    Như vậy, Tam Tòng là quy định về cách thức chịu tang đối với người phụ nữ: Khi họ chưa lấy chồng thì theo cách thức của cha, đã lấy chồng thì theo cách thức của chồng, còn sau khi chồng mất thì theo cách thức của con trai. Vì thế cả cuộc đời người phụ nữ chỉ chịu tang với nghi thức cao nhất một lần, tức mặc trảm thôi trong 3 năm chỉ một lần trong đời. Đó chính là ý nghĩa câu "Phụ nhân bất nhị trảm giả".

    Thời cổ đại quy định có 5 loại tang phục, gọi là ngũ phục, bao gồm: Trảm thôi, tư thôi, đại công, tiểu công và ti ma. Thế nên, tam tòng chỉ là thuật ngữ về tang lễ phục cổ đại quy định cho người phụ nữ, hoàn toàn không liên quan đến nghĩa vụ phục tùng. Do chế độ lễ nghi cổ đại rất chi tiết nên qua các triều đại đã dần dần bị đơn giản hóa, giản lược dần.

    3. Theo nghĩa biến dị: như mình đã nói bên trên, ý nghĩa của từ "Tam Tòng" đã bị sai lệch với khái niệm gốc. Vậy bắt đầu từ khi nào nó bị hiểu sai lệch, và mức độ sai lệch như thế nào? Bạn sẽ biết ngay sau đây!

    Lần biến dị thứ nhất:

    Đến cuối thời Tây Hán, tức khoảng 200 năm sau khi kinh sách "Nghi lễ" ra đời, thì những nghi lễ ấy đã được Đới Đức đem giản hóa từ 130 chương chỉ còn 85 chương, đặt tên là "Đại Đới lễ ký". Trong chương "Bản mệnh thứ 18" sách "Đại Đới lễ ký" có viết rằng:

    "Phụ nữ là người theo, đàn ông là chủ động. Phụ nữ nghe theo lời dạy bảo của đàn ông, từ đó tăng trưởng hiểu biết về nghĩa lý, do đó gọi là phụ nữ. Phụ nữ là người cúi đầu trước người khác, là do cái nghĩa không được tự ý chuyên chế, có cái đạo tam tòng. Ở nhà thì theo cha, về nhà chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con trai, không được tự ý theo sở thích".

    (Nguyên văn: "Nữ giả, như dã, tử giả, tư dã. Nữ tử giả, ngôn như nam tử chi giáo nhi trưởng kỳ nghĩa lý giả dã, cố vị chi phụ nữ. Phụ nữ, phục ư nhân dã, thị cố vô chuyên chế chi nghĩa, hữu tam tòng chi đạo: Tại gia tòng phụ, thích nhân tòng phu, phu tử tòng tử, vô sở cảm tự toại dã.")

    Như vậy, nếu như từ thời nhà Chu đến thời Tần, Tam Tòng là chỉ qui định về tang lễ phục cho phụ nữ, thì đến thời Tây Hán đã phát sinh biến đổi. Thời Tây Hán, một phần là do các lễ nghi có từ thời Chu nay đã bị giản lược, một phần là do hầu hết phụ nữ đều không được đi học, do đó họ không được tự tiện tùy ý làm theo ý thích mà phải nghe theo lời dạy bảo và chỉ dẫn của những người được học hành về đạo lý, lễ nghĩa, và nghi thức – đó là cha, chồng và con trai.

    Có lẽ đây là ý nghĩa được sử dụng lâu dài nhất suốt gần 2000 năm. Đại đa số người hiện đại khi nghiên cứu về tam tòng thì đều căn cứ từ tài liệu và ý nghĩa này. Có thể thấy, nếu ghép vào ngữ cảnh đương thời thì thấy quy định ấy cũng hoàn toàn hợp lý, không có ý nghĩa cưỡng chế ép buộc phụ nữ phải phục tùng nam giới vô điều kiện suốt cuộc đời.

    Lần biến dị thứ hai:

    Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, các nước thắng trận đã ký kết bản Hiệp ước Versailles, trong đó có điều khoản chuyển giao chủ quyền tỉnh Sơn Đông từ tay Đức sang cho Nhật Bản. Vào ngày 4 tháng 5 năm 1919 đã xảy ra Phong trào Ngũ Tứ, tức phong trào của sinh viên và trí thức Trung Quốc đứng lên kêu gọi chống lại quyết định này. Sau đó phong trào chuyển sang chống lại chính phủ Trung Hoa Dân Quốc và lan rộng khắp 22 tỉnh và 150 thành phố ở Trung Quốc.

    Từ Phong trào Ngũ Tứ trở đi, một số người cầm quyền đã bắt đầu bóp méo nghĩa ban đầu, giải nghĩa thành người phụ nữ cả đời phải phục tùng và nghe theo đàn ông, không có bất cứ quyền lợi hay tự do gì. Họ đã bịa đặt và giải thích lệch lạc ý nghĩa đích thực, để kích động nữ giới đấu tranh 'giành quyền lợi', 'bình quyền', mà thực chất là lợi dụng để che đậy mưu đồ chính trị phía sau.

    Cũng từ sau phong trào Ngũ Tứ, đã bắt đầu nổi lên các phong trào đổi mới nhằm chống lại truyền thống, xóa bỏ văn phong văn ngôn, chuyển sang văn phong bạch thoại. Nghĩa là lối dùng từ ngữ và hành văn truyền thống suốt mấy nghìn năm đã bị phá bỏ, thay vào đó là dùng văn nói, tức khẩu ngữ. Cùng với đó là thay thế chữ Hán truyền thống bằng chữ Hán giản thể, quá trình này được thúc đẩy trong suốt mấy chục năm liền. Tiếp đó, phong trào 'phá tứ cựu' đã đốt phá hầu hết các văn vật và tài liệu cổ xưa.

    Cũng từ đó, những trí thức muốn tìm hiểu về văn hóa truyền thống gần như không thể tiếp cận được tài liệu gốc ban đầu. Số tài liệu ít ỏi còn lại thì rất ít người đọc hiểu được, do thay đổi về chữ viết (từ phồn thể sang giản thể), và hành văn (văn ngôn sang bạch thoại). Do đó đã khiến "Tam tòng" bị coi là tội ác và bất công của xã hội phong kiến đối với phụ nữ, mà chúng ta vẫn lầm tưởng đến tận bây giờ.

    Thú vị quá các bạn nhỉ? Bản thân mình trước giờ cũng cứ tưởng "Tam Tòng" là thể hiện sự hà khắc của người xưa đối với phụ nữ. Bây giờ, đã được khai sáng đôi chút!

    Mà đã nhắc đến Tam Tòng, thì không thể thiếu Tứ Đức rồi.

    Tứ Đức Là Gì: (Tiếng Trung Quốc: 四德 sì dé)

    [​IMG]

    1. Theo nghĩa Hán Việt:

    Tứ (四 sì) : Là bốn.

    Đức (德 dé) : Là đạo đức, phẩm chất tốt đẹp, quy phạm mà con người phải tuân theo.

    Hiều đơn giản nhất, thì Tứ Đức là bốn đạo đức, phẩm chất tốt đẹp mà một người phụ nữ phải nên có, với bốn đức tình tiêu biểu là: Công - Dung - Ngôn - Hạnh

    2. Nguồn gốc:

    Tứ Đức vốn là một giáo lý gắn bó hữu cơ với Tam tòng. "Phụ Hành Đệ Tứ" một chương trong sách "Nữ giới" giải thích về Tứ đức trong "Lễ ký". "Nữ giới" là sách của Ban Chiêu thời Đông Hán. Ban Chiêu am hiểu kinh điển Nho gia, lại dạy dỗ hậu phi trong cung về phụ đức, kinh sử, vì thế hiểu rất rõ về những tấm gương phụ đức thời trước. Về đời tư, bà góa chồng rất sớm, nhiều năm thủ tiết. Với những kinh nghiệm và học vấn như vậy, bà đã viết "Nữ giới" để răn dạy các con gái. Bà không thể ngờ rằng "Nữ giới" lại trở thành quyển sách giáo khoa hàng đầu cho phụ nữ phong kiến hàng nghìn năm. Sách gồm bảy chương.

    Trong đó, Tứ đức (四德) có nguồn gốc từ Chu lễ, Thiên quan trủng tể: Cửu tần chưởng phụ học chi pháp, dĩ cửu giáo ngự: Phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công (九嬪掌婦學之法, 以九教禦:婦德、婦言、婦容、婦功).

    3. Nghĩa của từng đức tính:

    + Công (功 gōng) : Là công lao, sự nghiệp, việc lớn. Có nghĩa là người phụ nữ khéo léo trong việc làm, đảm đang, tháo vát. Sự nghiệp lớn của người phụ nữ đó là chăm sóc con cái, gìn giữ gia đình hòa thuận hạnh phúc. Như lao động giỏi trên đồng ruộng với những đường cày thẳng tắp, với cấy lúa thẳng hàng, biết nội trợ, biết lo toan sắp xếp mọi công việc trong gia đình. Từ việc lo "cái mặc" như việc trồng dâu, chăn tằm, kéo sợi, dệt vải, rồi vá may, thêu thùa.. phải thông thạo. Đến việc lo "cái ăn" như việc cấy hái, trồng trọt, cơm nước, nấu nướng cho bữa ăn hàng ngày, biết lo chu tất cho mâm cỗ, bánh trái cho ngày giỗ, ngày tết. Có thế khi "ra ở riêng" mới gánh vác nổi "Giang sơn nhà chồng". Chữ công đó sau này trở thành chuyên ngành nữ công gia chánh của phụ nữ. Người phụ nữ giỏi nữa thì có thêm cầm kỳ thi họa, tức là biết đàn hát, đánh cờ, làm thơ và vẽ tranh.

    + Dung (容 róng) : Là dung mạo. Dung mạo ở đây không chỉ chỉ ngoại hình, vóc dáng mà còn chỉ cách ăn mặc, trang điểm sao cho dáng người phụ nữ phải hòa nhã, gọn gàng sạch sẽ, biết tôn trọng hình thức bản thân. Thái độ, tư thế nhẹ nhàng, đoan trang, nghiêm chỉnh nhất có thể.

    + Ngôn (言 yán) : Là lời ăn tiếng nói. Ngôn có mặt trong tứ đức là bởi xã hội xưa cho rằng người phụ nữ phải biết cách ăn nói sao cho nhẹ nhàng, khoan thai, dịu dàng, không thô tục, hỗn hào. Cũng đừng the thé, phải mềm mỏng cho ai cũng dễ nghe. Ngoài ra, đó còn là cách phát ngôn trong ứng xử hàng ngày, với mọi thứ bậc và mọi mối quan hệ gia đình, xã hội như: Ông bà, cha mẹ, anh chị em, cô dì, chú bác, chồng con, xóm giềng.. Nếu trong các mối quan hệ ấy, việc sử dụng ngôn từ tỏ ra biết phải trái, biết điều hay điều dở, để phân biệt đối xử và ứng xử, khiến ai cũng vừa lòng và nể trọng. Người như thế được xem là người có văn hóa, có giáo dục.

    Trong dân gian người ta vẫn định chuẩn rằng: Cô gái biết nói năng mạch lạc, biết thưa gửi rành rẽ. Lời nói điềm đạm, lễ độ, ngọt ngào, biết trên biết dưới với bố mẹ, với anh em nhà chồng bà con họ mạc và bè bạn.

    Đối với chồng thì: Chồng giận, vợ nên làm lành. Rồi đợi lúc nào chồng nguôi giận, vợ chồng bên nhau, người vợ mới tỉ tê nhỏ to "góp ý". Chỉ có thế mới giữ được tổ ấm gia đình.

    Thật ra, mối quan hệ này vô cùng phức tạp và tế nhị. Không phải ai cũng làm được.

    + Hạnh (德 dé) : Chính là đức hạnh, đạo làm người quan trọng nhất của người phụ nữ. Vì trong sự đánh giá toàn diện về con người, xã hội ta thường coi trọng đạo đức hơn cả. Thế mà không hiểu tại sao trong trật tự này, người ta lại xếp Hạnh vào hàng cuối. Có lẽ, Hạnh ở đây, người xưa muốn đề cập đến vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Một người phụ nữ đức hạnh sẽ biết cách giáo dục con cái. Bởi họ có ảnh hưởng rất lớn trong việc nuôi dạy con cái. Nếu con hư, trách nhiệm đầu tiên xã hội quy về người mẹ: "Con hư tại mẹ". Nếu nhà có nề nếp kỷ cương, xã hội cũng quy công cho người mẹ: "Phúc đức nhờ mẹ".

    Ngoài ta, Hạnh còn nói đến người phụ nữ nên biết cách dung hòa mối quan hệ trong gia đình, làm trong bổn phận và nghĩa vụ với ông bà, cha mẹ, anh chị em, con cháu, họ hàng, xóm giềng và các mối quan hệ xã hội khác. Cụ thể là phải nết na trên kính, dưới nhường, ở trong nhà chiều chồng thương con, và hiền hậu với anh em họ hàng nhà chồng. Ra ngoài thì nhu mì chín chắn, không hợm hĩnh mà cũng không cay nghiệt với ai.

    Thực ra, Tứ Đức thời xưa cũng chỉ ở các gia đình Hoàng tộc quyền quý, thượng lưu thì các cô con gái mới có được sự giáo dục đầy đủ, và có điều kiện để thực hành những khuôn mẫu văn hóa ấy. Chứ còn ở tầng lớp trung lưu và dân thường, đặc biệt là nông dân thì Tứ Đức lại được hiểu một cách cụ thể hơn (thậm chí thô thiển hơn), ví dụ: Chữ Ngôn chẳng hạn, người ta hiểu rằng: Phụ nữ mà giọng khàn hoặc chua thì ngôn coi như hỏng; hoặc như chữ Dung thì thường được hiểu nghiêng về khía cạnh sắc đẹp của người phụ nữ như: Khuôn mặt trái xoan, thắt đáy lưng ong, răng đen hạt huyền..

    Người Phụ Nữ Hiện Đại Có Cần Tuân Thủ Tam Tòng - Tức Đức Không?

    [​IMG]

    Riêng quan điểm cá nhân của mình là nên, vì đơn giản điều gì tốt thì ta nên học theo. Nhất là bốn phẩm chất trong Tứ Đức. Nhưng chúng ta học theo trong sự chọn lọc, và làm theo trong chính kiến.

    Trường hợp ta còn nhỏ thì không nói, ta phải nghe theo lời ba mẹ, thầy cô dạy bảo để nên người là điều đương nhiên. Nhưng khi ta lớn, ta vẫn phải nghe theo lời ba mẹ. Nếu đúng, thì đương nhiên ta nhẹ nhàng chấp nhận. Nếu sai, thì nên từ từ kiên nhẫn thuyết phục lý giải để ba mẹ hiểu. Đừng nóng tính, cự cãi chỉ khiến mọi việc thêm tồi tệ, và làm tổn thương những đấng sinh thành, và tổn thương cả chính mình. Vì có ai muốn làm ba mẹ mình buồn đâu chứ!

    Còn về chồng, việc theo chồng là đương nhiên. Vì đó là người bạn đã lựa chọn sẽ ở bên bạn đến cuối đời. Nhưng cái theo này phải hiểu là theo trong sự chung thủy một vợ một chồng, tôn trọng nhau, chứ không phải là sự áp đặt, trói buộc, và ích kỷ. Theo trong việc cả hai cùng nhìn về một phía để hướng tới xây dựng gia đình, chăm sóc con cái, làm giàu cho gia đình và xã hội. Dù xã hội hiện nay đã rất thoáng trong suy nghĩ, nhưng bản thân chúng ta cũng đâu có ai chấp nhận được người phụ nữ lấy chồng rồi còn bồ bịch, lăng nhăng đàn đúm bên ngoài, làm suy đồi đạo đức. Đúng không nè?

    Còn về con cái, khi con cái trưởng thành, có sự nghiệp thành gia lập thất, thì cũng là lúc chúng ta đã già, nên việc nương tựa vào con cái cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng đừng để mình trở thành gánh nặng cho con cái. Và cũng đừng đòi hỏi, đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái phải chăm lo, phụng dưỡng mình đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó, cũng nên luôn luôn dõi theo con mọi lúc mọi nơi, không phải là để quản lý hà khắc, mà là để ngăn chặn, khuyên nhủ, thức tỉnh, và định hướng kịp thời. Vì không phải lúc nào con cái cũng có suy nghĩ và quyết định đúng đắn, dù có trưởng thành đi nữa!

    Xin nhắc lại, đây chỉ là ý kiến cá nhân của mình thôi. Các bạn có thể tự suy ngẫm theo cách riêng của các bạn, để dung hòa được câu: "Tam Tòng - Tứ Đức" hợp lý nhất trong cuộc sống của chính bạn nha.

    Cảm ơn đã các bạn đã đọc bài viết của mình!

    Nguồn: Tổng hợp.
     
    cobematduongshasha thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...