Có lẽ có rất nhiều bạn đã tham gia các hoạt động hiến máu tình nguyện thậm chí là thành viên tích cực hỗ trợ hoạt động này, nhưng cũng có rất nhiều bạn trẻ còn thờ ơ với nó. Các bạn đều biết máu là một thành phần cực kỳ quan trọng trong cơ thể và quyết định sự sống. Tuy nhiên có rất nhiều trường hợp bệnh nhân cần được sự hỗ trợ từ bên ngoài, nói dễ hiểu là truyền máu từ bên ngoài để hỗ trợ họ trong điều trị bệnh. Đó là lý do tại sao các ngân hàng máu ra đời và tiền hành thu thập máu từ những người tình nguyện hiến máu để phục vụ cho mục đích y học. Trong phạm vi bài viết này mình hi vọng có thể chia sẻ những thông tin mà mình cho là quan trọng giúp các bạn tìm hiểu về hành động đầy ý nghĩa này. 1. Hiến máu là gì? Máu gồm có huyết tương chiếm 55% thể tích máu và các tế bào máu chiếm 45% còn lại. Các tế bào máu gồm có hồng cầu chiếm số lượng nhiều nhất, kế tiếp là bạch cầu và tiểu cầu. Hiến máu là khi một người tự nguyện cho máu của mình để sử dụng cho các mục đích khác nhau. Thông thường người hiến máu đa phần phục vụ cho các mục đích y học như truyền máu hay chế tạo dược phẩm bằng quá trình phân đoạn. Máu được hiến có thể là máu toàn phần hoặc chỉ hiến một thành phần của máu như tiểu cầu, huyết tương. Đời sống của hồng cầu là khoảng 90 ngày, mọi hồng cầu lưu hành trong máu đều lần lượt được tủy xương sinh ra và được thay thế sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Vậy nên, khi cho đi một phần lượng máu rất nhỏ trong cơ thể, đối với bản thân người cho sẽ không bị ảnh hưởng gì mà lượng máu bị mất sẽ nhanh chóng được tái tạo bù đắp trở lại. 2. Ai là người cần truyền máu? Tại sao nhu cầu truyền máu lại nhiều như vậy? Nói cách khác lượng máu thu được từ người hiến máu sử dụng để làm gì? Có rất nhiều người chưa tích cực với hoạt động hiến máu vì chưa nhận thức được sự cần thiết của máu trong điều trị bệnh. Đối với bạn có thể là một lượng máu rất nhỏ trong cơ thể nhưng đối với các bệnh nhân cần truyền máu đó lại là vấn đề liên quan đến tính mạng. Ở Việt Nam hiện nay, các trường hợp bệnh nhân rất cần được truyền máu gồm: Bệnh nhân mất máu trầm trọng do phẫu thuật hoặc do tai nạn: Đây là nhóm bệnh nhân cần truyền máu dễ thấy nhất trong đời sống. Các tai nạn và phẫu thuật dẫn đến mất máu có nhiều lý do và nguyên nhân khác nhau. Bệnh nhân thuộc trường hợp này thường cần lượng máu trong thời gian ngắn có tính chất cấp cứu. Sau khi hoàn thành phẫu thuật hoặc được chữa trị thì nhóm bệnh nhân này có thể phục hồi và không cần truyền máu nữa. Bệnh nhân mắc bệnh thiếu máu, chảy máu hay rối loạn đông máu: Đây là nhóm bệnh nhân có nhu cầu sử dụng lượng máu lớn nhất và lâu dài. Phần lớn máu thu được và lưu trữ trong ngân hàng máu sử dụng điều trị cho nhóm bệnh này. Các bệnh này đều không thể chữa khỏi bằng phương pháp thông thường và đa phần bệnh nhân buộc phải sống chung với nó và điều trị suốt đời. Một số loại bệnh buộc bệnh nhân phải truyền máu liên tục đến hết đời. Một số thông tin về các loại bệnh về máu thường gặp: Tan máu bẩm sinh: Là một bệnh lý huyết học di truyền liên quan đến sự bất thường của hemoglobin (một cấu trúc protein trong hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy). Ở bệnh nhân Thalassemia, các hồng cầu bị phá hủy quá mức dẫn đến tình trạng thiếu máu. Bệnh nhân ở thể nặng cần phải truyền máu và thải sắt đều đặn để duy trì hoạt động cơ thể bình thường. Rối loạn đông máu: Hay hội chứng máu chảy mà không đông lại như bình thường do sự thiếu hụt các yếu tố đông máu. Có thể do sự thiếu hụt protein trong máu hoặc protein có tồn tại nhưng hoạt động không bình thường khiến máu khó đông. Bệnh nhân mắc bệnh này khi gặp vết thương sẽ chảy máu liên tục, khó cầm máu và mất máu nhiều. Hỗ trợ điều trị một số bệnh lý và rối loạn máu khác: Ngoài ra máu được hiến cũng được sử dụng điều trị một số loại bệnh hoặc sử dụng cho nghiên cứu y học. 3. Tại sao luôn có các chương trình vận động hiến máu tình nguyện? Bởi vì cho đến nay, máu là loại chế phẩm sinh học duy nhất chưa thể tổng hợp nhân tạo được. Nói cách khác, khi bệnh nhân cần truyền máu, nguồn máu có được hoàn toàn là từ người hiến máu. Máu và các chế phẩm máu từ người hiến sẽ được sử dụng để thay thế cho lượng máu đã mất ở người nhận và điều chỉnh những bất thường trong máu mà không có bất kỳ giải pháp nào có thể thay thế được. Vì vậy, để có máu cứu chữa người bệnh, các cơ quan y tế luôn phải tổ chức vận động người hiến máu. Ở Việt Nam nguồn máu thu được từ các nhóm người hiến máu chủ yếu sau: Sinh viên: Đây là lực lượng đông đảo và nhiệt tình với các hoạt động này nhất. Tuy nhiên trong các kỳ nghỉ, nguồn máu hiến từ nhóm này bị giảm mạnh làm ảnh hưởng đến nguồn bổ sung vào ngân hàng máu Công nhân, viên chức: Đối với nhóm này, vướng mắc lớn là rất nhiều người có điều kiện nhưng không thể sắp xếp thời gian tới các cơ sở hiến máu, vì vậy cần tạo điều kiện thuận tiện về thời gian, đi lại. Y bác sỹ: Lực lượng y bác sỹ là lực lượng nhiệt tình vì họ hiểu được sâu sắc ý nghĩa của hoạt động, tuy nhiên số lượng ít. Các chiến dịch hiến máu ở địa phương cũng góp phần huy động nhiều người tham gia và mở rộng đối tượng biết đến ý nghĩa của hoạt động. 4. Máu sau khi được hiến xử lý như thế nào? Trước hết cần phải hiểu rõ rằng không phải tất cả máu thu được đều có thể được sử dụng. Các đơn vị máu toàn phần hoặc chế phẩm máu thu được bằng gạn tách phải được thưc hiện các xét nghiệm bắt buộc sau: Xét nghiệm định nhóm máu ABO, xét nghiệm Rh (D), xét nghiệm sàng lọc HIV, viêm gan virut B, viêm gan virut C, giang mai, sốt rét. Máu nhiễm các loại bệnh truyền nhiễm sẽ không thể sử dụng được và phải loại bỏ. Túi máu toàn phần sau khi tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện sẽ được đưa vào hệ thống để điều chế và chiết tách ra các "Chế phẩm máu". Mỗi loại Chế phẩm máu sẽ có tiêu chuẩn chất lượng, điều kiện bảo quản và thời gian sử dụng riêng phù hợp với chức năng điều trị bệnh của từng loại Chế phẩm máu. Tùy nhu cầu của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ điều trị có chỉ định sử dụng các Chế phẩm máu phù hợp theo nguyên tắc thiếu thành phần nào truyền thành phần máu đó. Máu và các chế phẩm máu sau đó sẽ được lưu trữ và bảo quản trong các tủ bảo quản lạnh của kho máu theo thời gian. Điều kiện bảo quản của máu và các chế phẩm máu là hoàn toàn khác nhau. Đó là lý do tại sao máu là do người hiến máu tình nguyện hiến nhưng bệnh nhân được nhận máu hiến cần phải trả phí. Đó là các chi phí y tế phục vụ cho thu thập, chiết tách và bảo quản máu. Hiến máu không có hại cho cơ thể của người hiến, thậm chí, hiến máu còn được xem là một cơ hội giúp sức khỏe được tăng cường tốt hơn, bao gồm: Giúp kích thích khả năng tạo máu, thải sắt, được khám sức khỏe và được xét nghiệm nhóm máu và các bệnh lý truyền nhiễm thông thường khi đi hiến máu. Dù sau khi hiến máu, sự thiếu máu tạm thời có thể khiến bạn cảm giác mệt mỏi nhẹ. Tuy nhiên, cảm giác này chỉ tồn tại trong ngày hôm đó. Chỉ cần bạn nằm nghỉ một chút sau khi hiến xong, làm việc nhẹ nhàng, ăn uống đầy đủ và ngủ đủ giấc, lượng máu sẽ nhanh chóng hồi phục. Hơn nữa niềm vui khi thực hiện một hành động đẹp sẽ khiến bạn cảm thấy phấn chấn, trở nên hạnh phúc hơn, yêu đời hơn. Mong rằng chủ đề này sẽ đem lại cho các bạn thêm thông tin và là động lực để các bạn sẵn sàng tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo. Chúc các bạn luôn khoẻ, yêu đời và sống thật có ý nghĩa.